Có người hỏi: Thầy thường khuyên người niệm Phật A-di-đà,
vậy đức Phật ấy có nguyên nhân quá khứ như thế nào tôi chưa
được biết?
Tông Bổn đáp rằng: “Nguyên nhân quá khứ của đức Phật A-di-đà
được ghi chép rất nhiều trong kinh điển. Này xin lược dẫn
đôi điều để trả lời cho câu hỏi này.
Trong kinh Cổ Âm Vương có chép rằng: Trong kiếp quá khứ lâu
xa, có nước tên Diệu Hỷ. Vua nước ấy tên Kiều-thi-ca, ông
nội là quốc vương Thanh Thái, cha là Chuyển luân vương
Nguyệt Thượng, mẹ là Thù Thắng Diệu Nhan. Vương hậu sanh
được ba người con trai: con trưởng là Nguyệt Minh, con thứ
là Kiều-thi-ca, con thứ ba là Đế Chúng.
Khi ấy, có Phật ra đời hiệu là Thế Tự Tại Vương Như Lai.
Kiều-thi-ca bỏ ngôi vua, xuất gia theo Phật, hiệu là tỳ-kheo
Pháp Tạng. Ngài cung kính đối trước đức Như Lai phát bốn
mươi tám lời nguyện lớn, rộng độ tất cả chúng sanh trong
khắp mười phương. Nếu một trong các lời nguyện ấy không
thành tựu trọn vẹn, ngài quyết sẽ không thành Phật.
Khi ấy, chư thiên rảy hoa trời, mặt đất chấn động, giữa hư
không có tiếng ngợi khen, nên biết chắc ngài sẽ thành Phật.
Lại trong kinh Bi Hoa có chép rằng: Trong kiếp quá khứ có vị
Chuyển luân vương tên là Vô Tránh Niệm, có quan đại thần tên
Bảo Hải, là bậc thiện tri thức của vua. Cả hai đều đến cúng
dường đức Phật Bảo Tạng, phát tâm Bồ-đề. Chuyển luân vương
phát nguyện rằng: Khi tôi thành Phật, sẽ ở tại cõi thế giới
thanh tịnh và an vui mà nhiếp thọ tất cả chúng sanh. Quan
đại thần phát nguyện rằng: Khi tôi thành Phật, sẽ ở tại cõi
thế giới xấu ác có năm sự uế trược khổ não mà độ thoát tất
cả chúng sanh. Vua Vô Tránh Niệm chính là đức Phật A-di-đà,
còn quan đại thần Bảo Hải chính là đức Phật Thích-ca Mâu-ni.
Từ thuở ấy đã có sự hòa hợp giữa vua tôi, gọi là hai pháp
môn điều phục và tiếp dẫn. Bởi vậy, đức Phật Thích-ca Mâu-ni
ở tại cõi Ta-bà mà điều phục chúng sanh, còn đức Phật
A-di-đà ở tại cõi Tịnh độ mà tiếp dẫn chúng sanh.
Kinh Pháp hoa có ghi lại chuyện này: Vào thời quá khứ cách
đây số kiếp nhiều như số hạt bụi nhỏ, khi đức Phật Đại Thông
Trí Thắng ra đời, đức A-di-đà và đức Thích-ca từng ở trong
số 16 vị vương tử thường giảng rộng kinh Pháp hoa, phát
nguyện cứu độ chúng sanh. Từ đó trải qua vô lượng kiếp, hai
ngài chẳng hề làm trái lời nguyện cũ.
Này các vị! Nên biết rằng ơn sâu của hai vị Di-đà, Thích-ca,
dầu cho tan xương nát thịt cũng chưa đủ báo đáp.
Lại hỏi: Trong mười phương có rất nhiều đức Phật, vì sao
người đời chỉ niệm riêng đức Phật A-di-đà?
Đáp: Đức Phật A-di-đà, xét về lý cũng đồng với chư Phật
nhưng về sự thì có khác. Vì thế nên chỉ niệm riêng danh hiệu
ngài.
Xét về lý, niệm một đức Phật cũng là niệm nhiều đức Phật,
niệm nhiều đức Phật cũng là niệm một đức Phật. Vì sao vậy?
Vì chư Phật đồng một bản thể. Kinh Hoa nghiêm dạy rằng: “Hết
thảy chư Phật đồng một pháp thân chân như bình đẳng không
phân biệt.” Chẳng phải là nói nghĩa này đó sao?
Nay tôi xin đưa ra một thí dụ để dứt lòng nghi cho ông. Như
trong một căn nhà có treo trăm ngàn tấm gương. Giữa nhà đặt
một ngọn đèn chiếu sáng, tức thì trong tất cả các tấm gương
đều có ánh sáng của ngọn đèn. Cũng vậy, nếu người niệm một
danh hiệu Phật A-di-đà tức là niệm đủ tất cả chư Phật.
Kinh Bát Châu Tam-muội dạy rằng: “Bồ Tát Bạt-đà-hòa hỏi đức
Phật Thích-ca Mâu-ni: Chúng sanh đời vị lai làm sao được
thấy chư Phật mười phương? Phật dạy nên niệm Phật A-di-đà
thì sẽ được thấy chư Phật mười phương.”
Vì chư Phật đồng thể, cho nên nói là đồng danh đồng hiệu.
Chẳng những chư Phật đồng danh đồng hiệu mà thôi, phải biết
rằng trong hàng Tứ thánh, Lục phàm cũng đồng lý ấy. Vì sao
vậy? Chư Phật ngộ tánh ấy nên là thánh, chúng sanh mê tánh
ấy nên là phàm. Cho nên hết thảy đều đồng lý ấy.
Xét về sự, đức Phật A-di-đà khởi lòng từ bi rộng lớn, hạnh
nguyện sâu dày, cho nên riêng niệm danh hiệu của ngài. Kinh
Đại A-di-đà ghi lời nguyện của ngài rằng: “Sau khi ta thành
Phật, cõi đất nơi thế giới của ta trang nghiêm thù thắng hơn
hết so với các cõi nước trong mười phương. Nếu không được
vậy, ta quyết không thành Phật.”
Lại nguyện rằng: “Sau khi ta thành Phật, sự thuyết giảng
kinh điển và tu hành đạo pháp đều nhiều hơn gấp mười lần so
với chư Phật. Nếu không được vậy, ta quyết không thành
Phật.”
Lại nguyện rằng: “Sau khi ta thành Phật, chúng sanh nào xưng
niệm danh hiệu ta, chắc chắn sẽ sanh về nước ta. Nếu không
được vậy, ta quyết không thành Phật.”
Vì sự phát nguyện lớn lao, nhân duyên mạnh mẽ, nên cảm động
người đời, khiến ai nấy đều xưng niệm danh hiệu ngài.
Lại không nghe bài kệ xưng tán Phật của Bồ Tát Đại Từ đó
sao? Kệ rằng:
Ba đời, mười phương Phật,
A-di-đà bậc nhất.
Chẳng phải đúng như vậy sao? Chẳng những hàng Bồ Tát xưng
tán, mà chư Phật mười phương cũng đều xưng tán, huống chi
bọn chúng ta chỉ là hạng phàm phu hèn kém? Bởi đó suy ra,
việc chuyên niệm danh hiệu Phật A-di-đà còn có gì phải nghi
ngờ nữa?
Lại hỏi: Nói rằng những người niệm Phật khi lâm chung được
Phật đến tiếp dẫn. Nhưng trong mười phương thế giới có vô số
người niệm Phật, làm sao biết được tất cả mà đúng lúc hiện
đến tiếp dẫn?
Đáp: Ví như mặt trời, mặt trăng trong một tiểu thế giới, ánh
sáng còn chiếu soi được khắp muôn loài, huống chi là hào
quang của đức Phật? Kinh A-di-đà chép rằng: “Vì sao đức Phật
ấy có hiệu là A-di-đà? Này Xá-lỵ-phất! Đức Phật ấy hào quang
sáng suốt vô lượng, chiếu khắp các cõi mười phương, không gì
ngăn che được, vậy nên có hiệu là A-di-đà.”
Nên biết rằng hào quang của Phật tỏa rộng không chi so sánh
được. Những vị A-la-hán hàng Tiểu thừa còn có được Tam minh,
Lục thông, có thể tùy ý hóa hiện, huống chi là thần thông
diệu dụng của Phật. Vì sao vậy? Thân thường lễ Phật thì được
Phật nhìn thấy, vì Phật có thiên nhãn thông. Miệng thường
niệm Phật thì được Phật nghe biết, vì Phật có thiên nhĩ
thông. Lòng thường nhớ nghĩ đến Phật thì được Phật thấu
biết, vì Phật có tha tâm thông.
Này các vị! Chỉ cốt tự mình bền chí, kính cẩn tu trì, không
nên nghi ngờ Phật không đủ sức tiếp dẫn.
Lại hỏi: Phật có hào quang vô lượng, vì sao tôi không nhìn
thấy?
Đáp: Mặt trời sáng rực nhưng kẻ mù không nhìn thấy. Đó chẳng
phải do mặt trời thiếu sáng, mà do kẻ ấy bị mù. Chúng sanh
bị nghiệp ác sâu dày che lấp nên không thấy được hào quang
của Phật. Như sự tối tăm bên trong cái chậu úp là do bị ngăn
che, không phải do ánh sáng mặt trời không muốn chiếu đến.
Nếu người giữ gìn trai giới tinh nghiêm, hết lòng niệm Phật
thì lúc lâm chung được nhìn thấy Phật A-di-đà, liền được
vãng sanh Tịnh độ.
Lại hỏi: Đức Phật đã có công đức như vậy, cần gì phải cất
tiếng niệm liên tục? Ví như có ai gọi tên tôi, bất quá cũng
chỉ gọi một, hai hay ba tiếng mà thôi. Nếu gọi mãi không
ngừng ắt phải làm cho tôi sanh bậc tức, chẳng phải vậy sao?
Đáp: Lập luận của ông như thế là sai lầm, khiến cho người
khác phải lẫn lộn, mê hoặc. Danh hiệu của chư Phật là bậc
Đại thánh, làm sao có thể so sánh như hạng phàm tục ngu si
đắm chấp trong thường kiến? Trước đây đã có nói rõ lời
nguyện của Phật rằng: “Xưng niệm danh hiệu của ta, chắc chắn
được sanh về cõi nước của ta.”
Trong Quán kinh dạy rằng: “Niệm một câu Nam-mô A-di-đà Phật
có thể diệt được tất cả tội nặng trong tám mươi ức kiếp sanh
tử.” Huống chi là niệm liên tục không dứt!
Kinh A-di-đà dạy rằng: “Nhờ xưng danh hiệu Phật nên các tội
đều diệt mất.” Sách Thế chí viên thông dạy rằng: “Nhớ tưởng
đến Phật, niệm Phật, chắc chắn được thấy Phật. Trên là bậc
nhất tâm bất loạn, chuyên trì danh hiệu; dưới cũng đạt đến
thập niệm thành công, vãng sanh Tịnh độ.”
Lẽ nào có thể để cho những kẻ nhiều chuyện nói ra lời sai
trái? Nay vì sao mà tôi khuyên người thường niệm danh hiệu
Phật? Trước hết là để gột sạch nghiệp ác nơi miệng, rồi sau
mới có thể làm cho trong sạch thân tâm.
Than ôi! Kẻ phàm phu khi niệm Phật mà còn có những ý tưởng
xấu khởi lên, huống chi là không niệm Phật? Nay tôi quán xét
thấy rằng, chẳng những là niệm tưởng đến đức Phật bên ngoài,
mà cũng chính là tự thức tỉnh bản tâm, đừng mê muội không
thấy được bản tánh. Ngay khi không còn mê muội bản tánh thì
ba nghiệp tự nhiên thanh tịnh. Khi ấy, Phật A-di-đà với ta
đồng một thể, không khác gì nhau; ta với Phật A-di-đà xưa
nay vốn chẳng phải hai, chưa từng phân biệt. Đó chính là sự
cảm ứng tương thông trong đạo, như mẹ con gặp nhau; sự và lý
đều rõ ràng, tánh và tướng đều gồm đủ.