Đánh mất phút giây hiện tại: là sai lầm căn bản
Cứ cho rằng rốt cuộc thì thời gian cũng chỉ là ảo tưởng, thì cuộc sống của tôi có gì khác không? Tôi vẫn phải sống trong một thế giới do thời gian chi phối hoàn toàn.
Sự thỏa thuận về mặt trí năng rằng thời gian chỉ là ảo tưởng vẫn chưa đủ, vì đó chỉ là một niềm tin không hơn không kém. Để nhận diện chân lý này, bạn phải thực sự sống với nó. Khi mỗi tế bào trong cơ thể bạn có mặt sâu sắc đến nỗi chúng rung lên với mỗi rung động của sự sống và khi bạn cảm nhận được niềm vui của trạng thái ung dung tự tại trong từng phút, từng giây, lúc ấy bạn đã thực sự thoát khỏi sự chi phối của thời gian.
Nhưng ngày mai tôi vẫn phải trả hóa đơn tiền điện, tiền nước... rồi tôi cũng sẽ già và chết như mọi người. Làm sao tôi có thể nói rằng tôi thoát ra khỏi sự khống chế của thời gian?
Dù ngày mai bạn có phải trả những hóa đơn hàng tháng, đó không phải là vấn đề. Xác thân bạn dù có tan rã đi, đó cũng không phải là vấn đề. Vấn đề ở đây là chỗ bạn đã đánh mất phút giây hiện tại, hay nói rõ hơn chính ảo tưởng cốt lõi này – đánh mất Hiện Tại – đã biến một tình huống, hoặc sự kiện, hay một cảm xúc đơn thuần trở thành một vấn đề rất lớn cho cá nhân bạn và đã tạo thành một nỗi khổ ở trong bạn. Đánh mất Hiện tại tức là đánh mất trạng thái ung dung tự tại(1).
Thoát khỏi sự khống chế của thời gian là thoát khỏi nhu cầu tâm lý tìm về quá khứ để tạo cho mình một tấm căn cước(2), và tìm đến tương lai để đạt được một điều mình mong cầu. Thoát khỏi sự khống chế của thời gian là biểu hiện của một sự chuyển hóa nhận thức sâu sắc nhất mà ta có thể đạt được. Trong vài trường hợp rất hiếm hoi, sự chuyển biến nhận thức xảy ra chỉ một lần, rất mạnh mẽ và triệt để. Thường đó là khi một người bị rơi vào trạng thái đau khổ tột cùng, buộc người đó phải đi đến một trạng thái chấp nhận hoàn toàn những bất hạnh ấy. Tuy nhiên, hầu hết những người khác đều phải đi qua sự thực tập rất bền bỉ, cam go.
Sau vài lần nếm được hương vị ngắn ngủi của những phút giây Vô Niệm – trạng thái tâm không bị lôi kéo bởi quá khứ và tương lai – chúng ta bắt đầu sinh hoạt giữa hai trạng thái đối nghịch của tâm: trạng thái tâm thường bị lôi kéo bởi quá khứ và tương lai và trạng thái tâm Hiện Tiền sâu sắc(3). Trước hết, chúng ta nhận thức rất rõ rằng tâm ta rất ít khi thực sự có mặt với Phút Giây Hiện Tại. Tuy nhiên, nhận thức đó đúng là một thành công rất lớn vì khi ta biết rằng ta không có mặt như thế tức là ta đã có mặt rồi, dầu chỉ có mặt vài giây lúc ban đầu, rồi lại rơi vào trạng thái quên lãng trở lại. Nhưng sau nhiều lần, bạn sẽ “chọn” để có mặt với phút giây hiện tại, với trạng thái tâm Hiện Tiền sâu sắc. Đó là điểm mà tâm thức bạn sẽ chú ý đến, chứ không phải là quá khứ hay tương lai nữa. Lúc này bạn có thể có mặt không chỉ một vài giây, mà sẽ lâu hơn nếu cảm nhận theo thời gian trên đồng hồ. Như vậy trước khi bạn có mặt hoàn toàn với phút giây hiện tại, tức là trước khi bạn hoàn toàn tỉnh thức, sẽ có một khoảng thời gian mà bạn dao động giữa tỉnh thức và mê lầm, giữa trạng thái có mặt sâu sắc và trạng thái mê mờ - tức là tình trạng sai lầm khi đồng nhất mình với suy nghĩ miên man của mình. Sau nhiều lần đánh mất Phút Giây Hiện Tại, rồi trở lại với phút giây hiện tại. Cuối cùng, trạng thái Hiện Tiền, trạng thái có mặt một cách sâu sắc với phút giây hiện tại là trạng thái chiếm ưu thế ở trong bạn.
Hầu hết, chúng ta hoặc không cảm nhận được trạng thái hiện hữu sâu sắc hoặc chỉ cảm nhận một cách tình cờ và ngắn ngủi trong một vài dịp hiếm hoi, và nhiều khi đang ở trong trạng thái đó, chúng ta cũng không biết được đó chính là trạng thái Hiện Tiền sâu sắc. Hầu hết nhân loại không được cơ may sinh hoạt giữa hai trạng thái tỉnh thức và mê mờ, mà thực ra, họ chỉ sinh hoạt giữa các cấp độ vô minh khác nhau.
Vô minh thông thường và vô minh sâu đậm
Ông muốn chỉ ra điều gì khi dùng từ “các mức độ vô minh khác nhau”?
Như bạn đã biết, khi đang ngủ, chúng ta luân chuyển qua lại giữa hai trạng thái giấc ngủ có mộng mị và giấc ngủ không mộng mị. Tương tự như thế, trong khi tỉnh táo, hầu hết chúng ta luân phiên sinh hoạt giữa hai trạng thái của tâm thức: vô minh thông thường và vô minh sâu đậm. Khi tôi nói vô minh thông thường, đó là khi bạn tự đồng hóa mình, hay cho rằng mình chỉ là những suy tư, cảm xúc, phản ứng, ham muốn, hoặc chối bỏ... đang xảy ra ở trong bạn(4). Nhưng đối với hầu hết mọi người thì chuyện tự đồng nhất mình một cách sai lầm, với những suy tư hay tình cảm ở trong mình… như thế lại là một trạng thái rất bình thường. Trong tình trạng ấy, trí năng sẽ chi phối bạn và bạn đánh mất ý thức về trạng thái an nhiên tự tại. Đây không phải là một trạng thái đau khổ hay bất hạnh được biểu hiện trong lòng bạn một cách rõ nét, mà chỉ là sự biểu hiện mơ hồ một cảm giác khó chịu, nhàm chán hay không hài lòng ở phía hậu trường của tâm thức. Có thể bạn không dễ gì nhận ra điều này vì nó quá “bình thường’. Cũng như khi bạn hơi khó chịu vì tiếng rì rì của cái máy điều hòa không khí đang chạy liên tục ở trong phòng, nhưng bạn không cảm nhận được trạng thái khó chịu mơ hồ này cho đến khi cái máy lạnh đó ngưng lại hẳn, lúc đó bạn mới cảm thấy thư thái, nhẹ nhõm ra. Để rũ bỏ sự khó chịu mơ hồ nhưng thường trực này, nhiều người thường bị rơi vào những thứ như rượu chè, ma túy, tìm lạc thú trong tình dục, trong thức ăn ngon, chúi đầu tìm quên trong công việc, hoặc xem truyền hình, hay thích đi mua sắm,… như một cách gây mê, cốt để tìm quên trạng thái khó chịu mơ hồ nhưng thường trực đó. Khi bạn làm những chuyện này, dù rằng một vài chuyện kể trên có thể mang lại hứng thú cho bạn nếu bạn làm có điều độ, những thứ đó đã bị biến thể thành một cái gì đó rất gượng ép hoặc gây nên tình trạng nghiện ngập ở trong bạn, và những gì bạn thu nhận được từ trong những chuyện này chỉ là một sự giảm thiểu nhanh chóng nhưng rất tạm thời những cảm giác bất an mơ hồ thường trực trong bạn.
Nhưng trạng thái bất an thường trực này của tâm thức vô minh thông thường sẽ nhanh chóng trở thành nỗi khổ đau của mê mờ sâu đậm – là trạng thái khi bạn cảm nhận rõ rệt và sâu sắc hơn nỗi khổ đau và bất hạnh ở trong lòng – khi có chuyện “trục trặc”, hoặc khi bản ngã bạn bị đe dọa hay khi bạn gặp một thử thách thức lớn lao, hoặc có nguy cơ bị mất mát hay có xung đột trong một quan hệ cá nhân... Mê mờ sâu đậm chỉ là một phiên bản của tâm thức mê mờ thông thường ở trong bạn, nhưng nó được biểu hiện với một cường độ mãnh liệt hơn, nếu có khác biệt chăng thì đó chỉ là sự khác biệt về mức độ, chứ không phải về loại tâm thức.
Trong trạng thái vô minh thông thường, thói quen chống đối hay phủ nhận những gì đang hiện hữu tạo nên một cảm giác bất an, không hài lòng,… mà hầu hết chúng ta coi đó là trạng thái bình thường. Khi thái độ chống đối, phủ nhận hiện tại này trở nên mãnh liệt hơn lúc bạn gặp phải những chuyện thách thức hay đe dọa tới bản ngã ở trong bạn, những chuyện đó sẽ nảy sinh những cảm xúc tiêu cực như: giận dữ, hoảng hốt, hung hăng, hay trầm cảm... ở trong bạn. Mê muội sâu đậm có nghĩa là khi khối khổ đau sâu dày ở trong bạn bị kích thích, bạn tự đồng nhất mình với với khối khổ đau đó(5). Vô minh sâu đậm là nguyên nhân của những hành động có tính chất bạo động ở trong bạn. Bạo động cũng dễ dàng xảy ra bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào có một số đông người tụ tập và phát ra một trường năng lượng tiêu cực của tập thể đó.
Cách bạn xử lý những thách thức trong cuộc sống là dấu hiệu rõ ràng nhất chỉ rõ trình độ của tâm thức. Do đó đối với một người vốn đã mê mờ thì họ sẽ càng mê mờ hơn và một người đã tỉnh thức thì sẽ càng tỉnh thức hơn. Bạn có thể dùng những thử thách, khó khăn đó để giúp cho bạn đi đến giác ngộ hoặc để những thử thách đó đưa bạn đi vào một trạng thái ngủ mê của tâm thức, làm cho vô minh ở trong bạn sâu đậm hơn. Lúc đó trạng thái vô minh thông thường ở trong bạn sẽ biến thành một cơn ác mộng.
Nếu bạn không thể có mặt ngay trong những tình huống bình thường như khi đang ngồi trong phòng một mình, đang đi bộ ở trong rừng, hay đang lắng nghe ai, thì chắc chắn bạn không thể tỉnh thức khi có một chuyện gì “trục trặc”, khi bạn gặp một người bạn không muốn gặp, hoặc gặp một tình trạng khó khăn, bị mất mát hay có nguy cơ bị mất mát. Lúc đó bạn sẽ dễ dàng bị khống chế bởi những phản ứng, mà rốt cục chỉ là sự biểu hiện của một dạng nào đó của niềm sợ hãi, và bạn bị đưa trở vào trạng thái mê mờ. Nhưng những thách thức đó chính là thước đo chính xác trình độ tỉnh thức của bạn. Chỉ qua cách mà bạn đối phó với nghịch cảnh thì bạn, hoặc người khác, mới biết bạn đang ở mức độ tỉnh thức nào, chứ không phải là chuyện bạn có thể ngồi thiền được bao lâu hoặc bạn đã nhìn thấy được viễn tượng gì trong khi thiền quán.
Do đó, việc thực tập nuôi lớn ý thức sng tỏ trong đời sống hằng ngày(6), nhất là trong những tình huống rất bình thường khi mọi việc đang diễn ra khá suôn sẻ, là một điều rất cần thiết. Theo cách này, khả năng có mặt của bạn trong giây phút hiện tại sẽ lớn dần lên. Có một trường năng lượng có tần số rung cao sẽ được tạo ra trong bạn và chung quanh bạn. Không có sự mê mờ, tiêu cực, xích mích hay bạo lực nào có thể len lỏi vào trường năng lượng đó mà có thể sống sót, cũng như bóng tối trong một căn phòng không thể tồn tại khi có sự hiện diện của ánh sáng.
Khi bạn thực tập làm một chứng nhân cho những suy nghĩ và cảm xúc miên man ở trong đầu bạn, một phần cơ bản của sự thực tập có mặt với những gì đang xảy ra, bạn có lẽ sẽ ngạc nhiên, khi lần đầu, bạn cảm nhận được sự quấy nhiễu ở đằng sau trong tâm thức bạn bởi trạng thái tâm thức mê mờ thông thường và hiếm khi, hoặc chẳng bao giờ, bạn có được sự thanh thản ở nội tâm. Về mặt suy nghĩ, bạn sẽ tìm thấy có nhiều sự chống đối ở trong lòng dưới dạng những phán xét, bất mãn và bạn có khuynh hướng phóng tâm khỏi Phút Giây Hiện Tại. Về mặt cảm xúc, bạn sẽ cảm nhận được một dòng chảy ngấm ngầm của nỗi bất an, căng thẳng, chán nản và hồi hộp. Cả hai đều là khía cạnh của trí năng dưới phương thức chống đối theo thói quen.
Những người da trắng ấy đang đi tìm cái gì vậy?”
Trong một cuốn sách của mình, Carl Jung có kể về một cuộc nói chuyện giữa ông với một thủ lĩnh người Mỹ da đỏ. Ông này cho biết là trong cảm nghĩ của ông, hầu hết những người đàn ông da trắng đều có một bộ mặt rất căng thẳng, hai mắt nhìn chòng chọc và thái độ tàn nhẫn. Vị thủ lĩnh nói tiếp: “Họ luôn luôn như muốn tìm kiếm một cái gì. Họ đi tìm cái gì vậy? Những người da trắng này luôn luôn muốn một cái gì đó. Họ luôn luôn bứt rứt, không yên. Chúng tôi không biết họ muốn gì(7). Chúng tôi nghĩ có lẽ họ điên hết rồi”.
Dòng chảy của nỗi bất an thường trực trong con người đã có từ lâu, dĩ nhiên cả trước khi nền văn minh công nghiệp phương Tây xuất hiện. Tuy nhiên, dòng chảy này bộc lộ một cách sâu sắc chưa từng có trong nền văn minh phương Tây. Và khi nền văn minh này gần như bao trùm cả thế giới như ngày nay thì sự bất an bất an đó cũng đang thấm vào đại đa số người phương Đông. Nỗi bất an thường trực này đã có từ trước khi Đức Phật, Chúa Jesus ra đời.. Đức Phật cũng đã dạy rằng, cội nguồn của khổ đau nằm ở lòng ham muốn và thèm khát không nguôi của ta. Chúa Jesus cũng đã có lần hỏi các đệ tử của ngài: “Sao các con cứ mãi băn khoăn vậy? Nỗi lo lắng ấy liệu có giúp cho các con sống thêm được một ngày không?”
Việc chống đối phút giây hiện tại như là một sự băng hoại của cộng đồng nhân loại có liên quan mật thiết đến sự đánh mất trạng thái ung dung tự tại và tạo cơ sở cho nền văn minh công nghiệp thiếu nhân bản của chúng ta. Freud cũng nhận ra sự tồn tại của dòng chảy bất an ngấm ngầm này và đã viết trong cuốn “Civilization and Its Discontents” (Nền văn minh và sự bất mãn), nhưng ông đã không nhận ra được gốc rễ thực sự của nó và cũng không biết rằng có một lối thoát cho tất cả chúng ta ra khỏi nỗi bất an này. Sự băng hoại tập thể này đã tạo ra một nền văn minh cực kỳ khổ đau và bạo động. Nó đã trở thành một mối đe dọa, không những cho con người, mà còn cho tất cả sự sống trên trái đất này.