Cô Thái Thị The sinh năm 1951, tại Vĩnh Long. Thân phụ là cụ ông Thái Văn Cự, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Tròn. Hai ông bà sinh cả thảy là bảy người con, cô đứng thứ Út trong gia đình. Nghề nghiệp chính của cha cô là làm ruộng và thợ mộc.
Mẹ mất sớm, cha cô quy y với Đức Thầy, năm 1939. Đến năm Ất Dậu (1954), vì hoàn cảnh cuộc sống nơi quê nhà không được an ninh, cha cô muốn giữ trọn tinh thần tín ngưỡng theo Đạo, nên bỏ nhà cửa, đất vườn, đi về vùng Láng Linh để sinh sống. Sau đó, định cư tại ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.
Cô chỉ học tới lớp ba trường làng. Nhờ ảnh hưởng tinh thần đạo đức và hạnh lành của cha, nên cô đã phát tâm quy hướng Tam Bảo từ thuở ấu thơ. Năm 11, 12 tuổi, cô thường theo cô bác đọc sám kệ trong những ngày rằm và ba mươi tại Hội Quán, giọng đọc của cô rất hay, nhất là khi ngâm nga bài “Cõi Cực Lạc với pháp môn Tịnh Độ”, ai nghe rồi… cũng muốn tu!.
Năm 17, 18 tuổi, cô hằng ngày đi sưu tầm thuốc Nam và thường xuyên ghé cốc cô Út Đồng, ngồi ngoài hành lang để nghe các vị giảng viên thảo luận Phật Pháp. Được biết rằng, cô ăn chay trường rất sớm nhưng không rõ là tháng năm nào.
Tính tình của cô hiền hòa, vui vẻ, siêng năng cần mẫn, chịu khó chịu khổ lại nói ít, cười nhiều nên ai ai cũng đều quý mến.
Đến ngày 14 tháng 7 năm 1975, cha cô chỉ phát cơn mệt một tí rồi qua đời. Dâu bể tang thương nơi cõi bụi hồng làm cho cô cảm nhận sâu sắc về lý vô thường của lời Phật dạy, mạng sống con người quả thật quá mong manh, ngắn ngủi, tạm bợ. Ý chí giải thoát đã nhen nhóm từ lâu trong tâm tư bừng lên khi khổ đau tràn ngập cõi lòng.
Lúc này, các anh chị lớn đều đã ra riêng, còn lại cô với gia đình của người anh thứ Bảy sống chung nơi phủ thờ.
Mỗi ngày, sáng cô tìm thuốc Nam cho phòng thuốc đến chiều hoặc tối mới về nhà, tắm gội xong, công phu lễ niệm rồi dùng cơm và đi ngủ. Theo tập tục gia đình, chị dâu cúng bốn chén cơm lưng lửng, nơi bàn thờ ông bà mỗi ngày, phần đó cũng là phần chừa lại dành cho cô, buổi chiều hoặc tối, đem xuống ăn.
Do ông anh thứ Bảy lúc này, chưa thấm nhuần Phật Pháp nên chẳng mấy hài lòng với việc làm từ thiện của cô, nên đến buổi cơm tối, khi cô lên ngồi, liền cằn nhằn la trách. Vì vậy hôm nào về nhà, thấy tình hình không ổn thì cô công phu lễ niệm miết cho đến khi anh mình đợi mãi, mòn mỏi đi ngủ, cô mới lặng lẽ chun vô mùng niệm Phật, thay cơm! Đúng như lời Cổ Đức đã sách từng sách tấn:
"Rán tu trong cảnh khó tu,
Rán hành giữa lúc âm u khó hành.
Tu cho hết dữ ra lành,
Hành cho hết trược ra thanh cuộc đời.
Khổ nay chịu được vui mơi,
Chớ buồn những lúc tình đời khô khan.
Rán tu cho kiếp khỏi tàn,
Rán hành để có lấp bằng sông mê.
Phật chờ nơi chốn Liên Huê,
Khó khăn mấy cũng rán về tới nơi"
Qua chi tiết trên, chúng ta nhận thấy, nhẫn lực của cô quả thật phi thường! Đời nay, có mấy ai đuổi theo kịp!
Hằng năm khi đến mùa lúa, cô phải đi mót lúa, cắt lúa mướn hay làm mướn để có hơn một chục giạ. Chi dụng cho bảy lễ giỗ là bảy giạ, và đến niệm Phật ở thất của đồng đạo thì mỗi tháng, dùng một giạ.
Năm 1981, cô về tu chung với người cháu bà con bên ngoại nhưng lớn tuổi hơn cô, là: cô Hai Hằng, cũng ở tại địa phương nhà. Cứ tới mùa vụ thì cô xin tạm vắng mặt để đi mót lúa. Cách thức tu thì chuyên về niệm Phật cầu vãng sanh. Sáng thì từ 4-6 giờ, trưa từ 11-1 giờ, tối từ 5-7 giờ, khuya từ 11-1 giờ. Cứ sau sám nguyện là niệm Phật và lễ Phật. Mỗi khi bị bệnh thì tín tâm tuyệt đối vào "Ba bài thuốc Thầy" hoặc là nước cúng trên bàn thờ Phật, khỏi phải bận lòng và lãng phí thời gian đi chữa trị Đông Tây y, chỉ vui vẻ trả nghiệp, thành tâm sám hối- niệm Phật cho tiêu tan nghiệp chướng. Lòng tin của cô như đã được kết tinh mạnh mẽ qua những lời giáo huấn mà chư Cổ Đức đã từng khuyên bảo:
"Tin có Phật Thần trợ cứu cho,
Tin mình tu được, một lòng lo.
Đạo mầu tại thế luôn trau luyện,
Siêu thoát Tây Phương chỗ hẹn hò.
Hôm sớm Di Đà tâm chớ lãng,
Tháng ngày phước đức việc đừng ngơ.
Tin câu báo ứng không sai chạy,
Tin có Liên Hoa Cực Lạc chờ."
Mùng 1 Tết năm 1982 (cô 31 tuổi), cô bị bịnh sốt rất nặng, đi tiểu ra máu lợn cợn và rất tanh – hôi, có khi ba, bốn bô trong 24 tiếng đồng hồ. Cô vẫn một lòng uống thuốc Phật và niệm Phật cầu vãng sanh, nhứt quyết không đi chữa trị đâu cả. Cô Hai Hằng và một số bạn đồng tu túc trực hộ niệm. Tình trạng bịnh kéo dài, khi tăng khi giảm, suốt hai tuần lễ, cơn sốt mới lui và tiểu ra máu mới hết hẳn, và thêm 25 ngày nữa, sức khỏe mới hồi phục bình thường.
Năm 1983, người anh thứ Hai cho một công đất nên sự sống tương đối ổn định, cô không còn đi làm thêm trong những tháng thu hoạch vụ mùa mà thường cùng cô Hai Hằng may áo tràng cho đồng đạo. Thỉnh thoảng, hai cô cũng nhận chăm sóc những ca bịnh nặng để hộ niệm. Ngoài thời gian công phu hành đạo ra, hai cô luân phiên hốt thuốc Nam "Ba Bài" gia giảm cho mọi người quanh vùng, và đi hộ niệm người đang hấp hối. Cô còn có hạnh buông xả rất tốt, không quan tâm đến vật chất, đặc biệt, là không cất giữ tiền bạc; còn việc: ăn, mặc, ở, lại càng "rất đơn giản!"nnmm
Công phu hành trì cứ đều đặn như thế, suốt hơn 20 năm như một ngày.
Đến tháng 9 năm 2002, cô bắt đầu nhiễm bịnh, dây dưa đến cuối năm, càng lúc càng trầm trọng. Tuy thể xác đau yếu nhưng cô luôn vui vẻ và tinh thần của cô vẫn kiên định, nhất là niềm tin sâu chắc về luật Nhân Quả, quyết một lòng uống thuốc Phật, niệm Phật để theo Phật về Tây Phương. Rất nhiều đồng đạo, có cả lương y đề nghị đưa đi bệnh viện, cô vẫn một mực khước từ, điều đáng khâm phục là công phu thường khóa không ngưng nghỉ. Có lần, cô nói với cô Hai Hằng:
- "Tui bịnh kỳ này, chắc tui phải ra đi. Dì ở lại, dì ráng lo tu hành! Tui chắc đi trước dì rồi!"
Cô Hai bèn chắc lưỡi:
- "Khôn quá há! Giành đi trước. Dì nhỏ tuổi mà dì khôn hơn tui… Tiền thì không chịu giữ, bắt tui giữ, còn bây giờ, ra đi thì giành đi trước!..."
Ngày 20 tháng chạp, có cô Hai Sáng và thím Tư Khoáng ghé thăm và có hỏi cô rằng:
- "Chị có chuẩn bị gì để ra đi không?"
- "Tui đã có chuẩn bị sẵn hết rồi!"
- "Chị chuẩn bị gì? Nói nghe coi!"
- "Cái thứ nhứt là mình phải tập trung tư tưởng niệm Phật cho chí thành. Cái thứ hai là mình phải đầy đủ: Tín - Nguyện - Hạnh, nếu thiếu một trong ba thứ đó thì hổng có được vãng sanh đâu!"
- "Trước khi chị về Phật, chị phải làm như thế nào để chúng tôi biết chớ?"
Cô khẳng khái trả lời:
- "Trước khi về Phật, tôi sẽ vẫy tay chào đồng đạo và nở một nụ cười rồi mới ra đi. Ngày đi thì chắc là không xa đâu! Nhưng mà tôi nói trước không có được!"
Tối lại, cô Hai Hằng hỏi:
- "Dì đau mà dì có sợ chết hông?"
Cô đáp:
- "Hông! Tui hông có sợ chết đâu!"
Và còn dặn:
- "Trong lúc tui hấp hối, người nào có thăm tui, dì đừng có cho vô để tui tập trung niệm Phật!"
Lại dặn thêm:
- "Một công đất của anh Hai cho, mà dì không chịu lãnh thì thôi giao lại cho ông anh thứ Bảy, để ảnh lo cúng kiếng lễ giỗ ông bà, hàng năm!"
Đến mùng 2 tết năm 2003, cô bị tai biến liệt nửa bên trái. Bệnh mỗi lúc một nguy ngập. Đồng đạo hay tin kéo đến hộ niệm liên tục hăm bốn trên hăm bốn. Đến 11 giờ trưa ngày mùng 6 tháng giêng năm 2003, cô an lành trút hơi thở cuối cùng, hưởng dương 52 tuổi.
Trong lúc hộ niệm, có một cô liên hữu mới phát tâm tu nên chưa có kinh nghiệm, ngồi gần bên giường, nhìn thấy tay trái cô Út The ở dưới mền nhúc nhích, cô bèn lấy tay đè xuống để giữ yên. Lần thứ hai, cô cũng đè xuống nữa. Đồng đạo Hai Tác bèn ngăn lại:
- "Tám à, Tám! Em buông tay ra đi, để người bệnh tự nhiên làm gì thì làm!"
Cô bèn lấy tay ra thì tay trái của cô Út The (cái tay mà 4 ngày qua bất động) từ dưới mền tung lên chào mọi người, đồng thời cô cũng nở một nụ cười, đúng như lời mà cô đã hứa ở hai tuần lễ trước.
(Thuật theo lời cô Hai Hằng, bạn đạo ở chung với cô).