Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tứ Phần Luật [四分律] »» Bản Việt dịch quyển số 42 »»

Tứ Phần Luật [四分律] »» Bản Việt dịch quyển số 42

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.76 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.99 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Luật Tứ Phần

Kinh này có 60 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44 | 45 | 46 | 47 | 48 | 49 | 50 | 51 | 52 | 53 |
Việt dịch: Thích Đỗng Minh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng
Hiệu chính và chú thích
CHƯƠNG VII
THUỐC
1. Các loại thuốc

[866c8] 1. Lúc bấy giờ, tại nước Ba-la-nại, có năm tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn đảnh lễ sát chân, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật rằng:
«Bạch Đại đức, nên ăn thức ăn nào?»
Đức Phật dạy:
«Cho phép ăn thức ăn do khất thực được, gồm có năm loại thức ăn.»[1]
Bấy giờ, có tỳ-kheo khất thực nhận được cơm. Phật dạy:
«Cho phép ăn.»
Nhận được các thức ăn bằng cơm, như cơm gạo lúa tám, cơm đại mạch, cơm gạo mì,[2] cơm lúa tẻ, cơm câu-bạt-đạt-la.[3] Phật dạy:
«Cho phép ăn cơm như vậy.»
Nhận được lương khô,[4] đức Phật cho phép ăn các loại thuộc lương khô. Nhận được cơm khô, đức Phật cho phép ăn các loại cơm khô. Nhận được cá, đức Phật cho phép ăn các loại cá. Nhận được thịt, đức Phật cho phép ăn các loại thịt. Nhận được canh, đức Phật cho phép ăn các loại canh. Nhận được tu-bộ,[5] đức Phật cho phép ăn. Nhận được sữa, đức Phật cho phép dùng các loại sữa. Nhận được lạc, đức Phật cho phép ăn các loại lạc. Nhận được sữa đông,[6] đức Phật cho uống các loại nước sữa đông.[7] Nhận được kiết-la,[8] đức Phật cho phép dùng. Nhận được man-nâu,[9] đức Phật cho phép dùng các loại man-nâu. Nhận được rau, đức Phật cho ăn các loại rau. Nhận được thức ăn khư-xà-ni,[10] đức Phật cho phép ăn các thức ăn khư-xà-ni. Khư-xà-ni gồm có rễ, cọng, lá, bông và trái, cũng như dầu mè, đường mía,[11] các thức ăn bằng chưng nấu.
Khi đức Thế Tôn ở tại nước Ba-la-nại, bấy giờ có năm tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước đức Phật, đảnh lễ sát chân Ngài rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật:
«Nên uống thứ thuốc nào?»
Đức Phật dạy:
«Cho uống thứ thuốc hủ lạn.[12] Tỳ-kheo bệnh nào có nhơn duyên thì được phép dùng loại thuốc suốt đời.»
1. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đang nằm trên võng, có tỳ-kheo bệnh, theo lời dạy của thầy thuốc, dùng trái ha-lê-lặc.[13] Đức Phật dạy:
«Cho phép tỳ-kheo bệnh, có nhân duyên suốt đời được dùng trái ha-lê-lặc.»
2. Phật ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có tỳ-kheo bị chứng thống phong,[14] thầy thuốc bảo dùng nước trấp lúa mạch chua. Phật cho phép dùng.[867a1] Tỳ-kheo không biết làm cách nào. Đức Phật dạy:
Bảo tịnh nhơn rửa sạch đồ đựng, đem lúa mạch ngâm cho nát, rồi lọc lấy nước trấp mà uống. Nếu nước lúa mạch bị hôi thì đậy lại. Có cặn thì cho phép dùng đồ lọc. Tỳ-kheo không biết làm cái lọc thế nào. Đức Phật dạy: Cho phép dùng các loại như đồng, gỗ, hay tre làm đồ để lọc, như đãy lọc nước, có ba góc, hoặc lớn hoặc nhỏ. Nếu trong lúa mạch bị khô thì bảo tịnh nhơn cho thêm nước vào. Bấy giờ, tỳ-kheo bệnh uống nước lúa mạch ngâm trước mặt mọi người, khiến các tỳ-kheo thấy vậy đều nhờm gớm. Phật dạy:
«Trước nhiều người không được uống như vậy. Nên uống chỗ vắng.»
Bấy giờ tất cả Tăng đều cần nó. Đức Phật dạy:
«Tất cả Tăng có thể uống chung.»
Khi các tỳ-kheo mỗi người dùng đồ đựng riêng để uống, nên những đồ đựng đó có mùi hôi xông khắp nơi. Đức Phật dạy:
«Không được chứa riêng mà nên dùng một cái rồi chuyền nhau uống chung.»
Có tỳ-kheo uống rồi không rửa chén, đưa cho tỳ-kheo khác. Đức Phật dạy:
«Không được như vậy. Nên rửa rồi mới đưa cho người khác.»
3. Phật ở tại nước Xá-vệ. Có tỳ-kheo bị thổ tả. Tỳ-kheo nấu cháo, phút chốc đã quá ngọ. Đức Phật dạy:
«Cho phép, nếu là lúa mạch nguyên hạt; hay bằng lúa tẻ nguyên hạt. Nấu cho chín, không để cho vỡ hạt; rồi lọc lấy nước uống.»
Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh, thầy thuốc bảo dùng bệ-hê-lặc,[15] đức Phật cho phép dùng.
Thầy thuốc bảo dùng a-ma-lặc,[16] đức Phật cho phép dùng. Nếu có tỳ-kheo vì nhân duyên bệnh thì có thể dùng suốt đời.
4. Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh, thầy thuốc bảo dùng tô-la,[17] đức Phật cho phép dùng. Tỳ-kheo có nhơn duyên bệnh thì được phép dùng trọn đời.
Bấy giờ, tỳ-kheo bệnh, thầy thuốc bảo dùng thuốc trái cây,[18] đức Phật cho phép dùng. Nếu không phải là thức ăn thường thì tỳ-kheo có nhân duyên bệnh được phép dùng trọn đời.
Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh, cần năm loại thuốc rễ lớn.[19] Đức Phật dạy: cho phép dùng. Cần năm loại thuốc rễ nhỏ,[20] đức Phật cho phép dùng. Tỳ-kheo vì nhơn duyên có bệnh được uống trọn đời.
Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh, thầy thuốc bảo uống thuốc chất-đa-la.[21] Đức Phật dạy:
«Tỳ-kheo có nhơn duyên bệnh trọn đời được dùng.»
Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh, thầy thuốc bảo uống thuốc kế-sa.[22] Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo có nhơn duyên bệnh được dùng trọn đời. Kế-sa gồm cả rễ, cọng, lá, hoa và trái của kế-sa.»
Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh, thầy thuốc bảo dùng sa-lê-sa-bà.[23] Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo bệnh cho phép dùng sa-lê-sa-bà, gồm cả rễ, cọng, lá, hoa, quả. Nếu cứng thì nghiền cho nhỏ. Thức-cừ[24] cũng như vậy, đế-thố[25] cũng như vậy.»
Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh, thầy thuốc bảo uống cây lá lốt[26] và hột tiêu, Phật dạy:
«Tỳ-kheo có nhơn duyên bệnh cho phép dùng trọn đời.»
5. Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh, cần các thứ thuốc bột mịn[27] để tắm rửa, đức Phật cho phép dùng các thứ thuốc bột mịn như bột cây hồ đồng, bột cây tai ngựa,[28] bột cây xá-ma-la,[29] hoặc tự mình chà xát hay thay nhau chà xát. Khi cần chày và cối, đức Phật cho phép chứa dùng. Cần nia, sàng, chổi để quét đức Phật cho phép chứa dùng.
Bấy giờ. Các tỳ-kheo e ngại không dám lấy hương bột bỏ vào thuốc bột để xoa, đức Phật cho phép chứa dùng. Khi thuốc bột không có đồ đựng, đức Phật cho phép dùng bình để đựng. Nếu bụi đất vào, Phật cho phép dùng nắp đậy lại. Muốn cần bảo đảm, Phật cho phép buộc dưới giường, hoặc treo trên vách hay trên cọc ngà voi.[30]
Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh dùng thuốc bột thô xoa vào người để tắm rửa, bị đau. Đức Phật cho phép bột mịn, hoặc bùn mịn, hay lá hay hoa hay trái làm thành bột mịn, khiến cho bệnh nhân được khoan khoái. Nếu thân thể bị ghẻ lở, hoặc hắc lào, hay nhọt, ghẻ ngứa, cho đến thân thể bị hôi thúi.
Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh cần muối để làm thuốc, đức Phật cho phép dùng. Muối[31] ở dây gồm muối sáng, muối đen, muối viên, muối lâu-ma, muối chi-đầu-bệ, muối mỏ, muối than, muối tân-đà-bà, muối thi-lô-bệ, muối biển.[32] Nếu tỳ-kheo nào có nhân duyên bệnh được dùng trọn đời.
6. Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh cần tro[33] để làm thuốc, Phật cho phép dùng tro để làm thuốc. Trong các loại tro này gồm có tro tát-xà, tro tân-na, tro ba-la-ma. Nếu Tỳ-kheo có nhân duyên bệnh được dùng suốt đời.
7. Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh cần thuốc xà-bà,[34] đức Phật cho phép dùng. Trong thuốc xà-bà gồm có hinh-ngưu, hinh-nga-bà-đề, thi-bà-lê-đà, bộ-thê-dạ-bà-đề, tát-xà-la-sà,[35] nếu tỳ-kheo có nhơn duyên bệnh được dùng trọn đời.
8. Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh cần thuốc trị con mắt,[36] đức Phật cho phép dùng. Loại thuốc nhỏ mắt gồm có: đà-bà-xà-na, kỳ-la-xà-na. Nếu tỳ-kheo có nhơn duyên bệnh được dùng trọn đời.
Bấy giờ, có tỳ-kheo bị bạch ế[37] sanh nơi mắt, cần huyết của người; bạch Phật. Phật cho phép dùng.
Bấy giờ, có tỳ-kheo bị bạch ế làm cho con mắt bị bệnh, cần xương người. Đức Phật cho phép dùng.
Bấy giờ, có tỳ-kheo mắt bị bệnh bạch ế, cần tóc mịn nhuyễn. Đức Phật cho phép đốt tóc lấy bột thoa mắt.
Bấy giờ, Tất-lăng-già-bà-ta bị bệnh đau mắt, cần cái lược bằng lưu ly để chữa. Đức Phật dạy:
«Vì chữa trị bệnh mắt nên được phép tích trử để dùng.»
9. Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất bị chứng thống phong, thầy thuốc bảo ăn ngó sen. Khi ấy, Tôn giả Mục-liên đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, chào hỏi xong, ngồi một bên, hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất rằng:
«Bệnh có bớt không?»
Tôn giả Xá-lợi-phất nói:
«Chưa bớt.»
Tôn giả Mục-liên lại hỏi:
«Cần thứ gì?»
Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:
«Cần ngó sen.»
Tôn giả Mục-liên nói:
«Nơi phương đông có ao lớn A-nậu[38] nước trong veo, không bụi bặm, uống nước đó không sanh bệnh hoạn gì cả. Cách đây không xa lại có cái ao rộng năm mươi do tuần, nước trong sạch, không có bợn nhơ, có ngó sen như cái trục bánh xe. Khi bẻ, nó tiết ra nước trấp như sữa. Ăn vào, ngọt như mật. Và cách ao này không xa, có núi vàng. Sườn núi cao năm mươi do tuần, trong đó có bảy đại long tượng vương, anh em cùng ở với nhau. Con nhỏ nhất cung cấp cho một vua Diêm-phù-đề. Con lớn kế đó cung cấp cho vua hai thiên hạ. Con lớn hơn nữa cung cấp cho Chuyển luân Thánh vương của bốn thiên hạ. Y-la-bà-ni[39] long tượng vương thì cung cấp cho Thiên đế Thích. Các long tượng vương kia xuống ao tắm rửa và uống nước trong sạch đó, rồi dùng vòi nhổ ngó sen, rửa sạch bùn để ăn, nên sắc da rất tốt, khí lực dồi dào. Ngó sen nơi ao đó có thể ăn được.»
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất im lặng chấp thuận. Khi Tôn giả Mục-liên thấy Tôn giả Xá-lợi-phất chấp thuận bằng cách im lặng, liền biến khỏi nước Xá-vệ, trong chớp nhoáng như co tay vào duổi tay ra, hiện đến bên bờ ao kia, hoá làm đại long tượng vương, có hình sắc to đẹp hơn bảy tượng vương kia. Bảy tượng vương kia khi thấy, đều kinh hoàng, lông trong mình dựng ngược lên, vì sợ rằng nó sẽ đoạt ao của mình. Bấy giờ, Đại Mục-liên thấy bảy long tượng vương kia ôm lòng sợ sệt liền hiện nguyên hình. Bảy long tượng vương hỏi Mục-liên rằng:
«Tỳ-kheo cần gì?»
Tôn giả Mục-liên nói:
«Tôi cần ngó sen.»
«Tỳ-kheo cần ngó sen sao không nói sớm. Khiến chúng tôi sợ hoảng hồn, lông trong người dựng ngược lên cả.»
Bảy long tượng vương liền vào trong ao tắm rửa và uống nước, rồi lấy vòi nhổ ngó sen, rửa sạch bùn, trao cho Mục-liên.
Bấy giờ, Mục-liên nhận được ngó sen rồi, liền biến khỏi ao này, hiện lại nước Xá-vệ, đến trong Kỳ-hoàn, trao ngó sen cho Xá-lợi-phất và nói:
«Ngó sen đây.»
10. Khi Tôn giả Xá-lợi-phất ăn xong, bệnh lành liền. Số ngó sen còn dư trao cho người nuôi bệnh. Người nuôi bệnh trước đó đã nhận lời thỉnh nên không dám ăn. Các tỳ-kheo bạch Phật, Phật dạy:
«Cho phép người nuôi bệnh, đã nhận lời thỉnh hay không nhận lời thỉnh, được ăn thức ăn của người bệnh còn lại.»
Có các tỳ-kheo trước đó đã nhận thức ăn, rồi đến tụ lạc kia có [868a1] đàn-việt mời ăn, ăn xong trở về đến trong Tăng-già-lam, đem thức ăn đã nhận cho các tỳ-kheo khác. Các tỳ-kheo này trước đó đã nhận lời thỉnh nên không dám nhận, vì không ai nhận nên vị ấy đem thức ăn bỏ. Các loài chim quạ đến dành ăn, kêu la inh ỏi.
Bấy giờ đức Thế Tôn biết mà vẫn hỏi A-nan:
«Vì sao chim quạ kêu la inh ỏi như thế?»
Tôn giả A-nan trình bày đầy đủ sự việc lên đức Phật. Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau cho phép làm pháp dư thực[40] để ăn.»
Vị kia đem thức ăn đến trước một tỳ-kheo thưa:
«Thưa Đại đức, tôi đã nhận lời thỉnh (hoặc nói tôi đã ăn). Xin Đại đức chứng biết cho.»
Vị tỳ-kheo tác dư thực pháp nên lấy một ít thức ăn mà ăn; rồi nói: «Tôi đã ăn rồi, thầy có thể dùng đi.» Nên làm pháp dư thực như vậy rồi ăn.
Bấy giờ, có vị trưởng lão Thượng tọa, được rất nhiều người biết, vào thôn khất thực. Rồi đem đến một nơi, ngồi ăn. Ăn xong, đem thức ăn dư đến trong Tăng-già-lam cho các tỳ-kheo khác. Các tỳ-kheo trước đó đã nhận lời thỉnh nên không dám ăn. Không ai ăn nên đem bỏ. Chim quạ tranh nhau ăn, kêu la inh ỏi. Đức Thế Tôn biết mà vẫn cố hỏi A-nan:
«Vì sao chim quạ kêu la như thế?»
Tôn giả A-nan đem sự việc bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Ngài dạy:
«Từ nay về sau, cho phép, tự mình đem thức ăn về, làm pháp dư thực, thì được ăn.»
Làm pháp dư thực bằng cách đem thức ăn đến trước tỳ-kheo kia nói:
«Thưa Đại đức, tôi đã nhận lời thỉnh (hoặc nói tôi đã ăn). Xin thầy chứng biết cho.»
Vị tác pháp dư thực kia nên lấy một ít thức ăn, ăn rồi nói: «Tôi ăn rồi đó. Thầy cứ dùng đi.» Nên làm pháp dư thực như vậy rồi ăn.
Bấy giờ, Tỳ-xá-khư Vô-di-la Mẫu[41] nhận được nhiều trái cây tươi. Bà liền nghĩ như vầy: «Nay ta nên làm thức ăn thỉnh Phật và Tăng thọ thực rồi dùng trái cây này dâng cúng.» Nghĩ xong, liền sai người đến trong Tăng-già-lam thưa:
«Cúi xin chư Đại đức nhận bữa ngọ trai của chủ con vào ngày mai.»
Trong đêm đó, lo sửa soạn các thức ăn ngon. Sáng ngày sai người đến báo giờ.
Đức Thế Tôn khoác y, bưng bát, cùng một ngàn hai trăm năm mươi tỳ-kheo đến nhà Tỳ-xá-khư Vô-di-la Mẫu, an tọa nơi chỗ ngồi. Tỳ-xá-khư Mẫu dùng các thức ăn ngon bổ dâng cúng Phật và Tăng. Ăn xong, dẹp cất bát rồi, bà lấy một chiếc ghế thấp ngồi một bên. Đức Thế Tôn dùng nhiều phương tiện thuyết pháp, khai hóa, khiến bà hoan hỷ. Đức Thế Tôn nói pháp rồi rời chỗ ngồi ra về.
Khi Tỳ-xá-khư Vô-di-la Mẫu dâng thức ăn, quên đem quả để dâng, bèn nghĩ: «Ta vì trái tươi này nên thỉnh Phật và Tăng dùng cơm. Nay lại quên đem quả để dâng.» Nghĩ như vậy rồi, bà liền sai người đem trái tươi đến trong Tăng-già-lam cúng cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo ăn rồi, nên không dám nhận. Đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Nếu từ thí chủ kia đem đến thì nên làm pháp dư thực để ăn.»
Pháp dư thực như trước đã nói.
2. Các loại thịt
1. Thế Tôn ở tại thành Vương-xá, có tỳ-kheo bị bệnh điên cuồng, đến nơi lò giết bò trâu, ăn thịt sống và uống máu. Bệnh lành, bản tâm hồi phục, lo sợ phạm giới. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không phạm. Nếu các tỳ-kheo khác bị bệnh như vậy, ăn thịt sống và uống máu mà bệnh được lành thì cũng được phép dùng.»
2. Thế Tôn ở tại nước Ba-la-nại. Bấy giờ gặp lúc mất mùa, lúa gạo khan hiếm, khất thực khó được. Các tỳ-kheo khất thực không được nên đến chỗ nuôi voi để xin. Bấy giờ các quỷ thần vì tín kính sa-môn nên khiến voi chết. Các tỳ-kheo nhờ đó nhận được thịt voi để ăn. Đức Thế Tôn khởi từ niệm, bảo các tỳ-kheo:
«Voi là một binh chúng của Vua. Nếu nhà Vua nghe được việc này tất không hoan hỷ. Từ nay về sau không được ăn thịt voi.»
3. Bấy giờ, các tỳ-kheo ở nước Ba-la-nại khất thực không được nên đến nơi chuồng ngựa để xin. Lúc ấy có quỷ thần vì tín kính sa-môn, liền khiến ngựa chết. Các tỳ-kheo nhờ đó mà nhận được thịt ngựa để ăn. Đức Thế Tôn từ mẫn, bảo các tỳ-kheo:
«Ngựa là một binh chúng của Vua. Nếu vua nghe được chắc không hoan hỷ. Từ nay về sau không được ăn thịt ngựa.»
4. Bấy giờ, có tỳ-kheo đến nước Ba-la-nại khất thực không được, bèn đến nơi người đánh cá[42] để xin. Bấy giờ có quỷ thần vì tin kính sa-môn nên khiến các loài rồng chết. Tỳ-kheo nhờ đó nhận được thịt rồng[43] để ăn.
Bấy giờ, Thiện Hiện Long vương[44] từ nơi ao của mình ra, đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Ngài, rồi đứng qua một bên thưa:
«Kính bạch đức Thế Tôn, có loài rồng có thể làm khô ráo một quốc độ hay ít hơn một quốc độ, mà nay các tỳ-kheo lại ăn thịt loài rồng này. Lành thay! Đức Thế Tôn, đừng cho tỳ-kheo ăn thịt loài rồng.»[45]
Đức Thế Tôn nghe Thiện Hiện Long vương nói, im lặng nhận lời. Khi Thiện Hiện Long vương biết đức Phật hứa khả rồi, đầu mặt kính lễ Phật, rồi về lại bản xứ.
Bấy giờ, đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, bảo: «Hiện có loài rồng có đại thần lực, có oai đức, có thể làm khô ráo một quốc độ, hay ít hơn một quốc độ, mà các tỳ-kheo ăn thịt loài rồng này. Từ nay về sau không được ăn thịt loài rồng.»
Bấy giờ, có tỳ-kheo ở nước Ba-la-nại khất thực không được, bèn đến nhà Chiên-đà-la, nơi đó nhận được thịt chó và ăn. Các tỳ-kheo đi khất thực, chó ghét chạy theo sủa. Các tỳ-kheo nghĩ: «Trong số chúng ta, chắc có người ăn thịt chó nên khiến chúng nó ghét, chạy theo chúng ta sủa.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau không được ăn thịt chó, nếu ăn phạm đột-kiết-la.»
Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có tỳ-kheo uống thuốc tiêu xổ. Có vị ưu-bà-di tên là Tô-tỳ,[46] đến Tăng-già-lam, thăm viếng các phòng. Đến chỗ tỳ-kheo, hỏi rằng:
«Thầy bệnh thế nào?»
Tỳ-kheo nói:
«Tôi uống thuốc tiêu xổ.»
Tô-tỳ lại hỏi:
«Thầy cần gì?»
Tỳ-kheo bệnh nói:
«Cần thịt.»
Tô-tỳ thưa:
«Con sẽ đem thịt đến.»
Tô-tỳ liền trở về Ba-la-nại, sai người cầm tiền đi mua thịt. Tô-tỳ nói với người chạy việc rằng:
«Anh cầm tiền này đi mua thịt đem về đây.»
Hôm đó tại Ba-la-nại người ta không mổ thịt. Người đàn ông đi khắp nơi tìm mua mà không có, trở về đến chỗ ưu-bà-di thưa:
«Thưa đại gia, đại gia biết cho, hôm nay người ta không mổ thịt, con tìm mua khắp nơi mà không có thịt.»
Ưu-bà-di nghĩ như vầy: «Ta hứa cúng thịt cho tỳ-kheo bị tiêu xổ. Sợ rằng tỳ-kheo này không nhận được thịt, hoặc có thể qua đời. Nếu vì sanh tử này mà tỳ-kheo phải qua đời thì đối với pháp người xuất gia bị thối chuyển. Nếu là bậc hữu học thì không được thăng tiến. Nếu là A-la-hán thì khiến cho thế gian bị mất phước điền.» Nghĩ như vậy xong, ưu-bà-di liền vào phòng sau, lấy dao bén tự cắt thịt trong người, gói lại. Bảo đứa ở nấu, rồi đem đến Tăng-già-lam cho tỳ-kheo bị bệnh tiêu xổ. Đứa ở làm theo lời dạy, đem đến dâng cho tỳ-kheo. Tỳ-kheo ăn xong bệnh liền lành. Vị ưu-bà-di kia sau khi tự cắt thịt mình rồi, cả người bị đau nhức vô cùng, hết sức khổ não. Trước đó phu chủ của ưu-bà-di đi khỏi, khi về không thấy Tô-tỳ nên hỏi:
«Tô-tỳ ưu-bà-di ở đâu?»
Gia nhân thưa:
« Bà bệnh nằm trong nhà.»
Phu chủ hỏi:
«Bệnh gì?»
Tô-tỳ trình bày rõ nhân duyên. Phu chủ nói:
«Chưa từng có người nào có lòng tin kính sa-môn như Tô-tỳ, đến mức không thương tiếc kể cả thân mạng như vậy.»
Tô-tỳ ưu-bà-di nghĩ: «Nay ta đang bị đau nhức vô cùng, có thể do đây mạng sống sẽ chấm dứt. Nay ta nên sắm sửa các thứ đồ ăn thức uống để thỉnh Phật và Tăng đến thọ thực, ngõ hầu có cơ hội ta được chiêm ngưỡng lần cuối.» Tô-tỳ liền sai người đến Tăng-già-lam, thưa:
«Kính thỉnh Đại đức Tăng sáng mai đến thọ thực.»
Đức Thế Tôn nhận lời bằng cách im lặng.
Liền trong [869a1] đêm hôm đó, các thứ đồ ăn thức uống ngon bổ được chuẩn bị đầy đủ, sáng sớm sứ giả đến thưa đã đến giờ. Bấy giờ, đức Thế Tôn khoác y, bưng bát, cùng các Tăng tỳ-kheo đến nhà của Tô-tỳ ưu-bà-di, an tọa nơi chỗ ngồi. Đức Thế Tôn biết mà vẫn hỏi:
«Ưu-bà-di Tô-tỳ đâu không thấy?»
Gia chủ thưa:
«Vì bệnh nên ở trong nhà.»
Đức Phật bảo:
«Gọi ưu-bà-di Tô-tỳ ra đây.»
Gia chủ liền vào trong nhà nói:
«Đức Phật bảo gọi cô ra.»
Tô-tỳ ưu-bà-di nghĩ như vầy: «Ta đã được đức Thế Tôn gọi.» Bà liền đứng dậy bước ra, đột nhiên sự đau nhức bổng chấm dứt, vết thương lành lại như cũ, không hề có tỳ vết chi cả. Khi ưu-bà-di Tô-tỳ đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân Ngài, rồi đứng lui qua một bên. Đức Phật dạy:
«Không được làm như vậy! Không được làm như vậy! Tô-tỳ ưu-bà-di nên cho như vầy, nên học như vầy. Không được tự gây khổ cho mình. Cũng không được gây lo rầu cho người.»
Bấy giờ, Tô-tỳ ưu-bà-di tự tay châm sớt các thứ đồ ăn thức uống ngon bổ. Đức Phật và Tăng ăn xong, cất bát. Tô-tỳ lấy chiếc ghế nhỏ ngồi một bên. Bấy giờ đức Phật vì ưu-bà-di phương tiện nói các thứ pháp, khiến bà được hoan hỷ. Đức Thế Tôn vì bà nói các pháp xong liền từ chỗ ngồi ra về. Đến trong Tăng-già-lam, qua chỗ tỳ-kheo bị tiêu xổ, hỏi rằng:
«Ông được Tô-tỳ ưu-bà-di đem thịt đến cho ông ăn phải không?»
Vị ấy thưa:
«Bạch Thế Tôn, có.»
Đức Phật hỏi:
«Ông có ăn không?»
Vị ấy thưa:
«Có ăn.»
Đức Phật lại hỏi:
«Ngon không?»
Vị kia thưa:
«Ngon, thịt thơm ngon như vậy khó mà có được.»
Đức Phật dạy:
«Ông là người ngu si, ăn thịt người. Từ nay về sau không được ăn thịt người. Nếu ăn, phạm tội thâu-lan-giá. Các thứ thịt đáng tởm khác cũng không được ăn. Nếu ăn thì phạm đột-kiết-la.»
Thế Tôn ở nước Ba-la-nại. Có cư sĩ, cha của Da-thâu-già[47] đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên. Bấy giờ, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện vì ông mà nói pháp khai hóa khiến ông được hoan hỷ. Cha của Da-thâu-già nghe Phật nói pháp khai hóa tâm sanh đại hoan hỷ rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy bạch Phật rằng:
«Cúi xin Ngài nhận lời thỉnh mời của con.»
Bấy giờ Da-thâu-già đang đứng hầu sau đức Phật, đức Thế Tôn im lặng nhận lời mời thỉnh, còn Da-thâu-già không nhận lời mời, vì đức Phật chưa cho phép ông nhận biệt thỉnh. Đức Phật dạy:
«Có hai cách thỉnh cho phép được nhận. Hoặc là thỉnh Tăng, hoặc là thỉnh riêng.»
Bấy giờ, có một cư sĩ khác có ý nghĩ: «Làm phước đức gì để Tăng thường được cúng dường, và sự bố thí của ta không dứt tuyệt?»
Cư sĩ liền bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép thường làm thức ăn cho Tăng.»
Ông thưa như vầy:
«Con không thể thường làm thức ăn cho chúng Tăng được.»
«Làm phước đức gì để Tăng thường được cúng dường, và sự bố thí của ta không dứt tuyệt?»
Cư sĩ liền bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép tỳ-kheo thường đến nhà ông thọ thức ăn.»
Vị kia liền thưa:
«Con không thể thường làm thức ăn cho đạo nhơn ăn được.»
«Làm phước đức gì để Tăng thường được cúng dường, và sự bố thí của ta không dứt tuyệt?»
Cư sĩ liền bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép Tăng sai đến thọ thực, hoặc đưa thức ăn[48] đến trong Tăng; hoặc thức ăn ngày mồng tám, ngày bố-tát, thức ăn ngày mồng một[49] trong tháng.
Bấy giờ, có cư sĩ nghĩ: «Cần làm phước gì để cúng dường thuốc chữa bệnh cho chúng Tăng?» Vị ấy bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép cúng tiền thuốc cho chúng Tăng.»
Bấy giờ, có cư sĩ vừa làm xong phòng xá mới mà không có đạo nhơn ở, nghĩ rằng: «Cúng dường chúng Tăng thứ gì để các tỳ-kheo đến ở nơi phòng này?» Vị ấy bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép nấu cháo để trong phòng.»
Nếu các vị không ở thì lại cho phép làm các thứ bánh và trái trong phòng. Nếu các vị không ở thì nên làm thức ăn cho. Nếu không ở thì cho phép cho tiền phòng.[50] Nếu các vị vẫn cố không chịu ở thì cho phép cho giường dây, giường cây, nệm ngồi, gối, đồ trải dưới đất. Nếu vẫn cố không ở thì nên cho áo lót, giạ, mền. Nếu vẫn cố không ở thì cho bình bát cùng ba y. Nếu vẫn cố không ở, thì nên làm cánh cửa, móc cửa, cho cây gậy, cho giày dép, cúng dù, cho quạt, cho bình nước, cho bình nước rửa, cho đồ đựng nước, cho các thứ dùng trong nhà tắm như bình đựng nước tắm, giường, cho vật cạo ghét, cho hương xông, cho hương hoàn, cho y phòng. Nếu vẫn cố không chịu ở, thì nên cúng tất cả vật cần dùng của sa-môn.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đang nằm trên võng. Các tỳ-kheo đi khất thực, thấy một người nặn sữa bò cho bò bê uống. Rồi lại nặn. Từ miệng con bò nghé, tiết ra một thứ nước bọt giống như sữa. Sau đó các vị nghi không dám uống sữa, bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép uống sữa.» Ngài nói, phương pháp nặn sữa là như vậy.
Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, vào mùa thu, các tỳ-kheo mắc bệnh nên nhan sắc tiều tụy, hình dung khô gầy, sanh ghẻ lở.[51] Khi ấy, đức Thế Tôn ở nơi tịnh thất khởi ý nghĩ như vầy: «Tháng mùa thu, các tỳ-kheo mắc bệnh, nhan sắc tiều tụy, thân hình khô gầy sanh ghẻ. Nay ta nên cho phép các tỳ-kheo ăn thứ gì để trị các chứng bệnh ấy?» Ngài liền nghĩ: «Có năm thứ thuốc người đời thường dùng[52] là váng sữa, dầu, mật, bơ lỏng, đường mía.[53] Ta nên cho các tỳ-kheo dùng để làm thuốc chữa bệnh gầy ốm, như phương pháp dùng lương khô[54] vậy.» Nghĩ như vậy rồi, xế hôm ấy, từ nơi chỗ vắng đứng dậy, đem việc này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, Ngài dạy:
«Vừa rồi ở chỗ vắng Như Lai tư duy sự việc như vậy, như vậy. Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo có nhơn duyên bệnh được dùng năm thứ thuốc: váng sữa, dầu, mật, bơ lỏng, đường mía.»
Các tỳ-kheo nhận được các thứ thuốc ăn béo bổ; trong thời gian giữa ngày, không thể ăn kịp, huống chi nay lại thêm năm thứ thuốc này cũng trong thời gian giữa ngày. Lúc ấy, thuốc tuy nhiều mà người bệnh không kịp giờ để uống, nên các tỳ-kheo bệnh hoạn càng tăng, hình thể vẫn khô gầy, nhan sắc vẫn tiều tụy. Bấy giờ, đức Thế Tôn biết mà vẫn cứ hỏi Tôn giả A-nan:
«Sao các tỳ-kheo hình thể nhan sắc vẫn như vậy?»
Tôn giả A-nan đem nhơn duyên trên bạch lên đức Phật một cách đầy đủ. Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau, nếu tỳ-kheo nào có bệnh, thời hay phi thời, đều được phép dùng năm thứ thuốc ấy.»
Bấy giờ các tỳ-kheo bệnh nhận được thức ăn béo bổ, không thể ăn hết, cho người nuôi bệnh. Người nuôi bệnh nhận lời thỉnh rồi, nên không ăn mà đem bỏ. Các chim quạ tranh nhau ăn kêu la inh ỏi. Đức Phật biết mà vẫn cố ý hỏi A-nan:
«Tại sao các loài chim quạ kêu la như thế?»
Tôn giả A-nan đem nhơn duyên trên bạch đầy đủ lên đức Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép người nuôi tỳ-kheo bệnh, dù nhận lời thỉnh hay không nhận lời thỉnh, được phép ăn thức ăn của người bệnh ăn chưa hết; không phạm.»
Lúc bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất bị bệnh thống phong, thầy thuốc bảo ăn năm thứ mỡ: Mỡ gấu, mỡ cá, mỡ lừa, mỡ heo, mỡ cá sấu.[55] Tôn giả bạch Phật, Phật cho phép dùng. Nhận đúng thời, lọc đúng thời, nấu đúng thời như phương pháp dùng dầu. Nhận phi thời, lọc phi thời, nấu phi thời; không được dùng. Nếu dùng thì như pháp trị.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn cùng một ngàn hai trăm năm mươi tỳ-kheo du hành trong nhân gian tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, gặp lúc mất mùa, lúa gạo khan hiếm, nhân dân đói khổ, khất thực khó được. Có năm trăm người ăn xin thường đi theo sau đức Phật. Bấy giờ, đức Thế Tôn đi chưa xa lắm, đến dưới một bóng cây bên đường, trải ni-sư-đàn ngồi. Lúc ấy có một cư sĩ tên là Tư-ha-tỳ-la,[56] là người huấn luyện voi, chở đường cát đen[57] trên năm trăm cỗ xe, đi ngang qua đường. Trên đường đi, thấy tướng bánh xe nghìn căm[58] nơi dấu chân đức Phật có ánh sáng rõ ràng, liền theo dấu chân tìm đến. Từ xa thấy đức Thế Tôn ngồi dưới gốc cây, tướng mạo đoan chánh, các căn tịch tịnh, điều phục tối thượng, cũng như long tượng vương, tối thắng không ai sánh kịp, thí như đáy nước lóng trong không có bợn nhơ. Thấy đức Thế Tôn như vậy, người huấn luyện voi sanh lòng kính tín, đến trước Ngài, đảnh lễ sát chân, rồi lui ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn vì cư sĩ Tư-ha mà phương tiện nói các pháp, khai hóa, [870a1] khiến được hoan hỷ. Bấy giờ, Tư-ha cư sĩ nghe đức Phật nói pháp sanh đại hoan hỷ, liền cúng dường các tỳ-kheo mỗi vị một tô đường cát đen. Các tỳ-kheo không nhận vì đức Phật chưa cho phép nhận đường cát đen. Các tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật cho phép nhận đường cát đen. Đức Phật bảo Tư-ha cúng cho mỗi tỳ-kheo một tô đường cát đen. Tư-ha vâng lời Phật dạy. Cúng cho mỗi vị một tô đường cát đen. Cúng xong, còn dư đường cát đen. Phật bảo tuỳ ý cúng lại lần thứ hai, lần thứ ba. Cúng ba lần xong vẫn còn dư. Phật bảo cho người ăn xin. Cho rồi vẫn còn dư, Phật bảo cho lại lần thứ hai, lần thứ ba, để người ăn xin được no đủ. Cho người hành khất đầy đủ rồi vẫn dư. Đức Phật bảo Tư-ha, nên đem đường cát đen còn dư để chỗ tịnh địa, hoặc trong nước không trùng. Tại sao vậy? Vì chưa từng thấy chư thiên hay loài người, các ma, phạm vương, hay sa-môn, bà-la-môn nào ăn loại đường cát đen nầy mà có thể tiêu hóa được, ngoại trừ Như Lai, Vô sở trước, Đẳng chánh giác.
Bấy giờ, Tư-ha vâng lời đem đường cát đen còn dư đổ chỗ nước không trùng. Nước liền tuôn khói và phát lên âm thanh, như cây sắt nóng đỏ bỏ vào trong nước, âm thanh chấn động. Đường cát đen dư nầy bỏ vào trong nước, nước sôi, cũng phát ra âm thanh như vậy. Tư-ha thấy vậy hoảng sợ, lông trong người dựng ngược, đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân Ngài, rồi lui qua ngồi một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Phật. Đức Thế Tôn biết Tư-ha ôm lòng hoảng sợ, lông trong người dựng ngược, nên phương tiện nói các pháp, khai hóa, khiến được hoan hỷ. Liền từ chỗ ngồi, Tư-ha lìa trần cấu, đặng con mắt pháp trong sạch, thấy pháp đắc pháp, đặng tăng thượng quả, liền bạch đức Thế Tôn:
«Kính bạch Đại đức, con xin quy y Phật, Pháp, Tăng làm người ưu-bà-tắc. Từ nay về sau con không sát sanh cho đến không uống rượu.» Tư-ha nghe đức Phật nói pháp sanh đại hoan hỷ, đảnh lễ đức Phật rồi cáo lui.
Bấy giờ, tỳ-kheo khất thực thấy bạch y khi làm đường cát đen, có bỏ kế-ny.[59] Các tỳ-kheo sanh nghi không dám ăn quá ngọ, nên bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Phương pháp làm như vậy. Cho phép ăn.»
Bấy giờ, các tỳ-kheo khất thực nhận được đường cát dẻo,[60] nên bạch Phật. Đức Phật cho phép ăn. Nhận được nước đường,[61] Phật cho phép uống. Nhận được thứ mật đường đặc,[62] Phật cho phép ăn. Nhận được đường cát trắng,[63] Phật cho phép dùng; nhận được ô-bà-đà-phả-ni,[64] đức Phật cho phép dùng. Nhận được nước hòa với nước mía, đức Phật cho phép uống. Nhận được nước mía, đức Phật cho phép uống. Nếu là các loại nước uống không làm người say, cho phép uống vào lúc phi thời. Nếu là loại nước uống làm người say, không được uống. Nếu uống thì sẽ như pháp trị. Nhận được mía, đức Phật cho phép ăn.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn du hành trong nhân gian từ nước Ma-kiệt-đề đến thành Vương-xá. Tất-lăng-già-bà-ta[65] được nhiều người biết, có nhiều đồ chúng, nhận được nhiều tô, du, mật, sanh tô, thạch mật đem cho đồ chúng. Đồ chúng tập trung tích trử, các đồ chứa đựng đều đầy hết. Bồn lớn, bồn nhỏ, chõ lớn, đãy đựng lạc, đãy lọc, treo trên vách, trên móc long nha, trên trụ, hoặc dưới gian nhà, chảy xuống ướt, làm cho phòng nhà hôi thúi.
Bấy giờ, nhiều cư sĩ đến thăm Tăng-già-lam, thấy các phòng xá của đồ chúng Tất-lăng-già-bà-ta dồn chứa nhiều đồ ăn thức uống, các loại thuốc, cùng ngủ chung với chúng ở trong phòng, hôi thúi bất tịnh, tất cả đều cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử mà còn nhiều ham muốn, không biết nhàm chán, tự xưng là mình biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh Pháp? Cứ xem họ dồn chứa các thứ đồ ăn thức uống, các loại thuốc nhiều như vậy đâu khác gì kho chứa của vua Bình-sa?»
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, biết hổ thẹn, ưa học giới, hiềm trách Tất-lăng-già-bà-ta rằng, «Sao dồn chứa nhiều đồ ăn thức uống, nhiều thứ thuốc ở trong phòng và cùng ngủ chung với chúng, hôi thúi bất tịnh như vậy?» Bấy giờ, các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, ha trách đồ chúng của Tất-lăng-già-bà-ta rằng:
«Các ông làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao dồn chứa nhiều đồ ăn thức uống, nhiều loại thuốc ở trong phòng và cùng ngủ với chúng, hôi thúi bất tịnh như vậy?»
Dùng vô số phương tiện ha trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau, nếu có tỳ-kheo bệnh nào cần tô, du, mật, sanh tô, hắc thạch mật, được phép dùng đến bảy ngày. Nếu quá hạn còn dùng thì sẽ như pháp trị.»[66]
Bấy giờ, đức Thế Tôn từ thành Vương-xá du hành trong nhân gian (điều này như trên, không khác với giới lần lượt ăn, nên không chép ra).
Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo bị bệnh hoạn phong, cần thuốc. Thầy thuốc bảo ngâm nước lúa mạch,[67] đức Phật cho phép uống. Trường hợp cần dầu ngâm với nước lúa mạch; cần phả-ny[68] ngâm với nước lúa mạch, đức Phật cho phép dùng. Có trường hợp thuốc đúng thời hòa[69] với thuốc đúng thời; thuốc phi thời[70] hòa với thuốc đúng thời; thuốc bảy ngày[71] hòa với thuốc đúng thời; thuốc trọn đời[72] hòa với thời dược thì nên thọ như thuốc đúng thời. Hoặc thuốc phi thời hòa với thuốc phi thời; thuốc bảy ngày hòa với thuốc phi thời; thuốc trọn đời hòa với thuốc phi thời, thì nên thọ như thuốc phi thời.
Hoặc thuốc bảy ngày hòa với thuốc bảy ngày; thuốc trọn đời hòa với thuốc bảy ngày, thì nên thọ như thuốc bảy ngày.
Hay thuốc trọn đời hòa với thuốc trọn đời, thì thọ như thuốc trọn đời.
Bấy giờ, có tỳ-kheo bị mụt nhọt, cần thuốc để thoa; dùng cái soong để sao thuốc. Bạch Phật. Phật cho phép dùng. Bấy giờ, có tỳ-kheo bị giộp,[73] thầy thuốc bảo dùng mỡ người để trị. Đức Phật cho phép dùng. Lúc ấy có tỳ-kheo bị ói mửa, cần tóc mềm mịn. Đức Phật dạy cho phép đốt lấy tro hòa với nước, lọc rồi uống.
Bấy giờ có tỳ-kheo tự mình đến bãi tha ma, lấy tóc người, lấy mỡ người đem về, các cư sĩ thấy đều ghét tởm, cho là xấu, là bần tiện. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép lấy lúc vắng người.»
Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo thân bị bệnh nhiệt, thầy thuốc bảo dùng chiên-đàn sẽ lành bệnh. Tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật cho phép dùng. Nếu là trầm thủy hay chiên-đàn tất-lăng-kỳ-già-la-nậu-bà-la,[74] Phật cho phép dùng để thoa thân.
Bấy giờ, các phòng tỳ-kheo bị rắn vào. Tỳ-kheo chưa ly dục sợ hãi. Phật cho phép đuổi nó, hoặc dùng ống đồng đựng nó, hoặc lấy dây cột nó rồi mang đi vất. Vị kia không mở dây khi đặt xuống đất để thả, nên rắn bị chết. Đức Phật dạy:
«Không nên không mở dây khi thả.»
Bấy giờ, phòng các tỳ-kheo bị chuột vào. Tỳ-kheo chưa ly dục đều sợ hãi. Đức Phật dạy:
«Nên đuổi nó chạy ra ngoài. Hoặc dùng bẩy để bắt rồi đem thả đi.»
Vị kia để trong bẩy đem bỏ luôn cả bẩy. Chuột ở trong bẩy chết. Đức Phật dạy:
«Khi thả, không được không mở bẩy ra.»
Lúc bấy giờ, phòng các tỳ-kheo bị bò cạp, rít, sâu vào. Các tỳ-kheo chưa ly dục sợ hãi. Đức Phật dạy: Dùng vật gì xấu hay cục bùn, hay lấy đồ quét, túm nó đem bỏ đi. Khi bỏ, không mở ra nên bị chết, Phật dạy:
«Khi bỏ, không được không mở ra.»
Lúc bấy giờ, đức Phật ở tại thành Vương-xá. Các tỳ-kheo phá nhà tắm. Có con rắn trong bọng cây chạy ra, cắn thầy tỳ-kheo chết. Bấy giờ, đức Thế Tôn từ niệm bảo các tỳ-kheo:
Vị Tỳ-kheo kia không sanh từ tâm đối với vua của rắn là tám vị Long vương nên bị rắn cắn chết. Tám Long vương[75] là Tỳ-lâu-lặc-xoa Long vương, Già-ninh, Cù-đàm-minh, Thí-bà-di-đa-la, Đa-xà-y-la-bà-ny, Già-tỳ-la-thấp-ba-la, Đề-đầu-loại-thác Long vương. Nếu tỳ-kheo từ tâm đối với tám rắn Long vương thì không bị rắn cắn chết. Nếu Tỳ-kheo này [871a1], có từ tâm đối với tất cả chúng sanh thì cũng không bị rắn kia cắn chết.
Đức Phật cho phép làm bài chú tự bảo hộ niệm từ:
«Tỳ-lâu-lặc-xoa-từ, Già-ninh từ, Cù-đàm-minh từ, Thí-bà-di-đa-la từ, Đa-xà-y-la-bà-ny từ, Già-tỳ-la-thập-ba-la từ, Đề-đầu-lại-thác từ. Từ niệm chư Long vương, kiền-thát-bà, la-sát-sa. Nay tôi tác từ tâm trừ diệt các độc ác, từ đây được bình phục, đoạn độc, diệt độc, trừ độc. Nam mô Bà-già-bà.»[76]
Đức Phật cho phép dùng dao mổ ra máu rồi dùng thuốc thoa, cũng cho phép chứa con dao nhọn.
Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo bị bệnh độc,[77] thầy thuốc bảo uống hủ lạn dược.[78] Nếu hủ lạn dược nầy đã rơi xuống đất[79] thì nên lấy đồ đựng đầy nước hòa với thuốc, lọc rồi thọ, sau đó mới uống. Nếu thuốc chưa rơi xuống đất, thì lấy đồ đựng đầy nước hòa với thuốc, lọc rồi uống chứ khỏi phải thọ.
Bấy giờ, cũng có Tỳ-kheo bị bệnh độc, thầy thuốc bảo uống bùn ở trong ruộng. Đức Phật cho phép dùng đồ đựng đầy nước hòa với bùn và lọc, sau đó thọ rồi mới uống.
Thế Tôn ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ Kỳ-bà Đồng tử dùng dao chữa chỗ đại tiểu tiện, và dưới hai nách của tỳ-kheo bệnh. Lúc ấy đức Thế Tôn vì từ niệm, bảo các tỳ-kheo:
«Kỳ-bà Đồng tử này dùng dao chữa chỗ đại tiểu tiện, và dưới hai nách cho tỳ-kheo bệnh. Người bịnh không được dùng dao chữa như vậy. Tại sao? Vì dao bén, nên nơi bị mổ ăn sâu vào trong thịt. Từ nay về sau, cho phép dùng dây gân hay dây bằng lông cột thắt lại hoặc lấy móng tay ngắt cho đứt da, sau đó mới sức thuốc. Đức Phật dạy tiếp:
«Cho phép làm thuốc bằng tro. Nếu tay cầm không bảo đảm, Phật cho phép làm đồ đựng thuốc tro. Nếu đồ đựng dễ vỡ, cho phép làm bằng xương.»
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bị chứng thống phong, thầy thuốc bảo hòa ba loại thuốc để uống, nên kêu A-nan lấy ba thứ thuốc để hòa, mang ra. Bấy giờ, A-nan vâng lời Phật, tự hòa ba thứ thuốc lại nấu với nhau, rồi đem dâng cho Phật. Lúc ấy đức Thế Tôn biết mà cố ý hỏi A-nan:
«Ai nấu thuốc này?»
A-nan thưa:
«Con tự nấu.»
Đức Phật bảo A-nan:
«Không được tự nấu. Nếu tự nấu, sẽ như pháp trị.»
3. Tịnh trù
Thế Tôn ở tại thành Vương-xá cùng một ngàn hai trăm năm mươi Tăng tỳ-kheo du hành trong nhân gian. Bấy giờ, gặp lúc mất mùa lúa gạo khan hiếm, nhân dân đói khổ, khất thực khó được. Có sáu trăm chiếc xe chở đầy đồ ăn thức uống đi theo đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn khi ấy, từ nước Bà-xà du hành trong nhân gian đến Tỳ-xá-ly. Lúc ấy các tịnh nhơn sửa soạn đầy đủ các thức ăn thanh tịnh. Họ lớn tiếng cao giọng, hoặc kêu người bảo dùng nắp đậy đồ chứa vật này, đồ chứa vật kia. Đức Thế Tôn biết mà vẫn cố ý hỏi tôn giả A-nan:
«Tại sao các tỳ-kheo kêu la lớn tiếng như bọn người chài cá vậy?»
Tôn giả A-nan bạch Phật:
«Các tịnh nhơn sửa soạn các thức ăn thanh tịnh nên lớn tiếng cao giọng, hoặc bảo đậy nắp đồ chứa vật này, đồ chứa vật kia, cho nên lớn tiếng như vậy.»
Đức Phật bảo tôn giả A-nan:
«Không được trong cương giới, cùng ngủ với thức ăn, cùng nấu đồ ăn để ăn. Nếu ăn thì sẽ như pháp trị.»
Bấy giờ, các tỳ-kheo đem đồ ăn thức uống để nơi đất trống, tích trử không bảo đảm, khiến trẻ chăn bò chăn dê, hoặc kẻ trộm cướp lấy đi. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Nên kết nhà tịnh trù nơi chỗ đất vắng, hay ở bên phòng.»
4. Tịnh nhục
Thế Tôn ở tại Tỳ-xá-ly. Bấy giờ có tướng quân Tư-ha[80] là đệ tử của Ni-kiền. Tại công đường,[81] có năm trăm Lê-xa ngồi ăn, họ dùng vô số phương tiện khen ngợi Phật, Pháp, Tăng. Bấy giờ, tướng quân Tư-ha tại chỗ ngồi nghe vô số phương tiện khen ngợi Phật, Pháp, Tăng nên sanh lòng tin ưa, muốn đến yết kiến đức Phật. Ông ta nghĩ như vầy: «Nay ta hãy đến thưa với thầy Ni-kiền để đến chỗ Cù Đàm.» Bấy giờ, Tư-ha liền đến thưa với Ni-kiền rằng:
«Tôi muốn đến chỗ sa-môn Cù-đàm.»
Ni-kiền nói rằng:
«Ông chủ trương nên làm.[82] Cù-đàm giáo hóa đệ tử bằng thuyết không nên làm. Thôi, đừng nên đến đó.»
Bấy giờ, tướng quân Tư-ha rút lại ý định đi gặp Phật trước đó. Các Lê-xa lần thứ nhì, lần thứ ba cũng khen ngợi Phật, Pháp, Tăng như vậy. Tướng quân Tư-ha khi nghe lần thứ hai, lần thứ ba sự khen ngợi như vậy, khởi ý nghĩ như vầy: «Nay ta hãy đi gặp Cù-đàm, khỏi phải từ giã thầy Ni-kiền. Xem Thầy sẽ làm gì được ta?» Bấy giờ, Tư-ha liền đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân rồi ngồi lui qua một bên. Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện nói pháp, khai hóa, khiến được hoan hỷ. Tư-ha nghe Phật phương tiện nói pháp tâm sanh đại hoan hỷ bạch Phật rằng:
«Tôi nghe nói Cù-đàm giáo hóa các đệ tử bằng thuyết không nên làm. Các sa-môn đồn như vậy, có đúng sự thật, có đúng như pháp chăng?»
Đức Phật nói với Tư-ha rằng:
«Có nhân duyên phương tiện để nói rằng, Ta giáo hóa các đệ tử bằng thuyết không nên làm; lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp. Có nhân duyên phương tiện để nói rằng, Ta giáo hóa các đệ tử bằng thuyết hãy nên làm; lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp. Có nhân duyên phương tiện để nói rằng, Ta giáo hóa các đệ tử bằng pháp đoạn diệt;[83] lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp. Có nhân duyên phương tiện để nói rằng, Ta giáo hóa đệ tử bằng pháp uế ác;[84] lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp. Có nhân duyên phương tiện để nói rằng, Ta giáo hóa đệ tử bằng pháp điều phục;[85] lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp. Có nhân duyên phương tiện để nói rằng, Ta giáo hóa đệ tử, đó là thuật ngữ bằng pháp diệt ám;[86] lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp. Có nhân duyên phương tiện để nói rằng, Ta giáo hóa đệ tử rằng ‹Sự sanh của ta đã dứt; không còn tái sinh nữa›[87]; lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp. Có nhân duyên phương tiện để nói rằng, Ta giáo hóa đệ tử rằng, Ta đã đến chỗ vô uý, thuyết vô uý pháp;[88] lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp.»
Đức Phật nói với Tư-ha:
«Vì sao Ta nói ‹Không nên làm› cho đến ‹chỗ vô úy› để giáo hóa đệ tử, rằng lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp?»
«Ta nói ‹không nên làm›, là không nên làm ba pháp ác bất thiện: thân làm ác, miệng nói ác, tâm nghĩ ác.
«Ta nói ‹nên làm›, là nên làm ba pháp thiện.
«Ta nói ‹pháp đoạn diệt›, là đoạn diệt tham dục, sân nhuế, ngu si.
«Ta nói ‹pháp uế ác› là kinh tởm pháp bất thiện do bởi nghiệp thân, khẩu, ý.
«Ta nói ‹pháp điều phục› là điều phục tham dục, sân nhuế, ngu si.
«Ta nói ‹diệt ám› là diệt các pháp tối tăm ác, bất thiện.
«Ta nói ‹sự sanh của ta đã dứt› là nói sự thọ sanh của Ta đã dứt tuyệt, không còn bào thai, và lại giáo hóa cho con người cắt đứt sanh tử.
«Ta nói ‹đến chỗ vô úy› là tự mình không có sự sợ sệt, lại an ủi chúng sanh.
«Nầy Tư-ha! Đó là, có nhân duyên để nói rằng, Ta giáo hóa các đệ tử bằng thuyết ‹không nên làm›; ‹đến chỗ vô úy›, lời nói ấy đúng sự thật, đúng như pháp.»
Tư-ha bạch Phật:
«Con xin quy y Phật, Pháp, Tăng. Từ nay về sau, con không sát sanh cho đến không uống rượu.»
Đức Phật bảo Tư-ha:
«Ông hãy tự xét kỹ trước khi thọ giới. Ông là vị đại thần trong nước, mọi người đều biết, nên làm việc làm lợi ích cho mọi người. Đừng nên cử động khinh suất, rồi sau có sự ăn năn.»
Tư-ha thưa:
«Khi mà con đến làm đệ tử của ngoại đạo sa-môn, bà-la-môn, họ liền cầm phan, xướng lệnh khiến cho người trong nước biết: ‹Tư-ha là đệ tử của Ni-kiền.› Nay con nghe đức Thế Tôn ân cần dạy bảo rằng: ‹Ông hãy tự xét kỹ trước khi thọ giới. Ông là vị đại thần trong nước, mọi người đều biết, nên làm, việc làm lợi ích cho mọi người. Đừng nên cử động khinh suất, rồi sau có sự ăn năn.› Điều này làm cho con càng tin tưởng sâu xa hơn.»
Tư-ha lại bạch Phật:
«Bạch Đại đức! Lần thứ hai, con xin trọn đời quy y Phật, Pháp, Tăng. Không sát sanh, cho đến không uống rượu. Từ nay về sau, cửa ngõ nhà con Ni-kiền ngoại đạo không được [872a1] vào. Phật và các đệ tử tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, ra vào cửa ngỏ nhà con không có sự trở ngại.»
Đức Phật nói với Tư-ha rằng:
«Trước đây, ông như là nguồn suối ngày đêm cung cấp cho ngoại đạo Ni-kiền, nay làm sao đoạn tuyệt được?»
Tư-ha lại hỏi đức Phật:
«Con được nghe người ngoài nói rằng: Sa-môn Cù-đàm tự nói, ‹Bố thí, nên bố thí cho Ta, không nên bố thí cho người khác. Bố thí cho ta sẽ được quả báo lớn. Bố thí cho người khác sẽ không được quả báo. Nên bố thí cho đệ tử của Ta. Không nên bố thí cho đệ tử người khác. Bố thí cho đệ tử của Ta sẽ được quả báo lớn. Bố thí cho đệ tử người khác sẽ không được quả báo.› »
Đức Phật trả lời cho Tư-ha rằng:
«Ta không nói như vậy, mà ta nói: Nếu người có từ tâm, chỉ đem nước vo gạo cho đến như nước cơm, đem đổ chỗ nước bất tịnh có trùng, khiến cho loài trùng kia được thọ hưởng chất này; Ta nói người kia còn có phước. Huống chi là cho con người. Ta nói, bố thí cho người trì giới được quả báo lớn hơn so với cho người phá giới.»
Tư-ha bạch Phật rằng:
«Như lời đức Thế Tôn đã nói, như lời đức Thế Tôn đã nói. Chúng con xin tự biết.»
Rồi đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện nói pháp, khai hóa, khiến cho Tư-ha được hoan hỷ. Từ chỗ ngồi xa lìa trần cấu, đặng con mắt pháp trong sạch, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng; liền bạch Phật rằng:
«Nay, lần thứ ba, con nguyện trọn đời quy y Phật, Pháp, Tăng. Không sát sanh cho đến không uống rượu. Cúi xin đức Thế Tôn nhận lời mời thọ thực của con vào ngày mai.»
Đức Thế Tôn nhận lời bằng sự im lặng. Tư-ha biết đức Thế Tôn hứa khả, liền đứng dậy kính lễ sát chân Phật cáo lui.
Trong đêm ấy, Tư-ha sắm sửa đầy đủ các thứ đồ ăn thức uống ngon bổ, sáng ngày đúng giờ, đến thỉnh Phật phó trai. Đức Thế Tôn khoác y, bưng bát, cùng một ngàn hai trăm năm mươi tỳ-kheo, đến nhà Tư-ha, trải ni-sư-đàn an tọa. Ngay lúc ấy, các Ni-kiền Tử đến chỗ ở của Lê-xa hoa tay cao lên, kêu la lớn tiếng với giọng oán giận rằng:
«Tướng quân Tư-ha này, đã tự giết con bò lớn để thiết đãi bữa cơm cho Sa-môn Cù-đàm và các đệ tử. Biết thí chủ vì mình giết mà vẫn cố ăn!»
Lúc ấy, có người đến chỗ Tư-ha nói cho biết rằng:
«Hiện có các Ni-kiền Tử đến trú xứ của Lê-xa, đưa tay cao lên, lớn tiếng kêu gào, oán hận, nói: ‹Tướng quân Tư-ha, tự giết bò thiết đãi bữa ăn cho Sa-môn Cù-đàm và các Tăng tỳ-kheo.›»
Tư-ha nghe rồi nói:
«Những người đó là ngày đêm thường xuyên coi Phật và Tăng tỳ-kheo là oan gia. Ta không bao giờ vì mạng của ta mà cố ý đoạn mạng chúng sanh.» Bấy giờ, tướng quân Tư-ha dùng các đồ ăn thức uống ngon bổ dâng lên. Bữa ăn của đức Phật và Tăng tỳ-kheo đã xong, bình bát được thu dọn, ông lấy chiếc ghế nhỏ ngồi qua một bên, đức Phật vì ông mà phương tiện nói pháp, khai hóa, khiến cho Tư-ha được hoan hỷ. Vì ông nói pháp xong, rời chỗ ngồi ra về.
Khi về đến Tăng-già-lam, vì nhơn duyên này, đức Phật tập hợp Tăng tỳ-kheo, bảo rằng:
«Từ nay về sau, nếu có thí chủ vì mình cố ý giết thì không được ăn. Vì mình cố ý giết ở đây là cố ý thấy, cố ý nghe, cố ý nghi. Có ba nhơn duyên như vậy là thịt bất tịnh, Ta nói không được ăn. Nếu thấy vì ta mà cố ý giết, hoặc nghe từ người đáng tin nói, vì ta mà cố ý giết, hoặc thấy trong nhà có đầu, có da, có lông, có máu, có chân, và người này có khả năng làm mười điều ác, thường là người sát hại, có thể vì ta mà cố ý giết. Ba nhơn duyên như vậy gọi là thịt không thanh tịnh, không được ăn. Có ba loại thịt tịnh nên ăn: Không cố ý thấy, không cố ý nghe, không cố ý nghi. Nếu không thấy vì ta mà giết, không nghe vì ta mà giết, hoặc không thấy trong nhà có đầu, chân, da, lông máu, và người kia không phải là người giết hại, cho đến thọ trì mười điều thiện, người kia không bao giờ vì ta mà đoạn mạng chúng sanh. Ba thứ thịt như vậy gọi là tịnh, được ăn. Nếu là thịt làm ở nơi thờ tự thì không được ăn. Tại sao vậy? Người kia với dụng ý làm để đem đến cúng tế. Cho nên không được ăn, nếu ăn sẽ như pháp trị.»
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn cùng một ngàn hai trăm năm mươi tỳ-kheo du hành trong nhân gian. Từ Tỳ-xá-ly, đến Tô-di; từ Tô-di đến ở thành Bạt-đề.[89] Bấy giờ, ở thành Bạt-đề có đại cư sĩ tự Mân-trà,[90] là đệ tử của Bất-lan Ca-diếp,[91] giàu có rất nhiều của báu, nhiều voi ngựa xe cộ, nô tỳ, người ăn kẻ ở, kho lẫm nhẫy đầy, có đại oai lực, tùy theo ý muốn, chu cấp người vật. Khi người cư sĩ này vào kho, thì như lỗ trục của bánh xe, lúa thóc tự nhiên tuôn ra mãi, cho đến khi nào cư sĩ ra khỏi kho. Người vợ của cư sĩ cũng có phước lực như vậy. Dùng tám đấu gạo nấu cơm cung cấp cho cả bốn binh chủng; và người bốn phương đến xin đều cho họ ăn đầy đủ, không khi nào hết, cho đến khi nào đứng dậy đi. Người con cũng có phước lực như vậy. Dùng cái đãy đựng đầy một ngàn lượng vàng, cho cả bốn binh chủng và người bốn phương đến xin theo ý muốn của họ đều được đầy đủ, không bao giờ hết, cho đến khi nào đứng dậy đi. Vợ con của cư sĩ cũng đều có phước lực như vậy. Họ dùng một gói hương thoa cho bốn binh chúng và người bốn phương đến xin, một cách đầy đủ theo ý muốn, không bao giờ hết, cho đến khi nào đứng dậy đi. Tôi tớ trai của cư sĩ cũng có phước lực như vậy. Dùng một cái cày, cày bảy khu đất gò. Đứa tớ gái cũng có phước lực như vậy. Dùng tám đấu thóc mà cho binh bốn bộ ăn không hết. Trong gia đình ấy, người nào cũng tranh nói đó là phước lực của mình.
Lúc bấy giờ, cư sĩ Mân-trà nghe đức Phật từ Tô-di du hành trong nhân gian đến thành Bạt-đề. Cư sĩ nghĩ như vầy: «Nay ta đến xin phép thầy Bất-lan Ca-diếp để đến chỗ Sa-môn Cù-đàm.» Nghĩ như vậy rồi, đến chỗ vị thầy thưa:
«Bạch Đại sư, con nghe Phật từ Tô-di, du hành trong nhân gian đến thành Bạt-đề. Nay con muốn đến đó để gặp Sa-môn Cù-đàm.»
Bất-lan Ca-diếp nói với cư sĩ rằng:
«Cư sĩ, Ông có đại thần lực, tự tại theo ý, không nên đến gặp Sa-môn Cù-đàm, mà Sa-môn Cù-đàm phải đến yết kiến ông. Theo pháp là như vậy. Người xuất gia nên đến thăm hỏi người bạch y.»
Vị cư sĩ nghĩ như vầy: «Chưa từng có Sa-môn nào là cái gai đối với Sa-môn khác. Ta cần gì phải xin phép Bất-lan Ca-diếp? Không từ biệt mà đi, Bất-lan Ca-diệp có thể làm gì ta được? Ta cứ đến gặp Cù-đàm.»
Cư sĩ Mân-trà đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi đứng lui qua một bên. Đức Thế Tôn vì ông dùng nhiều phương tiện nói pháp, khai hóa, khiến cho cư sĩ được hoan hỷ. Bấy giờ, Mân-trà nghe Phật nói pháp, sanh tâm vui mừng lớn, liền bạch Phật rằng:
«Con là cư sĩ ở thành Bạt-đề, đệ tử của Bất-lan Ca-diếp.»
Ông đem đầy đủ tất cả việc phước lực gia nghiệp của mình bạch lên đức Thế Tôn và hỏi rằng:
«Trong nhà của con, mọi người đều tranh nhau bảo đó là phước lực của mình. Vậy xin đức Thế Tôn vì con mà cho biết đó là phước lực của ai?»
Đức Phật bảo cư sĩ Mân-trà rằng:
«Thuở quá khứ, tại nước Ba-la-nại, ông là một cư sĩ giàu có, nhiều của cải, kho chứa đầy nhẫy. Vợ con, tớ trai, tớ gái của ông lúc bấy giờ, cũng là vợ con, tớ trai, tớ gái của ông hiện nay. Cư sĩ, bấy giờ là lúc lúa gạo khan hiếm, nhân dân đói khát, khất cầu khó được. Một hôm nọ, trong nhà cư sĩ đang ngồi ăn thì có một vị Phật-bích-chi tên là Đa-ha-lâu-chi[92] vào khất thực. Cư sĩ nói: ‹Các người cứ ăn đi, để tôi đem phần ăn của tôi cúng dường vị Tiên nhơn này.› Vợ của ông lại nói như vầy: ‹Anh cứ ăn đi, để em đem phần ăn của em cúng cho vị tiên nhơn này.› Tớ trai, tớ gái của ông cũng đều nói như vầy: ‹Xin các đại gia [873a1] cứ ăn đi để tụi con đem phần ăn của tụi con hiến cúng cho vị Tiên nhơn này.› Tất cả mọi người đều muốn đem phần ăn của mình cúng cho vị Phật-bích-chi thôi. Cư sĩ biết không? Vì nhân duyên quả báo như vậy nên ngày nay mọi người đều chung có phước lực như vậy.»
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện vì ông mà nói pháp, khai hóa, khiến sanh hoan hỷ, từ nơi chỗ ngồi xa lìa trầu cấu, đặng con mắt pháp trong sạch, thấy pháp đắc pháp, thành tựu quả chứng, và bạch Phật rằng:
«Từ nay về sau, trọn đời con xin quy y Phật, Pháp, Tăng, làm người ưu-bà-tắc. Không sát sanh cho đến không uống rượu. Cúi xin đức Thế Tôn nhận lời thỉnh mời của con, bảy ngày ở lại thành Bạt-đề.»
Bấy giờ, đức Thế Tôn im lặng nhận lời. Khi cư sĩ Mân-trà biết đức Thế Tôn và Tăng tỳ-kheo đã chấp nhận lời mời bằng cách im lặng rồi, liền chuẩn bị đầy đủ các thức ăn đủ mùi vị để cúng dường bảy ngày cho Phật và Tăng tỳ-kheo trong thành Bạt-đề.
Sau khi qua bảy ngày thọ thỉnh, Thế Tôn đi qua vùng hoang mạc. Bấy giờ, Mân-trà cư sĩ sai người dùng một ngàn hai trăm năm mươi con bò cái, và dùng voi chở đầy các thức ăn để cúng dường Phật và Tăng tỳ-kheo theo lộ trình trên.
Đức Thế Tôn sau khi nhận sự cúng dường bảy ngày xong, liền đến vùng hoang mạc. Trên đường đi, các tỳ-kheo thấy có người vắt sữa bò cho con bò nghé uống. Rồi lại vắt. Từ miệng con bò nghé chảy ra một thứ nước bọt giống như sữa.[93] Do đây mà các tỳ-kheo sau đó không dám uống sữa, nên bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Phương pháp vắt sữa là như vậy. Cho phép uống.»
Sữa bò cho ra năm loại: sữa tươi, sữa đông, sữa bơ, bơ, bơ trong.[94]
Qua khỏi hoang mạc rồi thức ăn vẫn còn dư. Sứ giả kia khởi ý nghĩ như vầy: ‹Cư sĩ Mân-trà giàu có, nhiều tài bảo, nên làm các thức ăn này để các tỳ-kheo dùng dọc đường. Nay ta nên đem hết đồ ăn thức uống này cúng cho các tỳ-kheo.› Nghĩ xong, sứ giả liền đem đồ ăn thức uống cúng cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo không nhận vì bảo đức Phật chưa cho phép nhận lương thực dọc đường. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau, cho phép nghĩ là thức ăn của đàn-việt để nhận, rồi khiến tịnh nhơn cất giữ, chứ không được tự thọ nhận. Khi nào cần thì tùy ý xử dụng.»
5. Tám thứ nước
Bấy giờ, đức Thế Tôn từ nước A-mâu-đa-la,[95] du hành nhân gian đến thành A-ma-na[96] trú trong vườn của bà-la-môn bện tóc Sí-nâu.[97] Lúc ấy, bà-la-môn bện tóc Sí-nậu nghe Sa-môn Cù-đàm xuất gia từ dòng họ Thích, từ nước A-mâu-đa-la đến thành A-ma-na, trú trong vườn của ta. Vị kia khởi ý nghĩ như vầy: «Sa-môn Cù-đàm có đại danh xưng, gọi là Như lai, Vô sở trước, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điền ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn. Lành thay, nay ta nên đến yết kiến con người Vô trước như vậy.» Bấy giờ, bà-la-môn bện tóc đến chỗ đức Thế Tôn, cung kính hỏi chào rồi, lui qua một bên mà ngồi. Đức Phật vì ông dùng vô số phương tiện nói pháp, khai hóa, khiến sanh hoan hỷ. Khi bà-la-môn nghe Phật nói pháp rất hoan hỷ rồi, bạch Phật:
«Cúi xin Phật và Tăng tỳ-kheo nhận lời thỉnh mời thọ thực của con vào sáng mai.»
Đức Phật nói:
«Hiện tại Tăng tỳ-kheo đông, mà ông là người tin ngoại đạo.»
Bà-la-môn thưa:
«Dù chúng Tăng hiện nay đông, con tuy là người tin theo ngoại đạo, nhưng cũng xin Ngài và chúng Tăng nhận lời thỉnh mời thọ thực của con vào sáng mai.»
Tuy đức Thế Tôn nói đi nói lại ba lần, nhưng bà-la-môn cũng lại ba lần thưa đức Thế Tôn như vậy. Đức Thế Tôn bấy giờ im lặng nhận lời thỉnh. Bà-la-môn biết đức Phật đã nhận lời rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi về nhà, và nói với thân quyến rằng:
«Sáng mai tôi thỉnh Phật và Tăng tỳ-kheo thọ thực, các người nên tiếp tay với tôi trong việc cúng dường này.»
Những người trong thân quyến nghe nói đều hoan hỷ. Kẻ thì bửa củi, người thì nấu cơm, người khác xách nước. Bà-la-môn thì tự trang hoàng nhà cửa, trải tòa ngồi, để Phật và Tăng tỳ-kheo sẽ ngồi.
Lúc ấy trong thành A-ma-na có bà-la-môn Thí-lô cùng ở với năm trăm bà-la-môn khác, mà Sí-nậu bà-la-môn thường cung kính tôn ngưỡng họ. Bấy giờ bà-la-môn Thí-lô cùng năm trăm bà-la-môn đều đến nhà của bà-la-môn Sí-nậu. Theo phép thường ngày của bà-la-môn Sí-nậu là mỗi khi thấy quý vị ấy đến nhà liền ra nghinh đón, mời vào nhà an tọa, nhưng nay thấy, không ra nghinh đón, cũng không mời ngồi, mà cứ lo trang hoàng nhà cửa, trải tòa ngồi tốt đẹp. Thí-lô hỏi rằng:
«Sắp sửa cưới vợ? hay gã con gái lấy chồng? hay muốn rước Vua? hay sắp cử đại tế tự?»
Người nhà trả lời:
«Nhà chúng tôi không phải sắp cưới vợ, cho đến, cũng không rước vua, mà chúng tôi muốn làm đại lễ thỉnh Phật và Tăng tỳ-kheo gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị. Sa-môn Cù-đàm có đại danh xưng là Như lai, Vô sở trước, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn.»
Thí-lô hỏi Sí-nậu rằng:
«Thật là Phật hay chăng?»
Sí-nậu trả lời:
«Thật là Phật.»
Thí-lô ba phen hỏi:
«Thật là Phật hay chăng?»
Sí-nậu cũng trả lời:
«Thật vậy.»
Thí-lô hỏi:
«Phật ở đâu? Tôi muốn yết kiến.»
Bấy giờ Sí-nậu đưa tay bên phải chỉ và nói:
«Ngài đang ở trong rừng tịnh kia.»
Thí-lô nghĩ như vầy: «Ta không được đến bằng hai tay không, mà nên có một phẩm vật gì đem đến để yết kiến Sa-môn Cù-đàm.» Nghĩ xong Thí-lô liền nói: «Nay có tám thứ nước mà xưa kia Tiên nhơn vô dục thường uống. Đó là: nước lê, nước diêm-phù, nước táo chua, nước mía, nước quả thị, nước xá-lâu-già, nước bà-lâu-sư và nước nho.»[98] Bấy giờ, bà-la-môn Thí-lô đem tám thứ nước này đến chỗ đức Phật, cung kính hỏi chào, rồi lui ngồi qua một bên. Bấy giờ, đức Thế Tôn vì ông mà phương tiện nói pháp khai hóa, khiến sanh hoan hỷ. Thí-lô nghe pháp rất hoan hỷ, liền đem tám thứ nước cúng cho Tăng tỳ-kheo. Tỳ-kheo không dám nhận và nói: Đức Phật chưa cho phép chúng tôi nhận tám thứ nước này, tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép dùng tám thứ nước này, nếu nó không say. Có thể uống vào lúc phi thời. Nếu say thì không được uống, uống sẽ như pháp trị. Cũng không được nhận ngày nay để ngày mai uống. Nếu để như vậy sẽ như pháp trị.»
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn du hành trong nhân gian. Từ trú xứ này đến Ma-la,[99] hướng đến thành Ba-bà. Bấy giờ các Ma-la nơi thành Ba-bà,[100] nghe đức Thế Tôn cùng một ngàn hai trăm năm mươi tỳ-kheo du hành trong nhân gian từ Ma-la hướng đến thành Ba-bà. Họ cùng nhau đặt ra quy chế: Khi đức Thế Tôn đến mọi người đều phải nghinh đón, nếu ai không nghinh đón sẽ bị phạt một trăm lượng vàng.
Bấy giờ, có Ma-la Tử tên là Lô-di[101] không tin ưa đối với Phật, Pháp, Tăng. Lô-di là thân hữu của A-nan khi còn bạch y. A-nan từ xa thấy Lô-di liền nói rằng:
«Rất hay, Lô-di! Bạn có thể tự đến nghinh đón đức Phật.»
Lô-di trả lời:
«Nầy Đại đức! Tôi không phải đến đây nghinh đón, mà vì trong thành Ma-la lập ra quy chế, ai không nghinh đón Phật sẽ bị phạt một trăm lượng vàng. Vì lí do ấy nên tôi mới có mặt ở đây, chứ chẳng phải tin ưa mà đến.»
Khi Tôn giả A-nan nghe như vậy không vui, liền đến chỗ đức Thế Tôn thưa rằng:
«Trong thành Ma-la này, có Ma-la Tử tên Lô-di, là bạn của con khi còn bạch y. Lành thay! Đức Thế Tôn nguyện xin Ngài vì con mà giúp đỡ để bạn của con được tin ưa Phật.»
Đức Phật nói với Tôn giả A-nan:
«Việc này có gì là khó! Nếu có khó cũng chẳng phải là thật khó.»
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn liền dùng từ tâm cảm hóa Lô-di Ma-la, khiến Lô-di tự động đến chỗ đức Thế Tôn, như có người hướng dẫn. Như vậy là Lô-di đã đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi lui qua đứng ra một bên. Bấy giờ, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện nói pháp khai hóa, khiến được hoan hỷ. Ngay lúc đó [874a1] liền được viễn ly trần cấu, đặng con mắt pháp trong sạch, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng, bèn bạch Phật:
«Đại đức, từ nay về sau, con xin quy y Phật, Pháp, Tăng, làm người ưu-bà-tắc, không sát sanh cho đến không uống rượu. Cúi xin đức Thế Tôn thường thọ nhận y phục ẩm thực y dược ngọa cụ của con.»
Đức Phật bảo Lô-di:
«Nay ông đã là học nhơn, có trí sáng suốt, đã viễn ly trần cấu, đặng con mắt pháp trong sạch, thỉnh cầu Như Lai thường thọ nhận y phục ẩm thực y dược ngọa cụ của ông. Nhưng nếu có các học nhơn khác có trí thông minh viễn ly trần cấu, đặng con mắt pháp trong sạch, cũng lại thỉnh cầu Như Lai thường thọ nhận y phục ẩm thực y dược ngọa cụ của họ thì sao?»
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn ở tại thành Ba-bà không thể nhận sự thỉnh mời riêng từng người. Bấy giờ trong thành tất cả mọi gia đình đều tập trung thức ăn tại một địa điểm để cúng Phật và Tăng. Lúc ấy Lô-di đến chỗ làm thức ăn xem xét thì thấy không có bánh, ông liền về nhà, trong đêm đó sắm sửa đầy đủ các thứ bánh, sáng ngày đem đến cúng dường cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo không nhận lời, và nói đức Phật chưa cho phép chúng tôi nhận bánh trước khi thọ thực. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép nhận.»
Thế Tôn từ thành Ba-bà đến A-đầu.[102] Bấy giờ tại trú xứ A-đầu, có hai tỳ-kheo là hai cha con xuất gia,[103] trước kia thường làm nghề hớt tóc. Bấy giờ, hai tỳ-kheo nghe đức Phật từ Ba-bà đến A-đầu, bèn nghĩ: «Chúng ta nên sắm sửa thứ gì để cúng dường đức Thế Tôn.» Người cha nói với người con rằng:
«Nay cha sẽ đi tìm chỗ hớt tóc. Con lấy tiền ấy sắm sửa cháo để cúng dường đức Thế Tôn. Nói xong người cha đi hớt tóc người con lấy tiền đã được đó đi sắm sửa cháo, đem đến cúng dường đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn biết mà vẫn hỏi A-nan:
«Cháo này ở đâu?»
Tôn giả bạch đầy đủ vấn đề lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dạy:
«Người xuất gia không được hớt tóc cho bạch y, trừ khi họ muốn xuất gia. Nếu người thợ hớt tóc đã xuất gia thì không được tích trử dao cạo. Nếu chứa sẽ như pháp trị.»
Bấy giờ, chúng Tăng nhận được dao cạo tóc, bạch Phật. Đức Phật cho phép tích trử.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn từ A-đầu đến Ca-ma-la. Các tỳ-kheo được cúng thuốc rễ như a-lậu-di, na-lậu-tỳ, na-lậu-đề, bà-đàn, lư-càn-lậu, tư-la-nậu.[104] Các tỳ-kheo không nhận và nói: Đức Phật chưa cho chúng tôi thọ dụng những căn dược như vậy. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép nhận.»
Trong khi ấy tại nước Ca-ma-la, các tỳ-kheo được người cho các thứ thuốc trọn đời[105] như sa-mạn-na, ma-ha sa-mạn-na, hạnh tử, nhơn-đâu-đâu-lậu, sát địch lê. Các tỳ-kheo không nhận, và nói: ‹Đức Phật chưa cho chúng tôi nhận các thứ thuốc tận hình thọ như vậy.› Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép nhận.»
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn từ Ca-ma-la đến nước Ca-duy-la-vệ. Tất-lăng-già-bà-ta hiện trú tại nước đó, chân bị đau, thầy thuốc bảo xoa cái chân, bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép xoa.»
Nhưng không biết dùng thuốc gì để xoa, bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép dùng dầu bơ hoặc mỡ để xoa. Khi tay cầm dầu bơ bị hôi, đức Phật bảo lấy que xức thuốc. Khi tay xoa chân, tay bị nhớt, đức Phật bảo lấy chân xoa chân. Thuốc xoa chân đựng trong cái tô không bảo đảm, đức Phật cho phép đựng trong cái bình. Nếu sợ bụi bặm, Phật cho phép đậy lại bằng cái nắp. Bình đựng dầu, để chỗ không bảo đảm, đức Phật cho phép treo dưới giường hoặc treo trên vách, trên long nha, trên cây trụ.
Bấy giờ, các tỳ-kheo bị đau đầu, thầy thuốc bảo thoa dầu trên đầu, bạch Phật. Đức Phật cho phép thoa. Vị kia vì e ngại không dám dùng dầu thơm thoa. Phật dạy cho phép thoa. Phương pháp dùng dầu phải như vậy.
Bấy giờ, có tỳ-kheo bị bệnh phong, thầy thuốc bảo làm thuốc trừ phong. Trong phương thuốc trừ phong gồm có nấu gạo thóc, chưng bả rượu; hoặc đại mạch, hoặc các loại cỏ trừ phong, hoặc trấu, hoặc nấu nước tiểu, bạch Phật. Đức Phật cho phép.
Bấy giờ, Tất-lăng-già-bà-ta cần cái soong để nấu, đức Phật cho phép chứa dùng. Chúng Tăng nhận được cái soong lớn, đức Phật cho phép tích trử. Tất-lăng-già-bà-ta nhận được ba loại chỏ: chỏ đồng, chỏ thiết, chỏ đất, đức Phật dạy cho phép tích trử. Chúng Tăng cũng được cho phép tích trử như vậy. Sau đó Tất-lăng-già-bà-ta nhận được cái bình bằng đồng, bình bằng thiết, bình bằng đất, đức Phật dạy cho phép chứa. Chúng Tăng cũng được phép chứa như vậy. Tất-lăng-già-bà-ta nhận được bánh nướng, đức Phật dạy cho phép cất. Chúng Tăng cũng được phép cất như vậy. Tất-lăng-già-bà-ta nhận được cái âu bằng đồng, nhận được cái tô, đức Phật dạy cho phép chứa. Chúng Tăng cũng được phép chứa như vậy.[106]


Chú thích:
[1] Đây chỉ năm loại chánh thực, hoặc âm là bồ-xà-ni, Pali: bhojana, chỉ thức ăn mềm. Xem Phần i, Ch.iv, điều 35 & cht. 180, 201, 202.
[2] Mị mễ [序-予+禾]. Cf. Nhất thiết kinh âm nghĩa 59 (T54n2128 tr.703c24): «Lã thị xuân thu nói, cơm loại ngon thì có thứ gạo tế 穄 của Dương sơn. Cao Dụ nói, người Quan tây gọi là lúa mị. Người Ký châu gọi là lúa tế 穄.»
[3] Câu-bạt-đạt-la 俱跋陀羅.
[4] Khứu 糗. Pali: kummāsa (Skt. kulmāsa) cháo chua. Xem Hành sự sao (T40n1804 tr.117c27).
[5] Tu-bộ 修步. Pali (Skt.): sūpa, nước thịt; súp thịt.
[6] Lạc 酪. Pali (Skt.): dadhi, váng sữa, sữa đông, sữa đặc.
[7] Lạc tương 酪漿. Pali (Skt.): dadhi-maṇḍaka, nước sữa chua; sữa chua chắt phần đông, phần lỏng còn lại gọi là lạc tương hay lạc thuỷ; toan nhủ chi.
[8] Kiết-la 吉羅. Pali: khīra, sữa tươi. Sữa chỉ chung.
[9] Man-nâu 蔓[少/兔]. Pali (Skt.): maṇḍa, váng của các loại ngũ cốc đun sôi; phần tinh chất, thượng vị, đề hồ.
[10] Khư-xà-ni 佉闍尼. Pali (Skt.): khādaniya, thức ăn cần phải cắn; thức ăn cứng; đạm thực, ngạnh thực.
[11] Thạch mật 石蜜. Pali (Skt.) phāṇita, mật mía, đường mía; đường thẻ hay đường cát thô.
[12] Hủ lạn dược 腐爛藥. Pali: pūti-mutta (Skt. pūti-mukta-bhaiṣajya), cũng dịch là trần khí dược. PTS định nghĩa: nước tiểu của gia súc được dùng làm thuốc.
[13] Ha-lê-lặc 呵梨勒. Pali (Skt.): harītaka, harītakī, một loại trái chua, tên khoa học Myrobalan vàng, dùng để nhuộm màu vàng hay để xổ.
[14] Hoạn phong 患風. Skt. vāyvādhika, chứng thống phong, bịnh gút.
[15] Bệ-hê-lặc 鞞醯勒. Pali (Skt.): vibhītaka, quả xuyên luyện 川練, dùng làm thuốc.
[16] A-ma-lặc 阿摩勒. Pali: amba (Skt. āmra), quả xoài.
[17] Tô (?)-la [卄/(麩-夫+生)]羅. Có lẽ Pali (Vin.i. 201): sulasī, cây húng quế.
[18] Quả dược 果藥.
[19] Đại ngũ chủng căn dược 大五種根藥.
[20] Tiểu ngũ chủng căn dược 小五種根藥.
[21] Chất-đa-la dược 質多羅藥.
[22] Kế-sa dược 罽沙藥. Skt. kesara (?): nhụy hoa, râu hoa, hương tu.
[23] Sa-lê-sa-bà dược 娑梨娑婆藥.
[24] Thức-cừ 式渠.
[25] Đế-thố (hay nậu?) 帝菟. Phụ chú trong bản: «đọc là để thổ 底吐.»
[26] Tất-bạt 蓽茇, loại cỏ, trổ hoa trắng mùa xuân; quả như quả dâu. Gốc từ Ba-tư. (Từ nguyên)
[27] Tế mạt dược 細末藥. Dược sự 1 (T24n1448 tr.2a16): sáp dược 澀藥, trị ghẻ. Skt. kaṣāya. Pal (Vin.i. 201)i: kasāva. Phật cho phép dùng các loại sáp dược: nimbakasāva, kuṭajakasāva, paṭolakasāva, phaggavakassāva, nattamalakasāva.
[28] Mã nhĩ 馬耳. Từ nguyên không thấy ghi. Có lẽ nguyên Skt. aśva-karṇa, loại cây có lá hình tai ngựa; tên khoa học Vatica Robusta.
[29] Xá-ma-la 舍摩羅. Skt. śālmala (?), một loại cây bông gòn (để dệt lụa), mộc miên.
30 Tượng nha dặc 象牙杙; các phần trước gọi là long nha dặc. Tức gạc nai dùng để máng đồ.
[31] Mahāvagga vi. Vin.i. 202, năm loại muối: sāmuddaṃ (muối biển), kāḷaloṇaṃ (muối đen), sindhavaṃ (muối đá), ubbhidaṃ (muối ăn), bilaṃ (muối đỏ). Dược sự 1 (T24n1448 tr.1b27), năm loại muối: ô diêm 烏鹽; xích diêm赤鹽; bạch thạch diêm 白石鹽; chủng sanh diêm 種生鹽; hải diêm 海鹽.
[32] Các loại muối: minh diêm 明鹽, hắc diêm 黑鹽, hoàn diêm 丸鹽, lâu-ma diêm 樓 Skt. romaka, muối của người La-mã (nhập); chi-đầu-bệ diêm 支頭鞞鹽, lỗ diêm 鹵鹽, hôi diêm 灰鹽; tân-đà-bà diêm 新陀婆鹽, saindhava, muối biển, đặc biệt vùng Shindu; thi-lô-bệ diêm 施盧鞞鹽, hải diêm 海鹽. So sánh, Mahāvagga vi; Dược sự 1, xem cht. 31 trên.
[33] Hôi dược 灰藥. Các loại hôi dược: tát-xà 薩闍; (Skt.sarja), tân-na 賓那; ba-la-ma 波羅摩. Skt. kṣāra, tinh chất lấy được từ chưng cất hay đốt thành tro; Dược sự 1, có năm loại: tro vỏ trấu (Skt. yavakṣāra), tro râu lúa (Skt. yavāṣūkakṣāra), tro dầu mè (tilakṣāra), tro từ cỏ ngưu tất (sarjikākṣāra), tro lá cây bà-sa (vāsakākṣāra), một loại hương liệu, tên khoa học Gendarussa Vulgaris hay Adhatoda Vasica.
[34] Xa-bà dược 闍婆. Dược sự 1 (T24n1448 tr.1b21): niêm dược 黏藥, dược liệu lấy từ nhựa cây. Năm loại: a-ngụy 阿魏, ô khang 烏糠, tử khoáng 紫礦, hoàng lạp 黃蠟, tất hương 悉香. Pali, ibid., jatūni bhejjāni, nhựa cây dùng làm thuốc: hiṅgu, hiṅgu-jatu , hiṅgu-sipātika, taka, takapatti, takapaṇṇa. MūlVinay.i.2: hiṅgu, hưng cừ hay a-ngụy; sarjarasa, nhựa cây sa-la (ô khang); taka, nhựa tử khoáng để nhuộm màu tía; takakarṇī: hoàng lạp (sáp vàng), lấy từ sáp ong (sikthaka): tadāgata, tất hương, nhựa của các loại cây khác.
[35] Các loại thuốc bà-xà (Skt., Pali: jatu: nhựa cây): hinh-ngưu 馨牛, (hiṅgu); hinh-nga-bà-đề 馨莪婆提, thi-bà-lê-đà 尸婆梨陀, (Skt.śivāṭikā); bộ-thê-dạ-bà-đề 步梯夜婆提, tát-xà-la-sà 薩闍羅 婆. (Skt. sarjarasa). Xem cht. 34 trên.
[36] Nhãn dược 眼藥. Dược sự, năm loại thuốc chữa mắt (an-thiện-na 安繕那, Skt. añjana): hoa (Skt. puṣpa); nước cốt (rasa); bột (cūrṇa); viên (guṭikā); cháo chua, (sauvīraka: tao-tì-la thạch, một loại đá của người Sauvīra?). Tứ phần, có hai: đà-bà-xà-na 陀婆闍那, Skt. (?); kỳ-la-xà-na 耆羅闍那, Skt. gairāñjana, thuốc chữa lấy từ một loại đất đỏ
[37] Bạch ế 白翳.
[38] A-nậu 阿耨. Pali: Anotatta (Vô nhiệt trì), 1 trong 7 ao lớn trên Tuyết sơn.
[39] Y-la-bà-ni 伊羅婆尼; Pali: Erāvaṇa, con voi của Thiên-đế.
[40] Xem Phần I, Ch. v, Ba-dật-đề 35.
[41] Xem Phần I, Ch. iv. Ni-tát-kỳ 27.
[42] Hán: thủy để hành nhân 水底行人, chỉ thợ lặn, hay người đánh cá.
[43] Chính xác, nên hiểu là thịt rắn. Cf. Mahāvagga vi, Vin.i.220.
[44] Thiện Hiện Long vương 善現龍王. Pali, Vin.i. 219, Supassa. Hán đọc là Sudassa(na). Ngũ phần 22 (T22n1421 tr.148c26): Thiện Tự Tại Long vương 善自在龍王.
[45] Ngũ phần, đã dẫn: «Hoặc khi có thể con rắn đó là rồng.» Thập tụng26 (T23n1435 tr.186c29): «Rắn và rồng, đều cùng một giống cả.»
[46] Tô-tỳ 蘇卑. Pali, Vin.i. 216ff. Suppiyā.
[47] Da-thâu-già 耶輸伽. Pali, Vin.i. 239, Yasoja.
[48] Tống thực 送食: mang thức ăn đến chùa cho tỳ-kheo.
[49] Mồng một, tính theo tháng 15 ngày; kể thêm ngày 16, nếu tính tháng 30 ngày.
[50] Thính dữ phòng tiền 聽與房錢; chưa hiểu ý.
[51] Nhân duyên, đã kể trong Phần I, Ch.iv. Ni-tát-kỳ 26. Truyện kể, Cf. Vin.i. 199: mùa thu, các tỳ-kheo bịnh, ăn cháo và các thứ vật thực, đều ói ra cả.
[52] Tham chiếu Pali, Vin. i. 199: bhesajjāni ceva bhesajjasam-matāni ca lokassa āhāratthañ ca pharanti na ca oḷāriko āhārako paññāyati, «Đây là những thứ mà thế gian xem là thuốc, có thể sung làm thức ăn, nhưng không được kể như là thức ăn chính.»
[53] Tô, du, mật, sanh tô, thạch mật 酥油蜜生酥石蜜. Pali: sappi, navanaṃ, telaṃ, madhu, phāṇitaṃ.
[54] Phạn khứu pháp 飯糗法.
[55] Trong bản: thất-thủ-ma-la 失守摩羅; Pali: suṃsumāra; Skt. śiśumāra. Trên kia, Phần I, Ch. iv. Ni-tát-kỳ 26, thay thất-thủ-ma-la bằng cá ma-kiệt.
[56] Tư-ha-tỳ-la 私呵毘羅. Truyện đã kể trên, xem Phần I, Ch.iv. Ni-tát-kỳ 26. Trong đó, là người lái buôn tên Tư-ha tỳ-la-trà.
[57] Hắc thạch mật 黑石蜜; đường chưa tinh luyện. Pali: gula. Phân biệt với thạch mật, tức mật đường. Pali: phāṇita.
[58] Thiên bức luân tướng 千輻輪相.
[59] Kế-ni 罽尼; có lẽ Pali: kiṇṇa (Skt. kiṇva), bột lên men, hay men. Hoặc. Skt. kṣāra (Pali: chārika), tro, xem cht. 33 trên. Cf. Vin.i. 210: người ta bỏ bột và tro vào trong mật đường (gule piṭṭhampi chārikampi pakkhipanti)
[60] Nhuyến hắc thạch mật, đường mía ở dạng lỏng.
59 Hắc thạch mật tương 黑石蜜漿. Nước đường, tức mật đường pha với nước. Pali (Vin.i. 226): gulodaka.
[62] Ma xan trí 磨餐緻.
[63] Bạch thạch mật 白石蜜.
[64] Ô-bà-đà-phả-ni 烏婆陀頗尼.
[65] Tất-lăng-già-bà-ta 畢陵伽婆蹉. Truyện kể, xem Phần I, Ch. iv. Ni-tát-kỳ 26 & 86.
[66] Tỳ-kheo, ni-tát-kỳ 26.
[67] Xem đoạn trên.
[68] Phả-ni 頗尼.
[69] Thời dược 時藥, chỉ thực phẩm chính, ngũ cốc và cá, thịt, không được trữ dùng sau đứng bóng.
[70] Phi thời dược 非時藥, được trữ dùng sau ngọ. Tứ phần, gồm 5 thứ: tô, du, mật, sanh tô, hắc thạch mật. Ngũ phần và Thập tụng, chỉ có 4, bỏ sanh tô.
[71] Thất nhật dược 七日藥; thuốc chỉ được phép trừ dùng trong vòng bảy ngày.
[72] Tận hình thọ dược 盡形壽藥; thuộc trữ dùng cho đến hết đời.
[73] Hoạn pháo 患皰. Bong da, giộp da.
[74] Chiên-đàn tất-lăng-kỳ-già-la-nậu-bà-la 栴檀畢陵祇伽羅[少/兔] 婆羅. Cf. Dược sự 3 (tr.10a): «bịnh nhiệt rất nặng, dùng ngưu đầu chiên đàn (Skt. gośṛiṅga-candana) thoa vào mình.»
[75] Tám Long vương: Tỳ-lâu-lặc-xoa 毘樓勒叉, (Pali: Virūḷhaka, Skt. Virūḍhaka) Già-ninh 伽寧, Cù-đàm-minh 瞿曇冥, Thí-bà-di-đa-la 施婆彌多羅, Đa-xa-y-la-bà-ny 多奢伊羅婆尼, Già-tỳ-la-thấp-ba-la 伽毘羅濕波羅, Đề-đầu-lại-thác 提頭賴託, (Pali: Dhataraṭṭha, Skt. Dhṛtarāṣṭra). Viṇ. ii. 110, bốn gia tộc của vua rắn (cattāri ahirājakulāni): Virūpakkha (Tỳ-lâu-lặc-xoa), Erāpatha (Y-la-bà-ni), Chabyāputta (Già-tỳ-la-thấp-ba-la), Kaṇhāgotamaka (? Hắc Cù-đàm).
[76] Tham chiếu, Vin.ii. đã dẫn.
[77] Bệnh độc 病毒; có lẽ ngộ độc. Cf. Vin.i. 206, tỳ-kheo uống nhằm chất độc (visaṃ pītaṃ hoti), Phật dạy, cho uống phân bò (gūthaṃ pāyetuṃ) hoà với nước.
[78] Hủ lạn dược 腐爛藥. Đây chỉ lấy nước tiểu trâu bò làm thuốc.
[79] Nghĩa là, trâu bò đã tiểu xuống đất. Chứ không phải hứng, khi chúng đang tiểu.
[80] Tư-ha tướng quân 私呵將軍. Pali, Vin.i. 233, Sīhasenapati; vị tướng quân người Licchavī (Lê-xa), ở Vesāli; đệ tử của Nigaṇṭha (Ni-kiền). Xem Trung A-hàm 4, kinh số 18 «Sư Tử» (T1, tr.440c); Pali, A.viii.12 Sīha.
[81] Đoán sự đường 斷事堂, chỗ xử án, xử lý việc công.
[82] Nguyên Hán: tác pháp 作法. Tham chiếu. Trung A-hàm 4 (T01n26 tr.441a01): «Sa-môn Cù-đàm chủ trương bất khả tác 不可作.» Cf. Vin.i. 233: akiriyavādaṃ samaṇaṃ gotamaṃ, Sa-môn Cù-đàm chủ trương «Không được làm.»
[83] Đoạn diệt pháp 斷滅法. Pali: ucchedavādo samaṇo gotamo, Sa-môn Gotama chủ trương đoạn diệt (hư vô luận).
[84] Uế ác pháp 穢惡法. Pali: jegucchī, chủ trương khổ hạnh kinh tởm.
[85] Điều phục pháp 調伏法. Pali: venayika, chủ trương tự chế ngự, khắc kỹ.
[86] Diệt ám pháp 滅闇法. Pali: tapassī, chủ trương nhiệt hành (khổ hành). Bản Hán hiểu là tamo (bống tối) thay vì tapo (sức nóng).
[87] Đoạn dưới nói rõ: không nhập thai nữa. Pali: apagabbo, chủ trương không nhập thai (không tái sinh).
[88] Vô úy pháp 無畏法. Pali: assattha, sự tĩnh chỉ, tô tức pháp.
[89] Bạt-đề 跋提. Pali: Bhaddiya, thành phố thuộc vương quốc Aṅga (Ương-già).
[90] Mân-trà 旻茶. Pali, Vin.i. 240, Meṇḍaka, phú hộ ở Bhaddiya, vương quốc Aṅga; là ông nội của bà Visakhā; là một trong 5 Đại thần Quốc khố của Vua Bimbisāra. Không thấy nói ông là đệ tử của Pūraṇa-Kassapa (Bất-lan Ca-diệp). Nhưng có một người đầy tớ tên Puṇṇa.
[91] Bất-lan Ca-diệp 不蘭迦葉. Pali: Pūraṇa-Kassapa, một trong sáu tông sư ngoại đạo.
[92] Đa-ha-lâu-chi 多呵樓支. Theo truyện kể DhA.iii.363, Phật hiệu Vipassī (Tỳ-bà-thi).
[93] Như đoạn trên. Xem tr. 13.
[94] Nhũ 乳, lạc 酪, sanh tô 生酥, thục tô 熟酥, đề hồ 醍醐. Pali: khīra, sữa tươi; dadhi, sữa đông, sữa chua; takka, sữa bơ, bơ lỏng với ¼ nước, do đun dadhi rồi quậy; navanīta, bơ tươi hay bơ sống, chế biến từ takka; sappi, bơ lỏng hay bơ trong, do đun bơ sống lên, thành chất dầu ăn..
[95] A-mâu-na 阿牟多羅. Pali: Aṅguttarāpā, nước ở phía bắc sông Mahī. Đối ngạn là Aṅga.
[96] A-ma-na 阿摩那. Pali, Vin. i. 245, Āpaṇa, một thị trấn trong xứ Aṅguttarāpa. Từ đây, Phật đi lên Kusinārā để nhập Niết-bàn.
[97] Súy-nậu 翅[少/兔]. Pali: Jaṭila Keniya.
[98] Tám thứ nước, Pali: ambapāna, nước quả xoài; jambupāna, nước quả hồng đào; cocapāna, nước dừa; mocapāna, nước chuối; madhūkapāna, mật; muddikapāna, nước nho; sālūkapāna, nước ngó sen; phārusakapāna, không rõ.
[99] Ma-la 摩羅. Pali: tên bộ tộc, và vương quốc cùng tên. Kusinārā là một thủ phủ của nước này.
[100] Ba-bà 波婆. Pali: một thị trấn của người Malla, song đôi với Kusinārā.
[101] Lô-di 盧夷. Pali: Roja; bạn thân của A-nan. Trên kia, phiên âm là Lâu-diên. Xem Ch. vi. Y, mục iii.10 & cht. 61.
[102] A-đầu 阿頭. Pali: Ātumā, thị trấn nằm giữa Kusinārā và Sāvatthi.
101 Một người cha làm nghề hớt tóc, có hai người con. Cha sau đi tu.
[104] A-lậu-di, na-lậu-tỳ, na-lậu-đề, bà-đàn, lư-càn-lậu, tư-la-nậu, 阿漏彌那漏比那漏提婆檀豆檀盧乾漏私羅漏 không đoán ra nguyên Phạn được. Dược sự 1, thuốc chế từ rễ: phụ tử (Skt. musta) xương bồ (Skt. vaca), hoàng khương hay nghệ (haridra). Sanh khương hay gừng (ārdraka), phụ tử trắng (? Skt. ativiṣā: mạch đông). Danh sách Pali, Vin.i. 201: halidda (củ nghệ), siṅgivera (gừng), vaca (xương bồ hay rễ diên vĩ), vacattha (xương bồ trắng), ativisa (mạch đông), kaṭukarohiṇi (hồ liên cay), usīra (hương căn), bhaddhamutta (cát tường thảo).
[105] Dược sự 1: tận thọ dược, gồm thuốc được chế từ rễ, lá, hoa và quả.
[106] Hết quyển 42.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 60 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.138.122.96 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập