Cơ hội thành công thực sự nằm ở con người chứ không ở công việc. (The real opportunity for success lies within the person and not in the job. )Zig Ziglar
Hãy lặng lẽ quan sát những tư tưởng và hành xử của bạn. Bạn sâu lắng hơn cái tâm thức đang suy nghĩ, bạn là sự tĩnh lặng sâu lắng hơn những ồn náo của tâm thức ấy. Bạn là tình thương và niềm vui còn chìm khuất dưới những nỗi đau. (Be the silent watcher of your thoughts and behavior. You are beneath the thinkers. You are the stillness beneath the mental noise. You are the love and joy beneath the pain.)Eckhart Tolle
Hành động thiếu tri thức là nguy hiểm, tri thức mà không hành động là vô ích. (Action without knowledge is dangerous, knowledge without action is useless. )Walter Evert Myer
Thương yêu là phương thuốc diệu kỳ có thể giúp mỗi người chúng ta xoa dịu những nỗi đau của chính mình và mọi người quanh ta.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Hạnh phúc chân thật là sự yên vui, thanh thản mà mỗi chúng ta có thể đạt đến bất chấp những khó khăn hay nghịch cảnh. Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Mục đích của cuộc sống là sống có mục đích.Sưu tầm
Nếu bạn không thích một sự việc, hãy thay đổi nó; nếu không thể thay đổi sự việc, hãy thay đổi cách nghĩ của bạn về nó. (If you don’t like something change it; if you can’t change it, change the way you think about it. )Mary Engelbreit
Người khôn ngoan chỉ nói khi có điều cần nói, kẻ ngu ngốc thì nói ra vì họ buộc phải nói. (Wise men speak because they have something to say; fools because they have to say something. )Plato

Trang chủ »» Danh mục »» PHẬT HỌC PHỔ THÔNG »» Luận về Pháp Hoa Kinh An Lạc Hạnh Nghĩa »» Phần III: Chú giải Pháp Hoa Kinh An Lạc Hạnh Nghĩa của Nam Nhạc Tuệ Tư Đại Thiền Sư (Daniel B. Stevenson và Hiroshi Kanno - Nam Nhạc Tư Đại Thiền Sư thuyết vào đời Trần) »»

Luận về Pháp Hoa Kinh An Lạc Hạnh Nghĩa
»» Phần III: Chú giải Pháp Hoa Kinh An Lạc Hạnh Nghĩa của Nam Nhạc Tuệ Tư Đại Thiền Sư (Daniel B. Stevenson và Hiroshi Kanno - Nam Nhạc Tư Đại Thiền Sư thuyết vào đời Trần)

Donate

(Lượt xem: 6.220)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Luận về Pháp Hoa Kinh An Lạc Hạnh Nghĩa  - Phần III: Chú giải Pháp Hoa Kinh An Lạc Hạnh Nghĩa của Nam Nhạc Tuệ Tư Đại Thiền Sư (Daniel B. Stevenson và Hiroshi Kanno - Nam Nhạc Tư Đại Thiền Sư thuyết vào đời Trần)

Font chữ:



SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Người đọc: Trường Tân

[697c19] Kinh Pháp Hoa là pháp môn “đốn giác” của Đại thừa , nơi mà một hành giả giác ngộ một cách tự nhiên, không cần một vị thầy, và mau chóng chứng đắc Bồ đề . Đây là pháp môn mà con người ở bất cứ nơi đâu cũng khó tin nhận . Vị Bồ tát sơ phát tâm tu tập theo Đại thừa, và muốn chứng đắc Bồ đề mau chóng hơn những vị Bồ tát khác thì phải trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định , và chuyên tâm tu tập Pháp Hoa tam muội . Nhìn mỗi chúng sinh như một vị Phật nên chắp tay cung kính như cung kính Phật . Cũng như vậy, nhìn mỗi chúng sinh như một đại bồ tát, một thiện tri thức . Lòng mong cầu Bồ đề nên như hạt giống khô cằn héo úa được gặp Dược Vương Bồ tát. Thuở lâu xưa, thời Nhật Nguyệt Đăng Minh Quang Phật, Dược Vương Bồ tát còn đưọc người biết đến như Nhất Thiết Chúng Sinh Hỉ Kiến Bồ Tát. Ngài nghe kinh Pháp Hoa, hằng mong cầu Bồ đề, trong một kiếp chứng được thần thông của một vị Phật.
[697c27] Hoặc như Diệu Trang Nghiêm Vương xưa kia. Truyền ngôi cho người em, nhà vua cùng với quần thần, quyến thuộc trong ngoài, hoàng hậu, và hai hoàng tử xuất gia dưới tòa Đức Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí Như Lai. Nhà vua tụng đọc kinh Pháp Hoa, và sau cùng chứng đắc Bồ đề. Hơn tám mươi bốn ngàn năm – trong một kiếp – nhà vua đắc được thần thông, và được thọ ký sẽ là một vị Phật . Vào thời ấy, kiếp người tính đếm được là tám mươi mốt ngàn năm, tương đương với tám mươi năm và bốn trăm ngày của cõi Nam Thiệm Bộ Châu, hoặc tám mươi năm trong các châu còn lại. Kiếp người thời nay tương đối ngắn . Vào thời xấu ác, kiếp trược, phiền não lại càng nhiều. Mong cầu Bồ đề trong thời nầy lại càng dễ thành tựu.
[698a6] Hạnh nhìn mỗi chúng sinh như một vị Phật được thuyết trong phẩm Thường Bất Khinh Bồ Tát . Khả năng phát triển năng lực thiền định được thuyết trong phẩm An Lạc Hạnh .
[698a7] Vì sao [nên tu tập thiền định]?. Tất cả chúng sinh vốn có Pháp Thân thanh tịnh (清淨法身) , chúng sinh là một, là cùng, không khác với chư Phật, như Phật tạng kinh (Buddha-pitaka) nói. Ba mươi hai tướng và tám mươi vẻ đẹp thuần tịnh. Chỉ vì tâm ô trược và sáu căn bám bụi mà Pháp thân không hiện, như ảnh không phản chiếu được trên mặt gương bị bụi che mờ . Vì vậy, nếu có người chuyên cần thiền định, và dọp dẹp những mê hoặc từ thâm căn cố đế thì pháp thân sẽ hiện tròn đầy.
[698a12] Vì vậy nên kinh Pháp Hoa nói mắt thường do cha mẹ sinh vốn thanh tịnh (phụ mẫu sở sinh thanh tịnh thường nhãn父母所生清淨常眼) nên biết tai, mũi, lưỡi, thân, và ý cũng như vậy . Khi tọa thiền, không nhận lấy cảnh là thường hoặc vô thường. Phẩm An Lạc Hạnh, kinh Pháp Hoa, nói: “Bồ tát biết rõ các pháp không thường trụ, và cũng không sinh diệt. Đây cũng là “thân cận” của người trí.”
[698a16] Nếu có người lòng luôn mong cầu pháp tối thượng; hãy [tụng đọc và] thực hành kinh Pháp Hoa.
Người ấy sẽ thấy với chính thân và tâm nầy, pháp môn tịnh diệu là thần dược [bất tử].
Trì giới, nhẫn nhục, thiền định.
Người ấy sẽ từ đó chứng được các tam muội của chư Phật, và thấy bản tánh sáu căn vốn thanh tịnh (六根性清淨).
Bồ tát thực hành Pháp Hoa, thành tựu hai hạnh là:
Thứ nhất, Vô Tướng Hạnh (無相行).
Thứ hai, Hữu Tướng Hạnh (有相行).
Tứ vô tướng an lạc hạnh liên quan đến các trạng thái thâm diệu của thiền định , nơi đó người ấy quán tánh sáu căn và tất cả các pháp thanh tịnh từ ban sơ.
Chúng sinh vốn không có sự ô nhiễm,
không [đâu là điểm] khởi đầu, cũng không có sự thanh tịnh.
[Bồ tát học như vậy], không tu pháp đối trị (不修對治行).
Theo đó mà vượt trên (超) muôn ngàn bậc thánh (聖).
Vô sư tự chứng.
Không đi theo thứ lớp (不由次第行).
Chứng ngộ đồng chư Phật:
Diệu giác (妙覺) có tánh trong suốt
Sáu thần thông diệu kỳ,
và các hạnh an lạc thanh tịnh.
[Bồ tát Pháp Hoa] không lạc vào hàng Nhị thừa,
mà đi vào bát thánh đạo của Đại thừa.
[698b1] Các vị Bồ tát nầy, tự trang nghiêm thân với đại từ đại bi, đầy đủ các công hạnh Nhất thừa.
Như Lai Tạng (如來藏) thâm sâu không tăng, không giảm.
Đây gọi là Maha thừa (摩訶乘 Moheyan),
Bát thánh đạo của Như Lai
Chúng sinh vốn ngoài vòng ngũ dục,
và không cần phải diệt phiền não.
Diệu Pháp Liên Hoa Kinh,
bản kinh Đại Maha thừa (大摩訶乘 Da moheyan).
Nếu chúng sinh nương theo tu hành,
liền tự nhiên chứng đắc Bồ đề.
“Nhất thừa” có nghĩa là gì?
Có nghĩa rằng mỗi mỗi chúng sinh
Trong Như Lai Tạng,
rốt ráo chứng được an lạc.
Ngoài ra, như câu hỏi của Bồ tát Sư Tử Hống bạch cùng Đức Phật trong kinh Đại Bát Niết Bàn:
“Bạch Thế Tôn! Thực tánh của Một và Chẳng Phải Một là gì?”.
Phật trả lời Sư Tử Hống Bồ tát:
“Thế nào là Một?. Vì tất cả chúng sinh đều là Nhất thừa. Thế nào là chẳng phải Một?. Vì nói ba thừa vậy. Thế nào là chẳng phải Một?. Vì vô số pháp vậy. Thế nào là chẳng phải chẳng phải Một?. Vì số lượng và vô số lượng đều bất khả thuyết”. .
Đây gọi là chúng sinh nghĩa (眾生義).
[698b17] Vấn: Tựa đề “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” muốn nói lên ý nghĩa gì?. Ngoài ra, tôn giả muốn đưa ra điều gì qua danh từ “nhất thừa nghĩa”?. Như Lai tạng là gì?. Gì là Maha thừa (Moheyan)?. Gì là Đại Maha thừa? (Da Moheyan)?. Kinh Đại Tập giải thích Maha là đại; Yàna là thừa, hoặc đáo bỉ ngạn . Tại sao tôn giả lại nói thêm về một cái gọi là Đại Maha. Và gì là “chúng sinh nghĩa”?.
[698b21] Đáp: Đó là diệu (妙) vì chúng sinh diệu (眾生妙). Pháp (法) chính thực là pháp vì là chúng sinh pháp (眾生法). Liên Hoa là dụ. Thí dụ, các loài hoa trên thế gian nầy – hoặc từ đất sinh, hoặc từ nước sinh – là loài cuồng hoa (狂華) không thấy sinh quả. Những loài có sinh quả thì hiếm khi thấy. Nhưng hoa sen thì khác. Hoa sen không như những loài cuồng hoa. Khi có hoa thì có quả, khi những loài khác có quả thì rất dễ nhìn thấy, hoa sen khi tượng quả thì tự che kín, khó thấy.
[698b25] Loài cuồng hoa tượng trưng cho ngoại đạo. Những loài hoa khi sinh quả dễ nhìn thấy tượng trưng cho nhị thừa. Đây cũng là hàng Bồ tát hạ phẩm. [Pháp tu hành của Bồ tát hạ căn nầy] theo thứ đệ, chứng đắc có cao thấp, có diệt phiền não. Vì vậy mà nói rằng “dễ nhìn thấy”.
[698b28] Chỗ đứng của Bồ tát Pháp Hoa hoàn toàn không giống như vậy. Họ không thực hành theo thứ đệ (不作次第行). Cũng không dụng công diệt phiền não. Nếu chứng ngộ thực nghĩa Pháp Hoa, người ấy rốt ráo chứng đắc Bồ đề. Nếu tu tập Pháp Hoa hạnh, người ấy sẽ không đi con đường của Nhị thừa.
[698c1] Vấn: Với những loài hoa khác, một hoa sinh một quả. Với hoa sen, một hoa sinh nhiều quả. Một hoa sinh một quả thì sao lại không giống Nhất thừa?. Khi một hoa sinh nhiều quả, sao lại không giống thứ đệ?.
[698c3] Đáp: Trong những loài hoa sinh từ đất hoặc từ nước, một hoa sinh một quả thì rất hiếm, trong khi số hoa tàn trước khi toàn vẹn thì nhiều, thực vậy. Loài cuồng hoa không có quả thì chẳng nói đến làm gì. “Trong trường hợp một hoa chỉ sinh một quả thì như sau: khi một hành giả quyết định trở thành một Thanh Văn hoặc môn đồ [của pháp Tiểu thừa] thì sẽ có quả vị Thanh Văn. Khi một hành giả quyết định trở thành Duyên Giác thì sẽ có quả vị Duyên Giác. Những quả vị đó không thể gọi là quả vị Bồ tát hoặc quả vị Phật. Hơn nữa, Bồ tát hạ phẩm tu tập pháp đối trị. Theo thứ lớp mà vào đạo (thứ đệ nhập đạo次第入道), các vị nầy sẽ tiến dần vào sơ địa (bhumi). Ở đây, thực là điều bất khả tư nghị để nói rằng vị Bồ tát nầy đã vào được địa thứ mười của Pháp Vân địa (dharmamegha)! . Mỗi địa đều biệt tu (別修); và chứng đạo (證道) không xảy ra nhất thời (一 時). Vì lý do trên, chúng ta không kể trường hợp nầy là “một hoa sinh nhiều quả”.
[698c9] Với Pháp Hoa Bồ tát thì nhất định không như vậy. Với nhất tâm (一 心) và nhất học (一 學) chứng được vô số quả vị. Trong nhất thời vị ấy chứng ngộ viên mãn, đây khác với trường hợp vào đạo theo thứ đệ. Ví như hoa sen, khi một hoa sinh ra nhiều quả, tất cả quả đều thành tựu đồng thời. Đây là ý nghĩa nhất thừa là chúng sinh. Kinh Đại Bát Niết Bàn nói: “Có những trường hợp các Bồ tát chứng nghiệm từ quả vị nầy sang quả vị khác” , trong khi đó, Tư Ích Phạm Thiên Sở Vấn Kinh nói: “Có khi các Bồ tát không chứng nghiệm từ quả vị nầy sang quả vị khác” . Đi từ quả vị nầy sang quả vị khác là con đường thực hành theo thứ lớp, là phương cách của môn đồ Thanh văn Nhị thừa, và của các Bồ tát có căn cơ thấp kém (下根菩薩). Các Bồ tát có căn cơ sắc bén vượt qua các pháp phương tiện , không đi theo con đường thứ bậc . Khi chứng được Pháp Hoa tam muội, các Bồ tát nầy được trang nghiêm với vô số quả vị”.
[698c17] Vấn: Tôn giả nói “chúng sinh diệu” với nghĩa gì?. “Chúng sinh pháp” với nghĩa gì?.
[698c18] Đáp: Sở dĩ chúng sinh diệu chính vì lục chủng tướng (六種相) trong thân của mỗi mỗi chúng sinh là diệu , và là tự tại vương (自在王 / indriya) bản tánh thuần tịnh . Tướng của lục chủng là lục căn (六根). Nếu có người cầu Pháp Hoa vô thượng, khi tụng đọc và thực hành [như chỉ dẫn], nếu qua lực định người ấy biết được rằng bản tánh tất cả các pháp rỗng lặng; và biết mười tám giới (dhatu) vốn không có thực thể, từ đó đắc được thiền định sâu thẳm, tiếp nhận được bốn hạnh an lạc kỳ diệu, và đắc được thường tịnh nơi mắt cha mẹ sinh với đầy đủ lục thông.

[698c23] Khi được mắt nầy, người ấy sẽ biết cảnh giới (境界) của chư Phật, và biết nghiệp gây tạo bởi chúng sinh, cùng những quả báo mà thân và tâm mà chúng sinh phải thọ nhận . Những việc sống chết, đến đi, cao thấp, đẹp xấu... người ấy đều biết được trong một niệm . Trong định lực xuyên suốt của mắt nầy, người ấy đắc được thập lực , thập bát bất cộng pháp , tam minh , bát giải thoát . Tất cả thần thông đồng thời thành tựu trong lực thấu triệt từ mắt nầy. Như vậy tại sao mắt chúng sinh lại không vi diệu?. Bản tánh vi diệu của mắt chúng sinh chính đó là mắt Phật!
[698c28] “Chủng” (種) có nghĩa là gì?. Có hai loại: một là phàm chủng (凡種 prtagjana), hai là thánh chủng (聖種 àrya) . Phàm nhân thì chưa có cái thấy giác ngộ. Họ thấy sắc liền sinh tham ái (trsna). Tham ái chính là vô minh (avidya). Vì tham ái mà tạo nghiệp (karma), đây gọi là hành (samskara) . Theo chủng tử mà thọ báo trong khắp sáu cõi trời, người khác nhau. [Đi trong sáu cõi], đây gọi là hành. Tiếp nối không dừng nghỉ là chủng (gotra), đây là cái gọi là phàm chủng.
[699a3] “Thánh chủng” gần gủi thiện tri thức, có được cái thấy giác ngộ. Khi mắt thấy sắc liền phản tĩnh như sau: Khi thấy sắc, ai là người thấy?. Nhãn căn thấy?. Nhãn thức thấy?. Không gian và ánh sáng thấy?. Chính sắc khiến có cái thấy?. Hoặc ý thức đối sắc mà thấy?. Nếu chỉ do [sắc đi vào] phạm vi của ý thức, thì người mù từ sơ sinh cũng phải thấy được sắc. Nếu sắc chính nó phản ảnh cái thấy, thì cũng như trên. Nếu có người cho rằng không gian và ánh sáng đưa đến cái thấy, nhưng không gian và ánh sáng không cảm thọ, và thiếu sự tựu thành của ý niệm nên không thể thấy sắc. Nếu nói rằng nhãn thức thấy, thức không có tự thể. Thức tùy thuộc vào vô số nhân duyên, và sự hội tụ của nhân duyên bản tánh vốn rỗng lặng, không hợp mà cũng chẳng tan. Nếu có người chiêm nghiệm cẩn thận những điều nói trên, từng điểm một, thấy rằng [tự thể của] mắt bất khả đắc. Ngoài ra, không có cái gì gọi là “mắt”. Nếu chính mắt có thể thấy thì người có bệnh xanh mắt cũng phải phân biệt được hình tướng. Tại sao?. Vì [nhãn] căn không có sự hư hoại.
[699a11] Nếu có người biết rõ rằng không có mắt, không có sắc, không có sự thấy, không có sự chẳng thấy. Cũng biết thân nam, thân nữ... vốn sinh ra từ cái vô minh bất liễu (無明不了) . Cái tâm mê hoặc nầy cũng như hư không. Thân như mộng, như bóng, như vang, như ảo, như hoa đốm giữa hư không. Khi tìm liền biết không nắm được . Chẳng phải đoạn, chẳng phải thường. Khi mắt thấy sắc, không mong cầu, chẳng nắm giữ. Tại sao?. Vì hư không chẳng thể chấp trước. Hư không chẳng diệt cái vô minh, chẳng sinh cái minh. Đến đây thì phiền não chính là Bồ đề, cái hành xuất phát trên căn bản vô minh chính là Niết Bàn. Cho đến lão-tử cũng không khác. Vì nếu các pháp chính chúng là vô sinh thì không thể có lão-tử. Không trụ vào bất cứ điều gì, [người như vậy] gọi là thánh chủng.
[699a18] Phàm chủng và thánh chủng là một, không phải hai. Vô minh và minh cũng như vậy. Vì vậy mà nói rằng: “tướng của lục chủng là diệu”. Tai, mũi, lưỡi, thân, và ý cũng không khác.
[699a20] Tự tại vương bản tánh thanh tịnh. Trước hết hãy nhìn vào tánh tự tại của mắt. Khi mắt thấy sắc, con người thường sinh tâm ái thủ. Ái chính là vô minh. Tất cả phiền não, không trừ một thứ nào, đều nằm trong cái vòng của ái và thủ. Nếu có người có thể điều phục được ái và vô minh, thì người ấy tự tại như một vì vua . Thanh tịnh tánh (清淨性) đã được giải thích trong phần nói về pháp quán nhãn căn. Dùng trí tuệ kim cang (金剛慧) để thấu hiểu (覺了) rằng cái tâm ái kia chính nó ở ngoài vòng vô minh cho đến lão-tử. Khi trí lực kim cang nầy đến chỗ tuyệt đỉnh thì gọi là Thủ Lăng Nghiêm tam muội (suramgama-samadhi). Tam muội nầy tương tự như một dũng tướng có khả năng hàng phục kẻ thù, an định bốn phương . Kim cang tuệ cũng như vậy. Có thể biết được rằng các hành từ vô minh tham ái (貪愛無明諸行) chính đó là thánh hạnh Bồ đề và Niết bàn. Vô minh và tham ái chính đó là Bồ đề và trí tuệ kim cang.
[699a29] Con mắt của vì vua tự tại tánh thường tịch, không một ai có thể làm ô nhiễm được. Vì vậy nên Đức Phật nói [trong kinh Pháp Hoa] về “con mắt thường tịnh từ cha mẹ sinh” . Các căn tai, mũi, lưỡi, thân, và ý cũng như vậy. Vì lý do trên, kinh Đại Tập thuyết rằng “Sáu vị vua (căn) tự tại là vì bản tánh tịnh”, cũng vì vậy, Bồ tát Long Thọ nói rằng: “nên biết rằng đặc tính của sáu loại [căn] trong thân người là diệu”.

[699b3] “Thân người” không khác thân chúng sinh hữu tình. Thân chúng sinh chính đó là thân Như Lai (tathagata), vì thân chúng sinh là một và đồng với Pháp thân thường hằng. Vì vậy nên kinh Hoa Nghiêm nói kệ về Hoan Hỉ Địa (pramudita) “Bản tánh tịch nhiên không sinh, không diệt, vốn rỗng lặng, không phiền não”. Nếu có người biết được tất cả các pháp không khác, người ấy một bước siêu thăng (超勝) chứng đắc Bồ đề. Nếu người phàm có thể giác ngộ được pháp chân thực (眞實法) của các uẩn (skandha) , như được nói trong kinh Niết Nàn, khi tôn giả Maha Ca Diếp bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Gì là nghĩa của “ bán tự” từ đó Phật thuyết ra?”. Phật trả lới: “Có mười bốn âm (音), được nói đến như nghĩa của bán tự. Tự được nói đó là Bồ đề. Vì là thường (常) nên bất lậu (不流). Vì bất lậu nên vô tận (無盡). Sự vô tận nầy chính là thân kim cang của Như Lai.”
[699b11] Vấn: Tôn giả muốn nói nghĩa gì trong câu: “thường cố bất lậu” (常故不流) ?.
[699b11] Đáp: Vì là thường nên bất lậu. Sao gọi là thường?. Thường vì là vô sinh (無生).
[699b12] Vô sinh như thế nào?.
[699b12] Đáp: Vì mắt bất sinh (不生). Tại sao như vậy?. Khi mắt thấy sắc, thiền [quán] để biết được căn bổn của mắt, tìm không thể được. Cũng như vậy, không danh, không sắc. Vì giới (界) của nhãn căn vốn rỗng lặng, không có tướng thường hoặc tướng đoạn. Chẳng ở giữa hai đối cực. Nhãn giới (眼界caksur-dhatu) chính đó là pháp giới (法界 dharmadhatu) của chư Phật . Người giác tri (覺知) mắt nầy không từ đâu, không nơi nào, mà cũng chẳng phải không từ đâu, ví như hư không ba thời chẳng trói buộc.
[699b17] Trong kinh Bát Nhã, Bồ tát Đàm Vô Kiệt (Dharmodgata) nói với Bồ tát Thường Đề (Sada-prarudita): “Thiện nam tử, pháp rỗng lặng chẳng đến, chẳng đi. Pháp rỗng lặng nầy chính đó là Phật. Pháp vô sinh thì chẳng có sự đến, chẳng có sự đi. Pháp vô sinh nầy chính đó là Phật. Pháp vô diệt chẳng có sự đến, chẳng có sự đi. Pháp vô diệt nầy chính đó là Phật.”
[699b20] Vì vậy, nên biết rằng, vì nhãn giới rỗng lặng, cái rỗng lặng nầy chính đó là thường. Vì mắt rỗng lặng và thường hằng, mắt đó chính là mắt Phật. Mắt không tham ái. Tham ái là lưu (流), và lưu đồng với sinh. Vì mắt không tham ái, không trói buộc, nên không lưu động (流動). Không lưu động nên không sinh. Vì mắt không sinh nên không đến, không đi. Không có cái sinh, chính đó là Phật. Vì mắt không sinh nên cũng không diệt (滅). Diệt là tận (盡). Vì mắt vô diệt (無滅) nên vô tận (無盡). Vô tận nên không đến, không đi, không trụ. Không tận, mắt đó chính là mắt Phật.
[699b26] Bồ tát theo trí tuệ kim cang mà biết được rằng tánh như (如) của các pháp không sinh hoặc diệt. Cái như của nhãn căn chính đó là Phật. Vì vậy mà có danh từ Như Lai (tathagata). Thân kim cang (金剛之身) thấy được tánh như của các pháp nên gọi là Như Lai (如來). Không phải chỉ có thân vàng ròng làm nên Như Lai. Gọi là Như Lai vì có được trí tuệ như thực (如實智). Vì có được trí tuệ biết mắt và hình tướng như thực, tai và tiếng như thực, mũi và mùi như thực, lưỡi và vị như thực, thân và xúc chạm như thực, tâm và pháp như thực, nên gọi là thân kim cang của Như Lai. Như pháp tướng giải (如法相解), như pháp tướng thuyết (如法相說). Như vì là không sinh. Lai vì là không diệt. Phật như vậy mà đến, nhưng chưa từng khởi hành . Như thị đạo [mà hành]. Vì vậy nên gọi là Như Lai.
[699c4] Vấn: Trong kinh nào Phật dạy tánh như của mắt, tai... là Như Lai?.
[699c5] Đáp: Trong kinh “Ương Quật Ma La” (Angulimaliya Sutra), Phật hỏi Ương Quật Ma La “Gì là nghĩa của nhất hạnh?”. Ương Quật Ma La trả lời: “Nhất hạnh tức nhất thừa”.
[699c7] Thừa (yana) chỉ cho khả năng chuyển tải, cũng có nghĩa là chuyên chở. Ương Quật Ma La tiếp tục trả lời Phật qua mười cách. Mỗi câu trả lời chia ra làm hai, tổng cộng là hai mươi câu. Ở đây sẽ giải thích những điểm chính yếu trong các câu trả lời thứ năm và thứ sáu. Trong hai phần nầy, với bốn câu trả lời, Ương Quật Ma La đưa ra những khái niệm tổng quát về mắt, tai... là Như Lai.
[699c10] [Ương Quật Ma La nói] “Năm chỉ cho điều gì?. Đó là năm căn (indriya). Tuy vậy, lối giải thích nầy biểu trưng cho Thanh văn thừa. Đây không phải là cái hiểu của Như Lai. Cái hiểu của Như Lai là gì?. Cái gọi là căn mắt, với Như Lai, là thường. Thấy rõ ràng và quyết định, trang nghiêm vô lậu không giảm thiểu. Cái gọi là căn tai, với Như Lai, là thường. Nghe rõ ràng và quyết định, trang nghiêm vô lậu. Cái gọi là căn mũi, với Như Lai, là thường. Ngữi rõ ràng và quyết định, trang nghiêm vô lậu. Cái gọi là căn lưỡi, với Như Lai, là thường. Nếm rõ ràng và quyết định, trang nghiêm vô lậu. Cái gọi là căn thân, với Như Lai, là thường. Xúc chạm rõ ràng và quyết định, trang nghiêm vô lậu. Cái gọi là căn ý, với Như Lai, là thường. Biết rõ ràng và quyết định, trang nghiêm vô lậu [vô giảm tu]” .
[699c19] “Sáu chỉ cho điều gì?. Chỉ cho cái gọi là sáu thức. Tuy nhiên, cũng chỉ đưa ra cái thấy của Thanh văn thừa, không phải là cái hiểu của Như Lai. Cái gọi là nhãn thức, với Như Lai, là thường. Đây là cánh cửa, qua đó, vào được cái thấy trong suốt, trang nghiêm vô lậu. Cái gọi là nhĩ thức, với Như Lai, là thường. Đây là cánh cửa, qua đó, vào được cái nghe trong suốt, trang nghiêm vô lậu. Cái gọi là tỵ thức, với Như Lai, là thường. Đây là cánh cửa, qua đó, vào được cái ngữi trong suốt, trang nghiêm vô lậu. Cái gọi là thiệt thức, với Như Lai, là thường. Đây là cánh cửa, qua đó, vào được cái nếm trong suốt, trang nghiêm vô lậu. Cái gọi là thân thức, với Như Lai, là thường. Đây là cánh cửa, qua đó, vào được cái xúc chạm trong suốt, trang nghiêm vô lậu. Cái gọi là ý thức, với Như Lai, là thường. Đây là cánh cửa, qua đó, vào được cái nhận biết quyết định với lòng tin thanh tịnh, trang nghiêm vô lậu [vô giảm tu].”
[699c27] Vì vậy, các vị Bồ tát sơ phát tâm mong cầu giác ngộ nên biết rõ rằng bản tánh của mắt vốn vô sinh. Tai, mũi, lưỡi, thân, và ý cũng như vậy, chẳng thường, chẳng đoạn. Đầy đủ tịnh tâm, người ấy biết rằng [các pháp] chẳng sinh, chẳng diệt. Tánh của sắc chẳng [chỉ là] Không (空), chẳng [chỉ là] Giả (假). Nó không lùi, không tiến. Bản tánh thanh tịnh, như thị (tathata), tuyệt đối vô sinh diệt. Thanh, hương, vị, xúc, và pháp cũng như vậy, vốn rỗng lặng. Chúng chẳng thông, cũng chẳng ngại. Hoàn toàn thanh tịnh, không sinh, chẳng diệt. Căn và trần không tịch. Lục thức vô sinh. Ba [mặt] của căn, trần, và thức bản tánh như như (如如性). Mười tám giới là giả danh. Chúng sinh và Như Lai, cùng chung Pháp thân. Tịnh, diệu, không thể so sánh, đó gọi là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh.
[700a5] Vì vậy, trong kinh Đại Tập (Mahasamnipata), Phật bảo ngài Thanh Tịnh Vương: “Tên của ông là Thanh Tịnh. Ông nên thanh tịnh tự giới (自界). Khi nhãn giới trong riêng ông rỗng lặng, ông sẽ được thanh tịnh trong khi quán giới. Vì giới của mắt rỗng lặng, Phật quốc thanh tịnh. Các căn tai, mũi, lưỡi, thân, và ý bản tánh không tịch. Đây là trang nghiêm tịnh độ Như Lai.”
[700a9] Vấn: An Lạc Hạnh có nghĩa gì?. Gì là tứ an lạc hạnh?. Gì là hai hành gọi là vô tướng hành (無相行) và hữu tướng hành (有相行)?.
[700a11] Đáp: Vì tâm bất động giữa vạn pháp (一切法中心不動), nên gọi là an, vì tâm không chứa nhóm cảm thọ giữa vạn pháp nên gọi là lạc. Vì làm lợi cho mình và làm lợi cho người nên gọi là hành. Đối với tứ an lạc hạnh, thứ nhất là Chánh Tuệ Ly Trước An Lạc Hành (正慧離着安樂行) . Thứ hai là Vô Khinh Tán Hủy An Lạc Hành (無輕讚毀安樂行), còn gọi là Chuyển Chư Thanh Văn Linh Đắc Phật Trí An Lạc Hành (轉諸聲聞令得佛智安樂行) . Thứ ba là Vô Não Bình Đẳng An Lạc Hành (無惱平等安樂行), còn gọi là Kính Thiện Tri Thức An Lạc Hành (敬善知識安樂行) . Thứ tư là Từ Bi Tiếp Dẫn An Lạc Hành (慈悲接引安樂行), còn gọi là Mộng Trung Cụ Túc Thành Tựu Thần Thông Trí Tuệ Phật Đạo Niết Bàn An Lạc Hành (夢中具足成就神通智慧佛道涅槃安樂行) .
[700a18] Tiếp đến là hai hành. Vô tướng hành là gì. Vô tướng hành chính đó là an lạc hành. Khi ở giữa lòng vạn pháp (一切諸法中), tất cả chiều kích [vọng động] của tâm tuyệt nhiên không sinh khởi. Vì vậy mà gọi là vô tướng hành. Vào sâu thiền định, tâm an định trong tất cả các uy nghi 威儀 đi, đứng, ngồi, nằm, ăn, nói . Một hình thức khác là theo thứ lớp của ba cõi [Dục, Sắc, Vô Sắc]. Tiến hành theo thứ bậc, tổng cộng mười một địa khác nhau, từ dục giới địa (欲界地) cho đến vị đáo địa (未到地), sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng, phi phi tưởng xứ . Những thứ lớp như vậy hai con đường hữu và vô (有法無法二道) có khác nhau – thành tựu thánh hạnh như được thuyết trong Tạp A Tỳ Đàm Tâm Luận . Kinh nghiệm thiền thâm diệu an lạc nhất định không phải là loại nầy. Tại sao?. Vì không trì trệ ở các cõi Dục, Sắc, hoặc Vô Sắc. Thiền hạnh trong các pháp thiền nầy là biến hành (遍行) của Bồ tát. . Vì tuyệt đối vô tâm tưởng nên gọi là vô tướng hành.
[700a29] Hữu tướng an lạc hành là gì?. Đây là tụng đọc kinh Pháp Hoa, với chính cái tâm tán loạn [như được thuyết] trong phẩm Bồ Tát Phổ Hiền Khuyến Pháp, kinh Pháp Hoa . Những người hành pháp nầy không tu tập thiền định, cũng không vào tam muội . Hoặc khi ngồi, đứng, đi, đều nhất tâm chuyên niệm (一心専念) bản kinh Pháp Hoa , tinh tiến [hành trì] không ngơi nghỉ, như cứu lửa cháy trên đầu. Đây gọi là thực hành pháp hữu tướng [liên quan đến] văn tự (文字有相行). Những hành giả nầy chẳng biết tiếc chi thân . Nếu thành tựu, hành giả sẽ thấy được thân kim cang của Bồ tát Phổ Hiền trên voi trắng sáu ngà . Ngài sẽ cầm chùy kim cang trước mắt hành giả, và bao nhiêu tội lỗi ngăn ngại đường đạo sẽ tan biến . Nhãn căn hành giả được thanh tịnh, sẽ thấy được Phật Thích Ca Mâu Ni, và bảy vị cổ Phật. Họ cũng thấy được mười phương chư Phật trong ba đời . Năm vóc gieo xuống đất, hành giả chí tâm sám hối chư Phật. Đứng thẳng người với hai tay chắp trước ngực, hành giả đắc được ba loại đà la ni . Thứ nhất là “tổng trì” (總持) hợp với nhục nhãn, thiên nhãn, và đạo tuệ (道慧) của Bồ tát. Thứ hai là “Trăm nghìn muôn ức triền đà la ni”. Đây là sự chứng đắc đầy đủ trí tuệ của Bồ tát, tức cái trí thấy biết những đường lối khác nhau (道種智) [dùng để cứu giúp chúng sinh], [tương đồng với] tịnh tánh của pháp nhãn . Thứ ba là “Pháp âm phương tiện đà la ni”, trang nghiêm Bồ tát nhất thiết chủng trí (一切種智), và tịnh tánh của Phật nhãn . Đến đây, hành giả chứng đắc đầy đủ giáo pháp của tất cả chư Phật trong ba đời .
[700b13] Có người có thể đạt đến mục tiêu trong một kiếp tu hành, có người đạt mục tiêu trong hai kiếp tu hành. Người chậm nhất cũng sẽ thành tựu trong ba kiếp . [Tuy nhiên], nếu có người tiếc thân mạng, tham cầu bốn món , khó thể tinh tấn tu hành, người ấy sẽ không thành tựu, dù trải qua bao nhiêu kiếp. Đây là hữu tướng hành.
[700b15] Vấn: Tôn giả có ý gì [khi nói rằng] vì tâm bất động giữa vạn pháp nên gọi là an, vì tâm không chứa nhóm cảm thọ giữa vạn pháp nên gọi là lạc. Vì làm lợi cho mình và làm lợi cho người nên gọi là hành.
Đáp: “Nhất thiết pháp” (一切法) chỉ những yếu tố như tam độc, tứ đại, ngũ uẩn, thập nhị nhập, thập bát giới, thập nhị nhân duyên. Đây là những cái gọi là tất cả các pháp. Vị Bồ tát, khi giữa muôn sự tướng, nương vào trí tuệ của tam nhẫn (三忍). Thứ nhất là chúng sinh nhẫn (眾生忍), thứ hai là pháp tánh nhẫn (法性忍), và thứ ba là pháp giới hải thần thông nhẫn (法界海神通忍). Chúng sinh nhẫn còn gọi là sinh nhẫn (生忍). Pháp tánh nhẫn còn gọi là pháp nhẫn (法忍). Pháp giới hải thần thông nhẫn còn gọi là đại nhẫn (大忍).
[700b22] Hai đức nhẫn đầu tiên được chỉ cho phá vô minh và phiền não (破無明煩惱忍). Cũng còn gọi là thánh hạnh nhẫn (聖行忍). Gọi là thánh hạnh vì là hành xứ của thánh nhân. Người phàm tu trì những đức nhẫn nầy sẽ vào được thánh địa, vì làm việc làm của bậc thánh.
[700b25] Đại nhẫn chỉ cho năm loại thông, cùng với thần thông thứ sáu, cũng viên toàn bốn nền tảng phát huy thần thông lực . Trước mười phương chư Phật và chư thiên vương, mặt đối mặt. Trong một niệm, người ấy có thể giác (覺) tất cả thánh phàm. Vì vậy nên gọi là đại nhẫn. Trong khi dụng lực thần thông, tâm người ấy vẫn bất động (不動), thánh đạo tròn đầy. Đây là thánh nhẫn (聖忍). Tam nhẫn thành tựu “chánh tuệ ly trước an lạc hạnh” .
[700b29] Vấn: Tại sao gọi là “sinh nhẫn” và “chúng sinh nhẫn”?. Tại sao gọi là “bất động nhẫn”, và đưa về “an”?.
[700c1] Đáp: Sinh nhẫn chỉ cho nhân. Chúng sinh nhẫn chỉ cho quả. Nhân là nhân chúng sinh hoặc chúng sinh hữu. Quả là hậu quả của chúng sinh. Nhân là vô minh, quả là cái hành của thân. Nương chánh tuệ hành giả biết được cội gốc của nhân, diệt vô minh, trừ phiền não. Tất cả các pháp thiếu cái gọi là nối tiếp như nhau, và không có bất cứ dấu hiệu tích tập sinh. Hành giả cũng không nhận lấy tướng diệt. Đây là trí tuệ thâm diệu của Bồ tát chứng được sinh diệt thánh đế. Vì vậy nên gọi là sinh nhẫn. Nếu không có cái nối tiếp như nhau, và tất cả các pháp bất động bất lưu (不動不流), thì không có cái sinh.
[700c7] Chúng sinh nhẫn chỉ cho cảm thọ [liên quan đến] các hành vi của thân. Cảm thọ thì [thường là] đau thương. Có ba loại thọ (受): khổ, lạc, chẳng khổ chẳng lạc. Tại sao như vậy?. Vì khi thân bị đánh đập, hoặc khi tai nghe lời mắng nhiếc, hành giả quán khổ thọ [như sau]: Đánh đập là thân đau. Mắng nhiếc là tâm đau. Thọ nhận y phục, thực phẩm [và những vật] mịn màng thì thân ưa thích. Những hình thức cảm thọ do sự xúc chạm là lạc thọ do thân. Khen ngợi, xưng tán là lạc thọ do tâm. Nếu có người nhận được một món quà quý giá. Tâm ưa thích ngay khi mắt thấy món quà, trước khi tay thực sự cầm đến, và sau khi đón nhận. Hành giả nên quán cảm thọ nầy từ vô minh sinh cùng với những cảm giác của khổ, lạc. Khi cảm thọ khổ, hành giả nên sinh tâm nhẫn, tâm từ, tâm bi, và điều phục tâm sân hận. Khi cảm thọ lạc, hành giả quán tâm vướng mắc từ sự cảm nhận nầy, và tránh tham ái. Khi cảm thọ chẳng khổ, chẳng lạc, hành giả cẩn thận tránh sự lạnh lùng hoặc không hay biết. Những cảm thọ nầy bản tánh rỗng lặng, không sinh diệt.
[700c15] Ba sự cảm thọ nầy trong mỗi trường hợp đều phát sinh từ nhất niệm vô minh. Bồ tát quán những sự đánh đập, mắng nhiếc, khen ngợi, xưng tán, liền thấy rằng người tạo tác và người nhận sự tạo tác đều như mộng ảo. Ai đánh đập?. Ai mắng nhiếc?. Ai thọ khổ?. Ai thọ vui?. Ai sân hận?. Người hành động và người nhận hành động đều như tâm ý huyễn hoặc. Khi hành giả thiền quán cái tâm ý như huyễn nầy, hành giả thấy rằng không tâm ý, không ngã, không nhân. Tướng nam nữ, người thương, người ghét; sáu phần của thân thể như đầu, mình, tay, chân... tất cả đều bất khả đắc, ví như chiếc bóng và khoảng không. Vì vậy mà nói là “bất động”.
[700c20] Như “Tùy Tự Ý Tam Muội” nói, khi trong mười tám giới, tâm Bổ tát tự chứng cái vô sinh diệt . Ngoài ra, Bồ tát hướng dẫn chúng sinh rằng không có cái sinh diệt. Bắt đầu với sinh tử, chấm dứt với Bồ đề, tánh của vạn pháp bất động. Hoặc tánh của nhãn, tánh của hình tướng, tánh của thức; tánh của nhỉ, tỵ, thiệt thân, ý; tánh của thanh, hương, vị, xúc, pháp; hoặc ngay cả tánh của cảm thọ từ nhân duyên của nhĩ thức, hoặc từ nhân duyên của tỵ, thiệt, thân, và ý thức, tánh ấy không ngã, không nhân, tuyệt nhiên rỗng lặng. Vì vậy mà nói rằng “bất động”. Vì hành giả tự ngộ, và giúp người khác ngộ nên gọi là “an” . Hành giả diệt được ba sự cảm thọ, khiến chúng không sinh khởi. Vắng lặng uyên nhiên, ba sự cảm thọ không tìm thấy, và bất cứ hình thái cảm thọ nào đều rốt ráo không sinh khởi. Đây gọi là “lạc”. Giữa vạn pháp, tâm vô hành xứ. Từ đó dạy người tâm vốn vô tác giữa muôn sự vật. Vì không ngừng thiền định, và [tụng đọc] Pháp Hoa, nên gọi là “hành”. Như kinh Ương Quật Ma La thuyết về ý nghĩa của nhãn thức , hoặc kinh Đại Niết Bàn thuyết về Phật tánh và Như Lai tạng . Ý nghĩa của “an lạc hạnh” thì vô số, không phải chỉ có một nghĩa. Tôi sẽ nói xa hơn [về những nghĩa nầy].
[701a3] Người phàm, khi chìm đắm trong căn, trần, và thức liền sinh thọ, nhận, vướng mắc vì vô minh và tham ái . Những người nầy đưa chính họ vào những tạo tác tội lỗi đau thương, không an. Vì dòng sinh tử tiếp nối không dừng nghỉ, nên không lạc. Đây gọi là khổ hành (苦行).
[701a5] Chư Thanh văn [và môn đồ] Nhị thừa có thể dùng phương pháp đối trị (對冶觀) khi đắm trong căn, trần, thức. Pháp quán bất tịnh (不凈觀) hữu ích trong việc diệt dục vọng. Pháp quán từ bi (慈悲觀) có khả năng điều phục sân hận. Pháp quán về nhân duyên (因緣觀) có khả năng diệt mê vọng. Được thuyết dưới nhiều tên khác nhau, như là tứ niệm xứ (四念處 smrtyupasthana) , ba mươi bảy đạo phẩm (三十七道品) .
[701a9] Quán thân bất tịnh, hành giả từ đó biết được thân nầy gốc rễ từ vô minh, vốn rỗng lặng, không cội nguồn. Quán bất tịnh có năng lực diệt những cái thấy sai lạc về thân. Tướng nam, tướng nữ, người yêu, người ghét, người chẳng yêu, chẳng ghét tất cả đều quy về không tịch. Đây gọi là chiến thắng con ma phiền não .
[701a11] Qua cách quán những thọ uẩn liên hệ đến ngoại khổ (外苦), và thọ uẩn liên hệ đến nội khổ (内苦) sinh từ mười tám giới và ba loại cảm thọ, hành giả thấy rằng sự tích tụ của cảm thọ, sự thành lập của hành qua thân và tâm, căn cứ của cảm thọ, nhận biết, và trói buộc đều mang theo tràn đầy đau khổ. Xả bỏ (捨) chúng, hành giả chẳng bám víu vào nội hoặc ngoại [khổ]. Hành giả biết rằng những lạc thọ có thể trở thành khổ thọ vì tâm theo đuổi tìm cầu. Xả bỏ chúng đi, và khi từ chối vui thú với chúng hành giả sẽ nhận thấy lạc thọ rốt ráo rỗng lặng.
[701a15] Hai pháp quán về khổ và lạc có thể phủ nhận thế đế (世諦) khi tâm đến chỗ trụ vào chân đế (真諦). Hành giả trước tiên xả bỏ khổ và lạc đến chỗ chẳng khổ chẳng lạc. Nhưng vì sự bám víu vẫn có mặt nên vẫn còn trong vô minh. Vì vậy nên hành giả tiếp tục quán cái chẳng khổ chẳng lạc nầy vốn không gốc rễ, vô thường, biến dạng, và hoại diệt. Vì sao?. Vì xả bỏ khổ và lạc, hành giả đắc được cái tâm thức chẳng màng khổ hoặc lạc. Vì hai pháp quán về khổ và lạc [mở ra cái thấy] khổ hoặc lạc hoàn toàn không tịch, không có sinh xứ (生處), cho nên cũng không có diệt xứ (滅處), vậy thì từ nơi nào mà có cái chẳng khổ chẳng lạc nầy?. Khi hành giả quán như vậy thì thấy được rằng tất cả đều rỗng lặng, không hề có cái gì để thủ, mà cũng không hề có cái gì để xả. Nếu không có thế đế thì cũng không có chân đế. Thực hoặc giả đều không tịch. Đến đây, hành giả điều phục được loài ma từ căn, trần, và thức.
[701a23] Hành giả quán rằng tâm ý thì vô thường: nó sinh, diệt, và không trụ. Phân tích từ đâu tâm ý nầy sinh ra, và khi hiểu thì không tìm thấy tâm nầy ở đâu, cũng chẳng thấy có sự sinh hoặc diệt. Chẳng đoạn, chẳng thường, cũng chẳng ở giữa [cái đoạn và thường]. Thành tựu pháp quán nầy tức điều phục được tử ma.
[701a25] Về pháp (法), hành giả quán rằng tất cả các pháp, hoặc thiện hoặc bất thiện, hoặc đạo đức hoặc trung tính, đều bất khả thuyết, như hư không. Giữa lòng sự tướng, tâm luôn bất động, và không có tướng trụ. Hành giả đắc bất động tam muội (不動三昧) , ngay nơi đó, không còn thiên ma .
[701a28] Vì xả được ba tướng cảm thọ, chứng giải thoát (解脫) nên gọi là “khổ lạc hạnh” . Nói về nhân và quả, [hạnh nầy] chỉ cho Thanh văn [thừa]. Đây không phải là Bồ tát đạo. Bồ tát hạ căn cũng dùng pháp thiền nầy, nhưng pháp môn có khác [với các vị Thanh văn], vì không liên quan gì đến thủ (取) hoặc xả (捨). Tại sao vậy?. Ba sự cảm thọ có từ sắc và tâm tuyệt đối không sinh, và mười tám giới không hiện hữu. Vì vậy không có sự khẳng định về sự cảm thọ trong hoặc ngoài. Không có sự cảm thọ, không có gì để xả bỏ. Mặc dù pháp quán như nhau, nhưng vì không có sự phân chia giữa ba sự cảm thọ, phương tiện thiện xảo (善巧方便) có thể đưa đến thành tựu . Vì vậy mà gọi là an lạc hạnh.
[701b4] Tuy nhiên, quán về an lạc hạnh thì không phải như thế nầy. [Ở đây] hành giả trực tiếp bỏ ra ngoài phương tiện, và chỉ thuyết về sự chứng ngộ viên mãn [của chư Phật] . Bồ tát Văn Thù Sư Lợi vấn Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, trong đời ác về sau Bồ tát phải thuyết kinh nầy như thế nào?”. Phật dạy: “Trong đời ác về sau, Bồ tát ma ha tát muốn thuyết kinh nầy thì phải an trụ trong bốn pháp. Thứ nhất, trụ nơi hành xứ và nơi thân cận xứ của Bồ tát, thì có thể vì chúng sinh mà diễn nói kinh nầy. Văn Thù Sư Lợi! Thế nào gọi là “hành xứ” của đại Bồ tát? . Nếu vị đại Bồ tát an trụ trong nhẫn nhục, nhu hòa (柔和) , thiện thuận (善順) , không xung động (不卒暴), lòng cũng không kinh sợ (心不驚), lại ở nơi pháp không phân biệt mà quán các pháp như thực tướng (觀諸法如實相), cũng chẳng vin theo, chẳng phân biệt (亦不行不分別) , đó gọi là chỗ hành xứ của Bồ tát ma ha tát .
[701b13] An trụ trong nhẫn nhục là gì?. Tóm tắt, có ba loại nhẫn: (1) chúng sinh nhẫn, (2) pháp nhẫn, và (3) đại nhẫn, còn gọi là thần thông nhẫn.
[701b15] Chúng sinh nhẫn có ba nghĩa. Nghĩa thứ nhất, khi vị Bồ tát nhận chịu sự đánh đập, mắng nhiếc, chế nhạo, hủy nhục, lường gạt, vị Bồ tát nầy kham nhẫn, không tìm cách báo oán [vì không có oán để báo]. Người ấy quán như vầy: vì tôi có thân nên có sự đánh đập, làm hại. [Thân] như một tiêu điểm, sớm muộn gì mũi tên cũng xuyên qua. Nếu tôi không có thân thì ai đánh đập [cái thân không có mặt nầy] ?. Giờ đây tôi nên kiên trì tu tập quán Không. Nếu sự quán chiếu của tôi thành tựu thì chẳng hề có một ai có thể đánh hoặc giết tôi [vì người đánh giết cũng là Không]. Khi tai nghe lời mắng nhiếc, Bồ tát nên hồi quang phản chiếu, thấy rằng âm thanh mắng nhiếc kia lập tức không có nữa ngay khi vừa phát ra [khỏi miệng người làm việc mắng nhiếc]. Trước và sau chẳng cùng theo (不俱). Nếu phân biệt chính xác thì sẽ thấy rằng [âm thanh kia] cũng vô sinh vô diệt. Ví như tiếng vang trong hư không. Ai là người mắng nhiếc?. Ai là người nhận chịu sự mắng nhiếc?. Âm thanh kia không tìm đủ mọi cách để chui cho được vào lỗ tai, tai cũng không vội vàng chạy đến để tiếp nhận âm thanh. Sau khi quán chiếu như vậy, vị Bồ tát nầy sẽ không buồn mà cũng chẳng vui.
[701b23] Nghĩa thứ hai, chư vị Bồ tát không luôn mắng nhiếc hoặc đánh đập chúng sinh. Dùng ngôn ngữ dịu dàng, vị Bồ tát mong muốn giữ gìn tuệ căn của chúng sinh để rồi hướng dẫn họ. Khi đối diện sự hủy nhục, tâm Bồ tát định nên không giận tức. Đây gọi là chúng sinh nhẫn. Khi chúng sinh chứng kiến đức nhẫn của Bồ tát thì chính họ sẽ quay lại tìm con đường giác ngộ. Vì đức nhẫn nầy từ chúng sinh mà có nên gọi là chúng sinh nhẫn.
[701b27] Nghĩa thứ ba, khi gặp những chúng sinh xấu ác, Bồ tát vì muốn điều phục những hàng chúng sinh nầy khiến họ hồi tâm, nên đôi khi Bồ tát nói lời khó nghe, phỉ báng, mắng nhiếc, làm nhục khiến chúng sinh ân hận, sinh lòng nuôi dưỡng thiện tâm. Đây gọi là chúng sinh nhẫn.
[701b29] Nhục (辱) là gì?. Với những cái khó thể chịu đựng mà chịu nhục nhằn. Đó là một pháp khác.
[701c1] Vấn: Nhận chịu sự đánh đập, mắng nhiếc mà không sân hận, hoặc dùng lời hòa dịu để hiển lộ tâm từ bi, những việc làm nầy có thể được gọi là nhẫn. Nhưng tại sao lại gọi là nhẫn khi một Bồ tát đối diện với kẻ xấu ác, không thể chịu đựng, tỏ vẻ giận dữ, đánh đập, mắng nhiếc, nhục mạ, dày vò những kẻ xấu ác kia, khiến họ đau khổ?.
[701c4] Đáp: Nhận chịu sự đánh mắng mà không có lòng báo oán: đây là đạo đức bên ngoài, thường thấy trong giới luật thế tục (俗戒). Xa hơn, quán rằng [ngã] rỗng lặng, âm thanh, sắc tướng... rỗng lặng, thân và tâm đều không tịch nên không sinh lòng giận dữ, đây là phương tiện nhẫn mà các Bồ tát sơ phát tâm dùng để an bình thế gian, tu trì giới luật đạo đức, thiền định, và trí tuệ. Đây không phải là [con đường] của đại Bồ tát. Tại sao?. Chư đại Bồ tát chỉ biết cái mang lại lợi ích cho chúng sinh, và điều phục chúng sinh thẳng tắt vào mục tiêu. Để bảo vệ kinh điển Đại thừa và giữ gìn chánh pháp, chư đại Bồ tát không cần thiết phải thể hiện thái độ từ bi, ngôn ngữ nhu hòa trong tất cả mọi trường hợp. Kinh Đại Bát Niết Bàn nói: “Vua Tiên Dư (仙旟) đã ra lệnh xử tử năm trăm người Bà La Môn để bảo vệ kinh điển Phương Đẳng [Vaipulya, Đại thừa], khiến họ rơi vào ngục A tỳ, từ đó sinh tâm giác ngộ” . Đây không phải là đại từ bi ư?. Chỗ nầy không khác với đại nhẫn.
[701c12] Kinh Đại Bát Niết Bàn dẫn chứng xa hơn: “Một thuở nọ, có vị quốc vương tên gọi Hữu Đức, vì muốn hộ trì chánh pháp và bảo hộ một vị pháp sư tên gọi Giác Đức nên xử tử hình những kẻ xấu ác phá hoại giới luật trong nước, khiến pháp sư Giác Đức có thể hoằng dương chánh pháp. Khi qua đời, nhà vua sinh về cõi Phật A Súc ở phương Đông, trở thành vị đệ tử ưu tú thứ nhất. Quần thần, quyến thuộc, chiến sĩ theo vua cũng được thọ sinh cõi Phật A Súc, trở nên các môn đồ thứ hai, thứ ba... Khi mất thân, các kẻ xấu ác phá hoại giới luật rơi vào ngục A tỳ. Trong địa ngục, vì biết rõ tội lỗi nên họ tự nghĩ: “Đức vua giết tôi vì tôi hãm hại pháp sư Giác Đức”. Vì phát tâm như trên nên họ mong cầu giác ngộ. Ra khỏi ngục A tỳ, họ tái sinh vào các cõi có vua Hữu Đức và pháp sư Giác Đức, nơi đây, họ trở thành đệ tử, và hướng về giải thoát tối thượng.”
[701c20] Đây là đại phương tiện nhẫn của Bồ tát, không phải là những việc mà Bồ tát sơ cơ có thể đến được. Tại sao lại nói rằng đây không phải là đức nhẫn?. Pháp sư Giác Đức không ai khác hơn là Phật Ca Diếp (Kasyapa). Vua Hữu Đức là tiền thân của Phật Thích Ca Mâu Ni. Một Bồ tát muốn hộ trì pháp phải như vậy. Vì sao người ta không thể gọi đó là đại nhẫn?. Nếu một Bồ tát thực hành cái nhẫn của thế gian mà không sửa trị những người phạm tội ác, lại để mặc tình việc ác gia tăng khiến làm hại chánh pháp, một Bồ tát như vậy là ma quái (Mara, 魔), không phải là Bồ tát. Người như vậy cũng không xứng đáng được mang danh là một Thanh Văn!.
[701c25] Tại sao như vậy?. Do cái nhẫn của thế gian người ấy không hộ trì được pháp. Đây là người làm việc của ma, mặc dù nhìn bên ngoài thì có vẻ như là đang tu đức nhẫn. Nếu vị Bồ tát đại từ bi, thành tựu đức nhẫn, hộ trì pháp Đại thừa, gìn giữ [tuệ căn của] chúng sinh, người ấy không nên vướng mắc vào cái nhẫn của thế gian. Tại sao vậy?. Nếu Bồ tát dung dưỡng những kẻ xấu ác, và không thể đứng ra sửa trị họ, để mặc họ tăng trưởng tội ác, nhiễu loạn lòng người, mau đưa đến việc hủy hoại chánh pháp. Ngưởi nầy, thực ra, không phải [là một Bồ tát] mà chỉ giả vờ mình [là một Bồ tát]. Lúc nào miệng người nầy cũng nói: “Tôi đang tu hành đức nhẫn”; nhưng khi mạng chung người ấy sẽ đọa vào ngục A tỳ cùng với những kẻ xấu ác kia. Vì những lý do trên mà không thể gọi là nhẫn.
[702a3] Đi sâu hơn, “an trụ trên nền tảng nhẫn” nghĩa là gì? Đức nhẫn của Bồ tát có khả năng thành tựu những lợi ích giá trị đối với Bồ đề. Tương tự như đại địa có thể sản xuất và nuôi dưỡng vạn vật trên thế gian. Nhẫn cũng như vậy. Khi Bồ tát thực hành đại nhẫn, đôi khi Bồ tát ban rải từ bi, và dùng lời nhu hòa, tránh không đánh mắng trả lại. Có những trường hợp, Bồ tát thị hiện dùng miệng lưỡi thô tháo, đánh đập chúng sinh, ngay cả đến chỗ giết chết. Hai pháp nhẫn trên đều có cùng mục đích hộ trì chánh pháp, và điều phục chúng sinh. Đây không phải là việc mà các Bồ tát sơ cơ có thể gánh vác được, nên được gọi là thành tựu đức nhẫn.
[702a9] Pháp nhẫn có ba nghĩa. Nghĩa thứ nhất, khi tu tập thánh đạo, hành giả biết rằng tất cả các pháp rốt ráo không tịch, chẳng sinh, chẳng diệt, chẳng đoạn, chẳng thường. “Tất cả các pháp” [có nghĩa là] hành giả biết nhãn là không, nhĩ, tị, thiệt, thân, và ý là không; hành giả biết thanh, hương, vị, xúc, và pháp là không; hành giả biết nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức, cho đến ý thức là không. Không ngã, không nhân, không chúng sinh, không tạo tác, và không người thọ nhận [sự tạo tác]. Quả báo có từ hạt giống lành cũng như hoa đốm giữa hư không. Sắc uẩn, [và những uẩn kia], giới, nhập đều là Không. Mười tám giới, ba lần sáu, đều bất khả thuyết. Không có trước, không có sau, không ở chặng giữa. Bản tánh vốn thường tịch. Nếu tâm người không chao động khi đối diện muôn hình tượng, thì gọi là Bồ tát đang tu tập pháp nhẫn.
[702a16] Nghĩa thứ hai, những vị Bồ tát dùng pháp nhẫn trang nghiêm thân và giáo hóa chúng sinh. Quán sát căn cơ thượng, trung, hạ của chúng sinh, Bồ tát giúp chúng sinh hoán chuyển và khiến họ trụ trong Đại thừa. Hoặc Thanh văn, Duyên giác, và Bồ tát, cả ba cùng đi vào một và là một, không có gì khác trong thánh hạnh của thân và tâm . Nhị thừa [Thanh văn và Duyên giác], phàm và thánh vốn là một và cùng Pháp thân, không khác với Phật.
[702a20] Nghĩa thứ ba, Bồ tát ma ha tát dùng trí tuệ không vướng mắc quán sát chúng sinh, dùng phương tiện thiện xảo điều phục họ . Có lúc Bồ tát làm gương sáng trong vấn đề giới luật và tế hạnh (細行). Có khi lại phá giới và thiếu uy nghi (威儀) . Để hoàn thành bản nguyện, những Bồ tát ma ha tát nầy ứng thân trong sáu cõi để giáo hóa chúng sinh. Đây gọi là Bồ tát thực hành pháp nhẫn, là người đã thành tựu pháp phương tiện trong việc giáo hóa chúng sinh.
[702a24] Đại nhẫn còn gọi là thần thông nhẫn. Thần thông nhẫn nghĩa là gì?. Ngay vào giây phút Bồ tát phát Bồ đề tâm, nguyện cứu độ chúng sinh khắp mười phương. Tinh cần tu tập lục độ, gồm bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, và ba mươi bảy đạo phẩm được thuyết cho tam thừa, đắc nhất thiết trí, chứng Niết Bàn, vào được thực tế (實際 bhutakoti). Trên Bồ tát thấy không Phật, dưới thấy không chúng sinh, liền nghĩ: “Tôi từng phát tâm cứu giúp chúng sinh, nay chẳng hề thấy có chúng sinh. Tôi tự hỏi có phải điều nầy chẳng trái ngược với lời nguyện xưa kia của tôi?.”. Ngay khi suy nghĩ như trên, tất cả chư Phật trong hiện đời lập tức hiện thân tướng. Chư Phật đồng khen ngợi Bồ tát, nói lời rằng: “Hy hữu thay, thiện nam tử!. Hãy gìn giữ trong tâm lời nguyện xưa, và đừng bỏ rơi chúng sinh!. Khi bắt đầu tìm cầu giác ngộ, ta từng lập đại nguyện cứu độ chúng sinh, và tinh tiến tu hành. Khi đắc Niết Bàn, vào thực tế, không thấy có chúng sinh để [cứu độ]. Nhưng nhớ lại đại nguyện, ta liền quy hướng về chúng sinh. Ngay lúc đó, ta thấy chư Phật khắp mười phương đồng cất tiếng khen ngợi, rằng: “Ta cũng như vậy. Hãy gìn giữ trong tâm lời nguyện xưa, và đừng bỏ rơi chúng sinh!”.
[702b7] Khi mười phương chư Phật nói lời nầy, tâm Bồ tát, sau khi nghe được lời chư Phật, khôn xiết hoan hỷ, liền chứng được vô số thần lực. Trụ giữa hư không, Bồ tát có thể thấy được chư Phật khắp mười phương, dùng Phật trí tự trang nghiêm thân. Trong nhất niệm (一 念), Bồ tát đầy đủ Phật trí khắp mười phương, đồng thời biết được tâm hành của mỗi chúng sinh. Trong nhất niệm, Bồ tát có thể quán sát tất cả. Trong nhất thời (一 時), Bồ tát hướng tâm về việc cứu giúp chúng sinh .
[702b12] Vì tâm Bồ tát rộng lớn nên gọi là “đại nhẫn”. Vì Bồ tát thừa ân đức của chư Phật và bậc đại nhân (大人mahapurusa) nên gọi là đại nhẫn. Tận lực cứu giúp chúng sinh, Bồ tát mang thân tướng hợp với trí tuệ trong những hoàn cảnh khác nhau. Trong nhất niệm, Bồ tát hiển lộ tất cả thân tướng; đồng thời thuyết pháp. Một [pháp] âm có thể sinh vô số [pháp] âm , khiến vô số chúng sinh đồng thời giác ngộ. Đây gọi là “thần thông nhẫn”.
[702b16] Để được nhu, hòa, và khéo thuận, trước hết hành giả điều phục tâm của mình, sau đó thuần phục người. “Nhu” có nghĩa là phát huy sáu hình thức hòa kính (和敬), quán sát giới, tu tập thiền định và trí tuệ, đắc giải thoát. Thêm vào đó, hòa giải sân hận của chúng sinh, nhẫn nhục, trì giới cấm có cùng tướng Niết bàn. Lục hòa kính gồm có: tâm hòa, thân hòa, khẩu hòa, giới hòa, lợi hòa, và tướng hòa.
[702b20] Thiện thuận có nghĩa là khéo biết căn tánh (根性) của chúng sinh mà tùy thuận điều phục (隨順調伏). Đây gọi là đồng sự (同事) . Gồm thu sáu tướng thần thông (六種神通) . “Nhu hòa” chỉ cho pháp nhẫn. “Thiện thuận” chỉ cho đại nhẫn. “Bất thốt bạo” có nghĩa là khi tu tập pháp Phật, hành giả không vụt chạt tuyên bố rằng mình đã chứng ngộ, ra vẻ uy nghi. Thuần phục chúng sinh cũng như vậy.
[702b23] “Tâm bất kinh”, kinh có nghĩa là động. Thốt bạo cùng nghĩa với [kiêu] ngạo (驁). Bất kỳ nghe âm thanh hòa nhã, âm thanh chát chúa, ngay cả tiếng sấm chớp, cảnh giới xấu ác (惡境界), hoặc cảnh tượng thiện lành (善色像), khi mắt thấy, tai nghe, lòng không xung động, dù chỉ thoáng qua. Vì [Bồ tát] hiểu giáo pháp về tánh Không, không có tâm [nào xao động]. Vì vậy mà nói rằng tâm bất kinh .
[702b26] “Ở nơi pháp không phân biệt”, có nghĩa rằng ngũ uẩn, thập bát giới, thập nhị nhân duyên... tất cả các phiền não hoàn toàn rỗng lặng. Vì vậy, không có tâm [ý] và nguồn cội [để tìm tâm ý nầy]. Hơn nữa, trong thiền định và giải thoát, không hề có trí, tâm, và hành.
[702b29] “Quán các pháp như thực tướng” có nghĩa rằng ngũ uẩn, thập bát giới, thập nhị nhân duyên... đều là thực tánh chân như (真如實性). Không có gốc, không có ngọn (本末), cũng không sinh diệt. Không phiền não, cũng không giải thoát.
[702c2] “Chẳng vin theo, chẳng phân biệt” có nghĩa rằng Sinh tử, Niết bàn không như, không khác. Phàm phu và Phật không riêng hai pháp giới (法界). Vì vậy nên không thể phân biệt (分別). Hơn nữa, vì hành giả không nhận thấy đây không phải là hai, nên nói rằng người ấy không [thể] chẳng phân biệt. Vì tướng vô phân biệt chính đó bất khả đắc, Bồ tát trụ trong vô danh tam muội. Lại nữa, cho dù Bồ tát vô trụ, vẫn có thần lực mà không dùng pháp phương tiện . Đây gọi là hành xứ của Bồ tát ma ha tát. Bồ tát trở nên bình đẳng [với hành xứ] khi bước vào thánh vị (初入聖位) . Đây là pháp thân chân thường bất động. Đây không phải là pháp thân phương tiện từ nhân duyên phối hợp . Cũng gọi là “chứng ngộ Như Lai tạng” cho đến [chứng ngộ] “Ý tạng” (意藏) .

    « Xem chương trước «      « Sách này có 16 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Truyện cổ Phật giáo


Có và Không


Lược sử Phật giáo


Phật giáo và Con người

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.15.138.214 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...