Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng
Hiệu chính và chú thích
11. Bấy giờ, có kẻ huỳnh môn[217] đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo, «Tôi muốn xuất gia thọ giới cụ túc.» Các tỳ-kheo liền cho xuất gia thọ giới cụ túc.
Thọ giới cụ túc rồi, vị ấy nói với các tỳ-kheo: «Hãy cùng tôi làm việc như vậy, như vậy.»
Các tỳ-kheo nói: «Ngươi đi đi! Ngươi diệt đi! Ai cần ngươi?»
Vị kia lại đến nơi người giữ vườn và sa-di nói: «Hãy cùng tôi làm việc như vậy, như vậy.»
Người giữ vườn và sa-di nói: «Ngươi đi đi! Ngươi diệt đi! Ai cần ngươi?»
Kẻ huỳnh môn kia ra ngoài chùa cùng người chăn bò chăn dê làm việc dâm dục. Các cư sĩ thấy cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử đều là huỳnh môn, trong đó có đàn ông làm việc dâm dục với nhau.»
Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Phật dạy:
«Huỳnh môn ở trong pháp của ta không có điều trưởng ích, không được cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã xuất gia thọ giới cụ túc thì phải diệt tẫn.»
Trong đây, huỳnh môn có huỳnh môn do bẩm sinh (sanh), huỳnh môn do thiến (kiền), huỳnh môn do ghen (đố), huỳnh môn do đổi (biến), và huỳnh môn nửa tháng (bán nguyệt).[218]
Sanh: Khi sanh liền thành huỳnh môn.
Kiện: Sau khi sanh, cắt bỏ hết để làm huỳnh môn.
Đố: Thấy người khác hành dâm, mình khởi tâm dâm.
Biến: Khi cùng với người khác hành dâm, năm căn mất, biến làm huỳnh môn.
Nửa tháng: nửa tháng có khả năng của người nam, nửa tháng không có khả năng của người nam.
12. Phật du hóa nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thiện Hiện Long vương[219] thọ mạng rất lâu, sanh tâm nhàm tởm thân rồng (rắn), bèn nghĩ: «Đời nay sanh trong loài rồng trường thọ này, không biết khi nào thoát khỏi được thân này?» Long vương lại nghĩ: «Sa môn Thích tử này tu hạnh thanh tịnh. Nay ta hãy đến đó cầu xuất gia làm đạo, có thể lìa khỏi thân hình rồng nầy.» Long vương nghĩ xong, liền biến làm một thân hình thiếu niên ngoại đạo, đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo: «Tôi muốn xuất gia thọ giới cụ túc.»
Các tỳ-kheo không quán sát bổn nguyên, vội cho xuất gia thọ giới cụ túc và cho ở cùng phòng với một tỳ-kheo. Khi tỳ-kheo kia có việc ra ngoài, Thiện Hiện Long vương buông mình xuống ngủ. Theo thường pháp của loài rồng, có hai trường hợp không lìa được nguyên hình; một là khi ngủ, hai là khi hành dâm.
Bấy giờ, thân của Long vương trương ra đầy cả phòng, lòi ra cả ngoài cửa sổ nơi lỗ trống. Tỳ-kheo kia khi trở lại, lấy tay đẩy cánh cửa, chạm phải thân con rồng, hốt hoảng, biết bên trong phòng có gì khác, bèn lớn tiếng kêu:
«Rắn! rắn!»
Tỳ-kheo ở phòng gần nghe tiếng kêu lớn, liền hỏi:
«Chuyện gì la lớn vậy?»
Vị kia trình bày đầy đủ sự việc. Long vương cũng nghe tiếng tỳ-kheo kêu nên thức dậy, ngồi kết già, thẳng mình chánh ý, buộc ý niệm trước mặt. Tỳ-kheo liền vào hỏi:
«Ngươi là ai?»
Người ngồi kết già trả lời:
«Tôi là Thiện Hiện Long vương. Tôi sanh trưởng trong loài rồng, vì chán thân này, nên nghĩ: ‹không biết bao giờ ta mới thoát khỏi thân rồng này?› Tôi lại nghĩ: ‹Sa môn Thích tử tu hạnh thanh tịnh, nay ta có thể đến đó xin xuất gia làm đạo, ngõ hầu thoát khỏi thân hình rồng nầy.›»
Các tỳ-kheo [813a1] đem nhơn duyên này đến bạch lên đức Phật. Phật dạy:
«Loài súc sanh ở trong pháp của ta không có trưởng ích gì. Nếu chưa xuất gia thì không được cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì nên diệt tẫn.»
13.1. Bấy giờ, có một thiếu niên ngoại đạo cố ý giết mẹ. Giết xong thường ôm lòng sầu ưu, luôn nghĩ: «Ai có thể trừ nỗi ưu sầu cho ta?» Thiếu niên lại nghĩ: «Sa-môn Thích tử tu nhiều thiện pháp. Nay ta hãy đến đó xin xuất gia học đạo, ngõ hầu tiêu diệt tội nầy.» Nghĩ xong, thiếu niên liền đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo:
«Tôi muốn xuất gia học đạo.»
Các tỳ-kheo thấy vậy, tưởng là Thiện Hiện Long vương, nên hỏi:
«Người là giới nào?»
Thiếu niên trả lời:
«Tôi là ngoại đạo tên như vậy. Tôi cố tâm giết mẹ tôi. Giết xong, thường ôm lòng ưu sầu, nghĩ: ‹Ai có thể trừ nỗi ưu sầu cho ta?› Tôi lại nghĩ: ‹Sa môn Thích tử tu nhiều thiện pháp. Nay ta hãy đến đó xin xuất gia học đạo, ngõ hầu tiêu diệt tội nầy.› Cho nên tôi đến đây cầu xin xuất gia.»
Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch lên đức Phật. Phật dạy:
«Kẻ giết mẹ ở trong pháp của Ta không có trưởng ích gì. Nếu chưa xuất gia thì không được cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì nên diệt tẫn.»
13.2. Bấy giờ, có một ngoại đạo cố ý giết cha. Giết xong thường ôm lòng sầu ưu, luôn nghĩ: «Ai có thể trừ nỗi ưu sầu cho ta?» Thiếu niên lại nghĩ: «Sa-môn Thích tử tu nhiều thiện pháp. Nay ta hãy đến đó xin xuất gia học đạo, ngõ hầu tiêu diệt tội nầy.» Nghĩ xong, thiếu niên liền đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo:
«Tôi muốn xuất gia học đạo.»
Các tỳ-kheo tưởng là Thiện Hiện Long vương, nên hỏi:
«Tôi là ngoại đạo tên như vậy. Tôi cố tâm giết cha tôi. Giết xong, thường ôm lòng ưu sầu, nghĩ: ‹Ai có thể trừ nỗi ưu sầu cho ta?› Tôi lại nghĩ: ‹Sa-môn Thích tử tu nhiều thiện pháp. Nay ta hãy đến đó xin xuất gia học đạo, ngõ hầu tiêu diệt tội nầy.› Cho nên tôi đến đây cầu xin xuất gia.»
Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch lên đức Phật. Phật dạy:
«Kẻ giết cha ở trong pháp của Ta không có trưởng ích gì. Nếu chưa xuất gia thì không được cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì nên diệt tẫn.»
13.3. Bấy giờ có số đông tỳ-kheo từ nước Câu-tát-la, trên đường đi, gặp chỗ có a-lan-nhã, cùng nhau bàn nói: «A-lan-nhã này tên như vậy. Nơi đây có A-la-hán bị giết.» Trong số đó có người nói:
«Vị ấy thật là A-la-hán.»
Có người hỏi:
«Tại sao biết?»
Đáp rằng:
«Vì trong lúc bị giết, tâm không thay đổi.»
Có người hỏi:
«Tại sao thầy biết?»
Vị ấy nói:
«Tôi là một trong số người giết ấy.»
Các tỳ-kheo đem việc này bạch đầy đủ lên đức Phật. Đức Phật dạy:
«Người giết A-la-hán ở trong pháp của ta không có lợi ích gì, nếu chưa xuất gia thì không được cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì nên diệt tẫn.»
13.4. Bấy giờ, Tôn giả Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay thưa:
«Kính bạch đức Thế Tôn, nếu có người phá hoại Tăng, thì nên thế nào?»
Đức Phật dạy:
«Hạng người như Đề-bà-đạt. Nếu chưa xuất gia thọ giới cụ túc, thì không được cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì phải diệt tẫn.»
13.5. Ưu-ba-ly lại hỏi:
«Kẻ ác tâm làm thân Phật chảy máu thì nên thế nào? »
Đức Phật dạy:
«Hạng người như Đề-bà-đạt, nếu chưa xuất gia thọ giới cụ túc, thì không được cho xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu đã cho xuất gia thọ giới cụ túc thì phải diệt tẫn.»
v. Các liên hệ già nạn
1. Bấy giờ có một tỳ-kheo biến đổi giống thành người nữ. Các tỳ-kheo nghĩ: «Nên diệt tẫn chăng?» Đức Phật dạy:
«Không được diệt tẫn. Cho phép đem luôn cả năm và tuổi thọ giới cụ túc trước đây của Hòa thượng, A-xà-lê chuyển sang cho ở bên chúng của tỳ-kheo-ni.»
2. Có một tỳ-kheo-ni biến thành hình nam tử. Các tỳ-kheo-ni nghĩ: «Nên diệt tẫn chăng?» Đức Phật dạy:
«Không được diệt tẫn. Cho phép đem luôn cả năm và tuổi thọ giới cụ túc trước đây của Hòa thượng, A-xà-lê chuyển sang cho ở bên chúng của Tỳ-kheo.»
3. Có một tỳ-kheo biến thành nam nữ hai hình. Các tỳ-kheo nghĩ: «Nên diệt tẫn chăng?» Đức Phật dạy:
«Nên diệt tẫn. »
Có một tỳ-kheo-ni biến làm nam nữ hai hình. Các tỳ-kheo-ni nghĩ: «Nên tẫn xuất chăng?» Đức Phật dạy:
«Nên tẫn xuất.»
4. Có tỳ-kheo bị giặc chặt đứt nam căn và luôn cả hai trứng. Các tỳ-kheo nghĩ: «Nên diệt tẫn chăng?» Đức Phật dạy:
«Không nên diệt tẫn.»
Có tỳ-kheo vì oan gia cắt nam căn và luôn cả hai cái trứng. Các tỳ-kheo nghĩ: «Nên diệt tẫn chăng?» Đức Phật dạy:
«Không được diệt tẫn.»
Có tỳ-kheo bị thú dữ cắn đứt nam căn và trứng. Các tỳ-kheo nghĩ: «Nên diệt tẫn chăng?» Đức Phật dạy:
«Không được diệt tẫn.»
Có tỳ-kheo vì nghiệp báo nhơn duyên nam căn tự rụng. Các tỳ-kheo nghĩ: «Nên diệt tẫn chăng?» Đức Phật dạy:
«Không được diệt tẫn.»
Có tỳ-kheo tự cắt nam căn. Các tỳ-kheo nghĩ: «Nên diệt tẫn chăng?» Đức Phật dạy:
«Nên diệt tẫn.»
5. Có vị muốn thọ giới cụ túc, được dẫn ra ngoài giới. Các tỳ-kheo hỏi: «Ngươi là ai?» Người ấy không chịu xưng danh. Lại hỏi: «Hòa thượng của ngươi là ai?» Lại cũng không nói tên của Hòa thượng. Được hướng dẫn bảo cầu xin giới, cũng không chịu xin. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Có ba hạng người không được thọ giới cụ túc: không tự xưng tên mình, không chịu xưng tên Hòa thượng, dạy xin giới không chịu xin. Ba hạng người như vậy không được thọ giới cụ túc.»
6. Có người khoác y phục của bạch y thọ giới cụ túc. Thọ giới rồi liền mặc vào thôn khất thực. Các cư sĩ thấy hỏi:
«Ông là ai?»
Vị ấy trả lời:
«Tôi là sa-môn Thích tử.»
Cư sĩ nói:
«Sa môn Thích tử không phải như vậy.»
Đức Phật dạy:
«Không được khoác y phục của bạch y thọ giới cụ túc.»
Lại có người khoác y của ngoại đạo thọ giới cụ túc. Thọ giới rồi liền mặc vào thôn khất thực. Các cư sĩ thấy hỏi:
«Ông là hạng người nào?»
Vị ấy trả lời:
«Tôi là sa-môn Thích tử.»
Cư sĩ nói:
«Sa-môn Thích tử không phải như vậy.»
Đức Phật dạy:
«Người khoác y phục ngoại đạo không được trao giới cụ túc.»
Có người mang các đồ trang sức thân mình mà thọ giới cụ túc. Thọ giới cụ túc rồi vào thôn khất thực. Các cư sĩ thấy hỏi:
«Ông là hạng người nào?»
Vị ấy trả lời:
«Tôi là sa-môn Thích tử.»
Cư sĩ nói:
«Sa-môn Thích tử không phải như vậy.»
Đức Phật dạy:
«Người mang các đồ trang sức thân mình không được cho thọ giới cụ túc.»
Có ba hạng người không được gọi là thọ giới cụ túc: mặc đồ thế tục, mặc đồ ngoại đạo, mang đồ trang sức thân mình. Ba hạng người này thọ giới cụ túc không thành.
7. Có vị trao giới cụ túc cho người ngủ. Khi thức dậy, người ấy trở về nhà. Các tỳ-kheo nói:
«Đừng về nhà! Ông đã thọ giới cụ túc rồi.»
Vị kia trả lời:
«Tôi không thọ giới cụ túc.»
Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Phật dạy:
«Không được trao giới cụ túc cho người đang ngủ.»
8. Có vị trao giới cụ túc cho người say rượu. Khi thức dậy, người ấy trở về nhà. Các tỳ-kheo nói:
«Đừng về nhà! Ông đã thọ giới cụ túc rồi.»
Vị kia trả lời:
«Tôi [814a1] không thọ giới cụ túc.»
Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Phật dạy:
«Không được trao giới cụ túc cho người đang say rượu.»
9. Có vị trao giới cụ túc cho người cuồng. Khi hết cuồng, người ấy trở về nhà. Các tỳ-kheo nói:
«Đừng về nhà! Ông đã thọ giới cụ túc rồi.»
Vị kia trả lời:
«Tôi không thọ giới cụ túc.»
Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Phật dạy:
«Không được trao giới cụ túc cho người cuồng.»
Ba hạng người không được thọ giới cụ túc: người ngủ, người say, người cuồng. Đó gọi là ba hạng người không được thọ (truyền) giới cụ túc.
10. Có vị trao giới cụ túc cho người lõa hình. Khi được y phục rồi, người ấy trở về nhà. Các tỳ-kheo nói:
«Đừng về nhà! Ông đã thọ giới cụ túc rồi.»
Vị kia trả lời:
«Tôi không thọ giới cụ túc.»
Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Phật dạy:
«Không được trao giới cụ túc cho người lõa hình.»
Có vị trao giới cụ túc cho người đang sân nhuế. Khi hết sân nhuế, người ấy trở về nhà. Các tỳ-kheo nói:
«Đừng về nhà! Ông đã thọ giới cụ túc rồi.»
Vị kia trả lời:
«Tôi không thọ giới cụ túc.»
Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Phật dạy:
«Không được trao giới cụ túc cho người đang sân nhuế.»
Có vị trao giới cụ túc cho người bị ép thọ. Sau đó, người ấy bèn trốn chạy về nhà. Các tỳ-kheo nói:
«Đừng về nhà! Ông đã thọ giới cụ túc rồi.»
Vị kia trả lời:
«Tôi không thọ giới cụ túc.»
Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Phật dạy:
«Không được trao giới cụ túc cho người bị cưỡng ép.»
Ba hạng người không được thọ giới cụ túc: người lõa hình, người đang sân nhuế, người bị cưỡng ép. Đó gọi là ba hạng người không được thọ giới cụ túc.
Cũng như vậy, bị chặt tay, bị chặt chân, bị chặt cả tay chân; bị xẻo tai, bị xẻo mũi, bị xẻo tai mũi; bị cắt nam căn, bị thiến trứng, bị cắt nam căn và thiến trứng; bị chặt tay, bị chặt khủy tay, bị chặt ngón tay, thường bị ghẻ nhọt, hiện tướng chết, thân bị bướu, thân như thân người nữ, có danh tịch trốn thuế nhà quan, ung thư, thân cá giao, đầu nhọn, cánh tay bên tả hư hoại, cánh tay bên hữu hư hoại, răng cưa, thân trùng, đầu trùng, tóc trên đầu bị bệnh tê, ngón tay bị cong, sáu ngón, ngón tay không có đốt, chỉ có một trứng, không có trứng, bệnh đồi, bên trong cong bên ngoài cong, cả trong lẫn ngoài cong, bệnh thượng khí, bệnh bướu nhỏ, bệnh ói nước bọt, v.v... hoặc bị các khổ não, hoặc bệnh nam căn, hoặc mắt xanh, mắt vàng, mắt đỏ, mắt thối, hoặc có hồng nhãn, mắt có màng đỏ, mắt có màng xanh, mắt có màng vàng, mắt có màng trắng, mắt có thủy tinh, mắt quá sâu, hoặc mắt ba góc, mắt khỉ cái, mắt to bự, mắt lồi, hoặc một mắt, mắt liếc, mắt mờ, mắt nhọn, mắt tà, mắt sân nộ, mắt dòm ngó, hoặc mắt có ghẻ nhọt, hoặc bị lang lỗ, hoặc thân bị ghẻ tanh hôi, thân bị nhọt xâm dâm, hoặc câm, điếc hay điếc câm, hoặc ngón chân cuống lại, hoặc chân kiểng, chân cong, hoặc một tay, một chân, một tai, hoặc không tay, không chân, không tai, hoặc không tóc, không lông, không răng, hoặc tóc xanh, tóc vàng, tóc trắng, cao quá, thấp quá, gót chân phụ nữ, con trời, con a-tu-la, con kiền-thát-bà, hoặc đầu voi, đầu ngựa, đầu lạc đà, hoặc đầu bò, đầu lừa, đầu chó, đầu dê đen, đầu dê trắng, đầu nai, đầu rắn, đầu cá, đầu chim, hoặc hai đầu, ba đầu, nhiều đầu, tất cả xanh, tất cả vàng, tất cả đen, tất cả đỏ, tất cả trắng, tất cả giống như sắc con khỉ cái, hoặc bệnh phong, bệnh nhiệt, bệnh đàm ấm, bệnh do cục trong bụng, hoặc yết hầu cong, hoặc thiếu mặt trăng, hoặc không có lưỡi, hoặc cắt lưỡi, hoặc không biết tốt xấu, hoặc trước thân lồi ra, hoặc phía sau lồi ra, hoặc cả trước lẫn sau đều lồi, hoặc bệnh trong, bệnh bên ngoài, hay trong ngoài đều bệnh, hoặc có bệnh nghiên, bệnh thường nằm không chuyển động, hoặc quá già, hoặc có bệnh càn tiêu, hoặc mất oai nghi đi đứng.
Tất cả những trường hợp như trên, đưa đến sự xấu cho chúng Tăng. Những người như vậy không được độ thọ giới cụ túc.
11. Lúc bấy giờ, có người có thần túc, ở trên hư không thọ giới cụ túc. Đức Phật dạy:
«Như vậy không gọi là thọ giới cụ túc.»
Hòa thượng ở trên hư không cho người ở dưới thọ giới cụ túc. Đức Phật dạy:
«Như vậy không gọi là thọ giới cụ túc.»
Dùng thần túc ở trên hư không, đủ túc số, thọ giới cụ túc. Đức Phật dạy:
«Không gọi là thọ giới cụ túc.»
Có người ẩn hình không xuất hiện mà thọ giới cụ túc. Đức Phật dạy:
«Không gọi là thọ giới cụ túc.»
Hòa thượng ẩn hình truyền[220] giới cụ túc. Đức Phật dạy:
«Không gọi là thọ giới cụ túc.»
Túc số, tỳ-kheo ẩn hình truyền thọ giới cụ túc. Đức Phật dạy:
«Không gọi là thọ giới cụ túc.»
Có người lìa chỗ thấy nghe thọ giới cụ túc. Đức Phật dạy:
«Không gọi là thọ giới cụ túc.»
Hòa thượng lìa chỗ thấy nghe truyền thọ giới cụ túc. Đức Phật dạy:
«Không gọi là thọ giới cụ túc.»
Đủ số người, mà lìa chỗ thấy nghe thọ giới cụ túc. Đức Phật dạy:
«Không gọi là thọ giới cụ túc. »
Có người ở ngoài giới thọ giới cụ túc. Đức Phật dạy:
«Không gọi là thọ giới cụ túc.»
Hòa thượng ở ngoài giới truyền thọ giới cụ túc. Đức Phật dạy:
«Không gọi là thọ giới cụ túc.»
Đủ số người mà ở ngoài giới thọ giới cụ túc. Đức Phật dạy:
«Không gọi là thọ giới cụ túc.»
Có vị không được trao giới sa-di mà trao giới cụ túc. Đức Phật dạy:
«Vị ấy đắc cụ túc giới, mà chúng Tăng mắc tội.»
Đức Thế Tôn cũng dạy như vầy:
«Tất cả những người làm xấu chúng Tăng, không được thọ giới cụ túc.» 4. Pháp thức truyền thọ cụ túc
i. Giáo thọ giới tử
Bấy giờ, có người muốn thọ giới. Vị kia dẫn đến chỗ ngoài giới, cởi y phục để khám. Người thọ giới hổ thẹn. Việc thọ giới bị đình lại. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch lên đức Phật, Phật dạy:
«Không được lộ hình như vậy để khám rồi truyền thọ giới. Từ nay về sau, cho phép hỏi mười ba nạn sự, sau đó mới trao giới cụ túc, bằng bạch tứ yết-ma. Nên hỏi như vầy:
«Ngươi không phạm biên tội chăng? Ngươi không xúc phạm tỳ-kheo-ni chăng? Ngươi không phải là người vào đạo với tâm giặc chăng? Ngươi chẳng phải là người phá hoại nội và ngoại đạo chăng? Ngươi chẳng phải là huỳnh môn chăng? Ngươi chẳng phải là người giết cha, giết mẹ chăng? Ngươi chẳng phải là người giết A-la-hán chăng? Ngươi chẳng phải là người phá Tăng chăng? Ngươi chẳng phải là người với ác tâm làm cho thân Phật chảy máu chăng? Ngươi chẳng phải là phi nhơn chăng? Ngươi chẳng phải là súc sanh chăng? Ngươi chẳng phải là người có hai hình chăng?»
Đức Phật dạy:
Từ nay về sau, cho phép trước hỏi mười ba nạn sự, sau đó mới cho thọ giới cụ túc. Nên tác pháp yết-ma như sau để thọ giới cụ túc.
Bấy giờ bảo người muốn thọ giới đứng chỗ mắt thấy mà tai không nghe. Giới sư tác bạch yết-ma như sau:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Vị kia tên là..., theo tỳ-kheo hiệu..., cầu thọ giới cụ túc. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận sai tỳ-kheo hiệu... làm giáo thọ sư. Đây là lời tác bạch.»
Bấy giờ, thầy giáo thọ đến chỗ người kia, nói:
«Đây là an-đà-hội, đây là uất-đà-la-tăng, đây là tăng-già-lê, đây là bát. Y bát này là của ngươi phải không?»
Vị kia trả lời:
«Vâng, là của con. »
Thầy giáo thọ nói:
«Thiện nam tử, lắng nghe! Nay chính là lúc cần sự chí thành. Tôi sẽ hỏi ông. Theo lời hỏi của tôi, ông cứ trả lời đúng như sự thật. Điều nào thật ông cứ nói thật. Điều nào không thật ông cứ nói không thật. Tên ông là gì? Hòa thượng ông là ai? Ông đủ hai mươi tuổi chưa? Y bát của ông đầy đủ không? Cha mẹ ông có cho phép không? Ông không phải là người mắc nợ chăng? Ông không phải là đầy tớ chăng? Ông không phải là quan chức chăng? Ông có phải là đàn ông không? Đàn ông, có những chứng bệnh như hủi, ung thư,[815a1] hủi trắng, càn tiêu, điên cuồng. Hiện tại ông có các chứng bệnh đó không?»
Nếu người thọ giới nói không, thì thầy giáo thọ nói:
«Như tôi vừa hỏi ông, lát nữa giữa Tăng cũng sẽ được hỏi như vậy. Vừa rồi ông trả lời với tôi như thế nào thì giữa Tăng ông cũng trả lời như vậy.»
Vị giáo thọ nói như vậy rồi, trở vào trong chúng, với oai nghi như thường lệ, đứng chỗ vừa tầm tay đối với chúng,[221] tác bạch:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Người này tên là... theo tỳ-kheo hiệu... cầu thọ giới cụ túc. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi đã hỏi xong, cho phép người ấy vào. Đây là lời tác bạch.»
ii. Giới tử bạch Tăng
Người thọ giới vào rồi, thầy giáo thọ cầm hộ y bát, bảo người ấy kính lễ dưới chân Tăng, rồi dạy, trước giới sư, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay, hướng dẫn họ tác bạch để xin giới như sau:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Con tên là... theo tỳ-kheo hiệu... cầu thọ giới cụ túc. Con tên là... nay đến trong chúng Tăng xin thọ giới cụ túc, tỳ-kheo hiệu... làm Hòa thượng. Xin chúng Tăng dũ lòng thương cứu vớt con.»
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy.
Bấy giờ vị giới sư nên tác pháp yết-ma như sau:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Người này tên là... theo tỳ-kheo hiệu... cầu thọ giới cụ túc. Nay người này tên là... theo chúng Tăng xin thọ giới cụ túc, tỳ-kheo hiệu... làm Hòa thượng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận cho phép tôi hỏi các nạn sự. Đây là lời tác bạch.»
«Thiện nam tử, lắng nghe! Nay chính là lúc cần sự chí thành, lúc nói thật. Nay tôi sẽ hỏi ông. Ông nên theo sự thật mà trả lời. Ông tên là gì? Hòa thượng ông là ai? Ông đủ hai mươi tuổi chưa? Ba pháp y và bát có đủ không? Cha mẹ ông có cho phép ông không? Ông có mắc nợ ai không? Ông có phải là đầy tớ không? Ông có phải là người của nhà quan không? Ông có phải là đàn ông không? Đàn ông có những chứng bệnh hủi, ung thư, hủi trắng, càn khô, điên cuồng. Hiện tại ông có những chứng bệnh như vậy không?
Nếu người ấy nói không, thì bạch tứ yết-ma như sau:
iii. Bạch tứ yết-ma
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Người này tên là... theo tỳ-kheo hiệu... cầu thọ giới cụ túc. Người này tên là..., nay đến giữa Tăng xin thọ giới cụ túc, tỳ-kheo hiệu... làm Hòa thượng. Người này tên là..., tự nói thanh tịnh, không có các nạn sự, tuổi đủ hai mươi, ba y và bát đầy đủ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trao cho người tên là... giới cụ túc, tỳ-kheo hiệu... làm Hòa thượng. Đây là lời tác bạch.
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Người này tên là..., theo tỳ-kheo hiệu... cầu thọ giới cụ túc. Nay người này tên là... đến xin Tăng thọ giới cụ túc, tỳ-kheo hiệu... làm Hòa thượng. Người này tên là..., tự nói thanh tịnh, không có các nạn sự, tuổi đủ hai mươi, ba y và bát đầy đủ. Nay Tăng trao cho người tên là... nầy giới cụ túc, tỳ-kheo hiệu... làm Hòa thượng. Trưởng lão nào chấp thuận Tăng trao cho người tên... giới cụ túc, tỳ-kheo hiệu... làm Hòa thượng, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma thứ nhất.»
Lần thứ hai, thứ ba cũng nói như vậy.
«Tăng đã chấp thuận cho người tên là... thọ giới cụ túc, tỳ-kheo hiệu... làm Hòa thượng rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»
v. Truyền pháp tứ khí và tứ y
Bấy giờ, có tỳ-kheo thọ giới cụ túc rồi, Chúng Tăng đều về lại trú xứ. Vợ cũ của vị ấy ở cách chỗ thọ giới không xa, đến hỏi:
«Vừa rồi ông làm gì?»
Vị ấy trả lời:
«Tôi thọ giới cụ túc.»
Vợ cũ nói:
«Bây giờ ông có thể làm chuyện như vậy, như vậy, gọi là lần cuối cùng không?»
Người thọ giới cụ túc ấy liền làm việc bất tịnh như vậy như vậy rồi, sau đó mới về lại trú xứ. Các tỳ-kheo hỏi:
«Thầy làm gì mà về sau?»
Vị kia liền đem nhơn duyên trên trình bày đầy đủ lại với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo nói:
«Ngươi hãy diệt nhanh đi! Ngươi hãy biến mất nhanh đi! Ngươi đã làm việc như vậy, không được ở lại đây nữa.»
Người kia nói:
«Việc tôi làm đó là việc không nên làm sao?»
Các tỳ-kheo nói:
«Dĩ nhiên là điều không được làm.»
Vị ấy nói:
«Tại sao không nói trước với tôi, để tôi tránh không làm điều đó?»
Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dạy:
a. Tứ khí
Từ nay về sau, tác pháp yết-ma rồi nên nói trước bốn pháp ba-la-di.
«Thiện nam tử lắng nghe! Đức Như Lai, bậc Chí chơn, Đẳng chánh giác nói bốn pháp ba-la-di. Nếu tỳ-kheo nào phạm mỗi một trong bốn thì chẳng phải là sa-môn, chẳng phải là Thích tử.
(1) «Tuyệt đối, ông không được phạm dâm, làm bất tịnh hạnh. Nếu tỳ-kheo phạm bất tịnh hạnh, hành pháp dâm dục, cho đến cùng loài súc sanh, thì chẳng phải sa-môn, chẳng phải Thích tử. Đức Thế Tôn nói thí dụ: Như người bị chặt đầu không thể sống trở lại. Tỳ-kheo cũng như vậy, phạm pháp ba-la-di rồi, không thể trở lại thành tỳ-kheo hạnh. Đây là điều mà trọn đời ông không được làm, ông có thể giữ được không? Trả lời là được.
(2) «Tuyệt đối, ông không được trộm cắp, cho đến một lá cây, cọng cỏ. Nếu tỳ-kheo ăn trộm của người năm tiền trở lên, tự mình lấy, dạy người lấy, tự mình phá, dạy người phá, tự mình chặt, dạy người chặt, hoặc đốt, hoặc chôn, hoặc làm cho hoại sắc. Vị ấy chẳng phải là sa-môn, chẳng phải là Thích tử. Thí như cây đa-la bị moi ruột, không thể sanh trưởng. Tỳ-kheo phạm ba-la-di cũng vậy, không thể trở lại thành tỳ-kheo hạnh. Trong điều này, trọn đời ông không được làm, ông có thể giữ được không? Trả lời là được.
(3) «Tuyệt đối, ông không được đoạn mạng sống của chúng sanh, cho đến loài kiến. Nếu tỳ-kheo cố ý tự tay mình đoạn mạng người, tìm dao trao cho người, dạy bảo cách chết, khen sự chết, khuyên cho chết, trao cho người phi dược, hoặc làm đọa thai, nguyền rủa cho chết, tự mình tạo phương tiện, dạy người tạo phương tiện, thì chẳng phải sa-môn, chẳng phải Thích tử. Thí như cây kim bị sứt đít không thể dùng được nữa. Tỳ-kheo cũng vậy, nếu tỳ-kheo phạm ba-la-di, không thể trở lại thành tỳ-kheo hạnh nữa. Trong điều này, trọn đời ông không được làm, ông có thể giữ được không? Trả lời là được.
(4) «Tuyệt đối, ông không được nói dối, cho đến nói giỡn chơi. Nếu tỳ-kheo chẳng phải chơn thật, chẳng phải mình tự có mà tự nói: ‹Tôi được pháp thượng nhơn, được thiền, được giải thoát, được định, được bốn không định, được quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán, trời đến, rồng đến, quỷ thần đến,› thì chẳng phải sa-môn, chẳng phải Thích tử. Thí như hòn đá lớn bị vỡ làm hai không thể hiệp lại được. Tỳ-kheo cũng vậy, phạm pháp ba-la-di, không thể trở thành tỳ-kheo hạnh. Trong điều này, trọn đời ông không được làm, ông có thể giữ được không? Trả lời là được.
b. Tứ y
«Thiện nam tử lắng nghe! Đức Như Lai là bậc Chí chơn, Đẳng chánh giác, nói pháp tứ y. Tỳ-kheo y nơi đây được xuất gia, thọ giới cụ túc, thành pháp của tỳ-kheo.
(1) «Tỳ-kheo y nơi y phấn tảo, nương nơi đây đặng xuất gia thọ giới cụ túc, thành pháp của tỳ-kheo. Trong đây, trọn đời ông có thể giữ được không? Trả lời là được.
«Nếu được của lợi do đàn-việt thí y, y cắt rọc hư hoại, thì được nhận.
(2) «Tỳ-kheo y nơi khất thực. Tỳ-kheo nương vào đây được xuất gia thọ giới cụ túc, thành pháp tỳ-kheo. Trong đây, trọn đời ông có thể giữ được không? Trả lời là được.
«Nếu được của lợi, hoặc Tăng sai đi thọ thực hay đàn-việt dâng thức ăn vào những ngày mồng tám, rằm, mồng một, hoặc thường thực của Tăng, đàn-việt mời, thì được nhận.
(3) «Tỳ-kheo nương dưới bóng cây được xuất gia thọ giới cụ túc, thành pháp của tỳ-kheo. Trong đây, trọn đời ông có thể giữ được không? Trả lời là được.
«Nếu được của lợi hoặc phòng riêng, nhà nóc nhọn, phòng nhỏ, hang đá, hai phòng một cửa, thì được nhận.
(4) [816a1]«Tỳ-kheo nương nơi thuốc hủ lạn này được xuất gia thọ giới cụ túc, thành pháp tỳ-kheo. Đây là điều trọn đời không được phạm, ông có thể giữ được không? Trả lời là được.
«Nếu được của lợi như sữa, dầu, sanh tô, mật, thạch mật thì được thọ.»
vi. Giáo giới và đắc giới
«Ông nay đã thọ giới rồi. Bạch tứ yết-ma như pháp, thành tựu đúng quy cách. Hòa thượng như pháp, A-xà-lê như pháp, chúng Tăng đúng số đầy đủ. Ông nên khéo thọ nhận giáo pháp, nên siêng năng giáo hóa, làm việc phước đức, tu bổ tháp, cúng dường Phật, Pháp, Chúng Tăng, Hòa thượng, A-xà-lê. Những gì các Ngài dạy như pháp, không được chống trái. Nên hỏi về tụng kinh, siêng năng cần cầu phương tiện, để ở trong Phật pháp mà đắc quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-đàm, A-na-hàm, A-la-hán. Có như vậy mới khỏi uổng công ban đầu phát tâm xuất gia, quả báo của nó sẽ không cùng tận. Ngoài ra những gì chưa biết, nên thưa hỏi Hòa thượng, A-xà-lê.»
Từ nay về sau, nên bảo người thọ cụ túc nên đi trước rồi giải tán.
1. Bấy giờ có tỳ-kheo bị chúng cử tội liền thôi tu. Sau đó đến trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo:
«Tôi muốn xuất gia trở lại.»
Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch lên đức Thế Tôn. Đức Phật dạy:
«Nên hỏi người kia: ‹Ông có tự thấy tội hay không?› Nếu người ấy trả lời: ‹Tôi không thấy tội›, thì không được cho xuất gia. Nếu nói, ‹Tôi thấy tội›, thì cho xuất gia.
Sau đó lại hỏi: ‹Ông có thấy tội hay không?› Nếu trả lời ‹Không thấy tội›, thì không được cho thọ giới cụ túc. Nếu nói ‹Thấy tội› thì nên cho thọ giới cụ túc.
Cho thọ giới cụ túc rồi nên nói: ‹Ông có thuận sám hối không?› Nếu nói ‹Không thuận sám hối›, thì không được giải yết-ma. Nếu nói ‹Có thể thuận sám hối›, thì nên giải yết-ma.
Giải yết-ma rồi bảo: ‹Ông hãy sám hối.› Nếu người ấy phải sám hối, thì tốt. Nếu không vậy, chúng Tăng hòa hợp thì lại trao cho pháp cử tội. Nếu chúng Tăng không hòa hợp thì cùng chung sống, không phạm.
2. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất từ chỗ ngồi đứng dậy. Trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay, thưa:
«Bạch đức Thế Tôn! Người chưa đủ hai mươi tuổi mà thọ giới cụ túc, được gọi là người thọ giới cụ túc hay không?» Đức Phật dạy:
«Được gọi là người thọ giới cụ túc.»
Lại hỏi:
«Người trao giới cụ túc như vậy có phải là người trao đúng hay không?
Đức Phật dạy:
«Là người trao đúng.»
«Người yết-ma như vậy là người làm yết-ma đúng hay chăng?»
Đức Phật dạy:
«Là người làm yết-ma đúng.»
Từ khi đã chế giới rồi, nếu thọ giới cụ túc như vậy, không gọi là thọ giới cụ túc đúng.
3. Lại hỏi:
«Tam ngữ thọ giới cụ túc, có phải là thọ giới cụ túc hay chăng?»
Đức Phật dạy:
«Là thọ giới cụ túc.»
«Người trao giới cụ túc là người trao đúng hay chăng?»
Đức Phật dạy:
«Là người trao đúng.»
«Người làm yết-ma là người làm yết-ma đúng hay chăng?»
Đức Phật dạy:
«Là người làm yết-ma đúng.»
Từ khi đã chế giới rồi, nếu thọ giới cụ túc như vậy, không gọi là thọ giới cụ túc.
4. «Không hỏi mười ba nạn sự mà thọ giới cụ túc như vậy có gọi là thọ giới cụ túc chăng?»
Đức Phật dạy:
«Là thọ giới cụ túc.»
«Người được thọ giới cụ túc như vậy là thọ giới cụ túc đúng hay chăng?»
Đức Phật dạy:
«Là thọ giới cụ túc đúng.»
Hỏi:
«Người làm yết-ma như vậy được gọi là tác yết-ma đúng hay chăng?»
Đức Phật dạy:
«Là làm yết-ma đúng.»
Từ khi đã chế giới rồi, nếu thọ giới cụ túc như vậy không gọi là thọ giới cụ túc.
5. Bấy giờ Tôn giả A-nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch Phật:
«Nếu Hòa thượng có một trong mười ba nạn sự, mà trao giới cụ túc cho đệ tử, như vậy có gọi là thọ cụ túc đúng hay chăng?»
Đức Phật dạy:
«Là thọ giới cụ túc đúng.»
Lại hỏi:
«Người được thọ giới cụ túc có gọi là thọ giới cụ túc đúng hay chăng?»
Phật dạy:
«Là thọ đúng.»
«Người làm yết-ma như vậy là làm yết-ma đúng hay chăng?»
Đức Phật dạy:
«Là làm yết-ma đúng.»
Từ khi đã chế giới rồi, nếu trao giới cụ túc cho người như vậy, chúng Tăng có tội.
6. Bấy giờ, có người theo Hòa thượng không trì giới cầu thọ giới cụ túc, sau đó có sự nghi ngờ. Đức Phật hỏi:
«Ông có biết vị Hòa thượng ấy không trì giới hay không?»
Vị ấy thưa: «Không biết.»
Đức Phật dạy: «Như vậy được gọi là thọ giới cụ túc.»
Lại có người theo Hòa thượng không trì giới thọ giới cụ túc, sau đó lại có sự nghi ngờ. Đức Phật hỏi:
«Ông có biết Hòa thượng ấy không trì giới hay không?»
Vị ấy trả lời: «biết.»
Đức Phật bảo:
«Ông có biết là không được theo người như vậy thọ giới cụ túc hay không?»
Vị ấy trả lời: «không biết.»
Đức Phật dạy:
«Trường hợp này được gọi là thọ giới cụ túc.»
Lại có vị theo Hòa thượng không trì giới thọ giới cụ túc, sau đó có sự nghi. Đức Phật hỏi:
«Ông có biết Hòa thượng không giữ giới chăng?»
Vị ấy trả lời: «biết.»
Đức Phật bảo: «Ông có biết người như vậy thì không được theo thọ giới cụ túc hay không?»
Vị ấy trả lời: «biết.»
Đức Phật bảo: «Ông có biết, người như vậy theo thọ giới cụ túc thì không đắc giới cụ túc hay không?»
Đáp rằng: «Không biết.»
Đức Phật dạy:
«Trường hợp này được gọi là thọ giới cụ túc.»
Bấy giờ, lại có vị theo Hòa thượng không trì giới thọ giới cụ túc, sau đó có sự nghi.
Phật hỏi:
«Ông có biết Hòa thượng không giữ giới chăng?»
Vị ấy trả lời: «biết.»
Đức Phật dạy:
«Ông có biết người như vậy thì không được theo thọ giới cụ túc hay không?»
Vị ấy trả lời: «biết.»
Phật hỏi:
«Ông có biết, theo người như vậy thọ giới cụ túc thì không thành thọ giới cụ túc hay không?»
Vị ấy trả lời: «biết.»
Đức Phật dạy:
«Không gọi là thọ giới cụ túc.» CHƯƠNG II.
THUYẾT GIỚI[1]
I. PHÁP THỨC THUYẾT GIỚI
1. Bố-tát
[816c6] Phật ở tại thành La-duyệt. Bấy giờ trong thành, các Phạm chí ngoại đạo mỗi [nửa] tháng ba lần tập hội vào các ngày mồng 8, 14, 15.[2] Mọi người tụ tập đông đảo, lui tới giao hữu với nhau, cung cấp thức ăn thức uống, cúng dường suốt ngày, rất là thân thiết.
Bấy giờ Vua Bình-sa ở trên lầu cao, từ xa nhìn thấy quần chúng đến tụ hội chỗ Phạm chí, bèn hỏi các quan tả hữu:
«Hôm nay những người này họ muốn đi đâu mà đông thế?»
Các quan tâu với Vua:
«Đại Vương nên biết, trong thành này, các Phạm chí mỗi [nữa] tháng ba lần tập hội vào các ngày mồng 8, 14, 15. Mọi người tụ tập đông đảo, lui tới giao hữu với nhau, cung cấp thức ăn thức uống, cúng dường suốt ngày, rất là thân thiết. Vì vậy, mọi người đang đi đến chỗ các Phạm chí đang tập hội.»
Vua Bình-sa nghe xong, liền xuống lầu, đi đến chỗ đức Thế Tôn; đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:
«Hiện nay trong thành La-duyệt, các Phạm chí mỗi [nữa] tháng ba lần tập hội vào các ngày mồng 8, 14, 15. Mọi người tụ tập đông đảo, lui tới giao hữu với nhau, cung cấp thức ăn thức uống, cúng dường suốt ngày, rất là thân thiết. Lành thay! đức Thế Tôn dạy cho các tỳ-kheo mỗi [nữa] tháng ba lần tập hội vào các ngày 8, 14 và 15, để mọi người các nơi tới lui, cùng giao hữu, cung cấp đồ ăn thức uống. Tôi và quần thần cũng sẽ đến tập hội.»
Đức Thế Tôn im lặng nhận lời. Vua Bình-sa biết đức Thế Tôn nhận lời bằng cách im lặng rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu ba vòng cáo lui.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo và bảo:
«Hiện nay trong thành La-duyệt, các Phạm chí mỗi tháng [nữa] tập hợp ba ngày mồng 8, 14 và 15, mọi người ở khắp nơi tới lui đông đảo, giao hữu với nhau, cung cấp đồ ăn thức uống. Các ông cũng nên mỗi tháng [nữa] tập hội ba ngày mồng 8, 14 và 15, để mọi người ở các nơi tới lui cùng nhau giao hữu, cung cấp đồ ăn thức uống. Vua Bình-sa và quần thần cũng sẽ đến tập hội.»
Các tỳ-kheo thưa:
«Chúng con sẽ phụng hành như vậy.»
Các tỳ-kheo phụng hành lời dạy của đức Thế Tôn rồi, mỗi [nữa] tháng tập hội ba lần, vào các ngày mồng 8, 14 [817a1] và 15. Mọi người các nơi tới lui, cùng nhau giao hữu, cung cấp đồ ăn thức uống. Vua Bình-sa cũng dẫn các quần thần đến tập hội. Các tỳ-kheo đến tập hội đều ngồi im lặng. Các trưởng giả thưa với các tỳ-kheo:
«Chúng con muốn nghe nói pháp.»
Các tỳ-kheo không dám nói. Đem nhơn duyên này bạch Phật. Phật dạy:
«Cho phép các ông nói pháp.»
Đã được phép nói pháp rồi, các tỳ-kheo lại không biết nói pháp gì. Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau cho phép nói khế kinh.»
Các tỳ-kheo muốn phân biệt thuyết nghĩa.[3] Trong khi thuyết nghĩa, không nói đủ văn cú. Các vị đều sanh nghi. Đức Phật dạy:
«Cho phép thuyết nghĩa, khỏi phải nói đủ văn cú[4].» 2. Thuyết pháp
Có hai tỳ-kheo cùng một tòa cao[5] nói pháp.
Đức Phật dạy:
«Không được như vậy.»
Có hai tỳ-kheo có chung một tòa cao để thuyết pháp, nên tranh cãi nhau.
Đức Phật dạy:
«Không được như vậy.»
Các vị ấy cùng trải toà cao gần nhau để thuyết nghĩa, moi móc sở trường, sở đoản của nhau. Đức Phật dạy:
«Không được như vậy.»
Các vị kia nhơn việc thuyết nghĩa mà bức bách nhau. Đức Phật dạy:
«Không được như vậy.»
Bấy giờ, hai tỳ-kheo đồng thanh ngâm nga.[6] Phật dạy:
«Không được như vậy.»
Bấy giờ, các tỳ-kheo muốn thuyết pháp với giọng ca vịnh. Đức Phật nói:
«Cho phép.»
Có một tỳ-kheo, ở cách đức Thế Tôn không xa, nói pháp bằng âm thanh ca vịnh quá du dương.[7] Đức Phật nghe, liền bảo tỳ-kheo này rằng:
«Ngươi không được nói pháp với âm thanh như vậy. Ngươi nên nói pháp giống Như Lai, đừng như người phàm thế. Muốn nói pháp nên bình đẳng như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên mà nói pháp, đừng nói như người phàm tục.
«Này các tỳ-kheo! Nếu nói pháp với giọng ca vịnh quá du dương, có năm điều lỗi: Nếu tỳ-kheo nói pháp với giọng ca vịnh thái quá thì tự mình sẽ sanh tham đắm yêu thích âm thanh. Nếu tỳ-kheo nói pháp với giọng ca vịnh thái quá thì người nghe sẽ sanh tham đắm yêu thích âm thanh kia. Nếu tỳ-kheo nói pháp với giọng ca vịnh thái quá sẽ khiến cho người nghe ham muốn học tập theo. Nếu tỳ-kheo nói pháp với giọng ca vịnh thái quá, thì các trưởng giả nghe sẽ cơ hiềm rằng: ‹Chúng ta học tập ca vịnh, tỳ-kheo nói pháp cũng như vậy.› Họ bèn sanh tâm khinh thường, không cung kính. Nếu tỳ-kheo thuyết pháp với giọng ca vịnh thái quá, thì các vị tư duy nơi tịch tịnh sẽ duyên nơi âm thanh, loạn thiền định. Đó gọi là năm điều lỗi lầm do nói pháp với giọng ca vịnh thái quá.»
Bấy giờ có các tỳ-kheo muốn tập hội lại một chỗ vào ban đêm để nói pháp. Phật nói: «Cho phép.»
Các tỳ-kheo không biết tập hội vào ngày nào. Đức Phật nói:
«Cho phép ngày rằm, mười bốn, mười ba, mồng mười, mồng chín, mồng tám, mồng năm, mồng ba và mồng hai; hoặc mỗi mỗi ngày nói cũng được. Nếu người thuyết pháp ít, thì theo thứ tự thỉnh để nói.»
Có vị không chịu nói. Đức Phật dạy:
«Không được như vậy. Dù chỉ nói một bài kệ, cũng phải nói.»
Một bài kệ là:
Các điều ác chớ làm,
Điều thiện phải phụng hành.
Giữ tâm ý thanh tịnh,
Là lời Chư Phật dạy.
Nếu không chịu nói sẽ như pháp trị.
Các tỳ-kheo ban đêm tập hợp muốn nói pháp, chỗ ngồi thấp,[8] sanh nghi. Đức Phật dạy:
«Nếu ban đêm tập hợp nói pháp, chỗ ngồi cao hay thấp không ngại gì.»
Các tỳ-kheo ban đêm tập hợp, muốn ngồi thiền, Phật dạy: «Được phép ngồi.»
Các tỳ-kheo ngủ gật. Phật dạy:
«Tỳ-kheo ngồi gần phải đánh thức họ. Hoặc bằng tay; nếu tay với không đến thì cầm cây gài cửa, hay cán cây phất trần để đánh thức. Nếu như họ đồng ý thì có thể lấy guốc dép quăng đến họ. Nếu họ vẫn cứ ngủ, nên cầm cây thiền trượng để cảnh giác.»
Có vị bị cảnh giác bằng thiền trượng; khi tỉnh, bèn phản đối. Đức Phật dạy:
«Không được như vậy. Nếu không thuận, mà còn phản đối, thì như pháp trị.»
Có vị vẫn cứ ngủ, đức Phật nói:
«Cho phép dùng nước rảy.»
Ai bị rảy nước, mà phản đối không chịu, thì cũng nên như pháp trị. Nếu vẫn cố ngủ trở lại. Đức Phật bảo:
«Nên dụi con mắt, hoặc dùng nước rửa mặt.»
Có vị vẫn cứ ngủ. Đức Phật nói:
«Nên tự véo tai hay mũi; hoặc chà sát nơi trán.»
Nếu lại cứ ngủ thì nên vén kéo uất-đa-la tăng rồi lấy tay xoa chà mình; hoặc nên đứng dậy đi ra ngoài cửa xem ngắm bốn phương, ngửa mặt nhìn tinh tú; hoặc đến chỗ kinh hành, thủ nhiếp các căn, khiến tâm không tán loạn. 3. Ba-la-đề-mộc-xoa
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn ở chỗ nhàn tịnh, tư duy rằng: «Ta vì các tỳ-kheo kết giới, thuyết ba-la-đề-mộc-xoa. Trong đó có tỳ-kheo có tín tâm, mới thọ giới, chưa được nghe, không biết làm sao để học giới. Nay Ta nên cho phép các tỳ-kheo tập trung lại một chỗ để thuyết giới ba-la-đề-mộc-xoa.» Đức Thế Tôn từ chỗ tịch tịnh ra, dùng nhơn duyên tập hợp các tỳ-kheo và bảo rằng:
«Vừa rồi Như Lai từ chỗ yên tịnh tư duy, suy nghĩ rằng: ‹Ta vì các tỳ-kheo kết giới, thuyết ba-la-đề-mộc-xoa. Trong đó có tỳ-kheo có tín tâm, mới thọ giới, chưa được nghe, không biết làm sao để học giới.› Ta lại suy nghĩ tiếp: ‹Nay Ta nên cho phép các tỳ-kheo tập trung lại một chỗ để thuyết giới ba-la-đề-mộc-xoa.› Vì vậy, các tỳ-kheo nên cùng nhau tập hợp lại một chỗ, thuyết giới ba-la-đề-mộc-xoa.
Thuyết giới như vầy:
«Các đại đức! Nay tôi muốn thuyết giới ba-la-đề-mộc-xoa. Các thầy lắng nghe, khéo tâm niệm kỹ. Nếu tự mình biết có phạm, nên tự mình sám hối.[9] Không phạm thì im lặng. Do sự im lặng, tôi biết các Đại đức thanh tịnh. Cũng như được người khác hỏi, như sự thực mà trả lời. Cũng vậy, tỳ-kheo nào ở trong chúng cho đến ba lần hỏi, nhớ nghĩ có tội mà không sám hối, mắc tội cố ý vọng ngữ. Đức Phật dạy, cố ý vọng ngữ là pháp chướng đạo. Nếu tỳ-kheo kia nhớ nghĩ có tội, muốn cầu thanh tịnh, nên sám hối. Sám hối sẽ được an lạc.»
Ba-la-đề-mộc-xoa: là giới vậy. Đó là sự tự mình nhiếp trì oai nghi, trú xứ, hành vi; là gốc rễ, là mặt, là đầu, tập hợp các pháp lành, thành tựu tam-muội.[10]
Tôi sẽ nói: nghĩa là, sẽ kết, sẽ phát khởi, diễn giải, tỏ bày, phân biệt lập đi lập lại.
Thưa các đại đức, nay tôi sẽ thuyết giới, cùng tập hợp lại một chỗ:[11] nghĩa là, đồng yết-ma tập hợp lại một chỗ. Cần dữ dục, thì người nhận đem dục đến. Người hiện diện đáng quở trách thì không quở trách.[12] Cho nên nói nên tập hợp lại một chỗ.
Lắng nghe, khéo tâm niệm kỹ: gom ý chuyên tâm nghe pháp, cho nên gọi là lắng nghe khéo tâm niệm.
Có phạm: có trái phạm mà chưa sám hối.
Không phạm: không trái phạm, hay phạm mà đã sám hối.
Cũng như được người khác hỏi, như sự thực mà trả lời: nghĩa là, giống như từng tỳ-kheo cùng hỏi và trả lời nhau.
Đức Phật nói, cố ý vọng ngữ là pháp chướng đạo:[13] tức là chướng ngại sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, không, vô tướng, vô nguyện; chướng ngại quả Tu-đà-hoàn, cho đến quả A-la-hán.
Sám hối thì an lạc: được những gì là an lạc? Là đạt được sơ thiền, cho đến tứ thiền, không, vô tướng, vô nguyện; là đắc quả Tu-đà-hoàn, cho đến quả A-la-hán. Cho nên sám hối thì được an lạc.
Bấy giờ, các tỳ-kheo muốn thuyết giới với giọng ca vịnh. Đức Phật bảo:
«Cho phép thuyết giới bằng giọng ca vịnh.»
Các tỳ-kheo ngày nào cũng thuyết giới, nên mỏi mệt. Phật dạy:
«Không được thuyết giới hằng ngày. Từ nay về sau, cho phép thuyết giới vào ngày Bố-tát.» 4. Lịch pháp
Có trưởng giả hỏi Tỳ-kheo:
«Hôm nay là ngày mấy?»
Tỳ-kheo không biết nên hổ thẹn. Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này bạch Phật, Phật dạy:
[818a1]«Từ nay về sau nên đếm số ngày.»
Đếm ngày mà phần nhiều quên. Phật dạy:
«Nên ghi số đếm.»[14]
Các tỳ-kheo dùng vật báu để ghi số đếm. Phật dạy:
«Không được như vậy. Cho phép dùng xương, ngà, sừng, hoặc đồng, thiết, chì, kẽm, bạch lạp, đá, bùn viên lại để ghi.»
Các tỳ-kheo lo ngại số đếm được ghi bị lạc mất. Phật dạy:
«Cho phép làm cái lỗ, dùng dây xâu lại, treo chỗ đại thực, tiểu thực của Tăng, hoặc chỗ ban đêm tập hợp để thuyết giới; hoặc móc trên cây trụ, trên móc long nha.»
Một hôm có các trưởng giả đến hỏi Tỳ-kheo:
«Nay là hắc nguyệt hay là bạch nguyệt?»[15]
Các tỳ-kheo không biết, nên ôm lòng hổ thẹn, đem việc này đến bạch đức Phật. Phật dạy:
«Cho phép làm ba mươi con số đếm. Mười lăm con số thuộc hắc nguyệt, mười lăm con số thuộc bạch nguyệt.»
Bấy giờ, các tỳ-kheo dùng số đếm lẫn lộn. Con số ghi hắc nguyệt rơi qua bên số ghi bạch nguyệt. Con số ghi bạch nguyệt rơi qua số ghi hắc nguyệt. Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau, con số ghi hắc nguyệt nhuộm màu đen. Con số ghi bạch nguyệt nhuộm màu trắng.»
Nếu lo ngại con số chạm nhau bị vỡ, Đức Phật dạy:
«Cho phép khoảng chính giữa dùng vật cách ly.»
Các tỳ-kheo muốn thuyết giới vào ngày thứ mười bốn hoặc ngày thứ mười lăm.[16] Đức Phật dạy:
«Nếu Vua đổi ngày, thì theo ngày mà Vua định.[17]»
Các tỳ-kheo không biết hôm nay thuyết giới hay sáng mai thuyết giới. Đến bạch Phật. Phật dạy:
«Ngày bố-tát, vị Thượng tọa nên xướng rằng: ‹Hôm nay chúng tăng thuyết giới.›»
Các tỳ-kheo không biết nói vào lúc nào. Đức Phật dạy:
Cho phép đo bóng để định giờ. Rồi báo hiệu bằng gõ thẻ tre, hay đập xuống đất, hoặc đốt khói, hoặc thổi tù và, hoặc đánh trống, hoặc đánh kiền chùy, hay rao bảo nhau: «Thưa các Đại đức, giờ bố-tát thuyết giới đã đến.»
Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo nghe đức Thế Tôn cho phép thuyết giới, bèn ở trong vườn hay phòng riêng, cùng Hòa thượng A-xà-lê, đồng Hòa thượng đồng A-xà-lê, tri thức thân hậu tương thuận, thuyết giới riêng bộ.[18]
Các tỳ-kheo nghe biết. Trong số có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quí, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Nghe đức Thế Tôn cho phép thuyết giới, sao lại tự tiện ở trong vườn hoặc phòng riêng, cùng Hòa thượng A-xà-lê, đồng Hòa thượng, đồng A-xà-lê, tri thức thân hậu thuyết giới riêng bộ?»
Bấy giờ, Tôn giả Đại Ca-tân-nậu[19] ở tại trú xứ Tiên nhơn, bên núi Hắc thạch,[20] chỗ yên tịnh tư duy với ý niệm: «Nay ta có đến hay không đến dự thuyết giới, Ta vẫn thường thanh tịnh bậc nhất.»
Đức Thế Tôn, biết trong tâm trưởng lão Đại Ca-tân-nậu nghĩ như thế. Trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi cánh tay, thoạt nhiên biến mất khỏi núi Kỳ-xà-quật, Thế Tôn hiện đến trú xứ Tiên nhơn, bên núi Hắc thạch, trước mặt Đại Ca-tân-nậu, trải tòa ngồi. Đại Ca-tân-nậu kính lễ sát chân đức Thế Tôn, rồi ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn biết vẫn cố hỏi:
«Vừa rồi nơi chỗ nhàn tịnh, ông tư duy với ý nghĩ: ‹Nay ta có đến hay không đến dự thuyết giới, Ta vẫn thường thanh tịnh bậc nhất.› Có phải như vậy không?»
Trưởng lão thưa: Vâng!
Đức Phật dạy:
«Như vậy, đúng như vậy Ca-tân-nậu! Như lời ông nói, Ông có đến hay không đến dự thuyết giới, ông vẫn thường thanh tịnh bậc nhất. Song, này Ca-tân-nậu! Pháp thuyết giới cần phải được cung kính, tôn trọng, thừa sự. Nếu ông không cung kính bố-tát, không tôn trọng thừa sự, thì ai cung kính, tôn trọng, thừa sự? Cho nên ông phải đến dự thuyết giới, không được không đi. Nhưng nên đi bộ, không nên dùng thần túc mà đi. Ta cũng sẽ đến.»
Ca-tân-nậu mặc nhiên vâng lời Phật dạy.
Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này dạy bảo Ca-tân-nậu rồi, trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi tay ra, liền biến khỏi trú xứ Tiên nhơn, bên núi Hắc thạch, trở lại núi Kỳ-xà-quật, an tọa nơi chỗ ngồi. II. KẾT GIỚI
1. Giới trường
Bấy giờ, có các tỳ-kheo đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch Phật. Đức Phật thuật lại đầy đủ sự việc trên và bảo các tỳ-kheo:
«Ta cho phép các tỳ-kheo tại một trú xứ hòa hợp thuyết giới. ‹Tại sao các ông cùng Hòa thượng, A-xà-lê, đồng Hòa thượng, đồng A-xà-lê, tri thức thân hậu thuyết giới riêng bộ? Nếu cùng một trú xứ mà không hòa hợp thuyết giới, mắc tội đột-kết-la.› Từ nay về sau cho phép tập hợp lại một chỗ để thuyết giới.»
Các tỳ-kheo biết đức Thế Tôn cho phép thuyết giới một chỗ, nên cùng đợi nhau. Hoặc cùng đợi nhau tại núi Hắc thạch, Tiên nhân trú xứ. Hoặc đợi nhau tại hang Thất diệp trong núi Tỳ-ha-lặc. Hoặc cùng đợi nơi gò mả. Hoặc cùng đợi nhau bên suối nước; đợi nhau tại khu Ca-lan-đà trong Trúc viên; đợi nhau tại núi Kỳ-xà-quật; hoặc cùng đợi nơi có nhà lớn, nhà ăn, nhà kinh hành, dưới bóng cây, nơi bãi cỏ. Khiến mỏi mệt. Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy:
«Từ nay về sau, tùy theo người ở nhiều hay ít tại một trú xứ, cùng tập trung lại một chỗ để thuyết giới.»
Các tỳ-kheo không biết nên thuyết giới chỗ nào. Đức Phật dạy:
Cho phép làm thuyết giới đường, bằng pháp bạch nhị yết-ma để làm. Tác bạch như vầy: nên xưng tên của địa điểm, như đại đường, trên nhà gác, nhà kinh hành, bên mé sông, dưới bóng cây, bên hòn đá, hoặc chỗ bãi cỏ.v.v... Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, làm thuyết giới đường tại địa điểm... Đây là lời tác bạch.
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nay Tăng dùng địa điểm tại... làm thuyết giới đường. Trưởng lão nào chấp thuận, Tăng dùng địa điểm tại... làm thuyết giới đường thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.
«Tăng đã chấp thuận dùng địa điểm... làm thuyết giới đường rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»
Bấy giờ, trước đó đã lập thuyết giới đường trong núi Kỳ-xà-quật. Sau đó lại muốn lập thuyết giới đường tại Ca-lan-đà Trúc viên. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
Từ nay về sau, cho phép giải thuyết giới đường trước, bằng bạch nhị yết-ma để giải. Sau đó kết lại thuyết giới đường. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận giải thuyết giới đường tại địa điểm... Đây là lời tác bạch.
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nay giải thuyết giới đường tại địa điểm... Trưởng lão nào chấp thuận Tăng giải thuyết giới đường tại địa điểm... thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.
«Tăng đã chấp thuận giải thuyết giới đường tại địa điểm... rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»
Bấy giờ, có trú xứ làm hai thuyết giới đường. Hai vị doanh sự cùng cạnh tranh nhau. Hai người đều nói chúng Tăng nên đến nơi thuyết giới đường của tôi trước. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Phật dạy:
«Từ nay về sau cho phép hai vị thay nhau, bắt đầu từ vị Thượng tọa.»[21]
Có trú xứ, đến ngày bố-tát, chúng tập hợp để thuyết giới đông mà nhà thuyết lại nhỏ, không đủ để chứa. Các tỳ-kheo nghĩ rằng: «Đức Thế Tôn đã chế giới, nếu không kết thuyết giới đường, không được thuyết giới. Nay nên làm thế nào?» Các tỳ-kheo đem nhơn duyên này đến bạch lên đức Phật. Phật dạy:
«Tăng được tự tại. Kết hay không kết, đều được thuyết giới.»[22]
Có vị tỳ-kheo thượng tọa đến nơi thuyết giới đường trước; lau quét, trải tọa cụ, múc bình tịnh thủy, bình rửa chân, đốt đèn, sắp thẻ xá-la, nên quá mỏi mệt.
Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Phật dạy:
«Từ nay về sau tỳ-kheo nhỏ tuổi nên làm các việc ấy.»
Đến ngày bố-tát [819a1] tỳ-kheo nhỏ tuổi nên đến thuyết giới đường lau quét, trải tọa cụ, múc bình tịnh thủy, bình rửa chân, đốt đèn, sắp thẻ xá-la. Nếu tỳ-kheo nhỏ tuổi không biết thì thượng tọa nên dạy. Nếu thượng tọa không dạy thì phạm đột-kết-la. Nếu tỳ-kheo nhỏ tuổi không nghe theo lời thượng tọa dạy cũng phạm đột-kết-la.
Có khi thượng tọa thuyết giới rồi, phải ở lại sau, tự mình dọn dẹp sàng tòa, bình tịnh thủy, bình rửa chân, tắt đèn lửa, xá-la, v.v... để mọi thứ lại chỗ cũ, nên quá mệt mỏi. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Phật dạy:
«Từ nay về sau, thuyết giới rồi, tỳ-kheo nhỏ tuổi phải dọn dẹp bình tịnh thủy, bình rửa chân, đèn lửa, xá-la, để lại chỗ cũ. Nếu tỳ-kheo nhỏ tuổi không biết thì thượng tọa nên dạy. Thượng tọa không dạy phạm đột-kết-la.»
Bấy giờ, đến ngày thuyết giới, nhóm sáu tỳ-kheo làm các việc như chào hỏi và nói chuyện với bạch y, tác yết-ma thuyết giới, thuyết pháp. [23] Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch đức Thế Tôn, Thế Tôn dạy:
«Đây là việc làm của vị thượng tọa.»
Có một trú xứ, Si Hòa-tiên là hàng Thượng tọa, nhưng không có khả năng làm các việc trong ngày thuyết giới như chào hỏi và nói chuyện với bạch y, tác yết-ma thuyết giới, thuyết pháp. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch đức Phật. Đức Phật dạy:
Cho phép thỉnh vị có khả năng để tác pháp thay thượng tọa. Nếu thượng tọa không thỉnh người có khả năng, thì phạm đột-kết-la. Nếu vị có khả năng mà không nhận lời thỉnh của thượng tọa cũng phạm đột-kết-la.
Bấy giờ, các bạch y hỏi tỳ-kheo, khi thuyết giới có bao nhiêu vị. Các tỳ-kheo không biết số lượng nên hổ thẹn. Đến bạch đức Phật. Phật dạy:
«Cho phép đếm số tỳ-kheo.»
Tuy đếm rồi vẫn quên. Đức Phật dạy:
«Nên đếm xá-la.»[24]
Có vị dùng vật báu làm xá-la. Phật dạy:
Không được dùng vật báu làm xá-la mà nên dùng xương, ngà, sừng, đồng, thiết, bạch lạp, chì, kẽm, tre, trúc, cây để làm. Sợ lạc mất. Phật dạy:
«Nên dùng dây buộc lại.»
Tuy buộc, vẫn còn thất lạc. Phật dạy:
«Nên làm cái hộp để đựng.»
Vị ấy lại dùng vật báu để làm. Đức Phật dạy:
«Không được như vậy. Nên dùng xương, ngà, sừng, đồng, thiết, bạch lạp, chì, kẽm, tre, trúc, cây để làm.»
Nếu đựng trong hộp bị đổ ra, Phật dạy:
«Nên làm cái nắp để đậy lại.»
Vị ấy lại dùng vật báu để làm cái nắp. Đức Phật dạy:
«Không được như vậy. Nên dùng xương, ngà, sừng, đồng, thiết, bạch lạp, chì, kẽm, tre, trúc, cây để làm.»
Các vị không biết để cái hộp ấy vào chỗ nào. Phật dạy:
«Nên để dưới giường dây hoặc giường cây, trên cây trụ, hoặc trên cây long nha, trên móc áo.» 2. Đại giới cọng trú
Các tỳ-kheo nghe đức Phật cho phép các tỳ-kheo đến thành La-duyệt thuyết giới. Các nơi xa nghe, nhưng phải đến tập hợp để thuyết giới nên mỏi mệt. Bấy giờ, các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy:
Từ nay về sau, thuyết giới tùy theo từng trú xứ, trong phạm vi hoặc thôn hoặc ấp. Cho phép kết giới bằng pháp bạch nhị yết-ma, như sau:
Xướng tiêu tướng cương giới của mỗi phương: hoặc khoảng không, hoặc cây, hoặc núi, hoặc hang đá, hoặc hang núi cao, hoặc đất trống, hoặc đụn cỏ, hoặc gần bên vườn, hoặc gò mả, hoặc mé nước, hoặc đống đá, hoặc nơi chòm cây, bên đống gai, nơi vực sâu, bên ngòi kênh, hoặc nơi đống phân, hoặc thôn, cương giới của thôn... làm tiêu tướng. Một vị xướng tướng bốn phương rồi, trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc tác bạch như vầy:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Như tiêu tướng cương giới đã công bố, nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận nơi đây kết giới cho đồng nhất trú xứ, đồng nhất thuyết giới. Đây là lời tác bạch.
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Như tiêu tướng cương giới đã công bố, nay Tăng kết giới nơi đây cho đồng nhất trú xứ, đồng nhất thuyết giới. Các trưởng lão nào chấp thuận, Tăng kết giới nơi đây cho đồng nhất trú xứ, đồng nhất thuyết giới thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.
«Chúng Tăng đã chấp thuận kết giới nơi đây cho đồng nhất trú xứ, đồng nhất thuyết giới rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»
Đức Phật dạy tiếp:
Từ nay về sau cho phép kết giới theo pháp thức như vầy:
Nên trải tòa, đánh kiền chùy, tất cả đều tập trung lại một chỗ, không cho phép nhận dục. Trong chúng vị nào là tỳ-kheo cựu trú nên xướng tiêu tướng bốn phương của đại giới: phương đông có núi thì lấy núi làm tiêu tướng; hoặc thôn, hoặc thành, hoặc bờ, hoặc ruộng, hoặc vườn, hoặc rừng, hoặc ao, hoặc cây, hoặc đá, hoặc tường, hoặc miễu thần, hoặc nhà... Như tiêu tướng của phương đông, các phương kia cũng vậy. Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch vầy:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo trong trú xứ này đã xướng tiêu tướng bốn phương của đại giới. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng dựa vào nội tướng bốn phương này kết làm đại giới đồng nhất trú xứ, đồng nhất thuyết giới. Đây là lời tác bạch.
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo nơi trú xứ này đã xướng tiêu tướng bốn phương của đại giới. Nay Tăng dựa vào bên trong tiêu tướng bốn phương kết làm đại giới đồng nhất trú xứ, đồng nhất thuyết giới. Các trưởng lão nào chấp thuận, nay Tăng dựa vào bên trong tiêu tướng bốn phương này kết làm đại giới đồng nhất trú xứ, đồng nhất thuyết giới thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.
«Chúng Tăng đã chấp thuận bên trong tiêu tướng bốn phương này kết làm đại giới cho đồng nhất trú xứ, đồng nhất thuyết giới rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»
Bấy giờ có trường hợp các tỳ-kheo chỉ cần chúng bốn người để tác yết-ma; hoặc chúng tỳ-kheo năm người, chúng tỳ-kheo mười người, chúng tỳ-kheo hai mươi người, để tác yết-ma. Trong khi đó, tập hợp cả đại chúng rất mỏi mệt. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
Cho phép kết giới trường, bằng pháp bạch nhị yết-ma như vầy:
Xướng giới tướng bốn phương: hoặc đóng nọc để làm tiêu tướng, hoặc đá, hoặc bờ ruộng... qui định ngang với mức nào đó. Rồi trong chúng sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo trong trú xứ này xướng tướng bốn phương của tiểu giới. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, dựa vào bên trong tiêu tướng bốn phương của tiểu giới kết làm giới trường. Đây là lời tác bạch.
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo nơi trú xứ này xướng tướng bốn phương của tiểu giới. Nay Tăng dựa vào bên trong tiêu tướng bốn phương của tiểu giới kết làm giới trường. Các trưởng lão nào chấp thuận, Tăng dựa vào bên trong tiêu tướng bốn phương này kết làm giới trường thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.
«Chúng tăng đã chấp thuận bên trong tiêu tướng bốn phương này kết làm giới trường rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»
Bấy giờ. Các tỳ-kheo có ý muốn mở rộng giới, hoặc thu hẹp giới lại. Đức Phật dạy:
Từ nay về sau, nếu muốn thay đổi tiêu tướng của giới thì trước hết phải giải cương giới của giới cũ, sau đó mới nới rộng ra hay thu hẹp lại tùy ý. Giải cũng bằng pháp bạch nhị yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạnh như vầy:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nay đây là trú xứ đồng một trú xứ, đồng một thuyết giới của tỳ-kheo. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận giải giới. Đây là lời tác bạch.
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Đây là trú xứ đồng một trú xứ, đồng một thuyết giới của tỳ-kheo. Nay giải giới. Các trưởng lão nào chấp thuận, đây là trú xứ đồng một trú xứ, đồng một thuyết giới của tỳ-kheo, nay Tăng giải giới, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.
«Chúng tăng đã chấp thuận, đây là trú xứ đồng một trú xứ, đồng một thuyết giới của tỳ-kheo, nay Tăng giải giới. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.» 3. Thất y giới
Bấy giờ, có một tỳ-kheo yểm ly, thấy nơi a-lan-nhã có một cái hang lý tưởng, tự nghĩ rằng: «Nếu ta được lìa y để ngủ đêm,[25] thì ta sẽ ở hang này.»
Các tỳ-kheo đem vấn đề này đến bạch lên đức Phật. Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau, nên kết giới không mất y, bằng pháp bạch nhị yết-ma. Trong chúng nên sai một vị có thể tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Đây là trú xứ đồng nhất trú xứ, đồng nhất thuyết giới. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận kết [820a1] giới không mất y. Đây là lời tác bạch.
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Đây là trú xứ đồng nhất trú xứ, đồng nhất thuyết giới, nay Tăng kết giới không mất y. Các trưởng lão nào chấp thuận, nơi đây đồng nhất trú xứ, đồng nhất thuyết giới, Tăng kết giới không mất y, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.
«Tăng đã chấp thuận, nơi đây đồng một trú xứ, đồng một thuyết giới, kết giới không mất y rồi. Tăng đã chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»
Bấy giờ, các tỳ-kheo thay y để nhà cư sĩ. Trong khi thay y, loã hình. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau, cho phép các tỳ-kheo kết giới không mất y trừ thôn và ranh giới ngoài của thôn, bằng pháp bạch nhị yết-ma. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Đây là trú xứ đồng một trú xứ, đồng một thuyết giới. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận kết giới không mất y, trừ thôn và cương giới ngoài của thôn ra. Đây là lời tác bạch.
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Đây là trú xứ đồng một trú xứ đồng một thuyết giới. Nay Tăng kết giới không mất y, trừ thôn và cương giới ngoài của thôn ra. Các trưởng lão nào chấp thuận, Tăng ở trú xứ này đồng một trú xứ, đồng một thuyết giới này, kết giới không mất y, trừ thôn và cương giới ngoài thôn ra, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.
«Tăng đã chấp thuận nơi đây đồng một trú xứ, đồng một thuyết giới, kết giới không mất y, trừ thôn và cương giới ngoài thôn ra rồi. Tăng đã chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»
Bấy giờ, các tỳ-kheo kết hai giới tiếp nhau. Đức Phật dạy:
«Không được như vậy. Cần phải có tiêu tướng.»
Hai cương giới chồng lên nhau. Đức Phật dạy:
«Không được như vậy. Cần phải có khoảng trống giữa hai giới.»
Có các tỳ-kheo nọ giải đại giới trước rồi giải giới không mất y. Đức Phật dạy:
«Không được như vậy. Trước phải giải giới không mất y, rồi mới giải đại giới.»
Trường hợp kết giới không mất y cách dòng nước chảy mạnh, khi tỳ-kheo đến lấy y, bị nước cuốn trôi. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau, không được kết giới không mất y cách bởi dòng nước chảy mạnh, trừ có cầu đi qua lại.» 4. Đại giới liên kết
Trường hợp hai trú xứ lợi dưỡng riêng, thuyết giới riêng. Các tỳ-kheo muốn kết chung lại thành đồng nhất thuyết giới, đồng nhất lợi dưỡng. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
Từ nay về sau, cho phép giải giới; rồi sau đó mới kết, bằng pháp bạch nhị yết-ma.
Hai trú xứ đều tự giải giới, rồi tập trung hết lại một chỗ; không được nhận dục. Nên xướng tướng của cương giới bốn phương hoặc chỗ a-lan-nhã, nơi gốc cây, chỗ đất trống, hoặc núi, hoặc hang, hoặc hang núi, cỏ, vườn, rừng, gò, mả, bên sông, hoặc đá, gốc cây chặt trụi, hoặc chòm gai, hoặc hào, kênh, ao, đống phân, hoặc thôn, cương giới của thôn... xướng cương giới ngang bằng chỗ nào rồi, trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên nên tác bạch như vầy:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Như giới tướng đã công bố, nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nơi trú xứ này và trú xứ kia kết đồng nhất lợi dưỡng, đồng nhất thuyết giới. Đây là lời tác bạch.
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Như giới tướng đã công bố, nay Tăng đối với trú xứ này và trú xứ kia kết đồng nhất thuyết giới, đồng nhất lợi dưỡng. Các trưởng lão nào đồng ý, Tăng đối với trú xứ này và trú xứ kia kết đồng nhất thuyết giới, đồng nhất lợi dưỡng, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.
«Tăng đã chấp thuận nơi trú xứ này và trú xứ kia kết đồng nhất lợi dưỡng, đồng nhất thuyết giới rồi. Tăng đã chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»
Trường hợp có hai trú xứ thuyết giới riêng, lợi dưỡng riêng. Ý các tỳ-kheo muốn kết thành đồng một thuyết giới nhưng lợi dưỡng riêng. Đức Phật dạy:
Từ nay về sau, cho phép giải giới, sau đó kết lại bằng bạch nhị yết-ma. Hai bên đều tự giải rồi, tập trung lại một chỗ, không được nhận dục. Nên xướng tướng ở cương giới hoặc a-lan-nhã, hoặc chỗ trống không... cho đến cương giới của thôn như trước. Xưng tên của hai trú xứ. Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Như cương giới bốn phương đã công bố. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nơi đây kết đồng một thuyết giới, nhưng riêng lợi dưỡng. Đây là lời tác bạch.
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Như cương giới bốn phương đã công bố. Nay Tăng nơi trú xứ này kết đồng một thuyết giới, nhưng lợi dưỡng riêng. Các trưởng lão nào đồng ý, trong phạm vi cương giới bốn phương, Tăng kết đồng một thuyết giới, nhưng riêng lợi dưỡng, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.
«Tăng đã đồng ý trong cương giới bốn phương nầy kết đồng một thuyết giới nhưng riêng lợi dưỡng rồi. Tăng đã chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»
Trường hợp có hai trú xứ thuyết giới riêng, lợi dưỡng riêng. Các tỳ-kheo muốn thuyết giới riêng nhưng đồng một lợi dưỡng, lý do là để giữ gìn trú xứ. Đức Phật dạy:
Cho phép tập Tăng giải giới, rồi bạch nhị yết-ma kết. Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch như vầy:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nơi hai trú xứ này kết thuyết giới riêng, nhưng đồng một lợi dưỡng vì để giữ gìn trú xứ vậy. Đây là lời tác bạch.
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nay Tăng nơi hai trú xứ này kết thuyết giới riêng, nhưng đồng một lợi dưỡng vì muốn giữ gìn trú xứ. Các trưởng lão nào đồng ý, Tăng đối với hai trú xứ này kết thuyết giới riêng, nhưng đồng một lợi dưỡng, vì để giữ gìn trú xứ, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.
«Tăng đã đồng ý đối với hai trú xứ này kết thuyết giới riêng, nhưng đồng một lợi dưỡng, vì để giữ gìn trú xứ rồi. Tăng đã chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»
Trường hợp có hai trú xứ đồng một thuyết giới, đồng một lợi dưỡng. Các tỳ-kheo muốn được thuyết giới riêng, lợi dưỡng riêng. Đức Phật dạy:
Từ nay về sau cho phép tập trung một chỗ để giải giới, rồi tùy theo trú xứ kia, mỗi bên đều tự kết giới.
Bấy giờ có hai trú xứ cách xa nhau, đồng một thuyết giới, đồng một lợi dưỡng. Trú xứ kia nhận được một ít đồ ăn thức uống cúng dường đều đem đến trú xứ này, đến nơi thì giờ ăn đã qua. Trú xứ này nhận được một ít đồ ăn thức uống cúng dường đều mang đến trú xứ kia, đến nơi thì giờ ăn đã qua. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
Không được hai trú xứ cách xa nhau mà đồng một thuyết giới, đồng một lợi dưỡng. Từ nay về sau cho phép nói lời như vầy: nếu trú xứ này đặng một ít đồ ăn thức uống cúng dường thì chỉ cần phân chia nơi trú xứ này. Trú xứ kia được một ít đồ cúng dường thì chỉ cần phân chia nơi trú xứ kia mà thôi.
5. Tiểu giới
Bấy giờ gặp ngày bố-tát, có số đông tỳ-kheo, trên đường kinh qua khoảng trống, không thôn xóm, tâm tự nghĩ rằng: «Đức Thế Tôn chế giới, phải tập hợp lại một chỗ hòa hợp để thuyết giới. Chúng ta nên làm sao đây?» Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch lên đức Phật. Phật dạy:
«Các tỳ-kheo lắng nghe! Nếu ngày bố-tát mà đang đi nơi khoảng trống, không có thôn xóm, chúng Tăng nên hòa hợp, tập trung lại một chỗ để cùng nhau thuyết giới. Nếu Tăng hòa hợp không được thì tùy theo đồng Hòa thượng, đồng yết-ma, thiện hữu tri thức, cùng nhau dừng bên đường, tập hợp lại một chỗ, kết tiểu giới để thuyết giới, bằng pháp bạch nhị yết-ma, như vầy:
Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nay chừng này tỳ-kheo gồm... vị tập hợp. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận kết tiểu giới. Đây là lời tác bạch.
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nay có chừng này tỳ-kheo tập hợp kết tiểu giới. Các trưởng lão nào chấp thuận nay chừng này tỳ-kheo tập hợp kết tiểu giới thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.
«Tăng đã chấp thuận, chừng này tỳ-kheo[821a1] tập hợp kết tiểu giới rồi. Tăng đã đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»
Bấy giờ, các tỳ-kheo kết giới rồi, nhưng không giải giới mà bỏ đi, mọi người cơ hiềm; đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
Không được không giải giới mà bỏ đi. Nên bạch nhị yết-ma để giải như vầy:
Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nay số chừng này tỳ-kheo tập hợp. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận giải tiểu giới nơi đây. Đây là lời tác bạch.
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nay số chừng này tỳ-kheo tập hợp để giải tiểu giới này. Các trưởng lão nào đồng ý Tăng giải tiểu giới nơi đây thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.
«Tăng đã đồng ý giải tiểu giới này rồi. Tăng đã đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»
Bấy giờ, trời mưa nước sông lớn. Các tỳ-kheo lại kết giới cách một con sông mà đồng một trú xứ, đồng một thuyết giới. Ngày mười lăm, muốn qua bên kia sông thuyết giới mà không thể lội qua được, nên không thành tựu được việc thuyết giới. Các tỳ-kheo đem việc này bạch Phật, Phật dạy:
Không được cách hai bên dòng sông mà kết đồng một thuyết giới, trừ có thuyền, cầu qua lại.
Trường hợp có hai trú xứ cách xa nhau, kết đồng một thuyết giới. Đến ngày mười lăm, các tỳ-kheo muốn đến tụ hợp để thuyết giới mà nội trong ngày không đến kịp nên không thành tựu việc kết giới. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
Không được hai trú xứ cách xa nhau mà kết chung một thuyết giới. Nếu trú xứ cách dòng sông quá xa mà đồng một trú xứ đồng một thuyết giới thì các tỳ-kheo ngày mười lăm thuyết giới, ngày mười bốn phải đến trước; ngày mười bốn thuyết giới, ngày mười ba phải đến trước. Không được nhận dục. III. TẬP TĂNG
1. Bạch Tăng
1. Trường hợp có trú xứ nọ, đến ngày thuyết giới, có một tỳ-kheo vào phòng đóng cửa ngủ. Các tỳ-kheo thuyết giới rồi, vừa đứng dậy để giải tán, vị tỳ-kheo ngủ kia nghe tiếng khua động thức dậy hỏi các tỳ-kheo:
«Các Đại đức! muốn đi đâu, không thuyết giới sao?»
Các tỳ-kheo trả lời:
«Chúng tôi đã thuyết giới rồi. Vậy nãy giờ thầy đi đâu?»
Vị kia nói:
«Sáng giờ tôi ở nhà đóng cửa phòng ngủ chứ đi đâu.»
Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
Ngày thuyết giới, không được đóng cửa phòng mà ngủ. Từ nay về sau, cho phép vị ngồi gần kiểm tra để biết người nào đến, người nào không đến. Từ nay cho phép bạch trước, sau đó mới thuyết giới. Văn bạch như vầy:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Nay là ngày mười lăm, chúng Tăng thuyết giới. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận hòa hợp thuyết giới. Đây là lời tác bạch.»
Tác bạch như vậy rồi sau đó mới thuyết giới.[26] Chú thích:
[217] Huỳnh môn 黃門. Pali, Vin.i. 85 paṇḍaka, người bị thiến.
[218] Năm huỳnh môn: sanh huỳnh môn 生, kiền huỳnh môn 犍, đố huỳnh môn 妒, biến huỳnh môn 變, bán nguyệt huỳnh môn 半月. Pali, Sớ giải, v.1016: āsitta-paṇḍako usūyapaṇḍako opakkamika-paṇḍako pakkhâpṇḍako nupuṃsapaṇḍako ti pañca paṇḍakā.
[219] Thiện Hiện Long vương 善現龍王. Pali, Vin. i. aññataro nāgo, một con rắn (thần) nọ. Các từ «long» trong Hán dịch, thường chỉ loại rắn thần của Ấn độ.
[220] Trong bản, chép nhầm chữ thọ 受 là nhận
[221] Khoảng cách giữa giáo thọ với các tỳ-kheo khác trong giới trường
[1] Trong bản Hán, Chương VI của phần II.
[2] Tính theo tháng 15 ngày. Nếu tính theo tháng 30 ngày, thì mỗi tháng có sáu lần hội, vào các này: 8, 14, 15, 23, 29, 30.
[3] Thuyết nghĩa 說義, một loại thể tài văn học, Skt. upadeśa (ưu-ba-đề-xá), cũng dịch là luận nghị, giảng giải ý nghĩa kinh mà Phật đã nói tóm tắt.
[4] Không cần phải dẫn chánh văn.
[5] Pháp chúng học, điều 89: Tỳ-kheo không được thuyết pháp cho người ngồi chỗ cao hơn mình.
[6] Hiệp bối 合唄. Bối, hay phạn bối, phiên âm từ Skt. bhāṇaka. Cũng âm là bối nặc. Chỉ sự tụng đọc kinh điển (tiếng Phạn) với giọng ngâm vịnh.
[7] Nguyên Hán: quá sai 過差.
[8] Xem cht. 5 trên.
[9] Sám hối 懺悔; tức phát lồ, hay thuyết tội. Vin.i. 103: So āvikareyya, giải thích: «phát lồ là, ở giữa Tăng, hoặc trước nhiều người, hoặc trước một người, mà cáo bạch, thuyết minh, giải bày, nêu rõ (điều đã vi phạm).»
[10] Định nghĩa từ Ba-la-đề-mộc-xoa. Xem Pali, Vin. i. 103: pātimokkhan’ti ādimetam mukhametam pamukhametam kusalānam dhammānam. «Ba-la-đề-mộc-xoa, đây là khởi điểm (căn bản), là mặt, là đầu của hết thảy pháp thiện.» Xem Ngũ phần 18 (T22n1421 tr.122a15): «Nói là ba-la-đề-mộc-xoa, vì do giới này mà phòng hộ các căn, tăng trưởng thiện pháp. Đối với các thiện pháp, đây là cánh cửa đầu tiên vậy.»
[11] Giải thích các câu trong phần mở đầu thuyết giới nêu trên. Nhưng bản Hán thường không nhắc lại đúng nguyên văn như đã nêu.
[12] Nếu có tỳ-kheo phạm giới, đã phát lồ, cần tác yết-ma ha trách (cảnh cáo) thì hoãn lại để sau khi thuyết giới sẽ tác pháp riêng. Xem các đoạn sau, mục iii.4 «Sám hối».
[13] Chướng đạo pháp 障道法. Pali: antarayiko dhammo, pháp gây trở ngại.
[14] Tức làm lịch.
[15] Hắc nguyệt 黑月, bạch nguỵêt 白月. Một tháng chia làm hai phần: 15 ngày trăng tối (hắc nguyệt) và 15 ngày trăng sáng (bạch nguyệt).
[16] Tức nghi ngờ về tháng thiếu hay tháng đủ.
[17] Nghĩa là, tháng thiếu hay đủ, y theo lịch riêng của mỗi nước.
[18] Biệt bộ thuyết giới 別部說戒, thuyết giới theo nhóm, không theo toàn thể Tăng trong trú xứ.
[19] Đại Ca-tân-nậu 大迦賓[少/兔], cũng phiên âm là Ma-ha Kiếp-tân-na. Pali, Mahāvagga ii, Vin. i. 105, Mahā-Kappinna.
[20] Tiên nhân trú xứ Hắc thạch sơn 仙人住處黑石山. Pali: tại Maddakucchi, trong vườn Nai.
[21] Pali, Vin. i. 107: Phật quy định: trong một trú xứ không được có hai thuyết giới đường (uposathāgāra). Ai làm thế, phạm đột-kiết-la.
[22] Pali, Vin.i. 108: nếu ngồi trên mặt đất mà nghe giới được, kết hay không kết, đều được thuyết giới. Sớ giải: ngồi trong phạm vi duỗi tay chạm nhau (hatthapāse nisinno).
[23] Mahāvagga ii. Vin.i. 113ff, phận sự Thượng tọa trong ngày thuyết giới: thuyết pháp, vấn đáp luật giữa Tăng, và thuyết giới.
[24] Xá-la 舍羅, thẻ hay thăm, hay phiếu. Pali (Vin.i. 117): salāka.
[25] Xem Phần I, Ch. iv. ni-tát-kỳ 2.
[26] Hết quyển 35.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.137.174.253 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.