Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay.
Kinh Bốn mươi hai chương
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó.
Kinh Pháp cú
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi.
Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng
Hiệu chính và chú thích
Thế Tôn tư duy như vậy rồi, im lặng không nói pháp. Bấy giờ, Phạm thiên vương,[59] từ xa trên cõi Phạm thiên, biết được tâm niệm của đức Như Lai, tự nghĩ: «Thế gian hoàn toàn sụp đổ. Như Lai nay đặng pháp nhiệm mầu này, sao im lặng không tuyên thuyết, khiến cho thế gian không được nghe pháp?»
Bấy giờ, Phạm thiên, khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi cánh tay, từ cõi kia hiện đến trước đức Như Lai, đảnh lễ rồi, đứng qua một bên, bạch đức Thế Tôn:
«Cúi xin đức Như Lai nói pháp! Cúi xin đức Thiện Thệ nói pháp! Chúng sanh trong thế gian cũng có kẻ trí tuệ với lớp bụi dơ mỏng, thông minh, dễ độ, có khả năng diệt tận pháp bất thiện, thành tựu thiện pháp.»
Đức Thế Tôn bảo Phạm thiên vương:
«Đúng như vậy, đúng như vậy, như lời ông nói. Vừa rồi Ta ở nơi nhàn tịnh có ý nghĩ: ‹Nay Ta đã đặng pháp này. Pháp [787a1] này rất sâu kín, rất khó hiểu, rất khó biết, vĩnh viễn tịch tĩnh, an chỉ, vi diệu, tối thượng, chỉ người trí mới có thể biết, chẳng phải điều mà kẻ ngu có thể thân cận. Chúng sanh có kiến chấp khác nhau, tín nhẫn khác nhau, xu hướng khác nhau, mạng khác nhau. Y trên những kiến chấp dị biệt này mà yêu thích hang ổ. Do vì chúng sanh yêu thích hang ổ, cho nên đối với pháp duyên sanh sâu thẳm này, khó có thể hiểu. Lại còn có cái sâu thẳm khó hiểu hơn nữa, đó là Niết-bàn với sự dập tắt các dục, diệt tận khát ái. Đây cũng là chỗ khó hiểu. Nay, Ta muốn nói Pháp mà mọi người không biết, không hiểu, thì đối với Ta có nhọc công vô ích chăng?›»
Bấy giờ, Thế Tôn nói hai bài kệ mà trước đây chưa ai từng được thấy, từng được nghe, và cũng chưa từng nói:
Đạo Ta chứng, khó hiểu,
Nói cho kẻ trong hang.
Người tham, nhuế, ngu si,
Không thể vào pháp này.
Lội ngược dòng sanh tử,
Sâu kín, rất khó hiểu.
Tham dục không thấy được,
Vì ngu tối che lấp.
«Này Phạm thiên! Vì vậy Ta im lặng, không nói pháp cho người đời.» Bấy giờ, Phạm thiên lại bạch Phật:
«Thế gian hoàn toàn sụp đổ. Như Lai nay đặng pháp nhiệm mầu này, sao im lặng không tuyên thuyết, khiến cho thế gian không được nghe pháp? Cúi xin đức Thế Tôn nên diễn nói chánh pháp để lưu bố trong đời. Chúng sanh trong thế gian cũng có kẻ trí tuệ với lớp bụi dơ mỏng, thông minh, dễ độ, có khả năng diệt tận pháp bất thiện, thành tựu thiện pháp.»
Phạm thiên nói rồi, lại nói kệ:
Ma-kiệt, nơi cấu uế,[60]
Phật từ đó sanh ra.
Nguyện mở cửa cam lồ,
Vì chúng sanh nói pháp.
Đức Thế Tôn sau khi nhận lời khuyến thỉnh của Phạm thiên, bằng con mắt Phật, quan sát chúng sanh trong thế gian: Sanh ra trong thế gian, lớn lên trong thế gian, có người ít trần cấu, có người nhiều trần cấu, có lợi căn, có độn căn, có dễ độ, có khó độ; có kẻ sợ tội đời sau, có thể diệt tận pháp bất thiện, thành tựu thiện pháp. Cũng như trong ao ưu-bát, ao bát-đầu, ao câu-mâu-đầu, ao phân-đà-lợi có hoa ưu-bát, hoa bát-đầu, hoa câu-mâu-đầu, hoa phân-đà-lợi; có cái mới ra khỏi bùn mà chưa lên khỏi nước; hoặc có cái đã ra khỏi bùn mà ngang mặt nước; hoặc có cái lên khỏi nước mà không bị bụi trần nơi nước thấm vào. Đức Như Lai cũng như vậy, bằng Phật nhãn quán chúng sanh trong thế gian: ‹Sanh ra trong thế gian, lớn lên trong thế gian, có người ít trần cấu, có người nhiều trần cấu, có lợi căn, có độn căn, có dễ độ, có khó độ; có kẻ sợ tội đời sau, có thể diệt tận pháp bất thiện, thành tựu thiện pháp.› Bấy giờ, đức Thế Tôn vì Phạm thiên nói kệ:
Phạm Thiên! Ta bảo ông:
Nay mở cửa cam lồ,
Cho người nghe tin nhận.
Vì nhiễu loạn, không nói,[61]
Phạm Thiên, pháp vi diệu,
Pháp Mâu-ni chứng được.
Bấy giờ, Phạm thiên biết đức Thế Tôn nhận lời khuyến thỉnh rồi, đảnh lễ sát chân đức Thế Tôn, đi nhiễu bên hữu ba vòng, cáo lui, ẩn mình, không thấy nữa.
Bấy giờ, đức Thế Tôn lại nghĩ: ‹Nay Ta nên thuyết pháp cho ai trước, mà người ấy có thể vừa nghe liền hiểu được?› Ngài liền nghĩ, ‹A-lan-ca-lan[62] trần cấu ít, lợi căn, thông minh có trí. Nay Ta có thể nói pháp cho ông ấy.› Tức thì trí kiến khởi lên nơi Ngài, ‹A-lan-ca-lan qua đời đã bảy ngày rồi.› Chư thiên cũng đến cho biết: ‹A-lan-ca-lan qua đời đã bảy ngày rồi.› Đức Phật nghĩ rằng: ‹Khổ thay, ông mất điều lợi. Pháp cực kỳ vi diệu này, sao không được nghe? Nếu được nghe, ông ấy sẽ hiểu nhanh chóng.›
Đức Thế Tôn lại nghĩ: ‹Nay Ta nên thuyết pháp cho ai trước, mà người ấy có thể vừa nghe liền hiểu được?› Ngài liền nghĩ, ‹Uất-đầu-lam Tử, người này có trần cấu mỏng, lợi căn, thông minh có trí. Nay ta nên nói pháp cho ông ấy nghe trước.› Tức thì trí kiến khởi lên nơi Ngài, ‹Uất-đầu-lam Tử đã qua đời ngày hôm qua.› Chư thiên cũng đến thưa: ‹Uất-đầu-lam Tử đã qua đời ngày hôm qua.› Đức Phật nói: ‹Khổ thay, ông mất điều lợi. Pháp cực kỳ vi diệu này, sao không được nghe? Nếu được nghe, ông ấy sẽ hiểu nhanh chóng.›
Đức Thế Tôn lại nghĩ: ‹Nay Ta nên thuyết pháp cho ai trước, mà người ấy có thể vừa nghe liền hiểu được?› Ngài liền nghĩ, ‹Năm tỳ-kheo đã từng phục vụ Ta khổ nhọc, không ngại sự lạnh nóng, hầu hạ, hộ vệ, cúng dường Ta. Nay Ta có nên nói pháp cho họ trước hay chăng?› Đức Thế Tôn lại nghĩ: ‹Năm vị tỳ-kheo này hiện nay ở đâu?› Ngài liền dùng thiên nhãn thanh tịnh quán sát trong nhơn thiên, thấy năm vị tỳ-kheo ở tại nước Ba-la-nại, trong vườn Nai Tiên nhơn.
Thấy vậy rồi, Ngài liền đến đó. Trên đường đi, Ngài gặp phạm chí Ưu-đà-da.[63] Từ xa thấy đức Thế Tôn, Phạm chí đến trước mặt thưa với đức Phật rằng:
«Cù-đàm, các căn tịch tịnh nhan sắc vui đẹp. Vậy thầy của Ngài là ai? Ngài theo học với ai? Ngài học pháp gì?»
Bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng kệ trả lời:
Nhất thiết trí, trên hết,
Mở mọi gút ái dục.
Tự nhiên được ngộ giải,
Nào có theo ai học.
Ta cũng không có thầy,
Bè bạn cũng lại không.
Thế gian chỉ một Phật,
Trầm lặng, thường an ổn.
Ta không bị đời nhiễm,
Ta vượt trên thế gian.
Chư thiên và người đời,
Không ai sánh bằng Ta.
Ta đến Ba-la-nại,
Chuyển vô thượng pháp luân.
Thế gian đều tăm tối,
Ta đánh trống cam lồ.[64]
Phạm chí hỏi rằng:
«Vừa rồi Cù-đàm nói: Ta là người không nhiễm trước, tối thắng.[65] Tôi muốn được nghe ý nghĩa nầy.»
Đức Phật dùng kệ trả lời:
Ta mở tất cả gút,
Ta hết tất cả lậu;
Ta thắng các pháp ác,
Ưu-đà, Ta tối thắng.[66]
Bấy giờ, Phạm chí im lặng. Đức Thế Tôn liền bỏ đi, nhắm đến Tiên nhơn Lộc uyển. 2. Sơ chuyển Pháp luân
i. Trung đạo
Năm vị tỳ-kheo, từ xa trong thấy đức Thế Tôn đến, dặn bảo nhau rằng:
«Sa môn Cù-đàm này đã đi lạc đường, mê mờ, mất chí hướng. Nếu đến đây, chúng ta đừng nói năng gì với ông ta. Cũng đừng kính lễ. Chỉ nên cho một chỗ ngồi nhỏ, bảo ngồi mà thôi.»
Thế Tôn từ từ đi đến chỗ năm vị tỳ-kheo. Bấy giờ, năm vị tỳ-kheo bỗng nhiên đứng dậy nghinh đón, lễ kính. Người thì trải chỗ ngồi. Người thì rước y bát. Người lấy nước rửa chân. Bấy giờ đức Thế Tôn nghĩ: ‹Những người ngu si này đã không cố giữ được ý chí của mình. Đã cùng nhau giao ước, rồi lại phá bỏ. Tại sao vậy? Vì không thể nào cưỡng lại oai lực của Phật. Nay Ta nên đến chỗ ngồi mà an tọa.› Năm tỳ-kheo thấy Như Lai đến ngồi nơi chỗ ngồi rồi, bèn gọi tên Như lai, và gọi Ngài bằng ‹Ông bạn.›[67]. Bấy giờ đức Phật bảo năm vị tỳ-kheo:
«Các ông chớ nên gọi tên Như lai, và gọi Ngài bằng ‹Ông bạn.› Như Lai, là bậc Chí chơn, Đẳng chánh giác, oai thần tối thắng vô lượng. Nếu các người gọi tên Như lai, và gọi Ngài bằng ‹Ông bạn› thì thọ khổ vô lượng và lâu dài.»
Năm người nói:
«Này Cù-đàm, ngài trước kia với cuộc sống khổ hạnh, chấp trì oai nghi, còn không thể đạt được thần thông, trí kiến của pháp thượng nhơn, để có thể tự mình chứng nghiệm lợi ích tối thượng. Huống chi là nay không đi đúng đường, đã lạc lối, mê mờ, mất chí hướng?»
Đức Phật bảo năm người rằng:
«Các người đã từng nghe, có khi nào, Ta nói hai lời mâu thuẫn nhau hay chăng?»
Năm tỳ-kheo nói:
«Xưa kia, chúng tôi không nghe người nói hai [788a1] lời.»
Đức Phật nói:
«Các ngươi, hãy đến đây! Nay ta đã đặng cam lồ. Ta sẽ chỉ dạy cho các ông. Các ông có khả năng tiếp nhận lời nói của Ta, không bao lâu, các ông sẽ có sở đắc; đạt được mục đích mà vì đó thiện nam tử với lòng tin kiên cố, từ bỏ gia đinh, sống không gia đình, hành đạo, tu vô thượng phạm hạnh, ở ngay trong đời hiện tại, tự thân tác chứng, tự mình an trú an lạc, biết rằng, ‹sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc làm đã xong, không còn tái sinh nữa.›
«Này Tỳ-kheo, kẻ xuất gia không được thân cận hai cực đoan,[68] ưa hưởng thụ ái dục hoặc tự khổ hạnh. Đó không phải là pháp của Hiền thánh. Hành hạ thân xác không thành tựu được gì. Tỳ-kheo từ bỏ hai cực đoan này, lại có con đường giữa, có sự sáng của con mắt, có sự sáng của trí tuệ, vĩnh viễn tịch tĩnh, an ổn, thành tựu thần thông, đặng Đẳng chánh giác, tác thành Sa-môn, dẫn đến Niết-bàn.[69]
«Thế nào gọi là con đường giữa, có sự sáng của con mắt, có sự sáng của trí tuê, vĩnh viễn tịch tĩnh, an ổn, thành tựu thần thông,[70] đặng Đẳng chánh giác, tác thành Sa-môn, dẫn đến Niết-bàn? Đó là con đường tám chánh[71] của các bậc Thánh gồm có: Chánh kiến, chánh nghiệp, chánh ngữ, chánh hành, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm và chánh định.[72] Đó tức là con đường giữa, có sự sáng của con mắt, có sự sáng của trí tuê, vĩnh viễn tịch tĩnh, an ổn, thành tựu thần thông, đặng Đẳng chánh giác, tác thành Sa-môn, dẫn đến Niết-bàn.
ii. Chuyển Pháp luân kinh
«Bốn Thánh đế.[73] Thế nào gọi là Thánh đế? Là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ tận Thánh đế, Khổ xuất yếu Thánh đế.
«Những gì gọi là Khổ Thánh đế? Sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, thù ghét tụ hội khổ, ái biệt ly khổ, muốn điều gì không được là khổ. Nói một cách gọn, là năm thạnh ấm là khổ.[74] Đó gọi là Khổ Thánh đế. Lại nữa, Khổ Thánh đế cần được biết thì Ta đã biết. Đây nên tu đạo tám chánh: Chánh kiến, chánh nghiệp, chánh ngữ, chánh hành, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm và chánh định.
«Những gì là Khổ tập Thánh đế? Ái lạc vốn được phát sinh từ trước do duyên nơi ái,[75] và tương ưng với dục.[76] Đó là Khổ tập Thánh đế. Lại nữa, Khổ tập Thánh đế cần diệt thì Ta đã diệt và tác chứng, nên tu tám chánh đạo: Chánh kiến, chánh nghiệp, chánh ngữ, chánh hành, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm và chánh định.
«Những gì là Khổ tận Thánh đế? Ái kia đã vĩnh viễn đoạn tận, vô dục, tịch diệt, xả, xuất ly, giải thoát, vĩnh viễn diệt tận, tĩnh chỉ,[77] không còn hang ổ.[78] Đó gọi là Khổ tận Thánh đế. Lại nữa, Khổ tận Thánh đế cần được chứng đắc, Ta đã tác chứng, nên tu tám chánh đạo: Chánh kiến, chánh nghiệp, chánh ngữ, chánh hạnh, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm và chánh định.
«Những gì là Khổ xuất yếu Thánh đế ? Con đường của Hiền thánh có tám chánh này, chánh kiến, chánh nghiệp, chánh ngữ, chánh hành, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm và chánh định. Đó là Khổ xuất yếu thánh đế. Lại nữa, Khổ xuất yếu Thánh đế này cần được tu tập thì Ta đã tu tập.
«Khổ thánh đế này, đối với pháp trước đây chưa từng được nghe, làm phát sinh con mắt, phát sinh trí, phát sinh giác, phát sinh minh, phát sinh thông, phát sinh huệ, đắc chứng.[79] Lại nữa, nên biết Khổ Thánh đế này mà, đối với pháp trước đây chưa từng được nghe, làm phát sinh con mắt, cho đến phát sinh huệ. Lại nữa, Ta đã biết Khổ Thánh đế mà, đối với pháp trước đây chưa từng được nghe, làm phát sinh con mắt, phát sinh trí, phát sinh giác, phát sinh minh, phát sinh thông, phát sinh huệ. Đó gọi là Khổ Thánh đế.
«Khổ tập Thánh đế, đối với pháp trước đây chưa từng được nghe, làm phát sinh con mắt, phát sinh trí, phát sinh giác, phát sinh minh, phát sinh thông, phát sinh huệ. Lại nữa, nên diệt Khổ tập Thánh đế này mà, đối với pháp trước đây chưa từng được nghe, làm phát sinh con mắt, cho đến phát sinh huệ. Lại nữa Ta đã diệt Khổ tập Thánh đế nầy mà, đối với pháp trước đây chưa từng được nghe, làm phát sinh con mắt, cho đến phát sinh huệ. Đó gọi là Khổ tập Thánh đế.
«Khổ tận Thánh đế, đối với pháp trước đây chưa từng được nghe, làm phát sinh con mắt, cho đến phát sinh huệ. Lại nữa, nên tác chứng Khổ tận Thánh đế nầy, đối với pháp trước đay chưa từng được nghe, làm phát sinh con mắt, cho đến phát sinh huệ. Lại nữa, ta đã tác chứng, Khổ tận Thánh đế này, đối với pháp trước đây chưa từng được nghe, làm phát sinh con mắt, cho đến phát sinh huệ.
«Khổ xuất yếu Thánh đế này, đối với pháp trước đây chưa từng được nghe, làm phát sinh con mắt, cho đến phát sinh huệ. Lại nữa, nên tu Khổ xuất yếu thánh đế, đối với pháp trước đây chưa từng được nghe, làm phát sinh con mắt, cho đến phát sinh huệ. Lại nữa, Ta đã tu Khổ xuất yếu Thánh đế, đối với pháp trước đây chưa từng được nghe, làm phát sinh con mắt, cho đến phát sinh huệ.
«Đó là bốn Thánh đế. Nếu Ta không tu bốn Thánh đế nầy, với ba lần chuyển thành mười hai hành tướng, mà không biết như thật, thì nay Ta không thành đạo Vô thượng chánh chơn. Song ta đối với bốn Thánh đế, với ba lần chuyển thành mười hai hành tướng, như thật đã biết, nên nay Ta thành đạo Vô thượng chánh chơn, không còn gì nghi ngờ.
«Như Lai nói bốn Thánh đế này mà trong chúng không có người giác ngộ thì Như Lai không chuyển pháp luân. Nếu Như Lai nói bốn Thánh đế nầy, mà trong chúng có người giác ngộ thì Như Lai vì họ chuyển pháp luân, là bánh xe mà sa-môn, bà-la-môn, Ma hoặc Thiên ma, trời và người trong thế gian, đều không thể vận chuyển được. Cho nên, hãy nỗ lực tinh tấn tu bốn Thánh đế: Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ xuất yếu Thánh đế. Hãy nên học như vậy.»
Khi đức Thế Tôn nói pháp này, năm tỳ-kheo A-nhã Kiều-trần-như dứt sạch các trần cấu, pháp nhãn được sanh.[80] Đức Thế Tôn biết sở đắc trong tâm A-nhã Kiều-trần-như, liền khen rằng:
«A-nhã Kiều-trần-như, đã biết! A-nhã Kiều-trần-như, đã biết!»[81] Từ đó về sau gọi là A-nhã Kiều-trần-như.
Bấy giờ, các vị Địa thần đã nghe những gì đức Như Lai đã nói, bèn cùng bảo với nhau:
«Nay, đức Như Lai, bậc Chí chơn, Đẳng chánh giác, đang ở tại vườn Nai, trú xứ của Tiên nhơn ở tại Ba-la-nại, đang chuyển pháp luân vô thượng, mà xưa nay vốn chưa từng được chuyển, mà sa-môn bà-la-môn, Ma hoặc Thiên ma, trời và người đều không thể chuyển được.»
Tiếng của Địa thần xướng lên như vậy, được nghe lần lên Tứ Thiên vương, Đao-lợi thiên, Diệm-ma thiên, Đâu-thuật-đà thiên, Hóa lạc thiên, Tha hoá thiên, lần lượt cùng nói với nhau rằng:
«Nay, đức Như Lai, bậc Chí chơn, Đẳng chánh giác, đang ở tại vườn Nai, trú xứ của Tiên nhơn ở tại Ba-la-nại, đang chuyển pháp luân vô thượng, mà xưa nay vốn chưa từng được chuyển, mà sa-môn bà-la-môn, Ma hoặc Thiên ma, trời và người đều không thể chuyển được.»
Chỉ trong khoảnh niệm, âm thanh ấy đã lên đến trời Phạm thiên.
Bấy giờ, Tôn giả A-nhã Kiều-trần-như thấy pháp, đắc pháp, thành tựu các pháp, đã đạt quả chứng, bạch Phật rằng:
«Nay, con ở trong giáo pháp của đức Như Lai tu phạm hạnh.»
Phật nói:
«Hãy đến đây, tỳ-kheo![82] Hãy ở trong pháp của Ta, tự chứng nghiệm, tu phạm hạnh, để đoạn tận nguồn khổ.»
Tôn giả A-nhã Kiều-trần-như liền xuất gia, thọ giới cụ túc. Như vậy, trong hàng tỳ-kheo, người đầu tiên thọ giới cụ túc là A-nhã Kiều-trần-như.
Bấy giờ, Tôn giả A-nhã Kiều-trần-như thưa với đức Thế Tôn rằng:
«Nay con muốn vào thành Ba-la-nại khất thực. Xin Thế Tôn cho phép.»
Đức Phật dạy:
«Tỳ-kheo, nên biết đúng lúc.»
Tôn giả A-nhã Kiều-trần-như từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn rồi, khoác y bưng bát vào thành Ba-la-nại khất thực.
Bấy giờ, đức Thế Tôn nói pháp cho các Tôn giả A-thấp-ti, tỳ-kheo Ma-ha-ma-nam, khuyến khích, khiến cho hoan hỷ. Ngài nói pháp về bố thí, về trì giới, về sanh thiên.[83] Ngài chê trách dục là bất tịnh, là hữu lậu, là trói buộc. Ngài tán thán tịnh lạc của sự xuất ly. Các Tôn giả ngay trên chỗ ngồi sạch các trần cấu, được sự thanh tịnh của con mắt pháp, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng; rồi thưa với đức Như Lai:
«Chúng con muốn ở trong pháp Như Lai xuất gia tu phạm hạnh.»
Đức Phật nói:
«Hãy đến đây, tỳ-kheo! Hãy ở trong pháp của Ta, tự chứng nghiệm, tu phạm hạnh, để đoạn tận nguồn khổ.»
Tôn giả liền xuất gia thọ giới cụ túc. Tỳ-kheo A-thấp-ti, Ma-ha-ma-nam bạch Phật:
«Chúng con muốn vào thành Ba-la-nại khất thực.»
Đức Phật dạy:
«Tỳ-kheo, nên biết đúng lúc.»
Các Tôn giả liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân đức Thế Tôn, rồi khoác y bưng bát vào thành Ba-la-nại khất thực.
Bấy giờ, đức Thế Tôn nói pháp cho Bà-đề, Bà-phu, khuyến khích, khiến cho hoan hỷ.
Ngài nói pháp về bố thí, về trì giới, về sanh thiên. Ngài chê trách dục là bất tịnh, là hữu lậu, là trói buộc. Ngài tán thán tịnh lạc của sự xuất ly. Các Tôn giả ngay trên chỗ ngồi sạch các trần cấu, [789a1] được sự thanh tịnh của con mắt pháp, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng; rồi thưa với đức Như Lai:
«Chúng con muốn ở trong pháp Như Lai xuất gia tu phạm hạnh.»
Đức Phật Nói:
«Hãy đến đây, tỳ-kheo! Hãy ở trong pháp của Ta, tự chứng nghiệm, tu phạm hạnh, để đoạn tận nguồn khổ.»
Tôn giả liền xuất gia thọ giới cụ túc, rồi hai vị Bà-đề, Bà-phu bạch Phật:
«Chúng con muốn vào thành Ba-la-nại khất thực.»
Đức Phật dạy:
«Tỳ-kheo, nên biết đúng lúc.»
Các Tôn giả Bà-đề, Bà-phu liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ sát chân đức Thế Tôn rồi, khoác y bưng bát vào thành Ba-la-nại khất thực.
Khi đức Thế Tôn nói pháp cho ba người, thì hai người đi khất thực; hai người khất thực đủ cho sáu người cùng ăn. Nếu đức Thế Tôn nói pháp cho hai người trong năm người, thì ba người khất thực; ba người khất thực đủ cho sáu người cùng ăn.
Bấy giờ, đức Thế Tôn khuyến hóa năm tỳ-kheo, tuần tự dạy dỗ, khiến cho tâm họ hoan hỷ.
iii. Vô ngã tướng kinh
Sau bữa ăn đức Thế Tôn bảo năm tỳ-kheo:
«Sắc là vô ngã. Nếu sắc là ngã, thì sắc không suy lão[84] để cho ngã thọ khổ. Nếu sắc là ngã thì phải được tự tại mà muốn rằng ‹sắc phải là như vậy›, hay ‹sắc không nên là như vậy›. Vì sắc vô ngã nên sắc tăng trưởng, khiến cho thọ các khổ, và cũng không thể tuỳ ý muốn mà được rằng, ‹sắc phải là như vậy›, hay ‹sắc không nên là như vậy›.
«Thọ tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
«Thế nào, các tỳ-kheo, sắc là thường hay sắc là vô thường?»
Các tỳ-kheo bạch Phật:
«Kính bạch đức Thế Tôn! Sắc là vô thường.»
Đức Phật dạy:
«Nếu sắc là vô thường vậy sắc là khổ hay là lạc?»
Các tỳ-kheo bạch Phật:
«Bạch đức Thế Tôn, sắc là khổ.»
Đức Phật dạy:
«Nếu sắc là vô thường, khổ thì nó là pháp biến dịch. Các ngươi nghĩ sao, có phải sắc là ta, là cái kia, là cái kia; ta là sắc, là cái kia, là cái kia chăng?»[85]
Thưa rằng:
«Chẳng phải như vậy.»
«Thọ tưởng hành thức cũng lại như vậy.
«Cho nên, các tỳ-kheo, tất cả sắc, sắc quá khứ, vị lai, hiện tại, tất cả sắc hoặc ở trong hoặc ở ngoài, hoặc tế hoặc thô, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc xa hoặc gần. Tất cả sắc chẳng phải là ta, là cái kia, chẳng phải sở hữu của cái kia, chẳng phải sở hữu của ta. Hãy dùng trí tuệ mà chánh quán như thực như vậy.
«Thọ tưởng hành thức lại cũng như vậy.
«Này các tỳ-kheo, Thánh đệ tử quán như vậy rồi, nhàm tởm sắc. Khi đã nhàm chán thì không đắm trước. Không đắm trước thì được giải thoát. Khi đã giải thoát rồi, thì biết là đã giải thoát; biết rằng ‹Sự sanh đã dứt; phạm hạnh đã vững; điều cần làm đã làm xong; không còn tái sinh đời sau nữa.›
«Thọ tưởng hành thức lại cũng như vậy.»
Khi đức Thế Tôn nói pháp này, năm tỳ-kheo, tâm giải thoát khỏi tất cả hữu lậu, được vô ngại giải thoát, chánh trí phát sanh.
Bấy giờ, trong thế gian có sáu vị A-la-hán. Năm vị đệ tử, và đức Như Lai, Chí chơn đẳng chánh giác là sáu. 3. Da-xá
i. Thiện lai Tỳ-kheo
Bấy giờ, đức Thế Tôn du hóa tại nước Ba-la-nại. Tại đây, có người con dòng họ tộc tánh, tên là Da-thâu-già.[86] Cha mẹ chỉ có một người con cho nên rất thương yêu quí mến, chăm sóc trông nom, không bao giờ không để ý đến. Cha mẹ cho xây cất ba cung điện mùa, để cho Da-thâu-già ở theo thời tiết ba mùa, xuân hạ và đông, khiến cho con mình vui chơi theo năm thứ dục lạc.
Cậu con trai say đắm mình trong năm thứ dục lạc đến cực độ, quá mệt mỏi nên ngủ. Khi thức dậy, cậu thấy ở cung điện thứ nhất các nhạc cụ mà các kỹ nữ đã cầm bỏ dọc ngang, bừa bãi; bọn chúng gối đầu lên nhau, tóc rối bời, nằm loạn xạ; ngáy, nghiến răng, nói mớ. Thấy vậy, cậu hoảng sợ, lông trong người dựng ngược lên, sanh tâm nhàm tởm, không còn một chút ý muốn tụ hội, tự than: «Khổ thay! Có gì đáng ham muốn ở đây?»
Cậu liền bỏ cung điện này, đến nơi cung điện giữa. Tại đây, cậu nhìn thấy điện đài, cùng các kỹ nữ, giống như chỗ kia không khác. Cậu lại hoảng sợ gấp bội, lông trong người dựng đứng lên, sanh tâm nhàm tởm, xa lánh, không muốn tụ hội. Cậu tự than: «Khổ thay! Có gì đáng để ham muốn?» Cậu liền bỏ đi, đến cung điện thứ ba, lại cũng như trên, hoảng sợ gấp bội lần, lông trong người dựng đứng lên, sanh tâm nhàm tởm, xa lánh, không muốn tụ hội, cũng như trên.
Công tử liền ra khỏi cung điện, đến cổng thành Thi-khư.[87] Bấy giờ, vị thần giữ cửa thành Thi-khư, từ xa trông thấy cậu đến, bèn nghĩ: «Công tử này đến, chắc muốn yết kiến đức Như Lai, chứ không có đường nào khác. Ta nên mở cửa cho đi.» Nghĩ xong vị thần liền mở cửa thành. Cậu ra khỏi thành, đến bên bờ sông Bà-la. Khi đến trên bờ sông, cậu cởi bỏ guốc bằng vàng, lội qua sông Bà-la, đến vườn Nai chỗ Tiên nhơn ở.
Bấy giờ, đức Thế Tôn đang đi kinh hành nơi đất trống, từ xa thấy cậu đến, liền trải chỗ ngồi mà ngồi. Như thường pháp của chư Phật, có ánh sáng tròn đầy chiếu khắp. Da-thâu-già từ xa trông thấy đức Như Lai, tướng mạo đoan chánh, sanh tâm vui kính, tiến đến trước Thế Tôn bạch:
«Nay con khốn khổ, không có nơi nương tựa. Cúi xin ngài cứu vớt giúp con.»
Đức Phật bảo cậu đồng tử:
«Hãy đến đây! Chỗ này là vô vi. Chỗ này là nơi không nguy khốn. Chỗ này là nơi an ổn; là nơi dục vọng đã được đoạn tận, vĩnh viễn tĩnh chỉ, vô vi; là chỗ ái không còn, diệt tận, là Niết-bàn.»
Bấy giờ, cậu Da-thâu-già, đảnh lễ đức Thế Tôn rồi nồi qua một bên. Đức Thế Tôn nói pháp khuyên dạy, khiến phát tâm hoan hỷ. Ngài nói về pháp bố thí, pháp trì giới, và pháp sanh thiên. Ngài chỉ trích dục là bất tịnh. Ngài khen ngợi tịnh lạc của xuất ly. Cậu liền từ trên chỗ ngồi dứt sạch các trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh, thấy pháp, đắc pháp, thành tựu các pháp, tự thân đạt được quả chứng, rồi bạch Phật rằng:
«Con muốn tu phạm hạnh trong pháp của đức Như Lai.»
Đức Phật dạy:
«Hãy đến đây, tỳ-kheo! Hãy ở trong pháp của Ta, tự chứng nghiệm, tu phạm hạnh, để đoạn tận nguồn khổ.» Ngay lúc ấy, Da-thâu-già liền thọ giới cụ túc.
Bấy giờ, cung nhơn và kỹ nữ trong cung điện thứ nhất thức dậy, tìm Da-thâu-già không thấy. Đến cung điện giữa để tìm, cũng không có. Chúng lại đến tìm nơi cung điện thứ ba, cũng không có. Bấy giờ, cung nhơn và kỹ nữ đến chỗ bà mẹ cậu báo cáo:
«Thưa đại gia! Da-thâu-già hiện nay không biết đi đâu!»
Bà mẹ được tin báo cáo liền tức tốc đến tin cho cha cậu:
«Hiện không biết đứa con cưng của mình ở đâu?»
Lúc ấy người cha đang tắm gội trong cung điện giữa. Nghe tin liền vội vàng chải tóc, cấp tốc ra lệnh cho người hai bên rằng:
«Chận tất cả các nẻo đường nơi nước Ba-la-nại.»
Tự thân ông đi ra cửa thành Thi-khư, đến sông Bà-la, bắt gặp đôi guốc bằng vàng của cậu con trai bỏ bên bờ sông. Người cha liền nghĩ: «Con ta chắc đã qua sông.» Ông liền tìm theo dấu qua sông, đến mãi trong vườn Nai của Tiên nhơn.
ii. Ba quy y
Bấy giờ, đức Như Lai từ xa trông thấy cha của Da-thâu-già đến, liền dùng thần lực khiến cho cha của Da-thâu-già thấy Phật mà không thấy con của mình. Ông ta đến chỗ Phật, thưa rằng:
«Thưa Đại Sa-môn! Ngài có gặp đứa con của tôi tên là Da-thâu-già không?»
Đức Phật nói rằng:
«Bây giờ ông hãy ngồi xuống, không chừng sẽ thấy con của ông.»
Cha của Da-thâu-già nghĩ rằng: «Đại Sa-môn nầy rất là kỳ lạ, nên mới có lời an ủi mời ta như vậy.» Bấy giờ, cha của Da-thâu-già đảnh lễ sát chân Phật rồi, ngồi qua một bên.
Đức Thế Tôn tuần tự nói pháp, khiến ông ta phát tâm hoan hỷ. Ngài chê trách dục là bất tịnh, khen ngợi sự xuất yếu là an lạc. Cha của Da-thâu-già liền từ chỗ ngồi dứt sạch các trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh, thấy pháp, đắc pháp, thành tựu các pháp, tự xét[88] đã đạt được quả chứng rồi, bạch Phật: «Nay con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Cúi xin đức Thế Tôn nhận con làm ưu-bà-tắc. Từ nay về sau trọn đời không sát sanh, cho đến không uống rượu.» Như vậy cha của Da-thâu-già là vị ưu-ba-tắc đầu tiên thọ ba quy y.
Khi đức Thế Tôn [790a1] vì cha Da-thâu-già nói pháp, bấy giờ, Da-thâu-già các lậu đã đoạn tận, ý mở, đặng trí vô ngại, giải thoát. Hiện nay trong thế gian có bảy vị A-la-hán, gồm sáu vị đệ tử và Phật là bảy. Đức Thế Tôn liền thâu nhiếp thần túc, khiến cho cha của Da-thâu-già thấy con mình, đang ngồi cách Phật không xa. Ông liền đến chỗ Da-thâu-già nói rằng:
«Mẹ con đang chờ. Mất con, không biết con đi dâu, bà hết sức sầu ưu, muốn tự tử. Con nên về thăm mẹ. Chớ để mẹ con tự hại.»
Bấy giờ, Da-thâu-già nhìn lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn bảo cha của Da-thâu-già rằng:
«Thiện gia nam tử học trí, học đạo, đã sạch hết trần cấu, được pháp nhãn tịnh, sau khi đã quán như vậy rồi tâm giải thoát khỏi hữu lậu. Thế nào, trưởng giả, khi người đã bỏ dục, lại có thể thân cận dục trở lại được chăng?»
Trả lời:
«Thưa, không. Đúng vậy, Thiện gia nam tử Da-thâu-già này đã học trí, học đạo, đã sạch hết trần cấu, được pháp nhãn tịnh, sau khi đã quán như vậy rồi tâm giải thoát khỏi hữu lậu, không bao giờ thân cận dục trở lại như trước khi còn ở thế tuc. Nay, Thiện gia nam tử Da-thâu-già này đã khéo đạt được lợi lớn, học trí, học đạo được tâm giải thoát vô lậu, dứt sạch các trần cấu, đặng sự trong sạch của con mắt pháp. Sau khi quán như vậy, tâm giải thoát khỏi hữu lậu. Cúi xin Thế Tôn nhận lời thỉnh của con; cùng với Da-thâu-già và tỳ-kheo thị giả.»
Bấy giờ, đức Thế Tôn im lặng nhận lời. Nhưng Da-thâu-già không nhận thọ biệt thỉnh vì chưa được đức Thế Tôn cho phép thọ biệt thỉnh. Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau, cho phép thọ biệt thỉnh.»
Thỉnh có hai cách: thỉnh Tăng rồi Tăng sai đi và thỉnh riêng.[89]
Bấy giờ, cha của Da-thâu-già biết đức Như Lai nhận lời bằng cách im lặng rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân đức Phật, rồi cáo lui.
Về đến nhà, nói với mẹ của Da-thâu-già và vợ của con mình rằng:
«Các người nay có biết chăng? Da-thâu-già hiện ở tại chỗ Đại Sa-môn, tu phạm hạnh. Hôm nay ta thỉnh Đại Sa-môn và Da-thâu-già, cùng vị thị giả đến thọ thực. Các người hãy biết thời, sửa soạn tất cả mọi thứ cần dùng.»
Mẹ và vợ của Da-thâu-già liền sắm sửa đủ các thứ cần dùng và thức ăn rồi, đến mời đức Phật quang lâm thọ thực.
Bấy giờ đã đến giờ, đức Thế Tôn khoác y, bưng bát, Da-thâu-già theo hầu, đồng đến nhà của cha Da-thâu-già, an tọa trên chỗ ngồi dọn sẵn. Mẹ và vợ của Da-thâu-già dâng thức ăn và các thứ cần dùng lên đức Thế Tôn. Ngài thọ thực xong, dọn bát rồi, hai người dọn chỗ ngồi nhỏ, ngồi trước đức Thế Tôn. Đức Phật vì họ tuần tự nói pháp vi diệu, khiến họ phát tâm hoan hỷ, liền từ trên chỗ ngồi dứt sạch các trần cấu, đặng sự trong sạch con mắt pháp, thấy pháp, đắc pháp, thành tựu các pháp, bèn bạch đức Phật rằng:
«Kính bạch đức Thế Tôn, từ nay về sau, con xin quy y Phật, Pháp, Tăng. Xin nhận con làm người ưu-bà-di. Từ nay về sau trọn đời con không sát sanh, cho đến không uống rượu.»
Như vậy, người thọ ba tự quy, làm người ưu-bà-di đầu tiên là mẹ và vợ của Da-thâu-già. Đức Thế Tôn vì mẹ và vợ của Da-thâu-già nói pháp rồi rời chỗ ngồi ra về.
iii. Những người bạn
Một thời, đức Thế Tôn du hóa nước Ba-la-nại. Nơi đây có bốn người bạn lúc nhỏ của Da-thâu-già. Một người tên là Vô Cấu. Người thứ hai tên là Thiện Tý. Người thứ ba tên là Mãn Nguyện. Người thứ tư tên là Già- phạm-bà-đề.[90] Nghe Da-thâu-già tu phạm hạnh tại chỗ Đại Sa-môn, mỗi người tự nghĩ rằng: «Giới đức nầy chắc chắn không hư dối. Pháp tu phạm hạnh của Sa-môn cũng không hư dối. Tại sao vậy? Vì nó đã khiến cho con nhà tộc tánh này chấp nhận tu và học phạm hạnh theo nó. Con nhà tộc tánh kia đã đối với giới đức kia tu phạm hạnh, thì chúng ta nên đến chỗ Đại Sa-môn tu phạm hạnh.»
Rồi bốn người bạn liền đến chỗ Da-thâu-già nói:
«Sự tu phạm hạnh của bạn nơi Đại Sa-môn có phải là rất đặc biệt?»
Da-thâu-già trả lời:
«Sự tu phạm hạnh của nơi Đại Sa-môn thật là rất vi diệu.»
Bốn người bạn nói với Da-thâu-già:
«Chúng tôi cũng muốn xuất gia tu phạm hạnh nơi Đại Sa-môn.»
Da-thâu-già liền dẫn đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Ngài, rồi ngồi qua một bên, bạch:
«Đây là bốn người bạn của con, ở Ba-la-nại, nay muốn xuất gia tu phạm hạnh trong giáo pháp của Như Lai. Cúi xin Ngài dũ lòng thương cho phép các bạn của con xuất gia tu phạm hạnh.»
Đức Thế Tôn thuận ý và tuần tự giảng cho họ pháp thù thắng. Pháp thù thắng là bố thí, trì giới, sanh thiên; chê trách dục là bất tịnh, là hữu lậu, là trói buộc. Ngài tán thán tịnh lạc của sự xuất ly. Tức thì, ngay trên chỗ ngồi sạch các trần cấu, được sự thanh tịnh của con mắt pháp, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng, họ liền bạch Phật:
«Chúng con muốn tu phạm hạnh trong giáo pháp Như Lai.»
Đức Phật nói:
«Hãy đến đây, tỳ-kheo! Hãy ở trong pháp của Ta, tự chứng nghiệm, tu phạm hạnh, để đoạn tận nguồn khổ.» Đó gọi là xuất gia thọ giới cụ túc.
Như những gì đã thấy, bốn người quán sát trở lại, liền đoạn tận hữu lậu, tâm đặng giải thoát, và phát sanh trí vô ngại giải thoát.
Bấy giờ, trong thế gian có mười vị A-la-hán; các đệ tử và đức Như Lai là mười một.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn du hóa nơi nước Ba-la-nại. Khi ấy, có năm mươi người bạn thiếu thời của Da-thâu-già cư trú bên ngoài thành, nghe Da-thâu-già tu phạm hạnh trong pháp của Đại Sa-môn đều nghĩ rằng: «Tu phạm hạnh trong giới này không hư dối. Tại sao vậy? Bởi vì con nhà tộc tánh đã tu phạm hạnh trong pháp của Đại Sa-môn nầy. Con nhà tộc tánh đã tu phạm hạnh, nay chúng ta nên đến chỗ Sa-môn để tu phạm hạnh được chăng?»
Bấy giờ, năm mươi người đồng bạn đều đến chỗ Da-thâu-già hỏi:
«Chỗ này tối thắng chăng? Tu phạm hạnh tuyệt diệu không?»
Da-thâu-già trả lời:
«Đây là chỗ tối thắng và tu phạm hạnh cũng tuyệt diệu.»
Năm mươi người nầy đều nói với Da-thâu-già:
«Chúng tôi cũng muốn xuất gia tu phạm hạnh trong pháp của Đại Sa-môn.»
Da-thâu-già dẫn họ đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Ngài, rồi ngồi qua một bên, bạch:
«Kính bạch đức Thế Tôn, năm mươi người đồng bạn của con đây, cư trú bên ngoài thành Ba-la-nại, nay nuốn xuất gia tu phạm hạnh trong giáo pháp của đức Như Lai. Cúi xin đức Thế Tôn dũ lòng thương cho phép họ xuất gia tu phạm hạnh.»
Đức Thế Tôn liền cho phép và tuần tự vì họ nói pháp thù thắng. Ngài nói pháp về bố thí, về trì giới, về sanh thiên. Ngài chê trách dục là bất tịnh, là hữu lậu, là trói buộc. Ngài tán thán tịnh lạc của sự xuất ly. Tức thì, ngay trên chỗ ngồi sạch các trần cấu, được sự thanh tịnh của con mắt pháp, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng, họ liền thưa rằng:
«Kính bạch đức Thế Tôn, chúng con muốn xuất gia tu phạm hạnh trong pháp của Như Lai.»
Đức Phật dạy:
«Hãy đến đây, tỳ-kheo! Hãy ở trong pháp của Ta, tự chứng nghiệm, tu phạm hạnh, để đoạn tận nguồn khổ.» Đó gọi là thọ giới cụ túc.
Như những gì đã thấy, quán sát trở lại, liền đoạn tận hữu lậu, tâm đặng giải thoát, và phát sanh trí vô ngại giải thoát. Bấy giờ, trong thế gian có sáu mươi vị A-la-hán đệ tử và đức Như Lai là sáu mươi mốt.
Bấy giờ Thế Tôn du hóa nơi nước Ba-la-nại. Khi ấy có nhóm năm mươi người đồng bạn đến nước Ba-la-nại, thành hôn nhơn tại nước Ba-la-nại. Họ đi du ngoạn khắp nơi ngoài thành, lần hồi đến chỗ vườn Nai của Tiên nhơn. Năm mươi người từ xa trông thấy đức Thế Tôn tướng mạo đoan chánh, đặc biệt, liền phát tâm hoan hỷ, đến chỗ Ngài, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn vì họ nói pháp tối thắng, khiến họ phát tâm hoan hỷ. Pháp tối thắng được Ngài dạy là bố thí, trì giới, phước báo sanh thiên. Ngài chê trách dục là bất tịnh, là hữu lậu, là trói buộc. Ngài tán thán tịnh lạc của sự xuất ly. Tức thì, ngay trên chỗ ngồi sạch các trần cấu, được sự thanh tịnh của [791a1] con mắt pháp, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng, họ liền thưa:
«Kính bạch đức Thế Tôn, chúng con muốn xuất gia tu phạm hạnh trong giáo pháp của Như Lai.»
Đức Phật dạy:
«Hãy đến đây, tỳ-kheo! Hãy ở trong pháp của Ta, tự chứng nghiệm, tu phạm hạnh, để đoạn tận nguồn khổ.» Đó gọi là thọ giới cụ túc.
Như những gì đã thấy, quán sát trở lại, liền đoạn tận hữu lậu, tâm đặng giải thoát, và phát sanh trí vô ngại giải thoát.
Bấy giờ, trong thế gian có một trăm mười vị A-la-hán; các đệ tử, và đức Phật là một trăm mười một. 4. Long vương Y-la-bát-la
Bấy giờ, Thế Tôn du hóa tại nước Ba-la-nại. Khi ấy có Long vương Y-la-bát-la,[91] vào những ngày mồng tám, mười bốn và rằm,[92] tự ra khỏi cung điện của mình nơi sông Hằng, tay bưng bát bằng vàng đựng đầy thóc bằng bạc, bát bằng bạc đựng đầy thóc bằng vàng, dẫn các long nữ đi theo, nói bài kệ như sau:
Vua gì vua lớn nhất?
Cái nhiễm cùng nhiễm bằng;
Làm sao được vô cấu?
Thế nào là người ngu?
Người nào bị nước cuốn?
Được gì gọi là trí?
Tại sao dòng không chảy?
Mà gọi là giải thoát?
Long vương nói tiếp:
«Người nào giải bày được nghĩa bài kệ này, ta sẽ đem bát bằng vàng đựng đầy thóc bạc, bát bằng bạc đựng đầy thóc bằng vàng và dẫn các long nữ tặng thưởng người ấy. Ta cầu tìm đức Như Lai, Đẳng chánh giác.»
Bấy giờ, mọi người tụ tập thành đám đông rất lớn. Có người đến để xem bát vàng thóc bạc, bát bạc thóc vàng; có người đến để xem long nữ; có người muốn đến để cùng Long vương phân biệt nghĩa của bài kệ.
Lúc đó, có một Phạm chí tên là Na-la-đà ở bên cạnh thành Ba-la-nại, ít cấu bẫn, lợi căn, nhiều trí thông minh. Na-la-đà ra khỏi thành Ba-la-nại, đến chỗ Long vương, nói rằng:
«Tôi muốn giải nghĩa bài kệ đó.»
Long vương Y-la-bát-la hướng về Na-la-đà nói lại bài kệ:
Vua gì vua lớn nhất?
Cái nhiễm cùng nhiễm bằng;
Làm sao được vô cấu?
Thế nào là người ngu?
Người nào bị nước cuốn?
Được gì gọi là trí?
Tại sao dòng không chảy?
Mà gọi là giải thoát?
Long vương nói:
«Người nào giải bày được nghĩa bài kệ này, ta sẽ đem bát bằng vàng đựng đầy lúa bạc, bát bằng bạc đựng đầy lúa bằng vàng và dẫn long nữ tặng thưởng người ấy. Ta cầu tìm đức Như Lai, đẳng chánh giác.»
Phạm chí Na-la-đà nói với Long vương Y-la-bát-la rằng:
«Sau đây bảy ngày tôi sẽ giải bày nghĩa bài kệ này.»
Phạm chí Na-la-đà đọc tụng thuộc lòng bài kệ này rồi trở lại thành Ba-la-nại. Lại nghĩ: «Ở đây sa-môn, bà-la-môn nào tài cao đức cả, để ta hỏi nghĩa của bài kệ này?» Phạm-chí lại nghĩ: «Bất-lan Ca-diếp[93] là người trưởng thượng trong mọi người, là bậc thầy của người, mọi người đều tôn ngưỡng, danh tiếng khắp nơi. Sở tri của ông như biển, được nhiều người cúng dường. Nay ta nên hỏi vị ấy nghĩa của bài kệ này được chăng?»
Bấy giờ, Phạm chí Na-la-đà đến chỗ Ca-diếp hỏi nghĩa bài kệ. Bất-lan Ca-diếp nghe bài kệ xong, thật sự không biết nghĩa của nó, nên không trả lời được, liền cau mày, trợn mắt, giọng nói hung dữ, nổi gân cổ, cơn giận bừng bừng. Phạm chí liền bỏ đi và nghĩ: «Ta sẽ đến đâu để tìm sa-môn, bà-la-môn nào để hỏi nghĩa của bài kệ này.» Đi giữa đường Phạm chí lại nghĩ: «Mạt-khư-lê-cù-xa-li, A-di-đầu-sí-sá-khâm-bà-la, Mâu-đề-xỉ-bà-hưu-ca-chiên-diên, San-nhã-tỳ-la-tra-tử, Ni-kiền Tử, hiện là bậc thầy ở trong mọi người được mọi người đều tôn ngưỡng, xa gần ai cũng biết, sở tri như biển, nhiều người cúng dường. Nay ta nên đến đó để hỏi nghĩa bài kệ nầy.»
Bấy giờ, Phạm chí Na-la-đà đến nơi Mạt-khư-lê-cù-xa-li, cho đến, Ni-kiền Tử. Đem bài kệ này nói cho họ nghe. Nghe xong, vị ấy thật sự không biết nghĩa của nó, nên không trả lời được, liền cau mày, trợn mắt, giọng nói hung dữ, nổi gân cổ, cơn giận bừng bừng. Phạm chí liền bỏ đi và nghĩ: «Ta sẽ đến đâu để tìm sa-môn, bà-la-môn nào để hỏi nghĩa của bài kệ này.» Phạm-chí nghĩ tiếp: «Đại Sa-môn Cù-đàm là bậc thầy trong đại chúng, được mọi người tôn ngưỡng, tiếng đồn khắp nơi. Sở tri rộng như biển, được nhiều người cúng dường. Nay ta nên đến đó để hỏi nghĩa bài kệ này.» Nhưng rồi Phạm chí lại nghĩ: «Những vị sa-môn, bà-la-môn kia lớn tuổi, xuất gia đã lâu, còn không thể giải thích được bài kệ này, huống là Sa-môn Cù-đàm tuổi còn non trẻ, lại mới xuất gia, làm sao giải thích được?» Tuy nhiên, Phạm-chí nghĩ lại: «Tuy tuổi nhỏ ấu trĩ, nhưng không thể khinh. Cũng có người xuất gia tuổi nhỏ, học đạo đắc A-la-hán, thần túc tự tại. Nay ta nên đến đó để hỏi nghĩa bài kệ này.»
Bấy giờ, Phạm chí Na-la-đà ra khỏi thành Ba-la-nại, đến chỗ vườn nai nơi ở Tiên nhơn, đưa tay chào đức Như Lai. Hai bên thăm hỏi xong, ngồi qua một bên thưa đức Thế Tôn rằng:
«Tôi có điều muốn hỏi. Sa-môn Cù-đàm cho phép tôi được hỏi hay không?»
Đức Phật nói:
«Nầy Phạm-chí! Ông muốn hỏi điều chi cứ tùy ý hỏi.»
Bấy giờ Na-la-đà nghĩ: «Các sa-môn, bà-la-môn kia không có được nhan sắc như vậy. Không cởi mở cho ta. Không nói rằng, ‹Tùy ý cứ hỏi.› Vị Sa-môn Cù-đàm này rất là kỳ lạ, hy hữu.»
Phạm chí liền đọc bài kệ:
Vua gì vua lớn nhất?
Cái nhiễm cùng nhiễm bằng;
Làm sao được vô cấu?
Thế nào là người ngu?
Người nào bị nước cuốn?
Được gì gọi là trí?
Tại sao dòng không chảy?
Mà gọi là giải thoát?
Đức Thế Tôn dùng kệ trả lời cho Phạm chí Na-la-đà:
Thứ sáu[94] vua lớn nhất.
Cái nhiễm cùng nhiễm bằng.[95]
Không nhiễm thì vô cấu.
Người nhiễm là người ngu.
Người ngu bị nước cuốn.
Người hay diệt là trí.
Hay xả tất cả giòng.
Trời cho đến thế gian.
Không cùng giòng tương ưng.
Không bị chết mê hoặc.
Hay lấy niệm làm chủ.
Các giòng đều giải thoát.
Bấy giờ Na-la-đà nghe đức Như Lai nói bài kệ này rồi, đọc tụng thuộc lòng xong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, kính lễ sát chân đức Thế Tôn, nhiễu ba vòng, trở về thành Ba-la-nại.
Sau bảy ngày, Y-la-bát-la Long vương ra khỏi long cung, dẫn các long nữ, đem bát vàng đựng đầy lúa bạc, bát bạc đựng đầy lúa vàng đến nói kệ:
Vua gì vua lớn nhất?
Cái nhiễm cùng nhiễm bằng;
Làm sao được vô cấu?
Thế nào là người ngu?
Người nào bị nước cuốn?
Được gì gọi là trí?
Tại sao dòng không chảy?
Mà gọi là giải thoát?
Long vương nói:
«Ai có thể diễn nói nghĩa của bài kệ này, tôi sẽ dùng bát bằng vàng đựng đầy [792a1] lúa bạc, bát bằng bạc đựng đầy lúa bằng vàng và đem các long nữ tặng thưởng vị ấy. Vì muốn cầu tìm Vô thượng, Chánh chơn, Đẳng chánh giác.»
Bấy giờ, có nhiều người tập hợp, hoặc để xem bát vàng đựng lúa bạc, hay bát bạc đựng lúa vàng; hoặc có người đến để xem long nữ; hoặc có người đến để nghe Phạm chí Na-la-đà giải thích nghĩa của bài kệ.
Phạm chí Na-la-đà ra khỏi thành Ba-la-nại, đến chỗ Long cung của Long vương Y-la-bát, nói với Long vương:
«Tôi sẽ vì người phân biệt luận giải từng câu một của bài kệ ấy.»
Long vương liền hướng về Na-la-đà nói kệ:
Vua gì vua lớn nhất?
Cái nhiễm cùng nhiễm bằng;
Làm sao được vô cấu?
Thế nào là người ngu?
Người nào bị nước cuốn?
Được gì gọi là trí?
Tại sao dòng không chảy?
Mà gọi là giải thoát?
Na-la-đà dùng bài kệ trả lời Long vương:
Thứ sáu, vua lớn nhất.
Cái nhiễm cùng nhiễm bằng.
Không nhiễm thì vô cấu.
Người nhiễm là người ngu.
Người ngu bị nước cuốn.
Người hay diệt là trí.
Hay xả tất cả giòng.
Trời cho đến thế gian.
Không cùng giòng tương ưng.
Không bị chết mê hoặc.
Hay lấy niệm làm chủ.
Các giòng đều giải thoát.
Bấy giờ, Long vương Y-la-bát hỏi Phạm chí:
«Tự ông có đủ trí để nói bài kệ này hay là ông được nghe từ sa-môn, bà-la-môn nào rồi nói lại?»
Phạm chí trả lời Long vương:
«Tôi không đủ trí để nói; mà là được nghe từ Sa-môn Cù-đàm Thích tử, xuất gia học đạo thành Vô thượng Chánh chơn, Chánh đẳng giác, rồi nói lại mà thôi.»
Long vương liền nghĩ: «Thích-ca Văn Như Lai, Chí chơn, Chánh đẳng giác đã xuất hiện ở đời chăng? Đã xuất hiện ở đời chăng?»
Long vương liền hỏi Phạm chí:
«Hiện nay đức Như Lai ở chỗ nào?»
Phạm chí nói:
«Hiện nay Ngài đang ở gần tại vườn Nai của Tiên nhơn.»
Long vương nói với Na-la-đà:
«Hãy cùng tôi đến đó để kính lễ đức Như Lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác?»
Bấy giờ, Na-la-đà và Long vương dẫn theo tám vạn bốn ngàn đồ chúng, đến vườn Nai Tiên nhơn vây quanh trước sau chỗ đức Thế Tôn, kính lễ sát chân Ngài, rồi đứng qua một bên. Na-la-đà cùng chào hỏi, rồi ngồi qua một bên.
Trong tám vạn bốn ngàn đồ chúng, có người kính lễ sát chân đức Như Lai, rồi đứng qua một bên; có người đưa cao nắm tay lên, cùng chào hỏi, rồi ngồi xuống một bên; có người hướng về đức Như Lai tự xưng danh tánh, rồi ngồi xuống một bên; có người chắp tay nhìn đức Như Lai, rồi ngồi xuống một bên; có người ngồi lặng lẽ không nói, ngồi xuống một bên.
Tám vạn bốn ngàn đồ chúng ổn định chỗ ngồi rồi, đức Thế Tôn tuần tự vì họ nói pháp tối thắng, khiến họ phát tâm hoan hỷ. Ngài nói pháp về bố thí, về trì giới, về sanh thiên. Ngài chê trách dục là bất tịnh, là hữu lậu, là trói buộc. Ngài tán thán tịnh lạc của sự xuất ly. Bấy giờ Na-la-đà và tám vạn bốn ngàn đồ chúng ngay trên chỗ ngồi sạch các trần cấu, được sự thanh tịnh của con mắt pháp, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng; rồi đến trước bạch Phật rằng:
«Chúng con từ nay về sau, xin quy y Phật, Pháp, Tăng, cúi xin đức Thế Tôn cho phép chúng con làm người ưu-bà-tắc trọn đời không sát sanh, cho đến không uống rượu.»
Bấy giờ Long vương Y-la-bát buồn khóc, không thể ngăn được nước mắt. Rồi lại vui mừng phấn khởi. Na-la-đà hỏi Long vương:
«Tại sao buồn khóc? Vì tiếc bát vàng đựng lúa bạc, bát bạc đựng lúa vàng và long nữ các thứ mà khóc phải không?»
Long vương nói:
«Tôi không phải vì những vật ấy mà buồn khóc đâu. Na-la-đà nên biết, nay ông cần lấy bát vàng đựng lúa bạc, bát bạc đựng lúa vàng thì cứ lấy, chớ có ngại. Nếu ông cần người nữ Sát-lợi, người nữ bà-la-môn, người nữ cư sĩ, người nữ công nghệ trong thành Ba-la-nại, tôi cũng khiến họ trao tặng cho ông. Tại sao vậy? Này Na-la-đà, vì ông không thể cùng với long nữ chung hội được.»
Na-la-đà trả lời Long vương:
«Bát vàng đựng lúa bạc, bát bạc đựng lúa vàng, tôi không cần. Long nữ, tôi cũng không cần. Nay tôi chỉ muốn tu phạm hạnh trong giáo pháp của Như Lai.»
Phạm chí Na-la-đà đã thấy pháp, đắc pháp, thành tựu các pháp, tự biết[96] đặng quả chứng, liền bạch Phật:
«Bạch Thế Tôn, nay con muốn xuất gia tu phạm hạnh trong giáo pháp Như Lai.»
Phật bảo:
«Hãy đến đây, tỳ-kheo! Hãy ở trong pháp của Ta, tự chứng nghiệm, tu phạm hạnh, để đoạn tận nguồn khổ.» Đó gọi là thọ giới cụ túc.
Như trước đã thấy, sau khi quán sát lại nữa, tâm giải thoát khỏi hữu lậu, phát sanh trí vô ngại giải thoát. Bấy giờ trong thế gian, có một trăm mười một vị A-la-hán. Với Phật nữa, là một trăm mười hai vị.
Bấy giờ đức Thế Tôn hỏi Long vương rằng:
«Vì sao ngươi buồn khóc không thể tự ngăn chận được?»
Long vương bạch Phật:
«Kính bạch đức Thế Tôn, con nghĩ xưa kia, khi đức Phật Ca-diếp ra đời, con tu phạm hạnh mà phạm giới, phá hoại lá cây y-la-bát[97] nên mắc phải quả báo thế này. Bạch đức Thế Tôn, do nghiệp báo này nên con sanh trong loài rồng trường thọ. Sau khi đức Như Lai nhập Niết-bàn, chánh pháp diệt tận, con mới chuyển được thân loài rồng này. Con bị mất cả hai điều lợi; không được tu phạm hạnh. Cho nên con buồn khóc, không thể ngăn chận được.»
Bấy giờ đức Thế Tôn lại hỏi Long vương rằng:
«Vì lý do gì ngươi lại vui mừng?»
Long vương thưa:
«Chính con được nghe đức Phật Ca-diếp nói, ‹Sau này sẽ có đức Phật Thích-ca Mâu-ni xuất hiện trong đời, là Như Lai, Chí nhơn, Đẳng chánh giác.› Những điều con thấy hôm nay là đúng như thật không hề sai khác. Con nghĩ, ‹Đây là điều chưa từng có. Sở kiến, tuệ của Như Lai, là như thật, không hai.› Vì điều đó, cho nên con vui mừng phấn khởi, không tự ngăn được.»
Đức Phật bảo Long vương:
«Nay, ngươi hãy quy y Phật, Pháp, Tăng.»
Long vương thưa:
«Nay con xin quy y Phật, Pháp, Tăng.»
Như vậy, trong hàng súc sanh, lần đầu tiên thọ ba tự quy y trước nhất là Long vương Y-la-bát. Đức Thế Tôn dùng bài kệ bảo các tỳ-kheo:
Ta bứt mọi lưới bũa,
Trên trời và trong đời;
Ngươi cũng bứt tất cả
Trên trời và trong đời.[98]
Bấy giờ, ma Ba-tuần dùng bài kệ hướng về Thế Tôn nói:
Ông bị các lưới trói,
Trên trời và trong đời;
Trói bởi mọi thứ lưới,
Sa-môn, không thể thoát.
Đức Thế Tôn cũng dùng bài kệ để trả lời Ba-tuần rằng:
Ta đã thoát tất cả,
Trên trời và trong đời.
Thoát tất cả các lưới;
Ta nay chiến thắng ngươi.
Ba-tuần lại dùng bài kệ để trả lời Phật rằng:
Trong ông có kết phược;
Tâm hành ở trong đó.
Vì vậy nó theo ông;
Sa-môn, không thể thoát.
Đức Thế Tôn lại cũng dùng kệ để trả lời rằng:
Thế gian có năm dục.
Ý thức là thứ sáu.
[793a1] Ta ở trong không dục.
Ta đã chiến thắng người.
Bấy giờ, ma Ba-tuần tự nghĩ: «Như Lai đã thấu suốt ý nghĩ của ta; đã biết tất cả.» Do vậy, nó ôm lòng sầu ưu không vui, ẩn mình mà trở về bản xứ.
Bấy giờ đức Thế Tôn nói với các tỳ-kheo bài kệ này:
Ta nay bứt mọi lưới,
Trên trời và trong đời.
Các ngươi cũng bứt cả,
Trên trời và trong đời.
Đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Các ông hãy du hành trong thế gian. Không nên hai người cùng đi. Nay Ta muốn đến thôn đại tướng ở Ưu-lưu-tần-loa để thuyết pháp.»
Các tỳ-kheo đáp:
«Kính vâng, bạch Thế Tôn.» III. TĂNG PHÁP THỌ GIỚI
1. Sơ chế Pháp
i. Tam ngữ đắc giới
Các tỳ-kheo vâng lời đức Thế Tôn dạy, du hóa trong nhân gian thuyết pháp. Lúc bấy giờ có người nghe pháp sanh lòng tin, muốn thọ giới cụ túc. Các tỳ-kheo dẫn người muốn thọ cụ túc về chỗ đức Như Lai. Khi chưa đến nơi, giữa đường, họ mất lòng tin, nên không được thọ giới cụ túc. Các tỳ-kheo đem việc này bạch lên đức Phật, Phật dạy:
«Từ nay về sau, cho phép các ông trực tiếp cho người xuất gia, thọ giới cụ túc. Nên dạy bảo người muốn thọ giới cụ túc như vầy: bảo cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, cởi bỏ dày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay. Dạy nói như vầy:
«Con tên là ... quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Con xin xuất gia trong giáo pháp của đức Như Lai. Đức Như Lai, bậc Chí chơn, Đẳng chánh giác, là Thế Tôn của con.»
Lần thứ hai, thứ ba cũng nói như vậy. Rồi, nói tiếp:
«Con tên là ..., đã quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Con xin xuất gia trong giáo pháp của đức Như Lai. Đức Như Lai, bậc Chí chơn, Đẳng chánh giác, là Thế Tôn của con.»
Lần thứ hai, thứ ba cũng nói như vậy.
Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau, cho phép nói ba câu[99] như vậy tức là thọ giới cụ túc.»
ii. Bạt-đà-la-bạt-đề
Một thời, đức Thế Tôn trú trong vườn Kiếp-ba[100] tại Uất-bề-la. Bấy giờ có Uất-bề-la Bạt-đà-la-bạt-đề,[101] gồm có năm mươi người đồng bạn, dẫn các phụ nữ đến nơi vườn này, cùng nhau vui chơi. Trong số đồng bạn đó, có một người không có vợ, thuê một dâm nữ dẫn đến vui chơi. Dâm nữ này trộm lấy của cải của người ấy, rồi bỏ trốn; không biết ở đâu. Đồng bọn biết bạn của mình bị mất của, liền rảo khắp vườn để tìm người dâm nữ. Từ xa thấy đức Như Lai tướng mạo đoan chánh, các căn tịch định, họ bèn phát tâm hoan hỷ, đến trước đức Thế Tôn thưa hỏi:
«Đại Sa-môn có thấy một người đàn bà đến đây hay không?»
Đức Phật nói:
«Các cậu là công tử nhà ai? Đi tìm người đàn bà nào?»
Các cậu nói:
«Đại Sa-môn nên biết, Uất-bề-la Bạt-đà-la-bạt-đề, và đồng bạn gồm năm mươi người, cùng các phụ nữ vui chơi trong vườn nầy. Một người trong số đồng bạn không có vợ, nên dùng tiền thuê một dâm nữ dẫn đến cùng vui chơi. Dâm nữ ấy trộm lấy của cải của anh ta rồi bỏ trốn; không biết ở đâu. Nay, chúng tôi vì là đồng bạn đến đây để tìm dâm nữ kia.»
Đức Phật nói:
«Sao các công tử, nên tự tìm chình mình,[102] hay nên tìm người phụ nữ?»
Các cậu trả lời:
«Nên tìm chính mình, hơn là tìm người phụ nữ.»
Đức Phật bảo các cậu:
«Các cậu công tử hãy ngồi lại đây. Ta sẽ nói pháp cho các công tử.»
Bấy giờ, các công tử kính lễ sát chân đức Thế Tôn, rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, đức Thế Tôn vì các cậu nói pháp tối thắng, khiến họ phát tâm hoan hỷ. Ngài nói pháp về bố thí, về trì giới, về sanh thiên. Ngài chê trách dục là bất tịnh, là hữu lậu, là trói buộc. Ngài tán thán tịnh lạc của sự xuất ly. Các công tử ngay trên chỗ ngồi sạch các trần cấu, được sự thanh tịnh của con mắt pháp, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng; rồi đến trước bạch Phật rằng:
«Bạch Thế Tôn, nay con muốn xuất gia tu phạm hạnh trong giáo pháp Như Lai.»
Phật bảo:
«Hãy đến đây, tỳ-kheo! Hãy ở trong pháp của Ta, tự chứng nghiệm, tu phạm hạnh, để đoạn tận nguồn khổ.» Đó gọi là thọ giới cụ túc.
iii. Uất-bề-la Ca-diệp
Một thời đức Thế Tôn du hóa tại Uất-bề-la. Nơi Uất-bề-la[103] có Phạm chí tên là Uất-bề-la Ca-diếp,[104] đang cư trú tại đó. Ông là bậc thầy cao cả đối với năm trăm Phạm chí bện tóc.[105] Người trong nước Ương-già[106] và Ma-kiệt đều xưng là A-la-hán. Đức Thế Tôn đến chỗ Uất-bề-la Ca-diếp, nói:
«Tôi muốn nghỉ lại một đêm trong nhà này,[107] được không?»
Uất-bề-la Ca-diếp trả lời:
«Được thôi. Không có gì trở ngại. Chỉ có điều, trong nhà đó có con độc long cực ác. Sợ nó làm hại ông chăng?»
Đức Phật nói:
«Không can chi. Miễn ông đồng ý. Độc long không hại tôi đâu.»
Ca-diếp trả lời:
«Nhà này rộng rãi. Tùy ý ông cứ nghỉ.»
Bấy giờ, đức Thế Tôn vào trong thạch thất, tự trải tọa cụ, ngồi kết già, thẳng mình chánh ý. Con độc long thấy đức Như Lai ngồi im lặng rồi, liền khạc ra khói mù. Đức Như Lai cũng phóng ra khói mù. Con rồng thấy đức Như Lai phóng ra khói mù, nó lại khạc ra lửa. Như Lai cũng phóng ra lửa.
Bấy giờ, trong thạch thất bốc khói lửa. Ca-diếp từ xa thấy lửa và khói nơi thạch thất, bèn nghĩ: «Sa-môn Cù-đàm rất xinh đẹp. Đáng tiếc là bị độc long làm hại rồi. Không còn nghi ngờ gì nữa.»
Bấy giờ, đức Thế Tôn nghĩ: «Nay Ta hãy bắt con độc long này, không nên gây thương tổn thân nó, mà hàng phục nó.» Như Lai liền dùng thần lực hàng phục độc long, không làm thương tổn đến thân con độc long. Khói và lửa từ thân của độc long phóng ra, từ từ yếu dần. Trong thân Như Lai phóng ra vô số ánh sáng xanh, vàng, đỏ, trắng, lưu ly, pha lê. Đức Như Lai hàng phục con độc long rồi, đựng nó trong bình bát. Sáng sớm, đem đến chỗ Uất-bề-la Ca-diếp và nói:
«Ông muốn biết không? Con độc long mà ông nói đó, tôi đã hàng phục. Hiện đựng trong bát này.»
Ca-diếp nghĩ: «Sa-môn Cù-đàm có đại oai đức, thần túc tự tại, nên mới có thể hàng phục được con độc long này, mà không bị nó làm hại. Sa-môn Cù-đàm này, tuy đạt thần túc tự tại, nhưng sự chứng đắc A-la-hán của ông không bằng sự chứng đắc A-la-hán của ta.»[108]
Ca-diếp nói:
«Đại Sa-môn có thể nghỉ đêm nơi đây, tôi sẽ cung cấp thức ăn»
Đức Phật bảo Ca-diếp:
«Nếu ông tự thân báo giờ đã đến, tôi sẽ nhận lời mời của ông.»
Ca-diếp bạch:
«Đại Sa-môn tạm nghỉ đêm nơi đây. Tôi sẽ đến báo giờ.»
Đức Như Lai sau khi thọ thực chỗ ông Ca-diếp rồi, trở về nghỉ đêm tại thạch thất. Đêm hôm ấy tĩnh mịch, đức Thế Tôn nhập hỏa quang tam-muội, làm cho thạch thất kia sáng rực lên. Trong đêm, Ca-diếp thức dậy, thấy thạch thất tỏa ánh sáng của lửa rực chiếu, liền nghĩ: «Ngài Đại Sa-môn này cực kỳ xinh đẹp, nay nghỉ đêm nơi thạch thất này, bị lửa thiêu mất.» Ca-diếp liền dẫn đồ chúng đến đứng vây xung quanh thạch thất.
Sáng ngày, Ca-diếp bạch Phật:
«Giờ đã đến. Xin mời đến ăn cơm.»[109]
Lại hỏi:
«Đại Sa-môn, đêm qua vì sao có ánh lửa sáng lớn vậy?»
Đức Phật nói:
«Đêm vừa rồi, tôi nhập hỏa quang tam-muội nên thạch thất tỏa ánh sáng chiếu rực.»
Ca-diếp nghĩ: «Đại Sa-môn này có đại oai thần. Trong đêm tịch tĩnh, nhập hỏa quang tam-muội chiếu sáng thạch thất. Sa môn Cù-đàm tuy đã chứng đắc A-la-hán, nhưng không bằng sự chứng đắc A-la-hán của ta.» Sau khi đức Thế Tôn thọ thực chỗ ông Ca-diếp rồi, đến một khu rừng, nghỉ đêm nơi đó.
Sáng ngày, ông Ca-diếp đến chỗ đức Thế Tôn thưa:
«Giờ đã đến. Xin mời đến ăn cơm.»
Đức Phật nói:
«Ông về trước. Tôi sẽ đến sau.»
Đức Thế Tôn bảo ông Ca-diếp về trước, rồi Ngài đến cây diêm-phù-đề. Gọi là Diêm-phù-đề vì nơi đó có cây diêm-phù-đề.[110] Đức Như Lai đến đó lấy trái diêm-phù,[111] rồi đến chỗ Ca-diếp trước, ngồi trên chỗ ngồi dọn sẵn. Ca-diếp về đến sau, thấy Phật đã ngồi trước ở đó, bèn hỏi:
«Đại Sa-môn [794a1] bảo tôi về trước, sao Đại Sa-môn lại đến trước tôi?»
Phật nói với Ca-diếp:
«Tôi bảo ông về trước, rồi tôi đi đến Diêm-phù-đề lấy trái diêm-phù, về đây trước và ngồi ở đây. Trái diêm-phù này, sắc đẹp, thơm, ngon. Ông có thể dùng đi.»
Ông Ca-diếp nói:
«Thôi, thôi, Đại Sa-môn! Như thế đã là cúng dường tôi rồi. Đại Sa-môn tự dùng đi. Đây là trái mà đại Sa-môn nên dùng.»
Ca-diếp nghĩ rằng: «Đại Sa-môn này có thần túc tự tại. Nhưng không chứng đắc A-la-hán như ta đắc A-la-hán.»
Đức Thế Tôn thọ thực chỗ ông Ca-diếp rồi, trở về trú tại khu rừng cũ. Sáng ngày, Ca-diếp đến chỗ đức Phật thưa:
«Giờ đã đến, xin mời Ngài thọ thực.»
Phật bảo:
«Ca-diếp, Ông về trước. Tôi sẽ đến sau.»
Đức Thế Tôn nói với ông Ca-diếp như vậy rồi, Ngài đến Diêm-phù-đề. Cách đó không xa, có cây ha-lê-lặc. Ngài hái lấy trái ha-lê-lặc, rồi đến chỗ Ca-diếp trước, ngồi trên chỗ ngồi dọn sẵn. Ca-diếp về đến sau, thấy Phật đã ngồi trước ở đó, bèn hỏi:
«Đại Sa-môn bảo tôi về trước, sao Đại Sa-môn lại đến trước tôi?»
Phật nói với Ca-diếp:
«Tôi bảo ông về trước, rồi tôi đi đến Diêm-phù-đề. Cách đó không xa, có cây ha-lê-lặc. Tôi đến lấy trái ha-lê-lặc, rồi mới đến đây. Trái ha-lê-lặc này sắc đẹp, thơm ngon, ông có thể dùng đi.»
Ca-diếp nói:
«Thôi, thôi, Đại Sa-môn! Như thế đã là cúng dường tôi rồi. Đại Sa-môn tự dùng đi. Đây là trái mà đại Sa-môn nên dùng.»
Ca-diếp nghĩ rằng: «Đại Sa-môn này có thần túc tự tại. Nhưng không chứng đắc A-la-hán như ta đắc A-la-hán.»
Đức Thế Tôn thọ thực chỗ ông Ca-diếp rồi, trở về trú tại khu rừng cũ. Sáng ngày, Ca-diếp đến chỗ đức Phật thưa:
«Giờ đã đến, xin mời Ngài thọ thực.»
Phật bảo:
«Ca-diếp, Ông về trước. Tôi sẽ đến sau.»
Đức Thế Tôn nói với ông Ca-diếp như vậy rồi, Ngài đi lên phương bắc, đến Uất-đơn-việt,[112] lấy lúa tám tự nhiên,[113] rồi đến chỗ Ca-diếp trước, ngồi trên chỗ ngồi dọn sẵn. Ca-diếp về đến sau, thấy Phật đã ngồi trước ở đó, bèn hỏi:
«Đại Sa-môn bảo tôi về trước, sao Đại Sa-môn lại đến trước tôi?»
Phật nói với Ca-diếp:
«Tôi bảo ông về trước, rồi tôi đi lên phương bắc, đến Uất-đơn-việt, lấy lúa tám cánh tự nhiên, rồi mới lại ngồi đây. Gạo này sắc đẹp thơm ngon, ông có thể lấy dùng.»
Ca-diếp nói:
«Thôi, thôi, Đại Sa-môn! Như thế đã là cúng dường tôi rồi. Đại Sa-môn tự dùng đi. Đây là gạo mà đại Sa-môn nên dùng.»
Ca-diếp nghĩ rằng: «Đại Sa-môn này có thần túc tự tại. Nhưng không chứng đắc A-la-hán như ta đắc A-la-hán.»
Đức Thế Tôn thọ thực chỗ ông Ca-diếp rồi, trở về trú tại khu rừng cũ. Sáng ngày, Ca-diếp đến chỗ đức Phật thưa:
«Giờ đã đến, xin mời Ngài thọ thực.»
Phật bảo:
«Ca-diếp, ông về trước. Tôi sẽ đến sau.»
Đức Thế Tôn nói với ông Ca-diếp như vậy rồi, Ngài đi lên trời Đao-lợi lấy hoa mạn-đà-la, rồi đến chỗ Ca-diếp trước, ngồi trên chỗ ngồi dọn sẵn. Ca-diếp về đến sau, thấy Phật đã ngồi trước ở đó, bèn hỏi:
«Đại Sa-môn bảo tôi về trước, sao Đại Sa-môn lại đến trước tôi?»
Phật nói với Ca-diếp:
«Tôi bảo ông về trước, rồi tôi đi lên trời Đao-lợi, lấy hoa mạn-đà-la,[114] rồi mới lại ngồi đây. Hoa nầy sắc đẹp, mùi thơm sực nức. Ông cần có thể lấy dùng.»
Ca-diếp nói:
«Thôi, thôi, Đại Sa-môn! Như thế đã là cúng dường tôi rồi. Đại Sa-môn tự dùng đi.»
Ca-diếp nghĩ rằng: «Đại Sa-môn này có thần túc tự tại. Nhưng không chứng đắc A-la-hán như ta đắc A-la-hán.»
Đức Thế Tôn thọ thực chỗ ông Ca-diếp rồi, trở về khu rừng cũ nghỉ đêm. Trong đêm ấy Tứ Thiên Vương mang phẩm vật cúng dường đến chỗ đức Thế Tôn để cúng dường và nghe pháp. Trong đêm tối, họ toả ánh sáng chiếu soi bốn phương, giống như một vòm lửa lớn, chấp tay kính lễ sát chân đức Thế Tôn, rồi đứng phía trước. Bấy giờ Ca-diếp thức dậy, thấy trong khu rừng có ánh sáng lớn, chiếu soi bốn phương, giống như một vòm lửa to. Sáng ngày, đến chỗ đức Thế Tôn thưa:
«Giờ đã đến. Xin mời đi ăn cơm.»
Rồi ông hỏi:
«Đại Sa-môn, đêm vừa rồi sao có ánh sáng lớn này, chiếu soi bốn phương, giống như một vòm lửa rực cháy?»
Đức Phật nói với ông Ca-diếp:
«Đêm qua, Tứ Thiên Vương đem phẩm vật cúng dường đến chỗ tôi để cúng dường và nghe pháp. Họ toả ánh sáng chiếu soi bốn phương, chứ chẳng phải là lửa.»
Ca-diếp nghĩ: «Thật là kỳ diệu! Thật là hy hữu! Đại Sa-môn nầy có đại thần lực, khiến cho Tứ Thiên Vương đến nghe pháp. Đại Sa-môn có đại thần túc tự tại. Nhưng không chứng đắc A-la-hán như ta đắc A-la-hán.»
Đức Thế Tôn thọ thực chỗ ông Ca-diếp xong, trở về lại khu rừng cũ. Bấy giờ Thích Đề-hoàn Nhơn[115] đem phẩm vật đến cúng dường và muốn nghe pháp; toả ánh sáng lớn trong đêm tối, chiếu bốn phương, như vòm lửa lớn rực cháy, vượt hơn ánh sáng trước, thanh tịnh không tỳ vết; chấp tay kính lễ đức Như Lai, rồi đứng phía trước để nghe pháp. Ca-diếp trong đêm thức dậy, thấy ánh sáng chiếu bốn phương, hơn cả ánh sáng hôm trước, trong sạch không tỳ vết. Sáng ngày, đến chỗ đức Thế Tôn thưa:
«Giờ đã đến. Xin mời đi ăn cơm.»
Rồi ông hỏi:
«Đại Sa-môn, đêm vừa rồi sao có ánh sáng chiếu soi bốn phương như vòm lửa to rực cháy, hơn cả so với ánh sáng hôm trước, thanh tịnh không tỳ vết. Ánh sáng đó từ đâu mà có?»[116] Chú thích:
[59] Vin. i.5: Phạm thiên Sahampati, Sa-bà thế giới chủ.
[60] Cf. Vin.i. 6: pāturahosi magadhesu pubbe, dhammo asuddho samalehi cintito, «Trước đây, giữa những người Magadha, xuất hiện pháp bất tịnh được tư duy với sự cấu uế.» Sớ giải nói, cấu uế ở đây chỉ nhóm Lục sư Ngoại đạo.
[61] Bất vi nhiễu cố thuyết ...不為嬈故 說. Theo văn cú thông thường mà hiểu: «Không vì nhiễu loạn mà thuyết.» Nhưng đây văn dịch đảo trang, nên phải hiểu là: vi nhiễu cố bất thuyết...vi diệu pháp, vì nhiẽu loạn (=mệt nhọc), nên Ta không nói pháp vi diệu.» Tham chiếu Pali, Vin.i. 7 (Cf. D.ii. 39, M. i. 169): vihiṃsasaññī paguṇaṃ na bhāsiṃ dhammaṃ paṇītaṃ... vì có ấn tượng não hại, Ta đã không giảng thuyết pháp vi diệu.
[62] A-lan-ca-lan 阿蘭迦蘭. Các đoạn trên, âm là A-lam-ca-lam.
[63] Ưu-đà-da phạm-chí 優陀耶梵志. Pali: Upaka ājīvaka, tà mạng ngoại đạo Upaka.
[64] Cam lộ cổ 甘露鼓. Pali: amatadundubhi, trống bất tử.
[65] Bản Pali (Vin, i. 8), Upaka nói: arahosi anantajino’ti, «Ngài xứng đáng là vị Chiến Thắng vô cùng tận.»
[66] Bản Pali: jitā me, «Ta, người đã chiến thắng.»
[67] Nguyên Hán: xưng danh nhữ Như lai 稱名汝如來. Pali (Vin. i. 9): nāmena ca āvusovādena samudācaranti. Gọi (Phật) bằng tên và bằng từ «ông bạn (hiền giả).»
[68] Nhị biên 二邊; chỉ hai cực đoan.
[69] Niết-bàn hành 涅槃行; Pali (Vin. i. 10): nibbānāya saṃvattati, vận chuyển đến Niết-bàn.
[70] Pali: abhiññāya, chứng thắng trí.
[71] Bát chánh đạo, không nên hiểu là tám con đưòng chánh, mà nên hiểu là con đường gồm tám sự chân chánh. Pali: aṭṭhaṅgiko maggo, con đường có tám chi; hay ariyo aṭṭhaṅgiko maggo, Thánh đạo tám chi.
[72] Bản Hán này không có «chánh tư duy» mà thay bằng «chánh hành.»
[73] Văn Hán thiếu đoạn trung chuyển.
[74] Ngũ thạnh ấm khổ 五盛陰苦. Pali: pañcupādānakkhandā dukkhā, năm thủ uẩn là khổ.
[75] Duyên ái bản sở sanh 緣愛本所生. Taṇhā ponobhavikā, ái với khát vọng sự hữu tương lai. Nhưng bản Hán đọc (nhầm) là: taṇhā pubbabhavikā, ái liên hệ với hữu có từ trước. Tuy vậy, bản Việt tạm thời dịch sát y theo Hán.
[76] Pali: nandīrāgasahagatā tatratatrabhinandinī, (ái) câu hành với hỉ tham, ước vọng (tái sinh) nơi này hay nơi kia. Pali, nói thêm: (…) seyyathidaṃ kāmataṇhā bhavataṇhā vibhavataṇhā, đó là dục ái, hữu ái và phi hữu ái.
[77] Vô dục, diệt, xả, xuất yếu, giải thoát, vĩnh tận, hưu tức: tất cả các từ này đồng nghĩa với ái diệt. So sánh Pali: asesavirāganirodho, cāgo, paṭinissago, mutti,…, hoàn toàn ly dục và diệt tận (đối với ái), xả bỏ và thoát ly và giải thoát (khỏi ái).
[78] Hán: vô hữu sào quật 無有樔窟. Pali: anālayo, không còn sự chấp chứa. Xem cht. 46 trên.
[79] Tham chiếu Pali: …pubbe ananussutesu dhammesu cakkhuṃ udapādi, ñāṇaṃ…, paññā…, vijjā…, āloko udapādi, (Thánh đế) đã làm phát sinh con mắt (để thấy) Pháp chưa từng được nghe từ trước; làm phát sinh trí, phát sinh huệ, phát sinh minh, phát sinh ánh sáng (để soi) trên các pháp vốn chưa từng được nghe từ trước.
[80] Có nghĩa là chứng đắc Sơ quả Dự lưu.
[81] Kiều-trần-như 憍陳如 (Pali: Koṇḍañña; Skt. Kauṇḍinya) là tên thật. A-nhã 阿若, là phiên âm từ añña (Pali) hay ajña (Skt.), do bởi Phật khen (Pali, Vin.i. 12): aññasi vata, bho koṇḍañño, aññasi vata, bho koṇḍañño, «Thật sự, ngươi đã biết, Koṇḍañña.»
[82] Lai, tỳ-kheo來比丘 (Pali: ehi bhikkhu); Luật tạng nói đây là sự truyền cụ túc, đắc pháp tỳ-kheo đầu tiên. Các tỳ-kheo được Phật trực tiếp truyền cụ túc gọi là đắc pháp bằng «Thiện lai, tỳ-kheo.» (ehi-bhikkhu-upasampada).
[83] Bố thí, trì giới, sanh thiên, là ba pháp tu chính của người tại gia, trước khi tu bốn Thánh đế. Thêm niệm Phật, Pháp, Tăng, thành pháp Sáu niệm của người tại gia.
[84] Nguyên Hán: bất tăng ích 不增益; các đoạn dười: (bất) tăng trưởng 增長. Tham chiếu Pali: (…) nayidaṃ rūpaṃ ābādhāya saṃvatteyya, «(Nếu…) Sắc này sẽ không đưa đến bịnh khổ.» Có lẽ bản Hán hiểu saṃvatteyya (Skt. saṃvarteya) là tăng thịnh, thay vì dẫn khởi hay dẫn đến. Đây cố dịch sát bản Hán.
[85] Hán tối nghĩa: sắc thị ngã thị bỉ thị bỉ sắc thị ngã thị bỉ thị bỉ 色是我是彼是彼色 是我是彼是彼. Tham chiếu Pali, ibid., etaṃ mama esohamasmi eso me attā, «cái này là của tôi; tôi là cái này; cái này là tự ngã của tôi.»
[86] Da-thâu-già 耶輸伽; hay Da-xá. Pali: Yasa, con trai một thương gia rất giàu có. Vin. i. 15ff.
[87] Thi-khư thành 尸佉城. Có lẽ Skt. śikhi-diś, góc thành đông nam.
[88] Tự thẩm 自審; có sự nhầm lẫn trong bản Hán. Có lẽ: tự tri 自知 Xem cht. 95 đoạn dưới.
[89] Tăng thứ thỉnh 僧次請, và biệt thỉnh 別請.
[90] Bốn người bạn của Da-xá: Vô Cấu 無垢, Thiện Tý 善臂, Mãn Nguyện 滿願, Già-phạm-bà-đề 伽梵婆提. Pali: Vimala, Subāhu, Puṇṇaji, Gavampati.
[91] Y-la-bát-la Long vương 伊羅缽羅龍王. Skt.: Elāpatra (Pali: Erāpatha). Đại trí độ T2525n1509 tr.242c18.): Y-la-bát-đa-la Long vương 伊羅缽多羅. Truyện kể chi tiết, Căn bản Tạp sự 21 (T24n1451 tr.303a06): Hê-la-bát long 醯羅缽龍
[92] Đây kể tháng 15 ngày. Nếu kể tháng 30 ngày, thêm các ngày 23, 19 và 30.
[93] Sáu tôn sư ngoại đạo: Bất-lan Ca-diếp 不蘭迦葉 (Pali: Pūraṇo Kassapo), Mạt-khư-lê-cù-xa-li 末佉梨劬奢離 (Pali: Makkhali-Gosāla), A-di-đầu-sí-sá-khâm-bà-la 阿夷頭翅舍欽婆羅 (Pali: Ajito Kesa-kambalo), Mâu-đề-xỉ Bà-hưu-ca-chiên-diên 牟提侈婆休迦栴延 (Pali: Pakudho Kaccāyano), San-nhã-tỳ-la-tra-tử 訕若毘羅吒子 (Pali: Sañjayo Belaṭṭhi-putto), Ni-kiền Tử 尼揵子 (Pali: Nigaṇṭho Nāta-putto).
[94] Đệ lục 第六; chỉ ý thức.
[95] Căn bản tạp sự, đã dẫn: «Nơi chỗ nhiễm ô mà sinh dính trước.»
[96] Tự tri 自知. Người chứng quả Dự lưu, không thể tự biết; mà cần được Phật thọ ký. Bản Hán có thể nhầm. Hoặc quan điểm của Đàm-vô-đức như vậy chăng?
[97] Y-la-bát 伊羅缽. Skt. elā-pattra, lá cây elā, một loại tiểu đậu khấu, hay hoắc hương.
[98] Loạt các bài kệ, Pali, Vin.i. 21.
[99] Hán: tam ngữ; chỉ ba quy y. Pali, Mahāvagga, Vin. i. 22: anujānāmi, bhikkhave, imehi tīhi saraṇagamanehi pabbajjaṃ upasampadan ti, «Các tỳ-kheo, Ta cho phép xuất gia thọ cụ túc bằng quy y này.» Hán dịch ba quy không đủ ba câu đúng theo công thức. Khiến cho ý nghĩa «tam ngữ» mơ hồ. Trong văn Pali, mỗi quy y là một câu nói.
[100] Kiếp-ba viên 劫波園. Mahāvagga, Vin.i. 23: aññataro vanasaṇḍo, một khu rừng dày nọ; và được giải thích (Jātaka i. 82) là rừng kappāsiya, rừng cây gòn.
[101] Bạt-đà-la-bạt-đề 跋陀羅跋提. Pali: Bhaddavaggiyā; không phải tên riêng một người, mà chỉ một nhóm người. Nhóm này, Mahāvagga, Vin. i. 23, gồm 30 người đàn ông là những vương tôn công tử, 29 bà vợ và một kỹ nữ.
[102] Vin.i. 23: … yaṃ vā attānaṃ gaveseyyātha, hay là nên tìm tự ngã?
[103] Trong bản: Uất-bệ-la-bà giới 鬱鞞羅婆界. Pali: Uruvelā, địa danh đã gặp trên, chỗ Phật thành đạo.
[104] Uất-bề-la Ca-diếp 鬱鞞羅迦葉. Pali: Uruvela-Kassapa.
[105] Loa kế Phạm chí 螺髻梵志; Phạm chí búi tóc hình con sò. Pali: jaṭila, một phái tu khổ hạnh, bện tóc (không bao giờ cắt).
[106] Ương-già 鴦伽; Pali: Aṅga. Một trong 16 đại quốc thời Phật, phía đông Ma-kiệt. Hai nước bấy giờ thân thiện, nên dân chúng coi như một.
[107] Pali: agyāgāre, trong căn nhà thờ lửa.
[108] Mahāvagga, ibid.: na tveva ca kho arahā yathā ahan ti, «Nhưng ông chưa phải là vị A-la-hán như ta.»
[109] Pali nói: kālo, mahāsamaṇa, niṭṭhaṃ bhattaṃ, thưa Đại Sa-môn, đã đến giờ, cơm đã dọn xong. Đây là định cú mời thọ thực trong văn Pali.
[110] Dịch sát Hán, nhưng ý nghĩa lẩn quẩn. Có thể hiểu: «Phật đến cõi Diêm-phù-đề. Gọi là Diêm-phu-đề, vì ở đó có nhiều cây diêm-phù. Rồi Ngài hái quả diêm-phù…»
[111] Diêm-phù quả 閻浮果. Skt: jambu, quả đào đỏ.
[112] Uất-đan-việt 鬱單越; Pali: Uttarakuru-dīpa (Skt. Uttara-dvipa), châu lục phía bắc Tu-di. Xem Trường A-hàm 18, kinh 30 «Thế ký» phẩm Uất-đan-viết, T01, tr. 117tt.
[113] Tự nhiên canh mễ 自然粳米. Pali: akaṭṭhapākasāli, lúa tự chín, không cần gieo trồng. Thứ lúa của loài người thời nguyên thuỷ, và của chúng sinh Bắc Câu-lô châu. Tự nhiên mọc và chín sẵn ngoài đồng. Xem Trường A-hàm 6 (T01, tr. 38a1), Trung A-hàm 39 (T01, tr. 675a19). Pali, D.iii. 87.
[114] Mạn-đà-la hoa 曼陀羅花. Skt. mandāra-puṣpa (pali: mandārava-puppha), thiên diệu hoa; hoa cây san-hô.
[115] Thích Đề-hoàn Nhân 釋提桓因. Pali: Sakko devānam Indo (Skt. śakro devendraḥ), Sakka (Thích-ca), Vua của chư thiên. Cũng thường gọi là Thiên đế Thích.
[116] Bản Hán, hết quyển 32.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.129.71.13 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.