Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tứ Phần Luật [四分律] »» Bản Việt dịch quyển số 36 »»

Tứ Phần Luật [四分律] »» Bản Việt dịch quyển số 36

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.86 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 1.09 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Luật Tứ Phần

Kinh này có 60 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44 | 45 | 46 | 47 |
Việt dịch: Thích Đỗng Minh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng
Hiệu chính và chú thích
2. Lúc bấy giờ, đến ngày thuyết giới, có tỳ-kheo ở một mình tại một trú xứ, tự nghĩ rằng: «Đức Phật chế pháp, nên hòa hợp tập trung lại một chỗ để thuyết giới. Nay ta nên thế nào đây?» Vị ấy liền nói với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
Các ông nên lắng nghe kỹ: Nếu đến ngày thuyết giới, tỳ-kheo ở một mình, tỳ-kheo ấy nên đến nơi thuyết giới đường, lau quét sạch sẽ, trải tọa cụ, múc bình nước súc miệng và rửa chân, thắp đèn, sắp xá-la. Nếu có khách tỳ-kheo đến, bốn vị hay hơn bốn vị thì tác bạch rồi mới thuyết giới.
Nếu có ba vị thì mỗi vị hướng vào nhau nói: ‹Hôm nay là ngày mười lăm, Tăng thuyết giới, tôi tỳ-kheo... thanh tịnh.›[27] Nói như vậy ba lần. Nếu có hai vị cũng hướng vào nhau nói: ‹Hôm nay là ngày mười lăm, Tăng thuyết giới, tôi tên là... thanh tịnh.› Nói như vậy ba lần. Nếu có một vị thì nên tâm nghĩ miệng nói: ‹Hôm nay là ngày mười lăm chúng Tăng thuyết giới, tôi tỳ-kheo tên là... thanh tịnh.› Nói như vậy ba lần.
Nếu ba người thì không được nhận dục thanh tịnh của người thứ tư, và bạch thuyết giới. Hai người thì không được nhận dục thanh tịnh của người thứ ba, mà mỗi người nên nói ba lời. Một người thì không được nhận dục thanh tịnh của người thứ hai, nên tâm niệm nói ba lần.
3. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo phi pháp biệt chúng yết-ma thuyết giới, phi pháp hòa hợp chúng, pháp biệt chúng yết-ma thuyết giới. Các tỳ-kheo đến bạch đức Thế Tôn. Ngài dạy:
Không được phi pháp biệt chúng yết-ma thuyết giới, phi pháp hòa hợp chúng. Không được dùng pháp biệt chúng yết-ma thuyết giới.
Thuyết giới có bốn cách:
Bấy giờ, các tỳ-kheo phi pháp biệt chúng, phi pháp hòa hợp chúng, như pháp biệt chúng, như pháp hòa hợp chúng yết-ma thuyết giới. Nếu tỳ-kheo kia phi pháp biệt chúng yết-ma thuyết giới thì vị kia không thành thuyết giới. Nếu phi pháp hòa hợp chúng, như pháp biệt chúng yết-ma thuyết giới, thì không thành thuyết giới. Chỉ có như pháp hòa hợp chúng yết-ma thuyết giới, gọi là thuyết giới. Nên thuyết giới như vậy, đó là pháp của Ta.
2. Dữ dục
1. Bấy giờ, đến ngày thuyết giới, Tăng tập hợp vì có Tăng sự. Đức Thế Tôn bảo:
«Nay có việc của Tăng, các tỳ-kheo tĩnh lặng.[28]»
Có tỳ-kheo đến bạch Phật:
«Bạch Đại đức! Có tỳ-kheo bệnh không đến được.»
Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau, cho phép dữ dục.[29] Người nhận dục nên đem dục đến.» Vị kia nên gởi dục như vầy: Nên nói, ‹Tôi gởi dục nơi Đại đức›, hay nói, ‹Tôi thuyết dục›, hay nói, ‹Nhớ thuyết dục dùm tôi›, hoặc ra dấu để dữ dục; tất cả đều thành dữ dục. Hoặc nói đầy đủ để dữ dục thì thành dữ dục. Nếu không hiện thân tướng, miệng không thuyết dục thì không thành dữ dục, cần phải dữ dục trở lại.
Nếu tỳ-kheo nhận dục đến chỗ tỳ-kheo bệnh để nhận dục; nhận dục rồi qua đời, hoặc đi chỗ khác, hoặc thôi tu, hoặc vào trong ngoại đạo, hoặc vào nơi bộ chúng khác, hoặc đến trên giới trường, hoặc minh tướng xuất hiện, hoặc tự nói phạm biên tội, hoặc phạm tỳ-kheo-ni, hoặc tặc tâm làm sa-môn, hoặc phá nội ngoại đạo, hoặc huỳnh môn, hoặc sát phụ mẫu, sát A-la-hán, hoặc đấu loạn chúng Tăng, hoặc với ác tâm làm thân Phật ra máu, hoặc phi nhơn, hoặc súc sanh, hoặc hai hình, hoặc bị cử, hoặc diệt tẫn, hoặc đáng diệt tẫn, hoặc nương thần túc ở trên không, hoặc lìa chỗ thấy nghe; tất cả không thành dữ dục, phải gởi dục cho người khác. Trường hợp đến giữa đường hay đến trong Tăng cũng như vậy. Nếu người nhận dục ngủ, hoặc nhập định hay quên; không cố ý làm như vậy thì thành dữ dục. Nếu cố ý không nói thì phạm đột-kết-la. Nếu bệnh nhân có thể làm được như vậy thì tốt, bằng không thì dìu tỳ-kheo bệnh đến, hay để trên giường cây, giường dây khiêng đến trong Tăng. Nếu sợ khua động tỳ-kheo bệnh ảnh hưởng đến căn bệnh có thể bị chết, thì tất cả chúng Tăng nên đến xung quanh chỗ tỳ-kheo bệnh để tác yết-ma. Nếu số tỳ-kheo bệnh đông mà tập trung được lại một chỗ thì tốt, bằng không thì các tỳ-kheo phải ra ngoài giới tác yết-ma. Không có cách nào được phép biệt chúng tác yết-ma.
2. Bấy giờ, [822a1] đến ngày thuyết giới, chúng Tăng tập hợp lại một chỗ để thuyết giới, đức Thế Tôn bảo các tỳ-kheo:
«Đã đến giờ thuyết giới các ông nên tĩnh lặng.»
Bấy giờ có tỳ-kheo nọ bạch đức Thế Tôn rằng:
«Hiện có tỳ-kheo bệnh không đến được.»
Đức Phật dạy:
Từ nay về sau cho phép gởi sự thanh tịnh,[30] cho phép tỳ-kheo đến nhận sự thanh tịnh. Tỳ-kheo kia nên gởi như sau: Nói «Tôi thanh tịnh» tức thành gởi sự thanh tịnh, cho đến, nói đầy đủ để gởi sự thanh tịnh như pháp dữ dục trên, thì thành gởi sự thanh tịnh. Nếu thân không hiện tướng, miệng không nói lên sự thanh tịnh thì không thành gởi sự thanh tịnh. Cũng như pháp gởi dục trên kia, pháp gởi sự thanh tịnh cũng vậy. Nếu người nhận thanh tịnh đến chỗ tỳ-kheo bệnh nhận sự thanh tịnh; khi nhận sự thanh tịnh rồi thì mạng chung hay đi nơi khác, hoặc thôi tu, hoặc gia nhập chúng của ngoại đạo, hoặc vào bộ chúng khác, hoặc đến trên giới trường, hoặc tướng bình minh xuất hiện, hoặc tự nói phạm biên tội, hoặc phạm tỳ-kheo-ni, hoặc tặc tâm làm sa-môn, hoặc phá nội ngoại đạo, hoặc huỳnh môn, hoặc sát cha mẹ, sát A-la-hán, hoặc đấu loạn chúng Tăng, hoặc với ác tâm làm thân Phật ra máu, hoặc phi nhơn, hoặc súc sanh, hoặc hai hình, hoặc bị cử, hoặc diệt tẫn, hoặc đáng diệt tẫn, hoặc nương thần túc ở trên không, hoặc lìa chỗ thấy nghe; thảy đều không thành gởi sự thanh tịnh, cần gởi cho người khác.
Trường hợp đến giữa đường hoặc đến trong chúng cũng như vậy. Người nhận sự thanh tịnh hoặc ngủ, hoặc nhập định hoặc quên, mà không cố ý làm như vậy thì thành gởi sự thanh tịnh. Nếu vị ấy cố ý không nói thì phạm đột-kết-la. Nếu tỳ-kheo bệnh có thể làm như vậy được càng hay, bằng không thể làm được thì nên dìu người bệnh đến hay để trên giường dây, giường cây khiêng đến trong Tăng.
Bấy giờ, các tỳ-kheo nghĩ rằng: Nếu khiêng tỳ-kheo bệnh đến sợ bệnh tình tăng thêm, hoặc đưa đến mạng chung, chúng Tăng nên đến đó tác yết-ma thuyết giới. Nếu có số đông tỳ-kheo bệnh thì tập hợp lại một chỗ được thì càng hay, nếu không thì các tỳ-kheo nên ra ngoài giới để tác yết-ma thuyết giới. Nếu không ra ngoài giới thì không được biệt chúng tác yết-ma thuyết giới, không có cách nào cho phép biệt chúng yết-ma thuyết giới.
Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo gởi dục mà không gởi thanh tịnh, trong Tăng có sự việc khởi lên, không thuyết giới được. Bấy giờ, tỳ-kheo mang dục đến nói:
«Tôi đem dục đến chứ không đem được sự thanh tịnh.» Việc yết-ma thuyết giới được đình lại, khiến các tỳ-kheo mỏi mệt, nên đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
Từ nay về sau, khi gởi dục nên gởi thanh tịnh. Nên nói như sau: «Tôi gởi dục và thanh tịnh cho thầy.»
Nhóm sáu tỳ-kheo dựa theo sự việc, nói:
«Tôi gởi dục và thanh tịnh cho thầy theo sự việc này.»
Trong tăng có nhiều việc khác khởi lên, bấy giờ tỳ-kheo đem dục đến nói:
«Tôi đem dục và thanh tịnh cho sự việc này chứ không đem dục và thanh tịnh cho việc khác.» Do vậy, công việc bị đình lại. Các tỳ-kheo đều bị mỏi mệt, đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không được theo từng sự việc mà gởi dục và thanh tịnh. Cho phép gởi dục và thanh tịnh cho Tăng sự như pháp.»
Trường hợp tỳ-kheo nhận dục thanh tịnh hoặc qua đời, hoặc thôi tu, hoặc vào trong chúng của ngoại đạo, hoặc vào bộ chúng khác, hoặc đến trên giới trường, hoặc dấu hiệu bình minh xuất hiện. Các tỳ-kheo nghĩ, «Gởi dục và thanh tịnh như vậy bị mất hay không?»
Đức Phật dạy:
«Bị mất.»
Trường hợp tỳ-kheo nhận dục và thanh tịnh trên đường đi bị cách trở,[31] hay nạn giặc, nạn thú dữ, hoặc nước lụt, không thể đến nơi được, bèn từ ngoài cương giới[32] mà đến trong Tăng-già-lam gởi dục thanh tịnh. Các tỳ-kheo nghĩ, có bị mất dục và thanh tịnh chăng ?
Đức Phật dạy:
«Không mất.»
Từ nay về sau cho phép tỳ-kheo gởi dục và thanh tịnh gặp mạng nạn, phạm hạnh nạn, hoặc trong giới mà không đến được trong Tăng, cho phép từ ngoài cương giới mà đến trong Tăng gởi dục và thanh tịnh, như vậy không bị mất dục. Gởi dục thanh tịnh như vậy là đúng lời Ta dạy.
Bấy giờ, các tỳ-kheo nhận dữ dục thanh tịnh một người rồi, nghi không dám nhận dục thanh tịnh người thứ hai. Đức Phật dạy: «Cho phép nhận.»
Vị kia nhận dục thanh tịnh hai người rồi, lại nghi không dám nhận dục thanh tịnh người thứ ba. Đức Phật dạy: «Cho phép nhận.»
Vị kia nhận dục thanh tịnh ba người rồi, lại nghi không dám nhận dục thanh tịnh người thứ tư. Đức Phật dạy: «Cho phép nhận.»
Đức Phật dạy tiếp: «Nếu có thể nhớ tên bao nhiêu thì tùy theo đó nhận nhiều hay ít. Nếu không thể nhớ tên thì nói họ, không thể nhớ họ thì nói tướng mạo. Không nhớ tướng mạo thì nói số đông tỳ-kheo như pháp Tăng sự dữ dục thanh tịnh.»
3. Thuyết giới
4. Bấy giờ, có một nơi, đến ngày thuyết giới, đại chúng tập hợp thuyết giới, nhưng âm thanh nhỏ, đại chúng không nghe được. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau, cho phép đứng giữa chúng để thuyết giới. Nếu đứng nói mà vẫn không nghe thì nên lập tòa rất cao giữa chúng để ngồi nói. Nếu vẫn không nghe thì nên làm toà cao chuyển luân[33] đứng ngang tầm tay với, từ nơi đó thuyết giới.
«Khi tụng bị quên hay lộn thì tỳ-kheo ngồi gần nên nhắc. Nếu vẫn quên thì vị tỳ-kheo thứ hai nên thay thế để nói. Nên nói tiếp theo chứ không được nói trở lại.»
5. Trường hợp có việc xảy ra cho tỳ-kheo đem dục thanh tịnh, như việc Tăng, việc Phật, việc Pháp, việc tỳ-kheo bệnh. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
Từ nay về sau, cho phép chuyển trao dục thanh tịnh cho các tỳ-kheo khác. Nên nói như sau: ‹Tôi nhận dục thanh tịnh cho số đông tỳ-kheo. Vị kia và bản thân tôi, Tăng sự như pháp, gởi dục thanh tịnh.›
6. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo nói đến tên Hòa thượng, A-xà-lê. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không được gọi tên Hòa thượng, A-xà-lê.»
Các tỳ-kheo hỏi với nhau, Hòa thượng, A-xà-lê của thầy tên là gì? Vị kia không dám trả lời.
Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Nếu có người hỏi thì cho phép xưng tên của Hòa thượng, A-xà-lê.»
Trường hợp tỳ-kheo hành ba-lợi-bà-sa, bổn nhật trị, ma-na-đỏa, a-phù-ha-na, hoặc khi yết-ma lập chế, hoặc khi thọ giới, hoặc khi sai người, hoặc khi giải (yết-ma) thì nên xưng tên Hòa thượng, A-xà-lê.
Khi tỳ-kheo có nhơn duyên nên xưng tên Hòa thượng, A-xà-lê mà không dám xưng. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy: «Nếu có nhân duyên thì cho phép xưng danh tự Hòa thượng, A-xà-lê.»
Nếu tỳ-kheo bận việc nên dữ dục thanh tịnh, dữ dục rồi, công việc xong, sanh nghi không dám đến chỗ thuyết giới. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Nếu công việc xong nên đến, không đến nên như pháp trị.»
Nhóm sáu tỳ-kheo có ý nghĩ không đến chỗ thuyết giới do sợ tỳ-kheo khác vì mình tác yết-ma ngăn không cho thuyết giới. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không được như vậy.»
Vị kia lại nghĩ không đến chỗ thuyết giới sợ vì thân hữu tri thức của ta tác yết-ma hoặc ngăn việc thuyết giới. Đức Phật dạy:
«Không được như vậy.»
Vị kia lại nghĩ, ta đến chỗ thuyết giới không ngồi, sợ các tỳ-kheo khác vì ta tác yết-ma, hoặc ngăn thuyết giới. Đức Phật dạy:
«Không được như vậy.»
Nếu vì thân hậu tri thức mà đến chỗ thuyết giới không ngồi, cũng như vậy.
8. Bấy giờ, có trú xứ, đến ngày thuyết giới, chúng Tăng tập hợp đông. Khi sắp thuyết giới, nghe có giặc đến, thảy đếu sợ hãi nên rời chỗ ngồi bỏ đi, [823a1] không thành thuyết giới. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau, khi tám nạn sự khởi, hoặc có các duyên, cho phép thuyết giới lược. Tám nạn sự là: Vua, giặc cướp, lửa, nước, bệnh, nhơn, phi nhơn, ác trùng. Các duyên khác là: đại chúng tập hợp đông mà chỗ ngồi ít, hoặc phần đông trong chúng bị bệnh, thì cho phép thuyết giới lược.»
«Trường hợp đại chúng tập hợp đông mà trên chỗ ngồi che không hết, hoặc trời mưa thì cho thuyết giới lược. Hoặc bố-tát nhiều,[34] đêm đã khuya, hoặc có tranh cãi, hoặc luận biện A-tỳ-đàm, Tỳ-ny, hoặc nói pháp quá khuya. Từ nay về sau, cho phép tất cả chúng chưa đứng dậy, khi dấu hiệu bình minh chưa xuất hiện nên tác yết-ma thuyết giới, chứ không có cách nào có thể được phép thọ dục và thanh tịnh cách đêm[35] yết-ma thuyết giới.»
Tỳ-kheo nọ có ý nghĩ, vì nạn duyên cho phép thuyết giới lược, nạn duyên chưa đến gấp, chúng ta có thể thuyết giới đầy đủ. Tỳ-kheo kia nên thuyết giới đầy đủ; không thuyết giới đầy đủ, sẽ như pháp trị.
Tỳ-kheo nọ có ý nghĩ, nạn duyên này đã đến gần, chúng ta không thể thuyết giới đầy đủ, chỉ có thể nói đến chín mươi việc. Vị tỳ-kheo nọ nên nói chín mươi việc; không nói sẽ như pháp trị.
Các tỳ-kheo có ý nghĩ, nạn sự đã đến gần, chúng ta không thể thuyết giới đầy đủ đến chín mươi việc, mà chỉ có thể nói đến ba mươi việc thì nên nói đầy đủ ba mươi việc; không nói sẽ như pháp trị.
Các tỳ-kheo nghĩ, nạn sự này gần, chúng ta nói đầy đủ ba mươi việc không được, chỉ có thể nói đến hai pháp bất định. Tỳ-kheo nên nói đến hai pháp bất định; không nói sẽ như pháp trị.
Bấy giờ, các tỳ-kheo khởi nghĩ, nạn sự gần quá, chúng ta không thể nói đầy đủ đến hai pháp bất định, có thể nói đến mười ba việc. Vị kia phải nói đến mười ba việc, không nói sẽ như pháp trị.
Các tỳ-kheo kia nghĩ, nạn sự này gần, không thể nói đến mười ba việc, có thể nói đến bốn việc. Tỳ-kheo kia nên nói bốn việc; không nói sẽ như pháp trị.
Tỳ-kheo kia nghĩ, nạn sự này, chúng ta nói bốn việc không được, chỉ có thể nói bài tựa của giới. Vị kia phải nói đến bài tựa của giới; không nói sẽ như pháp trị.
Bấy giờ, các tỳ-kheo nghĩ, nạn sự này đến rồi, chúng ta nói bài tựa của giới không được. Do nhân duyên của nạn sự này, các tỳ-kheo phải từ chỗ ngồi đứng dậy đi liền.
Năm cách nói pháp: Nói bài tựa rồi, còn lại nên nói ‹Như Tăng thường nghe.› Nói bài tựa và bốn việc rồi, còn lại nên nói ‹Như Tăng thường nghe.› Nói bài tựa, bốn việc và mười ba việc rồi, còn lại nên nói ‹Như Tăng thường nghe.› Nói bài tựa, bốn việc, mười ba việc, và hai việc rồi, còn lại nên nói ‹Như Tăng thường nghe.› Nói đầy đủ là thứ năm. Như vậy gọi là năm cách thuyết giới.
Lại có năm cách nói: Nói bài tựa và bốn việc rồi, còn lại nên nói ‹Như Tăng thường nghe.› Nói bài tựa, bốn việc và mười ba việc rồi, còn lại nên nói ‹Như Tăng thường nghe.› Nói bài tựa, bốn việc, mười ba việc và hai việc rồi, còn lại nên nói ‹Như Tăng thường nghe.› Nói bài tựa, mười ba việc, hai việc và ba mươi việc rồi, còn lại nên nói ‹Như Tăng thường nghe.› Nói đầy đủ là thứ năm.
Lại có năm cách nói: Nói bài tựa, bốn việc, và mười ba việc rồi, còn lại nên nói ‹Như Tăng thường nghe.› Nói bài tựa, bốn việc, mười ba việc, hai việc, và hai việc rồi, còn lại nên nói ‹Như Tăng thường nghe.› Nói bài tựa, bốn việc, mười ba việc, hai việc, và ba mươi việc rồi, còn lại nên nói ‹Như Tăng thường nghe.› Nói bài tựa, bốn việc, mười ba việc, hai việc, ba mươi việc, chín mươi việc rồi, còn lại nên nói ‹Như Tăng thường nghe.› Nói đầy đủ là cách thứ năm. Như vậy gọi là năm cách thuyết giới.
9. Thế Tôn ở tại thành La-duyệt, trong núi Kỳ-xà-quật. Bấy giờ có một tỳ-kheo tên là Na-na-do[36] tâm loạn cuồng si, có khi nhớ ngày thuyết giới, có khi không nhớ, có khi đến có khi không đến. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
Từ nay về sau, trao cho tỳ-kheo Na-na-do pháp bạch nhị yết-ma tâm loạn cuồng si, theo phương thức như sau: Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo Na-na-do nầy tâm loạn cuồng si, có khi nhớ ngày thuyết giới, có khi không nhớ; có khi đến, có khi không đến. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, trao cho tỳ-kheo này yết-ma tâm loạn cuồng si, hoặc nhớ, hoặc không nhớ, hoặc đến, hoặc không đến đối với việc Tăng tác yết-ma thuyết giới. Đây là lời tác bạch.
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo Na-na-do nầy tâm loạn cuồng si, hoặc nhớ ngày thuyết giới, hoặc không nhớ, hoặc đến, hoặc không đến. Nay Tăng trao cho tỳ-kheo Na-na-do yết-ma tâm loạn cuồng si, hoặc nhớ, hoặc không nhớ, hoặc đến, hoặc không đến đối với việc yết-ma thuyết giới. Các trưởng lão nào chấp thuận, Tăng trao cho Na-na-do này pháp cuồng si tâm loạn, nhớ không nhớ, đến không đến đối với việc yết-ma thuyết giới thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.
«Tăng đã chấp thuận, trao cho tỳ-kheo Na-na-do yết-ma cuồng si tâm loạn, nhớ không nhớ, đến không đến rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»
Có ba loại cuồng si: Một là khi thuyết giới, nhớ không nhớ, đến không đến. Hai là loại cuồng si nhớ thuyết giới mà không đến. Ba là loại cuồng si không nhớ thuyết giới, không đến. Trong ba loại cuồng si này, loại có nhớ thuyết giới, không nhớ thuyết giới, có đến không đến, tỳ-kheo như vậy chúng Tăng nên trao cho yết-ma cuồng si. Vị kia nhớ thuyết giới mà không đến, chúng Tăng không nên trao yết-ma cuồng si. Vị cuồng si không nhớ thuyết giới cũng không đến, không được trao yết-ma cuồng si.
Tỳ-kheo kia, Tăng trao yết-ma rồi, sau đó bệnh cuồng si chấm dứt, khởi nghĩ, «Nay ta nên làm thế nào?» Vị ấy liền thưa với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
Nếu người cuồng si được trao yết-ma rồi, sau đó bệnh cuồng si hết, nên bạch nhị yết-ma để giải, theo pháp thức như sau: Tỳ-kheo Na-na-do nên đến giữa chúng Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay thưa:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tôi là tỳ-kheo Na-na-do, trước đây mắc bệnh cuồng si. Khi thuyết giới, hoặc nhớ hoặc không nhớ, hoặc đến, hoặc không đến, Tăng đã cho tôi yết-ma bệnh cuồng si. Nay tôi trở lại được chánh niệm, cầu giải yết-ma cuồng si.»
Cầu xin như vậy ba lần. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo Na-na-do nầy, trước đây mắc bệnh cuồng si. Khi thuyết giới, hoặc nhớ hoặc không nhớ, hoặc đến hoặc không đến, chúng Tăng đã trao cho yết-ma cuồng si, sau đó bệnh cuồng si hết, nay tỳ-kheo này cần cầu giải yết-ma bệnh cuồng si. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận cho phép giải yết-ma bệnh cuồng si. Đây là lời tác bạch.
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo Na-na-do nầy, trước kia mắc bệnh cuồng si. Khi thuyết giới hoặc nhớ hoặc không nhớ, hoặc đến hoặc không đến, Tăng đã trao cho pháp yết-ma bệnh cuồng si, sau khi trao yết-ma rồi, bệnh cuồng si chấp dứt, nay tỳ-kheo này cần cầu chúng Tăng giải yết-ma cuồng si. Các trưởng lão nào đồng ý Tăng giải yết-ma cuồng si cho tỳ-kheo Na-na-do[824a1] thì im lặng, vị nào không đồng ý xin nói.
«Tăng đã chấp thuận giải yết-ma bệnh cuồng si cho tỳ-kheo Na-na-do rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»
Bấy giờ, các tỳ-kheo đều nghĩ, người được trao cho pháp yết-ma cuồng si rồi, sau đó bệnh lành, được giải yết-ma bệnh cuồng si; thời gian sau, bệnh cuồng si lại trở lại, có được trao pháp yết-ma lại hay không?
Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau, tùy theo bệnh cuồng si phát khởi thì trao pháp yết-ma, khi bệnh cuồng si hết thì giải.»
10. Khi đức Thế Tôn ở nước Chiêm-bà, bên bờ sông Già-già, vào ngày thứ mười lăm thuyết giới, thì bấy giờ, Ngài ngồi nơi đất trống, chúng Tăng ngồi vây xung quanh. Phần đầu của đêm đã qua, bước sang phần giữa của đêm, Tôn giả A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa với đức Phật rằng:
«Đầu đêm đã qua, cúi xin đức Thế Tôn thuyết giới.»
Đức Thế Tôn im lặng. Tôn giả A-nan thấy đức Phật im lặng, liền trở về chỗ ngồi. Đầu đêm, giữa đêm đã qua, Tôn giả A-nan lại từ chỗ ngồi đứng dậy, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch Phật:
«Đầu đêm, giữa đêm đã qua, cúi xin đức Thế Tôn thuyết giới.»
Đức Thế Tôn vẫn im lặng. Tôn giả thấy đức Thế Tôn im lặng, liền trở về chỗ ngồi. Đầu đêm giữa đêm cuối đêm đều đã qua, dấu hiệu bình minh đã xuất hiện, các loài chim bắt đầu kêu. Tôn giả liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch Phật:
«Đầu đêm giữa đêm và cuối đêm đều đã qua, dấu hiệu bình minh đã xuất hiện, các loài chim đã bắt đầu kêu, chúng Tăng ngồi đã lâu, cúi xin đức Thế Tôn thuyết giới. Đức Phật bảo A-nan:
«Trong chúng có người bất tịnh. Nếu trong chúng có người bất tịnh mà muốn cho Như Lai thuyết giới với một chúng như vậy, không có lý đó.»
Bấy giờ, Tôn giả A-nan im lặng về lại chỗ ngồi. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nghĩ, trong chúng này có ai bất tịnh nên đức Như Lai mới nói, ‹Nếu trong chúng có người bất tịnh mà muốn cho Như Lai thuyết giới với một chúng như vậy, không có lý đó.› Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền quán sát nhơn tâm của chúng, liền thấy có một vị bất tịnh, ngồi cách đức Như Lai không xa, chẳng phải sa-môn mà xưng là sa-môn, chẳng phải phạm hạnh mà nói là phạm hạnh, phạm giới, phạm ác pháp, bất tịnh ô uế, tà kiến, che dấu ác nghiệp, bên trong ôm ấp sự hủ mục, giống như bộng cây không khác. Thấy như vậy rồi, Tôn giả liền nghĩ chính do người này mà đức Phật nói với Tôn giả A-nan, ‹Nếu trong chúng có người bất tịnh mà muốn cho Như Lai thuyết giới với một chúng như vậy, không có lý đó.› Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đến chỗ người kia nói:
«Ngươi đứng dậy! Đức Như Lai đã thấy ngươi rồi, đã biết ngươi rồi. Ngươi phải mau mau đứng dậy, ra khỏi chỗ này, không được ở nơi đây.»
Bấy giờ, Tôn giả Mục-liên nắm tay vị ấy kéo ra ngoài cửa, rồi trở vào, đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân và bạch Phật:
«Trong chúng đã thanh tịnh, cúi xin đức Thế Tôn thuyết giới.»
Đức Phật nói với Tôn giả Mục-liên:
«Hiện tại, ông không được làm như vậy, và sau này cũng không được làm như vậy. Này Mục-liên! Từ nay về sau cho phép tác tự ngôn trị. Nếu không tự ngôn thì không được trị. Từ nay về sau, các ông tự tác yết-ma thuyết giới.»
Đức Phật bảo Tôn giả Mục-liên:
«Đây là lần thuyết giới cuối cùng của Như Lai. Tại sao vậy? Người có phạm không được dự thuyết giới. Người có phạm không được nghe giới. Không được hướng đến người phạm giải tội. Người có tội không được giải tội cho người khác.»
Đức Phật bảo Tôn giả Mục-liên:
«Nước biển có tám điều hy hữu, cho nên A-tu-la thích sống nơi đó. Tám điều ấy là:
«Tất cả các dòng sông đều chảy dồn về nơi đó. Đó là một kỳ đặc, A-tu-la thích vui sống.
«Lại nữa, nầy Mục-liên, nước biển thường còn, không mất quy luật sóng biển của nó. Đó là kỳ đặc thứ hai của nước biển mà A-tu-la thích vui sống.
«Lại nữa, Mục-liên, năm dòng sông lớn như sông Hằng, sông Diêm-ma, Na-tát-la, A-di-la-bà-đề-ma, khi đã chảy nhập vào biển thì cái tên cũ của nó đều mất. Đó là đặc kỳ thứ ba của biển mà A-tu-la thích vui sống.
«Lại nữa, nầy Mục-liên, nước năm dòng sông lớn nầy và nước mưa đều chảy về biển mà nước biển không tăng giảm. Đây là kỳ đặc thứ tư mà A-tu-la thích vui sống.
«Lại nữa, toàn bộ nước biển đều cùng một vị là mặn. Đó là kỳ đặc thứ năm của biển mà A-tu-la thích vui sống.
«Lại nữa, nầy Mục-liên, nước biển không chấp nhận thây chết. Dầu có thây chết thì gió biển cũng đưa nó vào bờ. Đây là kỳ đặc thứ sáu của biển mà A-tu-la thích vui sống.
«Lại nữa, này Mục-liên, nước biển sản xuất nhiều trân bảo đặc biệt mà nơi lục địa không có. Các loại trân bảo ấy như vàng bạc, chơn châu, lưu ly, san hô, xa cừ, mã não. Đó là kỳ đặc thứ bảy của biển mà A-tu-la thích vui sống.
«Lại nữa, nầy Mục-liên, nơi đại hải, loài sinh vật có thân hình lớn cư trú nơi đó. Loài sinh vật có thân hình lớn bề dài đến cả một trăm do tuần, hai trăm do tuần, ba trăm do tuần cho đến bảy trăm do tuần. Đây là kỳ đặc thứ tám của biển mà A-tu-la thích vui sống.
«Do tám đặc tánh này của biển cả mà A-tu-la thích vui sống nơi đó. Cũng như vậy, nầy Mục-liên, trong giáo pháp của Ta cũng có tám đặc tánh, khiến cho các đệ tử sau khi thấy rồi đều tự mình thích vui sống trong đó. Tám đặc tánh ấy là:
«Như nước biển lớn đều do tất cả mọi dòng sông chảy về, cũng vậy, Mục-liên, các đệ tử của Ta lần lượt học giới cũng đều trở về giáo pháp của Ta, ở trong đó học các pháp lành. Như vậy, này Mục-liên, đây là một kỳ đặc khiến các đệ tử thấy rồi tự mình thích vui sống.
«Này Mục-liên, cũng nước biển thường còn, không mất quy luật sóng biển của nó; các đệ tử của Ta trụ ở trong giới cho đến trọn đời không phạm. Đó là kỳ đặc thứ hai khiến các đệ tử thấy rồi tự mình thích vui sống.
«Này Mục-liên, như nước năm dòng sông lớn khi chảy về biển cả thì tên cũ của nó đều mất, chỉ còn gọi là biển; cũng như vậy, Mục-liên, trong giáo pháp của Ta bốn chủng tánh Sát-lợi, Bà-la-môn, Tỳ-xá, Thủ-đà, với đức tin kiên cố từ bỏ gia đình xuất gia học đạo thì cái tên cũ không còn được gọi mà chỉ xưng là Sa-môn Thích tử. Đó là đặc tánh thứ ba của giáo pháp Ta, khiến các đệ tử thấy rồi tự mình thích vui sống.
«Này Mục-liên, cũng như nước năm dòng sông lớn và nước mưa đều chảy về biển mà nước biển không tăng giảm; cũng như vậy, Mục- liên, trong giáo pháp của Ta các tộc tánh, với lòng tin kiên cố từ bỏ gia đình xuất gia học đạo vào cảnh giới vô dư Niết-bàn mà cảnh giới vô dư Niết-bàn không tăng không giảm. Đó là đặc tính thứ tư trong giáo pháp của Ta, khiến các đệ tử thấy rồi tự mình thích vui sống.
«Mục-liên, cũng như nước trong biển cả đồng một vị mặn; giáo pháp của Ta đồng một vị giải thoát. Này Mục-liên, Đây là đặc tánh thứ năm trong giáo pháp của Ta, khiến các đệ tử thấy rồi tự mình thích vui sống.
«Mục-liên, cũng như biển cả không chấp nhận thây chết. Dầu có thây chết thì gió biển cũng đưa vào bờ. Trong giáo pháp của ta cũng như vậy, không chấp nhận thây chết. Thây chết là chẳng phải sa-môn mà tự xưng là sa-môn, chẳng phải phạm hạnh mà tự xưng là phạm hạnh, phạm giới, ác pháp, bất tịnh ô uế, tà kiến, che dấu nghiệp bất thiện, bên trong ôm ấp sự hư mục giống như cây bị thúi trong ruột, tuy ngồi ở trong chúng mà thường xa lìa chúng Tăng, chúng Tăng cũng không gần họ. Mục-liên, đây là đặc tánh thứ sáu trong giáo pháp của Ta, khiến các đệ tử thấy rồi tự mình thích vui sống.
«Mục-liên, cũng như [825a1] nước biển cả sản xuất nhiều trân bảo khác lạ, nơi lục địa không thể có như vàng, bạc, chơn châu, lưu ly, san hô, xa cừ, mã não. Trong giáo pháp của Ta cũng sản xuất nhiều trân bảo, như tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, tứ thiền, ngũ căn, ngũ lực, thất giác ý, bát hiền Thánh đạo. Như vậy, này Mục-liên, đó là kỳ đặc thứ bảy trong giáo pháp của Ta, khiến các đệ tử thấy rồi tự mình thích vui sống.
«Này, Mục-liên, cũng như nước trong biển cả là nơi cư trú của nhiều loài vật có thân hình lớn hằng trăm do tuần, cho đến bảy trăm do tuần. Cũng như vậy, này Mục-liên, trong giáo pháp của Ta cũng dung chứa các đại hình, như trong chúng Tăng những vị hướng đến Tu-đà-hoàn, đặng quả Tư-đà-hàm, cho đến những vị hướng đến A-la-hán, đặng quả A-la-hán. Này, Mục-liên, đây là kỳ đặc thứ tám ở trong giáo pháp của Ta, khiến các đệ tử thấy rồi tự mình thích vui sống.»
11. Trường hợp một trú xứ đến ngày thuyết giới, có số đông tỳ-kheo ngu si tập trung lại một chỗ, mời vị Thượng tọa thuyết giới. Vị Thượng tọa nói:
«Trước đây tôi không tụng giới.»
Kế đó, mời Trung tọa, Hạ tọa thuyết giới. Các vị cũng đều trả lời:
«Không tụng.»
Do vậy không thành thuyết giới. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Số đông tỳ-kheo ngu si không nên tập trung ở một chỗ, để rồi không biết giới, lại không biết thuyết giới, không biết bố-tát, không biết yết-ma bố-tát. Từ nay về sau chế định, tỳ-kheo năm tuổi phải yết-ma tụng giới. Nếu không yết-ma tụng giới thì sẽ như pháp trị.»
Bấy giờ, có số đông tỳ-kheo ngu si, tập trung ở một chỗ, mời các Thượng tọa thuyết giới. Các Thượng tọa nói:
«Trước đây chúng tôi có tụng, nhưng nay quên rồi.»
Kế đó, mời Trung tọa, Hạ tọa thuyết giới. Các vị cũng đều trả lời:
«Trước đây có tụng, nhưng nay quên hết rồi.»
Do đó không thành thuyết giới. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Số đông tỳ-kheo ngu si không được tập trung ở một chỗ, để rồi không biết giới, lại không biết thuyết giới, không biết bố-tát, không biết yết-ma bố-tát. Từ nay về sau chế định, tỳ-kheo năm tuổi phải tụng giới, tụng yết-ma cho thông suốt. Nếu không thuộc sẽ như pháp trị. Từ nay về sau cho phép nương nơi tỳ-kheo có khả năng tụng giới để hạ an cư.»
Bấy giờ, có tỳ-kheo nương nơi vị tụng giới hạ an cư. Trong thời gian an cư vị tụng giới mạng chung. Các tỳ-kheo nghĩ, chúng ta làm thế nào đây? Các tỳ-kheo liền đến bạch lên đức Phật. Đức Phật dạy:
«Các ông lắng nghe! Nếu có tỳ-kheo nương theo tỳ-kheo tụng giới hạ an cư; trong khi an cư, vị tụng giới mạng chung, hoặc đi xa hoặc thôi tu, hoặc gia nhập chúng ngoại đạo, hoặc đến trong bộ chúng khác, hoặc phạm biên tội, hoặc phạm tỳ-kheo-ni, hoặc làm sa-môn với tâm giặc, hoặc phá nội ngoại đạo, hoặc huỳnh môn, hoặc sát phụ mẫu, sát A-la-hán, hoặc đấu loạn chúng Tăng, hoặc với ác tâm làm thân Phật ra máu, hoặc phi nhơn, hoặc súc sanh, hoặc hai hình. Nếu chưa đến thời kỳ hậu an cư thì nên đến nơi trú xứ gần đó kết hậu an cư. Nếu không được thì nên mời vị ở gần, có khả năng tụng luật đến để an cư. Nếu đã hậu an cư rồi, các tỳ-kheo nên đến nơi trú xứ gần học tụng. Có vị học được bài tựa, hay tụng bốn việc, hoặc tụng mười ba việc, hoặc hai bất định, hoặc ba mươi việc, chín mươi việc, hoặc tụng pháp dư tàn. Vị kia tụng được bao nhiêu thì trở về lại trú xứ dạy lại cho một người tụng. Nếu một người không thể tụng hết thì tùy theo người trước người sau nối tiếp nhau tụng, chứ không được tụng trở lại. Nếu được như vậy thì tốt, bằng không thì chỉ nên thuyết pháp, tụng kinh rồi giải tán.»
Bấy giờ, Nan-đà có người đệ tử thông minh, có khả năng liệu việc. Bạt-nan-đà nói với người ấy rằng:
«Ông cùng tôi du hành trong nhân gian.»
Người kia nói:
«Chờ tôi một chút để tôi về xin phép Hòa thượng tôi đã.»
Người kia đến chỗ Nan-đà thưa:
«Xin Hòa thượng cho phép con cùng Bạt-nan-đà du hành trong nhân gian.»
Nan-đà trả lời: «Tùy ý ông.»
Bấy giờ, các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Nan-đà:
«Tại sao thầy lại cho đệ tử của mình theo Bạt-nan-đà du hành trong nhân gian? Trong khi Bạt-nan-đà là người si, không biết giới, không biết thuyết giới, không biết bố-tát, không biết yết-ma bố-tát.»
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên, đem sự việc này bạch đầy đủ lên đức Phật. Đức Phật dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, biết mà Ngài vẫn cố hỏi Nan-đà rằng:
«Ông có thuận cho đệ tử cùng với Bạt-nan-đà du hành trong nhân gian hay không? Trong khi Bạt-nan-đà là người si, không biết giới, không biết thuyết giới, không biết bố-tát, không biết yết-ma bố-tát.»
Nan-đà thưa:
«Bạch Đức Thế Tôn, đúng như vậy.»
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách Nan-đà:
«Ông làm việc sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nan-đà, sao ông lại khiến đệ tử cùng Bạt-nan-đà du hành trong nhân gian; trong khi ông ấy là người si, không biết giới, không biết thuyết giới, không biết bố-tát, không biết yết-ma bố-tát?»
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách Nan-đà rồi bảo các tỳ-kheo:
«Các ông lắng nghe! Nếu có đệ tử xin phép Hòa thượng để đi xa thì Hòa thượng nên hỏi đệ tử, ông đi vì mục đích gì? Ai là bạn đồng đi với ông? Ông đến chỗ nào? Nếu việc kinh dinh[37] là sai quấy, hoặc bạn đồng hành sai quấy, nhân vật ở chỗ sẽ đến là sai quấy thì nên ngăn đừng cho đi. Nếu việc kinh dinh là sai quấy, nhân vật ở chỗ sẽ đến cũng sai quấy, mà bạn đồng hành tuy có tốt thì cũng nên ngăn đừng cho đi. Nếu việc kinh dinh là sai quấy, chỗ sẽ đến là tốt, bạn đồng hành bất thiện, thì cũng nên ngăn đừng cho đi. Nếu việc kinh dinh là sai quấy, chỗ sẽ đến thì tốt, bạn đồng hành là kẻ thiện, cũng nên ngăn đừng cho đi. Nếu việc kinh dinh là tốt, chỗ sẽ đến không tốt, bạn đồng hành cũng không tốt, nên ngăn khiến đừng đi. Việc kinh dinh là tốt, chỗ sẽ đến tốt, bạn đồng hành không tốt, cũng nên ngăn đừng cho đi. Việc kinh dinh là tốt, chỗ sẽ đến tốt, bạn đồng hành cũng tốt, thì nên cho phép đi.»
12. Có trú xứ nọ, nhiều tỳ-kheo ngu si tập trung ở với nhau. Bấy giờ, Tôn giả Ưu-ba-ly là tỳ-kheo khách đến trú xứ này. Các tỳ-kheo ngu si ở trong chúng nầy đều không nghinh tiếp, đón rước, thừa sự. Do không có sự nghinh tiếp thừa sự đúng lễ nên trong ngày ấy Ưu-ba-ly lìa khỏi trú xứ này. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Các ông lắng nghe! Trú xứ nào có nhiều tỳ-kheo ngu si tập trung ở một chỗ, mà có khách tỳ-kheo có khả năng nói pháp, trì luật, trì ma-di,[38] có thể nói nghĩa khế kinh đến; các tỳ-kheo ở đó khi nghe, phải ra ngoài trú xứ nửa do tuần đón rước, thừa sự nghinh tiếp, cung cấp nước tắm rửa, các thứ cần dùng, thức ăn thức uống. Nếu không vậy sẽ như pháp trị.»
4. Sám hối
13. Trường hợp trú xứ chỉ có một tỳ-kheo ở, ngay ngày thuyết giới phạm tội, tự tâm suy nghĩ, «Đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không được hướng tới người phạm tội sám hối, người phạm tội không được nhận người khác sám hối, nay ta nên làm thế nào?» Vị ấy liền nói với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Các ông lắng nghe! Nếu ngày thuyết giới có tỳ-kheo phạm tội, suy nghĩ rằng, đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, [826a1] không được hướng tới người phạm tội sám hối, người phạm tội không được nhận sự sám hối của người khác. Tỳ-kheo kia nên đến chỗ tỳ-kheo thanh tịnh, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay. Vị tỳ-kheo thanh tịnh kia là bậc Thượng tọa thì nên kính lễ sát chân, tự xưng tên tội đã phạm, tác bạch:
«Đại đức nhớ cho, tôi tỳ-kheo tên là... phạm tội... nay đến trước Đại đức sám hối, không dám che dấu. Sám hối thì an vui, không sám hối không an vui. Tôi nhớ nghĩ có phạm tội, phát lồ, biết mà không che dấu. Nguyện trưởng lão nhớ cho, tôi thanh tịnh, giới thân đầy đủ thanh tịnh bố-tát.»
Thưa như vậy ba lần. Vị kia nên nói:
«Ngươi nên sanh tâm yểm ly.»
Tỳ-kheo trả lời:
«Vâng.»
Tác pháp như vậy rồi mới được phép nghe thuyết giới.»
Bấy giờ, đến ngày thuyết giới có một tỳ-kheo đối với vấn đề phạm tội có sự nghi ngờ, tự nghĩ rằng, «Đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không được hướng đến người phạm tội sám hối, người phạm tội không được nhận sự sám hối của người khác. Nay ta nên làm thế nào?» Vị ấy liền thưa với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Các ông lắng nghe! Ngày thuyết giới, có tỳ-kheo đối với tội phạm sanh nghi, tự nghĩ, đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không được hướng đến người phạm sám hối, người phạm không được nhận sự sám hối của người khác. Tỳ-kheo kia nên đến trước tỳ-kheo thanh tịnh, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay. Nếu vị ấy là bậc Thượng tọa thì nên kính lễ sát chân, tự xưng tên tội đã phạm, tác bạch như sau:
«Tôi tên là... đối với việc phạm tội sanh nghi, nay hướng đến Đại đức tự nói lên điều đó. Sau này, khi không còn sự nghi ngờ nữa, tôi sẽ sám hối như pháp.»
Thưa như vậy rồi mới được phép nghe giới.»
Bấy giờ, đến ngày thuyết giới, chúng Tăng tập hợp lại một chỗ, muốn thuyết giới. Ngay khi sắp thuyết giới, có tỳ-kheo phạm tội tự nghĩ, «Đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không được hướng đến người phạm tội sám hối, người phạm tội không được nhận sự sám hối của người khác. Nay ta nên làm thế nào?» Vị ấy nói với vị thuyết giới rằng: «Ngưng một chút! khoan thuyết giới! Tôi phạm tội. Tôi muốn đến trưởng lão để sám hối.»
Trong khi vị ấy nói như vậy, cả chúng ồn ào. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Các ông nên lắng nghe ! Nếu có trú xứ nào, chúng Tăng tập hợp lại một chỗ, muốn thuyết giới. Ngay khi thuyết giới, có tỳ-kheo phạm tội. Tỳ-kheo ấy bị người cử tội hay không, hoặc tác ức niệm, hoặc không tác ức niệm, tự nhớ tội mà phát lồ, tự biết có tội như vậy, nên nói với người một bên rằng: ‹Tôi phạm tội... nay hướng đến trưởng lão sám hối.› Vị ấy nghĩ, dầu chỉ nói với người bên cạnh cũng sợ ồn ào, chúng Tăng không thành thuyết giới, Tỳ-kheo kia nên tâm niệm đợi khi giải tán rồi sẽ như pháp sám hối. Với tâm niệm như vậy rồi, mới được phép nghe thuyết giới.»
Bấy giờ, chúng Tăng tập hợp lại một chỗ muốn thuyết giới. Ngay khi sắp thuyết giới, có tỳ-kheo đối với tội sanh nghi, bèn nghĩ, ‹Đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không được hướng đến người phạm sám hối, người phạm tội không được nhận sự sám hối của người khác. Nay ta nên làm thế nào?» Vị ấy liền nói với người thuyết giới rằng: «Thầy ngưng một chút. Tôi nghi có phạm tội.... muốn đến trưởng lão nói lên điều đó.»
Trong khi vị ấy nói như vậy, cả chúng ồn ào. Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Các ông nên lắng nghe! Nếu chúng Tăng tập hợp tại một chỗ muốn thuyết giới, ngay khi thuyết giới có tỳ-kheo đối với tội sanh nghi. Tỳ-kheo kia có bị cử tội hay không, có tác ức niệm hay không, vị kia nhớ lấy điều tội lỗi, nên nói với vị ngồi gần rằng: ‹Tôi đối với tội có sanh nghi, nay hướng đến trưởng lão nói lên điều đó, đợi giải tán rồi, lúc không còn nghi nữa, sẽ như pháp sám hối.›
«Vị ấy lại nghĩ, ta hướng đến vị ngồi gần nói như vậy, sợ ồn ào trở ngại việc thuyết giới chúng Tăng, thì vị kia nên tâm niệm: đợi giải tán rồi, khi không còn nghi nữa, sẽ như pháp sám hối. Với tâm niệm như vậy rồi, được phép nghe thuyết giới.»
Bấy giờ, đến ngày thuyết giới, có trú xứ nọ tất cả Tăng đều phạm tội nên nghĩ, «Đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không được đến người phạm tội sám hối, người phạm tội không được nhận sự sám hối của người khác. Chúng ta nên làm thế nào?» Những tỳ-kheo này liền thưa với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Các ông lắng nghe! Nếu có trú xứ nào, tất cả Tăng đều phạm tội, nên nghĩ rằng, đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không được đến người phạm tội sám hối, người phạm tội không được nhận sự sám hối của người khác. Trường hợp như vậy, nếu có khách tỳ-kheo thanh tịnh không phạm tội đến thì nên tới chỗ vị ấy, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay, nếu là bậc thượng tọa thì nên kính lễ sát chân rồi tự xưng tội phạm của mình, bằng văn bạch như sau:
«Tôi tên là... phạm tội.... nay hướng đến Đại đức để nói lên điều đó.»
Vị nhận sám nên nói:
«Ngươi nên sanh tâm nhàm chán.»
Tỳ-kheo thưa:
«Xin vâng.»
Nếu không có khách tỳ-kheo đến thì nên sai hai, ba vị đến nơi chúng tỳ-kheo thanh tịnh ở gần, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay, tự xưng tội phạm của mình, bằng lời tác bạch như sau:
«Tôi phạm tội... nay hướng đến các Đại đức để nói lên điều đó.»
Vị nhận sám nên nói:
«Ngươi nên sanh tâm nhàm chán.»
Phạm nhơn thưa:
«Xin vâng.»
Tỳ-kheo này nên trở về lại trú xứ. Tỳ-kheo nơi trú xứ đó nên hướng đến vị tỳ-kheo này để nói lên tội phạm của mình rồi sẽ thuyết giới.»
Bấy giờ, có trú xứ nọ, tất cả Tăng đều nghi mình có tội và đều nghĩ, «Đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không được đến người phạm tội sám hối, người phạm tội không được nhận sự sám hối của người khác. Chúng ta nên làm thế nào?» Các vị liền thưa với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Các ông hãy lắng nghe! Nếu trú xứ nào đó, tất cả đối với tội sanh nghi, do đó nghĩ, đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không được đến người phạm tội sám hối, người phạm tội không được nhận sự sám hối của người khác. Trường hợp này, nếu có khách tỳ-kheo thanh tịnh không phạm đến, thì nên tới chỗ vị ấy, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, nếu là bậc Thượng tọa thì nên kính lễ sát chân rồi, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay tự xưng tội phạm của mình, bằng văn bạch như sau:
«Tôi đối với tội sanh nghi, nay hướng đến Đại đức để nói lên điều đó, đợi sau này, khi không còn nghi nữa, sẽ như pháp sám hối.»
Nếu không có khách tỳ-kheo đến thì nên sai hai, ba vị tỳ-kheo đến nơi chúng tỳ-kheo thanh tịnh ở gần, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay. Nếu là bậc Thượng tọa thì nên kính lễ sát chân rồi, tự xưng tội phạm của mình, bằng lời tác bạch:
«Tôi đối với tội sanh nghi, nay hướng đến Đại đức để nói lên điều đó, đợi sau này không còn nghi, sẽ như pháp sám hối.»
Tỳ-kheo kia trở về trú xứ cũ. Các tỳ-kheo nên hướng đến tỳ-kheo này nói lên tội phạm của mình rồi, sau đó mới thuyết giới.
Bấy giờ, chúng Tăng tập hợp lại một chỗ muốn thuyết giới. Ngay khi thuyết giới, tất cả chúng Tăng đều phạm tội, nên nghĩ, «Đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không [827a1] được hướng đến người phạm tội sám hối, người phạm tội không được nhận sự sám hối của người khác. Chúng ta nên làm thế nào?» Họ liền thưa với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Các ông nên lắng nghe! Chúng Tăng tập hợp lại một chỗ muốn thuyết giới. Ngay khi thuyết giới, tất cả chúng Tăng đều phạm tội, nên mọi người tự nghĩ, ‹Đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không được hướng đến người phạm tội sám hối, người phạm giới không được nhận sự sám hối của người khác.› Các tỳ-kheo kia tác bạch rồi mới sám hối, bằng lời văn như sau:
«Đại đức tăng xin lắng nghe! Tất cả Chúng Tăng nầy đều phạm tội. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận tất cả Tăng xin sám hối. Đây là lời tác bạch.»
Bạch như vậy rồi sau đó mới thuyết giới.»
Bấy giờ, chúng Tăng tập hợp lại một chỗ muốn thuyết giới. Ngay khi thuyết giới, tất cả chúng Tăng đối với tội có điều nghi, nên mọi người tự nghĩ, «Đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không được hướng đến người phạm tội sám hối, người phạm tội không được nhận sự sám hối của người khác. Chúng ta nên làm thế nào?» Họ liền thưa với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Các ông lắng nghe! Nếu chúng Tăng tập hợp lại một chỗ muốn thuyết giới. Ngay khi thuyết giới tất cả Tăng đối với tội sanh nghi, nên nghĩ, ‹Đức Thế Tôn chế giới, người phạm tội không được thuyết giới, không được nghe giới, không được hướng đến người phạm tội sám hối, người phạm tội không được nhận sự sám hối của người khác.› Tất cả Tăng đó nên tác bạch rồi, mới nói tội phạm, bằng lời văn như sau:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Tất cả Tăng ở đây đối với tội có điều nghi. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, chúng Tăng ở đây tự nói lên tội của mình. Đây là lời tác bạch.»
Tác bạch rồi, sau đó mới thuyết giới.»
Bấy giờ, đến ngày thuyết giới, tất cả Tăng đều phạm tội, song không biết tên tội đã phạm, không biết tướng của tội. Các tỳ-kheo tự nghĩ, «Chúng ta nên làm thế nào?» Họ liền thưa với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Các ông lắng nghe! Ngày thuyết giới, tất cả Tăng đều phạm tội mà không biết tên tội, không biết tội tướng. Trường hợp này, nếu có khách tỳ-kheo trì Pháp, trì Luật, trì Ma-di đến, nên tới chỗ vị đó, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay thưa:
«Bạch đại đức! Có tỳ-kheo làm như vậy, như vậy, thì thuộc về tội phạm gì?» Vị trì Luật kia trả lời, làm như vậy thuộc về tội v.v… Khách tỳ-kheo biết tỳ-kheo kia dễ dàng nhận sự dạy bảo thì dẫn đến chỗ vắng. Khiến các tỳ-kheo đứng chỗ mắt thấy tai không nghe, sai vị ấy sám hối như pháp. Sám hối rồi, vị ấy trở về chỗ các tỳ-kheo kia. Các tỳ-kheo nói như vầy:
«Tỳ-kheo này phạm tội, nay đã sám hối.»
Các tỳ-kheo khác còn lại tin tỳ-kheo ấy đã sám hối như vậy là tốt, bằng không tin sự sám hối của vị ấy thì các tỳ-kheo còn lại ấy không được cưỡng bức khiến sám hối.»
5. Hạn kỳ
Bấy giờ, đến ngày thuyết giới, có khách tỳ-kheo tới. Khách tỳ-kheo thuyết giới ngày mười bốn, cựu trú tỳ-kheo thuyết giới ngày mười lăm. Các tỳ-kheo không biết nên như thế nào, liền thưa với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Các ông lắng nghe! Nếu có trú xứ, vào ngày thuyết giới có khách tỳ-kheo tới với số ít. Khách thuyết giới ngày mười bốn, cựu tỳ-kheo ngày mười lăm. Khách tỳ-kheo ít, nên theo cựu Tỳ-kheo. Nếu không như vậy sẽ như pháp trị.»
Bấy giờ, có trú xứ, ngày thuyết giới đến, có khách tỳ-kheo tới, số lượng bằng với cựu Tỳ-kheo. Khách tỳ-kheo thuyết giới ngày mười bốn, cựu tỳ-kheo thuyết giới ngày mười lăm. Khách tỳ-kheo bằng với cựu tỳ-kheo thì nên theo cựu Tỳ-kheo. Nếu không theo sẽ như pháp trị.
Nếu ngày thuyết giới đến, có khách tỳ-kheo tới với số đông. Khách tỳ-kheo thuyết giới ngày mười bốn, cựu tỳ-kheo thuyết giới ngày mười lăm. Cựu tỳ-kheo ít nên theo khách tỳ-kheo để cần sự hòa hợp. Nếu hòa hợp được thì tốt. Bằng không, cựu tỳ-kheo nên ra ngoài giới để thuyết giới.
Ngày thuyết giới đến, có trú xứ nọ, khách tỳ-kheo tới với số ít. Khách tỳ-kheo thuyết giới ngày mười lăm, cựu tỳ-kheo thuyết giới ngày mười bốn. Khách tỳ-kheo ít nên theo cựu tỳ-kheo để cầu sự hòa hợp. Nếu cùng hòa hợp được thì tốt. Bằng không, khách tỳ-kheo nên ra ngoài giới thuyết giới.
Ngày thuyết giới đến, có khách tỳ-kheo trú xứ khác tới bằng với số lượng cựu Tỳ-kheo. Khách tỳ-kheo thuyết giới ngày mười lăm, cựu tỳ-kheo thuyết giới ngày mười bốn. Khách tỳ-kheo bằng, nên theo cựu tỳ-kheo để cầu sự hòa hợp. Nếu hòa hợp được thì tốt. Bằng không, khách tỳ-kheo nên ra ngoài giới để thuyết giới.
Ngày thuyết giới đến, có khách tỳ-kheo trú xứ khác tới với số đông. Khách tỳ-kheo thuyết giới ngày mười lăm, cựu tỳ-kheo thuyết giới ngày mười bốn. Cựu tỳ-kheo ít, nên theo khách tỳ-kheo để cầu sự hòa hợp. Nếu theo được thì tốt. Bằng không, sẽ như pháp trị.
Ngay ngày thuyết giới khách tỳ-kheo đến với số lượng ít. Khách tỳ-kheo thuyết giới ngày mười sáu,[39] cựu tỳ-kheo thuyết giới ngày mười lăm cũng như vậy.
Ngày thuyết giới có trú xứ, cựu tỳ-kheo tập hợp muốn thuyết giới. Khi đang thuyết giới, khách tỳ-kheo đến với số ít. Các vị ấy nghĩ, «Chúng ta nên làm thế nào?» Họ liền thưa các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Nếu ngày thuyết giới, có trú xứ mà cựu tỳ-kheo tập hợp muốn thuyết giới; khi đang thuyết giới, khách tỳ-kheo đến với số lượng ít. Cựu tỳ-kheo nếu đã thuyết tựa giới xong thì khách tỳ-kheo nên bạch thanh tịnh, rồi tiếp tục nghe. Nếu thuyết giới xong, cả chúng chưa đứng dậy, hoặc số đông chưa đứng dậy, hoặc đều đã đứng dậy, khách tỳ-kheo ít, nên báo thanh tịnh. Không báo thanh tịnh, sẽ như pháp trị.»
Ngày thuyết giới cựu tỳ-kheo sắp sửa thuyết giới. Khách tỳ-kheo đến với số lượng bằng. Cựu tỳ-kheo nên cùng thuyết giới. Không thuyết, sẽ như pháp trị. Nếu thuyết giới đã xong rồi, nhưng cả chúng chưa đứng dậy, hoặc phần đông chưa đứng dậy; hoặc đều đã đứng dậy; khách tỳ-kheo đến với số lượng bằng, cựu tỳ-kheo nên cùng thuyết giới trở lại. Không vậy, sẽ như pháp trị.
Bấy giờ, đến ngày thuyết giới, có trú xứ, cựu tỳ-kheo tập hợp muốn thuyết giới. Lúc ấy, có khách tỳ-kheo đến với số lượng đông, cựu tỳ-kheo nên cùng thuyết giới, không vậy sẽ như pháp trị. Nếu thuyết giới rồi cả chúng chưa đứng dậy, hoặc phần đông chưa đứng dậy, hoặc đều đã đứng dậy, khách tỳ-kheo đến với số đông, cựu tỳ-kheo nên cùng thuyết giới trở lại.[40] Không vậy sẽ trị như pháp.
Bấy giờ, có trú xứ, đến ngày thuyết giới, khách tỳ-kheo đã ngồi, sắp sửa thuyết giới, cựu tỳ-kheo đến với số lượng ít. Nếu khách tỳ-kheo đã nói xong bài tựa của giới thì cựu tỳ-kheo nên cáo bạch thanh tịnh, rồi tiếp tục nghe. Nếu thuyết giới rồi cả chúng chưa đứng dậy, hoặc phần đông chưa đứng dậy; hoặc đều đã đứng dậy, cựu tỳ-kheo đến với số lượng ít thì nên cáo bạch thanh tịnh, bằng không sẽ như pháp trị.
Bấy giờ, có trú xứ, đến ngày thuyết giới, khách tỳ-kheo đã ngồi, muốn thuyết giới, cựu tỳ-kheo đến với số lượng bằng. Khách tỳ-kheo nên cùng thuyết giới, không vậy, sẽ như pháp trị. Nếu thuyết giới đã xong rồi, cả chúng chưa đứng dậy, hoặc phần đông chưa đứng dậy; hoặc đều đã đứng dậy. Cựu tỳ-kheo đến với số lượng bằng, khách tỳ-kheo nên cùng thuyết giới trở lại. Không vậy, sẽ như pháp trị.
Bấy giờ, có trú xứ đến ngày thuyết giới, khách tỳ-kheo đã ngồi muốn thuyết giới. Cựu tỳ-kheo đến với số đông, khách tỳ-kheo nên cùng thuyết giới, không vậy sẽ như pháp trị. Nếu thuyết giới rồi cả chúng chưa đứng dậy, hoặc phần đông chưa đứng dậy, hoặc đều đã đứng dậy, cựu tỳ-kheo đến với số đông, khách tỳ-kheo nên cùng thuyết giới trở lại. Không vậy sẽ như pháp trị.
Cựu tỳ-kheo thuyết giới, cựu tỳ-kheo đến cũng như vậy. Khách tỳ-kheo thuyết giới, khách tỳ-kheo đến [828a1] cũng như vậy.
Bấy giờ, có trú xứ nọ, đến ngày thuyết giới, có khách tỳ-kheo đến, biết cựu tỳ-kheo chưa đến, bèn nói: «Nếu chúng ta có bốn người, hoặc hơn bốn người, có thể tác yết-ma thuyết giới.» Họ bèn tác yết-ma thuyết giới. Khi tác yết-ma thuyết giới, cựu tỳ-kheo đến, khách tỳ-kheo nghĩ, «Chúng ta nên giải quyết thế nào?»
Họ liền báo cáo với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Các ông lắng nghe! Nếu ngày thuyết giới, trú xứ kia có khách tỳ-kheo đến, biết cựu tỳ-kheo chưa đến, nên nói, ‹Chúng ta có bốn người, hoặc hơn bốn người, có thể tác yết-ma thuyết giới.› Họ liền tác yết-ma thuyết giới. Khi tác yết-ma thuyết giới, cựu tỳ-kheo đến với số lượng ít hơn. Nếu đã nói xong bài tựa của giới thì nên báo thanh tịnh, rồi tiếp tục nghe. Nếu thuyết giới xong, cả chúng chưa đứng dậy, hoặc phần đông chưa đứng dậy, hoặc đều đã đứng dậy, cựu tỳ-kheo đến với số lượng ít hơn thì nên báo thanh tịnh. Không vậy, sẽ như pháp trị.
Bấy giờ, có trú xứ, đến ngày thuyết giới, có khách tỳ-kheo đến, biết cựu tỳ-kheo chưa đến, họ nói chúng ta có bốn người, hoặc hơn bốn người, có thể tác yết-ma thuyết giới. Họ liền tác yết-ma thuyết giới. Khi tác yết-ma thuyết giới, cựu tỳ-kheo đến với số lượng ngang bằng, khách tỳ-kheo nên thuyết giới lại, nếu không sẽ như pháp trị. Nếu thuyết giới rồi, cả chúng chưa đứng dậy, cựu tỳ-kheo đến với số lượng ngang bằng, khách tỳ-kheo nên thuyết giới lại, không vậy sẽ như pháp trị.
Có trú xứ đến ngày thuyết giới, khách tỳ-kheo tới biết cựu tỳ-kheo chưa đến, họ nói chúng ta có bốn người, hoặc hơn bốn người, có thể tác yết-ma thuyết giới. Họ liền tác yết-ma thuyết giới. Khi tác yết-ma thuyết giới, cựu tỳ-kheo đến với số lượng đông hơn, khách tỳ-kheo nên thuyết giới lại. Không vậy, sẽ như pháp trị. Nếu thuyết giới rồi, cả chúng chưa đứng dậy, hoặc phần đông chưa đứng dậy, hoặc đều đã đứng dậy, cựu tỳ-kheo đến với số lượng đông, khách tỳ-kheo nên thuyết giới lại, không vậy sẽ như pháp trị.
6. Phá yết-ma
Có trú xứ, đến ngày thuyết giới cựu tỳ-kheo đến, biết khách tỳ-kheo chưa đến, hoặc ít, hoặc bằng hay nhiều hơn cũng vậy.
Khách tỳ-kheo thuyết giới, khách tỳ-kheo đến cũng như vậy. Cựu tỳ-kheo thuyết giới, cựu tỳ-kheo đến cũng như vậy.
1. Hoặc nói, nên thuyết giới. Hoặc nói, không nên thuyết giới. Hoặc người không đến,[41] bèn nói «Hãy biến mất đi! Hãy diệt mất đi!» Muốn làm mọi cách để phá hoại người khác, bèn tác yết-ma thuyết giới. Kia tác yết-ma thuyết giới không thành, mắc tội thâu-lan-giá.[42]
Bấy giờ, đến ngày thuyết giới, có khách tỳ-kheo tới, thấy phòng xá trú xứ cựu tỳ-kheo có dấu hiệu trải giường dây, giường cây, tọa cụ, chăn, mền, gối, đá rửa chân, tịnh thủy, bình tịnh thủy; thấy dấu hiệu như vậy mà không tìm kiếm, bèn tác yết-ma thuyết giới. Khi tác yết-ma thuyết giới thì cựu tỳ-kheo đến. Khách tỳ-kheo liền nghĩ, «Chúng ta nên làm thế nào?» Họ liền báo cáo các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Các ông nên lắng nghe! Nếu trú xứ nào, ngày thuyết giới, có khách tỳ-kheo đến thấy cựu trú tỳ-kheo có dấu hiệu trải giường dây, giường cây, tọa cụ, chăn, mền, gối, hòn đá rửa chân, tịnh thủy, bình tịnh thủy; thấy dấu hiệu như vậy mà không tìm kiếm, bèn tác yết-ma thuyết giới, thì không thành yết-ma thuyết giới mà lại có tội.[43] Thấy dấu hiệu rồi liền tìm kiếm. Tìm kiếm mà không được, liền kêu. Nếu không kêu, liền tác yết-ma thuyết giới, thì không thành yết-ma thuyết giới mà lại mắc tội.»
Thấy dấu hiệu rồi liền tìm kiếm, tìm kiếm mà không được, nói «Hãy biến mất đi! Hãy diệt mất đi!» Làm mọi phương tiện muốn cho người kia bị phá hoại, liền tác yết-ma thuyết giới. Các tỳ-kheo kia yết-ma không thành, lại phạm tội thâu-lan-giá.[44]
Thấy dấu hiệu rồi liền tìm kiếm. Tìm kiếm mà không được, bèn gọi. Gọi rồi tác yết-ma thuyết giới. Các tỳ-kheo kia yết-ma không thành nhưng không phạm.
Thấy dấu hiệu rồi liền tìm kiếm. Tìm kiếm được, hoà hợp tác yết-ma thuyết giới, thành yết-ma thuyết giới, không phạm.
Thấy và nghi cũng như vậy.
2. Bấy giờ, có trú xứ, cựu tỳ-kheo đến thấy dấu hiệu của khách Tỳ-kheo, như y bát, ống đựng kim, ni-sư-đàn, chỗ rửa chân. Thấy rồi không tìm kiếm, liền tác yết-ma thuyết giới. Tỳ-kheo kia tác yết-ma thuyết giới không thành, lại có tội.
Nếu thấy dấu hiệu liền tìm kiếm. Tìm kiếm không được, nên gọi. Nếu không gọi mà tác yết-ma thuyết giới, thì không thành yết-ma thuyết giới lại có tội.
Thấy dấu hiệu liền tìm kiếm. Tìm kiếm không được, liền nói, «Hãy biến mất đi! Hãy diệt mất đi!» Dùng nhiều phương tiện muốn người kia bị phá hoại, bèn tác yết-ma thuyết giới. Tỳ-kheo kia yết-ma thuyết giới không thành, lại phạm thâu-lan-giá.
Thấy dấu hiệu rồi liền tìm kiếm. Tìm kiếm không được, bèn gọi. Gọi rồi, tác yết-ma thuyết giới. Tỳ-kheo kia yết-ma thuyết giới tuy không thành nhưng không phạm.
Thấy dấu hiệu rồi liền tìm kiếm. Tìm được, hòa hợp tác yết-ma thuyết giới. Tỳ-kheo kia yết-ma thuyết giới thành tựu và không phạm
Thấy nhưng nghi cũng như vậy.
3. Bấy giờ, đến ngày thuyết giới, một trú xứ nọ, khách tỳ-kheo đến nghe tiếng cựu tỳ-kheo kinh hành, tiếng tằng hắng, tiếng tụng kinh, tiếng nói pháp; nghe rồi không tìm kiếm, liền tác yết-ma thuyết giới. Khi tác yết-ma thuyết giới thì cựu tỳ-kheo đến. Họ không biết làm thế nào, liền báo cáo các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Các ông lắng nghe! Nếu ngày thuyết giới, trú xứ có khách tỳ-kheo đến nghe tiếng cựu tỳ-kheo kinh hành, tiếng tằng hắng, tiếng tụng kinh, tiếng nói pháp, nghe rồi không tìm kiếm, liền tác yết-ma thuyết giới, thì tỳ-kheo kia yết-ma thuyết giới không thành tựu mà lại mắc tội.»
Nếu nghe rồi tìm kiếm. Tìm không được, không gọi. Tác yết-ma thuyết giới. Các tỳ-kheo kia yết-ma thuyết giới không thành tựu lại mắc tội.
Nếu nghe rồi tìm kiếm. Tìm không được mà lại không gọi, bèn nói «Hãy biến mất đi! Hãy diệt mất đi!» Làm mọi phương tiện muốn cho người kia phá hoại, liền tác yết-ma thuyết giới. Tỳ-kheo kia yết-ma không thành, lại phạm tội thâu-lan-giá.
Nếu nghe rồi tìm kiếm. Kiếm không được, bèn gọi, rồi tác yết-ma thuyết giới. Tuy yết-ma của tỳ-kheo kia không thành, nhưng không tội.
Nghe rồi tìm kiếm. Tìm được, hòa hợp cùng tác yết-ma thuyết giới, thì yết-ma thuyết giới tỳ-kheo kia thành tựu, và không tội.
Nghe nhưng nghi cũng như vậy.
5. Bấy giờ, có trú xứ, đến ngày thuyết giới, cựu tỳ-kheo đến, nghe tiếng của khách tỳ-kheo đi kinh hành, tiếng tằng hắng, tụng kinh, nói pháp, đập, dũ y. Nghe rồi không tìm kiếm lại tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia không thành, lại có tội.
Nghe rồi, tìm kiếm. Tìm không được, mà không gọi, bèn tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia không thành, lại có tội.
Nghe rồi, tìm kiếm. Tìm không được, mà không gọi, lại nói «Hãy biến mất đi! Hãy diệt mất đi!» Làm mọi phương tiện muốn cho người kia bị phá hoại, liền tác yết-ma thuyết giới. Tỳ-kheo kia yết-ma không thành, lại phạm tội thâu-lan-giá.
Nghe rồi tìm. Tìm không được, bèn gọi. Gọi rồi tác yết-ma thuyết giới. Tuy sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia không thành, nhưng không tội.
Nghe rồi tìm. Tìm được, hòa hợp cùng tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia thành, và không tội.
Nghe nhưng nghi cũng như vậy.
6. Bấy giờ, có trú xứ nọ, đến ngày thuyết giới, khách tỳ-kheo đến thấy [829a1] cựu tỳ-kheo ở trên giới trường.[45] Thấy mà không tìm, bèn tác yết-ma thuyết giới. Các tỳ-kheo nghĩ, «Chúng ta nên làm thế nào?» Họ liền báo cáo với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Các ông lắng nghe! Có trú xứ, đến ngày thuyết giới, khách tỳ-kheo đến thấy cựu tỳ-kheo ở trên giới trường, thấy mà không tìm, liền tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia thành tựu, nhưng có tội.»
Nếu thấy rồi liền tìm. Tìm mà không được, nhưng không gọi, tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia thành tựu, nhưng có tội.
Thấy rồi tìm, tìm rồi gọi. Gọi rồi tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia thành tựu, không tội.
Thấy nhưng nghi cũng như vậy.
7. Bấy giờ, có trú xứ, đến ngày thuyết giới, cựu tỳ-kheo đến thấy khách tỳ-kheo ở trên giới trường. Thấy mà không tìm, liền tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia thành tựu, nhưng có tội.
Nếu thấy rồi liền tìm, tìm không được mà không gọi, bèn tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia thành tựu, nhưng có tội.
Thấy rồi tìm, tìm rồi gọi. Gọi rồi tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia thành tựu, và không tội. Thấy nhưng nghi cũng như vậy.
8. Bấy giờ, có trú xứ nọ, đến ngày thuyết giới, khách tỳ-kheo đến nghe cựu tỳ-kheo ở trên giới trường. Nghe rồi không tìm, liền tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia thành tựu, nhưng có tội. Nghe rồi tìm. Tìm rồi không kêu, mà tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia thành tựu, nhưng có tội.
Nghe rồi tìm, tìm rồi gọi. Gọi rồi tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia thành tựu, và không tội.
Nghe nhưng nghi cũng như vậy.
Cựu tỳ-kheo đến, nghe khách tỳ-kheo ở trên giới trường cũng như vậy. Nghe nhưng nghi cũng như vậy.
9. Bấy giờ, có trú xứ nọ, đến ngày thuyết giới, khách tỳ-kheo đến, thấy cựu tỳ-kheo ở trong giới. Thấy mà không tìm, liền tác yết-ma thuyết giới. Khi tác yết-ma thuyết giới, cựu tỳ-kheo đến, họ nghĩ, «Chúng ta nên làm thế nào?» Họ liền báo cáo với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Các ông lắng nghe! Nếu có trú xứ, đến ngày thuyết giới, khách tỳ-kheo đến, thấy cựu tỳ-kheo ở trong giới; thấy mà không tìm, liền tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia không thành tựu, mà có tội.
«Thấy mà tìm. Tìm nhưng không gọi, bèn tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới không thành tựu, lại có tội.
Thấy dấu hiệu liền tìm, tìm rồi gọi, gọi rồi hòa hợp tác yết-ma thuyết giới, thì sự yết-ma thuyết giới của tỳ-kheo kia thành tựu, không tội. Thấy nhưng nghi cũng như vậy.
10. Có trú xứ, đến ngày thuyết giới, cựu tỳ-kheo đến, thấy khách tỳ-kheo ở trong giới cũng như vậy. Thấy nhưng nghi cũng như vậy.
Khách tỳ-kheo nghe cựu tỳ-kheo ở trong giới cũng như vậy. Nghe-nghi cũng như vậy. Cựu tỳ-kheo nghe khách tỳ-kheo ở trong giới cũng vậy. Nghe nhưng nghi cũng như vậy.
7. Chuyển trú xứ
Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo nghĩ rằng, «Chúng ta hãy đi từ nơi có trú xứ, có tỳ-kheo, đến chỗ có trú xứ mà không tỳ-kheo,[46] để tránh các tỳ-kheo khác tác yết-ma chống lại chúng ta, hoặc ngăn thuyết giới.» Các tỳ-kheo đến bạch Phật.
Đức Phật dạy:
«Không nên có ý nghĩ, đi từ nơi có trú xứ, có tỳ-kheo, đến chỗ có trú xứ, không tỳ-kheo. Vì sợ các tỳ-kheo khác vì mình tác yết-ma, hoặc ngăn thuyết giới.»
Tỳ-kheo kia nghĩ, đi từ nơi có trú xứ, có tỳ-kheo đến chỗ không trú xứ, không Tỳ-kheo. Vì sợ các tỳ-kheo khác vì họ tác yết-ma hoặc ngăn thuyết giới.
Đức Phật dạy:
«Không nên có ý nghĩ, đi từ nơi có trú xứ, có tỳ-kheo đến chỗ không trú xứ, không tỳ-kheo, vì sợ các tỳ-kheo khác vì mình tác yết-ma, hoặc ngăn thuyết giới.»
Tỳ-kheo kia nghĩ, ta hãy đi từ nơi có trú xứ có tỳ-kheo đến chỗ không tỳ-kheo, có trú xứ, không trú xứ, hoặc đến tỳ-kheo trên giới trường. Vì sợ các tỳ-kheo khác vì họ tác yết-ma hoặc ngăn thuyết giới.
Đức Phật dạy:
«Không nên có ý nghĩ, đi từ nơi có tỳ-kheo có trú xứ đến chỗ không tỳ-kheo, có trú xứ, không trú xứ, hoặc đến tỳ-kheo trên giới trường, vì sợ các tỳ-kheo khác vì mình tác yết-ma, hoặc ngăn thuyết giới.
«Nếu không có Tăng cùng đi, hoặc không có nạn sự mà đi,[47] phạm đột-kết-la.»
Từ nơi có tỳ-kheo không trú xứ đến chỗ không tỳ-kheo có trú xứ cũng như vậy. Từ chỗ có tỳ-kheo không trú xứ đến nơi không tỳ-kheo không trú xứ cũng vậy. Từ chỗ có tỳ-kheo không trú xứ đến chỗ không tỳ-kheo có trú xứ, không trú xứ cũng như vậy. Từ chỗ có tỳ-kheo có trú xứ, không trú xứ đến chỗ không tỳ-kheo có trú xứ cũng như vậy. Từ chỗ có tỳ-kheo có trú xứ, không trú xứ đến chỗ không tỳ-kheo không trú xứ cũng như vậy. Với ý niệm từ chỗ có tỳ-kheo có trú xứ không trú xứ đến chỗ không tỳ-kheo có trú xứ, không trú xứ cũng như vậy. Hoặc vì thân hậu tri thức cũng như vậy.
8. Hòa hiệp thuyết giới
1. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni có ý nghĩ nên đến trong chùa (Tăng) ngăn các tỳ-kheo khác rằng, «Chớ tác yết-ma ngăn thuyết giới đối với nhóm sáu tỳ-kheo.» Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch đức Thế Tôn. đức Thế Tôn dạy:
«Tỳ-kheo-ni không được có ý nghĩ đến trong chùa ngăn các tỳ-kheo rằng, ‹Chớ tác yết-ma ngăn thuyết giới đối với nhóm sáu tỳ-kheo.› Cũng không được trước tỳ-kheo-ni mà tác yết-ma hoặc ngăn thuyết giới.»[48]
Bấy giờ. Các tỳ-kheo-ni sai thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di ni đến trong chùa, ngăn các tỳ-kheo khác «Chớ tác yết-ma ngăn thuyết giới đối với nhóm sáu tỳ-kheo.» Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Tỳ-kheo-ni không được có ý nghĩ sai thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni đến trong chùa ngăn các tỳ-kheo khác ‹Chớ tác yết-ma ngăn thuyết giới đối với nhóm sáu tỳ-kheo.› Cũng không được trước thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di ni, mà tác yết-ma hoặc ngăn thuyết giới.»
Các tỳ-kheo-ni kia, lại có ý nghĩ sai bạch y tri thức đến trong chùa ngăn các tỳ-kheo khác đừng tác yết-ma hoặc ngăn thuyết giới đối với nhóm sáu tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Tỳ-kheo-ni không được có ý nghĩ sai bạch y tri thức đến trong chùa ngăn các tỳ-kheo đừng tác yết-ma hoặc ngăn thuyết giới đối với nhóm sáu tỳ-kheo. Không được đối trước bạch y tác yết-ma hoặc ngăn thuyết giới.»
2. Bấy giờ, Vua Bình-sa nước Ma-kiệt vì đức Phật và chúng Tăng nên sai các vị tướng đến bảo vệ Tăng-già-lam. Các tỳ-kheo nói với các vị tướng rằng:
«Quý vị nên ra ngoài, chúng tôi muốn tác yết-ma thuyết giới.»
Các vị tướng trả lời:
«Vua Bình-sa sai chúng tôi đến đây để bảo vệ đức Phật và chúng Tăng. Ý của nhà Vua, chúng tôi không dám sai phạm. Chúng tôi không thể ra ngoài.»
Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch với Phật. Đức Phật dạy:
«Nên hòa nhã khéo léo nói để cho họ ra ngoài được càng tốt. Bằng không, các ông nên tự bảo nhau ra ngoài, đến chỗ không thấy không nghe, tác yết-ma cùng thuyết giới. Không được ở trước người chưa thọ đại giới tác yết-ma thuyết giới.»
3. Bấy giờ, có thiên long quỷ thần đến nghe thuyết giới. Tỳ-kheo có thiên nhãn thấy, với tâm sợ hãi, nghĩ rằng, «Đức Thế Tôn chế [830a1] giới không cho chúng ta đối diện với người chưa thọ đại giới tác yết-ma thuyết giới.»
Các tỳ-kheo đem việc này đến bạch đức Phật. Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau cho phép trừ ở trước (loài) người chưa thọ đại giới, ngoài ra được phép tác yết-ma thuyết giới.»
4. Bấy giờ, chúng Tăng ở Câu-thiểm-di bị phá làm hai bộ. Các tỳ-kheo muốn đến Xá-vệ để hòa hợp. Đức Phật dạy:
«Từ nay về sau cho phép bạch rồi, sau đó mới hòa hợp.»
Văn bạch như sau:
«Đại đức tăng, xin lắng nghe! Vì sự tranh cãi đã khiến Tăng đấu tranh, hai bên không hòa hợp. Người phạm tội kia đã được cử tội, trở lại giải tội, trần cấu của Tăng đã chấm dứt. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng hòa hợp. Đây là lời tác bạch.»
Nên tác bạch như vậy, rồi tác pháp hòa hợp.
Bấy giờ, Tôn giả Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch Phật:
«Kính bạch đức Thế Tôn! Nhơn việc chúng Tăng đấu tranh, không hòa hợp, chúng Tăng bị phá vỡ, khiến Tăng bị trần cấu, Tăng chia rẽ phân làm hai bộ. Nhưng sự việc này chưa quyết đoán trừ diệt, chúng Tăng có thành hòa hợp như pháp hay không?»
Đức Phật bảo Tôn giả Ưu-ba-ly:
«Nếu vì lý do nào chúng Tăng đấu tranh, không hòa hợp, chúng Tăng bị phá vỡ, Tăng bị trần cấu, khiến Tăng chia rẽ, phân làm hai bộ. Nếu trong đó có thể cải hối không nêu tội lẫn nhau, thì đây được gọi là chúng Tăng y theo pháp hòa hợp.»
Từ nay về sau, cho phép bạch trước như vậy, rồi sau đó thuyết giới:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Chúng Tăng vì tranh cãi, nên Tăng đấu tranh, không hòa hợp, chúng Tăng bị phá vỡ, khiến Tăng bị cáu bẩn, Tăng chia rẽ phân làm hai bộ. Người kia tự biết phạm tội, nay đã cải hối trừ diệt trần cấu của Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng hòa hợp thuyết giới. Đây là lời tác bạch»
Bạch như vậy rồi, sau đó hòa hợp thuyết giới.[49]


Chú thích:
[27] Pali, Vin.i. 124: trường hợp tác pháp chỉ có ba tỳ-kheo, được gọi là thanh tịnh bố-tát (pārisuddhi-uposatha).
[28] Ngũ phần 18 (T22n1421 tr.126a05): «Thế Tôn… ngày thuyết giới… bảo các tỳ-kheo, các ngươi hãy tĩnh lặng. Nay sẽ bố-tát thuyết giới.» Liền đó, tỳ-kheo báo: có tỳ-kheo bịnh. Phật dạy: cho gởi dục thanh tịnh…» Cf. Pali, Vin.i. 123: (…) santi saṃghassa karanīyaṃ, cho gởi dục và thuyết tịnh, vì có Tăng sự cần phải làm.
[29] Dữ dục 與欲. Pali, Vin. 121, chandaṃ dātum, gởi cho sự thuận tình, tức gởi phiếu thuận (chấp thuận Tăng tác pháp).
[30] Dữ thanh tịnh 與清淨. Pali (Vin.i. 120): pārisuddhiṃ dātuṃ. Gởi thanh tịnh, trong trường hợp yết-ma thuyết giới.
[31] Đường đi trong phạm vi trú xứ.
[32] Đi vòng ra khỏi phạm vi trú xứ.
[33] Chuyển luân cao tòa 轉輪高座; không hiểu làm như thế nào.
[34] Có lẽ muốn nói là quá đông người.
[35] Theo cách tính của Luật, khi ánh sáng ban mai xuất hiện mới tính là sang ngày khác, chứ không kể bất đầu từ giữa khuya. Thọ dục và thanh tịnh trước khi ánh sáng ban mai xuất hiện, nhưng lại thuyết giới sau khi nó đã xuất hiện, gọi là thuyết giới với thọ dục và thanh tịnh cách đêm.
[36] Na-na-do 那那. Các đoạn dưới đều gọi là tỳ kheo Na-na-do; có thể dư từ «do» vì ảnh hưởng của sự ngắt từ sai ở đây. Ngũ phần 18 (T22n1421 tr.125c10): Già-già 伽伽; Thập tụng 22 (T23n1435 tr.161a29): Thi-việt 施越. Pali, Vin. i. 123, Gagga.
[37] Doanh sự 營事, thường chỉ sự xây dựng tinh xá, tu bổ phòng ốc, hay liệu lý sự viêc trong tinh xá cho Tăng. Pali, Cf. Vin.ii.119, 159; iii.81: navakamma.
[38] Ma-di 摩夷; cũng phiên âm là Ma-đắc-lặc-già 摩得勒伽; dịch nghĩa: Luận mẫu 論母, Trí mẫu 智母 hay Bản mẫu 本母. Luận tạng và Luật tạng đều có thêm bộ phận này để tóm tắt tinh nghĩa. Trong Luật tạng, phần này được dịch nghĩa là Tỳ-ni mầu: cương yếu, hay tinh nghĩa của Luật. Pali: Mātikā (Skt. Mātṛkā).
[39] Hoặc ngày mồng 1, nếu tính tháng 30 ngày.
[40] Ưng cánh dữ thuyết giới 應更與說戒. Cf. Mahāvagga ii, Vin. i. 130: Tăng vừa thuyết giới xong (chưa giải tán); có tỳ-kheo chỗ khác đến với số lượng đông hơn. Phải thuyết giới trở lại cho các tỳ-kheo này (tehi bhikkhūhi puna pātimokkhaṃ uddisitabbaṃ). Nếu đã thuyết giới xong, tất cả đã đứng dậy; tỳ-kheo khách số lương đông này phải thuyết tịnh. Không thuyết giới trở lại (uddiṭṭhaṃ su-uddiṭṭhaṃ, tesaṃ santike pārisuddhi ārocetabbā).
[41] Biết có tỳ-kheo (khách) đến trong trú xứ, không chịu tìm và gọi, mà vẫn tiến hành yết-ma thuyết giới. Tham chiếu Pali, Vin.i. 133: nghi bèn tìm nhưng không thấy; bèn yết-ma thuyết giới: vô tội. Tim thấy, cùng hoà hiệp bố-tát: vô tội. Tìm thấy, nhưng biệt hành bố-tát: phạm đột-kiết-la.
[42] Vì tội gần mức phá hoà hiệp Tăng. Hay có ý phá nhưng không thành. Cf. Mahāvagga ii, Vin.i. 133: passitvā - nassantete, vinassantete, ko tehi atthi - bhedapurekkhārā uposathaṃ karonti, āpatti thullaccayassa, «sau khi tìm thấy, bèn nói: Các ngươi hãy diệt đi! Các ngươi hãy hoại đi! Các ngươi có ích lợi gì? Rồi bố-tát với mục đích phá hoại (hoà hiệp Tăng), phạm thâu-lan-giá.»
[43] Pali, Vin.i. 133, phạm đột-kiết-la.
[44] Xem đoạn trên & cht. 42 trên.
[45] Để bản: giới trường 界場, chỉ trong phạm vi trú xứ. Tống-Nguyên-Minh: 戒場, chỉ trong phạm vi nhà thuyết giới.
[46] Cf. Vin. i. 134: vào ngày bố-tát, tỳ-kheo không được đi từ trú xứ có tỳ-kheo đến trú xứ không có tỳ-kheo, trừ phi (đi với túc số để tại đó) có Tăng; hoặc trừ phi có nạn sự (phải bỏ đi).
[47] Xem cht. 46 trên.
[48] Cf. Vin. i. 135: không được thuyết ba-la-đề-mộc-xoa trước tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni,…
[49] Hết quyển 36

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 60 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.190.219.178 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập