Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng
Hiệu chính và chú thích
11. [928a7] Thế Tôn ở tại Ba-la-nại. Bấy giờ gặp lúc mất mùa, lúa gạo khan hiếm, nhân dân đói khát, khất cầu khó được. Các tỳ-kheo-ni thọ thực rồi, thức ăn còn dư, các vị liền nghĩ, «Thức ăn còn dư này của chúng ta có được phép cho tỳ-kheo hay không?» Đức Phật dạy:
«Được phép cho.»
Các vị lại nghĩ, «Chúng ta có được phép trao thức ăn cho tỳ-kheo hay không?» Đức Phật dạy:
«Được phép trao.»
«Thức ăn cách đêm của chúng ta, trao cho tỳ-kheo có được tịnh hay không?» Đức Phật dạy:
«Được tịnh.»
Bấy giờ, các tỳ-kheo thọ thực rồi, còn thức ăn dư, suy nghĩ, «Thức ăn này của chúng ta được phép cho tỳ-kheo-ni hay không?» Đức Phật dạy:
«Được phép cho.»
«Được phép trao thức ăn cho tỳ-kheo-ni hay không?» Đức Phật dạy:
«Được phép trao.»
Bấy giờ, có thức ăn cách đêm; các tỳ-kheo nghĩ, «Đem cho tỳ-kheo-ni, có được tịnh hay không?» Đức Phật dạy:
«Được tịnh.»
12. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni ở nơi a-luyện-nhã, sau đó tại a-luyện-nhã có sự việc xảy ra.[49] Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Tỳ-kheo-ni không nên ở nơi a luyện nhã.»[50]
Tỳ-kheo-ni sống trong nhà bạch y,[51] thấy phu chủ của người, cùng vợ hôn hít, âu yếm, sờ mó nơi thân thể, bóp vú. Tỳ-kheo-ni niên thiếu thấy vậy sanh tâm nhàm chán Phật pháp. Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch lên đức Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép vì tỳ-kheo-ni làm trú xứ riêng biệt.»
Có tỳ-kheo-ni nọ ở trú xứ riêng biệt thực hành kỹ thuật, dạy người kỹ thuât.[52] Đức Phật dạy:
«Tỳ-kheo-ni không nên ở trú xứ riêng biệt thực hành kỹ thuật.»
Có tỳ-kheo-ni nọ ở trú xứ riêng biệt bán rượu.[53] Đức Phật dạy:
«Không nên ở trú xứ riêng biệt bán rượu.»
Có tỳ-kheo-ni nọ cho dâm nữ ở trong trú xứ. Đức Phật dạy:
«Không được làm như vậy.»
13. Có vị cất chứa hương hoa, đồ trang sức.[54] Đức Phật dạy:
«Không nên làm như vậy.»
14. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni đứng nơi đường hẻm, ngã tư, đường cái, trong chợ, đứng bên các đống rác. Các cư sĩ thấy cơ hiềm, chê trách mắng nói:
«Tỳ-kheo-ni này không biết hổ thẹn, không có tịnh hạnh. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp, mà đứng những chỗ như vậy, giống như dâm nữ, có gì là chánh pháp?»
Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Tỳ-kheo-ni không nên đứng những chỗ như vậy.»
15. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni dùng ngà voi xương xoa chà thân cho tươi sáng. Tỳ-kheo bạch Phật.[55] Phật dạy:
«Không được làm như vậy.»
Nhóm sáu tỳ-kheo-ni dùng bột mịn xoa chà thân cho tươi sáng.[56] Đức Phật dạy:
«Không được làm như vậy.»
Có vị xoa chà lông nơi thân cho nó quắn lại. Đức Phật dạy:
«Không được làm như vậy.»
Có vị cắt lông nơi thân. Đức Phật dạy:
«Không được làm như vậy.»
Có tỳ-kheo-ni nọ lấy y quấn nơi eo lưng, muốn làm thon đẹp. Đức Phật dạy:
«Không được làm như vậy.»
Có tỳ-kheo-ni nọ mặc áo của người nữ. Đức Phật dạy:
«Không được làm như vậy.»
Có tỳ-kheo-ni nọ mặc áo đàn ông. Đức Phật dạy:
«Không được làm như vậy. Cho phép tỳ-kheo-ni mặc y của tỳ-kheo-ni.»
Có tỳ-kheo-ni dùng nhiều y quấn nơi ngực[57] cho lớn ra. Đức Phật dạy:
«Không được làm như vậy.»
Có vị quấn y không kỹ, khiến cho hở hang. Đức Phật dạy:
«Không được làm như vậy.»
Có vị thắt tai con chim nơi đầu sợi giây lưng. Đức Phật dạy:
«Không được làm như vậy.»
Có vị làm sợi giây lưng bằng mạn-đà-la. Đức Phật dạy:
«Không được làm như vậy.»
Có vị cất chứa giây lưng bề-lâu.[58] Đức Phật dạy:
«Không được làm như vậy.»
Có vị cất chứa giây lưng sa.[59] Đức Phật dạy:
«Không được làm như vậy.»
Có vị dùng chỉ rời làm giây lưng để buộc. Đức Phật dạy:
«Cho phép tỳ-kheo-ni bện hay dệt thành giây lưng quấn quanh lưng một vòng. Nếu dệt tròn thì cho phép hai vòng.»
16. Tỳ-kheo-ni đến chỗ có người nữ tắm.[60] Khi tắm, tặc nữ, dâm nữ nói với tỳ-kheo-ni rằng:
«Các cô tuổi còn nhỏ, nách mới mọc lông, làm sao tu phạm hạnh được? Nay cô phải kịp thời hành dục lạc, đừng để sau này hối hận, khi già có thể tu phạm hạnh. Như vậy cả hai đều không mất.»
Khi ấy tỳ-kheo-ni niên thiếu nghe bèn sanh tâm nhàm chán Phật pháp. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Tỳ-kheo-ni không nên tắm ở chỗ của người nữ.»
Tỳ-kheo-ni khi tắm chỗ gần bạch y nam tử. Các cư sĩ thấy cơ hiềm:
«Tỳ-kheo-ni này không biết hổ thẹn, không tu phạm hạnh, bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Sao lại tắm bên cạnh bạch y nam tử, như tặc nữ dâm nữ không khác?»
Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Tỳ-kheo-ni không được tắm bên bạch y nam tử.»
Bấy giờ, có người phụ nữ, chồng đi vắng, gian dâm với người khác, có thai. Người ấy tự phá thai rồi, đến nói với vị tỳ-kheo-ni thường giáo hóa rằng: «Chồng con đi vắng. Con có thai với người khác. Con đã phá thai. Cô có thể đem vất giùm cho?»
Cô ni trả lời: «Được.»
Tỳ-kheo-ni kia liền đựng nó trong một bát, đậy kín, lấy một bát khác úp lên, rồi bỏ vào đãy, đem ra ngoài đường để vất.
Bấy giờ, có trưởng giả Xá-vệ thường phát nguyện: Nếu không cúng dường cho người xuất gia trước thì ta không ăn. Cốt yếu là cúng dường trước rồi sau đó mới ăn. Sáng sớm trưởng giả có việc cần đến nơi khác, liền sai người đi, nói:
«Ngươi ra ngoài ngã tư hay nơi đường hẽm thấy có người xuất gia mời về đây.»
Người được sai vâng lời, ra ngoài đường tìm. Thấy tỳ-kheo-ni, vội thưa:
«Thưa a-di, mời a-di vô đây có người cúng thức ăn.»
Tỳ-kheo-ni nói:
«Thôi! thôi! Như vậy là đã cúng dường rồi.»
Người kia nói:
«Không được. Cô phải vô để tôi cúng thức ăn.»
Tỳ-kheo-ni nói:
«Thôi! Thôi! khỏi phải cúng.»
Người kia cưỡng bức dẫn tỳ-kheo-ni vào trong nhà. Vào nhà xong, nói:
«Sư cô đưa bát đây, con xin được bỏ bát.»
Tỳ-kheo-ni kia nói:
«Thôi! thôi! Như vậy là đã cúng dường rồi.»
«Cô đưa bát đây, tôi sẽ cúng thức ăn cho.»
Cô ni kia cũng lại nói:
«Khỏi phải cúng.»
Người ấy liền cưỡng đoạt lấy bình bát. Thấy trong bát có cái bào thai mới bị phá.
Trưởng giả thấy vậy, rồi liền cơ hiềm:
«Tỳ-kheo-ni không biết hổ thẹn, không tu phạm hạnh, bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy? Tự mình phá thai rồi đem bỏ như dâm nữ tặc nữ không khác.»
Các tỳ-kheo-ni bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Nhà bạch y có người chết, tỳ-kheo-ni không nên đem đi bỏ giùm.[61] Nếu tỳ-kheo-ni ở trong thôn thấy tỳ-kheo khất thực, nên mở bát ra để tỳ-kheo xem.»
17. Bấy giờ, có bạch y bịnh đến trú xứ của tỳ-kheo-ni nhờ chăm sóc. Bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép tìm cách đuổi đi. Nếu người ấy là kẻ tin ưa tán thán Phật Pháp Tăng thì tỳ-kheo-ni theo khả năng của mình nhờ người chăm sóc.»
Sau đó người kia qua đời. Các tỳ-kheo-ni e ngại không dám đem chôn. Bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép vì làm sạch trú xứ nên đem chôn.»
Bấy giờ, nơi biên quốc của Vua Ba-tư-nặc, nhơn dân làm phản loạn. Nhóm sáu tỳ-kheo-ni du hành nhơn gian, đến nơi có sự nghi ngờ khủng bố. Các người bạn của giặc thấy, bèn nghĩ, ‹Các tỳ-kheo-ni này được Vua Ba-tư-nặc kính ái. Chúng ta chớ nên đùa giỡn.› Các cư sĩ thấy cơ hiềm:
«Tỳ-kheo-ni không biết hổ thẹn. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy? Sao lại du hành nhơn gian nơi nghi có sự khủng bố, giống [929a1] như tặc nữ dâm nữ không khác?»
Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Tỳ-kheo-ni không nên du hành trong nhơn gian ở vùng biên quốc, nơi có sự nghi ngờ.»[62]
18. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni có trú xứ nơi a-lan-nhã, tỳ-kheo có trú xứ nơi tụ lạc, muốn cùng trao đổi bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép trao đổi.»
Bấy giờ, có tỳ-kheo-ni có trú xứ a-luyện-nhã; cư sĩ có trú xứ nơi tụ lạc. Muốn cùng trao đổi. Bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép, sai tịnh nhơn trao đổi.»
Bấy giờ, có hai cư sĩ tranh nhau về trú xứ. Một trong hai cư sĩ đem cúng cho tỳ-kheo-ni Tăng. Ni Tăng liền nhận. Cư sĩ kia cơ hiềm nói:
«Tỳ-kheo-ni này không biết hổ thẹn. Nhận nhiều mà không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng ta biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy? Trú xứ đang bị tranh chấp nhau, một người đem cúng, sao lại nhận? Người thí tuy không nhàm chán nhưng người nhận phải biết tri túc chứ!»
Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Trú xứ đang tranh chấp, không nên nhận.»
Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề, trong vườn vua có trú xứ tỳ-kheo-ni, muốn hạ an cư nơi đó, nhưng e ngại không dám, vì đức Thế Tôn có dạy: «Tỳ-kheo-ni không được ở nơi a-luyện-nhã. Song trú xứ của tỳ-kheo-ni trong vườn Vua thì kiên cố.[63] Không biết thế nào?»
Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Trừ trú xứ tỳ-kheo-ni trong vườn Vua, ngoài ra các chỗ a-luyện-nhã khác thì không nên ở.»
19. Có tỳ-kheo-ni không đến chỗ giáo thọ. Bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Phải đến.»[64]
Có tỳ-kheo-ni có việc Phật Pháp Tăng, hoặc đang chăm sóc tỳ-kheo-ni bệnh. Bạch Phật. Phật dạy:
«Cho phép dữ dục.»
Bấy giờ, Ca-lưu-đà-di mắng, đánh tỳ-kheo-ni. Hoặc nhổ nước bọt, hoặc ném hoa, tạt nước, nói lời thô tục, nói lời dối trá, nói lời dụ dỗ.
Mắng: là như nói, ‹Cầu cho âm đạo của cô bị hư nát, lở lói, để cho con lừa nó giao.›
Đánh: là dùng tay, dùng gậy dùng đá để đánh.
Nói thô tục: như nói hai đường tốt xấu.
Nói dối trá: như nói, ‹Nếu đàn ông tắm rửa sạch sẽ, dùng hương thơm thoa vào mình, lấy lược chải tóc, đeo tràng hoa, chuỗi anh lạc trang điểm thân, cầm lọng bằng lông chim công, không có gì đẹp hơn những việc này. Hoặc nói về người nữ cũng như vậy.
Khuyến dụ: như nói, ‹Này đại tỷ, cô hãy còn nhỏ, mới mọc lông nách, tại sao cô phải làm như vậy? Cô phải kịp thời, đừng tu phạm hạnh nữa, mà hưởng ngũ dục lạc đã. Khi nào tuổi về già sẽ tu phạm hạnh.›
Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni niên thiếu sanh tâm yểm ly, không ưa Phật Pháp. Các tỳ-kheo-ni nghe, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Ca-lưu-đà-di rằng: ‹Tại sao đánh mắng tỳ-kheo-ni, cho đến dùng lời nói lừa dối khuyến dụ?›
Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch lên đức Phật. Bấy giờ, đức Phật tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện ha trách Ca-lưu-đà-di: ‹Sao ngươi mạ nhục đánh mắng tỳ-kheo-ni, cho đến dùng lời nói hư dối khuyến dụ?›
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện ha trách rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Cho phép tỳ-kheo-ni Tăng tác pháp không kính lễ đối với Ca-lưu-đà-di, bằng pháp bạch nhị yết-ma.»
Tác pháp như sau: Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:
«Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Ca-lưu-đà-di này mạ nhục đánh chửi tỳ-kheo-ni, cho đến dùng lời nói dối trá, khuyến dụ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tác yết-ma không kính lễ đối với Ca-lưu-đà-di. Đây là lời tác bạch.
«Đại Tỷ Tăng xin lắng nghe! Ca-lưu-đà-di này mạ nhục đánh mắng tỳ-kheo-ni, cho đến dùng lời nói dối trá, khuyến dụ. Nay Tăng làm pháp yết-ma không kính lễ. Các đại tỷ nào chấp thuận, Tăng tác yết-ma không kính lễ Ca-lưu-đà-di thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.
«Tăng đã chấp thuận tác yết-ma không kính lễ Ca-lưu-đà-di rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»
Bấy giờ, Ca-lưu-đà-di tùy thuận tỳ-kheo-ni Tăng không dám trái nghịch, đến tỳ-kheo-ni Tăng cầu giải yết-ma không kính lễ. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Nếu tùy thuận tỳ-kheo-ni Tăng, không dám trái nghịch, đến tỳ-kheo-ni Tăng xin giải yết-ma không kính lễ. Tỳ-kheo-ni Tăng nên giải bằng pháp bạch nhị yết-ma.»
Giải như sau: Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:
«Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Ca-lưu-đà-di này, tỳ-kheo-ni Tăng tác pháp yết-ma không kính lễ. Nay đã tùy thuận tỳ-kheo-ni Tăng không dám trái nghịch, nay đến tỳ-kheo-ni Tăng xin giải yết-ma không kính lễ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng giải yết-ma không kính lễ. Đây là lời tác bạch.
«Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Ca-lưu-đà-di này, tỳ-kheo-ni Tăng tác yết-ma không kính lễ. Nay đã tùy thuận tỳ-kheo-ni Tăng không dám trái nghịch, đến tỳ-kheo-ni Tăng xin giải yết-ma không kính lễ. Nay Tăng vì Ca-lưu-đà-di giải yết-ma không kính lễ. Các đại tỷ nào đồng ý, Tăng vì Ca-lưu-đà-di giải yết-ma không kính lễ thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.
«Tăng đã đồng ý vì Ca-lưu-đà-di giải yết-ma không kính lễ rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»
20. Nhóm sáu tỳ-kheo đến trú xứ tỳ-kheo-ni, cùng với nhóm sáu tỳ-kheo-ni ở chung, lại cùng nhau nô đùa, cùng nhau ngâm vịnh, cùng nhau khóc la, hoặc vui cười, náo loạn các tỳ-kheo-ni tọa thiền. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép ngăn cản.»
Các tỳ-kheo-ni bèn ngăn hết không cho ai vào trú xứ tỳ-kheo-ni. Đức Phật dạy:
«Không nên ngăn tất cả. Nên ngăn chỗ nào náo loạn. Nếu cả trú xứ đều bị náo loạn thì ngăn hết.»
Nhóm sáu tỳ-kheo-ni đến trú xứ Tăng tỳ-kheo cùng với nhóm sáu tỳ-kheo ở chung, lại cùng nhau nô đùa, cùng nhau ngâm vịnh, cùng nhau khóc la, hoặc vui cười, bạch Phật. Đức Phật cho phép ngăn. Các vị lại ngăn tất cả, đức Phật dạy:
«Không nên ngăn tất cả. Nên ngăn những nơi nào náo loạn. Nếu cả trú xứ đều náo loạn thì mới ngăn hết.»
Sa-di của nhóm sáu tỳ-kheo đến trú xứ tỳ-kheo-ni, cùng với sa-di-ni, thức-xoa-ma-na của nhóm sáu tỳ-kheo-ni cùng ở chung, lại cùng nhau nô đùa, cùng nhau chúc tụng, cùng nhau khóc la, cùng nhau vui cười, náo loạn các tỳ-kheo-ni ngồi thiền. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Nên kêu đến la rầy trị phạt. Nếu họ không thay đổi thì nên tác yết-ma bất kính lễ đối với Hòa thượng A-xà-lê của sa-di kia.»
Sa-di-ni, thức-xoa-ma-na của nhóm sáu tỳ-kheo-ni đến trong chùa cùng với sa-di của nhóm sáu tỳ-kheo cùng ở chung, lại cùng nhau nô đùa, cùng nhau chúc tụng, cùng nhau khóc la, cùng nhau vui cười, làm náo loạn các tỳ-kheo tọa thiền. Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy:
«Nên kêu họ đến la rầy trị phạt. Nếu họ không thay đổi thì nên vì Hòa thượng, A-xà-lê của sa-di-ni kia, tác yết-ma xả giáo thọ.»[65]
21. Bấy giờ, cách trú xứ của tỳ-kheo-ni không xa có một lạch nước chảy. Tỳ-kheo-ni hứng lấy dòng nước ngược, cảm thấy khoái lạc, nghi. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không phạm ba-la-di mà phạm thâu-lan-giá. Tỳ-kheo-ni không nên hứng lấy dòng nước ngược như vậy.»
Tỳ-kheo-ni Nan-đà đến dưới cây hoa, chỗ đi kinh hành, có tên cướp dẫn đi dâm lộng. Cô ni có sự nghi, đem nhơn duyên ấy bạch Phật. Đức Phật hỏi:
«Này Nan-đà, cô có cảm thấy khoái lạc không?»
Nan-đà thưa:
«Giống như sắt nóng áp vào thân.»
Đức Phật dạy:
«Không phạm. Nhưng tỳ-kheo-ni không nên một mình đến chỗ kinh hành như vậy.»
22. Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc[66] kinh hành nơi a-luyện-nhã. Tỳ-kheo-ni [930a1] này nhan sắc đoan chánh, có Bà-la-môn niên thiếu thấy để tâm vào cô ni, liền nắm tay muốn xúc phạm, Tỳ-kheo-ni nói:
«Buông tôi ra. Tôi sẽ đến chỗ đó. Chàng ta thả tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc ra và đến chỗ đó. Vừa đến nơi, cô ni liền dùng phấn uế bôi nơi mình. Bà-la-môn nổi giận, lấy đá đánh vào đầu, khiến hai con mắt lòi ra. Lúc ấy Liên Hoa Sắc không nhớ mình có thần thông. Sau đó mới biết, liền dùng sức thần túc bay đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một bên. Đức Phật nói:
«Tỳ-kheo-ni này nếu có tín nhạo thì hai con mắt sẽ trở lại như cũ.»
Đức Phật nói xong, hai con mắt cô ni liền trở lại như cũ. Tỳ-kheo-ni này sanh lòng nghi, đức Phật dạy:
«Không phạm. Nhưng tỳ-kheo-ni không nên đến chỗ a-luyện-nhã như vậy.»
23. Tỳ-kheo-ni phá giới, có thai. Đang ngồi đại tiểu tiện trên cầu xí treo[67] thì bị truỵ thai, rơi xuống hầm xí. Người dọn vệ sinh thấy cơ hiềm, mạ nhục, nói:
«Tỳ-kheo-ni không biết hổ thẹn, không tu tịnh hạnh. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy? Đọa thai nơi hố xí, như tặc nữ dâm nữ không khác.»
Các Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Tỳ-kheo-ni không nên đại tiểu tiện trên cầu xí treo.»
Tỳ-kheo-ni kia nghi, không dám đại tiểu tiện trên nước. Đức Phật dạy:
«Được phép.»
24. Tỳ-kheo-ni ngồi kiết già huyết bất tịnh tiết ra bẩn gót chân.[68] Khi đi khất thực trùng bám nơi chân. Các cư sĩ thấy chê cười. Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Tỳ-kheo-ni không nên ngồi kiết già.»
Có vị nghi, không dám ngồi bán già. Đức Phật dạy:
«Cho phép ngồi bán già.»
25. Đức Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ nhóm sáu tỳ-kheo-ni nhòm vào trong nhà bạch y qua lỗ hổng, các cư sĩ thấy cơ hiềm nói:
«Tỳ-kheo-ni không biết hổ thẹn, bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy? Tại sao dòm vào trong nhà người ta qua lỗ hổng giống như tặc nữ, dâm nữ vậy?»
Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy:
«Tỳ-kheo-ni không nên dòm vào trong nhà bạch y qua lỗ hổng như vậy.»
26. Thế Tôn ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ, A-nan cùng với năm trăm vị đại Tăng tỳ-kheo đều ở Ma-kiệt-đề[69] du hành trong nhân gian. Tôn giả A-nan có sáu mươi người đệ tử, tuổi đều còn nhỏ nên muốn xả giới hoàn tục. Tôn giả A-nan khi đến thành Vương-xá, trưởng lão Ma-ha Ca-diếp từ xa thấy A-nan đến, nói:
«Chúng này muốn thối thất. Ông con nít, không tri túc.»[70]
A-nan nói:
«Bạch Đại đức,[71] đầu con đã hiện tóc bạc. Sao vẫn không tránh khỏi bị Ngài Ca-diếp kêu là con nít?»
Ca Diếp trả lời:
«Ông cùng tỳ-kheo-niên thiếu, đều không khéo đóng kín các căn; ăn không biết tri túc; đầu đêm cuối đêm không chịu siêng tu, đi rảo khắp mọi nhà, ăn uổng cơm. Chúng của ông sẽ thối thất. Ông là tỳ-kheo-niên thiếu, không tri túc.»
Tỳ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà nghe câu nói ấy nổi giận, không vui, nói:
«Ma-ha Ca-diếp vốn là ngoại đạo, sao dám mắng A-nan[72] là con nít, khiến cho A-nan không vui?»
Ma-ha Ca-diếp nói với A-nan:
«Ông hãy xem, tỳ-kheo-ni này sân hận mắng tôi như vậy đó. Này A-nan, chỉ trừ đức Thế Tôn, tôi không nhớ ngoài Phật pháp ra lại có việc gì khác.»[73] A-nan nói tiếp:
«Bạch Đại đức, con xin sám hối sự vô tri của người nữ.»
Ma-ha Ca-diếp nói ba lần như vậy. A-nan cũng ba lần nói sám hối như vậy.
Đêm vừa qua khỏi, sáng sớm Ma-ha Ca-diếp khoác y, bưng bát, đến thành Vương-xá khất thực. Tỳ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà thấy, bèn thoá mạ.[74] Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Thâu-lan-nan-đà rằng:
«Sao lại thóa mạ Đại đức Ca-diếp?» Tỳ-kheo-ni bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, ha trách tỳ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà rằng:
«Sao cô lại thóa mạ Đại đức Ca-diếp?»
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện ha trách rồi bảo các tỳ-kheo:
«Cho phép tỳ-kheo gọi tỳ-kheo-ni đến khiển trách trị phạt. Nếu một tỳ-kheo kêu một tỳ-kheo-ni thì phải đến. Không đến sẽ như pháp trị.
«Nếu một tỳ-kheo kêu hai tỳ-kheo-ni, ba tỳ-kheo-ni, hay Tăng thì nên đến. Không đến sẽ như pháp trị.
«Hai tỳ-kheo kêu một tỳ-kheo-ni thì phải đến. Không đến sẽ như pháp trị. «Hai tỳ-kheo kêu hai tỳ-kheo-ni, hoặc ba tỳ-kheo-ni, hoặc Tăng thì phải đến. Không đến sẽ như pháp trị. Ba tỳ-kheo kêu một tỳ-kheo-ni thì nên đến. Không đến sẽ như pháp trị. Ba tỳ-kheo kêu hai tỳ-kheo-ni, ba tỳ-kheo-ni, hoặc Tăng thì phải đến. Không đến sẽ như pháp trị. Tăng kêu một tỳ-kheo-ni thì nên đến, không đến sẽ như pháp trị. Tăng kêu hai tỳ-kheo-ni, ba tỳ-kheo-ni, hoặc Tăng thì phải đến. Không đến sẽ như pháp trị.»
Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo nghe nói như vậy, họ nói như vầy: Chúng ta muốn kêu tỳ-kheo-ni thì họ liền phải đến, muốn bảo họ làm gì thì họ phải làm, tại sao vây? Vì Thế Tôn có dạy: ‹Một tỳ-kheo kêu một tỳ-kheo-ni thì phải đến, không đến sẽ như pháp trị. Cho đến Tăng cũng như vậy.› Các tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật dạy:
«Nên nhận xét đối tượng, không nên đến thì đừng đến.» CHƯƠNG XVIII.
PHÁP[1]
1. Khách tỳ-kheo
[30c7] Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ.
Bấy giờ có khách tỳ-kheo không hỏi cựu tỳ-kheo mà vào trong phòng trống, rắn từ trên rớt xuống, bèn la lớn: ‹Rắn! Rắn!› Tỳ-kheo ở phòng bên cạnh nghe hỏi:
«Cái gì mà la lớn vậy?»
Vị kia nói rõ nhân duyên. Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách tỳ-kheo khách rồi, đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, ha trách tỳ-kheo khách:
«Ngươi làm điều phi pháp, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Trước khi vào phòng trống, sao không nói cho cựu tỳ-kheo biết, để cho rắn từ trên rớt xuống, rồi la lớn, ‹Rắn! Rắn!› là sao?»
Dùng vô số phương tiện ha trách rồi, Phật bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau, cho phép chế pháp khách tỳ-kheo cho tỳ-kheo khách. Tỳ-kheo khách nên tùy thuận theo pháp khách tỳ-kheo.»[2]
Phải tùy thuận như vầy: Nếu khách tỳ-kheo muốn vào trong chùa, nên biết có tháp Phật, tháp Thinh văn, hay Thượng tọa, thì nên cởi giày dép xách nơi tay.
Có vị không đập giũ giày dép, nên khi xách làm bẩn tay. Đức Phật dạy:
«Không nên không đập giũ mà xách. Nên đập giũ.»
Đức Thế Tôn bảo đạp giũ, vị kia đem đập dũ nơi gốc cây. Thọ thần hiềm trách. Đức Phật dạy:
«Không nên đập giày dép nơi gốc cây. Nên đập nơi hòn đá, hoặc nơi đầu khúc cây, hoặc nơi bờ rào, hay hai chiếc đập với nhau.»
Vị khách đến trong cửa, nên lấy tay đẩy cánh cửa ra. Cửa nếu có then khóa, thì nên mở. Nếu mở không được thì nên gõ thong thả khiến cho người bên trong nghe. Nếu họ không nghe thì nên gõ mạnh. Nếu không mở được thì nên giao y bát cho tỳ-kheo thứ hai cầm, rồi đến nơi tường rào để tìm chỗ trèo vào bên trong để mở cửa.
Vị kia đi bên tả của tháp, vị thần bảo hộ tháp giận. Đức Phật dạy:
«Không nên đi bên tả, [931a1] mà nên đi bên hữu của Tháp.»
Vị khách tỳ-kheo đến trong chùa phải máng y nơi trụ cột, móc long nha, hay giá của y. Hoặc để y bát nơi bên khe nước, nơi cây, nơi cục đá, hay trên cỏ, rồi đến chỗ rửa chân. Nếu không có nước thì hỏi, chỗ nào có nước. Tùy theo vị kia nói chỗ nào có nước thì đến đó để lấy. Nên hỏi:
«Nước có trùng hay không?»
Nếu nói có trùng, mà loại trùng lớn thì làm chao động nước để nó tránh đi, rồi lấy bình múc.
Vị kia không rửa tay mà cầm bình lấy nước. Tỳ-kheo khác thấy nhờm gớm. Đức Phật dạy:
«Không nên không rửa tay mà cầm bình lấy nước. Cho phép lấy hai cánh tay ôm ngang bụng của bình hay lấy chéo y xâu qua quai bình.»
Vị kia đến chỗ có nước, nên rửa tay cho sạch, và lấy đầy nước để rửa chân. Vị kia dùng tay rửa chân nhúng vào nước, tỳ-kheo khác thấy gớm. Phật dạy:
«Không nên làm như vậy. Nên lấy một tay tạt nước, một tay rửa chân.»
Vị kia rửa chân bên hữu trước, bên tả sau. Đức Phật dạy:
«Nên rửa chân bên tả trước, rửa chân bên hữu sau.»
Vị ấy không lau giày dép mà mang nên làm bẩn y. Đức Phật dạy:
«Không nên không lau giày dép mà mang. Phải lau rồi mới mang.»
Vị kia không đợi chân khô, mang giày dép vào nên bị hư mục. Phật dạy:
«Không nên làm như vậy! Phải đợi chân khô nước rồi mới mang giày dép.»
Khách tỳ-kheo nên hỏi: «Tôi có chừng ấy tuổi hạ. Có phòng dành cho tôi không?»
Vị tri khách nên trả lời: «Có.»
Vị khách hỏi:
«Phòng này có người nào ở hay chưa?»
Nếu nói không có người ở thì nên hỏi:
«Có ngọa cụ hay không?»
Nếu nói có thì nên hỏi:
«Có chăn hay không có chăn?»
Nếu nói có thì nên hỏi:
«Có lợi dưỡng hay không?»
Nếu nói có lợi dưỡng thì nên hỏi:
«Có đồ dùng hay không?»
Nếu nói có thì hỏi:
«Có y của phòng hay không?»
Nếu nói có thì hỏi:
«Có phước nhiêu[3] hay không?»
Nếu nói có, mà cần lấy thì nên nói:
«Tôi muốn lấy.»
Vị kia đến phòng, nên đẩy cánh cửa ra. Nếu có then khoá, thì nên mở. Vị kia mở cửa rồi tay nên cầm hai má cửa, thò đầu vào trong phòng xem coi có rắn có độc trùng hay không? Nếu có thì đuổi nó ra chứ đừng để.
Vị kia khi vào trong phòng rồi thì nên trải giường nệm, ngọa cụ, gối, chăn chiên trải trên đất. Nếu trải trên gỗ, trên ván, hay trên đất thì nên biết rõ mặt trong, mặt ngoài. Quét sạch phòng. Dọn rác và đất. Trước hết nên tìm chỗ nào bỏ được thì bỏ. Nếu lượm được kim, chỉ dao con, hoặc đồ hư cũ, cho đến một viên thuốc, nên để vào một chỗ, nếu có chủ biết, họ sẽ đến lấy. Vị kia nên lau quét những nơi như khe cửa, cây trụ, long nha, giá máng y. Nếu vách bị lở hư, hoặc hang chuột, nên trét thì trét. Nếu nền đất không bằng phẳng thì nên dùng bùn đất tu bổ cho bằng, rưới nước cho sạch. Lấy đồ trải dưới đất, đập giũ phơi khô rồi đem vào phòng. Trước đây trải không tốt thì nên trải lại. Nếu trước đã trải tốt thì trải lại như cũ. Đem đồ kê giường ra lau chùi cho sạch, rồi đem vào. Quét giường cho sạch, đập dũ, rồi đem vào trong phòng, để lên trên đồ kê. Lấy ngọa cụ, gối, chăn chiên đập giũ cho sạch, trải lên trên giường giây. Y thường mặc, y không thường mặc, vị kia để chung một chỗ. Khi lấy y thường để mặc, nhầm lẫn với các y khác. Đức Phật dạy:
«Y thường mặc nên để riêng một chỗ.»
Vị kia dùng cái đãy đựng bát, đãy đựng giày dép, ống đựng kim chỉ, đồ đựng dầu, để chung chỗ. Các tỳ-kheo khác gớm. Đức Phật dạy:
«Không nên để chung như vậy. Mỗi thứ nên để chỗ riêng.»
Trước khi vào phòng, nên coi khung cửa cao hay thấp rồi hãy đóng. Khi ra khỏi phòng nên xem coi bốn phía vách có đất bụi hay không. Nếu có đất bụi, nên dội nước quét dọn, rồi mới đi. Nên lấy cái ghế rửa sạch. Nên chuẩn bị đủ bình nước sạch, bình rửa, đồ đựng nước uống. Nên hỏi: Chỗ nào là chỗ đại tiện? Chỗ nào là chỗ tiểu tiện? Chỗ nào là tịnh địa? Chỗ nào bất tịnh địa? Tháp Phật là tháp nào? Tháp nào là tháp Thinh văn? Phòng nào là phòng đệ nhất Thượng tọa? Phòng nào là phòng đệ nhị, đệ tam, đệ tứ Thượng tọa? Vị kia nên kính lễ tháp của Phật trước, rồi lễ tháp của Thinh văn, bốn Thượng tọa tùy theo thứ tự mà kính lễ.
Vị kia nắm cẳng chân mà lễ. Không nên nắm cẳng chân mà lễ. Có vị nắm đầu gối mà lễ. Không nên nắm đầu gối kính lễ. Có vị lật ngược y, quấn y nơi cổ, trùm đầu, dùng y phủ cả hai vai, mang giày dép mà hành lễ. Đức Phật dạy:
«Những kiểu như trên không nên làm.»
Từ nay về sau, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, nắm hai gót chân, nói như vầy:
«Thưa Đại đức, con xin kính lễ.»
Bốn vị Thượng tọa tư duy trong phòng, nên tùy theo cấp bực mà kính lễ. Vị kia nên hỏi:
«Chỗ nào là chỗ đại thực, tiểu thực của chúng Tăng? Chỗ nhóm họp, chỗ thuyết giới ở đâu? Vị nào được Tăng sai đi thọ thực? Đàn-việt có dâng thức ăn vào ngày mồng một, mồng tám, mười lăm[4] không? Đàn-việt có thỉnh theo thứ tự đến chỗ nào thọ thực không?» Lại hỏi:
«Ngày mai có Đàn-việt nào mời chúng Tăng thọ đại thực hay tiểu thực không? Có Đàn-việt nào bị Tăng tác pháp Phú bát không? Nhà nào là học gia? Chỗ nào có chó dữ? Chỗ nào là có người tốt? Chỗ nào là có người xấu?
«Từ nay về sau, Ta quy định phép tắc cho khách tỳ-kheo. Khách tỳ-kheo nên tùy thuận. Nếu không tùy thuận nên như pháp trị. Từ nay về sau Ta quy định phép tắc cho cựu tỳ-kheo. Cựu tỳ-kheo phải tùy thuận.»
Phải tùy thuận như vầy:
«Cựu tỳ-kheo nghe có khách tỳ-kheo đến, nên ra ngoài nghinh đón, rước y bát, rồi đem để hoặc có nhà tắm, trên gác, hoặc chỗ đi kinh hành.[5] Mời khách tỳ-kheo ngồi. Đưa nước rửa chân, đồ đựng nước, khăn lau chân. Xách giùm giày dép để phía bên trái, đừng để dính bùn bẩn. Nếu dính bùn bẩn, nên dời đến chỗ khác. Vị kia vì khách tỳ-kheo rửa chân rồi, nên thu dọn đồ rửa chân để lại chỗ cũ, và nên hỏi: ‹Trưởng lão có uống nước không? ›
«Nếu nói cần uống nước thì vị kia nên đem bình lấy nước. Vị kia không rửa tay mà cầm bình, các tỳ-kheo gớm. Nên hai tay ôm bình, hay lấy chéo y móc vào cái quai. Đến chỗ múc nước, rửa tay cho sạch. Nếu là nước ao, nước dòng, thì nên lấy tay khỏa bỏ nước trên mặt, múc nước sạch ở dưới. Vị kia gánh nước giữa trưa, nước bị nóng. Đức Phật dạy:
«Nên lấy cỏ hay lá cây phủ lên trên rồi gánh đi. Vị kia không rửa sạch lá bằng nước. Đức Phật bảo nên rửa sạch.
Vị kia uống rồi không rửa tách, mời người uống. Mời tỳ-kheo, tỳ-kheo gớm. Phật dạy:
«Nên rửa rồi mới đưa cho người khác.»
Vị kia vừa đưa nước vừa nói, nước miếng văng vào trong nước.
Đức Phật dạy:
«Không nên vừa bưng nước vừa nói như vậy. Nếu cần nói, nên quay mặt đi mà nói.»
Vị kia không rửa đồ mà đem cất. Các tỳ-kheo thấy gớm. Phật dạy:
«Không nên như vậy.»
Vị kia nên hỏi: «Đại đức Trưởng lão bao nhiêu tuổi?»
Nếu khách tỳ-kheo nói tôi chừng ấy tuổi thì nên theo đó mà chỉ dẫn:
«Thầy nghỉ phòng này. Đây là giường giây, giường cây, nệm, gối, chăn chiên, đồ trải dưới đất, đây là ống nhổ, đây là đồ tiểu tiện, đây là chỗ đại tiện, đây là chỗ tiểu tiện, đây là tịnh xứ, đây là bất tịnh xứ, đây là tháp Phật, đây là tháp Thinh văn, đây là phòng của đệ nhất Thượng tọa, đây là phòng đệ nhị, đệ tam, đệ tứ Thượng tọa, đây là chỗ đại thực tiểu thực của chúng Tăng, đây là chỗ ban đêm họp, đây là chỗ bố-tát, Tăng sai thọ thực, cho đến chỗ nào, Đàn-việt nào thỉnh Tăng thọ đại thực tiểu thực vào sáng mai, nhà nào Tăng tác pháp phú bát, nhà nào là học gia, nhà nào có chó dữ, chỗ nào tốt, chỗ nào xấu.
«Nay ta vì cựu tỳ-kheo quy định phép tắc. Cựu tỳ-kheo nên tùy thuận. Nếu không tùy thuận thì nên như pháp trị.» 2. Vệ sinh
Thế Tôn ở tại thành Vương-xá.
Bấy giờ tại Xá-vệ có bà-la-môn xuất gia làm tỳ-kheo, rất nhờm gớm đồ đại tiểu tiện của chính mình, nên dùng [932a1] cỏ sắc bén lau chùi, thương tổn thân thể, sanh ghẻ, chảy máu bẩn thân, bẩn y, bẩn ngọa cụ, bẩn giường. Các tỳ-kheo hỏi:
«Trưởng lão có bệnh gì?»
Vị kia nói rõ nhân duyên.
Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách bà-la-môn xuất gia làm tỳ-kheo rằng: ‹Tại sao lại nhờm gớm đồ đại tiểu tiện của chính mình, dùng cỏ sắc bén để lau chùi, làm thương tổn thân thể, chảy máu bẩn thân, bẩn y, bẩn ngọa cụ, bẩn giường?› Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên, đem việc này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, ha trách tỳ-kheo kia rằng:
«Ngươi làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm.
Này bà-la-môn, xuất gia làm tỳ-kheo, sao ngươi lại nhờm gớm đồ đại tiểu tiện của mình, dùng cỏ sắc bén chùi, gây tổn thương thân thể, chảy máu mủ bẩn thân, bẩn y, bẩn ngọa cụ, bẩn giường?»
Dùng vô số phương tiện ha trách rồi, Phật bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau, Ta vì tỳ-kheo quy định pháp đến nhà xí. Các tỳ-kheo nên tùy thuận pháp này.»
Nên tùy thuận như vầy:
«Không nên nín lâu đại tiểu tiện. Khi đi nên cầm cỏ để chùi.
Có vị là hạ tọa đi trước Thượng tọa, hoặc vừa nói vừa đi, hoặc đi trước hoặc đi sau, lật ngược y, hoặc quấn nơi cổ, hoặc phủ đầu, hoặc mang giày dép. Đức Phật dạy:
«Không được như vậy.»
Nếu đi trước thì được phép đi trước. Đến bên ngoài nhà xí, nên búng tay hay tằng hắng để cho có người hay phi nhơn biết. Đến nhà xí, chỉ mặc áo lót bên trong. Y máng nơi trục cây, long nha, giá móc y, hoặc bên bờ nước, cỏ cây, ốc đá, có cỏ thì để y nơi đó. Nếu sợ mưa ướt thì nên để chỗ không mưa. Nếu bị mưa gió văng ướt y thì cho phép cầm y nơi tay theo chiều dọc, đừng để vướng nơi hố xí. Đặt gót chân vững chắc hai bên. Trước khi lên hố xí, nên xem có rắn, rít, bò cạp... Nếu có thì đuổi ra.
Có vị chưa ngồi xong, vén y lên lộ hình. Đức Phật dạy:
«Không nên làm như vậy. Nên vừa ngồi xổm vừa từ từ vén y.»
Ngồi xổm xong, nên xem kỹ lại, đừng để bàn chân trước gần hai bên, khiến đại tiểu tiện hay khạc nhổ bẩn lỗ xí.
Có vị rặn lớn tiếng, khiến các tỳ-kheo nghe cảm thấy gớm. Đức Phật dạy:
«Không nên rặn như vậy.»
Có vị, khi đại tiện bất ngờ phát ra tiếng, nghi có tội. Phật dạy:
«Không phạm.»
Có vị, khi ở trong hố xí nhăm dương chi,[6] hoặc ngủ, hay nhập định. Đức Phật dạy:
«Không nên như vậy.»
Có vị nghi, không dám trên nước, trong hố xí đại tiểu tiện. Đức Phật dạy:
«Không phạm.»
Có vị không dùng cỏ để chùi mà đứng dậy bẩn thân, bẩn y, bẩn ngọa cụ. Đức Phật dạy:
«Nên dùng cỏ để chùi, sau đó mới đứng dậy.»
Đức Thế Tôn dạy tiếp:
«Cho phép dùng cỏ để chùi.»
Có vị dùng cỏ quá dài để chùi. Đức Phật dạy:
«Không nên dùng cỏ quá dài. Dài nhất là một gang tay mà thôi.»
Có vị dùng cỏ xoa-kỳ,[7] lá cây tạp, vỏ khô, cục phân bò để chùi. Đức Phật dạy:
«Không nên dùng như vậy.»
Có vị dùng cỏ ngắn quá để chùi nên bẩn tay. Phật dạy:
«Không nên dùng cỏ quá ngắn như vậy. Ngắn lắm là phải dài bằng bốn ngón tay.»
Có vị dùng cỏ không đập giũ, nơi cỏ dính phân. Các tỳ-kheo thấy gớm. Đức Phật dạy:
«Không nên dùng như vậy.»
Có vị để thứ cỏ dùng rồi và chưa dùng chung một chỗ, khi lấy bị bẩn tay. Phật dạy:
«Nên để riêng.»
Có vị vừa chùi xong liền đứng dậy, lộ hình. Đức Phật dạy:
«Không nên đứng dậy gấp như vậy. Nên đứng dậy từ từ và hạ y xuống.»
Khi đến chỗ tẩy tịnh, nên búng ngón tay, khiến cho người hoặc phi nhơn biết. Đến chỗ tẩy tịnh phải xem coi nếu có rắn, rít, độc trùng nên đuổi nó ra.
Có vị vén y trước sau đó mới ngồi, bị lộ hình. Đức Phật dạy:
«Không nên như vậy.»
Có vị rửa trong đồ chứa nước. Các tỳ-kheo thấy gớm. Đức Phật dạy:
«Không nên như vậy.»
Có vị dùng nước rửa, khua động có tiếng, tỳ-kheo khác nghe gớm. Đức Phật dạy:
«Không nên như vậy.»
Có vị dùng hết nước. Đức Phật dạy:
«Không nên dùng hết như vậy. Phải để lại ít nhất vừa đủ một người rửa.»
Có vị rửa rồi không đứng lui, đứng ngay trên nước, bẩn y bẩn thân. Đức Phật dạy:
«Không nên đứng như vậy. Nên đứng cách chỗ nước. Lấy tay, hoặc lá, hay đồ cũ chùi. Nếu tay bị thối nên rửa. Nếu dùng đất bủn, tro, bùn, phân bò để rửa mà vẫn thúi thì nên mài trên đá, hoặc vách tường, hay bột tháo đậu để rửa.»
Có vị không xổ y xuống mà đứng dậy, lộ hình. Đức Phật dạy:
«Không nên như vậy. Nên từ từ hạ y xuống rồi mới đứng dậy.»
Có vị thấy đồ đựng nước rửa hết nước mà không múc nước đổ vào. Phật dạy:
«Không nên không múc nước đổ vào.»
Có vị trước nhà xí thọ kinh, tụng kinh, kinh hành, may y, trở ngại sự đại tiểu tiện của các tỳ-kheo khác. Đức Phật dạy:
«Không nên làm như vậy.»
Có vị ở bên hố xí tụng kinh, thọ kinh, kinh hành, may y. Tỳ-kheo khác thấy gớm. Phật dạy:
«Không nên làm như vậy.»
Có vị thấy trên hố xí có rác rưới mà không dọn dẹp. Đức Phật dạy:
«Thấy rác rưới nên dọn dẹp. Nay ta vì các tỳ-kheo quy định pháp đại tiểu tiện. Các Tỳ-kheo nên tùy thuận. Nếu ai không tùy thuận sẽ như pháp trị.» 3. Khất thực
Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có một tỳ-kheo khất thực, tuổi còn nhỏ, không hiểu biết, không xem hình tướng của cửa ngõ, vội bước vào trong nhà có người nữ đang ngủ. Người nữ kia lộ hình, đang nằm ngửa ngủ, vật không sạch tiết ra nơi nữ căn. Tỳ-kheo thấy, hổ thẹn, sợ hoảng liền bỏ chạy trở ra lại. Tỳ-kheo vừa chạy ra khỏi nhà thì người chồng từ ngoài về nhà, thấy vợ mình lộ hình nằm ngửa ngủ, vật bất tịnh tiết ra bẩn thân, liền khởi ý nghĩ: «Vợ ta nằm ngửa ngủ, vật bất tịnh tiết ra bẩn thân, mà Tỳ-kheo kia từ trong nhà gấp gáp chạy ra, chắc là đã phạm đến vợ ta.» Ông liền đuổi theo tỳ-kheo và hỏi:
«Ông phạm vợ tôi rồi chạy phải không?»
Tỳ-kheo kia nói:
«Cư sĩ đừng nói lời như vậy. Tôi không hề làm chuyện ấy.»
Cư sĩ nói:
«Ông từ trong nhà tôi đi ra, tại sao nói không làm chuyện ấy?»
Cư sĩ liền đánh tỳ-kheo đến gần chết.
Bấy giờ, các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách tỳ-kheo khất thực kia: «Tỳ-kheo khất thực, tuổi trẻ không biết gì. Sao không để ý hình tướng cửa ngõ, lại vào trong nhà người, có nữ nhơn đang ngủ?»
Bấy giờ, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên, đem nhơn duyên này trình bày đầy đủ với đức Phật. Đức Phật dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, ha trách tỳ-kheo khất thực:
«Ông làm điều phi pháp, phá oai nghi, chẳng phải sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Này tỳ-kheo khất thực, tuổi nhỏ không biết gì, sao không xem xét tướng cửa ngõ, vào trong nhà người, có nữ nhơn đang ngủ?»
Dùng vô số phương tiện ha trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau, ta vì tỳ-kheo khất thực chế định phép tắc khất thực.»
Tỳ-kheo nên tùy thuận như vầy:
Nếu tỳ-kheo khất thực, vào thôn khất thực, thì sáng sớm rửa tay sạch, đến chỗ giá máng y, một tay dở y lên, một tay kéo lấy, trương y ra, đập giũ, xem coi đừng để rắn rít ở trong ấy. Sau đó mới mặc, cột giây lưng. Tăng-kỳ-chi, uất-đa-la-tăng, cũng trương ra đập giũ rồi mặc. Xếp tăng-già-lê đội lên đầu, hoặc phủ trên vai. Rửa sạch bát để vào trong đãy; hoặc dùng khăn tay gói, hay để trong đãy đựng bát. Cất áo lót, rửa chân, cất giày dép, chăn chiên. Lấy guốc dép đi đường. Tỳ-kheo nên cầm then cửa đi ra khỏi phòng, đóng cửa lại, xô thử, nếu không chắc thì đóng lại. Nếu chắc, thì buộc giây phía trong, rồi nhìn xung quanh, không có người thì giấu cái móc khóa. Nếu có người thấy thì cầm đi, rồi tìm chỗ bảo đảm để cất. [933a1] Trên đường đi, thường tư duy thiện pháp. Gặp người nên hỏi chào: ‹Thiện lai!› Nếu gần đến tụ lạc, thì tạm đứng qua một bên đường, để bình bát xuống đất, lấy tăng-già-lê trương ra đập giũ, sau đó mới mặc. Bên cạnh thôn, nếu có tiệm bán đồ dùng, hay có nhà, có thợ thuyền, thì cởi guốc dép đi đường gởi nơi đó. Khi vào xóm, nên xem xét tình hình ngõ hẻm, nơi chỗ trống, nơi nhóm chợ, nơi cổng chợ, hình tướng của xóm làng. Khi vào nhà bạch y thì nên để ý hình tướng của cửa thứ nhất, cho đến cửa thứ bảy.
Có Tỳ-kheo khất thực, vào trong nhà người, gió thổi y tuột khỏi vai. Vị kia sửa lại y ngay trước mặt người nữ. Đức Phật dạy:
«Không nên sửa lại y ngay trước mặt người nữ mà phải quay vào vách.»
Có tỳ-kheo khất thực, tay bên hữu bưng bát, tay bên tả nắm cây gậy, bị lộ hình. Đức Phật dạy:
«Không nên như vậy. Nên bưng bát tay bên tả, còn tay bên hữu nắm gậy.»
Có tỳ-kheo khất thực đứng giữa đường, khiến cho nam nữ phải tránh đường. Các cư sĩ thấy cơ hiềm: «Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, không có yểm túc, mà tự nói tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy trong khi đứng giữa đường, khiến cho nam nữ phải tránh?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Tỳ-kheo khất thực, không nên đứng giữa đường.»
Khi đức Thế Tôn dạy không nên đứng giữa đường, có vị lại đứng chỗ vắng.
Đức Phật dạy:
«Không nên đứng như vậy. Nên đứng chỗ có người thấy.»
Có tỳ-kheo khất thực đến nhà người, chủ nhà đem thức ăn ra, liền vội bước đến trước để nhận. Các cư sĩ thấy cơ hiềm: «Sa-môn Thích tử không biết yểm túc, mà tự nói tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy? Bước tới vội vã để nhận thức ăn, giống như chết đói?»
Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Tỳ-kheo khất thực không nên nhận thức ăn như vậy. Hoặc có người nữ, người bệnh, người có thai, người bồng con, hoặc trời mưa, hoặc người ấy hai tay cầm đồ vật, hoặc đất bị bùn nước, nên gọi tỳ-kheo đến, tỳ-kheo nghi, không dám bước đến trước để nhận. Đức Phật dạy:
«Nếu họ gọi thì nên đến để nhận.»
Có tỳ-kheo khất thực nhận được cơm khô, bột bánh, thịt cá để chung một chỗ. Tỳ-kheo khác thấy gớm. Đức Phật dạy:
«Không nên để chung lại một chỗ như vậy. Nếu chỉ có một cái bát thì nên dùng lá cây hay vỏ cây hoặc lá mía ngăn ra. Hoặc dùng bát kế hay bát nhỏ để đựng. Bột bánh thì nên lấy khăn tay gói lại.»
Có Tỳ-kheo khất thực đến nơi đại gia khất thực. Cư sĩ thấy cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử không biết yểm túc mà tự nói tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy, trong khi đến đại gia khất thực, tợ như lúc mất mùa đói kém?»
Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không nên lựa đại gia (nhà giàu) mà khất thực. Nên theo thứ tự mà xin. Không được lựa chọn như vậy.»
Có tỳ-kheo khất thực, nài nỉ xin cho được mới đi. Các cư sĩ thấy vậy, cơ hiềm nói: «Sa-môn thích tử không biết hổ thẹn, không có yểm túc mà tự nói tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy, trong khi đến người cưỡng ép xin cho được mới đi, giống như lúc cơm gạo khan hiếm?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy:
«Không nên làm như vậy. Nếu biết sẽ được, thì nên đợi.»
Tỳ-kheo khi quay về, nên để ý cửa thứ nhất, cho đến tướng của đống rác. Ra khỏi thôn, đến lấy đôi guốc đi đường để mang. Để bình bát bên đường, xếp tăng-già-lê, vắt lên vai hoặc đội trên đầu. Khi đi đường nên tư duy thiện pháp. Nếu gặp người nên nói: ‹Thiện lai!› để chào hỏi. Tỳ-kheo khất thực kia, đối với chỗ thường ngồi để ăn, nên đến quét cho sạch, rưới nước, đồ đựng nước, đồ đựng thức ăn thừa, ghế ngồi, hòn đá rửa chân, vật chùi chân, khăn lau đâu vào đó. Thấy tỳ-kheo khất thực khác đến nên đứng dậy ra ngoài đón rước, bưng bình bát, để vào chỗ để bát, hay treo lên, lấy y trương ra xem, đừng để đất bụi, bùn, chim làm bẩn. Nếu có bẩn cần lau thì phải lau, cần vuốt thì vuốt, cần đập giũ thì đập giũ, cần giặt thì giặt; giặt rồi vắt nước phơi khô để trên giường giây, giường cây. Vị kia nên mời tỳ-kheo khất thực ngồi, đưa đồ đựng nước, đưa nước, đưa đá rửa chân, khăn lau chân, lấy guốc dép để bên tả, đừng để chỗ bùn bẩn, nước văng. Nếu có nước văng nên dời đến chỗ khác.
Vị kia vì Tỳ-kheo khất thực rửa chân rồi, thì nên đem đồ đựng nước, đá rửa chân, các vật hoàn lại chỗ cũ. Nên dùng tháo đậu rửa tay cho sạch rồi trao nước cho tỳ-kheo khất thực, kế đó trao thức ăn cho họ.
Khi vị ấy ăn nên cung cấp các thứ cần dùng. Nếu có nước sữa đông, nước sữa trong, giấm, hoặc muối hay rau thì nên trao cho vị ấy. Nếu trời nóng thì nên quạt, cần nước nên đưa nước. Nếu gần quá nửa ngày thì nên cùng ăn.
Tỳ-kheo khất thực ăn rồi nên lấy bát, mời rửa tay. Mình ăn xong, còn thừa thức ăn nên cho người, hoặc phi nhân, hoặc đổ chỗ đất không có cỏ, hay chỗ nước không trùng. Rửa đồ đựng thức ăn dư, để lại chỗ cũ. Nên để ghế ngồi, ghế rửa chân, đồ đựng nước, các vật trở lại chỗ cũ, quét dọn chỗ ngồi ăn cho sạch.
Có vị dùng bát đựng thức ăn dơ bị loại bỏ. Tỳ-kheo khác thấy gớm. Đức Phật dạy:
«Không nên dùng bát để loại bỏ đồ dơ. Nên dùng cái mâm để rửa hay lau quét. Bình bát thì để cho thanh khiết thọ trì.»
Bấy giờ, có số đông tỳ-kheo khất thực cùng ăn chung một chỗ. Có con chó có chửa, thấy đồ ăn muốn ăn mà ăn không được, vì đói nên thai bị trụy. Tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật dạy:
«Khi ăn, nếu có người hay phi nhơn, nên cho ăn. Cho đến dù chỉ một vắt cơm. Nay ta vì tỳ-kheo khất thực qui định pháp thức nên tùy thuận. Nếu không tùy thuận thì sẽ như pháp trị.» 4. A-lan-nhã
Thế Tôn ở tại thành Vương-xá.
Bấy giờ có tỳ-kheo a-lan-nhã, lười biếng, không có sở hữu bất cứ một thứ gì, không có đồ đựng nước, không có vật rửa chân, cũng không để lại thức ăn dư. Cách trú xứ không xa, có một số đông bọn cướp đang đi ngang qua đây. Một người trong bọn nói với các người khác rằng: «Thường pháp của sa-môn Thích tử là có đồ đựng nước, đồ rửa chân. Cũng có thức ăn dư. Chúng ta hãy đến đó, nếu được thức ăn thì cùng ăn.» Bọn giặc đến hỏi:
«Ông có nước không?»
«Có đồ rửa chân không?»
«Không.»
«Có thức ăn dư không?»
«Không.»
Bọn giặc nói:
«Ông ở tại chỗ a-lan-nhã mà không có nước, không có đồ rửa chân, không còn thức ăn hay sao?»
Bọn giặc liền đánh tỳ-kheo gần chết. Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới biết hổ thẹn, hiềm trách tỳ-kheo a-lan-nhã rằng: «Thầy biếng nhác. Tại sao ở chỗ a-lan-nhã mà không có nước, không có đồ đựng nước, không có thức ăn dư?»
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Phật. Đức Phật dùng nhân duyên tập hợp Tăng tỳ-kheo ha trách tỳ-kheo a-lan-nhã kia:
«Ngươi làm việc sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp của sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao nhác nhớm, ở chỗ a-lan-nhã mà không có đồ đựng nước, cho đến không có thức ăn dư?»
Dùng vô số phương tiện ha trách tỳ-kheo a-lan-nhã rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau, ta vì tỳ-kheo a-lan-nhã quy định pháp chế, tỳ-kheo a-lan-nhã phải tùy thuận.»
Nên tùy thuận như vầy:
«Nếu tỳ-kheo a-lan-nhã vào xóm khất thực,[8] sáng sớm rửa tay sạch, đến chỗ giá máng y, một tay đỡ y, một tay kéo y, lấy y trương ra và đập giũ, xem coi, đừng để có rắn, trùng, rồi mới mặc, cột giây lưng. Lấy tăng-kỳ-chi, uất-đa-la-tăng trương ra đập giũ xem, xếp [934a1] tăng-già-lê đội lên đầu hay vắt trên vai, rửa bình bát cho sạch, bỏ vào trong đãy, hay dùng khăn tay gói lại. Nếu đãy của bình bát đầy rồi. Cất áo lót, rửa chân. Cất guốc dép, chăn chiên. Lấy guốc đi đường, gậy phá sương móc. Tỳ-kheo nên cầm khóa cửa ra ngoài phòng, đóng cửa, xô thử xem đã chắc chưa; nếu chưa chắc thì khép hai cánh cửa lại cho chắc, kéo cái giây bỏ bên trong. Nhìn xung quanh, nếu không thấy có người thì nên giấu cái móc khóa. Nếu thấy có người thì nên cầm theo, tìm chỗ nào bảo đảm thì cất. Trên đường đi luôn luôn tư duy pháp lành. Nếu gặp người nên nói: ‹Lành thay!› để chào hỏi. Nếu đến gần tụ lạc thì nên đứng tạm một bên đường, để bình bát xuống đất, lấy tăng-già-lê trương ra đập giũ xem coi, sau đó mới mặc. Nếu gần bên thôn có tiệm bán đồ dùng, hay có nhà, có thợ, thì nên cởi guốc đi đường, gậy phá sương móc, gởi nơi đó. Khi vào trong thôn, nên để ý xem tình hình đường hẻm, nơi chỗ trống, chợ búa, cửa ngõ, đống rác. Vào nhà bạch y nên để ý xem tướng trạng cửa thứ nhất, cho đến cửa thứ bảy.
Tỳ-kheo a-lan-nhã đến trong nhà người, bị gió thổi, y rớt xuống. Vị sửa lại y ngay trước mặt người nữ. Đức Phật dạy:
«Không nên sửa lại y ngay trước mặt người nữ. Nên quay vào vách.»
Tỳ-kheo a-lan-nhã dùng tay bên hữu bưng bát, tay bên tả cầm gậy, bị lộ hình. Đức Phật dạy:
«Không nên cầm như vậy, nên dùng tay bên hữu cầm gậy, tay bên tả bưng bát.»
Tỳ-kheo a-lan-nhã đứng giữa đường, khiến cho người nam kẻ nữ phải tránh qua một bên. Các cư sĩ thấy cơ hiềm, nói: «Sa-môn thích tử không biết hổ thẹn, không nhàm chán biết đủ, mà tự nói là tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy, trong khi đứng giữa đường đi khiến người nam kẻ nữ phải tránh bên đường?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Tỳ-kheo a-lan-nhã không nên đứng giữa đường.»
Khi đức Thế Tôn dạy không nên đứng giữa đường, thì có vị lại đứng chỗ vắng. Đức Phật dạy:
«Không nên đứng như vậy. Nên đứng chỗ có người thấy.»
Tỳ-kheo a-lan-nhã thấy người ta đem thức ăn ra, liền bước đến trước họ nhận. Cư sĩ thấy cơ hiềm nói: «Sa-môn thích tử không biết hổ thẹn, không nhàm chán, biết đủ, mà tự nói tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy trong khi nhận thức ăn vội vàng bước tới như lúc lúa gạo khan hiếm vậy?»
Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Tỳ-kheo a-lan-nhã không nên đến trước người đón nhận thức ăn vội vàng như vậy.»
Trường hợp người nữ có thai, hay đang bồng con, hoặc lúc trời mưa, hoặc hai tay cầm đồ vật, hay đất có bùn nước họ kêu Tỳ-kheo đến. Tỳ-kheo nghi, không dám bước đến trước để nhận. Đức Phật dạy:
«Nếu họ kêu thì nên đến.»
Có tỳ-kheo a-lan-nhã nhận được cơm khô, bột bánh, cá thịt, để chung một chỗ, tỳ-kheo khác thấy gớm. Đức Phật dạy:
«Không nên tập trung để một chỗ như vậy. Nếu chỉ có một bát thì nên dùng vật ngăn lại, như lá cây, vỏ cây, hoặc lá mía, hoặc cái bát kề, hoặc cái bát nhỏ. Bột bánh thì nên lấy khăn tay bao lại.»
Có tỳ-kheo a-lan-nhã đến đại gia khất thực, các cư sĩ thấy cơ hiềm: «Sa-môn thích tử không biết hổ thẹn, không có nhàm chán, biết đủ, mà tự nói tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy, trong khi lựa đại gia đến khất thực như lúc cơm gạo khan hiếm vậy?»
Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không nên lựa nhà giàu đến khất thực. Nên khất thực tuần tự chứ không nên lựa chọn.»
Có tỳ-kheo a-lan-nhã nài nỉ xin cho kỳ được mới đi. Các cư sĩ thấy cơ hiềm: «Sa-môn thích tử không biết hổ thẹn, không có yểm túc, mà tự nói tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy, trong khi đến người nài nỉ xin cho kỳ được mới chịu đi, giống như lúc gạo cơm khan hiếm vậy?»
Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không nên nài nỉ như vậy. Nếu biết sẽ nhận được thì nên chờ.»
Khi vị kia nhận được thức ăn, suy nghĩ như vầy: «Đây là giặc. Tự mình ăn thức ăn này!»
Khi ra về, nên để ý tướng trạng cửa thứ nhất cho đến tướng đống phân. Nếu ra khỏi thôn thì nhớ lấy lại đôi guốc đi đường, cây gậy phá sương móc, rồi đứng tạm bên đường, để bát xuống đất, xếp tăng-già-lê lại, vắt trên vai hay đội trên đầu. Khi đi, nên luôn luôn tư duy thiện pháp. Nếu thấy người nên nói: ‹Thiện lai!› để chào hỏi. Vị tỳ-kheo a-lan-nhã kia thường thọ thực nơi chỗ nào thì nên đến đó quét dọn cho sạch sẽ, nước phải đầy đủ, đồ rửa, đồ đựng thức ăn dư, giường ghế ngồi nên đủ, đá rửa chân, đồ đựng nước, khăn lau chân. Nếu thấy vị a-lan-nhã khác đến phải đứng dậy ra ngoài xa nghinh đón, rước lấy bình bát, chân đế của bát, dụng cụ của bát, lấy y trương ra xem, đừng để đất, bùn, bụi, hay phân chim làm nhơ bẩn. Nếu có bẩn, nên lau thì lau, nên vuốt thì vuốt, nên đập giũ thì đập giũ, nếu cần giặt thì giặt. Giặt rồi nên vắt khô nước rồi phơi để nơi giường giây, giường cây. Tỳ-kheo nên mời tỳ-kheo a-lan-nhã ngồi, mời nước, mời rửa chân, đưa khăn lau chân, đem đôi guốc để phía bên tả, đừng để chỗ nước làm văng bẩn, nếu có bùn bẩn thì nên dời.
Vị kia vì tỳ-kheo a-lan-nhã phục vụ rửa chân rồi, thì nên đem đồ đựng nước, đá rửa chân, và các đồ vật để lại chỗ cũ. Vị kia nên dùng tháo đậu rửa tay cho sạch rồi, để riêng thức ăn dư nơi chỗ tịnh khiết. Nếu có cướp đến thì mời ngồi. Trao nước cho tỳ-kheo a-lan-nhã. Kế đó mời khách tỳ-kheo ăn. Khi khách tỳ-kheo ăn, nên cung cấp những thức cần dùng. Nếu có nước lạc tương, nước thanh lạc tương, giấm, muối, rau thì mời khách tỳ-kheo; nếu trời nóng thì quạt, cần nước thì đưa nước. Nếu gần quá giữa ngày thì nên cùng ăn. Tỳ-kheo a-lan-nhã ăn xong nên vì họ thu bát, mời rửa tay. Mình ăn xong, nếu thức ăn còn thừa thì nên cho người hay phi nhơn, hoặc bỏ chỗ đất không có cỏ, hay trong chỗ nước không trùng, rửa đồ đựng thức ăn dư. Giường ghế, đá rửa chân, đồ đựng nước, các thứ nên để lại chỗ cũ, rồi quét dọn chỗ ngồi ăn. Vị kia dùng bình bát đựng đồ nhơ bẩn để đem đổ. Tỳ-kheo khác thấy nhờm gớm. Đức Phật dạy:
«Không nên dùng bình bát đựng đồ nhơ. Nên dùng cái mâm bàn để đựng hay dọn quét, bình bát thì nên để cho tinh khiết mà thọ trì.»
Nếu có bọn giặc đến thì nên nói: «Đây là nước, đây là vật rửa chân, đây là thức ăn, vì quý vị nên chúng tôi lưu lại riêng một cách sạch sẽ, nếu cần ăn thì ăn.»
Bọn giặc hỏi a-lan-nhã:
«Bấy giờ là canh mấy của đêm?»
Tỳ-kheo kia không thể trả lời được nên hổ thẹn. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Tỳ-kheo ở nơi a-lan-nhã nên khéo biết thời tiết của đêm.»
Bọn giặc hỏi a-lan-nhã:
«Đây là phương nào?»
Tỳ-kheo a-lan-nhã không biết để trả lời nên hổ thẹn. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Tỳ-kheo a-lan-nhã nên khéo biết tướng của phương hướng.»
Bọn giặc hỏi tỳ-kheo:
«Ngày nay sao gì?»
Tỳ-kheo a-lan-nhã không biết để trả lời. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Tỳ-kheo a-lan-nhã nên khéo biết tinh tú.»
Tỳ-kheo a-lan-nhã ưa thích nằm ngủ. Các tỳ-kheo bạch Phật đức Phật dạy:
«Tỳ-kheo a-lan-nhã không nên sống như vậy. Đầu đêm, cuối đêm, nên kỉnh tâm tư duy. Nay Ta vì tỳ-kheo a-lan-nhã quy định pháp tắc của a-lan-nhã. Tỳ-kheo a-lan-nhã nên như pháp mà tùy thuận. Nếu không tùy thuận sẽ như pháp trị.» 5. Ẩm thực
Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ.
Bấy giờ có cư sĩ mời chúng Tăng thọ thực vào sáng ngày mai. Trong đêm đó sắm sửa đủ các thức ăn ngon bổ, sáng sớm đến báo cáo là giờ ăn đã đến. Các tỳ-kheo khi thọ thực một cách lộn xộn. Có vị ngồi rồi. Có vị mới ngồi. Có vị sớt thức ăn rồi. Có vị mới sớt thức ăn. Có vị ăn rồi. Có vị mới ăn. Có vị đã đi khỏi. Có vị sắp sửa đi. Có vị ra khỏi. Có vị sắp ra đi. [935a1] Đàn-việt không biết vị nào đã ăn, vị nào chưa ăn. Các cư sĩ đều cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, không có nhàm chán, không biết đủ, tự nói, Tôi biết chánh pháp. Nhận sự thỉnh mời của đàn-việt mà đi lộn xộn. Có vị ngồi rồi. Có vị mới ngồi. Có vị sớt thức ăn rồi. Có vị mới sớt thức ăn. Có vị ăn rồi. Có vị mới ăn. Có vị đã đi khỏi. Có vị sắp sửa đi. Có vị ra khỏi. Có vị sắp ra đi. Khiến cho Đàn-việt không biết ai đã được sớt, ai chưa được sớt, ai đã ăn, ai chưa ăn.»
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn dùng nhân duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, ha trách các tỳ-kheo thọ thỉnh kia rằng:
«Nhận sự thỉnh mời của đàn-việt mà đi lộn xộn. Có vị ngồi rồi. Có vị mới ngồi. Có vị sớt thức ăn rồi. Có vị mới sớt thức ăn. Có vị ăn rồi. Có vị mới ăn. Có vị đã đi khỏi. Có vị sắp sửa đi. Có vị ra khỏi. Có vị sắp ra đi. Khiến cho đàn-việt không biết ai đã được sớt, ai chưa được sớt, ai đã ăn, ai chưa ăn?»
Dùng vô số phương tiện ha trách rồi, Phật bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau, ta vì các tỳ-kheo quy định pháp thức của bữa ăn.»
Các tỳ-kheo nên tùy thuận pháp thức khi thọ thực.
Pháp thức như sau:
«Nếu tỳ-kheo muốn đến chỗ thọ thỉnh thì nên đến chỗ chúng Tăng thường tiểu thực hay đại thực, mà đứng nơi dễ thấy. Khi đàn-việt đến báo giờ thọ thực thì Thượng tọa phải theo thứ tự đi trước như đàn nhạn.[9] Nếu Thượng tọa bận đại tiểu tiện thì phải đợi.»
Vị hạ tọa kia đi trước, vừa nói chuyện vừa đi, hoặc trước hoặc sau, hoặc lật ngược y, hoặc y quấn cổ, hay trùm đầu, hay phủ cả hai vai, hoặc mang giày dép. Đức Phật dạy:
«Không nên như vậy, nên để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, và đi sau.»
Nếu có bận việc Phật, việc Pháp, việc Tăng hay chăm sóc tỳ-kheo bệnh thì đức Phật dạy:
«Bạch Thượng tọa, rồi đi trước.»
Có vị có mạng nạn, phạm hạnh nạn, nhưng e ngại không dám thưa hỏi để đi. Đức Phật dạy:
«Nếu có nạn sự như vậy, thưa hỏi hay không thưa hỏi, cho phép được đi.»
Có vị đến chờ thọ thực, tụ họp đứng lộn xộn. Đức Phật dạy:
«Không nên như vậy, nên theo thứ tự.»
Thượng tọa ngồi rồi, nên xem trung tọa, hạ tọa, đừng để ngồi không như pháp, không khéo che thân. Nếu có vị nào ngồi không như pháp, không khéo che thân, nên búng ngón tay kỉnh giác họ, hoặc nhờ người nói cho họ biết để họ ngồi đúng pháp. Trung tọa ngồi rồi nên xem Thượng tọa hạ tọa, đừng để ngồi không như pháp, không khéo che thân. Nếu có vị nào ngồi không đúng pháp, không khéo che thân thì nên búng ngón tay kỉnh giác họ, hoặc nhờ người nói cho họ biết, để họ ngồi đúng pháp. Hạ tọa ngồi rồi cũng như vậy.
Đến bữa ăn, tỳ-kheo không có bát, nên mượn bát để ăn. Có tỳ-kheo đến bữa ăn không rửa bát, bị rắn phun nọc độc trong bát, tỳ-kheo ăn xong mắc bệnh. Đức Phật dạy:
«Không nên không rửa bát trước khi ăn. Nên rửa sạch rồi mới ăn.»
Nhóm sáu tỳ-kheo ham muốn sự cung kính nên đến sau, khiến các tỳ-kheo thấy phải đứng dậy. Nếu vị nào chưa đến thì cho phép vị ngồi gần kéo chiếc ghế ấy ra.
Nếu đàn-việt dâng trái cây cho Thượng tọa thì nên hỏi trái cây này đã tác tịnh[10] chưa? Nếu nói chưa tịnh, thì Thượng tọa nên khiến họ làm tịnh. Nếu nói đã tác tịnh rồi thì nên hỏi: ‹Thí chủ đem đến cho vị nào?› Nếu nói đem đến cho Thượng tọa thì Thượng tọa tùy ý xử dụng. Nếu nói đem đến cho Tăng thì phải phổ biến cho Tăng biết. Nếu đàn-việt dâng Thượng tọa các thứ canh thì nên hỏi: ‹Đem đến cho ai?› Nếu nói cho Thượng tọa, thì tùy ý xử dụng. Nếu nói cho Tăng thì phải phổ biến cho Tăng biết.
Tỳ-kheo nào không nhận được thức ăn, cho phép tỳ-kheo ngồi sát cạnh hỏi giùm. Nếu hỏi mà không có, vị ngồi cạnh ấy sớt phân nửa phần ăn của mình để cho.
Các tỳ-kheo nhận vừa được thức ăn, liền ăn. Cư sĩ thấy vậy cơ hiềm: «Sa-môn thích tử không biết hổ thẹn, không có yểm túc, mà tự nói tôi biết chánh pháp. Nhưng có chánh pháp nào như vậy trong khi nhận được thức ăn liền ăn, giống như lúc gạo cơm khan hiếm đói khát?» Các vị bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không nên như vậy. Nên xướng lên để cùng ăn một lần.»
Nhóm sáu tỳ-kheo chỉa cùi chõ lên để ăn, trở ngại vị ngồi gần. Các tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật dạy:
«Không nên chỉa cùi chõ lên mà ăn. Nên khép cùi chõ lại mà ăn.»
Nhóm sáu tỳ-kheo ho khạc lớn tiếng, văng nước miếng trúng vị ngồi gần. Các tỳ-kheo gớm, bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không nên ho khạc như vậy. Nên từ từ khạc nhổ.»
Khi ăn, trái cây hay rau còn thừa, vị ấy bỏ bừa bãi bẩn đất. Đức Phật dạy:
«Không nên bỏ như vậy. Thức ăn còn thừa nên gom lại gần bên chân. Đến khi đi ra, đem ra ngoài bỏ.»
Có vị bỏ lung tung, đổ nước rửa bát bẩn đất. Đức Phật dạy:
«Không nên đổ nước như vậy. Nên dùng cái thau để chứa rồi đem ra ngoài đổ.
Bấy giờ có số đông tỳ-kheo và nhóm sáu tỳ-kheo đến trong nhà bạch y, cùng ngồi trên một cái ghế dài để ăn. Một trong nhóm sáu tỳ-kheo đứng dậy mà không nói với vị ngồi cạnh biết nên cái ghế bị ngã xuống đất, khiến mọi người đều bị té, lộ hình. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không nên đứng dậy như vậy. Nên nói cho các người khác biết để đề phòng.»
Có tỳ-kheo ăn xong, im lặng bỏ đi.[11] Cư sĩ không biết thức ăn có ngon hay không ngon, ăn có đủ hay không đủ. Các cư sĩ cơ hiềm nói: «Các ngoại đạo đều khen ngợi sự bố thí, tán thán đàn-việt, mà sa-môn Thích tử ăn rồi im lặng bỏ đi, khiến cho chúng tôi không biết ăn ngon hay không ngon, ăn đủ hay không đủ.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không nên ăn rồi im lặng mà đi. Nên vì đàn-việt nói công đức bố thí, cho đến nói một bài kệ.
Nếu vì lợi nên thí,
Lợi đây chắc sẽ được.
Nếu vì lạc nên thí,
Sau chắc được khoái lạc.
Khi đức Thế Tôn dạy, nên nói công đức cúng dường, bấy giờ mọi người đều cùng nói, tạo nên sự ồn ào. Đức Phật dạy:
«Không nên loạn thuyết như vậy. Chỉ có vị Thượng tọa nói mà thôi. Nếu Thượng tọa không thể nói thì vị nào có khả năng nói được thì nói. Nếu Thượng tọa không nói thì phạm đột-kiết-la. Nếu Thượng tọa nói được mà không nói cũng phạm đột-kiết-la.
Khi vị kia nói công đức bố thí, các vị khác đều bỏ đi. Có vị an tọa, hoặc chỗ vắng, hoặc chỗ khuất; hoặc cùng người nữ, tại chỗ không có người nam quen biết nói pháp quá năm, sáu lời với người nữ lẳng lơ,[12] nên bị người cơ hiềm, chê trách nói với các tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Khi nói công đức bố thí, các tỳ-kheo không nên bỏ đi. Nếu có việc gấp thì bốn Thượng tọa nên đợi nhau, các vị khác có thể đi. Nếu vì việc Phật, Pháp, Tăng, hay việc nuôi bệnh nên bạch cho biết rồi sau đó mới đi, hay sai tỳ-kheo khác đi. Nếu đàn-việt muốn nói pháp bố thí thì nên khen ngợi sự bố thí. Nếu muốn nói pháp đàn-việt thì nên khen ngợi pháp đàn-việt. Nếu muốn nói pháp cõi trời thì nên khen ngợi cõi trời. Nếu muốn nghe việc quá khứ của tổ phụ thì nên khen ngợi tổ phụ quá khứ. Nên vì đàn-việt khen ngợi sự bố [936a1] thí, tán thán đàn-việt, khen ngợi Phật Pháp Tăng với đàn-việt. Từ nay ta vì các tỳ-kheo nói về pháp thức ẩm thực.[13] Các tỳ-kheo nên tùy thuận. Nếu không tùy thuận sẽ như pháp trị.» 6. Nhuộm y
Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ.
Bấy giờ các tỳ-kheo mặc y để bẩn, đức Phật cho phép dùng đất phèn,[14] hoặc tro hay đất, hay phân bò để giặt. Có vị dùng đá hay các vật thô nhám để giặt nên y bị rách. Đức Phật dạy:
«Không nên dùng đá hay vật thô nhám để giặt y, mà nên dùng loại đá mịn để giặt. Nếu y bị bay màu thì nên nhuộm lại. Hoặc nhúng bùn, hay dùng vỏ cây đà-bà, vỏ cây bà-trà, kiền-đà-la, tất bát, a-ma-lặc,[15] hoặc dùng gốc cây, hay cỏ thiến[16] để nhuộm.
Có vị ngâm nước để ngoài nắng chờ cho nóng để nhuộm. Không đủ kiên nhẫn chờ lâu. Đức Phật dạy:
«Không nên ngâm như vậy, mà nên nấu.»
Có vị không biết nấu thế nào. Đức Phật dạy:
«Nên dùng cái nồi hay cái cấm-mãn,[17] cái bình đồng, cái vạc để nấu.»
Bấy giờ có vị nấu, vì miếng vỏ cây lớn quá bỏ không lọt. Đức Phật dạy:
«Dùng búa chẻ nhỏ ra.»
Nếu nước sôi trào ra thì lấy cây đè xuống.
Có vị không biết chín hay chưa. Đức Phật dạy:
«Nên lấy hai, ba giọt nhiểu vào nước lạnh. Nếu chìm, tức là chín. Rồi lược lấy nước.»
Có vị không biết lược để chỗ nào. Đức Phật dạy:
«Lược vào trong bồn.»
Nếu xuống luôn cả nước và cặn, thì nên lấy cái chỗi ngăn. Nếu chỗi yếu, thì lấy cây phụ.
Khi lọc có vị vừa lọc vừa bưng bồn, nhọc mệt. Đức Phật dạy:
«Không nên như vậy. Nên một người lược, một người bưng bồn. Nếu nóng thì dùng đồ cầm cho khỏi nóng.»
Có vị để nước lạnh, nước nóng chung lại một chỗ, nên nước nhuộm bị hư. Đức Phật dạy:
«Không nên để như vậy. Nước lạnh, nước nóng nên để riêng. Làm cho nguội rồi mới hòa lại.»
Có vị bỏ luôn vào nước nhuộm để nhuộm. Nước nhuộm bị hư. Đức Phật dạy:
«Không nên nhuộm như vậy. Nên lấy riêng ra một ít để nhuộm.»
Có vị nhuộm xong trải dưới đất, bị hư màu. Đức Phật dạy:
«Không nên làm như vậy.»
Có vị lại trải trên cỏ, khiến cho cỏ bị hư. Có vị trải trên rơm trên lá khiến cho màu sắc không đều. Đức Phật dạy:
«Không nên trải như vậy. Nên trải trên y-lê-diên-đà, mạo-la, mạo-mạo-la, hoặc trên cù-lâu,[18] hoặc lấy một trong mười chiếc y trải lên trên đất, rồi trải chiếc y nhuộm lên, hoặc phơi trên giây. Có vị cần giây. Phật cho phép sắm giây. Cần thẻ cho làm thẻ. Có vị cần cái móc kết vào đầu y. Phật cho phép làm các móc. Nếu nước nhuộm không đều thì phải trộn cho đều.
Bấy giờ, có tỳ-kheo đang nhuộm y, vì có việc cần nên quay lưng về phía khác, khiến thuốc nhuộm y không đều. Có tỳ-kheo nọ thấy vậy mà không nói vì trước đó có sự bất bình với tỳ-kheo này, vì vậy khiến cho y kia bị hư hoại. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không nên như vậy. Người thấy, nên trộn giùm hay nói cho vị kia biết.»
Tỳ-kheo kia nhuộm y rồi không dọn dẹp nồi, cấm-mãn, bình đồng, bồn vạc, búa, giây, thẻ, y-lê-diên-đà, mạo-la, mạo-mạo-la, bèn bỏ đi. Đức Phật dạy:
«Không nên không dọn dẹp mà bỏ đi. Nên dọn dẹp rồi sau đó mới đi. Nếu người khác cần thì nên cho.»
Có vị nhộm y rồi, không quét dọn chỗ nhuộm y, khiến cho đất không sạch. Đức Phật dạy:
«Không nên như vậy. Nên quét dọn rồi mới đi.»
Có vị mặc y mới mà quét đất khiến cho y bị bẩn. Đức Phật dạy:
«Không nên mặc y mới, nên mặc y cũ để quét. Nếu không có y riêng thì nên mặc y của Tăng.»
Có vị quét ngược gió, bụi bay bẩn thân. Đức Phật dạy:
«Không nên quét như vậy. Nên quét thuận theo chiều gió.»
Có năm cách quét đất không được phước đức lớn: Không biết nghịch gió, thuận gió mà quét; không quét hết dấu chân; không trừ hết rác; không để chổi lại chỗ cũ. Quét đất có năm pháp như vậy, không được phước đức lớn.
Có năm pháp được phước đức lớn: Biết nghịch gió, thuận gió để quét; trừ hết dấu chân; trừ hết rác; để chổi lại chỗ cũ. Năm pháp như vậy được phước đức nhiều. Nếu Thượng tọa đứng dưới đuôi gió, nên nói: ‹Xin Ngài tránh qua một chút. Con cần quét đất.›
«Nay ta vì các tỳ-kheo nói pháp nhuộm y. Phải tùy thuận. Nếu ai không tùy thuận sẽ như pháp trị.»[19] Chú thích:
[49] Vin.ii. 278: Các tỳ-kheo-ni sống tại trú xứ a-lan-nhã, bị bọn xấu làm nhục.
[50] Cf. Vin.ii. 279: Tỳ-kheo-ni sống a-lan-nhã, phạm đột-kiết-la (na bhikkhuniyā araññe vatthabbaṃ).
[51] Xem tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 99.
[52] Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 69 & 70: không được học kỹ thuật thế tục (nghề nghiệp), và dạy cho người khác để kiếm sống.
[53] Cô tửu 酤酒. Thập tụng 41 (tr.297c18): tác tửu 作酒, làm rượu.
[54] Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề, các điều 50-55, 57.
[55] Vin.ii. 266: aṭṭhillena jaghanaṃ ghaṃsapeti.
[56] Xem, tỳ-kheo-ni, các ba-dật-đề 150, 151.
[57] Triền thể 纏體.
[58] Bề-lâu 鞞樓. Pali: viḷīva, được làm bằng tre (?), Cf. Vin.ii. vilīvena paṭṭena phāsukā nāmenti, các cô quấn dây thắt lưng làm bằng tre.
[59] Sa yêu đái 娑腰帶. Không rõ. Cf. Pali. ibid., colapaṭṭena, thắt giây lưng bằng vải cola (Skt. cola hay coḍa; các từ điển Skt. và Pali không cho biết rõ đây là loại vải gì).
[60] Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 101.
[61] Phong tục thời đó: nô lệ chết. Chủ không chôn, mà đem vất xác ngoài bãi tha ma.
[62] Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 97.
[63] Vương viên 王園. Thực chất, đây là khu rừng của Vua, trong đó có khu a-lan-nhã.
[64] Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 140.
[65] Xả giáo thọ 捨教授. Cf. Vin. ii. 263: ovādaṃ ṭhapetuṃ, ngưng giáo giới. Tỳ-kheo-ni bị ngưng giáo giới, không được dự bố-tát (na ovādaṭṭhapitāya bhikkhuniyā saddhiṃ uposatho katabbo).
44 Truyện Liên Hoa Sắc, xem Phần I, Ch. iv, Ni-tát-kỳ 4.
[67] Huyền xí 懸廁. Pali, Vin.ii. 280: vaccakuṭī, nhà xí, làm theo kiểu nhà sàn.
[68] Hán dịch mâu thuẫn: ngồi kiết già, hai gót chân lật lên, không dính bẩn được. Cf. Vin. ii. 280: pallaṅkena nisīdanti paṇhīsamphassaṃ sādiyanti, «ngồi kiết già, để cho chúng nó sờ vào hai gót chân.»
[69] Ma-kiệt-đề, nhưng chỗ khác âm là Ma-kiệt-đà.
[70] Nhữ niên thiếu bất tri túc 汝年少不知足. Xem câu trả lời của A-nan tiếp theo để hiểu rõ ý nghĩa của lời trách mắng này. Tạp A-ham 41 (T02n99 tr.303a06): Ca-diếp mắng A-nan, «Ông, trẻ con, không biết lượng sức» (nhữ thị đồng tử, bất tri trù lượng 汝是童子不知籌量). A-nan trả lời như trên. Cf. Pali, S.ii. na vāyaṃ kumārako mattamaññāsi, «Cậu bé này không biết lượng sức.»
49 Trong các kinh Pali, Ca-diếp xưng hô A-nan là āvuso, hiền giả (hay ông bạn). A-nan luôn luôn xưng hô Ca-diếp là bhante, bạch Đại đức, như xưng hô với Phật. Vì tôn kính Ca-diếp như là Hoà thượng của mình.
[72] Pali, ibid., «…mắng Thánh giả A-nan, vị ẩn sĩ thông thái (ayyo Ānando vedehamuni).
[73] Pali, ibid., Ca-diếp nói, «… từ khi Ta xuất gia đến nay, Ta chưa gọi ai là Thầy, ngoại trừ Thế Tôn.»
[74] Thoá chi 唾之, nhổ nước bọt.
[1] Tham chiếu Pali, Cullavagga 8, Vattakkhandhakaṃ, Vin.ii. 206. Ngũ phần 27, «Oai nghi pháp.»
[2] Thập tụng 41 (T23n1435, tr.300a17): Khách tỳ-kheo nghi pháp; 57 (T23n1435 tr.420a24): Khách pháp. Cf. Tăng kỳ 35 (T22n1425 tr.507b4).
[3] Phước nhiêu 福饒. Chưa rõ thứ gì. Ngũ phần 27 (T22n1421 tr.179a20), tỳ-kheo khách hỏi: «Phòng này có thức ăn không?» Thập tụng 57, nt., hỏi: «Tăng phòng này có tiền thực hậu thực không?» Ngũ phần 27, nt., cũng hỏi như Thập tụng.
[4] Tháng 30 ngày thì kể luôn ngay 23, 29, 30.
[5] Kinh hành xứ 經行處. Có lẽ kinh hành đường đúng hơn. Pali: caṅkamana-sāla. Nhà để đi kinh hành khi trời mưa. Cũng thường dùng làm nhà khách, phòng hội.
[6] Tức xỉa răng.
[7] Xoa kỳ xí thảo 叉奇廁草.
[8] Quy định như pháp khất thực, đoạn trên.
[9] Bản cao ly: tượng hàng 象行, như đàn voi. Bản Tống-Nguyên-Minh: như nhạn hàng, bầy nhạn.
[10] Năm pháp tác tịnh trái cây, xem trên, Chương vii, về thuốc.
[11] Pali, Vin.ii. 212: bhattagge na anumodanti, ăn xong, không tụng tùy hỷ.
[12] Tỳ-kheo, ba-dật-đề 9.
[13] Thực thượng pháp 食上法. Pali: bhattaggavattaṃ.
[14] Lỗ thổ 鹵土, đất mặn, đất có vị muối.
[15] Các loại cây: đà-bà 陀婆, bà-trà 婆茶, kiền-đà-la 揵陀羅, tất bát 蓽苃, a-ma-lặc 阿摩勒:
[16] Thiến thảo 茜草; loại cỏ dùng để nhuộm.
[17] Cấm-mãn 禁滿; Pali (Skṭ) kumbha (?), cái ghè.
[18] Xem Chương về da thuộc.
[19] Hết quyển 49. Hết phần iii.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.128.31.76 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.