Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tứ Phần Luật [四分律] »» Bản Việt dịch quyển số 51 »»

Tứ Phần Luật [四分律] »» Bản Việt dịch quyển số 51

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.71 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.87 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Luật Tứ Phần

Kinh này có 60 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 40 | 41 | 42 | 43 | 44 | 45 | 46 | 47 | 48 | 49 | 50 | 51 | 52 | 53 | 54 | 55 | 56 | 57 | 58 | 59 | 60 |
Việt dịch: Thích Đỗng Minh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng
Hiệu chính và chú thích
[944a9] Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có tỳ-kheo làm phòng riêng trong đất của Tăng. Có vị Thượng tọa tỳ-kheo khách đến, bảo: «Dậy, nhường chỗ Thượng toạ!» Tỳ-kheo kia trả lời: «Không dậy.» Thượng tọa hỏi: «Tại sao?» tỳ-kheo kia nói: «Đây là phòng riêng của tôi.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Bảo vị ấy nên dậy đi thì tốt. Nếu không dậy, bảo trả đất lại cho Tăng. Không có lý gì lấy đất của Tăng làm của mình.»
17. Tỳ-kheo Tri sự
Có tỳ-kheo cất cái thất quá vội nên không chắc chắn. Đức Phật dạy: «Không nên như vậy.» Có vị lại kinh dinh một cái phòng thất mà suốt đời không xong. Đức Phật dạy: «Không nên như vậy. Nếu làm cái nhà lầu tốt nhất, lâu lắm cũng trong vòng mười hai năm mà thôi.[49] Ngoài ra, tùy theo lớn nhỏ mà quy định.»
Có vị là người xây dựng[50] cho nên tất cả thời xuân, hạ, đông, chiếm dụng phòng trị sự thường xuyên của Tăng. Phật dạy:
«Không nên làm như vậy. Cho phép, sau ba tháng hạ, chia lại từ Thượng tọa.»
Có tỳ-kheo làm người xây dựng chung cho các Tăng-già-lam, nên chỗ nào cũng nhận phần phòng của mình. Đức Phật dạy, không nên nhận như vậy. Nên nhận một nơi chín mươi ngày để ở. Tại trú xứ đông người, vị làm việc xây cất kia trú ở nhà ăn, nhà ấm, nhà kinh hành, khiến cho khách tỳ-kheo không có chỗ ở. Đức Phật dạy, «Không nên ở như vậy. Nếu tầng dưới sảnh đường là chỗ ở của số đông người thì nên ở tầng trên. Nếu tầng trên sảnh đường là chỗ ở của số đông người thì nên ở tầng dưới.»
Có vị chỉ làm việc xây dựng nhỏ như đắp vách bùn, hoặc vá lại, hoặc san bằng đất, nhưng lại đòi hỏi làm tri sự. Đức Phật dạy, không được như vậy. Có vị sai sa-di, sai người Tăng-già-lam, bèn coi mình tri sự. Phật dạy, không được như vậy. Có vị làm cái phòng nhỏ, đòi hỏi cấp phòng tri sự. Đức Phật dạy, không được như vậy. Nếu phòng được làm có nhận giường dây, giường cây, cho phép cấp cho phòng tri sự. Có vị làm phòng xấu, đòi được cấp phòng tri sự. Đức Phật dạy, không được như vậy. Nếu phòng được làm có đủ các thứ trang hoàng và xông hương, cho phép cho cấp phòng tri sự.
Có tỳ-kheo tri sự, nhận phòng rồi qua đời. Các tỳ-kheo không biết phòng ấy thuộc về của ai, bạch Phật. Đức Phật dạy, tùy ý của Tăng.
Có tỳ-kheo tri sự, sai người bạch Tăng để được cấp phòng. Tỳ-kheo kia đến trong Tăng bạch. Tăng cấp phòng rồi, tỳ-kheo xây cất kia qua đời. Các tỳ-kheo không biết phòng này nên giao cho ai. Đức Phật dạy, tùy ý của Tăng. Tỳ-kheo tri sự sai người trong Tăng xin cấp phòng. Tăng cấp rồi, tỳ-kheo sai (sứ giả) kia qua đời. Các tỳ-kheo không biết phòng này nên giao cho ai. Đức Phật bảo, cho thầy tri sự đó. Tỳ-kheo tri sự qua đời trong mùa hạ an cư. Các tỳ-kheo không biết phòng này nên giao cho ai. Đức Phật dạy, tùy ý của Tăng.
Có tỳ-kheo làm phòng chưa lợp, bỏ đi. Tỳ-kheo khách nói với cựu tỳ-kheo rằng, hãy lợp cái phòng này. Cựu tỳ-kheo nói: «Ai cất thì người đó lợp.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy, cho phép, làm phòng có gác lớn và đẹp nhất cũng trong vòng sáu năm là lợp thành. Còn loại phòng nhỏ hơn tùy theo đó mà lượng định.
Có một tỳ-kheo làm phòng, tỳ-kheo khác lợp, hai tỳ-kheo tranh nhau ai sửa trước, ai sau. Các tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật dạy ai làm trước thì sửa trước. Có hai tỳ-kheo cùng nhau làm phòng, cùng nhau tranh kẻ làm trước người làm sau. Đức Phật cho phép, cùng nhau làm thì Thượng tọa ở trước.
Tỳ-kheo tri sự, hạ an cư, nhận phòng do mình sửa (để ở), rồi lại nhận phòng khác (để ở). Phật dạy, không được làm như vậy. Nên an cư nơi phòng mình đã sửa chữa.
Thế Tôn ở tại Câu-thiểm-di. Bấy giờ vua Ưu-điền là bạn thân hậu của Bạt-nan-đà, mời Bạt-nan-đà hạ an cư tại Câu-thiểm-di. Bạt-nan-đà nhận lời an cư rồi, nghe trú xứ an cư nọ, Tăng nhận được nhiều y vật, liền đến nơi trú xứ đó một thời gian ngắn, rồi trở lại Câu-thiểm-di. Vua Ưu-điền nghe, cơ hiềm rằng: «Bạt-nan-đà nhận lời mời của tôi an cư rồi. Nghe trú xứ nọ Tăng an cư nhận được nhiều y vật, lại đến nơi đó. Rồi trở lại đây.» Các tỳ-kheo nghe, đến chỗ đức Thế Tôn, đầu diện lễ sát chân rồi ngồi lui qua một bên, đem nhơn duyên này trình bày đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp tỳ-kheo Tăng quở trách Bạt Nan Đà Thích tử rằng:
«Tại sao, nhận lời mời an cư tại Câu-thiểm-di rồi nghe trú xứ nọ, Tăng hạ an cư nhận được nhiều y vật, lại đến đó ở một thời gian rồi về lại nơi đây?»
Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, Phật bảo các tỳ-kheo:
«Nếu tỳ-kheo nào an cư nơi đây, nghe trú xứ nọ Tăng an cư nhận được nhiều y vật mà đến đó ở, tức là mất trú xứ này. Ở nơi đó một thời gian, trở về trú xứ này, lại mất nơi trú xứ kia.»[51]
Bấy giờ, phòng xá của chúng Tăng cũ hư, có cư sĩ thưa: «Nếu cho phép, con sẽ tu bổ.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép bằng bạch nhị yết-ma.»
Pháp thức như sau: Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma,[52] dựa theo sự việc trên tác bạch:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng đem phòng này giao cho cư sĩ tên... tu bổ, tỳ-kheo... làm người doanh sự.[53] Đây là lời tác bạch.
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng đem phòng này giao cho cư sĩ tên... tu bổ, tỳ-kheo... làm doanh sự. Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng đem phòng này giao cho cư sĩ tên... tu bổ, tỳ-kheo... làm người doanh sự thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.
«Tăng đã đồng ý đem phòng này giao cho cư sĩ... tu bổ, tỳ-kheo... làm người doanh sự rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»
Bấy giờ tỳ-kheo doanh sự (tri sự) chưa chia phòng, có việc cần đi. Sau đó các tỳ-kheo chia phòng. Tỳ-kheo doanh sự kia khi trở về hỏi: «Có để phòng doanh sự cho tôi không?» Có vị trả lời: «Không.» Tỳ-kheo doanh sự liền cơ hiềm, trách các tỳ-kheo rằng: «Tôi chưa chia phòng, có việc cần đi. Các vị sau đó lại chia phòng. Tôi có công quả trong này, sao không chia phòng cho tôi?» Các tỳ-kheo không biết như vậy có thành chia hay không? Đức Phật dạy, thành. Nhưng nên đợi người kia về. Vị kia cũng nên dặn người nhận phòng cho mình.
Tỳ-kheo doanh sự chưa chia phòng, có việc cần ra ngoài, dặn tỳ-kheo khác lấy phòng cho mình mà không nói rõ phòng nào. Tỳ-kheo kia xây cất nhiều chỗ, tỳ-kheo này không biết lấy phòng nào. Các tỳ-kheo chia phòng rồi, vị kia về hỏi các tỳ-kheo: «Chia phòng chưa?» «Chia rồi.» «Có để phòng cho tôi không?» «Không.» Vị kia liền cơ hiềm, trách rằng: «Chưa chia phòng, tôi có việc cần đi; dặn tỳ-kheo khác nhận phòng cho tôi. Tôi có đóng góp trong việc này, sao không cho tôi phòng?» Các tỳ-kheo không biết như vậy có thành chia hay không? Đức Phật dạy, thành chia. Nhưng nên đợi người kia về. Người kia cũng nên chỉ rõ phòng nào cần nhận.
Tỳ-kheo doanh sự kia lấy phòng rồi, sau đó khi chia phòng theo thứ tự thì được phòng tốt hơn, liền bỏ phòng trước. Các tỳ-kheo bạch [945a1] Phật. Đức Phật dạy:
«Không nên làm như vậy. Nên từ Thượng tọa phân chia, nếu không có người lấy thì mới cho.»
Tỳ-kheo kia nghi, không dám bốc vào chìa khóa cửa của chúng Tăng, hay cây gậy, cái khoen, cái cọc, cái chuôi bằng xương, bằng đồng, ghế ngồi tắm. Đức Phật dạy cho phép cầm nắm.
Có vị không dám từ trú xứ này di chuyển các vật đến trú xứ kia. Đức Phật dạy cho phép di chuyển.
18. Chia cháo
Có năm pháp không nên sai vì Tăng chia cháo; dù đã sai cũng không được chia: có thiên vị, hay giận hờn, có khiếp sự, ngu si, không biết đã chia hay chưa. Có năm pháp như vậy không nên sai vì Tăng chia cháo. Đã sai, cũng không được chia.
Có năm pháp nên sai vì Tăng chia cháo: không có thiên vị, không hay giận hờn, không có khiếp sợ, không ngu si, biết đã chia hay chưa chia. Có năm pháp như vậy nên sai vì Tăng chia cháo. Nếu đã sai thì khiến vì Tăng chia cháo, chia tiểu thực, chia khư-xà-ni,[54] mời đi phó trai, trải ngọa cụ, chia ngọa cụ, chia y tắm, chia y, cái nào cần lấy, cái nào cần cho. Sai tỳ-kheo sứ, sai sa-di sứ, tất cả cũng như vậy.
Có năm pháp vì Tăng chia cháo vào địa ngục nhanh như tên bắn: có ái, có nhuế, có bố, có si, không biết đã chia chưa. Có năm pháp như vậy mà chia cháo thì vào địa ngục như tên bắn.
Có năm pháp chia cháo được sanh lên cõi trời như tên bắn: Không ái, không nhuế, không bố, không si, biết đã chia hay chưa. Có năm pháp như vậy vì Tăng chia cháo thì sanh lên cõi trời nhanh như tên bắn, cho đến sai sa-di sứ cũng như vậy.
CHƯƠNG II.
TẠP SỰ
1. Bát

Thế Tôn ở tại Ba-la-nại, thì bấy giờ có năm tỳ-kheo đến chỗ đức Phật, đầu diện kính lễ sát chân rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật chúng con nên thọ trì loại bát nào? Đức Phật dạy:
«Cho phép thọ trì bát ca-la, bát xá-la.»[1]
Bấy giờ, có tỳ-kheo vào trong Tăng thọ thực mà không có bình bát. Đức Phật dạy:
«Vị ngồi cạnh nên cho. Nếu trong Tăng có hai loại bát này thì nên cho mượn.»
Bấy giờ, có tỳ-kheo bị rắn phun nọc độc trong bát, không rửa mà dùng để ăn. Ăn xong bị bệnh. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không nên không rửa bát mà đựng thức ăn để ăn. Cho phép, rửa bát rồi mới đựng đồ ăn.»
2. Dao
Các tỳ-kheo tóc dài. Phật cho phép cạo. Hoặc tự cạo, hoặc nhờ người cạo. Cần dao cạo, cho phép sắm. Có vị dùng vật báu làm cán dao. Đức Phật dạy, không được dùng vật báu. Cho phép, dùng đồng, thiếc để làm. Có vị để dao trần, khó cất giữ. Đức Phật cho phép làm bao dao. Có vị dùng vật báu để làm. Đức Phật dạy không được dùng vật báu để làm. Cho phép, dùng xương, ngà voi, đồng, sắt, bạch lạp, chì, thiếc, cỏ xá-la, trúc, tre, cây để làm. Có vị sợ khua động bao dao làm hư lưỡi dao, Phật cho dùng vật mịn để ngăn, như lông, như kíp bối, như da chó. Nếu sợ rơi, nên dùng sợi dây buộc dính lại. Nếu cầm nơi tay, khó giữ; nên dùng cái đãy để đựng. Đựng trong đãy bị rơi ra, nên dùng cái dây buộc miệng đãy lại. Nếu cầm đi, sợ rơi mất, nên dùng sợi dây buộc nơi vai.
Bấy giờ, các tỳ-kheo dùng dao. Dao bị cuốn lại. Cho phép mài[2] trên tay. Nếu vẫn cuốn, thì nên mài trên đá. Tay cầm đá, sợ mất; nên đựng trong túi dao. Nếu dao lụt, nên gọt.[3] Hoặc mình tự gọt hay nhờ người gọt. Có vị cần dao để gọt.[4] Đức Phật cho phép.
3. Râu-tóc-móng
Tỳ-kheo cạo tóc sợ tóc rơi trên y. Đức Phật cho phép sắm đồ để hứng tóc. Các tỳ-kheo không biết làm như thế nào? Đức Phật cho phép bện bằng tre; hoặc uốn gỗ làm cái vành rồi cáng lá cây lên. Hoặc dùng một trong mười loại y để làm đồ hứng tóc. Có vị để đồ hứng tóc dưới đất nên khi để lên đầu gối để hứng, bùn, đất lang bẩn y. Phật dạy, không được làm như vậy. Cho phép dùng sợi dây buộc trên đầu cây trụ.
Tỳ-kheo lông mũi dài. Phật cho phép nhổ. Hoặc tự mình nhổ hay nhờ người nhổ. Có vị cần nhíp, đức Phật cho phép sắm. Có vị dùng vật báu làm. Phật dạy, không được dùng vật báu làm mà nên dùng xương, ngà voi, đồng, sắt, bạch lạp, chì, thiếc để làm. Đầu nhíp bị sứt, nên bao bằng sắt. Cầm tay, khó giữ gìn, cho phép để trong bao của dao cạo tóc.
Móng tay của các tỳ-kheo dài. Phật cho phép cắt. Hoặc tự mình cắt hay nhờ người cắt. Có vị cần dao để cắt móng tay, Phật cho phép sắm. Có vị dùng vật quý báu để làm. Phật dạy, không được dùng vật quý báu để làm. Cho phép dùng đồng hay sắt để làm. Cầm nơi tay, kho giữ. Phật cho phép dùng ống nhựa để đựng. Có vị dùng vật quý báu để làm ống. Phật dạy, không được dùng vật quý báu để làm mà nên dùng đồng, sắt, bạch lạp, chì, thiếc, tre hay cây để làm. Sợ trong ống rơi ra nên nhét miệng ống lại. Có vị dùng đồ quý báu để nhét. Phật dạy, không được dùng đồ quý mà nên dùng đồng, thiếc, bạch lạp, chì, kẻm, tre, cây để làm. Nếu sợ để riêng một chỗ bị rơi mất thì nên để chung trong đãy của dao.
Bấy giờ, có tỳ-kheo móng tay dài, đến nhà bạch y. Tỳ-kheo này tướng mạo xinh đẹp, phụ nữ bạch y thấy liền để ý và nói với tỳ-kheo rằng, tôi cùng thầy làm việc như vậy, như vậy. Tỳ-kheo nói, đại tỷ đừng nói như vậy. Pháp của chúng tôi không có việc ấy. Người phụ nữ nói, nếu thầy không làm theo lời của tôi, tôi sẽ tự lấy móng tay cào nơi mắt, nơi thân có thương tích, rồi khi chồng tôi về tôi nói là thầy bảo tôi làm việc như vậy, như vậy, tôi không chịu làm, thầy liền lấy móng tay cào nơi mặt, nơi thân tôi, thương tích đến như vậy. Tỳ-kheo nghe nói như vậy liền hoảng sợ, chạy vội vàng ra khỏi nhà. Trong khi tỳ-kheo vừa chạy ra khỏi nhà thì người chồng cũng vừa từ ngoài về lại nhà. Người phụ nữ kia liền tự lấy móng tay cào vào thân vào mặt nói với người chồng rằng tỳ-kheo bảo em làm việc như vậy, như vậy, em không đồng ý. Tỳ-kheo liền cào vào mặt vào thân em nên có thương tích như vậy. Người chồng liền đuổi theo bắt tỳ-kheo và nói:
«Ông muốn phạm vợ tôi. Vợ tôi không đồng ý, ông cào vào mặt vào mình vợ tôi có thương tích, là sao?»
Tỳ-kheo trả lời:
«Này cư sĩ, ông đừng nói như vậy. Pháp của chúng tôi không có làm việc ấy.»
Người chồng liền nói:
«Tại sao ông bảo tôi đừng nói như vậy? Móng tay của ông dài như vậy kia mà!»
Nói xong, người chồng liền đánh tỳ-kheo gần chết. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không nên để móng tay dài.»
Nhóm sáu tỳ-kheo cắt móng tay quá sát, khiến cho chảy máu. Phật dạy, không được cắt như vậy. Có vị cắt móng tay như hình bán nguyệt. Phật dạy, không được cắt như vậy. Có vị cắt móng tay nhọn trên đầu. Phật dạy, không được cắt như vậy. Có vị mài móng tay cho sáng. Phật dạy, không được mài như vậy. Có vị nhuộm móng tay thành màu sắc. Phật dạy, không được nhuộm như vậy. Đức Phật lại nói với các tỳ-kheo:
«Các ông là những người ngu si, tránh những điều ta chế cấm này, để rồi làm bao nhiêu điều khác. Cho phép các tỳ-kheo cắt móng tay vừa gần ngoài da.»
Phật nói, dài nhất bằng hạt lúa là nên cắt.
Nhóm sáu tỳ-kheo dùng kéo xén râu tóc. Phật dạy, không được làm như vậy. Có vị cạo tóc mà không cạo râu. Đức Phật dạy nên cạo cả râu tóc. Có vị cạo râu mà không cạo tóc. Đức Phật dạy nên cạo cả râu tóc. Có vị nhổ tóc, Phật dạy, không được nhổ. Có vị chừa tóc. Phật dạy, không được để [946a1] như vậy. Có vị vuốt râu mép cho cong lên. Phật dạy, không được vuốt như vậy.
«Các ông là những người ngu si, tránh những điều ta đã chế cấm này, để rồi làm bao nhiêu việc khác. Từ nay về sau, râu tóc nên cạo hết.»
Các tỳ-kheo không biết tóc dài bao nhiêu thì nên cạo. Đức Phật dạy dài nhất là hai ngón tay, hoặc hai tháng cạo một lần, đó gọi là dài nhất.
Nhóm sáu tỳ-kheo chải râu tóc. Đức Phật dạy không nên chải như vậy. Có vị dùng dầu thoa vào tóc. Phật dạy, không được thoa như vậy.
Nhóm sáu tỳ-kheo kẻ mí con mắt. Các cư sĩ thấy, cơ hiềm nói, «Sa-môn Thích tử muốn nhiều không nhàm chán, mà tự xưng mình biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp? Giống như người bạch y!» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không được kẻ mí mắt như vậy.»
Các tỳ-kheo bị bệnh mắt, đức Phật cho phép nhỏ các loại thuốc.
4. Trang sức
Nhóm sáu tỳ-kheo dùng gương soi mặt hoặc soi mặt dưới nước, hay dùng vật mài cho có ánh sáng để soi mặt. Các cư sĩ thấy cơ hiềm, nói: «Sa-môn Thích tử nhiều lòng ham muốn không biết nhàm chán, mà tự xưng là mình biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp, trong khi soi gương giống như người bạch y?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không nên làm như vậy.»
Có tỳ-kheo bị mọc mụt nơi mặt, đức Phật cho phép các tỳ-kheo khác xức thuốc giùm. Nếu một mình ở trong phòng, đức Phật cho phép dùng kiếng soi mặt để xức thuốc. Có tỳ-kheo trau chuốt thân, trau chuốt tóc. Phật dạy, không được làm như vậy. Có tỳ-kheo nhổ nước bọt vào mình rồi chà xát. Đức Phật dạy, không được làm như vậy.
Có vị tắm rửa nơi chỗ đất trống, các cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử ham muốn nhiều không nhàm chán, mà tự xưng là mình biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp, trong khi tắm rửa nơi chỗ đất trống như bạch y!» Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy, Không được tắm như vậy.
Có tỳ-kheo nghĩ, tự đấm vào vai, vào cánh tay, cho nó nở to đẹp. Phật dạy, không được làm như vậy. Có tỳ-kheo bôi hương vào mình cho thơm. Phật bảo, không được như vậy. Tỳ-kheo lo ngại thân mình hôi hám vì mồ hôi, đức Phật cho phép dùng dao để nạo mồ hôi. Có vị dùng vật báu làm. Phật dạy, không được dùng vật báu để làm mà nên dùng xương, ngà voi, đồng, thiếc, sắt, kẽm, cỏ xá la, tre, cây để làm. Nhóm sáu tỳ-kheo làm dao nạo mồ hôi, cái đầu giống như dao cạo tóc, khi nạo mồ hôi, lông trong người cũng đứt luôn. Phật dạy, không được làm như vậy, cũng không nên cất chứa dao như vậy.
Có tỳ-kheo bị bệnh ghẻ lở, dùng thuốc bột thô để rửa nên bị đau. Đức Phật dạy, cho phép dùng thuốc bột thứ mịn, hoặc là bùn mịn, hoặc lụa là, hoặc bông hay trái, tuỳ theo sự thích hợp với thân người bệnh, cho phép người rửa ghẻ dùng để trị các loại ghẻ, cho đến bệnh hôi mồ hôi.
Nhóm sáu tỳ-kheo đeo hoa tai. Phật dạy, không được làm như vậy. Nhóm sáu tỳ-kheo gắn hạt châu trên vành tai. Phật bảo, không được như vậy. Nhóm sáu tỳ-kheo đeo khoen tai. Phật bảo, không được như vậy. Nhóm sáu tỳ-kheo dùng lá đa-la, hoặc chì hoặc thiếc làm cái vòng căng lớn lỗ tai. Phật dạy, không được làm như vậy. Nhóm sáu tỳ-kheo quấn thuỳ tai lại. Phật dạy, không được làm như vậy.
Có vị làm dây lưng bằng chì. Phật dạy, không được làm như vậy. Có vị đeo anh lạc quanh cổ. Phật dạy, không được đeo như vậy. Có vị đeo xuyến nơi tay chân. Phật dạy, không được đeo như vậy. Các vị kia đeo khoen[5] nơi ngón tay. Phật dạy, không được đeo như vậy. Có vị dùng chỉ năm màu buộc nơi nách, nơi lưng, nơi cánh tay. Phật dạy, không được buộc như vậy. Có vị đeo nhẫn.[6] Phật dạy, không được đeo như vậy.
5. Thần biến thị đạo
Thế Tôn ở tại thành Vương xá. Bấy giờ, Lục sư ngoại đạo cùng đệ tử ở chung với nhau. Bất-lan Ca-diếp[7] cùng chín vạn đệ tử. Mạt-khư-la Cù-xa-la[8] cùng tám vạn đệ tử. Cứ như vậy giảm dần cho đến Ni-kiền Tử[9] cùng bốn vạn người. Khi ấy tại thành Vương xá, có trưởng giả là đệ tử của Lục sư nhận được một khúc gỗ chiên đàn, dùng làm cái bình bát đựng trong cái đãy bằng vật báu, treo lên cây trụ biểu cao trước sân, cùng với lời công bố: «Nếu trong thành Vương xá này có Sa-môn, Bà-la-môn là A-la-hán có đại thần lực, thì cứ lấy chiếc bát này đi.» Khi ấy Phú-lan[10] Ca-diếp đến chỗ ông trưởng giả nói:
«Tôi là A-la-hán có đại thần lực. Xứng đáng thọ trì chiếc bát cùng với đãy. Hãy lấy cho tôi.»
Ông trưởng giả nói:
«Nếu ông là A-la-hán có đại thần lực thì tôi cho ông. Ông hãy lên mà lấy.»
Vị kia muốn lấy nhưng không cách nào lấy được. Bấy giờ, Mạt-khư-la Cù-xa-la, A-di-đầu Xí-xá-khâm-bà-la, Ba-cù Ca-chiên-diên, San-đâu Tỳ-la-tra Tử, Ni-kiền-đà Nhã-đề Tử, đều đến chỗ trưởng giả nói:
«Tôi là A-la-hán có đại thần lực. Xứng đang thọ trì chiếc bát cùng với đãy. Hãy lấy cho tôi.»
Ông trưởng giả nói:
«Nếu ông là A-la-hán có đại thần lực thì tôi cho ông. Ông hãy lên mà lấy.»
Các vị kia muốn lấy mà không cách nào lấy được.
Bấy giờ, Tân-đầu-lô,[11] Đại Mục-liên, cùng ngồi trên một hòn đá lớn. Tân-đầu-lô nói với Mục-liên:
«Thầy là A-la-hán có thần túc, đã được đức Thế Tôn thọ ký vào hạng nhất. Thầy có thể đến đó để lấy.»
Mục-liên nói:
«Tôi chưa từng hiện thần túc trước người bạch y. Thầy cũng là A-la-hán có đại thần lực, đã được đức Thế Tôn thọ ký cho là sư tử hống vào hàng tối thượng bậc nhất.[12] Thầy có thể đến đó lấy.»
Khi Tân-đầu-lô nghe Mục-liên nói rồi, liền cùng với hòn đá vụt mình lên hư không, bay quanh thành Vương-xá bảy vòng. Người trong nước thấy, sợ đá rơi nên lấn nhau chạy trốn. Bấy giờ, ông trưởng giả kia từ trên lầu gác, nhìn thấy Tân-đầu-lô ở trên hư không, liền chắp tay kính lễ, thưa rằng:
«Lấy chiếc bát đi, Tân-đầu-lô!»
Tân-đầu-lô liền lấy chiếc bát. Ông trưởng giả lại nói:
«Xin dừng lại một chút, Tân-đầu-lô!»
Tân-đầu-lô liền dừng lại một chút. Ông trưởng giả tự tay lấy bát và đựng đầy thức ăn ngon bổ dâng cho Tân-đầu-lô. Tân-đầu-lô nhận lại chiếc bát, trở lại dùng thần túc lực nương nơi hư không mà đi. Các tỳ-kheo nghe chuyện, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Tân-đầu-lô rằng: «Sao lại hiện thần thông trước người bạch y?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đầu diện kính lễ sát chân rồi ngồi lui qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp tỳ-kheo Tăng, biết mà vẫn hỏi Tân-đầu-lô:
«Thầy có hiện thần túc trước người bạch y không?
«Kính bạch đức Thế Tôn! thật có.»
Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách Tân-đầu-lô:
«Thầy làm việc sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao đối trước người bạch y mà hiện thần túc? Giống như dâm nữ vì nửa đồng tiền mà trình diện trước mọi người. Thầy cũng như vậy, vì chiếc bát bằng gỗ không đáng gì mà đối trước bạch y hiện thần túc.» Phật dạy:
«Không nên đối trước bạch y hiện thần túc. Nếu hiện, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo không nên chứa cất bát bằng chiên-đàn. Nếu chứa thì sẽ trị như pháp.[13] Nếu nhận được bát đã làm thành thì nên phá ra chia cho các tỳ-kheo làm thuốc trị mắt.»
Bấy giờ, các ngoại đạo nghe Sa-môn Cù-đàm cấm các tỳ-kheo không được hiện thần túc trước người bạch y. Bèn nghĩ, «Điều mà Sa-môn ấy cấm chế thì trọn đời không ai phạm. Nay chúng ta có thể đến chỗ họ nói rằng: ‘Này Sa-môn Cù-đàm, các ông tự xưng là đắc A-la-hán, chúng tôi cũng là A-la-hán. Các ông tự xưng là có thần túc, chúng tôi cũng có thần túc. Các ông tự xưng là đại trí [947a1] tuệ, chúng tôi cũng có đại trí tuệ. Nay chúng ta có thể cùng hiện thần lực, pháp thượng nhân. Nếu Sa-môn Cù-đàm hiện một pháp thượng nhân, thì chúng tôi sẽ hiện hai. Nếu hiện hai chúng tôi sẽ hiện bốn. Sa-môn Cù-đàm hiện bốn pháp thượng nhân, thì chúng tôi sẽ hiện tám. Nếu hiện tám thì chúng tôi sẽ hiện mười sáu. Nếu hiện mười sáu chúng tôi sẽ hiện ba mươi hai. Nếu hiện ba mươi hai chúng tôi sẽ hiện sáu mươi bốn. Nếu Sa-môn hiện tăng lên, chúng tôi cũng sẽ hiện tăng gấp đôi.’»
Các ngoại đạo đi khắp mọi nơi ở trong thành, tuyên truyền nói rằng: «Sa-môn Cù-đàm tự xưng là có thần lực, thì chúng tôi cũng có thần lực. Tự xưng có đại trí tuệ, thì chúng tôi cũng có đại trí tuệ. Nay chúng tôi muốn cùng Sa-môn Cù-đàm thi đấu hiện thần lực, pháp thượng nhân. Nếu Sa- môn Cù-đàm hiện một, chúng tôi sẽ hiện hai, tùy theo Sa-môn Cù-đàm hiện nhiều hay ít, chúng tôi cũng sẽ hiện gấp bội.»[14]
Trong thành Vương xá có một chỗ đất bằng phẳng và rất rộng. Các trưởng giả đem nhiều hoa hương, anh lạc, kỹ nhạc, tràng phan, thức ăn, y phục, thuốc men, ngọa cụ đến cúng dường cho Bà-già-bà[15] của ngoại đạo tại đây. Bấy giờ, có trưởng giả nọ muốn lấy hoa để cúng dường ngoại đạo, đưa tay vào để lấy thì lại không lấy được. Muốn lấy hương anh lạc, tràng phan, kỹ nhạc, ẩm thực, y phục, thuốc men, ngọa cụ để cúng, bàn tay vừa đưa vào để lấy thì cũng không lấy được. Trong khi ấy, có vị trưởng giả kia muốn lấy hoa để cúng dường Phật thì đưa tay vào lấy không có gì trở ngại. Như vậy, tùy ý ông trưởng giả muốn lấy bất cứ thứ gì, cho đến thuốc men, ngọa cụ để cúng cũng đều không trở ngại. Ông trưởng giả liền khởi ý nghĩ: «Hy hữu thay! Thế Tôn có đại thần lực như vậy.» Ông liền bạch Phật:
«Cúi xin đức Thế Tôn cùng đại tỳ-kheo Tăng nhận lời mời thọ thực của con vào ngày mai.»
Đức Thế Tôn im lặng nhận lời. Ông trưởng giả biết đức Thế Tôn im lặng nhận lời rồi, liền đến trước kính lễ sát chân Phật rồi cáo lui. Về đến nhà, trong đêm, chuẩn bị mọi thức ăn ngon bổ rồi, sáng ngày ông trưởng giả đến báo giờ. Đức Thế Tôn đắp y bưng bát cùng đại tỳ-kheo Tăng một ngàn hai trăm năm mươi vị đến nhà ông trưởng giả. Khi đức Thế Tôn bước đi, nơi dấu chân có đại thần lực khiến chư thiên trên hư không dùng hoa trời mạn-đà-la, hương chiên đàn, mạt hương, hoa ưu-bát-la, hoa bát-đầu-ma, hoa câu-mâu-đầu, hoa phân-đà-lợi rải nơi dấu chân đức Phật và trổi kỹ nhạc cõi trời ca tụng tán thán Phật. Vị trưởng giả đi theo sau đức Thế Tôn với ý nghĩ: «Âm thanh này là từ dưới đất phát ra hay từ trên trời đưa lại?» Trưởng giả ngửa nhìn lên hư không, từ xa thấy hoa trời mạn-đà-la cho đến hoa phân-đà-lợi, và kỹ nhạc cõi trời cũng từ trong hư không bèn nghĩ: «Âm thanh này không phải từ dưới đất mà là từ trên không đưa lại.» Đức Thế Tôn đến nhà ông trưởng giả, an tọa nơi chỗ ngồi.
Bấy giờ, các ngoại đạo nghe việc này, liền nghĩ: Ông trưởng giả này xưa nay thường cúng dường cho chúng ta, nay tại sao lại thỉnh Phật và Tăng đến cúng dường? Chúng ta có thể đến khiến cho ông ta không đủ chỗ và thức ăn để thết đãi!» Nghĩ xong các ngoại đạo liền cùng quyến thuộc đến nhà ông trưởng giả. Người giữ cửa thấy các ngoại đạo cùng quyến thuộc đến, liền vào thưa với ông trưởng giả rằng:
«Thưa ông chủ, các ngoại đạo cùng quyến thuộc đến, cho vào hay không?»
Ông trưởng giả nói: «Đừng cho vào.»
Đức Phật bảo ông trưởng giả:
«Nên cho họ vào.»
Ông trưởng giả bạch Phật:
«Ngoại đạo đông người. Chỗ nơi chật hẹp, sợ không dung hết.»
Đức Phật dạy:
«Cứ mời vào, nhường nhau thì đủ.»
Ông trưởng giả lại nói:
«Ngoại đạo đông người, chỗ ngồi có hạn, thức ăn có hạn, chỉ đủ cúng Phật và một ngàn hai trăm năm mươi vị Tăng, sợ không đủ.»
Đức Phật nói với ông trưởng giả:
«Cứ mời vào. Nhường nhau thì thức ăn sẽ đủ.»
Đức Thế Tôn dùng thần túc lực khiến cho mặt đất trở thành bằng phẳng, rộng lớn. Nhìn về phương Đông, vô số trăm ngàn toà cao tự nhiên xuất hiện. Phương Nam, Tây, Bắc cũng lại như vậy. Bấy giờ, đức Thế Tôn cùng một ngàn hai trăm năm mươi tỳ-kheo Tăng, cùng các ngoại đạo đều đủ chỗ ngồi. Ông trưởng giả trưng bày các thức ăn ngon bổ cúng dường đức Phật, tỳ-kheo Tăng và các ngoại đạo, tất cả đều đầy đủ. Phật ăn xong, cất bát. Ông trưởng giả lấy chiếc ghế thấp, ngồi trước đức Phật. Đức Thế Tôn vì ông trưởng giả dùng vô số phương tiện nói pháp, giáo hóa, khiến được hoan hỷ. Nói pháp xong, đức Phật từ chỗ ngồi cáo lui.
Bấy giờ các ngoại đạo cùng quyến thuộc đều đến chỗ Vua Bình-sa, chắp tay trên đầu, nói:
«Cầu nguyện cho Vua thường thắng.»
Rồi tâu:
«Sa-môn Cù-đàm tự nói là A-la-hán, chúng tôi cũng là A-la-hán. Sa-môn Cù-đàm tự nói có thần thông, chúng tôi cũng có thần thông. Sa-môn Cù-đàm tự xưng có đại trí tuệ, chúng tôi cũng có đại trí tuệ. Nay chúng tôi muốn cùng Sa-môn Cù-đàm thi đua về thần lực và pháp thượng nhơn xem thử ai hơn. Nếu Sa-môn Cù Đam hiện một, chúng tôi sẽ hiện hai, cứ như vậy tùy Sa-môn Cù-đàm hiện nhiều hay ít, thì chúng tôi sẽ hiện gấp bội họ. Thưa đại vương, nay chúng tôi muốn cùng Sa-môn Cù-đàm thi đua về hiện thần lực và pháp thượng nhơn.»
Bấy giờ, Vua Bình-sa đến chỗ đức Phật, đầu diện kính lễ sát chân rồi ngồi lui qua một bên, đem sự việc vừa rồi bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn và thưa:
«Cúi xin đức Thế Tôn cùng ngoại đạo thi đua về hiện thần lực và pháp thượng nhơn.» Đức Thế Tôn nói với Vua rằng:
«Thôi, đủ rồi! Như lai tự biết thời, Khi nào cần hiện thì sẽ hiện. Hãy làm theo điều Vua muốn. Sáng mai Như Lai sẽ ra đi.»
Sáng ngày, đức Thế Tôn cùng đại tỳ-kheo chúng từ thành Vương-xá ra đi. Vua Bình-sa dùng năm trăm cổ xe chở các thức ăn ngon bổ theo sau đức Thế Tôn. Các ngoại đạo nghe đức Thế Tôn sáng sớm từ thành Vương-xá ra đi, liền nói:
«Sa-môn Cù-đàm không có thể cùng chúng ta thi đua thần thông nên đã ra đi.»
Vua Bình-sa dùng năm trăm chiếc xe chở thức ăn ngon bổ là cho chúng ta chứ không phải là cho Sa-môn Cù-đàm. Nay chúng ta có thể đến chỗ mà Cù-đàm đi đến để nói với Cù-đàm cùng chúng ta thi thố thần lực và pháp thượng nhơn.
Các ngoại đạo liền đi theo sau đức Thế Tôn. Vua Bình-sa nghe đức Phật cùng một ngàn hai trăm năm mươi tỳ-kheo sớm đã từ thành Vương-xá ra đi, Vua cùng tám mươi bốn ngàn tùy tùng cũng đi theo sau đức Thế Tôn. Phạm Thiên Vương, Thích Đề-hoàn Nhơn, Tứ thiên vương, vô số chư thiên, trăm ngàn đại chúng cũng tùy tùng đức Thế Tôn. Bấy giờ, đức Thế Tôn đến thành Ưu-thiền. Vua thành Ưu-thiền tên là Ba-la-thù-đề.[16] Các ngoại đạo nước Ma-kiệt, và các ngoại đạo thành Ưu-thiền, đều cùng đến chỗ vua Ba-la-thù-đề, chắp tay lên đầu, nói lời khen ngợi:
«Nguyện Vua thường thắng.» Nguyện xong nói:
«Sa-môn Cù-đàm tự xưng mình là A-la-hán, chúng tôi cũng là A-la-hán; tự xưng có thần lực, chúng tôi cũng có thần lực; tự xưng có đại trí tuệ, chúng tôi cũng có đại trí tuệ. Chúng tôi ở trong thành Vương-xá yêu cầu Cù-đàm cùng chúng tôi biểu diễn thần lực và pháp hơn người, mà Sa-môn Cù-đàm không thể cùng chúng tôi thi thố thần lực và pháp hơn người. Nay chúng tôi muốn cùng Cù-đàm thi thố thần lực và pháp hơn người. Nếu Sa-môn Cù-đàm hiện một, thì chúng tôi sẽ hiện hai. Cứ như vậy tùy Sa-môn Cù-đàm hiện nhiều hay ít, thì chúng tôi đều hiện gấp bội.»
Vua Ba-la-thù-đề liền đến chỗ đức Phật, đầu diện kính lễ sát chân rồi đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn:
«Lành thay! đức Thế Tôn có thể cùng các ngoại đạo hiện thần lực và pháp hơn người?»
Đức Thế Tôn nói với vua Ba-la-thù-đề:
«Thôi, đủ rồi! Như lai [948a1] tự biết thời, Khi nào cần hiện thì sẽ hiện. Hãy làm theo điều Vua muốn. Sáng mai Như Lai sẽ ra đi.»
Sáng ngày, đức Thế Tôn rời khỏi thành Ưu-thiền. Vua Ba-la-thù-đề dùng năm trăm cổ xe chở các thức ăn ngon bổ theo sau đức Thế Tôn. Các ngoại đạo nghe đức Thế Tôn ra đi, tuyên bố rằng: «Sa-môn Cù-đàm không thể cùng chúng ta biểu diễn thần lực và pháp hơn người nên mới bỏ đi. Vua dùng năm trăm chiếc xe để chở thức ăn cho chúng ta chứ không phải cho Cù-đàm. Chúng ta sẽ đến chỗ Cù-đàm định đến để cùng Cù-đàm biểu diễn thần lực và pháp hơn người.» Họ liền đi theo sau đức Thế Tôn.
Bấy giờ, Vua Bình-sa nghe đức Thế Tôn đã đi, liền cùng tám mươi bốn ngàn người, vua Ba-la-thù-đề cùng bảy mươi ngàn người, Thích, Phạm, Tứ thiên vương, chư thiên, đại chúng vô số trăm ngàn quyến thuộc vây quanh tùy tùng đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đến an trú trong vườn Cù-sư-la, nước Câu-thiểm-di. Bấy giờ, Ưu-đà-diên là Vua. Các ngoại đạo nước Ma-kiệt, các ngoại đạo nước Ưu-thiền, và các ngoại đạo Câu-thiểm-di cùng đến chỗ vua Ưu-đà-diên chắp tay tới đầu khen rằng:
«Nguyện Vua thường thắng.» Nguyện như vậy rồi nói:
«Sa-môn Cù-đàm tự xưng là A-la-hán, chúng tôi cũng là A-la-hán; tự xưng là có đại thần lực, chúng tôi cũng có thần lực; tự xưng là có đại trí tuệ, chúng tôi cũng có đại trí tuệ. Khi Cù-đàm ở nước Ma-kiệt, nước Ưu-thiền, chúng tôi có yêu cầu cùng biểu diễn thần lực và pháp hơn người, mà Sa-môn Cù-đàm không thể cùng chúng tôi biểu diễn thần lực và pháp hơn người nên bỏ đi. Nay chúng tôi muốn cùng Sa-môn Cù-đàm biểu diễn thần lực và pháp hơn người. Nếu Sa-môn Cù-đàm hiện một, thì chúng tôi sẽ hiện hai, cứ như vậy tùy theo Sa-môn Cù-đàm hiện nhiều ít thì chúng tôi cũng hiện gấp bội.»
Vua Ưu-đà-diên đến chỗ đức Thế Tôn, đầu diện kính lễ sát chân rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên trên bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn:
«Lành thay! đức Thế Tôn, hãy cùng các ngoại đạo hiển hiện thần lực và pháp hơn người.»
Đức Thế Tôn nói với Vua:
«Thôi, đủ rồi! Như lai tự biết thời. Khi nào cần hiện thì sẽ hiện. Hãy làm theo điều Vua muốn. Sáng mai Như Lai sẽ ra đi.»
Sáng sớm hôm sau đức Như lai ra đi. Bấy giờ, vua Ưu-đà-diên cùng năm trăm chiếc xe chở các thức ăn ngon bổ theo sau đức Thế Tôn. Các ngoại đạo nghe đức Thế Tôn đi liền nói: «Sa-môn Cù-đàm không thể cùng chúng ta biểu diễn thần lực và pháp hơn người nên mới bỏ đi. Vua Ưu-đà-diên chở thức ăn ngon bổ trên năm mươi cổ xe là vì chúng ta chứ không phải vì Cù-đàm. Nay chúng ta có thể đến chỗ mà Cù-đàm sẽ đến để biểu diễn thần lực và pháp hơn người.» Họ liền đi theo sau đức Như Lai.
Bấy giờ, Vua Bình-sa cùng tám mươi bốn ngàn tùy tùng, vua Ưu-thiền cùng bảy mươi ngàn tùy tùng, vua Ưu-đà-diên cùng sáu mươi ngàn tùy tùng tiến bước sau đức Thế Tôn, Thích, Phạm, Tứ thiên vương, vô số trăm ngàn chư thiên đại chúng tùy tùng sau đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đến an trụ trong vườn Ni-câu-luật, nước Ca-duy-la-vệ. Vua Phạm Thí nước Ca-duy-la-vệ là em khác mẹ với đức Phật.[17] Các ngoại đạo nước Ma-kiệt, các ngoại đạo nước Ưu-thiền, các ngoại đạo nước Câu-thiểm-di, và các ngoại đạo nước Ca-duy-la-vệ cùng đến chỗ vua Phạm Thí, chắp tay lên đầu, nguyện Vua thường thắng, rồi bạch với vua Phạm Thí rằng:
«Sa-môn Cù-đàm tự xưng là A-la-hán, chúng tôi cũng là A-la-hán; tự xưng có đại thần lực, chúng tôi cũng có đại thần lực; tự xưng có đại trí tuệ, chúng tôi cũng có đại trí tuệ. Khi ở nước Ma-kiệt, nước Ưu-thiền, nước Câu-thiểm-di, chúng tôi cùng Sa-môn Cù-đàm thi thố thần lực và pháp hơn người. Sa-môn Cù-đàm không thể cùng chúng tôi thi thố thần lực và pháp hơn người nên bỏ đi. Nay chúng tôi muốn cùng Sa-môn Cù-đàm biểu hiện thần lực và pháp hơn người. Nếu Sa-môn Cù-đàm biểu hiện một thì chúng tôi sẽ biểu hiện hai. Cứ như thế tùy theo Sa-môn Cù-đàm biểu hiện nhiều hay ít thì chúng tôi cũng sẽ biểu hiện gấp bội.»
Vua Phạm Thí đến chỗ đức Phật, đầu diện kính lễ sát chân rồi ngồi qua một bên, bạch Phật rằng:
«Cúi xin đức Thế Tôn biểu hiện thần lực và pháp hơn người.»
Đức Phật nói với Vua:
«Thôi, đủ rồi! Như lai tự biết thời, Khi nào cần hiện thì sẽ hiện. Hãy làm theo điều Vua muốn. Sáng mai Như Lai sẽ ra đi khỏi Ca-duy-la-vệ.»
Sáng sớm hôm sau, đức Thế Tôn ra đi. Vua Phạm Thí liền dùng năm trăm cổ xe chở các thức ăn đi theo đức Thế Tôn. Các ngoại đạo nghe đức Thế Tôn ra đi, bèn nói: «Sa-môn Cù-đàm không thể cùng chúng ta biểu hiện thần lực và pháp hơn người nên mới bỏ chúng ta ra đi. Vua Phạm Thí chở năm trăm chiếc xe thức ăn là vì chúng ta chứ không phải vì Sa-môn Cù-đàm. Nay chúng ta nên đến chỗ Cù-đàm sẽ đến nói với Cù-đàm cùng chúng ta biểu hiện thần lực và pháp hơn người.» Các ngoại đạo liền cùng quyến thuộc đi theo sau đức Thế Tôn.
Vua Bình-sa nghe đức Phật đã đi liền cùng tám mươi bốn ngàn tùy tùng, vua Ba-la-thù-đề cùng bảy mươi ngàn tùy tùng, vua Ưu-đà-diên cùng sáu mươi ngàn tùy tùng, vua Phạm Thí cùng năm trăm tùy tùng theo sau đức Thế Tôn, Thích, Phạm, Tứ thiên vương cùng các quyến thuộc vô số trăm ngàn người theo sau đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn từ nước Ca-duy-la-vệ du hành nhơn gian đến an trụ trong vườn Kỳ-hoàn nước Xá-vệ. Bấy giờ, vua nước Xá-vệ là Ba-tư-nặc. Các ngoại đạo nước Ma-kiệt-đà, các ngoại đạo nước Ưu-thiền, các ngoại đạo Câu-thiểm-di, các ngoại đạo Ca-duy-la-vệ, và các ngoại đạo nước Xá-vệ cùng đến chỗ vua Ba-tư-nặc chắp tay lên đầu, bạch rằng:
«Cầu nguyện Vua thường thắng.» Cầu nguyện xong, nói:
«Sa-môn Cù-đàm tự xưng là A-la-hán, chúng tôi cũng là A-la-hán; tự xưng là có đại thần lực, chúng tôi cũng có đại thần lực; tự xưng có đại trí tuệ, chúng tôi cũng có đại trí tuệ. Khi Cù-đàm ở nước Ma-kiệt, thành Ưu-thiền, Câu-thiểm-di, nước Ca-duy-la-vệ chúng tôi muốn cùng Cù-đàm biểu hiện thần lực và pháp hơn người, mà Cù-đàm không thể cùng chúng tôi biểu hiện thần lực và pháp hơn người nên bỏ đi. Nay chúng tôi muốn cùng Sa-môn Cù-đàm biểu hiện thần lực và pháp hơn người. Nếu Sa-môn Cù-đàm biểu hiện một thì chúng tôi biểu hiện hai. Cứ như vậy tùy theo sự biểu hiện nhiều hay ít của Sa-môn Cù-đàm mà chúng tôi biểu hiện gấp bội.»
Vua Ba-tư-nặc đến chỗ đức Thế Tôn, đầu diện kính lễ sát chân rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên trên bạch đầy đủ với đức Thế Tôn:
«Lành thay, đức Thế Tôn! Cúi xin ngài biểu hiện thần lực và pháp hơn người.» Đức Phật bảo Vua:
«Thôi, đủ rồi! Như Lai tự biết thời, Khi nào cần hiện thì sẽ hiện. Vào tháng chạp, trong mười lăm ngày, từ mồng một cho đến rằm, Như Lai sẽ hiện thần lực và pháp thượng nhơn. Đại vương nếu muốn xem Như Lai hiện thần lực và pháp thượng nhơn thì đến xem.»[18]
Bấy giờ, tại nước Xá-vệ có một khu đất đặc biệt bằng phẳng rộng rãi, đức Thế Tôn đến đó trải chỗ ngồi an tọa.[19] Phạm thiên vương để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch đức Thế Tôn:
«Con sẽ trải một toà cao cho Thế Tôn.»
Đức Phật bảo Phạm vương:
«Thôi, được rồi. Như Lai tự biết thời.»
Trời Đế Thích, Tứ thiên vương, Vua Bình-sa, vua Ba-la-thù-đề, vua Ưu-đà-diên, vua Phạm Thí, vua Ba-tư-nặc, Mạt-lợi phu nhân, trưởng giả Lê-sư-đạt-đa, Phú-la-na, tất cả đều nói:
«Con sẽ trải một toà cao cho Thế Tôn.»
Đức Phật bảo:
«Thôi, được rồi. Như Lai tự biết thời.»
Bấy giờ, các cư sĩ có lòng tin đối với ngoại đạo, vì ngoại đạo thiết lập trăm ngàn chỗ ngồi cao có giá trị. Những người có lòng tin ưa, cung kính [949a1] cúng dường đức Thế Tôn theo thứ tự, từ ngày một cho đến ngày thứ mười lăm.
Bấy giờ đức Thế Tôn xoay mặt nhìn về phương Đông, tức thì có vô số trăm ngàn chỗ toà cao tự nhiên xuất hiện. Phương Nam, phương Tây, phương Bắc cũng lại như vậy. Ngay chính giữa có tòa sư tử cao bằng bảy báu tự nhiên xuất hiện. Như Lai an tọa trên đó. Bấy giờ các đại chúng đều an tọa nơi chỗ ngồi. Theo thứ tự, vị đàn-việt cúng dường ngày hôm ấy dâng cây dương chi lên đức Phật. Thế Tôn nhận và xỉa răng xong, bỏ cây tăm phía sau lưng liền thành cây đại thọ,[20] gốc nhánh cành lá sum suê. Đại chúng thấy thần lực của đức Thế Tôn như vậy rất hoan hỷ, được pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh. Đức Thế Tôn biết đại chúng được pháp vị tằng hữu, sanh tâm yếm ly liền vì họ dùng vô số phương tiện nói các pháp, khiến cho được hoan hỷ. Bấy giờ, ngay trên chỗ ngồi, trăm ngàn người xa lìa trần cấu, đặng con mắt pháp trong sạch. Đây là ngày đầu đức Thế Tôn thị hiện thần lực biến hóa.
Ngày thứ hai, cây kia trổ hoa, sắc hương đầy đủ. Hoa của cây rơi xuống khắp nơi. Đại chúng gom lại cho đến đầu gối. Tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di và cả đại chúng đều ngửi được mùi hương của hoa này. Đại chúng thấy thần lực biến hóa của Thế Tôn như vậy đều rất hoan hỷ, được pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh. Đức Thế Tôn biết đại chúng được pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh, liền vì họ dùng vô số phương tiện nói các bài pháp khiến họ được hoan hỷ. Bấy giờ, trên chỗ ngồi, vô số trăm ngàn người xa trần cấu, đặng con mắt pháp trong sạch. Đây là ngày thứ hai đức Thế Tôn thị hiện thần lực biến hóa.
Ngày thứ ba, trái của cây chín và tiết ra mùi thơm. Trái của cây không đợi rung, tự rơi xuống đất mà không bị hư. Tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di và đại chúng đều cùng thọ thực. Dân chúng thấy thần lực biến hóa của đức Thế Tôn như vậy rất hoan hỷ, được pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh. Đức Thế Tôn quán sát biết đại chúng được pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh, liền vì họ nói pháp, cho đến đạt được con mắt pháp trong sạch như trên. Đây là ngày thứ ba đức Thế Tôn thị hiện thần lực biến hóa.
Bấy giờ có đàn-việt theo thứ tự cúng dường, vào ngày thứ tư dâng nước cho đức Thế Tôn. Thế Tôn lấy một vốc nước đổ xuống chỗ đất phía trước. Do thần lực của Phật, liền thành một cái ao lớn. Nước trong sạch không có bợn nhơ. Người uống trừ được bệnh. Có các tạp hoa ưu-bát-la, bát-đầu-ma, câu-mâu-đầu, phân-đà-lợi; các loài chim khác lạ: chim le le, nhạn, uyên ương, các loài ba ba, rùa, cá trạnh, các loài thủy tộc làm vật trang nghiêm cho cái ao lớn ấy. Đại chúng thấy thần lực biến hóa của đức Thế Tôn như vậy rất hoan hỷ, được pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh. Đức Thế Tôn quán sát biết đại chúng được pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh, liền vì họ nói pháp, cho đến được con mắt pháp trong sạch như trên. Đây là ngày thứ tư đức Như Lai thị hiện biến hóa như vậy.
Đến ngày thứ năm, bốn phía của cái ao đều chảy ra một con sông. Dòng nước chảy thẳng không uốn cong, yên lặng không có sóng. Các loại hoa kỳ lạ đều trang nghiêm cho các con sông. Dòng nước của bốn con sông tạo thành tiếng pháp, tất cả các hành đều là vô thường, khổ, không, tất cả các pháp đều vô ngã, Niết bàn tịch tĩnh. Đại chúng thấy thần lực biến hóa của đức Thế Tôn như vậy rất hoan hỷ, được pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh. Đức Thế Tôn quan sát biết đại chúng nhận được pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh, liền vì họ nói pháp, cho đến đạt được con mắt pháp trong sạch, như trên. Đây là ngày thứ năm đức Thế Tôn thị hiện biến hóa thần lực.
Ngày thứ sáu, đức Thế Tôn hóa đại chúng đều như nhau không có sự sai khác. Đại chúng thấy đức Thế Tôn dùng thần lực biến hóa như vậy đều rất hoan hỷ, được pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh. Đức Thế Tôn quan sát biết đại chúng được pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh liền vì họ nói pháp, cho đến đạt được con mắt pháp trong sạch như trên. Đây là ngày thứ sáu đức Thế Tôn thị hiện biến hóa như vậy.
Ngày thứ bảy đức Thế Tôn ở trên không trung vì đại chúng nói pháp, chỉ nghe tiếng nói của đức Như Lai mà không thấy hình Như Lai. Đại chúng thấy thần lực biến hóa của đức Thế Tôn như vậy rất hoan hỷ, thấy được những việc chưa từng có, tâm yểm ly phát sanh. Đức Thế Tôn quán sát biết đại chúng coi việc đó là chưa từng có, tâm yểm ly phát sanh, liền vì họ nói pháp cho đến đạt được con mắt pháp trong sạch như trên.
Ngày thứ tám, các cư sĩ tin theo ngoại đạo sai người thưa với các ngoại đạo: «Các ngài có biết chăng, Sa-môn Cù-đàm đã hiện thần lực, nay đã tám ngày, sao các Ngài không đến?»
Thật sự họ muốn đến mà không đến được. Đức Thế Tôn bảo các tỳ-kheo:
«Giả sử dùng sợi dây da thật bền chắn buộc thân của Bất-lan Ca-diếp vào con bò cho nó kéo, khiến dây đứt, cả thân thể rã; nếu không bỏ kiến giải của mình mà cố chấp luận nghị, thì không thể đến chỗ ta được. Cho đến Ni-kiền Tử v.v... cũng như vậy.»
Bấy giờ, Phạm Thiên vương bảo Thiên đế Thích rằng:
«Các ngoại đạo tự nói họ bằng với đức Thế Tôn, mà nay họ không thể đến để cùng đức Thế Tôn giác đấu thần lực được. Chúng ta hãy phá các cao toà kia.»
Thiên đế Thích bảo Tứ thiên vương:
«Các ngoại đạo tự nói họ bằng với đức Thế Tôn, mà nay họ không thể đến để cùng đức Thế Tôn giác đấu thần lực được. Chúng ta hãy phá các cao toà kia.»
Tứ Thiên vương liền gọi thần gió, thần làm mây, thần làm mưa, thần sấm sét đến bảo rằng:
«Các ngoại đạo tự nói họ bằng với đức Thế Tôn, mà nay họ không thể đến để cùng đức Thế Tôn giác đấu thần lực được. Chúng ta hãy phá các cao toà kia, khiến cho tiêu tan, không còn dấu vết gì nữa.»
Bấy giờ, thần gió v.v... nghe Tứ Thiên vương dạy như vậy rồi, liền phá các cao toà của ngoại đạo khiến không còn bất cứ dấu vết nào. Bấy giờ các ngoại đạo bị mưa to gió lớn thổi ướt dầm dề, liền trốn vào trong hang động, cây cỏ rừng rú.
Có ngoại đạo loã hình, ngoại đạo Tư-ni,[21] Ba-lê Tử Ba-tư-bà-xà-già,[22] lấy một cục đá lớn buộc vào cổ, tự trầm mình xuống hố sâu. Đại chúng thấy thần lực biến hóa của đức Thế Tôn đều rất vui mừng, đắc pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh. Đức Thế Tôn liền vì họ nói pháp, cho đến đạt được con mắt pháp trong sạch như truớc. Đây là ngày thứ tám đức Thế Tôn thị hiện biến hóa như vậy.
Ngày thứ chín đức Thế Tôn ở trên đảnh Tu-di vì đại chúng nói pháp mà chỉ nghe tiếng chứ không thấy hình. Đại chúng thấy sự biến hóa của đức Thế Tôn như vậy rất hoan hỷ, đắc pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly của họ phát sanh. Đức Thế Tôn liền vì họ nói pháp, cho đến đạt được con mắt pháp trong sạch như trên. Đây là ngày thứ chín đức Thế Tôn thị hiện biến hóa.
Ngày thứ mười đức Thế Tôn nói pháp ở trên cõi Phạm thiên, đại chúng chỉ nghe tiếng nói mà không thấy hình. Đại chúng thấy đức Thế Tôn biến hóa như vậy đều rất hoan hỷ, đắc pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh. Đức Thế Tôn vì họ nói pháp, cho đến đạt được con mắt pháp trong sạch, như trên. Đây là ngày thứ mười đức Thế Tôn thị hiện biến hóa.
Ngày thứ mười một, đức Thế Tôn ở trong đại chúng thị hiện thần túc biến hóa[23] một thân thành nhiều thân, nhiều thân thành một thân, lúc thì ở sát bên, lúc thì ở xa không thấy, hoặc tuy chướng ngại do tường đá ngăn che ở gần núi, nhưng thân Phật xuyên qua không có gì trở ngại; du hành nơi không trung như con chim liệng quanh; ra vào nơi đất như nước; đi trên sóng nước như đi trên đất liền; thân tuôn ra khói lửa bốc cháy như đống lửa lớn; tay sờ măt trời, mặt trăng; thân cao cho đến Phạm Thiên.[24] Đại chúng thấy đức Thế Tôn biến hóa như vậy [950a1] rất hoan hỷ, đạt được pháp chưa từng có, tâm yểm ly phát sanh. Đức Thế Tôn liền vì họ nói pháp, cho đến đạt được con mắt pháp trong sạch như trên. Đây là ngày thứ mười một đức Thế Tôn thị hiện thần túc biến hóa như vậy.
Ngày thứ mười hai, đức Thế Tôn ở trong đại chúng tâm niệm nói pháp:[25] nên nghĩ như thế này, không nên nghĩ như thế này; nên tư duy thế này, không nên tư duy như thế này; nên đoạn cái này, nên tu hành pháp môn này. Đại chúng thấy đức Thế Tôn dùng thần túc biến hóa như vậy, rất vui mừng, đạt được những việc chưa từng có, phát sanh tâm yểm ly. Đức Thế Tôn liền vì họ nói pháp, cho đến đạt được con mắt pháp trong sạch như trên. Đây là ngày thứ mười hai đức Phật thị hiện thần túc biến hóa như vậy.
Ngày thứ mười ba, đức Thế Tôn vì đại chúng nói pháp giáo thọ. Ngài dạy:[26] «Tất cả đang bị bốc cháy. Cái gì mà nói là tất cả đang bị bốc cháy? Mắt đang bị bốc cháy. Sắc đang bị bốc cháy. Thức của mắt đang bị bốc cháy. Xúc của mắt đang bị bốc cháy. Các cảm thọ khổ, lạc, phi khổ phi lạc phát sinh do nhân duyên xúc của mắt, đang bị bốc cháy. Bị bốc cháy bởi cái gì? Bởi lửa dục, lửa nhuế, lửa si. Sao gọi là đang bốc cháy? Đang bốc cháy vì sanh, già, bệnh, chết, sầu ưu, khổ não đều đang bốc cháy. Ta nói đây là chỗ sanh ra khổ. Cho đến ý cũng vậy. Tất cả đều đang bốc cháy.»
Đại chúng nghe đức Thế Tôn nói pháp giáo hóa như vậy đều rất hoan hỷ, cho là việc chưa từng có. Đức Phật liền vì họ nói pháp cho đến đạt được con mắt pháp trong sạch, như trên. Đây là ngày thứ mười ba đức Như Lai biến hóa như vậy.
Ngày thứ mười bốn, theo thứ tự, người đàn-việt cúng dường, rút một đóa hoa dâng lên đức Thế Tôn. Thế Tôn ngửi xong, ném vào hư không. Do thần lực của đức Phật liền biến thành một vạn bốn ngàn lầu các đài hoa. Trong những lầu các đài hoa này, tất cả đều có tòa Phật ngồi, hai bên đức Phật có Thiên đế Thích và Phạm thiên vương chắp tay kính lễ, nói kệ:
Kính lễ đấng Nhân vương[27]
Bậc đại nhơn vô thượng.
Tất cả không thể biết
Thế Tôn trú thiền nào.
Đại chúng thấy thần lực đức Thế Tôn biến hóa như vậy đều rất vui mừng, được pháp chưa từng có. Đức Thế Tôn liền vì họ nói pháp, cho đến đạt được con mắt pháp trong sạch như trên.
Bấy giờ Vua Bình-sa nước Ma-kiệt, theo thứ tự, ngày thứ mười lăm thiết lễ cúng dường. Trong đêm, sửa soạn các thức ăn. Sáng ngày, dùng các thức ăn ngon bổ cúng dường đức Phật và chúng Tăng. Vua Ba-la-thù-đề, Ưu-đà-diên, Phạm Thí, Ba-tư-nặc, Mạt-lợi phu nhơn, trưởng giả Lê-sư-đạt-đa, Phú-lan-na, tất cả đại chúng đều cúng dường đầy đủ. Phật ăn xong, cất bát, xả bát. Vua Bình-sa lấy một chiếc ghế thấp ngồi trước đức Phật. Khi đức Thế Tôn buông bàn chân ra không ngồi kiết-già nữa, chân vừa đụng nơi bàn thì quả đất sáu lần rung động với mười tám hiện tượng rung động. Dưới bàn chân của đức Thế Tôn có luân tướng xuất hiện. Dấu bánh xe nghìn căm dưới bàn chân của Thế Tôn hiện lên, ánh sáng chiếu soi, từ bánh xe tỏa ra ánh sáng khắp ba ngàn đại thiên quốc độ.
6. Thiên bức luân
Vua Ma-kiệt thấy dấu bánh xe dưới chân đức Thế Tôn như vậy liền từ chỗ ngồi đứng dậy để trống vai bên hữu, chân bên hữu chấm đất, bạch đức Thế Tôn:
«Kính bạch đức Thế Tôn, trước kia làm phước đức gì mà dưới bàn chân có tướng bánh xe ngàn căm hoa, có ánh sáng chiếu soi khắp ba ngàn đại thiên quốc độ như vậy?»
Đức Phật bảo Vua Bình-sa:
Xa xưa về đời quá khứ, có Vua tên là Lợi Ích Chúng Sanh, làm vua cõi Diêm-phù-đề. Bấy giờ, quốc độ Diêm-phù-đề phong phú, nhơn dân no ấm khoái lạc. Có tám mươi bốn ngàn thành ấp, xóm làng có năm mươi lăm ức cơ sở. Vua Lợi Ích chúng Sanh ngự tại thành tên là Huệ quang, đông tây mười hai do-diên, nam bắc bảy do diên. Thành kia rộng lớn, nhân dân no ấm, của cải dồi dào, trang sức khoái lạc. Đệ nhất phu nhân tự là Huệ Sự, không có con. Vì để cầu con, Phu nhơn kính lễ các loại trời thần, thần sông, thần ao, trời Mãn thiện, trời Bảo thiện, thần Mặt trời, thần Mặt trăng, Đế Thích, Phạm Thiên vương, thần đất, nước, gió, lửa, thần Ma-hê-thủ-la thiên tử, thần vườn, thần rừng, thần đường sá, thần quỷ tử mẫu, các thần của xóm làng. Cúng dường khắp nơi để cầu nguyện cho có con. Sau đó một thời gian, Đệ nhất phu nhơn có thai. Người nữ này khi mang thai có ba món trí tuệ: biết người nam có dục ý, biết được khi có thai, biết từ đâu mà có được thọ thai. Khi ấy phu nhơn liền đến chỗ Vua thưa:
«Vua biết chăng, nay thiếp đã có thai.»
Vua nói:
«Tốt lắm!»
Vua liền cung cấp cho Phu nhơn thêm đồ ăn thức uống, y phục, thuốc men, ngọa cụ thuộc loại tối thượng, tất cả các thứ cần dùng đều gia tăng gấp bội. Mười tháng trôi qua, phu nhơn sanh một bé trai, tướng mạo xinh đẹp. Ngày hài nhi chào đời, cũng là ngày tám mươi bốn ngàn thành có tám mươi bốn ngàn mỏ quý tự nhiên xuất hiện. Nơi mỏ bạc thì cây bằng bạc xuất hiện, gốc nhánh cành lá đều bằng bạch ngân. Chỗ nào mỏ vàng thì cây bằng vàng xuất hiện, gốc nhánh cành lá đều bằng vàng. Chỗ nào mỏ lưu ly, pha lê, xích, chơn châu, mã não, xa cừ cũng đều như vậy.
Bấy giờ theo pháp luật của nước, trẻ nít mới sanh hoặc cha mẹ đặt tên, hoặc sa-môn, bà-la-môn đặt tên. Vua Lợi ích Chúng Sanh nghĩ: Khỏi phải nhờ sa-môn, bà-la-môn đặt tên. Mẹ của hài nhi này tên là Huệ Sự. Nay ta nên đặt tên cho hài nhi là Huệ Đăng. Vua đặt tên hài nhi là Huệ Đăng.
Bấy giờ, Vua giao hài nhi cho bốn bà mẹ chăm nuôi. Một bà lo về thân thể, bà thứ hai lo về tắm giặt, bà thứ ba lo về bú sữa, bà thứ bốn lo về vui chơi. Bà lo về thân thể là lo việc chăm nom hình vóc tất cả các việc. Bà lo về tắm giặt thì lo tắm hài nhi và giặt y phục cho hài nhi. Bà lo về việc bú sữa thì lo về việc bứ sữa, sú cơm. Bà lo về việc vui chơi thì Vương tử nếu ở chỗ voi, ngựa, xe cộ du hý hay hoa hương bảo vật, các loại vui chơi phải phục vụ đầy đủ, cầm cây lộng khổng tước đi sau, giúp vui cho Vương tử, khiến cho được khoái lạc. Đức Thế Tôn nói kệ:
Tất cả phải tiêu vong,
Ở cao, rồi phải rụng.
Đã sanh tất phải chết;
Có mạng đều vô thường.
Chúng sanh chìm cõi Hữu,
Tất cả đều hữu vi.
Tất cả các thế gian,
Nào ai không già chết.
Đây lẽ thường ở đời:
Sanh, sanh, đều phải chết.
Tùy theo nghiệp đã tạo,
Tội phước có quả báo.
Ác nghiệp đọa địa ngục,
Thiện nghiệp sanh lên trời.
Cao hành sanh thiện đạo,
Đặng vô lậu Niết bàn.
Khi vua Lợi Ích Chúng Sanh mạng chung, Vương tử tám, chín tuổi. Bà mẹ cho học các kỹ nghệ, thư họa, toán số, hý tiếu, ca vũ, kỹ nhạc, cỡi voi, ngựa, xe cộ, bắn cung một cách dũng kiện, và mau chóng. Đối với tất cả các kỹ nghệ, Vương tử đều tinh thông lão luyện. Đến tuổi mười bốn, mười lăm, quần thần đến chỗ Vương tử thưa:
«Vương tử có biết chăng, Vua đã mệnh chung. Nay Vương tử nên đăng vương vị, làm vua, thi hành giáo lệnh.»
Vương tử trả lời:
«Nay tôi không thể làm vua và thi hành giáo lệnh của vua được. Tại sao vậy? Đời trước tôi đã từng làm vua sáu năm. Do nhơn duyên ấy mà tôi đã phải đọa vào địa ngục sáu ngàn năm. Cho nên nay tôi không thể làm vua, và thi hành giáo lệnh của vua được.»
Quần thần nói:
«Có phương tiện nào để Vương tử có thể làm vua, thi hành giáo lệnh của vua hay không?»
Vương tử trả lời:
«Có.»
Quần thần hỏi, [951a1] phương tiện đó là gì? Vương tử nói:
«Nếu có thể nói với kẻ nam người nữ trong cõi Diêm-phù-đề này phụng hành thập thiện không sát sanh, cho đến không tà kiến, thì tôi có thể làm vua.»
Quần thần nghe Vương tử dạy như vậy rồi, liền sai sứ công bố rao truyền khắp bốn phương như sau: «Nhân dân biết chăng? Vua Lợi Ích Chúng Sanh đã mệnh chung. Vương tử Huệ Đăng theo thứ tự là phải làm Vua. Nhưng Vương tử nói, Ta không làm vua. Cho đến khi nào kẻ nam người nữ trong Diêm-phù-đề đều phụng hành thập thiện không sát sanh, cho đến không tà kiến, khi ấy ta sẽ làm vua.» Quốc dân nghe công bố như vậy, tất cả đều tu hành thập thiện không sát sanh, cho đến không tà kiến. Quần thần liền đến chỗ vương tử Huệ Đăng thưa:
«Vương tử biết chăng? Kẻ nam người nữ trong Diêm-phù-đề này họ đều tự nói rằng: sẽ phụng hành thập thiện không sát sanh, cho đến không tà kiến. Nay Vương tử có thể đăng Vương vị thi hành giáo lệnh của Vua.» Vương tử nói:
«Lấy lụa đem đến đây!»
Quần thần liền đem lụa bạch tốt nhất đến. Vương tử tự quấn trên đảnh và tuyên bố:
«Thời gian như vậy, có vị quốc chủ như vậy, có tốt đẹp không?»
Quần thần trả lời:
«Rất tốt.»
Khi ấy quần thần tâu với Vua rằng:
«Khi Vua mới sanh, có tám mươi bốn ngàn mỏ quý tự nhiên xuất hiện. Nay hãy đem nhập vào vào kho của Vua.»
Vua nói:
«Cần gì phải nhập vào kho. Hãy đem đến đầu các ngã tư mà bố thí cho sa-môn, bà-la-môn, người nghèo thiếu, cô đơn, già cả. Họ cần gì đều bố thí cho một cách đầy đủ.»
Các đại thần nghe vua Huệ Đăng dạy như vậy rồi, liền ngay nơi tám mươi bốn ngàn thành, chỗ nào có mỏ quý, đều lấy mang đến các đầu ngã tư trong các cửa thành, sự bố thí cho sa-môn, bà-la-môn, người nghèo khổ, cô đơn, già nua. Họ cần chi đều bố thí cho đầy đủ.
Bấy giờ, Thiên đế Thích có ý nghĩ, Vua Huệ Đăng ngay nơi tám mươi bốn ngàn thành, chỗ nào có mỏ quý, đều lấy mang đến các đầu ngã tư trong các cửa thành, sự bố thí cho sa-môn, bà-la-môn, người nghèo khổ, cô đơn, già nua. Họ cần gì đều bố thí cho đầy đủ. Có thể việc làm này sẽ chiếm đoạt ngôi vị của ta. Nhưng nay ta có thể đến thử xem vua Huệ Đăng vì Vô thượng đạo làm việc bố thí có thối chuyển hay không?» Thiên đế Thích liền hóa làm một người đàn ông, nói với mọi người rằng: «Vua Huệ Đăng dạy chúng ta phụng hành thập ác, sát sanh cho đến tà kiến.» Bấy giờ, các đại thần liền đến chỗ vua thưa:
«Sự thật vua có dạy quốc dân phụng hành thập ác, sát sanh cho đến tà kiến hay không?»
Vua trả lời:
«Không! Tại sao vậy? Trước đây ta đã nói, ta không làm vua nếu quốc dân không phụng hành thập thiện, không sát sanh, cho đến không tà kiến. Do đó nay ta đã làm vua thì ta đâu có nói những lời như vậy. Nay các khanh cần trang nghiêm xa giá, ta muốn tự mình đi giáo hóa quốc dân.»[28]


Chú thích:
[49] Ngũ phần 25 (T22n1421 tr.169a12): Tỳ-kheo làm doanh sự, chiếm dụng phòng tri sự quá lâu, Phật quy định, làm doanh sự, được cấp phòng tỳ-kheo doanh sự (tri sự), tối đa 12 năm. Nhưng phải chờ Tăng làm bạch nhị yết-ma cho phép.
[50] Kinh doanh nhân 經營人, hay doanh sự tỳ-kheo 營事比丘, hay tỳ-kheo tri sự của Tăng. Xem đoạn sau, yết-ma Tăng sai tỳ-kheo doanh sự. Cf. Vin.ii. 160: Cư sĩ cất Già-lam cho Tăng, cần người giám đốc xây dựng. Phật cho phép Tăng bạch nhị yết-ma cử người làm quản đốc, tức doanh sự tỳ-kheo, hay Tri sự Tăng. Pali: navakammika.
[51] Xem Phần iii, Ch. An cư.
[52] Yết-ma Tăng sai, cử tỳ-kheo doanh sự, hay tri sự Tăng. Xem cht. 33 trên.
[53] Kinh doanh giả 經營者, tức doanh sự tỳ-kheo, hay tri sự Tăng. Xem cht. 33 trên. Pali: navakammika.
[54] Thức ăn loại cứng.
[1] Hai loại bát: ca-la 迦羅; xá-la 舍羅. Ngũ phần 26 (T22n1421 tr.170a02): Cho phép ba loại bát: bát sắt 鐵缽, bát sành 瓦缽, bát tô-ma 蘇摩缽. Pali, Vin. iii. 243, hai loại bát: bát bát sắt và bát sành (dve pattā ayopatto mattikāpatto).
[2] Ma 磨; mài, ở đây hiểu là vuốt cho thẳng.
[3] Quát 刮, gọt; ở đây hiểu là mài.
[4] Dùng hai dao «gọt» nhau, liếc hay mài vào nhau.
[5] Hoàn 環, khoen hay khâu, khác với nhẫn. Xem dưới.
[6] Chỉ ấn; Pali: aṅgulimuddikā, như khâu hay khoen đeo nơi ngón tay, nhưng có hình tượng trưng làm tín vật.
[7] Bất-lan Ca-diếp. Xem Phần iii Ch. i & cht. 76.
[8] Mạt-khư-la Cù-xa-la 末佉羅瞿奢羅. Các đoạn trước phiên âm là Mạt-khư-lê Cù-xa-li. Xem Phần iii Ch. i & cht. 76.
[9] Danh sách sáu tông sư ngoại đạo. Xem Phần iii Ch. i & cht. 76.
[10] Phú-lan 富蘭, trên kia âm là Bất-lan. Xem cht. 7.
[11] Tân-đầu-lô 賓頭盧; Pali, Vin. ii. 111, Piṇḍola-Bhāradvāja.
[12] Cf. A. ii. 23. Cf. A-la-hán cụ đức kinh, T02, tr. 831.
[13] Pali, Vin.ii. 112: na...dārupatto dhāretabbo. Yo dhāreyya, āpatti dukkaṭassa, «không được thọ trì bát gỗ. Ai thọ trì, phạm đột-kiết-la.
[14] Xem Trường A-hàm 11, kinh 15 «A-nậu-di» (T01, tr.67c). Cf. D. 24. Pāṭikasutta.
[15] Bà-già-bà 婆伽婆, phiên âm (Pali: Bhagavā), Thế Tôn.
[16] Xem Phần iii Ch. iv: Y, truyện Kỳ-bà.
[17] Phạm Thí 梵施. Không thấy chỗ nào nói Ông này là em khác mẹ của Phật 佛異母弟.
[18] Chi tiết toàn câu chuyện gần với truyện Yâmka-pāṭihāriya trong sớ giải Pháp cú, Pali, DhA. iii. 204; cũng được kể trong sớ giải Trường bộ DA. i. 57.
[19] Truyện kể Pali: gốc xoài Gaṇḍamba tại cổng thành Xá-vệ.
[20] Truyện kể Pali: vì Phật cho biết trước sẽ ngồi dưới gốc xoài Gaṇḍamba, nên ngoại đạo đã cho đốn mất.
[21] Tư-ni 斯尼. Chỉ lõa hình Seniya được đề cập trong kinh Kukkuravatika, M. 387, Pali. Theo đó, ông này sau theo Phật xuất gia và chứng quả A-la-hán. Hán tạng không có kinh tương đưong.
[22] Ba-lê Tử Ba-tư-bà-xà-già 波梨子波私婆闍伽. Có lẽ phiên âm từ Skt. parivrājaka (Pali: paribbājaka), chỉ ngoại đạo xuất gia, hay ngoại đạo phổ hành, du sĩ ngoại đạo.
[23] Đây chỉ thần biến thị đạo. Xem Phần iii Ch.i, truyện Uất-bệ-la & cht. 107, 108.
[24] Pali gọi đây là yamaka-pāṭihāriya, thần biến thị hiện song đối. Tức hiện từng cặp hiện tượng đối lập. Như vừa bốc lửc vừa trào nước. Duy chỉ Phật, không có Đại Thanh văn nào hiện được thần biến này.
[25] Ở đây Phật hiện ký tâm thị đạo. Xem Phần ii Ch.i truyện Uất-bệ-la & cht. 107, 109 trên. Skt. ādeśanā (Pali: ādesanā): đọc ý nghĩ của người khác (Hán: ký tâm). Bản Hán hiểu là «thuyết pháp.»
[26] Phật hiện giáo giới thị đạo, thứ ba trong ba thị đạo. Xem Phần iii Ch.i truyện Uất-bệ-la & 107, 108, 109 trên.
[27] Nguyên Hán: trượng phu vương 丈夫王.
[28] Hết quyển 51.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 60 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.17.81.159 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập