Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi.
Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Thích Nguyên Chứng - Thích Đức Thắng
Hiệu chính và chú thích 6. Tịnh địa
Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo bị bệnh ói mửa, nhờ người trong thành Xá-vệ nấu cháo. Hôm đó, vì có nhơn duyên nên cửa thành mở trễ, chưa nhận kịp cháo, bệnh nhơn qua đời. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép Tăng-già-lam nên kiết tịnh địa,[107] bằng pháp bạch nhị yết-ma.» Nên kiết như vầy: Công bố địa điểm, hoặc phòng nào, hay nhà ôn đường hay chỗ kinh hành. Trong chúng nên sai người có khả năng tác pháp yết-ma, hoặc Thượng tọa hay thứ tọa, tụng luật được hay không tụng luật được, miễn là có thể tác pháp yết-ma, tác bạch như vầy:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Nay Tăng lấy địa điểm... kiết làm tịnh địa. Đây là lời tác bạch.
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng lấy địa điểm... kiết làm tịnh địa. Trưởng lão nào đồng ý, Tăng lấy địa điểm... kiết làm tịnh địa, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.
«Tăng đã chấp thuận, tăng lấy địa điểm... kiết làm tịnh địa rồi. Tăng đã chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»
Có bốn thứ tịnh địa:[108]
1. Đàn-việt hoặc người tri sự, khi xây cất Tăng-già-lam, đã phân định, nói như vầy: «Chỗ đó sẽ dùng làm tịnh địa cho Tăng.»
2. Hoặc là xây cất Tăng-già-lam cho Tăng, mà chưa dâng cúng cho Tăng.
3. Hoặc phân nửa có rào ngăn, hoặc phần nhiều không rào ngăn, hoặc tất cả không rào ngăn; hoặc tường hoặc hào cũng như vậy.
4. Tăng bạch nhị yết-ma để kết.
Các tỳ-kheo nghĩ: «Có thể lấy phòng của tỳ-kheo kiết làm tịnh địa không?» Bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Có thể lấy làm. Trừ tỳ-kheo đi vắng.»
Phòng của tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni cũng như vậy. Hay miễu, nhà của quỉ thần, cũng được phép kiết làm tịnh địa như vậy.
Bấy giờ, có các tỳ-kheo không biết nơi nào là tịnh địa. Bạch Phật. Phật dạy: «Chỗ được quy định. Nếu nghi trước đó có tịnh địa rồi thì nên giải, sau đó mới kết lại.»
Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo đang sửa lại Tăng-già-lam cũ, không biết được phép kết tịnh địa không? Đức Phật dạy:
«Được phép kết.»
Bấy giờ, có cây mọc trên đất không tác tịnh, [875a1] cành lá che phủ đất đã tác tịnh. Lúc ấy các tỳ-kheo muốn an trí vật được tác tịnh lên trên, không biết là tịnh hay không tịnh? Đức Phật dạy:
«Gốc thuộc đất không được tác tịnh, thì cả cây cũng không được tịnh.»
Trường hợp có gốc cây thuộc đất tịnh, cành lá che phủ đất không tịnh. Các tỳ-kheo muốn an trí tịnh vật lên trên, không biết là tịnh hay không tịnh? Đức Phật dạy:
«Gốc thuộc đất tịnh, thì cả cây được tịnh.»
Trường hợp có gốc thuộc nơi đất không tác tịnh, cành lá che phủ đất tịnh, và trái rơi xuống đất tịnh. Các tỳ-kheo không biết là tịnh hay không? Đức Phật dạy:
«Không có người xúc chạm, tự rơi xuống là tịnh.»
Trường hợp gió thổi mưa sa làm cho rơi xuống; hoặc có loài khỉ vượn hay chim chóc xúc phạm đến làm cho rơi xuống, không biết là tịnh hay không tịnh? Đức Phật dạy:
«Nếu không có ý muốn khiến cho rớt xuống, tức là tịnh.»
Gốc cây thuộc nơi đất tịnh, trái rơi xuống nơi đất không tịnh. Tỳ-kheo không biết là tịnh hay không tịnh? Đức Phật dạy:
«Là tịnh.»
Bấy giờ, có các tỳ-kheo trồng đậu, trồng dưa, mía, rau nơi đất không tịnh, cành lá che phủ nơi đất tịnh, không biết tịnh hay không tịnh? Đức Phật dạy:
«Không tịnh.»
Trường hợp đậu, dưa, mía, rau trồng nơi đất tịnh, cành lá che phủ nơi đất không tịnh. Các tỳ-kheo không biết tịnh hay không tịnh? Đức Phật dạy:
«Tịnh.»
Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo ăn quả không tịnh,[109] các cư sĩ thấy cơ hiềm rằng: «Sa-môn Thích tử không biết thổ thẹn, không biết nhàm chán và biết đủ mà tự xưng là tôi biết chánh pháp. Trái không tác tịnh mà ăn, như vậy có gì là chánh pháp?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không được ăn trái không tịnh. Nên tác tịnh rồi mới ăn. Nên làm theo năm pháp tịnh mới ăn:[110] Tác tịnh bởi lửa, tác tịnh bởi dao, tác tịnh bởi mụt nhọt,[111] tác tịnh bởi chim cắn, tác tịnh bởi loại hột trỉa không mọc. Trái được làm theo năm pháp tịnh này thì được ăn. Ở đây, tác tịnh bởi dao, tác tịnh bởi mụt nhọt, tác tịnh bởi chim ăn thì nên bỏ hột rồi ăn. Tác tịnh bằng lửa và tác tịnh bằng hột trỉa không mọc thì ăn hết. Lại còn có năm pháp tịnh nữa như: gọt vỏ, lột vỏ, bị hư mục, bị nứt ra, bị khô héo.
Lúc bấy giờ, chúng Tăng nhận được vườn trái cây. Đức Phật dạy:
«Cho phép nhận.»
Nhưng không biết giao cho ai liệu lý. Đức Phật dạy:
«Giao cho nhưng người giữ Tăng-già-lam, hoặc sa-di, hay ưu-bà-tắc.»
Người liệu lý muốn được chia phần. Đức Phật dạy:
«Nên quy giá trị thành thức ăn để trả cho họ.»
Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo ăn trái nhai không nát nên đại tiện hột mọc thành cây. Các tỳ-kheo e ngại nói: «Mình đã phạm tội ăn hạt trỉa mọc.» Bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không phạm, vì đó là tịnh.»
Bấy giờ các tỳ-kheo trồng rau, tự mình rải hạt giống. Sau đó sanh nghi nói, «Mình tự trồng» nên không dám ăn. Bạch Phật. Phật dạy:
«Hạt giống đã biến đổi, cho phép ăn.»
Tỳ-kheo dời rau trồng chỗ khác, nghi nói, «Mình tự trồng» nên không dám ăn. Bạch Phật. Phật dạy:
«Vì sanh trở lại, cho phép được ăn.»
Hoặc tự mình trồng đậu, dưa, mía, nho, lê, ha-lê-lặc, bệ-lê-lặc, a-ma-lặc, tiêu, gừng, lá lốt, hay di chuyển trồng chỗ khác vẫn được ăn.
Có một sa-di nhỏ cầm đồ tịnh thực qua sông, tự mình không dở nổi. Phật cho phép tỳ-kheo lớn đỡ cho sa-di qua.
Bấy giờ, có một sa-di nhỏ mang đồ tịnh thực không thể leo lên bờ sông được. Phật cho phép tỳ-kheo lớn dìu lên. Có một sa-di nhỏ không thể đưa đồ tịnh thực lên treo trên vách tường hay treo lên trên cây long nha, cây trụ, và cũng không lấy xuống được. Bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép để trên giường. Hoặc dùng ghế hay bục đứng để treo lên hay lấy xuống.»
Bấy giờ, các tỳ-kheo có bình đựng sữa đông, bình đựng dầu mà không đậy. Bạch Phật. Đức Phật bảo, khiến tịnh nhơn đậy lại. Nếu không có tịnh nhơn, thì tự tay lấy cái nắp đặt lên trên, chứ không được dùng tay mình chạm vào.
Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo ăn rau không tịnh,[112] các cư sĩ thấy vậy cùng nhau cơ hiềm rằng: «Sa-môn Thích tử không biết tàm quý, không nhàm chán và biết đủ. Đoạn mạng chúng sanh, mà tự nói mình biết chánh pháp.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không được ăn rau không tịnh. Phải tác tịnh.»
Lúc ấy tỳ-kheo kia tự tác tịnh. Đức Phật dạy:
«Không được tự tác tịnh. Phải khiến tịnh nhơn tác tịnh.»
Có tỳ-kheo tự tay cầm thức ăn, rồi khiến người ta tác tịnh.[113] Đức Phật dạy:
«Không được tự tay cầm thức ăn, rồi khiến người khác tác tịnh. Phải để xuống đất, rồi khiến người tác tịnh.»
Vị kia tác tịnh rồi, không thọ mà ăn.[114] Đức Phật dạy:
«Không được tác tịnh rồi, không thọ mà ăn. Nên tác tịnh rồi, rửa tay thọ, rồi mới ăn.»
Vị kia rửa rau liên căn rồi tác tịnh. Đức Phật dạy:
«Không được rửa rồi lại tác tịnh. Ở đây rửa tức là tịnh.»
Bấy giờ, có tỳ-kheo trước đó hiềm nhau, nên sờ vào tịnh thực của vị khác với ý nghĩ: «Khiến tỳ-kheo kia đặng thức ăn không tịnh.» Tỳ-kheo kia không biết là tịnh hay không tịnh. Bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Đã bị chạm, là bất tịnh. Không bị chạm, là tịnh. Người sờ vào phạm đột-kiết-la.»
Bấy giờ, tỳ-kheo nọ hiềm tỳ-kheo khác, đến chỗ sa-di nhỏ của vị kia sờ vào thức ăn tịnh, với ý nghĩ: «Khiến cho Hòa thượng, A-xà-lê của sa-di nhỏ kia nhận được thức ăn không tịnh.» Tỳ-kheo kia không biết tịnh hay không tịnh, bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Đã bị chạm, là bất tịnh. Không bị chạm, là tịnh. Người sờ vào phạm đột-kiết-la.»
Bấy giờ, có tịnh nhơn nghĩ: «Sớt thức ăn nhiều cho tỳ-kheo, để tỳ-kheo ăn không hết, rồi mình ăn.» Tỳ-kheo kia phải lên tiếng ngăn, «Đừng sớt nữa.» Nếu ngươi kia không ngưng, tỳ-kheo hãy tạm rời một lát. Tỳ-kheo kia không biết tịnh hay bất tịnh, bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Tịnh.»
Bấy giờ, có các cư sĩ mang dụng cụ ẩm thực đến Tăng-già-lam nhờ cất. Sau đó các cư sĩ đến hoặc tự ăn, hoặc đem về, hoặc cho tỳ-kheo ăn. Tỳ-kheo e ngại không dám ăn, vì nghĩ: «Trước đây, tự tay chúng ta mang đi cất.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Đây là những vật sở hữu của đàn-việt. Cho phép, vì đàn-việt, rửa tay thọ rồi ăn.»
Bấy giờ, có tỳ-kheo bệnh cần cháo. Đức Phật cho phép nấu. Nếu không có người thì tự tay nấu, hay thay nhau nấu. Họ không biết nấu cách nào. Đức Phật bảo:
«Sai tịnh nhơn rửa cái nồi cho sạch, đổ nước vô, bỏ gạo vào rồi nấu cho sôi. Tỳ-kheo rửa tay để thọ. Sau đó, tự mình nấu cho chín. Người nấu không biết đến mức độ nào gọi là chín? Đức Phật dạy:
«Nên lấy cái thìa múc để xem. Nếu chảy xuống dọc theo thìa, là chín.» Cháo chín rồi, nên múc đổ vào đồ đựng khác. Vị kia vừa rót cháo, vừa giữ đồ đựng, nên vất vả. Phật dạy:
«Không nên vừa rót cháo vừa giữa đồ đựng. Nên để người khác cầm đồ đựng.»
Nếu bị nóng tay thì phải dùng cái khăn để kẹp cho khỏi nóng. Cỏ hoặc trùng rơi vào cháo, vị kia dùng tay lấy ra bị nóng. Đức Phật dạy:
«Nên dùng cái thìa để múc. »
Vị kia muốn chia cháo. Đức Phật cho phép chia. Vị kia không biết lấy vật gì để chia. Phật dạy:
«Dùng cái bát cạn hoặc cái bát nhỏ, hay cái chén, hoặc dùng cái thìa để làm bát lường. Nếu bát để không ngay, nên làm cái chân bát. Nếu bị bụi bẩn dính thì nên làm cái nắp đậy. Vị kia không rửa sạch bát đựng mà đem cất. Các tỳ-kheo khác thấy nhờm gớm. Đức Phật dạy:
«Nên rửa cho sạch rồi mới đem cất.»
Khi rửa không dùng tro hay bột đậu để rửa nên không sạch. Đức Phật dạy:
«Nên dùng tro hay bột đậu để rửa.»
Rửa rồi, không để khô, liền đem cất, nên trùng sanh. Đức Phật dạy:
«Không được không để khô mà đem cất. Nên hơ cho khô rồi sau đó đem cất.»
Đồ đựng kia bị lổ hổng, nên thức ăn nhét và trong đó. Nhiều lần cạy rửa nên bị vỡ. Đức Phật dạy:
«Tùy theo những chỗ có thể rửa được thì rửa. Ngoài ra không phạm.»
Có các Tỳ-kheo nghĩ: Trong cương giới có được phép ngủ chung với cháo;[115] trong cương giới, có được phép nấu,[116] và tự nấu hay không? Đức Phật dạy:
«Không được cùng ngủ chung (với thức ăn) trong cương giới, nấu trong cương giới. (Trong cương giới), cho phép tự nấu.»
Các tỳ-kheo nghĩ: Cháo được hâm lại, trong cương giới có được phép ngủ chung; trong cương giới, có được phép nấu, và tự nấu hay không? Đức Phật dạy:
«Không được trong cương giới nấu cùng ngủ chung; nhưng được phép tự nấu.»
Các tỳ-kheo nghĩ: [876a1] thuốc dùng trọn đời, trong cương giới có được phép ngủ chung; trong cương giới, có được phép nấu, và tự nấu hay không? Đức Phật dạy:
«Cho phép, thuốc dùng trọn đời, trong cương giới, được phép ngủ chung; trong cương giới, được phép nấu, và tự nấu.»
Bấy giờ, có tỳ-kheo muốn thọ váng sữa mà nhầm thọ dầu. Nghi không biết có thành thọ hay không? Đức Phật dạy:
«Không thành thọ.»
Có tỳ-kheo muốn thọ dầu mà nhầm thọ váng sữa. Nghi không biết có thành thọ hay không? đức Phật dạy:
«Không thành thọ.»
Muốn thọ thứ này mà nhầm thọ thứ kia, nghi không biết có thành thọ hay không? Đức Phật dạy:
«Không thành thọ.»
Có tỳ-kheo quên không thọ thực, nên mang đi đường, qua sông rồi mới nhớ, liền nghĩ: «Ta nên giải quyết thế nào?» Liền bạch Phật. Phật dạy:
«Nếu quên không thọ thực, mang đi đường như vậy, nếu gặp tịnh nhơn, nên để thức ăn xuống đất, rửa tay sạch rồi thọ[117] mà ăn.»
Đức Thế Tôn ở tại nước Ba-la-nại. Bấy giờ gặp lúc mất mùa lúa gạo kham hiếm, nhân dân đói khát, khất thực khó được. Các tỳ-kheo đem thức ăn để chỗ đất trống, không đậy cất, bị người chăn bò, chăn dê, hay kẻ trộm lấy đi mất. Các tỳ-kheo khởi ý nghĩ: «Quốc độ nầy gặp lúc đói khát, đức Thế Tôn có cho phép cùng ngủ với thức ăn trong cương giới hay không?» Bạch Phật. Phật dạy:
«Nếu gặp lúc lúa gạo quí, cho phép cùng ngủ với thức ăn trong cương giới.»
Bấy giờ, các tỳ-kheo nấu thức ăn nơi chỗ trống, mà không cất đậy, nên người chăn trâu dê, hay kẻ trộm thấy lấy đi. Các tỳ-kheo nghĩ: «Lúc lúa gạo quí, có nên xin phép Phật cho nấu thức ăn trong cương giới?» Bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Lúc lúa gạo quí, cho phép nấu thức ăn trong cương giới.»
Bấy giờ, các tỳ-kheo bảo tịnh nhơn nấu thức ăn. Họ lấy bớt phần ăn hay ăn hết. Các tỳ-kheo nghĩ: «Lúc lúa gạo quí, có nên tự nấu thức ăn?» Bạch Phật. Phật dạy:
«Lúc lúa gạo quí, cho phép tự nấu thức ăn.»
Bấy giờ, các tỳ-kheo trên đường đi, thấy trên mặt đất có trái cây. Tỳ-kheo tìm tịnh nhơn để lượm, thì người khác thấy lượm đi. Bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép dùng cỏ hay lá tủ trái cây lại.»
Nhưng người khác vẫn lấy đi. Bạch Phật. Phật dạy:
«Cho phép lấy. Nếu gặp tịnh nhơn nên, để dưới đất, rửa tay rồi thọ và ăn.»
Các tỳ-kheo nghĩ: «Khi lúa gạo quí, đức Thế Tôn có nên cho phép chúng ta tự lấy thức ăn?» Đức Phật dạy:
«Khi lúa gạo quí, tự mình được phép lấy thức ăn để ăn.»[118]
Bấy giờ, các tỳ-kheo, sáng sớm dậy, thọ thực rồi cất thức ăn. Sau đó vào thôn, được mời ăn. Khi trở về, đến bên tỳ-kheo khác làm pháp dư thực. Vị kia ăn một phần hoặc ăn hết. Tỳ-kheo nghĩ: «Lúc lúa gạo quí, mong đức Thế Tôn cho phép chúng ta, sáng sớm thọ thực rồi, không làm pháp dư thực, được ăn lại.» Bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép, lúc lúa gạo quí, không làm pháp dư thực, được ăn lại.»
Bấy giờ, có vị trưởng lão được nhiều người biết đến, vào thôn khất thực. Được thức ăn rồi, đem đến một chỗ để ăn. Sau đó, mang thức ăn còn dư về trong Tăng-già-lam, đến tỳ-kheo khác làm pháp dư thực để ăn lại. Vị kia hoặc ăn một phần hoặc ăn hết. Các tỳ-kheo nghĩ: «Lúc lúa gạo quí, mong đức Thế Tôn cho phép chúng ta từ nơi chỗ ăn, mang thức ăn về, không làm pháp dư thực mà được ăn lại.» Bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Lúc lúa gạo quí, từ chỗ ăn mang thức ăn về, không làm pháp dư thực vẫn được ăn lại.»
Bấy giờ, có các tỳ-kheo thọ thực rồi nhận được quả hồ đào, quả thị,[119] bà-đà, am-bà-la, a-bà-lợi, đến các tỳ-kheo khác làm pháp dư thực. Vị kia hoặc ăn một phần hoặc ăn hết. Các tỳ-kheo nghĩ: «Khi lúa gạo quí, mong đức Thế Tôn cho phép chúng ta, nhận được quả như vậy, không làm pháp dư thực mà được ăn lại.» Bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Lúc lúa gạo quí, nhận được trái cây như vậy, không làm pháp dư thực được ăn.»
Bấy giờ, các tỳ-kheo ăn xong, nhận được thức uống, trong đó có ngó sen, gốc sen, ca-bà-đà, củ ấu, hạt sen, có thể ăn được, đến các tỳ-kheo khác làm pháp dư thực. Vị kia hoặc ăn một phần hoặc ăn hết. Các tỳ-kheo nghĩ: «Lúc lúa gạo quí, mong đức Thế Tôn cho chúng ta ăn rồi nhận được nước, trong đó có thức ăn như vậy, không tác pháp dư thực mà được ăn.» Bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Khi lúa gạo quí, ăn xong, nhận được nước, trong đó có thức ăn như vậy, không làm pháp dư thực vẫn được ăn.»
Bấy giờ lúa gạo rẻ trở lại, đức Thế Tôn biết mà vẫn cố hỏi A-nan:
«Lúc lúa gạo quí, Ta đã từ mẫn đối với các tỳ-kheo nên cho phép tám trường hợp được phép: trong cương giới cùng ngủ với thức ăn, trong cương giới nấu, tự mình nấu, tự mình lấy thức ăn, sáng sớm thọ thực rồi từ chỗ ăn mang thức ăn đến chỗ khác ăn, ăn trái hồ đào..., trong nước có thức ăn có thể ăn, ăn rồi không làm pháp dư thực được ăn. Nay các tỳ-kheo áp dụng luôn như vậy sao?»
Tôn giả thưa:
«Áp dụng luôn.»
Đức Phật dạy:
«Không được áp dụng luôn như vậy. Nếu ăn như vậy sẽ như pháp trị.»
Lúc bấy giờ, nhà bếp của chúng Tăng bị hư hoại. Các tỳ-kheo lấy cây chống. Chân của các cây đứng trên đất không tịnh. Các tỳ-kheo nghi, không biết có tịnh hay không? Phật dạy:
«Tịnh.»
Ban đêm di chuyển, đồ ăn bị rơi vào đất không tịnh. Các tỳ-kheo không biết là tịnh hay không tịnh, bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Tịnh.»
Bấy giờ, có con chó từ nơi đất tịnh tha miếng thịt đến chỗ đất không tịnh. Các tỳ-kheo không biết tịnh hay không tịnh, bạch Phật. Phật dạy:
«Tịnh. Các ác thú hay chim tha đi cũng như vậy.»
Bấy giờ, có tỳ-kheo hiềm tỳ-kheo khác, nên dời thức ăn của vị này đến chỗ không tịnh, với ý nghĩ: khiến cho vị này không được tịnh. Các tỳ-kheo không biết như vậy tịnh hay không tịnh, bạch Phật. Phật dạy:
«Vật bị chạm là bất tịnh.[120] (Tỳ-kheo kia) phạm đột-kiết-la. Không bị chạm đến thì tịnh.»
Bấy giờ, có tỳ-kheo hiềm tỳ-kheo khác với ý nghĩ: chạm tay vào tịnh địa của vị kia, khiến cho nó trở thành không tịnh. Các tỳ-kheo không biết như vậy tịnh hay bất tịnh, bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Bị chạm đến, thành không tịnh. (Người kia) mắc đột-kiết-la. Không xúc chạm là tịnh.»
Bấy giờ, có vị khách tỳ-kheo đến, tìm đất tịnh muốn để thức ăn. Nhưng chưa đến đất tịnh thì tướng ánh sáng xuất hiện. Vị kia không biết tịnh hay không tịnh? bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Tịnh. Muốn đi xa cũng như vậy.»
Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo tích trử thưng, đấu, hộc, cân. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không được tích trử.»
Bấy giờ, các tỳ-kheo nhận được vừng, lúa tám, đại đậu, tiểu đậu, đại mạch, tiểu mạch, tự mình muốn cân lường, bạch Phật. Phật dạy:
«Cho phép cân lường. Hoặc dùng cái bát cạn, hoặc cái bát hay cái chén để lường. Nghĩa là dùng dụng cụ lớn nhỏ này làm chuẩn để đong lường.»
Bấy giờ, các tỳ-kheo nhận được sữa đông, dầu, mật, đường cát đen, muốn cân lường. Bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép, lấy cây khắc vào làm cán cân, như chuẩn cân đến mức bốn, năm lượng.»
Vị kia lấy phòng tốt nhất làm tịnh xứ, khiến sữa, dầu, mỡ dính nhơ bẩn, hoặc khói xông đen. Đức Phật bảo:
«Không được lấy cái phòng tốt nhất kết làm tịnh xứ, mà nên lấy phòng xấu nhất để kiết làm tịnh xứ.»
Các tỳ-kheo nhận được trái cây. Đức Phật cho phép chia đều. Nếu không đủ thì nhớ theo thứ tự, để khi nhận được chia tiếp theo. Nếu nhận được nhiều thì chia một người bốn năm trái. Hoặc chia bằng cái vá, hay bằng cái bát cạn, hoặc bằng cái bát nhỏ hơn; hoặc tùy theo khả năng có thể ăn mà chia. Nếu còn dư thì chia lại lần thứ hai. Lúc ấy, có vị đem cho bạch y và ngoại đạo. Đức Phật dạy:
«Không được cho ngoại đạo và bạch y.»
Tỳ-kheo kia e ngại không dám cho cha mẹ, hoặc người bệnh, trẻ nít, người đàn bà có thai, người bị nhốt trong tù, hoặc bạch y đến trong Tăng-già-lam. Đức Phật dạy:
«Những người như vậy nên cho. Nếu còn dư, nên ép lấy nước để uống.»
Bấy giờ cần dụng cụ để ép, đức Phật cho phép sắm. Nếu nước chưa lên men, không làm cho người uống say thì được dùng. Nếu nước uống mà bị say thì không được uống. Vị nào uống sẽ như pháp trị.
Thế Tôn ở Tỳ-xá-ly. Bấy giờ chúng Tăng nhận được nhiều đồ ăn thức uống cúng dường. Cơ thể các tỳ-kheo bị bịnh thấp.[121] [877a1] Bạch Phật. Đức Phật cho phép làm thuốc thổ hạ; cần cháo canh, cho phép cháo canh. Cần thịt chim rừng, cho phép.
Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo bị bệnh đau đầu, thầy thuốc bảo nhỏ nước vào lỗ mũi. Phật cho phép nhỏ. Vị ấy không biết dùng nước gì để nhỏ. Đức Phật bảo: Dùng váng sữa, dầu, mỡ, để nhỏ. Vị ấy không biết phương pháp nhỏ như thế nào? Đức Phật bảo: Cho phép dùng lông dê hay kiếp-bối, lông chim, nhúng vào dầu rồi sau đó nhỏ vào lỗ mũi. Khi nhỏ dầu chảy ra xung quanh. Đức Phật bảo làm cái ống để nhỏ. Vị kia dùng vật quý giá làm cái ống. Đức Phật dạy: Không được dùng vật quý giá để làm, mà nên dùng xương, răng, sừng, thiết, đồng, bạch lạp, chì, kẽm, trúc, tre, hay cây để làm. Vị kia không rửa sạch mà đem cất. Đức Phật dạy: Không được không rửa mà đem cất. Rửa rồi chưa khô nên sau đó trùng sanh. Đức Phật dạy: Rửa sạch chưa khô không được đem cất. Nên hơ cho khô rồi mới đem cất.
Bấy giờ, có tỳ-kheo bị bệnh đau đầu, thầy thuốc bảo nhỏ thuốc vào lỗ mũi, thuốc không vào. Đức Phật cho phép lấy tay xoa trên đầu, hoặc chà xát ngón chân cái, hay dùng váng sữa đông đặc trét vào lỗ mũi.
Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo mắc bệnh thống phong, thầy thuốc bảo xông hơi. Đức Phật cho phép dùng hơi để xông. Bấy giờ cần cái ống đồng để xông hơi. Đức Phật cho phép làm cái ống. Vị kia dùng vật báu để làm. Đức Phật dạy: Không được dùng vật báu để làm. Nên dùng xương, răng, sừng, thiết, đồng, bạch lạp, chì, kẽm hoặc cây để làm. Nếu sợ lửa đốt cháy, bị hở hơi, cho phép dùng thiết để lót. Hoặc sợ ống đồng rơi xuống. Đức Phật cho phép làm cái đãy để đựng. Dùng tay cầm không chặt; Đức Phật cho phép làm cái dây để cột đeo trên vai. Vị kia cần dùng thuốc hoàn. Đức Phật cho phép chế. Nếu tay cầm không bảm đảm thì nên để trong cái đãy của ống đồng để xông.
Bấy giờ, có tỳ-kheo bị mụt nhọt, thầy thuốc bảo làm thuốc để thoa mụt nhọt. Đức Phật dạy cho phép làm. Mụt nhọt kia bị cương mủ, nên dùng dao mổ ra để thoa thuốc. Từ nay trở đi đức Phật cho phép dùng dao để mổ mụt nhọt. Mụt nhọt bị hôi thúi, nên rửa cho sạch bằng nước rễ cây, cành cây, cộng cây, lá, bông, trái đã nấu sôi; hoặc rửa bằng nước tiểu. Bấy giờ, dùng tay kì rửa, bị đau, nên dùng lông chim để rửa. Nếu nước thuốc bị chảy, nên dùng vật gì ngăn xung quanh. Nếu sợ khô, thì dùng dầu thoa ở trên, lấy cái gì che lại. Nếu mụt bị thúi, thì dùng hương thơm để thoa.
Bấy giờ, có tỳ-kheo bị bệnh sốt rét, đức Phật cho phép dùng cái y dày để đắp. Nếu vẫn còn lạnh, nên dùng cái ngọa cụ bằng dạ mền phủ lên trên. Nếu không hết lạnh, thì cho phép một tỳ-kheo cùng nằm. Có vị cẩn thận sợ không dám cùng nằm với tỳ-kheo bệnh. Đức Phật dạy:
«Cho phép cùng nằm với tỳ-kheo bệnh.»
Bấy giờ, có bạch y bệnh, đến trong Tăng-già-lam, tỳ-kheo phải chăm sóc bệnh. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Cho phép. Phương tiện hướng dẫn họ khen ngợi Phật, Pháp, Tăng. Việc gì cần giúp thì giúp cho họ.»
Khi người bệnh ấy qua đời. Các tỳ-kheo e ngại không dám chôn, vì đức Thế Tôn có dạy: Không được chôn cất người bạch y. Các tỳ-kheo bạch Phật, Phật dạy:
«Nên vì tịnh Tăng-già-lam mà chôn cất.»
Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo cạo lông ba chỗ. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không được cạo lông ba chỗ.»
Bấy giờ nhóm sáu tỳ-kheo cùng nhau xem lông hậu môn, xem thử lông ai dài lông ai ngắn và đã thoa thuốc gì? Các tỳ-kheo bạch Phật, Phật dạy:
«Không được cùng nhau xem lông hậu môn, và hỏi ai lông dài lông ngắn, cùng đã thoa thuốc gì.»
Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo dùng dầu bơ nhểu vào đường đại tiện. Đức Phật dạy:
«Không được nhểu.»
Vị kia nhờ người nhểu. Đức Phật dạy: Không được nhờ người nhểu.
Lúc bấy giờ, có tỳ-kheo an cư ở phương bắc xong, thân thể gầy còm, nhan sắc tiều tụy, đến chỗ đức Phật nơi tịnh xá Kỳ-hoàn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên, đức Thế Tôn an ủi khách tỳ-kheo:
«Nơi trú xứ của các thầy có được an lạc hay không? có hòa hợp không? Không vì vấn đề khất thực mà vất vả chăng?» Khách tỳ-kheo thưa:
«Trú xứ được an lạc; hòa hợp không có tranh cãi. Nước đó không có cháo, nên không nhận được cháo, do đó khí lực bị tiều tụy.»
Đức Phật hỏi rằng:
«Nước kia thường ăn những thức ăn gì?»
Các tỳ-kheo thưa:
«Nước kia thường dùng thức ăn bằng bánh.»
Đức Phật dạy:
«Cho phép ăn bánh.»
Lúc bấy giờ, có người mua ngựa ở nước Ba-la-nại đến nước Xá-vệ, muốn làm cho chúng Tăng những bánh, bột đậu,[122] lương khô, hủ đựng bột,[123] đồ lường bột, muối và hủ đựng muối; dấm và bình dấm; thùng gỗ[124], cái thìa, cái vá, ma cao, chén, cúng gối, cúng thức ăn bằng củ, bằng cọng, bằng lá, bằng hoa, bằng trái, bằng dầu, bằng mè, bằng đường cát đen, đồ ăn nghiền nát. Đức Phật dạy:
«Tất cả thức ăn trên được thọ nhận.»
Các tỳ-kheo ăn như vậy, không biết cháo này thuộc về thức ăn hay chẳng phải thức ăn,[125] được thỉnh hay chẳng phải thỉnh, túc thực hay chẳng phải túc thực. Phật dạy:
«Nếu lấy cộng cỏ vẽ ngang qua mà không có dấu là chẳng phải thức ăn, chẳng phải thỉnh, chẳng phải túc thực.»
Bấy giờ, tỳ-kheo có ý nghĩ: Uống nước nấu cơm là thức ăn hay chẳng phải thức ăn, được thỉnh hay chẳng phải thỉnh, có túc thực hay không? Đức Phật dạy:
«Nếu không chen lẩn cơm nát mà uống thì chẳng phải thức ăn, chẳng phải thỉnh, chẳng phải túc thực.»
Bấy giờ, các tỳ-kheo có ý nghĩ: Không biết bánh là thức ăn hay chẳng phải thức ăn, là thỉnh hay chẳng phải thỉnh, có túc thực hay không? Đức Phật dạy:
«Chẳng phải thức ăn, cho đến chẳng phải túc thực.»
Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo trộn thức ăn với muối cách đêm.[126] Phật dạy:
«Không được trộn muối cách đêm với thức ăn để ăn.»
Bấy giờ, Tôn giả Ưu-ba-li để trống vai bên hữu, quỳ gối bên hữu sát đất, chấp tay bạch Phật:
«Nên uống thuốc tận hình thọ vào lúc nào?»
Đức Phật dạy tôn giả:
«Không được dùng tuỳ tiện. Mà chỉ khi nào tỳ-kheo có nhơn duyên bệnh mới uống thuốc tận hình thọ. CHƯƠNG VIII.
Y CA-THI-NA.
1. Năm công đức
[877c6] Bấy giờ, Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Khi ấy có số đồng tỳ-kheo an cư ở nước Câu-tát-la[1] xong, ngày mười lăm tự tứ, ngày mười sáu đến hầu thăm đức Thế Tôn. Trên đường đi, họ gặp mưa. Y phục đều bị ướt, phải vất vả, vì tăng-già-lê quá nặng. Họ đến chỗ đức Thế Tôn tại Xá-vệ, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn an ủi các tỳ-kheo rằng:
«Các thầy trụ chỉ có được hòa hợp, an lạc không? Khất thực có bị vất vả không? Đi đường có bị mỏi mệt không?»
Các tỳ-kheo thưa:
«Chúng con trụ chỉ được hòa hợp an lạc. Không khổ sở vì khất thực.
«Bạch Đại đức, có số đồng tỳ-kheo an cư ở nước Câu-tát-la xong, ngày mười lăm tự tứ, ngày mười sáu đến hầu thăm đức Thế Tôn. Trên đường đi, họ gặp mưa. Y phục đều bị ướt, phải vất vả, vì tăng-già-lê quá nặng.»
Lại có số đông tỳ-kheo trì y phấn tảo ở tại xứ tuyết lạnh. Hạ an cư nơi trú xứ nọ, ngày mười lăm tự tứ xong, ngày mười sáu ôm cả y cũ và y mới lên đường về hầu Thế Tôn. Trên đường đi gặp mưa, y phục ướt sủng trở nên nặng, hết sức vất vả. Về đến tịnh xá Kỳ-hoàn, họ đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân đức Thế Tôn, rồi ngồi lui qua một bên. Đức Phật an ủi các tỳ-kheo:
«Các thầy trụ chỉ có được hòa hợp an lạc không? Không bị khổ sở vì khất thực chăng?»
Trả lời:
«Chúng con sống hoà hiệp, an lạc. Không vất vả vì khất thực.
«Bạch Đại đức, có số đông tỳ-kheo trì y phấn tảo ở tại xứ tuyết lạnh. Hạ an cư nơi trú xứ nọ, ngày mười lăm tự tứ xong, ngày mười sáu ôm cả y cũ và y mới lên đường về hầu Thế Tôn. Trên đường đi gặp mưa, y phục ướt sủng trở nên nặng, hết sức vất vả.»
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo và bảo các tỳ-kheo:
«An cư xong, có bốn việc cần phải làm: Tự tứ, giải giới, kết giới, thọ y công đức.[2] Bốn việc này, an cư xong cần phải làm.
Có năm nhơn duyên để thọ y công đức: Có y dư,[3] không [878a1] mất y,[4] ăn biệt chúng,[5] lần lượt ăn,[6] trước bữa ăn và sau bữa ăn được vào xóm làng mà không dặn tỳ-kheo khác.[7] Có năm nhơn duyên như vậy nên thọ y công đức.
«Thọ y công đức rồi sẽ được năm việc lợi: Được chứa y dư, lìa y ngủ, ăn biệt chúng, lần lượt ăn, trước bữa ăn và sau bữa ăn không dặn tỳ-kheo khác được vào xóm làng. Thọ y công đức rồi sẽ được năm điều lợi như vậy.» 2. Y như pháp
Chúng Tăng nên thọ y công đức như vầy:
Y mới nhận được, y do đàn-việt cúng, y phấn tảo, y mới, y cũ. Y mới thì thiếp[8] rồi tác tịnh; hoặc đã giặt;[9] giặt xong rồi nạp, sau đó tác tịnh.
Y không do tà mạng được, không do xem tướng số mà được, không do móng ý mà được, không để cách đêm, không phải[10] y xả đọa rồi tác tịnh. Phải là y nhận trong ngày. Những trường hợp trên là y đúng pháp.
Y năm điều thì mười ô, bốn phía có viền. Y như vậy, Tăng nên thọ dùng làm y công đức. Nếu quá mức này cũng có thể thọ được. Nên tự giặt nhuộm, trương ra, cắt may làm thành mười mảnh, rồi ráp lại thành y.
Nên thọ ở trước chúng Tăng, như vậy là Tăng đã thọ y công đức xong.
Thế nào gọi là Tăng thọ y công đức không thành?
Không phải chỉ giặt rồi là thành thọ y công đức. Không phải chỉ trương ra may. Không phải chỉ viền. Không phải chỉ cắt thành bức. Không phải chỉ viền biên. Không phải chỉ kết cái khuy. Không phải chỉ làm thành lá. Không phải chỉ đặt cái khâu, là thành y công đức. Hoặc do tà mạng mà được y; do siểm khúc được y; do xem tướng số mà được y; do mớm ý được y; hay cách đêm được y; y xả đọa không tác tịnh; không phải y nhận trong ngày. Các trường hợp trên, không đúng pháp thọ y. Y bốn phía không được viền; không thọ trước Tăng; hoặc có nạn; hoặc không có tăng-già-lê; ngay dù Tăng thọ y công đức như pháp mà vị kia ở ngoài giới, tự mình thọ y, như vậy cũng không thành thọ y công đức.
Thế nào gọi là thọ y công đức được thành tựu?
Hoặc y mới được, y đàn-việt cúng, y phấn tảo, hoặc là y mới, hay y cũ. Y mới thì phải thiếp rồi tác tịnh. Nếu (y cũ) đã giặt, giặt rồi mang tác tịnh. Chẳng phải do tà mạng mà được, chẳng phải do siểm khúc mà được, chẳng phải do xem tướng số mà được, chẳng phải cách đêm, không phải y xả đọa tác tịnh, y nhận được trong ngày. Y năm điều mười khoảng cách, bốn phía có viền, hoặc y quá hơn mức độ đó thọ làm y công đức. Tự mình giặt nhuộm, tự tay trương ra, cắt may thành mười mảnh rồi ráp lại thành y. Cần phải thọ giữa chúng Tăng. Như vậy là chúng Tăng đã thọ y công đức xong. Hoặc y công đức được thọ như pháp như vậy, ở trong giới mà thọ y công đức, như vậy gọi là thành thọ công đức y.
Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo dùng y lớn nhuộm màu làm y công đức để thọ trước Tăng. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không được dùng y lớn nhuộm màu làm y công đức.»
Vị kia dùng gấm làm. Đức Phật dạy:
«Không được dùng gấm làm.»
Vị kia dùng sắc trắng, Phật dạy:
«Không được dùng sắc trắng để làm. Từ nay về sau cho phép dùng màu ca-sa.» 3. Thọ y
Lúc bấy giờ, có trú xứ nọ, hiện tiền Tăng nhận được y công đức đại quý giá, tỳ-kheo kia không biết nên như thế nào? Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
Cho phép tác pháp, bạch như sau:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Hôm nay chúng Tăng thọ y công đức. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận hòa hợp thọ y công đức. Đây là lời tác bạch.»
Tác bạch như vậy rồi, sai một tỳ-kheo hỏi rằng:
«Vị nào có thể thọ trì y công đức này?»
Trả lời:
«Tôi có thể thọ trì.»
Trong chúng nên sai một người có khả năng tác yết-ma tác bạch:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận sai tỳ-kheo tên... vì Tăng thọ trì y công đức. Đây là lời tác bạch.
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tăng sai tỳ-kheo tên... vì Tăng thọ trì y công đức. Các trưởng lão nào đồng ý Tăng sai tỳ-kheo... vì Tăng thọ trì y công đức thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.
«Tăng đã sai tỳ-kheo... vì Tăng thọ trì y công đức rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»
Tăng yết-ma giao y cho tỳ-kheo thọ trì. Văn yết-ma như sau:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tăng nơi trú xứ này nhận được y vật có thể chia, hiện tiền Tăng nên chia. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng giao y nầy cho tỳ-kheo... Tỳ-kheo nầy vì Tăng thọ trì y công đức này, ở trong trú xứ này. Đây là lời tác bạch.
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tăng trong trú xứ này nhận được y vật có thể chia, hiện tiền Tăng nên chia. Nay Tăng đem y nầy giao cho tỳ-kheo... Tỳ-kheo nầy sẽ vì Tăng thọ trì y công đức này, trong trú xứ này. Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng giao y này cho tỳ-kheo... thọ làm y công đức, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.
Tăng đã đồng ý giao y cho tỳ-kheo... này rồi. Tăng đã đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»
Tỳ-kheo kia nên đứng dậy cầm y đưa đến từng tỳ-kheo một, tùy thuộc vào độ cao thấp của tay các tỳ-kheo vừa sờ đụng y, nói rõ ràng tướng của y và nói tiếp như vầy:
«Y này chúng Tăng sẽ thọ làm y công đức. Y này nay chúng Tăng thọ làm y công đức. Y này chúng Tăng đã thọ làm y công đức rồi.»
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. Các tỳ-kheo kia nên nói như vầy:
«Người thọ y này đã thiện thọ. Công đức trong đây có phần của tôi.»
Vị tỳ-kheo kia nên trả lời:
«Vâng.»
Lúc bấy giờ, Tôn giả Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, trống vai bên hữu cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, bạch đức Thế Tôn rằng:
«Ba câu[11] này là vì đời quá khứ, hay vì đời vị lai, hay vì đời hiện tại để thọ y công đức hay chăng?»
Đức Phật dạy Tôn giả Ưu-ba-ly:
«Nếu nói đầy đủ, nên nói chín câu[12] như vậy, chứ không phải vì quá khứ thọ y công đức mà nói ba câu. Cũng không phải vì vị lai thọ y công đức mà nói ba câu hay vì hiện tại thọ y công đức mà nói ba câu. Tại sao vậy? Này, Ưu-ba-ly, quá khứ đã qua rồi, vị lai chưa đến. Cho nên, vì hiện tại thọ y công đức nên nói ba câu mà thôi.»
Nếu nhận được y chưa may thành thì chúng Tăng nên tác yết-ma sai tỳ-kheo may. May thành y xong nên như pháp thọ liền.
Nhóm sáu tỳ-kheo xuân-hạ-đông, lúc nào cũng thọ y công đức. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:
«Không được xuân, hạ, đông lúc nào cũng thọ y công đức. Từ nay về sau cho phép tự tứ xong, không thọ y công đức thì một tháng, có thọ y công đức thì năm tháng.» [13] 4. Xuất y
Nhóm sáu tỳ-kheo không chịu xuất y công đức vì nghĩ rằng, để hưởng năm việc phóng xả lâu hơn. Các tỳ-kheo bạch Phật, Phật dạy:
«Không được có ý nghĩ như vầy: để hưởng năm việc phóng xả lâu hơn mà không xuất y công đức. Từ nay về sau, cho phép hết bốn tháng mùa đông, Tăng phải xuất y công đức.»
Nên xuất y công đức như vầy:
Tập Tăng hòa hợp, người chưa thọ đại giới đã ra; người không đến thuyết dục. Tăng nay hợp để làm gì? Trả lời rằng: Xuất y công đức.
Tác bạch:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Hôm nay chúng Tăng xuất y công đức, nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận nay Tăng hòa hợp xuất y công đức. Đây là lời tác bạch.»
Nên tác bạch như vậy để xuất y công đức. Nếu không xuất, để quá thời gian đã định của y công đức, phạm đột-kiết-la.
Có tám nhơn duyên để xả y công đức:[14] Ra đi, y thành, y chưa thành, mất y, mất hy vọng, nghe xả, xuất giới, đồng xả.
Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, đi ra ngoài giới [879a1] với ý nghĩ đi luôn không trở lại. Ra đi, liền mất y công đức.
Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, đi ra ngoài giới may y. Vị kia may y xong, liền mất y công đức.
Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, ra ngoài giới với ý nghĩ: Không may y cũng không trở lại trú xứ. Chưa xong[15] là xả y công đức.
Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, ra ngoài giới may y đã xong. Khi tỳ-kheo mất y ấy, y công đức cũng mất.
Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, ra ngoài giới với hy vọng được y. Tỳ-kheo kia ra ngoài giới, đến chỗ hy vọng được y. Tỳ-kheo thấy chỗ đó rồi, mà không được y. Hy vọng bị mất, không có chỗ nào để đặt hy vọng nữa. Hy vọng ấy đã bị mất, mất luôn y công đức.
Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, ra ngoài giới may y. May y rồi, nghe tin chúng Tăng xuất y công đức. Vị kia khi vừa nghe, khi ấy mất y công đức.
Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, ra ngoài giới may y xong. Nhiều lần có ý nghĩ là trở về. Khi còn ở ngoài giới, chúng Tăng xuất y công đức. Vị kia ở ngoài giới mất y công đức.
Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, ở ngoài giới may y. Y kia dù may xong hay may chưa xong, trở về lại trú xứ. Tỳ-kheo kia hòa hợp cùng xuất y công đức. Đó là tám trường hợp xả y công đức.
Lại có sáu nhơn duyên: Tỳ-kheo thọ y công đức rồi, ra ngoài giới với ý nghĩ không trở lại. Ra đi tuy chưa được y, nhưng vẫn mất y công đức. (Trong tám trường hợp trên, trừ hai trường hợp mất y và mất hy vọng).
Lại có sáu nhơn duyên: Tỳ-kheo thọ y công đức rồi, mang y ra ngoài giới để may y. Khi ngoài giới may y xong, liền mất y công đức. (Trong tám trường hợp trên, trừ hai trường hợp mất y và mất hy vọng).
Chưa được y lại có mười lăm vế. (Kế đó, đã được y, cũng có mười lăm vế). Được y, chưa được y, cũng có mười lăm vế. (Trường hợp này lẫn lộn với tám điều trên nên không chép ra).
Lại có mười hai nhơn duyên.
Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, ra đi, hy vọng cầu y, đạt được chỗ hy vọng cầu y. Ở ngoài giới may y, may y xong mất y công đức (vế ‹may chưa xong› cũng như vậy, mất cũng như vậy, hy vọng mất như trên).
Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, ra đi, hy vọng được y, không nói với người sẽ trở lại. Ra ngoài giới đến chỗ hy vọng y, mà không được y hy vọng, lại được y chẳng phải chỗ hy vọng. Ở ngoài giới may y. May y xong, liền mất y công đức. (May chưa xong cũng như vậy, mất cũng như vậy, hy vọng mất như trên).
Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, ra đi, không nói với người sẽ trở lại, cũng không có ý trở lại. Ở ngoài giới đến chỗ hy vọng y, được y chỗ hy vọng. Ở ngoài giới may y. May y xong, liền mất y công đức. (May không thành cũng như vậy, mất cũng như vậy, hy vọng mất như trên).
Lại có mười hai nhơn duyên: Đặng y chỗ hy vọng, không đặng y chỗ hy vọng, đồng như mười hai nhơn duyên trên.
Lại có chín nhơn duyên:
Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, ra đi, chưa đặng y. Ở ngoài giới, các tỳ-kheo khác hỏi: ‹Thầy ngủ ở đâu? Y thầy ở đâu? Sao không mang đến tôi sẽ may y cho thầy?› Tỳ-kheo kia trở về đến trú xứ, nghe chúng Tăng xuất y công đức. Ông nghĩ như vầy: ‹Nay Tăng xuất y công đức mà ta mới may y.› May y xong mất y công đức. (Không may y cũng như vậy; mất y cũng như vậy. Đây là ở trong giới nghe, có ba vế. Mang y ra ngoài giới, trên đường đi mà nghe, ba vế cũng như vậy. Mang y đến chỗ tỳ-kheo kia, ba vế cũng như vậy. Đây là chín nhơn duyên. Kế đó, chín vế được y cũng như vậy. Được y không được y đều có chín nhơn duyên cũng như vậy).
Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, ra ngoài giới, đến địa phương khác, vị ấy nghĩ rằng: Nếu gặp được bạn lành thì sẽ đi, không gặp được bạn lành thì sẽ trở về. Đến giữa đường nghe chúng Tăng xuất y công đức, vị ấy nghĩ rằng ta đang may y. May y xong, vị kia mất y công đức. (May chưa xong cũng như vậy; mất y cũng như vậy; ngoài giới cũng như vậy; nghe cũng như vậy, có năm vế).
Nếu tỳ-kheo thọ y công đức rồi, muốn đến chỗ vắng vẻ thanh tịnh; nếu thích thì vị kia sẽ ở, không thích thì về lại. Tỳ-kheo kia đến chỗ đó, nghe chúng Tăng xuất y công đức, vị ấy nói rằng ta đang may y, may y xong, tức xả y công đức. (May chưa xong cũng như vậy; mất y cũng như vậy; ngoài giới cũng như vậy; nghe cũng như vậy, có năm vế).
Có hai loại xả y công đức, tỳ-kheo trì y công đức ra ngoài giới ngủ, chúng Tăng hòa hợp cùng xả. CHƯƠNG IX.
CÂU-THIỂM-DI
1. Tránh sự phát khởi
[879b24] Thế Tôn ở tại Câu-thiểm-di.[1] Bấy giờ có tỳ-kheo phạm giới. Trong chúng, có vị nói phạm; có vị nói không phạm. Trong số tỳ-kheo thấy phạm nói với tỳ-kheo không thấy phạm rằng:
«Tỳ-kheo này thực sự có phạm chứ không phải là không phạm.» Vị tỳ-kheo không thấy có tội kia hiểu, liền nói:
«Tỳ-kheo này thật sự phạm giới, chứ chẳng phải là không phạm.»
Sau đó, cùng hoà hiệp, tác pháp cử tội.[2] Tỳ-kheo phạm tội nói:
«Tôi không phạm. Cử tội phi pháp, không thành cử tội, không thành yết-ma.»
Tỳ-kheo này[3] bèn đi vào nhân gian tìm bạn đảng; nói với các tỳ-kheo khác rằng:
«Tôi không phạm tội. Cử tội phi pháp, không thành cử tội. Yết-ma đối với tôi không thành tựu.»
Tỳ-kheo kia thấy như vầy: «Tỳ-kheo này không phạm tội. Cử tội phi pháp, không thành cử tội, không thành yết-ma.»
Tỳ-kheo phạm tội liền dẫn các tỳ-kheo tùy cử[4] là bộ đảng của mình, đến chỗ tỳ-kheo mà trước kia nói là không thấy phạm, nói rằng:
«Nầy trưởng lão! Tỳ-kheo này không phạm giới, không thành cử, phi pháp cử tội kẻ khác, yết-ma không thành.»
Tỳ-kheo này[5] trở lại thấy không phạm nên nói:
«Vị kia không phạm tội, không thành cử tội, phi pháp cử tội yết-ma không thành.»
Vị bị cử kia cùng tỳ-kheo tùy cử, bèn yết-ma thuyết giới tách riêng[6] các tỳ-kheo thấy tội. 2. Biệt bộ yết-ma
Bấy giờ tỳ-kheo cử tội đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên, bạch Phật rằng:
«Tỳ-kheo bị cử và các tỳ-kheo tùy cử yết-ma cùng với chúng con đã thành yết-ma thuyết giới biệt bộ.»
Đức Phật dạy:
«Đây là những kẻ ngu si phá Tăng. Nếu những vị kia yết-ma thuyết giới như lời ta dạy thì yết-ma thành tựu, không phạm.[7] Nếu các thầy cũng yết-ma thuyết giới như lời ta dạy thì cũng thành tựu, không phạm. Tại sao vậy? Vì có hai trú xứ bất đồng: Tỳ-kheo kia tự tác thành trú xứ bất đồng, hoặc chúng Tăng cho tác thành trú xứ bất đồng.»
Thế nào gọi là tỳ-kheo kia tự tác thành trú xứ bất đồng?
Nếu tỳ-kheo phá Tăng kia đi ra ngoài tìm cầu bạn đảng. Như vậy, tỳ-kheo tự tác thành trú xứ bất đồng.
Thế nào gọi là chúng Tăng tác thành cho trú xứ bất đồng?
Tăng tác pháp yết-ma không thấy phạm, yết-ma không sám hối, yết-ma không bỏ ác kiến.[8] Như vậy gọi là chúng Tăng tác thành cho trú xứ bất đồng. Đây là hai trú xứ bất đồng.
Có hai đồng trú xứ: Tỳ-kheo tự tác thành đồng trú xứ, hoặc Tăng tác thành cho đồng trú xứ.
Thế nào gọi là tự tác thành đồng trú xứ?
Tỳ-kheo phá Tăng này cùng với bộ đảng của mình đi tìm cầu bộ đảng tốt bên ngoài. Như vậy là tỳ-kheo tự tạo sự chung sống.[9]
Thế nào là Tăng tác thành cho đồng trú xứ? Chúng Tăng hòa hợp, trước kia tác pháp yết-ma bất kiến phạm, yết-ma bất sám, yết-ma bất xả ác kiến; nay Tăng hòa hợp giải các yết-ma đó. Như vậy gọi là Tăng tác thành cho đồng trú xứ. Đó là hai đồng trú xứ.
Tỳ-kheo bị cử kia và tỳ-kheo tùy cử, cùng với tỳ-kheo tác cử nầy, gây đấu tranh, mạ nhục phỉ báng nhau, moi móc sở trường, sở đoản của nhau. Bấy giờ, các tỳ-kheo đến chỗ Phật, đảnh lễ, rồi ngồi lui qua một bên, bạch đức Thế Tôn rằng:
«Bạch Đại đức Thế Tôn, tỳ-kheo tùy cử, cùng với tỳ-kheo tác cử nầy, gây đấu tranh, mạ nhục phỉ báng nhau, moi móc sở trường, sở [880a1] đoản của nhau. Chúng con phải làm thế nào?»
Đức Phật dạy:
«Cho phép, khi Tăng bị vỡ, phi pháp hoà hợp, hãy nên cùng ngồi tại một chỗ như vậy, sao cho thân và miệng không phát sinh sự xấu ác.[10] Khi Tăng bị vỡ, nhưng như pháp hòa hợp, hãy ngồi xen kẽ từng người một.»[11] 3. Hoà giải
Rồi thì, đức Thế Tôn đến chỗ tỳ-kheo bị cử, nói như vầy:
«Các ngươi chớ nên phạm tội mà nói là không phạm, không sám hối. Tại sao vậy? Nếu tỳ-kheo phạm tội; các Tỳ-kheo khác nói, ‹Trưởng lão phạm tội, có tự thấy hay không?› Đáp rằng không thấy. Nhưng tỳ-kheo kia đa văn, biết A-hàm, trì pháp, trì luật, biết Ma-di,[12] có được nhiều bạn bè, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, quốc vương đại thần, các loại sa-môn, bà-la-môn, ngoại đạo. Tỳ-kheo phạm tội kia liền nghĩ rằng, ‹Tỳ-kheo kia đa văn, biết A-hàm, trì pháp, trì luật, biết Ma-di, có được nhiều bạn bè, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, quốc vương đại thần, các loại sa-môn, bà-la-môn, ngoại đạo. Nay, nếu ta không thấy tội, tỳ-kheo kia liền vì ta tác pháp yết-ma bất kiến tội, yết-ma bất sám hối, yết-ma bất xả ác kiến. Hoặc tỳ-kheo kia tác pháp cử tội ta: yết-ma bất kiến, yết-ma bất sám hối, yết-ma bất xả ác kiến. Tỳ-kheo kia lại không cùng ta yết-ma thuyết giới, không cùng ta tự tứ, đồng ở một nhà, đồng trú một chỗ, ngồi một giường, một phản, trước bữa ăn sau bữa ăn cũng không cung kính lễ bái, chấp tay tiếp đón nhau theo tuổi lớn nhỏ. Hay tỳ-kheo kia không cùng ta đồng một yết-ma, đồng một thuyết giới... cho đến không chấp tay tiếp đón nhau.[13] Như thế thì trong Tăng sẽ phát sinh sự đấu tranh, mạ nhục phỉ báng nhau, moi móc sở trường, sở đoản của nhau. Như vây, Tăng sẽ bị vỡ, khiến cho Tăng bị bôi bẩn, khiến cho Tăng sống chia rẽ.›
«Nếu tỳ-kheo thấy sự phá Tăng này là nghiêm trọng thì nên theo lời người kia mà nói rằng ‹Tôi có tội.› Hãy nên như pháp sám hối.
«Thôi, hãy dừng lại, các tỳ-kheo, chớ đấu tranh nhau nữa. Chớ mạ nhục phỉ báng nhau; moi móc sở trường, sở đoản của nhau. Tất cả các ngươi phải nên hòa hợp, cùng tập họp một chỗ, đồng một thầy học, hoà hợp như nước với sữa, mới có lợi ích, sống an lạc trong chánh pháp của Phật.»
Đức Thế Tôn sau khi khuyên bảo tỳ-kheo bị cử và các tỳ-kheo tùy cử như vậy rồi, liền đến chỗ tỳ-kheo tác cử kia, nói rằng:
«Các ngươi chớ nên thường xuyên cử tội tỳ-kheo khác. Tại sao vậy? Trong khi tỳ-kheo phạm sự được tỳ-kheo kia hỏi, ‹Trưởng lão có tự thấy phạm tội hay không?› Vị kia nói không thấy. Nhưng tỳ-kheo kia, nếu đa văn, biết A-hàm, trì pháp, trì luật, biết Ma-di, nhiều bạn bè thuộc tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, quốc vương đại thần, các hàng sa-môn, ngoại đạo. Tỳ-kheo kia nghĩ như vầy: ‹Tỳ-kheo ấy đa văn, biết A hàm, trì pháp, trì luật, biết Ma-di, có được nhiều bạn bè trong hàng tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, quốc vương đại thần, các hàng sa-môn, ngoại đạo. Nếu vị kia nói không thấy tội, nay chúng ta yết-ma tác cử vì không thấy tội, yết-ma vì không sám hối, yết-ma vì không xả ác kiến. Nếu chúng ta tác pháp yết-ma vì không thấy tội, yết-ma vì không sám hối, yết-ma vì không xả ác kiến; chúng ta không cho vị kia cùng một yết-ma thuyết giới, không cùng tự tứ cho đến, không chấp tay tiếp đón, chúng ta không cùng một yết-ma thuyết giới, cho đến không chấp tay tiếp đón; thế thì trong Tăng sẽ có sự đấu tranh, mạ nhục, phỉ báng lẫn nhau; moi móc sở trường, sở đoản của nhau, khiến Tăng bị vỡ, khiến Tăng bị trần cấu, khiến Tăng sống chia rẽ.›
«Nếu tỳ-kheo coi sự phá Tăng này là nghiêm trọng thì không được cử tội Tỳ-kheo kia.
«Thôi, hãy dừng lại, các tỳ-kheo, chớ đấu tranh nhau nữa. Chớ mạ nhục phỉ báng nhau; moi móc sở trường, sở đoản của nhau. Tất cả các ngươi phải nên hòa hợp, cùng tập họp một chỗ, đồng một thầy học, hoà hợp như nước với sữa, mới có lợi ích, sống an lạc trong chánh pháp của Phật.» 4. Trường Sanh Vương
Thế Tôn, sau khi nói với tỳ-kheo kia rồi, khi đêm đã qua, tảng sáng, khoác y, bưng bát, vào Câu-thiểm-di khất thực. Sau đó, về lại trong Tăng-già-lam, dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo bảo rằng:
Thuở quá khứ xa xưa vua Phạm Thí[14] nước Già-xa[15] có oán thù với tổ phụ vua Trường Sanh[16] nước Câu-tát-la. Vua Phạm Thí có binh chúng oai lực dũng mãnh, tài bảo lại nhiều. Oai lực binh chúng của vua Trường Sanh không bằng, của báu lại ít. Sau một thời gian, Vua Phạm Thí cử bốn bộ binh kéo đến nước Câu-tát-la chinh phạt Vua Trường Sanh, đoạt cả quốc độ, binh chúng cùng kho tàng trân bảo. Vua Trường Sanh cùng đệ nhất phu nhơn tẩu thoát đến nước Ba-la-nại, giả làm người bà-la-môn bện tóc. Cả hai ở trong nhà người thợ đồ gốm.
Sau đó một thời gian, đệ nhất phu nhơn của Vua Trường Sanh phát khởi tâm niệm: ‹Ta muốn được thấy bốn bộ binh, vào buổi sáng, cùng nhau thao diễn tại ngã tư đường chỗ đất bằng. Ta muốn uống nước rửa đao kiếm.›
Phu nhơn nghĩ xong, liền đến chỗ nhà vua nói:
«Vua có biết không? Vừa rồi thiếp có ý nghĩ: Muốn được thấy bốn bộ binh, vào buổi sáng, cùng nhau thao diễn tại ngã tư đường chỗ đất bằng. Tôi muốn uống nước rửa đao kiếm.»
Nhà vua nói:
«Khanh làm sao có được ước nguyện đó! Vua Phạm Thí, có oán cừu với Tổ phụ ta, đã đoạt cả quốc độ, binh chúng, cùng kho tàng trân bảo của ta. Không còn gì cả!»
Phu nhơn nói:
«Nếu không được mãn nguyện, thiếp sẽ chết.»
Bấy giờ, vua Phạm Thí có một vị đại thần tự là Phú-lô-hê-xỉ,[17] là bạn của vua Trường Sanh. Vua Trường Sanh nói với vợ rằng:
«Ta cần phải nói với người bạn ta biết việc này.»
Rồi vua Trường Sanh liền đến chỗ Phú-lô-hê-xỉ nói như vầy:
«Nầy, ông bạn có biết không? Đệ nhất phu nhân của ta có ý nghĩ: Muốn được thấy bốn bộ binh, vào buổi sáng, cùng nhau thao diễn tại ngã tư đường chỗ đất bằng; và muốn uống nước rửa đao kiếm. Nghĩ xong liền đến nói với tôi sự việc như vậy. Tôi nói với vợ tôi rằng: ‹Khanh làm sao có được ước nguyện đó! Vua Phạm Thí, có oán cừu với Tổ phụ ta, đã đoạt cả quốc độ, binh chúng, cùng kho tàng trân bảo của ta. Không còn gì cả!› Vợ ta liền nói: ‹Nếu không được toại ngyện thì thần thiếp sẽ chết.› Ta liền nói rằng: ‹Ta cần phải nói cho bạn ta biết nhân duyên này.› »
Phú-lô-hê-xỉ nói:
«Hãy chờ một chút, để tôi xem trong bụng của phu nhân đã.»
Phú-lô-hê-xỉ đến xem trong bụng của đệ nhất phu nhân vua Trường Sanh xong, liền để trống vai bên hữu, quỳ thẳng gối, chấp tay ba lần xưng nói: «Vua của nước Câu-tát-la hiện đang ở trong bụng.» Rồi ông nói với phu nhân: ‹Phu nhân sẽ được thấy bốn bộ binh, vào buổi sáng, cùng nhau thao diễn tại ngã tư đường chỗ đất bằng; và sẽ uống nước rửa đao kiếm, tại chỗ đó.›»
Bấy giờ, Phú-lô-hê-xỉ đến chỗ vua Phạm Thí tâu như vầy:
«Vua biết chăng? Khi có vì tinh tú như vậy xuất hiện, thì cần phải vào buổi sáng sớm, khi mặt trời mới mọc, cho bốn bộ thao diễn tại ngã tư đường, và rửa đao kiếm.»
Phú-lô-hê-xỉ:
«Nay chính là lúc thích hợp.»
Bấy giờ, Phú-lô-hê-xỉ liền tập hợp bốn bộ binh tại ngã tư đường thao diễn, rồi rửa đao kiếm.
Khi ấy, phu nhân của vua Trường Sanh được nhìn thấy bốn bộ binh, vào buổi sáng, cùng nhau thao diễn tại ngã tư đường chỗ đất bằng; và bà được uống nước rửa đao kiếm.
Sau đó, thai đủ tháng, phu nhân hạ sanh một nam nhi, tướng mạo đoan chánh, liền được đặt tên là Trường[18]. Khi khôn lớn, Vua Trường Sanh rất yêu mến.
Bấy giờ, vua Phạm Thí nghe vua Trường Sanh nước Câu-tát-la cùng đệ nhất phu nhân trốn thoát làm bà-la-môn bện tóc ở tại nhà người thợ đồ gốm, liền ra lệnh người hầu cận rằng:
«Ngươi đến nơi nhà người thợ gốm [881a1] bắt vua Trường Sanh và đệ nhất phu nhân trói cho kỹ dẫn về đây. Rồi nổi tiếng trống hung dữ, báo hiệu sự chết xuất hiện. Dẫn ra từ cửa bên hữu, phanh thây làm bảy phần; bêu trên đầu cây nhọn.»
Bấy giờ, vua Trường Sanh khi nghe vua Phạm Thí ra lệnh như vậy, liền kêu người con trai dặn dò rằng:
«Này Trường con, nay con có biết không? Vua Phạm Thí nước Già-xa, là oán cừu của Tổ phụ cha, đã chiếm đoạt tất cả quốc độ, binh chúng, cùng tài sản của ta và nay ra lệnh người hầu cận giết bố mẹ con. Con nên trốt thoát, đừng để vua Phạm Thí giết.»
Vương tử Trường trốn thoát. Vua Phạm Thí sai người đến bắt vua Trường Sanh và đệ nhất phu nhân trói kỹ. Rồi nổi tiếng trống hung dữ, báo hiệu sự chết xuất hiện. Dân chúng tụ tập rất đông.
Lúc ấy, con của vua Trường Sanh cải trang đi theo sau cha mẹ mình khóc kể, nước mắt chảy ròng rã. Vua Trường Sanh xoay lại thấy con mình liền nói như vầy: «Oán thù lớn nhỏ, đều không nên báo. Lấy oán trả oán, oán không thể trừ. Chỉ không thù oán, oán thù mới dứt.» Nhà vua nói như vậy ba lần.
Khi ấy dân chúng nghĩ rằng: «Vua nước Câu-tát-la tâm cuồng điên loạn. Hôm nay mới dạy Trường Ma-nạp. Nay đây ai là Trường Ma-nạp?» Đám đông cùng nói như vậy ba lần.
Rồi thì, Vua Phạm Thí sai người dẫn Vua Trường Sanh đi ra từ cửa bên hữu, phanh thây làm bảy phần, bêu lên đầu cây nhọn.
Bấy giờ, con vua Trường Sanh là Trường từ đó trở lại trong thành Ba-la-nại, học các kỹ thuật, học kinh thơ, học xem tướng, tinh tú, học bói toán, học vẽ hình tượng, âm nhạc, hý kịch, xuất sắc nhất trong số học chúng.
Lúc bấy giờ, ở chỗ của kỹ nữ vua Phạm Thí cách đó không xa có một người huấn luyện voi. Vương tử Trường đến nơi tượng sư xin được học. Tượng sư chấp thuận.
Một thời, Trường Ma-nạp, vào lúc quá nửa đêm, gảy đàn và ca vũ, tấu lên âm thanh tuyệt diệu. Trong đêm đó vua Phạm Thí sau khi nghe tiếng đàn cầm ca vũ du dương, liền hỏi người hầu cận:
«Quá nửa đêm rồi, ai là người gảy tiếng đàn cầm và ca vũ với âm thanh tuyệt diệu như thế?»
Người hầu cận thưa:
«Tâu Đại vương, cách chỗ ở kỹ nữ của Vua không xa, có một người huấn luyện voi đang ở. Người học trò của ông tên là Trường Ma-nạp, thường quá nửa đêm khảy đàn cầm ca vũ với âm thanh du dương đó.»
Vua nghe rồi liền bảo, «Gọi đến đây. Ta muốn gặp.» Người hầu cận vâng lệnh đi gọi đến. Ma-nạp đến, đảnh lễ sát chân Vua rồi đứng qua một bên. Vua hỏi:
«Có thật vào lúc quá nửa đêm, ngươi khảy đàn và ca hát với âm thanh vi điệu đó hay chăng?»
Ma-nạp thưa:
«Đúng như vậy.»
Nhà vua nói:
«Nay trước mặt ta, ngươi hãy khảy đàn và ca hát, tấu lên âm thanh mỹ diệu đó.»
Ngay trước mặt nhà vua Ma-nạp liền khảy đàn và ca hát, tấu lên âm thanh mỹ diệu đó. Nhà vua nghe xong, rất hoan hỷ, nói:
«Ngươi ở lại đây. Ta sẽ nuôi ngươi.»
Ma-nạp tâu:
«Vâng.»
Lúc bấy giờ, nơi nhà ở của đệ nhất phu nhân vua Phạm Thí không ai được vào, chỉ có phu nhân của vua và Ma-nạp Trường mà thôi. Sau đó một thời gian, ngọc ma ni của phu nhân bị mất. Phu nhân đến chỗ Vua thưa rằng:
«Bệ hạ biết không? Ngọc ma ni của thần thiếp đã bị mất rồi.»
Nhà vua hỏi:
«Có ai vào nhà hay không?»
«Không có ai vào cả. Chỉ có Vua và thần thiếp cùng Ma-nạp Trường mà thôi.»
Vua liền kêu Trường Ma-nạp hỏi:
«Đệ nhất phu nhân của ta bị mất viên ngọc ma ni, ngươi có lấy không?»
Ma-nạp liền nghĩ: «Nhà của phu nhân Vua ở không ai được vào. Chỉ có Phu nhân và ta. Nếu ta nói không lấy thì nhà vua sẽ trị tội ta. Từ nhỏ tới lớn ta đã quen sống sung sướng, không thể chịu khổ hình được.»
Ma-nạp liền thưa vua rằng:
«Con lấy.»
Nhà vua hỏi cùng với ai lấy? Thưa rằng:
«Cùng với Thái tử của vua lấy.»
Nhà Vua lại hỏi:
«Cùng với ai lấy nữa.»
Tâu rằng:
«Cùng với đại thần có trí tuệ bậc nhất của Vua Lấy.»
Nhà vua hỏi:
«Cùng với ai lấy nữa?»
Thưa rằng:
«Cùng với đại trưởng giả bậc nhất lấy.»
Vua hỏi:
«Cùng với ai lấy nữa?»
Thưa rằng:
«Cùng với đệ nhất dâm nữ.»
Nhà vua liền bắt Ma-nạp, thái tử, đại thần, trưởng giả, đệ nhất dâm nữ trói lại.
Bấy giờ, thái tử nhà vua hỏi Trường Ma-nạp:
«Nhà ngươi biết thật sự ta không lấy viên ngọc. Nhưng tại sao nhà ngươi vu oan cho ta lấy? »
Trường Ma-nạp trả lời:
«Thật sự thái tử không lấy mà tôi cũng không lấy. Nhưng Thái tử là người được nhà Vua yêu trọng nhất, chắc chắn không vì viên ngọc mà nhà Vua đoạn mạng thái tử, do đó tôi khai.»
Vị đại thần có trí tuệ bậc nhất hỏi Trường Ma-nạp rằng:
«Thật sự nhà ngươi biết ta không lấy viên ngọc, nhưng tại sao vu oan cho ta lấy?»
Trường Ma-nạp nói:
«Thật sự ông không lấy, tôi cũng không lấy. Nhưng ông là vị đại thần có trí tuệ. Ông có thể tìm được viên ngọc, do đó tôi khai ông.»
Đại trưởng giả nói với Trường Ma-nạp rằng:
«Thật sự nhà ngươi biết ta không lấy viên ngọc, nhưng tại sao vu oan cho ta lấy?»
Trường Ma-nạp nói:
«Ông thật sự không lấy. Thật sự tôi cũng không lấy. Nhưng ông là đại trưởng giả trong nước này. Ông là một nhà đại phú tài bảo vô số. Nếu vua cần viên ngọc thì ông có thể bồi thường được, do đó tôi khai cho ông.»
Đệ nhất dâm nữ nói với Trường Ma-nạp rằng:
«Ông biết tôi không lấy viên ngọc, tại sao khai oan cho tôi?»
Trường Ma-nạp nói:
«Thật sự cô không lấy mà tôi cũng không lấy viên ngọc. Nhưng cô là đệ nhất dâm nữ, có nhiều người để ý cô nhưng chưa đạt được cô. Do đó thế nào họ cũng tìm cho được ngọc. Cho nên tôi khai cho cô.»
Bấy giờ, Bạch Tặc ở nước Ba-la-nại, nghe đệ nhất Phu nhân của nhà vua bị mất viên ngọc, nhà Vua bắt trói Trường Ma-nạp, thái tử, đại thần, đại trưởng giả, dâm nữ nên liền đến chỗ Trường Ma-nạp hỏi rằng:
«Thật sự phu nhân Nhà vua bị mất viên ngọc không?»
Ma-nạp nói:
«Thật sự có mất.»
Bạch Tặc hỏi:
«Có ai vào nhà của phu nhân không?»
Ma-nạp nói:
«Chỉ có phu nhân của vua và tôi mà thôi.»
Bạch Tặc hỏi:
«Vậy có ai đang đi trong đó?»
Ma-nạp nói:
«Con khỉ cái đi trong đó.»
Bạch Tặc nói với Trường Ma-nạp rằng:
«Như vậy viên ngọc có thể tìm được.»
Bấy giờ, Bạch Tặc liền đến chỗ Vua Phạm Thí tâu rằng:
«Vua biết không? Nay viên ngọc có thể tìm được. Vua hãy cho mang ra các thứ anh lạc trang sức của các nữ nhơn.»
Vua liền ra lệnh đem tất cả những đồ trang sức anh lạc ra, và tập trung những con khỉ cái lại, mang cho chúng các anh lạc, để chúng ở trong cung. Lúc ấy, con khỉ cái trước kia ở trong nhà phu nhân, thấy những con khỉ cái kia mang anh lạc. Nó cũng liền lấy viên ngọc đã lấy trộm của phu nhân đem ra tự trang sức cho mình. Bấy giờ Bạch Tặc liền bao vây xung quanh và bắt con khỉ cái tâu với Vua rằng:
«Vua nay có biết không? Tôi đã lấy lại được viên ngọc ma ni rồi.»
Khi ấy, Vua Phạm Thí liền kêu Trường Ma-nạp đến hỏi rằng:
«Ngươi không lấy ngọc châu; tại sao nhận là có lấy?»
Ma-nạp liền thưa:
«Vì con nghĩ như vầy: Phòng của Phu nhân ở không ai được vào. Chỉ có Phu nhân và con mà thôi. Nếu con nói không lấy, thì sợ Vua trị tội, tra tấn, làm con đau khổ. Nhưng con thì không thể chịu được đau khổ, nên con nói có lấy.»
«Tại sao ngươi lại khai cho thái tử?»
«Con nghĩ rằng, thái tử rất được vua yêu quí, không lẽ vì hạt châu mà nhà vua đọan mạng thát tử. Nên con khai cho thái tử.»
«Tại sao ngươi khai cho đại thần?»
«Con khai cho vị đại thần vì con nghĩ: Vị đại thần có nhiều trí tuệ, có khả năng tạo phương tiện tìm lại được viên ngọc. Cho nên con khai cho vị đại thần.»
«Tại sao ngươi lại khai cho đại trưởng giả?»
«Đại trưởng giả là người đại phú gia, nhiều của cải châu báu, có thể bồi hoàn lại viên ngọc cho Vua. Nên con khai cho đại trưởng giả.»
«Tại sao ngươi lại khai cho dâm nữ?»
«Con nghĩ như sau nên khai cho dâm nữ: Người trong nước cũng như các nơi nhiều kẻ để tâm cô ta, nhưng chưa đạt được cô ta. Họ có thể vì dâm nữ mà tìm được viên ngọc. Nên con khai cho đệ nhất dâm nữ.»
Nhà Vua nói:
«Chưa từng có người nào nhiều trí tuệ như Trường Ma-nạp.»
Vua liền dùng Trường Ma-nạp để làm tất cả các nơi quan trọng. Sau đó một thời gian, vua Phạm Thí nghiêm giá bốn bộ binh để đi săn bắn. Bấy giờ Vua cũng như bốn bộ binh [882a1] đều ham mê đuổi theo những con nai, gặp lúc trời nóng bức nên mỏi mệt. Trường Ma-nạp liền hướng dẫn xe Vua đến chỗ khuất kín để nghĩ ngơi. Vua xuống xe, vào dưới bóng mát của xe, gối đầu trên đầu gối của Trường Ma-nạp ngủ. Bấy giờ, Trường Ma-nạp nghĩ như vầy: «Nhà Vua này là oán cừu của ông nội của cha ta, đã phá hoại quốc độ ta, đã đoạt bốn bộ binh chúng của ông nội của cha ta, cùng kho tàng bảo vật tất cả đều thu hết; đã giết cha mẹ ta, đã tàn sát giòng họ Vua Câu-tát-la.» Nghĩ đến mối thù xưa, Trường Ma-nạp liền rút gươm muốn chém đầu nhà Vua. Nhưng lại nghĩ đến lời dạy của cha: «Oán thù lớn nhỏ, đều không nên báo. Lấy oán trả oán, oán không thể trừ. Chỉ không thù oán, oán thù mới dứt.» Bèn bỏ gươm vào bao trở lại.
Bấy giờ, Vua Phạm Thí kinh sợ, tỉnh dậy. Trường Ma-nạp hỏi:
«Sao Vua thức dậy?»
Nhà Vua nói:
«Vua nước Câu-tát-la có người con tên là Trường Ma-nạp rút gươm muốn chém ta.»
Ma-nạp thưa Vua rằng:
«Nay đây, chỗ nào có Trường Ma-nạp, con của vua Trường Sanh? Chỉ có Nhà Vua và con mà thôi. Xin Ngài cứ yên tâm nghĩ.»
Nhà Vua ngủ lần thứ hai, lại cũng như vậy. Cho đến ngủ lần thứ ba, Trường Ma-nạp cũng suy nghĩ như trước, lại rút gươm ra. Vua liền kinh sợ thức dậy. Bấy giờ Trường Ma-nạp liền nắm đầu Vua. Vua hỏi:
«Ngươi muốn giết ta sao?»
Trường Ma-nạp trả lời:
«Vâng.»
Nhà Vua hỏi:
«Vì lí do gì?»
Trường Ma-nạp trả lời:
«Tôi là Trường Ma-nạp, con của Vua Trường Sanh. Vua có oán cừu với ông nội của cha tôi. Vua đã phá tan quốc độ của tôi, đã chiếm đoạt hết tất cả binh chúng kho tàng bảo vật; đã giết cha mẹ tôi, đã tàn sát giòng họ Vua Câu-tát-la. Nghĩ đến cừu oán này cho nên tôi muốn giết Vua!»
Vua Phạm Thí liền nói:
«Nay ta sẽ trả lại binh chúng, quốc độ cùng tất cả trân bảo của cụ cố của ông. Ông đừng giết tôi!»
Trường Ma-nạp nói:
«Tôi sẽ để mạng sống cho nhà Vua. Nhà Vua cũng đừng giết tôi.»
Vua Phạm Thí trả lời:
«Ta sẽ tha mạng sống cho nhà ngươi.»
Bấy giờ, hai bên đồng xóa hết oán cừu tổ phụ, cùng nhau hòa hợp như cha với con, cùng đi một xe trở về nước Ba-la-nại.
Bấy giờ, Vua Phạm Thí tập hợp các đại thần và bảo như vầy:
«Nếu bắt gặp Trường Ma-nạp con Vua Trường Sanh thì giải quyết như thế nào?»
Có người nói phải xử trị thế này; có người nói phải dùng dao giết nó; có người nói phải dùng xe nghiền nát nó; có người nói phải treo đầu nó lên; có người nói phải đốt nó như cây đuốc; có người nói phải lấy dầu nấu nó; có người nói phải chẻ thân nó ra; có người nói phải dùng móc câu câu vào thịt của nó; có người nói phải lấy mật nấu nó; có người nói phải trói nó quăng trong lửa; có người nói phải lấy vải quấn nói rồi đốt; có người nói phải chặt tay, chặt chân, xẻo mũi, xẻo tai nó; có người nói phải xâu nó rồi bêu nó trên đầu cây nhọn; có người nói phải chặt đầu nó. Nhà Vua liền chỉ cho các vị đại thần mà nói:
«Người này là con Vua Trường Sanh tên là Trường Ma-nạp. Từ nay về sau tất cả mọi người không được bàn luận đến việc đó nữa. Tại sao vậy? Vì người này đã cho ta mạng sống và ta cũng đã cho người này mạng sống.»
Bấy giờ, Nhà Vua công bố hoàn trả lại tất cả binh chúng và quốc độ cũng như kho tàng trân bảo của Vua Trường Sanh lại cho Trường Ma-nạp, và sửa soạn trang sức con để gã cho Trường Ma-nạp.
«Nầy các tỳ-kheo! Trường Ma-nạp kia, vốn là kẻ chấp nhận gươm đao,[19] có oán cừu của tổ phụ của cha, mà còn trở lại hòa hợp như cha với con. Huống chi các người đã xuất gia làm đạo, đồng học một thầy, như sữa hòa với nước thì ở trong Phật pháp mới có lợi ích, và an lạc.
«Thôi, hãy dừng lại, các tỳ-kheo, chớ đấu tranh nhau nữa. Chớ mạ nhục phỉ báng nhau; moi móc sở trường, sở đoản của nhau. Tất cả các ngươi phải nên hòa hợp, cùng tập họp một chỗ, đồng một thầy học, hòa hợp như nước với sữa, mới có lợi ích, sống an lạc trong chánh pháp của Phật.»
Trong khi đức Phật dạy như thế, các tỳ-kheo bạch Phật rằng:
«Bạch đức Thế Tôn, Thế Tôn hãy tự yên nghỉ. Như Lai là đấng Pháp chủ. Các tỳ-kheo tự biết rõ sự đấu tranh này.»
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đã phải hai ba lần ngăn chận các tỳ-kheo ở Câu-thiểm-di, đừng cùng nhau đấu tranh, mạ nhục phỉ báng lẫn nhau, moi móc tội lỗi nhau, mà nên hòa hợp chung sống, đồng một thầy học, như nước hòa với sữa, thì ở trong Phật pháp mới có lợi ích, và an lạc. Tỳ-kheo kia lại nói với đức Thế Tôn như vầy:
«Bạch đức Thế Tôn, Thế Tôn hãy tự yên nghỉ. Như Lai là đấng Pháp chủ. Các tỳ-kheo tự biết rõ sự đấu tranh này.»
Bấy giờ, đức Thế Tôn vì các tỳ-kheo nơi Câu-thiểm-di nói bài kệ:
Đám đông dậy tiếng xấu,
Chẳng cần pháp Thượng tôn[20]
Khi phá vỡ Chúng Tăng,
Còn biết lẽ gì khác?[21]
Chẻ xương, hại sanh mạng,
Cướp bò, ngựa, tài bảo;
Đất nước loạn, đấu tranh,
Còn trở lại hòa hợp.
Các ngươi đáng lẽ không
Bao giờ nhục mạ nhau.
Nếu có sự như thế,
Oán kia không thể trừ.
Đối các mạ lỵ ác,
Không bao giờ đáp trả.
Người hay im lặng nhẫn,
Oán kia tự nhiên hết.
Lấy oán trừ oán cừu;
Oán cừu không hết được.
Không oán, oán tự tiêu.
Pháp kia vui dõng mãnh.[22]
Không bảo người khác làm,
Chính mình cũng không làm.
Người thật hành như vậy,
Như mưa dập bụi trần.
Không thật, nói chắc thật;
Chắc thật, nói không thật.
Nó không rõ cái thật,
Rơi vào ức niệm tà.
Chắc thật, biết chắc thật.
Không thật, biết không thật.
Ai hiểu pháp chắc thật,
Vào trong chỗ chánh niệm.[23]
Cũng như người cầm tên
Cầm lỏng, hại tay mình.
Sa-môn không khôn khéo,
Tăng thêm số địa ngục.
Người biết khéo cầm tên,
Cầm chặt, không hại tay.
Sa-môn biết khôn khéo,
Liền được sanh đường lành.
Tuy mặc áo cà-sa,
Ôm chặt các kết sử,
Không thể trừ oán hại,
Không xứng mặc cà-sa.
Kết sử đã trừ diệt,
Tự trang nghiêm bằng giới,
Chế ngự các oán cừu,
Người ấy xứng cà-sa.
Tìm kiếm bạn khắp nơi,
Không có người hợp ý;
Thà một mình bền lòng,
Không đồng hành kẻ ngu.
Nếu khắp nơi tìm bạn,
Không được người như mình;
Thà một mình làm lành,
Không bạn kẻ ngu ác.
Độc hành, không làm ác;
Như voi rừng núi cao.
Nếu tìm được bạn lành,
Cùng chung sống, dũng mãnh.[24]
Đi, ở, giữa các chúng,
Tâm họ thường hoan hỷ.
Nếu không có bạn lành,
Độc hành, thường dũng mãnh;
Xa lánh nơi đô hội,
Vô sự như voi rừng.
Lúc bấy giờ, vì các tỳ-kheo tại Câu-thiểm-di đấu tranh, phỉ báng mạ nhục, chúng Tăng bị rối loạn, đức Thế Tôn không vui. Thế Tôn không nói với chúng Tăng và người thị giả, mà tự xếp ngọa cụ để lại chỗ cũ. Mang y cầm bát, dùng sức thần túc rời Câu-thiểm-di [883a1] trở về nước Xá-vệ.[25]
Bấy giờ, các vị ưu-bà-tắc ở Câu-thểm-di nghe nói, vì các tỳ-kheo tại Câu-thiểm-di đấu tranh, phỉ báng mạ nhục, chúng Tăng bị rối loạn, đức Thế Tôn không vui. Thế Tôn không nói với chúng Tăng và người thị giả, mà tự xếp ngọa cụ để lại chỗ cũ. Mang y cầm bát, dùng sức thần túc rời Câu-thiểm-di trở về nước Xá-vệ. Bấy giờ, các ưu-bà-tắc cùng nhau tự lập ra quy chế: «Tất cả chúng ta, khi gặp các tỳ-kheo ở Câu-thiểm-di, không được đứng dậy nghinh đón, cung kính lễ bái, hỏi chào, nói năng và cúng dường y phục ẩm thực, thuốc men chữa bệnh.» 5. Tăng hoà hợp
Các tỳ-kheo kia giống như người bị cử tội, nên tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, quốc vương đại thần, các hàng sa-môn ngoại đạo đều tránh xa không giao tiếp. Các tỳ-kheo đấu tranh kia, do vậy không có sự lợi dưỡng nên nghĩ như vầy: «Chúng ta cần phải đến chỗ đức Thế Tôn để chấm dứt việc đấu tranh này.» Họ liền đến nước Xá-vệ.
Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất nghe các tỳ-kheo đấu tranh nơi Câu-thiểm-di, phỉ báng mạ nhục nhau, miệng tuôn ra những lời như đao như kiếm, từ Câu-thểm-di đến nước Xá-vệ. Tôn giả liền cùng năm trăm vị tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một bên, bạch đức Thế Tôn rằng:
«Các tỳ-kheo nơi Câu-thiểm-di, cùng nhau đấu tranh, phỉ báng mạ nhục, miệng tuôn ra những lời như gươm như đao. Nay họ từ Câu-thiểm-di đến nước Xá-vệ, chúng con nên làm thế nào?»
Đức Phật bảo tôn giả Xá-lợi-phất:
«Hãy cho phép hai bộ nói. Nếu tỳ-kheo nào nói như pháp thì nên chấp nhận lời nói ấy, khen ngợi trưởng dưỡng, cùng làm người bạn.»
Tôn giả Xá-lợi-phất lại bạch Phật:
«Làm thế nào để biết tỳ-kheo kia nói đúng pháp hay phi pháp?»
Đức Phật bảo Xá-lợi-phất:
«Có mười tám sự việc khiến Tăng bị vỡ: pháp, phi pháp, tỳ-ni, phi tỳ-ni, phạm, không phạm, nhẹ, nặng, hữu dư, vô dư, thô ác, không thô ác, nên làm, không nên làm, chế, không chế, thuyết, không thuyết.»[26]
Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:
«Ông nên xem xét việc này thời sẽ biết lời nói của tỳ-kheo kia là như pháp hay phi pháp.»
Tôn giả lại bạch Phật rằng:
«Phân phối phòng xá ngọa cụ cho các tỳ-kheo nơi Câu-thiểm-di như thế nào?»
Đức Phật dạy:
«Nên cho họ phòng xá ngọa cụ ở chỗ khuất kín[27]. Nếu không có chỗ khuất kín thì hãy lập ra chỗ khuất kín cho họ, cũng như cách thức phân phối ngọa cụ cho chúng Tăng.»
Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật rằng:
«Chia y vật của chúng Tăng cho tỳ-kheo Câu-thiểm-di như thế nao?»
Đức Phật dạy:
«Tùy theo thứ bậc mà chia.»[28]
Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật rằng:
«Đối với tỳ-kheo Câu-thiểm-di, nên sắp xếp chỗ ngồi như thế nào để chia cháo trong bữa tiểu thực?»
Phật bảo tôn giả Xá-lợi-phất:
«Trước kia Ta há đã không nói điều này? Khi Tăng bị vỡ, phi pháp hoà hợp, ngồi sao cho không phát sanh sự dữ của thân và miệng. Chúng Tăng bị vỡ, nhưng như pháp hòa hợp, sự việc đã chấm dứt, nên ngồi chỗ ngồi cách khoảng một người.»[29]
Lúc bấy giờ, tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề, nghe các tỳ-kheo đấu tranh nơi Câu-thiểm-di, phỉ báng mạ nhục nhau, miệng tuôn ra những lời như đao như kiếm, từ Câu-thiểm-Di đến nước Xá-vệ, liền cùng với năm trăm tỳ-kheo-ni đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật rằng:
«Đại đức Thế Tôn, tỳ-kheo nơi Câu-thiểm-di này cùng nhau đấu tranh, cùng nhau mạ nhục phỉ báng, soi bói tốt xấu nhau, từ Câu-thiểm-di đến Xá-vệ. Chúng con nên đối với họ như thế nào?»
Đức Phật bảo Cù-đàm Di:
«Hãy nghe cả hai bên nói. Nếu tỳ-kheo nào nói như pháp thì chấp nhận lời nói ấy, khen ngợi trưởng dưỡng, coi đó là bạn hữu.»
Cù-đàm Di bạch Phật:
«Làm sao biết lời nói của tỳ-kheo kia là pháp hay phi pháp?»
Phật dạy:
«Có mười tám việc phá Tăng: Pháp phi pháp... cho đến thuyết không thuyết.» (như trên)
«Nên xem xét việc này để biết lời nói tỳ-kheo kia là pháp hay phi pháp. Tỳ-kheo-ni Cù-đàm Di, nên đến cầu giáo thọ trong bộ chúng tỳ-kheo như pháp.»
Lúc bấy giờ, trưởng giả A-nan-bân-đê[30] nghe các tỳ-kheo nơi Câu-thiểm-di đấu tranh nhau, mạ nhục phỉ báng nhau, moi móc tội lỗi nhau, từ Câu-thiểm-di đến Xá-vệ, liền cùng năm trăm ưu-bà-tắc đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên bạch Phật:
«Các tỳ-kheo nơi Câu-thiểm-di, đấu tranh nhau, mạ nhục phỉ báng nhau, moi móc tội lỗi nhau, từ Câu-thiểm-di đến Xá-vệ. Bạch đức Thế Tôn, chúng con nên đối xử thế nào?»
Thế Tôn dạy:
«Nên nghe cả hai bên nói, như trên. Nếu có đàn-việt cúng dường nên chia hai phần, đây cũng là Tăng, kia cũng là Tăng. Nầy các cư sĩ, như thỏi vàng chia làm hai phần, cả hai đều là vàng. Do vậy, nầy các cư sĩ, vật bố thí cúng dường nên chia làm hai phần. Vì đây là Tăng, kia cũng là Tăng.»
Bấy giờ, Tỳ-xá-khư Vô-di-la Mẫu nghe các tỳ-kheo nơi Câu-thiểm-di đấu tranh nhau, mạ nhục phỉ báng nhau, moi móc tội lỗi nhau, từ Câu-thiểm-di đến Xá-vệ, liền cùng năm trăm ưu-bà-di đến chỗ đức Thế Tôn đầu mặt đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một bên bạch Phật:
«Các tỳ-kheo Câu-thiểm-di đấu tranh phỉ báng mạ nhục xoi bói tốt xấu nhau, miệng tuôn ra những lời như đao như kiếm, nay từ Câu-thiểm-di đến Xá-vệ, kính bạch đức Thế Tôn, chúng con nên đối xử thế nào?»
Đức Phật dạy:
«Nên nghe cả hai bên nói, như trên. Nếu có đàn-việt cúng dường nên chia hai phần, đây cũng là Tăng, kia cũng là Tăng. Nầy các cư sĩ, như thỏi vàng chia làm hai phần, cả hai đều là vàng. Do vậy, nầy các cư sĩ, vật bố thí cúng dường nên chia làm hai phần. Vì đây là Tăng, kia cũng là Tăng.» 6. Giải yết-ma
Lúc bấy giờ, tỳ-kheo bị cử, trên đường đi, nơi chỗ vắng, tâm tự suy nghĩ rằng: «Tránh sự này của ta cần phải dẫn chứng Tu-đa-la, Tỳ-ni, A-tỳ-đàm, kiểm hiệu Phật pháp, xét duyệt xem cử đúng hay cử sai, là cử như pháp, yết-ma thành tựu hay là không cử như pháp, yết-ma không thành tựu.» Bấy giờ vị ấy liền xem xét Tu-đa-la, Tỳ-ni, A-tỳ-đàm, theo pháp của đức Phật xét duyệt, rồi nghĩ như vầy: «Sự thật là phạm chứ không phải không phạm; cử tội đúng chứ chẳng phải là không đúng; như pháp cử yết-ma thành tựu, chứ không phải là không như pháp cử yết-ma không thành tựu.» Vị ấy liền đến chỗ các tỳ-kheo tùy cử nói như vầy: «Tôi trên đường đi, nơi chỗ vắng, tâm tự suy nghĩ rằng: ‹Tránh sự này của ta cần phải dẫn chứng Tu-đa-la, Tỳ-ni, A-tỳ-đàm, kiểm hiệu Phật pháp, xét duyệt xem cử đúng hay cử sai, là cử như pháp yết-ma thành tựu hay là không cử như pháp, yết-ma không thành tựu.› Bấy giờ tôi liền xem xét Tu-đa-la, Tỳ-ni, A-tỳ-đàm, theo pháp của đức Phật xét duyệt, rồi nghĩ như vầy: ‹Sự thật là phạm chứ không phải không phạm; cử tội đúng chứ chẳng phải là không đúng; như pháp cử yết-ma thành tựu, chứ không phải là không như pháp cử yết-ma không thành tựu.›»
Bấy giờ các tỳ-kheo tùy cử dẫn tỳ-kheo bị cử đến chỗ tỳ-kheo tác cử bạch rằng:
«Tỳ-kheo bị cử này nói với tôi như vầy: ‹Trên đường đi nơi chỗ vắng, tôi tư duy (nói đầy đủ như trên).› »
Lúc bấy giờ, tỳ-kheo cử tội dẫn tỳ-kheo tùy cử, tỳ-kheo bị cử đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:
«Tỳ-kheo tùy cử này dẫn tỳ-kheo bị cử đến chỗ con, đem nhơn duyên của tỳ-kheo bị cử trình bày đầy đủ. Nay con cũng đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ.»
Đức Thế Tôn bảo các tỳ-kheo:
«Đó là phạm chứ chẳng phải không phạm. Cử tội đúng chứ chẳng phải không đúng; như pháp cử tỳ-kheo này, yết-ma thành tựu. Nếu tỳ-kheo kia thuận tùng chúng Tăng để sám hối, hoán cải tội lỗi, thì yêu cầu giải yết-ma bất kiến cử.»
Nên bạch tứ yết-ma để giải, cách giải như vầy:
Tỳ-kheo kia đến giữa Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, kính lễ sát chân Tăng, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch Phật:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi Tỳ-kheo tên là... đã bị Tăng cử tội, yết-ma bất kiến cử. Nay tôi thuận tùng chúng Tăng, cải hoán tội lỗi, sám hối, cầu xin giải yết-ma bất kiến cử. Nguyện Tăng từ mẫn, vì tôi giải cho.»
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng xin như vậy.
Trong đây, [884a1]Tăng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, hoặc Thượng tọa hay thứ tọa, tụng luật hay không tụng luật được, miễn là có thể tác pháp yết-ma, bạch như vầy:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là... Tăng đã tác pháp yết-ma bất kiến cử. Nay thuận tùng chúng Tăng, hoán cải tội lỗi sám hối, cầu xin giải yết-ma bất kiến cử. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, Tăng giải yết-ma bất kiến cử cho Tỳ-kheo tên là... Đây là lời tác bạch.
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo tên là... Tăng đã tác pháp yết-ma bất kiến cử, vị kia đã thuận tùng chúng Tăng cải hoán tội lỗi sám hối, nay cần cầu Tăng giải yết-ma bất kiến cử. Trưởng lão nào đồng ý Tăng giải yết-ma bất kiến cử cho Tỳ-kheo tên là... thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.»
(Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy).
«Tăng đã đồng ý giải yết-ma bất kiến cử cho Tỳ-kheo... rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»
Đức Phật dạy tiếp: cho phép tác bạch yết-ma hòa hợp, nên bạch như vầy:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Sự việc khiến Tăng đấu tranh, phỉ báng nhục mạ lẫn nhau, xoi bói sở trường sở đoản nhau. Người phạm sự bị cử kia nay đã được giải rồi, trần cấu của Tăng được diệt sạch. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng tác pháp hòa hợp. Đây là lời tác bạch.»
Nên tác bạch như vậy để hòa hợp.
Bấy giờ, Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch đức Thế Tôn rằng:
«Kính bạch đức Thế Tôn, sự việc khiến Tăng đấu tranh, phỉ báng nhục mạ, xoi bói sở trường, sở đoản nhau, khiến cho Tăng bị phá, khiến Tăng chia rẽ, khiến Tăng bị trần cấu. Việc kia chưa liệu lý, chưa phân xử, Tăng chưa diệt trần cấu, như vậy có được hòa hợp như pháp hay không?»
Phật dạy:
«Không được như pháp hòa hợp. Nầy Ưu-ba-ly! Nhân bởi tránh sự[31] kia, khiến Tăng đấu tranh, phỉ báng nhục mạ nhau, xoi bói sở trường, sở đoản nhau, khiến Tăng bị phá, khiến Tăng chia rẽ, khiến cho Tăng bị trần cấu. Khi tránh sự ấy đã được liệu lý, đã được giải quyết. Tăng đã diệt trần cấu, bấy giờ được hòa hợp như pháp.»
Đức Phật dạy:
Từ nay về sau cho phép tác bạch yết-ma hòa hợp Bố-tát. Nên bạch như vầy:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nhân bởi tránh sự kia đã khiến Tăng đấu tranh, phỉ báng nhục mạ, xoi bói sở trường, sở đoản nhau, khiến cho Tăng bị phá, khiến Tăng chia rẽ, khiến Tăng bị trần cấu. Người ấy đã được Tăng tác cử, và đã được giải rồi, Tăng đã được diệt trần cấu. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, Tăng tác pháp hòa hợp bố-tát. Đây là lời tác bạch.»
Nên bạch như vậy rồi hòa hợp bố-tát.
Lúc bấy giờ, Đức Phật nói với Ưu-ba-ly:
«Có năm hạng người phạm tội. Những gì là năm?
«Tỳ-kheo phạm tội như vậy. Các tỳ-kheo khác bảo rằng, ‹Thầy phạm tội, có thấy hay không?› Vị kia trả lời, ‹Không thấy.› Vị kia nói với vị tỳ-kheo này rằng: ‹Nếu thấy tội này thì nên sám hối.› Đây là người phạm tội thứ nhất.
«Tỳ-kheo phạm tội như vậy. tỳ-kheo khác bảo rằng, ‹Thầy phạm tội, có thấy hay không?› Vị kia trả lời: ‹Không thấy.› Tỳ-kheo kia nói: ‹Thầy nếu thấy tội nên đến trong Tăng sám hối.› Đây là người phạm tội thứ hai.
«Tỳ-kheo phạm tội như vậy. Tỳ-kheo khác bảo rằng, ‹Thầy phạm tội, có thấy hay không?› Vị kia trả lời: ‹Không thấy.› Tỳ-kheo kia nói: ‹Thầy nếu thấy tội nên ở trong Tăng này mà sám hối.› Đây là người phạm tội thứ ba.
«Tỳ-kheo phạm tội như vậy. Tỳ-kheo khác bảo rằng, ‹Thầy phạm tội, có thấy hay không?› Vị kia trả lời: ‹Không thấy.› Chúng Tăng nên xả trí, không hỏi nữa, mà nói như vầy, ‹Nay thầy không thấy tội. Nơi nào mà thầy đến, nơi đó cũng sẽ cử tội thầy. Đối với thầy, họ sẽ tác pháp tự ngôn, không cho thầy tác pháp a-nậu-bà-đà,[32] không cho phép bố-tát, tự tứ. Như người điều khiển ngựa, đối với con ngựa chứng khó điều khiển, họ phải buộc nó vào cây nọc, bỏ mặc nó nơi đó. Thầy là tỳ-kheo không tự thấy tội cũng lại như vậy. Tất cả mọi người đều phải bỏ mặc thầy. Nơi nào mà thầy đến, nơi đó, cho đến, sẽ không cho phép thầy bố-tát, tự tứ. Người như vậy, không được đến họ để cầu thính.[33] Ở đây như vậy tức là thính. Đây là người phạm tội thứ tư.
«Tỳ-kheo phạm tội như vậy, tỳ-kheo khác bảo rằng, ‹Thầy phạm tội, có thấy hay không?› Vị kia trả lời, ‹Không thấy.› Đối với vị ấy chúng Tăng nên tác pháp yết-ma, bằng pháp bạch tứ bất kiến cử, đây là người phạm tội thứ năm.
Bấy giờ, Trưởng lão Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch Phật rằng:
«Có bao nhiêu pháp để thành người liệu lý sự vụ?»
Đức Phật dạy:
«Có năm pháp để thành người liệu lý sự vụ:
«Muốn thành tỳ-kheo tác sự, nên quan sát việc này thật hay không thật. Hoặc giả có việc không thật. Tỳ-kheo kia, nếu biết việc này không thật thì không được làm.
«Nếu tỳ-kheo kia biết việc này là thật, thì lại phải quan sát việc này có lợi ích hay không có lợi ích. Hoặc giả có việc không lợi ích. Tỳ-kheo kia, nếu biết được việc này không lợi ích thì không được làm.
«Nếu tỳ-kheo kia biết việc này có lợi ích, thì lại phải quan sát việc này là đúng thời hay không đúng thời. Hoặc giả có việc làm phi thời. Tỳ-kheo kia nếu biết việc này là làm phi thời thì không được làm.
«Nếu tỳ-kheo kia biết việc này là đúng thời, thì lại phải xem xét, là làm việc này hoặc sẽ khiến Tăng đấu tranh, phỉ báng mạ nhục nhau, sẽ khiến Tăng bị phá, sẽ khiến Tăng chia rẽ, sẽ khiến Tăng bị trần cấu; hoặc sẽ không khiến Tăng đấu tranh, cho đến sẽ không khiến Tăng bị trần cấu. Tỳ-kheo kia, nếu biết làm việc này, khiến Tăng đấu tranh, cho đến khiến Tăng trần cấu, thì không được làm.
«Nếu tỳ-kheo biết làm việc này sẽ không khiến Tăng đấu tranh, cho đến không khiến Tăng trần cấu, thì tỳ-kheo kia lại phải quan sát, nếu tỳ-kheo làm việc này có được bạn hữu hay không được bạn hữu. Hoặc giả làm việc này, không có được tỳ-kheo bạn hữu. Nếu tỳ-kheo kia biết được làm việc này không có được tỳ-kheo bạn hữu thì không được làm. Nếu tỳ-kheo kia biết có tỳ-kheo bạn hữu thì nên làm đúng thời, với hảo tâm thiện niệm.
«Nầy Ưu-ba-ly! Tỳ-kheo nào biết được năm pháp này thì sẽ được làm người liệu lí sự vụ.»
Bấy giờ, tôn giả Ưu-ba-ly liền từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay hướng về đức Phật nói bài kệ rằng:
Vì Tăng nói điều này,
Nghĩa lợi quyết định vậy.
Thế nào biết là hơn?
Tỳ-kheo được kiên trì?
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn trả lời Ưu-ba-ly bằng bài kệ sau:
Đệ nhất trì giới không hủy hoại,
Tỳ-kheo oai nghi tự trang nghiêm;
Oan gia không thể như pháp trách.
Người kia được vậy khỏi ai chê.
Người kia trụ nơi thanh tịnh giới,
Nói không sợ và không nghi nan,
Giữa chúng không đổi dời, không sợ,
Hỏi đâu đáp đó không mất nghĩa.
Trong chúng dù hỏi nghĩa lý gì,
Liền đáp, khỏi nghĩ, không ưu lự.
Lúc nào hỏi nghĩa cũng đáp được.
Ứng đáp nhiều câu, lòng không đổi.
Cung kính các tỳ-kheo Trưởng lão,
Thượng tọa, trung tọa và hạ tọa.
Nói được nguồn gốc, khéo phân biệt,
Hiểu các oan gia lời dối trá.
Oan gia không thể hơn vị ấy.
Cũng lại điều phục được nhiều người.
Thường làm thầy dạy, không thiếu sót.
Trang nghiêm trí tuệ người đều biết.
Nếu phạm việc như vậy.
Không phạm, tội được trừ.
Bẩn này, biết cả hai.
Biết bẩn, sám hối trừ.
Không hối, Chúng bỏ mặc.
Nếu hối, Chúng không đuổi.
[885a1]Nên khuyên người như vậy;
Phân minh biết như vậy.
Có tín thì hay thọ.
Vì Tăng nên mới đuổi.
Chúng đuổi, hãy nghe lời,
Tuân hành, không tự cao;
Cung kính bậc Trưởng lão,
Thượng, trung và hạ tọa,
Trí tuệ nhiều lợi ích.
Người này hay hộ pháp.[34] Chú thích:
[107] Tịnh địa 淨地; Pali, Mahāvagga vi, Vin.i. 239, kappiyabhūmi, khu đất được dành riêng. Hành sự sao 10 (T40n1804 tr.119b14) giải: «Nghiệp là uế, nên nói là bất tịnh.» Nhưng chữ Hán nói là tịnh trong tịnh trù, tịnh khố, tác tịnh, đều dịch ý tiếng Phạn kalpa (Pali: kappa), nghĩa chính là «tư duy phân biệt» (Nghĩa Tịnh dịch là phân biệt), theo đó, vật tịnh, hay được tác tịnh, là vật được chỉ định (hợp thức hoá) cho sử dụng đặc biệt nào đó. Chữ tịnh như vậy không liên quan gì đến ô uế hay thanh tịnh như Hành sự sao giải thích.
[108] Magāvagga vi, có ba thứ tịnh địa: 1. ussāvanantika, tịnh địa do công bố, như cắm cọc, đặt đá, chỉ định riêng. 2. gonisādi, tùy cơ, cần thiết tại đâu thì làm tại đó, như bò nghỉ ở đâu thì làm chuồng ở đó. 3. gahapati, do thí chủ chỉ định khi dựng chùa.
[109] Tự hái trái cây mà ăn.
[110] Tham chiếu Pali, Viṇ īi. 109, pañcahi samaṇakappehi phalaṃ paribhuñjitum, ăn trái cây với điều hợp thức của sa-môn: aggiparicitaṃ (đã bị lửa phạm), satthaparicitaṃ (đã bị dao phạm), nakkhaparicitaṃ (đã bị móng tay phạm), abījaṃ (không có hạt mầm), nibbattabījaṃ (hạt mầm đã hỏng).
[111] Sang tịnh 瘡淨.
[112] Tự hái rau mà ăn.
[113] Tự mình cầm lên rồi đưa cho người khác.
[114] Phép thọ, xem cht. 117 & 118 dưới.
[115] Được phép để qua đêm.
[116] Người khác nấu cho mình.
[117] Tức tác pháp thọ: Thức ăn để xuống đất. Tịnh nhân mang lại đưa cho tỳ-kheo. Tỳ-kheo nhận lại, bằng cách «ngửa tay» mà nhận. Cf. Hành sự sao (T40n1804 tr.123c02)
[118] Ngũ phần: (…) không thọ thức ăn, mà ăn; đồng nghĩa với sự lấy của không cho. Cf Hành sự sao (T40n1804 tr.123b03).
[119] Phi đào 椑桃; một loại thị (Từ nguyên).
[120] Vật được dời, bị tay người dời chạm đến, không còn thuộc chủ cũ, nên không còn tịnh. Chủ cũ muốn dùng, phải tác pháp thọ trở lại. Người di chuyển, có ác ý, phạm đột-kiết-la.
[121] Hoạn thấp 患濕;
[122] Đậu khứu 豆糗. Khứu: gạo lúa mạch rang khô, hay cơm khô, hay lương khô (Khang hy). Xem các cht. liên hệ trên.
[123] Khứu liêm 糗签. Viết đúng là – 奩. Hành sự sao 10 (T40n1804 tr.126c19)
[124] Mộc đảng 木欓. Khang hy: đảng, thùng bằng gỗ.
[125] Thuộc về thực phẩm chính, tức năm loại chánh thực hay bồ-xà-ni. Các thức ăn này liên hệ các điều luật về thọ thỉnh và túc thực.
[126] Cộng túc diêm 共宿鹽; muối ngủ chung, muối được phép để cách đêm. Muối ăn được; thức ăn không ăn được. Cố ý trộn hai thứ để làm thức ăn, ăn được.
[1] Pali, Kathinakkhando, Vin.i. 253: có 30 tỳ-kheo, là những vị sống a-lan-nhã, ở nước Pāvā.
[2] Công đức y 功德衣. Pali: kaṭhina. Mahāvagga vii, Vin. i. 254.
[3] Ni-tát-kỳ 1: súc trưởng y.
[4] Ni-tát-kỳ 2: ly y túc.
[5] Tỳ-kheo, ba-dật-đề 33: biệt chúng thực.
[6] Tỳ-kheo, ba-dật-đề 32: triển chuyển thực.
[7] Tỳ-kheo, ba-dật-đề 42.
[8] Xem, tỳ-kheo, ba-dật-đề 60.
[9] Đây nói y cũ, dùng làm y ca-thi-na.
[10] Xem đoạn dưới: y xả đọa không tác tịnh, không thành thọ.
[11] Văn thọ y mà từng tỳ-kheo một nói ba lần trên kia.
[12] Văn thọ y trên chia thành ba thời nói riêng. Mỗi thời nói ba lần.
[13] Được thọ năm việc phóng xả tức nới lỏng. Xem trên.
[14] Y mất hiệu lực đối với cá nhân tỳ-kheo trong 8 trường hợp.
[15] Y bất cánh 衣不竟. Kiết-xỉ-na sự: bất quyết định. Tỳ-kheo ra ngoài giới để tìm cầu y. Khi ra khỏi, có ý không trở về; nếu may y, ca-thi-na liền xả khi y chưa may xong.
[1] Câu-thiểm-di 拘睒彌, Thập tụng: Câu-xá-di 俱舍彌. Phiên âm thường gặp: Kiêu-thưởng-di 憍賞彌. Skt. Kauśāmbī. Pali: Kosambī, thủ phủ của vương quốc Vaṃsa (Skt. Vatsa).
[2] Thập tụng: tác yết-ma bất kiến tẩn 不見擯, đuổi đi vì không chịu nhận tội. Pali: āpattiyā adassane ukkhipiṃsu, xả trí (gạt tỳ-kheo ấy qua một bên) vi không chịu nhận tội.
[3] Thập tụng: tỳ-kheo bị đuổi là vị giỏi pháp, giỏi luật, nổi tiếng, có thế lực, được nhiều người hỗ trợ. Pali, Vin.i. 337: nói như Thập tụng.
[4] Tùy cử tỳ-kheo 隨舉比丘: tỳ-kheo tùy thuận với tỳ-kheo bị cử. Pali: ukkhitānuvattaka bhikkhu. Những hình thức xả trí (Vin.i. 339): không mời, không yết-ma chung, không ngồi chung, không ở chung phòng…
[5] Thập tụng: Một số tỳ-kheo được tỳ-kheo bị đuổi thuyết phục. Số khác vẫn giữ quan điểm. Tăng chia thành hai bộ, tranh chấp nhau.
[6] Biệt bộ thuyết giới yết-ma 別部說戒羯磨; sự phá Tăng đã thành hình.
[7] Vin.i. 340: Tỳ-kheo bị cử tác yết-ma thuyết giới trong giới, yết-ma như pháp; trong khi đó, tỳ-kheo cử tội ra ngoài giới tác yết-ma thuyết giới; yết-ma như pháp. Cả hai đều hợp pháp, vì tác pháp yết-ma trong hai trú xứ khác nhau.
[8] Bất kiến phạm 不見犯, bất sám hối 不懺悔, bất xả ác kiến 不捨惡見: đều thuộc yết-ma xả trí. Hình thức xả trí, xem cht. 4 trên.
[9] Thập tụng: Tự tác cộng trú…, tỳ-kheo bị tẫn xả bộ chúng kia, về lại bộ chúng này.
[10] Không ngồi gần nhau quá để có thể đấu khẩu hay đánh lộn. Vin.i. 341: bhinne saṅghe adhammaiyāyamāne asammodikāya vattāmānaya ettāvatā na… hatthaparāmā-saṃ karissāmā ti āsane nisīditabbaṃ, «Tăng bị vỡ dẫn khởi phi pháp, bất hoà… ngồi xuống sao cho ‹chúng ta không vói tay đến nhau.› »
[11] Pali, ibid., bhinne saṅghe dhammiyāyamāne… āsanantarikāya nisīditabbaṃ, «Khi Tăng vỡ, nhưng như pháp, hoà hợp, hãy ngồi sát nhau (không gián cách).»
[12] Xem cht. (trên kia)
[13] Các hình thức xả trí đối với tỳ-kheo bị yết-ma xả trí.
[14] Phạm Thí 梵施. Truyện kể, xem Trung A-hàm 17, kinh số 72 «Trường Thọ vương bản khởi» (No. 26. 72); Tăng nhất A-hàm 16, No.125 (24.8). Pali: Brahmadatta; Cf. M. 128 Upakkilesa; Vin.i. 342.
[15] Già-xa 伽奢. Pali: Kāsi; trong thời Phật, là 1 trong 16 đại quốc, thủ đô là Bārāṇasī (Ba-la-nại); được sáp nhập vào Kosala (Câu-tát-la) do Pasenadi cai trị.
[16] Trường Sanh 長生. Trung A-hàm, đã dẫn: Trường Thọ. Pali: Dīghīti.
[17] Phú-lô-hê-xỉ 富盧醯侈. Pali: purohito brahmaṇo, bà-la-môn tư tế của Vua. Chức vụ chứ không phải tên. Quốc sư của vua Brahmadatta.
[18] Trường 長. Bản Minh: Trường Ma-nạp (phiêm âm của māṇava: thiếu niên). Pali: Dīghāvu.
[19] Chỉ vua chúa, sống bằng đao kiếm.
[20] Trung A-hàm: «Bằng đủ thứ ngôn ngữ, phá vỡ Chúng tối tôn.»
[21] Trung A-hàm: «Khi phá hoại Thánh chúng, không ai ngăn cản được.»
[22] Cf. Pháp cú Pali, Dhp. 3-6.
[23] Cf. Pháp cú Pali, Dhp. 11-12.
[24] Cf. Pháp cú Pali. Dhp. 32-330.
[25] Trung A-hàm 17 (T01n0026 tr.535c18): Thế tôn đến thôn Sa-lâu-la, sau đó đến Hộ lâm. Cf. Vin.i. 350: đến thôn Bālakaloṇakara. Sau đó đi đến Pārileyya. Cuối cùng, trở về Sāvatthi.
[26] Thập bát phá Tăng sự. Thập tụng 30 (T23n1435 tr.216a23): «Nếu tỳ-kheo, pháp nói là phi pháp, phi pháp nói là pháp, luật…, phi luật,… phạm, phi phạm, trọng, khinh, tàn, vô tàn, thường sở hành, phi thường sở hành, thuyết, phi thuyết…» Cf. Vin. i 354: aṭṭhārasahi vatthuhi adhammavādī: 18 cơ sở ngôn thuyết phi pháp dẫn đến phá Tăng: adhammaṃ dhammoti dīpeti (phi pháp mà nói là pháp), dhammaậmdhammoti dīpeti (pháp nói là phi pháp), avinayaṃ (phi luật)…vinayaṃ (luật)…abhāsitaṃ alapitaṃ tathāgatena (điều này không phải Như Lai nói), bhāsitaṃ lapitaṃ tathāgatena (điều này được Như Lai nói), anāciṇṇaṃ tathāgatena (điều này không phải là thưòng hành bởi Như Lai), āciṇṇaṃ tathāgatena (điều này được thường hành bởi Như Lai), apaññattaṃ tathāgatena (điều không được Như Lai chế), paññattaṃ tathāgatena (điều được Như Lai chế định), anāpattiṃ (không tội), āpattiṃ (tội), lahukaṃ āpattiṃ (tội nhẹ), garukaṃ āpattiṃ (tội nặng), sāvasesaṃ āpattiṃ (tội hữu dư), anavasesaṃ āpattiṃ (tội không dư tàn), thullaṃ āpattiṃ (tội thô trọng), athullaṃ āpatti (tội không thô trọng)…
[27] Vin.i. 356: vivittaṃ senāsanaṃ dātabbaṃ, cho họ chỗ nằm riêng biệt.
[28] Pali, ibid., «Tất cả thọ hưởng bình đẳng.» (sabbesa samakaṃ bhājetabbaṃ)
[29] Xem cht. 140 & 141 trên.
[30] A-nan-bân-đê 阿難邠坻. Phiên âm, tức ông Cấp Cô Độc. Pali: Anāthapiṇḍika.
[31] Tránh sự 諍事; cơ sở dẫn khởi tranh chấp, nguyên nhân của tranh chấp. Có bốn tránh sự: tranh chấp lời nói, tranh luận về giáo giới, bất đồng về luận tội, tranh cãi về phận sự phải làm. Pali, Vin.ii.88: cattārīmāni bhikkhave adhikaraṇāni vivādādhikaraṇaṃ, anuvādādhikaraṇaṃ, āppattādhikaraṇaṃ, kiccādhikaraṇaṃ.
[32] A-nậu-bà-đà 阿[少/兔]婆陀. Pali: anuvāda, phi nạn, chỉ trích, buộc tội người khác.
[33] Xem phần trên (để tìm lại)
[34] Hết quyển 43.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.116.28.79 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.