Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Phật Bổn Hạnh Tập Kinh [佛本行集經] »» Bản Việt dịch quyển số 60 »»

Phật Bổn Hạnh Tập Kinh [佛本行集經] »» Bản Việt dịch quyển số 60

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.43 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.54 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Phật Bản Hạnh Tập

Kinh này có 60 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 49 | 50 | 51 | 52 | 53 | 54 | 55 | 56 | 57 | 58 | 59 | Quyển cuối
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Phẩm 59: MA-NI-LÂU-ĐÀ
(Phần 2)

Bấy giờ Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Này các thầy, tên ăn trộm thêm dầu ngọn đèn trước tháp Bích-chi-phật thuở ấy là ai? Chớ nên nghĩ gì khác, đó là Tỳ-kheo Ma-ni-lâu-đà này.
Ma-ni-lâu-đà thuở xưa là cư sĩ Đại Tài, kiếp sau lại làm tên ăn trộm, vì nhân duyên thêm dầu vào đèn tháp thờ Bích-chi-phật, với tâm thanh tịnh, phát nguyện: “Nguyện đời vị lai ta không rơi vào các đường ác, thường sinh trong cõi trời và người.” Nhờ nghiệp báo đó, sinh ra đời chưa từng ở trong cõi ác, thường được an lạc ở cõi trời người.
Lúc đó, vị ấy có nguyện: “Vào đời vị lai ta thường gặp Đức Thế Tôn như vậy hay hơn thế nữa. Bao nhiêu giáo pháp của Ngài nói ra, tôi nguyện mau tỏ ngộ” Do nghiệp đó nên ngày nay được gặp Ta và xuất gia, thọ giới Cụ túc.
Lại thuở ấy phát nguyện: “Trong hàng đệ tử chứng Thiên nhãn của Thế Tôn ấy, ta là người đệ nhất.” Do nghiệp báo này nên ngày nay, trong hàng đệ tử Thanh văn của Ta chứng Thiên nhãn thì Ma-ni-lâu-đà là người đứng đầu.
Này các Tỳ-kheo, Ma-ni-lâu-đà ngày xưa do trồng các thiện căn như vậy nên nhờ phước báo đó ngày nay được xuất gia thọ giới Cụ túc, chứng quả A-la-hán. Này các Tỳ-kheo, Ta lại ghi nhận: ‘Trong hàng đệ tử Thanh văn của Ta chứng Thiên nhãn thì Ma-ni-lâu-đà là người đứng đầu.”
Một thời, Đức Thế Tôn ngự tại vườn Nai, là chỗ ở của các cựu Tiên nhân, thuộc thành Ba-la-nại. Gặp lúc trời đang mưa, Trưởng lão A-nan đến đảnh lễ dưới chân Thế Tôn, rồi đứng lui về một bên, bạch:
-Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay trời mưa không đi khất thực được, nên làm cách gì để các Tỳ-kheo đỡ đói qua một ngày một đêm?
Đức Phật bảo A-nan:
-Thầy khỏi phải lo. Tỳ-kheo Ma-ni-lâu-đà hiện có phước lực rất lớn, hôm nay, Tỳ-kheo ấy có thể làm cho chúng Tăng khỏi đói qua một ngày một đêm.
Khi ấy Trưởng lão Ma-ni-lâu-đà đến đảnh lễ Đức Phật, rồi đứng lui về một bên, bạch Phật:
-Bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài nhận lễ mọn cúng dường của con. Nếu Ngài nhận lấy thức ăn của con thì có thể khiến đại chúng khỏi đói qua được một ngày một đêm.
Đức Thế Tôn im lặng nhận lời.
Vào sớm mai hôm ấy, Trưởng lão Ma-ni-lâu-đà đắp y, mang bình bát đi đến thành Ba-la-nại, khi vừa vào thành chưa đi khất thực, lại cũng không gặp người quen cựu thân tình nào. Bỗng nhiên, lúc ấy có năm trăm bồn đựng đầy thức ăn hiện trước mặt Trưởng lão. Trưởng lão Ma-ni-lâu-đà liền đưa năm trăm bồn thực phẩm về vườn Nai, sắp đặt trước các chỗ ngồi, trần thiết xong rồi, đi đến thỉnh Phật:
-Bạch Đức Thế Tôn, giờ ăn đã đến, thức ăn đã xong, cúi xin Ngài quang lâm thọ trai.
Khi ấy mặt trời còn ở phía Đông, Đức Thế Tôn mặc y mang bát cùng các Tỳ-kheo đồng đi đến trai đường, thấy thức ăn đã dọn sẵn, theo thứ lớp mà an tọa.
Trưởng lão Ma-ni-lâu-đà thấy Thế Tôn và đại chúng theo thứ lớp an tọa xong, tuần tự bưng năm trăm bồn thức ăn, trước dâng cho Đức Phật, sau dâng cho đại chúng. Đức Phật và đại chúng ăn xong rồi, sau đó Ma-ni-lâu-đà mới ăn. Sau khi ăn rồi, Trưởng lão cùng các Tỳ-kheo đồng đến giảng đường, trải tòa mà ngồi.
Khi Trưởng lão Ma-ni-lâu-đà ngồi xong, bạch các Tỳ-kheo: -Thưa chư vị Trưởng lão, thật hiếm có! Thật hiếm có! Chưa từng thấy việc như vậy. Có phước báo rất lớn, công đức rất lớn, oai đức rất lớn như vậy là do đâu?
Thưa chư Trưởng lão, tôi nhớ thuở quá khứ lâu xa, tại thành Ba-la-nại này có một người bần cùng, không có của cải kho chứa. Nơi thành này có một vị Bích-chi-phật tên là Ba-tư-tra. Thành ấy lúc đó gặp thời kỳ lúa gạo rất quý, phần nhiều dân chúng đói khát, thiếu hụt. Trong thành ngoài thành có nhiều người chết đói, xương trắng ngổn ngang khắp nơi. Lúc ấy các vị xuất gia không thể khất thực được. Do bị đói khát bức xúc nên họ không thể tu tập.
Hôm nọ, mặt trời còn ở phương Đông, vị Bích-chi-phật Ba-tư-tra đắp y, mang bình bát, vào thành Ba-la-nại theo thứ lớp khất thực, qua khắp các nhà trong thành mà không khất thực được, trở ra khỏi thành mà bát vẫn không có gì.
Bấy giờ tôi thấy Tôn giả Bích-chi-phật Ba-tư-tra, liền đến bên Ngài thưa: “Lành thay! Thưa Đại tiên, nơi đây Ngài có khất thực được không?”
Tôn giả trả lời: “Thưa nhân giả, hôm nay tôi không khất thực được.”
Bấy giờ tôi lại bạch: “Thưa Tôn giả, nếu như vậy, xin ngài đến nhà con, hiện giờ trong nhà con có một phần cơm nấu bằng lúa ty.”
Tôi liền mời Tôn giả Bích-chi-phật về nhà rồi vào nhà lấy cơm ty dâng cúng cho Ngài. Khi vị Bích-chi-phật nhận sự cúng dường rồi tùy ý ra về. Bấy giờ tôi ra khỏi thành để kiếm củi. Nơi tôi kiếm củi cách rừng tha ma chẳng bao xa. Trong khi lấy củi, nơi bãi tha ma có một bộ xương trắng, bỗng nhiên đứng dậy, đi đến ôm lấy cổ tôi. Tôi cố gắng hết sức gỡ bộ xương, mãi đến chiều tối mà không được. Khi mặt trời sắp lặn, tôi đành mang bộ xương vào thành. Dân chúng thấy vậy nên họ bảo tôi: “Quái lạ! Người này mang xương người chết vào thành làm gì?”
Tôi đáp: “Này các anh, tôi nay cố gắng hết sức gỡ bộ xương mà rốt cuộc không được. Nếu các anh có khả năng, xin gỡ dùm tôi.”
Khi ấy các người này xúm nhau nắm lấy bộ xương dùng hết sức hy vọng sẽ gỡ được, nhưng cũng không ra.
Bấy giờ, tôi lần lần vào trong nhà với ý định sẽ gỡ được xương trắng tử thi. Ngay lúc đó, xương trắng đều biến thành vàng, tự nhiên rơi xuống đất. Tôi thầm nghĩ: “Riêng ta không nên dùng vàng này.” Nghĩ vậy rồi, tôi liền đi đến vua Phạm Đức tâu: “Đại vương biết cho, ngày nay chỗ đất nhà hạ thần có kho vàng, xin nhà vua thâu nhận sung vào của báu nhà vua.”
Vua Phạm Đức đòi các quan tả hữu đến phán: “Các khanh phải đi theo người này và người này sẽ chỉ cho kho vàng. Các khanh phải nhận lấy đem về đây.”
Khi ấy quan tả hữu nhận sắc lệnh nhà vua, lập tức họ theo tôi về nhà. Tôi liền chỉ vàng cho sứ giả. Sứ giả lại thấy toàn xương trắng người chết. Họ thấy vậy, nói với tôi: “Quái lạ! Này người ngu si, ông có phải là kẻ điên cuồng không? Cớ gì cho xương trắng của người chết là vàng?” Sứ giả trở về tâu đầy đủ sự việc lên nhà vua.
Vào một lúc sau, tôi lại đến tâu nhà vua: “Đại vương phải biết, hạ thần được kho vàng, sự thật không có nói dối. Cúi xin Đại vương sớm thâu nhận.”
Lúc ấy, vua Phạm Đức đích thân đến nhà tôi để quán sát kho vàng thì lúc ấy vàng cũng biến thành xương trắng như trước. Nhà vua lại bảo tôi: “Quái lạ! Này kẻ ngu si, ông mắc bệnh điên chăng? Cớ gì ông cho xương trắng là vàng?”
Tôi lại thưa vua Phạm Đức: “Đại vương phải biết, đây là vàng thật, không phải là xương người chết."
Tôi nói vậy đến hai lần, rồi lúc ấy tay tôi cầm vàng phát lời thề: “Nếu vàng quý này vì ta đến đây là do phước báo thiện nghiệp, xin cho vua Phạm Đức cũng thấy như vậy.” Phát lời thề rồi, thì nhà vua liền thấy xương người chết biến thành vàng, như tôi thấy vàng quý không khác.
Đại vương Phạm Đức liền nói với tôi: “Lành thay! Này nhân giả, người do tạo phước nghiệp gì? Hay đã thờ vị thần nào? Hay là cúng dường cho vị Thiên thần nào? Hay đã cúng dường vị Tiên nhân nào mà có thể cho người toại nguyện như vậy?”
Bấy giờ tôi thưa vua Phạm Đức: “Đại vương biết cho, hạ thần đã từng cúng dường thức ăn cho một vị Tiên nhân, chắc có lẽ do thần lực của vị Tiên nhân này khiến ngày nay hạ thần được phước báo như thế.”
Vua Phạm Đức lại nói với tôi: “Nhân giả đã tạo thiện nghiệp như vậy nên ngày nay được phước báo này. Đây là phước báo của nhân giả, người khác không thể đoạt được. Nhân giả không nên phân vân, tùy ý sử dụng.”
Thưa chư vị Trưởng lão, thuở ấy, tôi nhờ cúng dường vị Bích-chi-phật một bữa ăn nên trong đời ấy được phước báo nhu cầu của cải tùy ý được đầy đủ.
Do cúng dường một bữa ăn mà bảy lần sinh lên cõi trời Ba mươi ba. Nơi đây, tôi thọ phước báo làm vua Đế Thích. Sau đó, tôi sinh trong nhân gian làm vị Quốc vương và sau lại làm Chuyển luân thánh vương trị vì bốn châu thiên hạ, làm chủ thế giới, hộ trì thế gian, đầy đủ bảy báu, cho đến chinh phục giặc thù, y như pháp trị hóa muôn dân.
Do phước báo cúng dường một bữa ăn, sau khi qua đời, tôi sinh lên trời, rồi từ trời giáng xuống nhân gian, từ nhân gian qua đời lại sinh lên trời. Cứ như vậy, tôi lưu chuyển lên xuống, không sinh vào các cõi khổ khác. Chỗ tôi sinh ra, cung điện đều được tốt đẹp vô cùng. Nếu tôi sinh trong nhân gian thì sinh trong nhà hào quý, của cải dẫy đầy, cho đến tất cả nhu cầu không thiếu hụt. Nếu tôi sinh làm chư Thiên, thì thân hưởng thọ nhiều khoái lạc, sinh xuống nhân gian cũng như vậy.
Do nhân duyên cúng dường một bữa ăn nên nay tôi được phước báo sinh trong nhà họ Thích. Ngày sinh nhật của tôi, chư Thiên giáng hạ, đem năm trăm y phục trời quý báu đắp trên thân tôi. Dưới đất lại có năm trăm kho tàng tự nhiên xuất hiện... đều do quả báo của sự cúng dường một bữa ăn. Vì tôi mà cha mẹ tôi đã cho xây ba cung điện, tòa thứ nhất nghỉ vào mùa hạ, tòa thứ hai nghỉ vào mùa đông và tòa thứ ba nghỉ vào mùa xuân thu.
Do nhân duyên cúng dường một bữa ăn, ngày nay tôi được phước báo sinh trong nhà họ Thích. Các kho lúa gạo trong nhà tôi lúc bấy giờ dần dần mỗi ngày thêm tràn ngập. Các thứ ngọc chân châu, lưu ly, san hô, hổ phách, vàng, bạc... vô lượng trân bảo, người và vật, không có gì thiếu hụt.
Lại do nhân duyên cúng dường một bữa ăn thuở ấy, ngày nay được phước báo. Một hôm, tôi ở hoa viên, mẹ tôi muốn thử tôi nên bày biện các bát dĩa không trên mâm, rồi dùng khăn phủ kín, sai người bưng đến cho tôi. Trên đường đi, chư Thiên đem các thức ăn uống rất thơm ngon, đầy đủ chất bổ dưỡng đặt đầy trong bát.
Lại cũng do sức phước báo cúng dường đó, một hôm tôi theo cha tôi kiểm tra công việc đồng áng. Khi ấy tôi khát nước, đi đến dòng suối múc nước, sắp uống thì nước ấy biến thành cam lộ diệu vị của chư Thiên.
Lại do nhân duyên cúng dường bữa ăn đó, nay phước báo thành thục, đi vào thành Ba-la-nại, chưa từng quen biết một ai, tự nhiên có năm trăm bồn thức ăn hiện đến trước mặt. Tôi nhận lãnh thức ăn này và mang về tòng lâm, thỉnh Đức Phật và chư Tăng cúng dường, làm cho Đức Phật và đại chúng đều được no nê.
Nhờ phước báo cúng dường một bữa ăn, ngày nay đối với bốn sự nhu cầu tôi không thiếu hụt. Phước báo do nhân duyên cúng dường bữa ăn, đối với dục lạc ở đời tôi cũng không thiếu. Nay xuất gia, đối với niềm vui xuất gia tôi cũng đều đầy đủ.
Lại do phước báo cúng dường một bữa ăn, nay đoạn sinh tử, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không thọ thân đời sau, đạt đến chỗ vô úy, ngay trong đời này, chứng nhập Niết-bàn. Sau khi vào Niết-bàn rồi, tự nhiên chứng biết, không còn khổ vui.
Thưa chư Trưởng lão, thuở ấy tôi không biết vị tiên ấy là Tôn giả Bích-chi-phật. Nếu tôi biết Bích-chi-phật một cách rõ ràng, thì ngay khi ấy tôi cầu quả thù thắng, cầu đại uy đức, sẽ cầu quả vô thượng quảng đại.
Trưởng lão Ma-ni-lâu-đà tóm tắt sự việc trên qua bài kệ:
Tôi tự suy nghĩ nhớ thuở xưa
Đang sống tại thành Ba-la-nại
Làm nghề bán củi sống qua ngày
Gặp được Tôn giả Bà-tư-tra
Thấy rồi cúng dường một bữa ăn
Nên sinh họ Thích nhà hào quý.
Ma-ni-lâu-đà tức tên tôi
Ca hát, vũ thuật đều tài giỏi
Đánh phách, phúng tụng và ca ngâm
Cho đến tất cả các kỹ thuật.
Tôi nay tự biết đời quá khứ
Cho đến thuở trước sinh ở đâu
Sinh lên cõi trời ba mươi ba
Lên xuống nơi đây đến bảy lần.
Nơi đây có lần làm Đế Thích
Sống trong cung trời rất tự tại
Tất cả đều theo lệnh của tôi
Như vậy trị hóa hàng thiên chúng.
Làm vua nhân gian đến bảy lần
Làm lễ quán đảnh lên ngôi vua
Quyền lực sức mạnh thu phục người
Không dùng vũ lực cùng binh khí
Như pháp trị hóa khắp mặt đất
Có nhiều trân bảo số vô lượng,
Quốc độ của tôi đều giàu có
Sinh ra trong nhà đại cự phú
Của cải tăng thêm không kể xiết
Đối với mọi người, tôi bậc nhất,
Ngũ dục thế gian đều đầy đủ
Ngọc quý bảy báu không thiếu gì
Đều do tôi tạo nghiệp như vậy.
Chưa từng sinh vào ba đường ác
Nay thuộc họ Thích được xuất gia
Được pháp cam lộ ba giải thoát.
Tôi lại nhờ đâu được xuất gia?
Xả bỏ gia nghiệp đến nơi đây
Chính vì tôi được lợi ích ấy
Nên đến đền đáp ân Đức Phật.
Thế Tôn biết tôi đã thuần thục
Vì tôi diễn thuyết pháp vô thường
Nếu tôi nghĩ đến thân huyễn hóa
Phật dùng thần thông đến chỗ tôi.
Tâm tôi nếu có điều nghi hoặc
Như vậy thật giải nghi cho tôi
Pháp Phật nói ra không phân biệt.
Nói pháp vì tôi không phân biệt
Tôi nay nghe được lời chân thật
Yêu thích chánh pháp mà thọ trì
Như vậy liền được ba giải thoát
Tức là kính đền ân chư Phật.
Tôi chẳng muốn mạng sống chấm dứt
Cũng không muốn tuổi thọ kéo dài
Tuổi thọ của tôi đến lúc hết
Chánh niệm tư duy xả thọ mạng.
Tôi biết sinh tử đời vị lai
Chúng sinh qua lại tôi cũng biết
Đã biết nơi đây qua đời rồi
Cũng biết chỗ đến của chúng sinh
Thành Tỳ-xá-ly nơi rừng Trúc
Tôi ở Trúc lâm xả thọ mạng
Ở trong rừng ấy, nơi rậm rạp
Xả thân hữu lậu vào Niết-bàn.
Bấy giờ Đức Thế Tôn với Thiên nhĩ thanh tịnh hơn loài người, nghe Trưởng lão Ma-ni-iâu-đà nói nhân duyên tạo nghiệp trong quá khứ, nên ngày nay được phước báo như vậy, rồi lại dùng diệu kệ mà trình bày. Nghe như vậy rồi, Ngài hân hoan ca ngợi.
Phẩm 60: NHÂN DUYÊN CỦA A-NAN
Một hôm, các vị Đại đức phạm hạnh thỉnh Trưởng lão A-nan làm thị giả cho Đức Phật. Từ ấy về sau, Trưởng lão A-nan đem hết tâm lực của mình làm vừa ý Như Lai. Những gì Như Lai nói ra, Trưởng lão đều ghi nhớ. Những việc thế gian hay xuất thế gian, khi được nghe Đức Phật nói ra, Trưởng lão đều ghi nhớ vào lòng không quên. Nếu có ai đến hỏi chỗ nghi ngờ, cũng đều giải thích, khiến tâm họ được hoan hỷ.
Do vậy, Đức Thế Tôn họp chúng, tuyên bố với các Tỳ-kheo:
-Này các Tỳ-kheo, trong số thị giả hàng Thanh văn đệ tử của Ta, người có Trí tuệ đa văn, đó là Tỳ-kheo A-nan này vậy.
Khi ấy các Tỳ-kheo bạch Phật:
-Bạch Đức Thế Tôn, Trưởng lão A-nan ở trong quá khứ đã trồng thiện căn gì, mà nay nhờ thiện căn đó được sinh trong nhà đại hào tộc họ Thích, rất nhiều của cải, có nhiều thế lực, cho đến tất cả nhu cầu không thiếu một thứ gì? Do thiện nghiệp gì ngày nay được xuất gia thọ giới Cụ túc, được các Thánh pháp, khi nghe Thế Tôn nói những pháp thế gian hoặc xuất thế gian, nhớ mãi không quên? Có ai đến hỏi chỗ nghi ngờ, Trưởng lão cũng giải đáp khiến tâm họ được hoan hỷ. Được Thế Tôn ghi nhận: “Này các Tỳ-kheo, các thầy phải biết, trong hàng đệ tử Thanh văn của Ta, người có trí tuệ đa văn nhớ mãi không quên đệ nhất, đó là Tỳ-kheo A-nan này vậy.
Nghe các Tỳ-kheo hỏi như vậy, Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Ta nhớ trong thời quá khứ xa xưa, cũng nơi thành Ba-la-nại này, có vị vua trị vì tên Phạm Đức. Nhà vua có hai vương tử, người thứ nhất tên Hỷ Căn, người thứ hai tên Bà-nô (nhà Tùy dịch là Nguyệt).
Trong hai người này, Hỷ Căn là vương tử lớn, bản tánh hiền lành điềm đạm, chất trực nhu hòa, từ tâm quảng đại, biết sợ tội lỗi, xa lìa ái dục. Vương tử Hỷ Căn thấy cảnh phép vua trị tội trong thành, quan lại gây khổ não giết hại, nhiều cảnh trói buộc giam cầm như gông cùm, xiềng xích, nhà giam, hầm nhốt rất kiên cố, chặt đứt tay chân, xẻo tai, xẻo mũi, móc mắt... Vương tử thấy vậy liền suy nghĩ: “Khi phụ vương ta trăm tuổi, băng hà rồi, ta làm sao trị vì? Ta biết dùng vương vị như thế này để làm việc gì? Thân mạng ta cũng không biết dùng làm việc gì? Vì sao vậy? Ta đã thấy tất cả chúng sinh bị bao nhiêu khổ não bức xúc thân thể. Như vậy ngày nay tốt nhất là xuất gia tu đạo.” Nghĩ như vậy rồi, chàng đi đến thưa với phụ vương và mẫu hậu: “Kính thưa cha mẹ, con muốn xả tục xuất gia học đạo.”
Bấy giờ phụ vương và mẫu hậu nói với vương tử: “Con là đứa con yêu dấu của cha mẹ, tâm ý cha mẹ luôn luôn nghĩ đến con, mắt nhìn hoài không biết chán. Cha mẹ thà chịu chết chứ không thể xa con, hễ cha mẹ còn sống ngày nào thì nhất định không cho con xuất gia.” Nói lời như vậy đôi ba lần, vương tử Hỷ Căn thưa phụ vương và mẫu hậu: “Kính thưa cha mẹ biết cho, ngày nay con quyết định xuất gia. Cúi xin cha mẹ thương xót cho phép.”
Vương tử luôn thưa phụ vương và mẫu hậu lời như vậy nên phụ vương và mẫu hậu cho phép vương tử xuất gia và bảo vương tử: “Con là con của ta, hãy làm theo ý muốn của con.”
Bấy giờ vương tử Hỷ Căn được phụ vương và mẫu hậu cho phép được xuất gia.
Vào một ngày kia, vương tử Hỷ Căn sau khi đã xả tục xuất gia, cạo bỏ râu tóc, tuần tự tu tập thành bậc Duyên giác, đầy đủ các pháp thần thông biến hóa, phóng quang, phun nước, xoay chuyển mặt trời, chấn động đại địa, nổi mây, phát mưa... mọi việc biến hóa một cách tự tại.
Vị Bích-chi-phật suy nghĩ: “Ta vì việc gì mà xuất gia? Sự việc như vậy, ta đã làm hoàn tất, đã được tự lợi, bổn phận đã xong. Ta nên thương xót cha mẹ và quyến thuộc cùng các chúng sinh, mà trở về hoàng cung, làm ruộng phước cho họ.” Bấy giờ Tôn giả Bích-chi-phật Hỷ Căn đi dần về thành Ba-la-nại. Khi đến nơi, Bích-chi-phật dừng chân nơi rừng A-la, trong thành của phụ vương Phạm Đức.
Khi ấy vua Phạm Đức nghe nói: “Đồng tử Hỷ Căn đã thành Tiên nhân, đang về nơi đây, hiện ở trong thành.” Nên suy nghĩ: “Vậy ta nên đến gặp Hỷ Căn, hỏi thăm an ủi.” Lúc ấy vua Phạm Đức dùng oai thế của mình, trang nghiêm oai phong với bốn binh chủng hộ vệ đưa ra khỏi thành, để thể hiện thần đức của mình.
Bấy giờ Tôn giả Bích-chi-phật Hỷ Căn từ xa trông thấy phụ vương đến, thầm nghĩ: “Những người này và vua Phạm Đức... có oai quyền thế lực rất lớn, nên họ ngã mạn cống cao. Nếu ở trước vua Phạm Đức... ta thủ lễ thì nhất định họ không cung kính ta.”
Nghĩ như vậy rồi, Bích-chi-phật bay vọt lên hư không hiện các phép thần thông biến hóa như nằm, ngồi, đi kinh hành, nửa thân bốc khói, nửa thân phun lửa, nửa thân phía trên phun lửa, nửa thân phía dưới phun nước...
Khi ấy Đại vương Phạm Đức cùng bá quan quần thần thấy Tôn giả đại thánh Bích-chi-phật bay vọt lên hư không thị hiện các thần thông biến hóa. Nhà vua thấy vậy, lại nghĩ: “Đồng tử của ta xả bỏ vương vị đi xuất gia, nay đã thành đại tiên, có đại oai đức, có đại thần thông” nên hết sức vui mừng hớn hở tràn ngập toàn thân, không thể tự chế. Nhà vua đi đến chỗ ngồi của Bích-chi-phật. Khi nhà vua gần đến nơi'thì Bích-chi-phật từ hư không từ từ hạ xuống. Nhà vua đến nơi, hoan hỷ cung kính lễ bái, vừa lúc Bích-chi-phật hạ xuống, ngồi trên tòa cũ.
Khi ấy vua Phạm Đức đảnh lễ dưới chân Bích-chi-phật rồi đứng lui về một bên. Bấy giờ Bích-chi-phật thuyết một ít diệu pháp, khiến nhà vua vô cùng vui mừng hớn hở, thể hiện an lành.
Khi vua được nghe Bích-chi-phật thuyết pháp, vui mừng hớn hở, thưa: “Lành thay! Thưa Đại tiên, xin nhận lời mời của tôi, Tiên nhân ở luôn trong cung, tôi sẽ vì Tôn giả tạo cảnh chùa và nhà kinh hành, cung cấp bốn sự cúng dường. Tôn giả muốn gì, tôi đều cung ứng đầy đủ. Nếu Tôn giả vì thương xót chúng sinh nơi thôn xóm, thành ấp muốn đi khất thực thì Tôn giả tự do đi, tôi không cản trở.”
Tôn giả Bích-chi-phật im lặng nhận lời mời của phụ vương. Khi ấy nhà vua thấy Tôn giả Bích-chi-phật Hỷ Căn im lặng nhận lời mời, nên vội vã sắm sửa các thứ cúng dường: nhà kinh hành, bốn sự cúng dường... tất cả được sắm sửa bài trí xong. Còn bao nhiêu nhu cầu khác đều được cung cấp đầy đủ.
Một hôm, Bích-chi-phật vì thương xót chúng sinh, đi vào thành khất thực. Vào lúc Bích-chi-phật vào thành khất thực, vương tử Bà-nô đi đến chỗ Tiên nhân Bích-chi-phật Hỷ Căn phụng sự cúng dường. Những điều nghi ngờ trong tâm vị ấy thường đến hỏi Bích-chi-phật. Bích-chi-phật bị vương tử Bà-nô hỏi thì im lặng không đáp, chỉ nơi các ngón tay phóng ra lửa sáng. Bấy giờ vương tử Bà-nô thầm nghĩ: “Bích-chi-phật này có đại thần thông mà không có biện tài.”
Bích-chi-phật Hỷ Căn nói với vương tử Bà-nô: “Này vương tử, vương tử nên xuất gia. Nếu ngày nay vương tử không chịu xuất gia, ta biết chắc chắn sau khi chết vương tử sẽ rơi vào đường ác. Nếu vương tử xuất gia, thì ta cũng biết vương tử thành bậc Đại tiên có đại thần thông.”
Bấy giờ vương tử Bà-nô về thưa với phụ vương và mẫu hậu: “Lành thay! Thưa cha mẹ, Tiên nhân Hỷ Căn nay đã xuất gia. Ý con ngày nay cũng muốn xuất gia. Cúi xin cha mẹ thương xót cho con toại ý-”
Nhà vua và hoàng hậu không cho phép, nhưng vương tử Bà-nô vẫn thường luôn đến chỗ Tiên nhân Hỷ Căn thờ phụng cúng dường. Bích-chi-phật cũng lại thường nói với vương tử Bà-nô:
-Vương tử phải xuất gia...
Vương tử Bà-nô đáp lời Bích-chi-phật: “Phụ vương và mẫu hậu ngày nay nhất định không cho em xuất gia. Việc ấy phải làm thế nao?”
Bấy giờ Tiên nhân Bích-chi-phật thấy trên mặt vương tử Bà-nô hiện tử tướng, chắc chắn bảy ngày nữa sẽ chết, nên Tiên nhân bảo vương tử: “Này vương tử Bà-nô, đến đây! Vương tử nhất định phải xuất gia. Vì lý do gì? Vì tướng chết của vương tử đã hiện, trong bảy ngày nữa vương tử sẽ qua đời.”
Vương tử Bà-nô trở về thưa cha mẹ: “Kính bạch phụ vương và mẫu hậu, cúi xin song thân cho con xả tục xuất gia.”
Lúc ấy Tôn giả Bích-chi-phật Hỷ Căn cũng đến thưa cha mẹ. “Bạch phụ vương cùng mẫu hậu, cha mẹ phải cho em xuất gia. Vì sao? Vì em Bà-nô đã xuất hiện tử tướng, trong vòng bảy ngày nữa sẽ qua đời. Vì nhân duyên này, cha mẹ nhất định sẽ biệt ly em con. Vì vậy, thà cho em đi xuất gia, chết trong pháp xuất gia, chớ nên để ở nhà.”
Phụ vương và mẫu hậu nói: “Nếu nhất định trong bảy ngày nữa vương tử Bà-nô sẽ chết, vĩnh biệt chúng ta, nên chúng ta phải cho xuất gia.”
Ngay lúc ấy vương tử Bà-nô liền cạo bỏ râu tóc, đắp ca-sa, thành người xuất gia. Ở trong bảy ngày cung kính phụng thờ Bích- chi-phật. Vị Bích-chi-phật dạy cho Bà-nô các pháp oai nghi. Mãn ngày thứ sáu, sang đến ngày thứ bảy, Bích-chi-phật biết Bà-nô nhất định phải chết. Do vì thương xót nên Bích-chi-phật rời khỏi tòa, bay vụt lên hư không, thể hiện các thần thông đi kinh hành, nằm, ngồi, phun khói, phun lửa, ẩn thân không hiện... Tiên nhân Bà-nô thấy Bích-chi-phật Hỷ Căn ở trong hư không biến hóa các thần thông như vậy. Thấy vậy Bà-nô rất vui mừng hớn hở tràn ngập toàn thân, khổng thể tự chế, chắp tay hướng về Bích-chi-phật đảnh lễ; đảnh lễ rồi, phát nguyện: “Tôi nguyện đời vị lai thường được gặp vị Thánh nhân Bích-chi-phật như thế này, hay hơn thế nữa. Bao nhiêu giáo pháp của Ngài nói ra, tôi nguyện nghe rồi đều được thông suốt’.
Lại nguyện: “Tôi được làm thị giả hầu hạ cúng dường Thánh nhân ấy.”
Lại nguyện: “Ở đời vị lai tôi được các thần thông, bao nhiêu oai lực đều như Bích-chi-phật này. Nếu có ai đến hỏi tôi nghĩa lý các pháp, tôi đều vì họ giải thích, khiến họ được hoan hỷ.”
Lại nguyện: “Đời đời kiếp kiếp không rơi vào các đường ác.”
Bấy giờ Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Này các thầy, nếu ai có tâm nghi ngờ vương tử Bà-nô ở trong bảy ngày thọ pháp và cung kính cúng dường Bích-chi-phật thuở ấy là người nào thì chớ nên nghĩ gì khác, tức là Tỳ-kheo A-nan này vậy.
Vương tử Bà-nô thuở ấy do tâm hoan hỷ cúng dường Bích-chi- phật Hỷ Căn nên nay được phước báo sinh trong nhà họ Thích.
Lại đối với Bích-chi-phật phát nguyện: “Tôi nguyện đời đời kiếp kiếp không đọa vào các cõi ác”, do phước báo ấy nên chưa từng rơi vào các cõi ác, chỉ lưu chuyển sinh lên trời và nhân gian, hưởng khoái lạc tuyệt diệu.
Lại thuở ấy nhờ phát nguyện: “Nguyện đời vị lai gặp bậc Thánh nhân giáo thọ sư như thế này, hoặc hơn thế nữa, những giáo pháp của Thánh nhân nói ra, tôi nguyện nghe qua một lần liền được thông suốt.” Do vì nghiệp báo này nên ngày nay gặp Ta là Vị Giáo Sư, lại ở bên Ta được xuất gia thọ giới Cụ túc, chứng được Thánh pháp.
Lại thuở ấy phát nguyện: “Tôi nguyện ở đời vị lai gặp được vị giáo sư như vậy, tôi nguyện được làm thị giả cúng dường Thánh giả.” Nhờ phước báo của nghiệp duyên này, nên nay làm thị giả cung kính cúng dường Ta.
Lại thuở ấy phát nguyện thế này: “Tôi nguyện ở đời vị lai được đại thần thông, có đại oai lực.” Nhờ phước báo nghiệp nhân này nên ngày nay thành bậc Đại thánh, có đại oai lực.
Lại thuở ấy phát nguyện thế này: “Nếu đời vị lai có ai đến hỏi những điều nghi ngờ, tôi sẽ vì họ giải thích, phân tích rõ ràng, khiến tâm họ được hoan hỷ.” Nhờ phước báo nghiệp nhân đó, nên ngày nay nếu có ai đến hỏi điều nghi ngờ, thì vì họ giải thích, khiến họ được hoan hỷ.
Bấy giờ Đức Phật lại bảo các Tỳ-kheo:
-Này các thầy, Ta nhớ thuở quá khứ lâu xa, tại thành Ba-la-nại này, có một vị đại phú trưởng giả tên là Tăng-tát-đà-na (nhà Tùy dịch là Vương An). Vị trưởng giả này rất nhiều của cải, gia nghiệp vĩ đại giống như cung điện Thiên vương Tỳ-sa-môn không khác. Trong nhà mỗi ngày thường có đến năm trăm Bích-chi-phật lui tới khất thực. Thuở ấy có một bình bát của một Bích-chi-phật đáy nhọn như hình vú bò, nên bình bát mỗi khi để lên cỏ hay trên tấm thảm, liền ngã, không thể đứng vững.
Trưởng giả Tăng-tát-đà-na có một cô con gái, hình dung đoan chánh dễ thương, đầy đủ đức tướng của nữ nhi. Cô nàng thấy bình bát của Bích-chi-phật để không vững, liền cởi chiếc vòng của mình dâng cho Bích-chi-phật, bạch: “Cáui xin Đại tiên nhận lấy chiếc vòng này, dùng lót đáy bát.”
Bấy giờ Tiên nhân vì thương xót cô ta, nên nhận lấy chiếc vòng dùng để lót đáy bát, nên bình bát không bị nghiêng ngã. Khi ấy cô gái thấy chiếc bát của Bích-chi-phật đứng yên trên chiếc vòng không bị nghiêng ngã, nên vui mừng hớn hở tràn ngập toàn thân không thể tự chế, nên phát nguyện: “Như bình bát của Tiên nhân đặt trên chiếc vòng này không ngã không nghiêng, thì ta nguyện ở đời vị lai, nếu nghe những pháp thế gian hay xuất thế gian của Thánh nhân nói ra, ta đều ghi nhớ hoàn toàn.”
Khi ấy Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Này các Tỳ-kheo, nếu có thầy nào nghi ngờ cô gái nhà trưởng giả thuở ấy nay là ai thì chớ nên có ý nghĩ gì khác, tức là Tỳ-kheo A-nan này vậy. Do thuở ấy hoan hỷ cởi chiếc vòng trên tay, dâng cho Tôn giả Bích-chi-phật để lót đáy bình bát, nhân đây phát nguyện: “Như Tiên nhân đặt bát trên chiếc vòng thì không ngã không nghiêng, ta nguyện ở đời vị lai, nếu nghe được bao nhiêu pháp thế gian hay xuất thế gian, tất cả đều ghi nhớ hoàn toàn không quên.” Do nghiệp nhân đó, nay được phước báo những gì nghe được không quên.
Lại một hôm nọ, mặt trời còn ở phương Đông, Trưởng lão A-nan đắp y mang bình bát, đi vào thành Xá-bà-đề khất thực. Khi đi khỏi khu lâm viên Kỳ-đà, cấp cô độc, nhưng chưa đến thành Xá-bà-đề, trên khoảng đường đi có một đại thọ tên là Thi-xa-ba, dưới tàng cây này có nhiều vị Bà-la-môn đang dừng nghỉ. Từ xa, trông thấy Trưởng lão A-nan sắp đi đến nơi, các Bà:la-môn ấy nói với nhau:
-Các người phải biết, vị Sa-môn em Cù-đàm này, trong hàng thông minh đa văn trí tuệ, thì người này là bậc nhất.
Họ nói lời như vậy rồi thì Tôn giả vừa đến nơi. Họ hỏi:
-Thưa Nhân giả, nay xin ngài quán sát cây Thi-xa-ba này có bao nhiêu lá?
Quán đại thọ rồi, Tôn giả A-nan bảo họ:
-Cành cây phía Đông tổng cộng gồm có chừng ấy trăm ngàn lá...
Lần lượt như vậy cho đến cành cây phía Nam, phía Tây, phía Bắc, Tôn giả đều nói:
-Tổng cộng gồm có chừng ấy trăm ngàn lá.
Nói như vậy rồi, Tôn giả bỏ đi. Sau khi Tôn giả A-nan đi rồi, các Bà-la-môn lặt cây ấy chừng trăm lá rồi giấu đi một nơi khác. Khi Tôn giả A-nan trở lại, các vị Bà-la-môn lại chận hỏi:
-Thưa Tôn giả A-nan, ngài đã trở lại. Xin ngài quán sát cây Thi-xa-ba có bao nhiêu lá?
Bấy giờ Tôn giả A-nan ngước xem cây rồi liền biết Bà-la-môn rút dấu chừng trăm lá, liền nói với họ:
-Cành phía Đông có chừng ấy trăm ngàn lá...
Như vậy cho đến cành phía Nam, cành phía Tây, cành phía Bắc cũng nói chừng ấy trăm ngàn lá. Tôn giả nói như vậy rồi liền bỏ đi.
Lúc bấy giờ các vị Bà-la-môn cho là việc ít có, chưa từng thấy. Họ nói với nhau:
-Vị Sa-môn này trí tuệ hết sức thông minh.
Các Bà-la-môn do vì nhân duyên này sinh tâm chánh tín. Đã có chánh tín rồi, sau đó chẳng bao lâu họ đều được xuất gia, thành A-la- hán.
Lúc bấy giờ có Trưởng lão Phân-na-bà-tố (nhà Tùy dịch là Phi Túc), Trưởng lão Cung-tỳ-la (nhà Tùy dịch là Giao Long), Trưởng lão Nan-đề-ca. Ba người này chỉ biết nguyên nhân mình xuất gia mà không biết nguyên do mình từ đâu sinh ra, cũng không biết các đời quá khứ tạo nghiệp gì. Họ hỏi kinh này đặt tên gì?
Đáp rằng:
-Các thầy thuộc bộ phái Ma-ha Tăng-kỳ gọi là Bổn Sự.
-Các thầy thuộc bộ phái Tát-bà-đa gọi là Đại Trang Nghiêm. -Các thầy thuộc bộ phái Ca-diếp-di gọi là Nhân Duyên Phật
Sinh.
-Các thầy thuộc bộ phái Đàm-vô-đức gọi là Bổn Hạnh Của Phật Thích-ca Mâu-ni.
-Các thầy thuộc bộ phái Ni-sa-tắc gọi là Căn Bổn Của Tạng Tỳ-ni.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 60 quyển »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Những tâm tình cô đơn


Sống thiền


Vào thiền


Kinh Đại Bát Niết-bàn - Tập 2

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 13.59.127.63 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập