"Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi."
Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phẩm 23: XA-NẶC VÀ NGỰA TRỞ VỀ CUNG
(Phần 3)
Khi ấy, Đại vương Tịnh Phạn lại khấn vái:
-Ngày nay tôi đem tâm cầu nguyện tất cả chư vị Thần vương Hộ thế ủng hộ chúng sinh ở bốn phương, nay sẽ vì Thái tử xin quý ngài thường tạo những điều lợi ích giúp đỡ.
Ngày nay tôi đem tâm cầu nguyện chúa trời Đế Thích ngàn mắt trên Thiên giới, là vị vua trời, phu quân của Xá-chỉ, có thế lực lớn được thiên dân bao quanh hầu hạ, xin quý ngài giúp cho Thái tử.
-Lại mong các vị thần gió, thần nước, thần lửa, thần đất ở bốn phương chính và bốn phương phụ nơi thế gian, xin các ngài giúp đỡ cho Thái tử.
Các ngài là bậc Trượng phu vô thượng siêu việt làm sao vất bỏ bốn đại thiên hạ. Con ta xuất gia lập chí cầu quả Thánh vô thượng cực diệu. Ta mong cầu đại nguyện của con ta chóng thành tựu quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, để ta sớm được chứng kiến.
Đại vương Tịnh Phạn nằm trên đất đem vô số lời quở trách con ngựa Kiền-trắc:
-Ngươi là con ngựa bất thiện, từ trước tới giờ ngươi đem lại cho ta nhiều điều an vui, nhưng nay vì lý do gì mà ngươi lại tạo những điều hết sức vô ích tổn hại đến dòng họ Thích của ta? Thái tử con ta thường yêu mến ngươi, đối với tâm ta cũng vậy, vì ngươi trước đây thường đem lại cho chúng ta những điều hoan hỷ, nhưng ngày nay ngươi làm những việc như vậy, là ngươi trở lại hủy diệt ngươi. Ngươi hãy đưa ta đến chỗ Thái tử đang ở, để ta cùng đứa con yêu dấu đồng tu khổ hạnh. Do vì ta ngày nay cách biệt Thái tử, thì thọ mạng ta chẳng bao lâu, đời sống ta chỉ trong chốc lát!
Rồi nhà vua nói kệ:
Ngựa Kiền-trắc, ngươi hãy mau lên
Đưa ta đi đến nơi Thái tử
Ta xa Thái tử mạng khó còn
Như người bệnh nặng không thuốc thang.
Nhà vua nói lời như vậy rồi, do lòng thương nhớ Thái tử nên đau khổ bức xúc, người nằm trên đất cắl tiếng khóc vang khổ não vô cùng, hoặc vừa chồm dậy lại liền ngã xuống ấm ức nghẹn ngào.
Lúc ấy có một vị đại thần thông minh trí tuệ cùng các Quốc sư, Bà-la-môn, thấy vua Tịnh Phạn lăn lộn trên đất, nghiêng bên tả ngã bên hữu, thân tâm lúc nào cũng rất ưu sầu áo não, buồn thảm khổ sở bức xúc không thôi. Họ muốn hóa giải tâm trạng u sầu này, cố làm ra vẻ không chút buồn rầu, đồng bạch Đại vương:
-Tâu Đại vương, ngày nay ngài nên xả bỏ sự ưu sầu khồ não, phải có nghị lực kiên cường, tâm ý bình tĩnh, chẳng nên ngã nhào chết giấc, giống như kẻ tầm thường khóc kể nước mắt ròng rã. Vì sao Đại vương không nên làm như vậy?
Tâu Đại vương, như trong quá khứ có nhiều vị vua đã từ bỏ vương vị như ném tràng hoa héo, mà vào thâm sơn tu khổ hạnh. Lại nữa, tâu Đại vương, Thái tử Tất-đạt-đa đã kết thiện duyên trong quá khứ nên ngày nay tiếp tục tu khổ hạnh để đạt quả Bồ-đề.
Tâu Đại vương, ngày nay, ngài nên nhớ lại lời Tiên nhân A-tư-đà năm trước. Tiên nhân thuở ấy tâu Đại vương: “Đồng tử này không thể lấy phước báo nhân thiên ràng buộc được và cũng không thể lấy ngôi Chuyển luân thánh vương mua chuộc người, hầu để mong người tham đắm dục lạc thế gian”.
Tâu Đại vương, ngày nay, nếu ngài quyết định kêu gọi Thái tử trở về, Đại vương chỉ ban sắc lệnh cho chúng tôi ra đi, Thái tử sẽ vâng theo vương lệnh, hoàn toàn không dám chống trái.
Đại vương liền bảo:
-Nếu hai khanh thấy như vậy là hợp lý, thì mau đến đó khuyên Thái tử trở về, còn nếu không được như vậy, thì thân mạng trẫm ngày nay thật bất an! Vì các khổ sở bức xúc.
Khi ấy đại thần và Quốc sư Bà-la-môn nhận sắc lệnh của vua Tịnh Phạn liền cùng nhau khởi hành để đi đến chỗ của Thái tử. Họ nói kệ:
Thái tử tu khổ hạnh như đây
Vua nhớ lời Tư-đà thuở trước
Ngôi Chuyển luân Thái tử chẳng ham
Đối ngũ dục nhân gian chẳng tưởng.
Đại thần và Quốc sư nói kệ rồi, hai người cùng nhau lên đường.
Đoạn nói về con ngựa Kiền-trắc, ngựa nghe đủ mọi lời quở trách thống thiết như trên, trong tâm hết sức ưu sầu buồn bã. Do tâm bị khổ não bức bách, không một chút an vui nên đưa đến bỏ mạng. Sau khi mạng chung thần thức sinh lên cõi trời Đao-lợi. Sau khi đã sinh lên cõi trời, biết Như lai đã thành đạo liền từ bỏ Thiên giới sinh xuống trần thế, làm con của một nhà Bà-la-môn đầy đủ sáu hạnh nơi thành Na-ba thuộc vùng Trung thổ Ấn độ. Qua thời gian đến tuổi trưởng thành, người con của nhà Bà-la-môn này đến đảnh lễ Đức Như Lai. Như Lai biết tiền thân người này trước làm thân ngựa, sau khi chết được sinh lên trời. Khi ấy Đức Thế Tôn liền nói cho vị ấy nghe được tiền duyên đời trước làm thân ngựa. Vị ấy nghe pháp rồi, dứt sạch các lậu, giải thoát chứng Niết-bàn. Phẩm 24: QUAN SÁT CÁC NGOẠI ĐẠO
Thuở ấy Thái tử tự cầm dao cắt búi tóc trên đầu, rồi cạo bỏ râu tóc, thân mặc áo ca-sa, liền khi ấy vô lượng trăm ngàn chư Thiên hết sức vui mừng tràn ngập châu thân không thể tự kiềm chế. Do trong tâm qua đỗi vui mừng đồng la lớn, hoặc ca vang, hoặc huýt gió, hoặc tung y phục, rồi miệng hô to:
-Thái tử Tất-đạt-đa ngày nay đã xuất gia! Thái tử Tất-đạt-đa ngày nay đã xuất gia! Nhất định Ngài sẽ chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ngài đã đủ tất cả yếu tố tinh thần của một chúng sinh, nhưng Ngài đã xả bỏ những yếu tố này, cho đến lẽ ra Ngài phải chịu những khổ não biệt ly như những chúng sinh khác, những thứ ràng buộc ấy nay Ngài đã giải thoát.
Nơi Bồ-tát cắt búi tóc, sau này dân chúng xây một ngôi tháp để kỷ niệm gọi là tháp cắt búi tóc.
Nơi Bồ-tát mặc chiếc ca-sa đầu tiên, sau này dân chúng xây một ngôi tháp gọi là tháp Thọ ca-sa.
Nơi Xa-nặc và ngựa Kiền-trắc từ biệt Thái tử trở về hoàng cung, sau này dân chứng xây tháp kỷ niệm đặt tên là tháp Xa-nặc và ngựa Kiền-trắc trở về cung.
Bồ-tát bước đi chậm rãi vẻ mặt đăm chiêu có ai đến hỏi Ngài, Ngài im lặng không đáp. Tất cả dân chúng nói với nhau: “Vị Tiên nhân này nhất định là con dòng họ Thích.” Nhân đây đặt tên cho Ngài là Thích-ca Mâu-ni.
Lúc ấy Bồ-tát tự tâm sinh ra suy nghĩ: “Ta nay đã sống cuộc đời như thế này rồi, đã xả bỏ cảnh vương vị quốc thành quyến thuộc, không có hối tiếc, việc xuất gia nay đã hoàn thành, là hiện tượng của tướng tịch diệt.” Nghĩ như vậy rồi, tâm Thái tử càng dũng mãnh. Rồi Thái tử từ thôn A-ni-di-ca lần lần hướng về thành Tỳ-da-ly, trên đường đi băng qua ngang chỗ ở của Vị Tiên nhân kỳ cựu tên là Bạt-già-bà (nhà Tùy dịch là Ngõa Sư). Khi Bồ-tát đến chỗ ở của vị Tiên nhân, khu rừng này tự nhiên bừng sáng. Bồ-tát đã cởi bỏ chiếc thiên y Ca-thi-ca và tất cả chuỗi anh lạc trang sức trên mình, chỉ do oai đức nơi tự thân Bồ-tát phát ra ánh sáng làm chói mắt tất cả Tiên nhân trong rừng. Có bài kệ nói:
Thiên y anh lạc Ngài đều bỏ
Chỉ mặc ca-sa pháp phục thường
Thân quang oai lực chiếu chư Tiên
Nào khác tượng vương sư tử bước.
Khi ấy, tất cả các Tiên nhân đang tu các hạnh như đi, đứng, nằm, ngồi, hoặc tay họ đang cầm đồ vật, họ tùy theo đó giữ lấy oai nghi, tất cả đồng hướng về trước mặt Bồ-tát, đem tâm cung kính ái mộ tôn trọng đảnh lễ; hoặc có Tiên nhân chiêm ngưỡng mà tâm còn sinh nghi. Nhưng những vị Tiên nhân kỳ cựu này, hoặc có vị đang nhặt lấy hoa quả, rễ cây dược thảo. Ngoài ra, các vị khác đi xa chưa về, mặc dầu họ chưa thấy Bồ-tát mà lòng họ không nghi, chỉ từ xa nghe tiếng Bồ-tát, sau khi nghe rồi lòng họ nao nao vội vã trở về chỗ ở trong rừng của mình, nên những điều đáng làm họ không làm, những vật đáng nhặt lấy họ không nhặt lấy, ngoài ra như bao nhiêu hoa quả, rễ cây dược thảo, dầu đã nhặt lấy rồi họ đều vất bỏ, trong tâm họ mong sao sớm trở về gặp được Bồ-tát.
Bao nhiêu loài chim trong rừng như hồng nhạn, ngỗng, vịt trời, anh võ, sáo sậu, uyên ương, mạng mạng, khổng tước và Ca-lăng-già, Câu-sí-la... khi thấy Bồ-tát tiến vào rừng, chúng đều cất tiếng hót thánh thót êm dịu.
Lại bao nhiêu loài trùng thú trong rừng, chúng nó đều không ăn cỏ uống nước, vui mừng hớn hở kéo đến trước mặt Bồ-tát.
Bấy giờ, trong rừng có các vị Bà-la-môn lo việc cúng tế, vắt sữa nơi các bò sữa, tuy các con bò này sắp hết sữa, nhưng vú nơi các con bò bỗng nhiên căng đầy tự nhiên tuôn chảy như lúc ban đầu. Họ nói với nhau: “Chúng ta đã từng nghe nói có tám vị trời Bà-sa-sa, người này phải chăng là một trong tám vị ấy.” Hoặc có người nói: “Các vị chủ trời sao Lâu, người này phải chăng là một trong hai vị ấy? Không biết lý do gì và từ đâu người đến khu rừng này? Ánh sáng tỏa khắp mọi nơi, giống như mặt trời xuất hiện ban mai chiếu khắp thế gian.”
Rồi họ nói kệ:
Tám Bà-sa phải chăng là một?
Hoặc Thiên tử trong hai sao Lâu?
Không phải vậy cớ sao bừng sáng?
Tợ vừng hồng tỏa khắp thế gian.
Lúc ấy các vị Bà-la-môn tu tập pháp tiên, tùy sản phẩm có sẵn trong rừng dùng làm vật cúng dường, đồng đem vật cúng dường này đến dâng trước mặt Bồ-tát, mọi người đều nhất tâm đảnh lễ dưới chân Bồ-tát, đồng thưa:
-May mắn thay! Thánh giả đến đây, chúng tôi muốn thỉnh Ngài ở lại. Nơi đây đầy đủ các thứ: rừng cây hoa quả, rễ lá dược thảo và dòng suối mát lạnh... Tùy mỗi thời tiết đủ cung cấp cho Ngài dùng sung mãn. Đây là chỗ ở của các vị Tiên nhân đời trước cầu đạo giải thoát, nơi đây vắng vẻ kinh hành tịch tĩnh dễ được an tâm.
Bồ-tát với giọng nói ngọt ngào êm dịu, từng chữ, từng câu rõ ràng dễ hiểu, âm thanh rền vang như tiếng sấm, mỗi Tiên nhân đều nhận được lời thăm hỏi.
Lúc ấy trong đại chúng Tiên nhân có một vị tiên Bà-la-môn ở trong rừng khéo tu pháp khổ hạnh, thấy được oai nghi dung mạo của Bồ-tát như vậy, mới nói với một vị Bà-la-môn khác:
-Vị Thiên đồng tử này hiểu rõ tâm lý người, khéo dùng phương tiện. Vì sao? Phàm người thế gian họ đều nói: “Ta sinh con cái cần phải nuôi dưỡng, khi các con trưởng thành chúng sẽ thay ta lo mưu kế kinh doanh gia nghiệp, buôn bán mưu cầu tiền của, lập kế sinh nhai. Ta lúc ấy chuyên tu trí tuệ cầu đạo, nếu ta có mắc nợ người khác, chúng đều thanh toán cho ta.” Họ suy nghĩ như vậy là do vì ân ái nên nuôi dưỡng các con. Còn đồng tử này không phải vậy, vì chúng sinh mà cầu đạo, không kể thân mạng, không tự cầu
lợi.
Trong đại chúng Tiên nhân, có một vị Bà-la-môn khác nói với vị Bà-la-môn trước:
-Này nhân giả, đúng như lời nhân giả vừa nói, người trong thế gian không tự hiểu biết, không làm tròn bổn phận, thường không biết đủ, chỉ nói ngày nay ta phải làm xong việc như thế này, ngày mai ta phải làm xong việc như thế kia. Ngay khi người ta hành sự vẫn chưa đạt được mục đích, tất cả những người như vậy trong thế gian là do mê hoặc, trong hiện tại không làm tròn việc tự lợi, thì đời vị lai lại không cách nào thành tựu các lợi ích.
Thuở trước, khi Bồ-tát từ cung trời Đâu-suất giáng xuống trần gian, thị hiện thai phàm vào nhà họ Thích, trước ngày sắp đản sinh, nơi khu rừng của Tiên nhân Bạt-già-bà, tự nhiên từ đất mọc lên hai cây bằng vàng, hai cây này to lớn cao vất, đến đêm Bồ-tát xuất gia hai cây này đồng một lúc bỗng nhiên biến mất không thấy tăm dạng. Tiên nhân Bạt-già-bà thấy hai cây này trong một đêm đồng biến mất, tâm rất lo âu vẻ mặt thiểu não, cúi đầu suy nghĩ: “Chắc chắn ta đến lúc suy thoái, hay lại có điềm xấu gì xảy đến nên mới xuất hiện việc như vầy chăng?”
Bồ-tát trông thấy Tiên nhân Bạt-già-bà ngồi gục đầu ưu sầu thiểu não tâm không chút an vui như vậy, Ngài lần lần tiến đến gần bên Tiên nhân hỏi:
-Thưa Tôn giả, vì cớ gì ngài ngồi cúi đầu trông có vẻ ưu sầu?
Tiên nhân đáp:
-Thưa Thiên đồng tử, chỗ này của tôi từ trước đến giờ có hai cây bằng vàng từ dưới đất mọc lên, thân cây to lớn cao vút đẹp đẽ rất khả quan, ngày nay tôi thấy cây này bỗng nhiên biến mất, nên ưu sầu tâm ý chẳng vui. Tôi ngồi cúi đầu tư duy, nguyên nhân là như vậy.
Bồ-tát liền hỏi Tiên nhân:
-Thưa Tôn giả, hai cây này mọc cách nay được bao lâu?
Tiên nhân đáp: .
-Đến nay đã trải qua hai mươi chín năm.
Bồ-tát lại hỏi:
-Cây này mất cách nay bao lâu?
Tiên nhân đáp:
-Đêm hôm qua cây này biến mất không thấy.
Bồ-tát lại bảo Tiên nhân:
-Hai cây này là quả báo do phước đức của ta, nên nó xuất hiện. Nếu Ta còn ở đời làm Chuyển luân thánh vương, thì nơi mảnh đất an lành này Ta sẽ lập một hoa lâm viên. Nhưng Ta nay đã xả tục xuất gia, vì lý do đó đêm hôm qua hai cây này biến mất không còn xuất hiện nữa. Vì nhân duyên như vậy, xin Tôn giả chớ ưu sầu.
Bấy giờ Bồ-tát được tất cả các Tiên nhân tùy tùng hai bên, đưa Bồ-tát hướng về phía trước để đến chỗ ở của họ. Bồ-tát tùy ý dạo chơi quan sát khắp tất cả quang cảnh tu khổ hạnh tinh tấn như vậy: đứng, ngồi, tọa thiền... để cầu đạo. Trong khi Bồ-tát ở trong rừng này, có một Tiên nhân tu khổ hạnh luôn luôn đi theo sau hầu Bồ-tát.
Bồ-tát vào trong rừng, đến chỗ ở của Tiên nhân rồi, Ngài đưa mắt quan sát khắp bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc, thấy các hành giả đang tu khổ hạnh như đi, đứng, nằm, ngồi, với mục đích cầu quả vị tối thắng.
Bồ-tát hỏi các Tiên nhân:
-Nay tôi mới vào đây cầu đạo chưa được bao lâu, do vậy tôi muốn học hỏi nơi các vị. Cúi xin chư vị Tiên nhân đúng như pháp, vì tôi mà thuyết giảng những pháp tu khổ hạnh của các vị, mà trước đây tôi chưa từng hay biết. Các vị sẽ vì tôi phân tích rõ ràng, để tôi nghe rồi y như pháp tu tập, các phương pháp này quả thật đem lại lợi ích chân thật cho hành giả, tôi đây cũng y theo tất cả pháp khổ hạnh của các vị mà tu tập.
Các Tiên nhân đáp lời Bồ-tát:
-Nhân giả hỏi chúng tôi tất cả pháp khổ hạnh và pháp cầu đạo, chúng tôi sẽ vì Nhân giả theo thứ lớp mà giải thích. Phàm tu khổ hạnh, trong đây gồm có các pháp: Hoặc có pháp hành giả chỉ ăn rau cỏ; hoặc có pháp hành giá chỉ ăn mầm cỏ tranh; hoặc có pháp hành giá chỉ ăn nhành cây Ca-ni-ca-la; hoặc có pháp hành giả chỉ ăn nhành cây Đầu-câu-la; hoặc có pháp hành giả chỉ ăn nhành của một cây nào đó; hoặc có pháp hành giả chỉ ăn phân bò; hoặc có pháp hành giả chỉ ăn bã mè, quả dại, ngó sen; hoặc có pháp hành giả chỉ ăn cành non các loại cây; hoặc có pháp hành giả chỉ uống nước để sống; hoặc có pháp hành giả sống như con bọ hung; hoặc có pháp hành giả sống như con hươu nai chỉ ăn cỏ mà sống; hoặc có pháp hành giả đứng trên đất mà dụng tâm; hoặc có pháp hành giả ngồi trên đất mà diệt lòng ham muốn; hoặc có pháp hành giả sống bằng “Tứ khẩu thực”; hoặc có pháp hành giả lấy vỏ gai làm y phục; hoặc có pháp hành giả dùng lông dê đen làm y phục; hoặc có pháp hành giả dùng cỏ làm y phục; hoặc có pháp hành giả dùng tơ tằm làm y phục; hoặc có pháp hành giả dùng cỏ vòi rồng làm y phục; hoặc có pháp hành giả dùng cỏ gấu làm y phục; hoặc có pháp hành giả dùng da nai hay da các loài vật chết rữa còn thừa làm y phục; hoặc có pháp hành giả dùng tóc rối làm y phục; hoặc có pháp hành giả lấy len dạ làm y phục; hoặc có pháp hành giả lấy đủ loại giẻ rách làm y phục; hoặc có pháp hành giả để lõa hình nằm trên gai hoặc nằm trên tấm ván hoặc nằm trên gốc cây hoặc nằm trên cây sào; hoặc có pháp hành giả nằm trong rừng tử thi; hoặc có pháp hành giả nằm nơi đôống gò mốì giống như đời sống của con rắn; hoặc có pháp hành giả đứng nơi đất trống; hoặc có pháp hành giả trầm mình trong nước; hoặc có pháp hành giả thờ lửa; hoặc có pháp hành giả nhìn theo mặt trời di chuyển; hoặc có pháp hành giả giơ thẳng hai tay; hoặc có pháp hành giả đứng yên như trời trồng; hoặc có pháp hành giả ngồi soạt thân trên mặt đất; hoặc có pháp hành giả không tắm gội, thân thoa đầy bùn đất; hoặc có pháp hành giả búi tóc; hoặc có pháp hành giả nhổ sạch tóc trên đầu; hoặc có pháp hành giả nhổ sạch râu mép.
Chúng tôi tự tu những pháp như vậy. Lại nữa, trong khi thực hành, chúng tôi tư duy quán tưởng: Hoặc nguyện cầu mong được sinh lên cõi trời, hoặc có vị lại nguyện sinh trở lại nhân gian. Do tu khổ hạnh, nên về sau thân này sẽ được an lạc. Tại sao như vậy? Tại vì cầu được sinh lên trời rất khó, nên cốt yếu phải lấy việc tu khổ hạnh làm căn bản.
Rồi họ nói kệ:
Khi tu tập khổ hạnh như đây
Sẽ hưởng phước cõi trời Đao-lợi
Siêng khổ hạnh đời sau an lạc
Do vì khổ là nhân vui sướng.
Tuy Bồ-tát nghe được các pháp khổ hạnh của các Tiên nhân như vậy, tuy mắt chưa từng mục kích cảnh các Tiên nhân nỗ lực tu các pháp môn trên, nhưng tâm Ngài lấy làm ngao ngán cho rằng những lời trình bày của các Tiên nhân chưa phải là pháp chân thiện, Ngài hạ giọng chậm rãi bảo các Tiên nhân:
-Ta nay suy xét pháp tu của các ông, tuy nhiên có khổ cần phải tiêu diệt, mà phước báo đời sau nhưng không định hướng, dầu đời sau có được sinh lên cõi trời, lại các người không biết tất cả quả báo nơi cung điện chư Thiên đều là pháp vô thường. Do vì tu hành nên được quả báo nhỏ nhoi, khổ hạnh như vậy mà đã xả bỏ ân ái thân tộc, lại mất thú vui ở đời. Các vị tu khổ hạnh xa lìa các thú vui, ngược lại sẽ rơi vào trong đại lao ngục.
Rồi Ngài nói kệ:
Thân yêu, thú đời Ta đều bỏ
Tu hành khổ hạnh để lên trời
Tuy lại nói rằng lên Thiên giới
Nào ngờ hậu thế vào lao ngục.
Bồ-tát nói kệ xong, liền bảo:
-Nếu như có người dày vò thân thể để mong cầu quả báo tốt, như sinh lên trời. Do vì cảnh giới trời thọ hưởng thú vui ngũ dục không biết nhàm chán và đời vị lai họ không tránh khỏi tai họa của phiền não ngũ dục đưa đến.
Này các Tiên nhân, do các vị tu khổ hạnh trở lại chuốc lấy đại khổ. Vì các vị khi sắp mạng chung, thấy khổ sở sinh tâm quá sợ hãi, nên mong cầu đời sau sinh cảnh giới tốt đẹp hơn. Do có mong cầu sinh nên không thoát khỏi luật vô thường. Tại sao như vậy? Chúng sinh sống trên thế gian này, nơi nào có sự khủng bố, thì họ sẽ trở lại đắm chấp nơi đó. Do ở thế gian này bị các khổ sở bức bách, nên họ cầu sinh lên trời thọ hưởng thú vui. Họ ao ước trông mong sinh lên Thiên giới, nhưng việc làm đó chưa thoát khỏi luân hồi, nên đời sau lại đọa vào cảnh giới không lợi ích, mà họ vẫn cố chấp không bỏ tu khổ hạnh, họ cũng không mong cầu lìa bỏ pháp khổ thân.
Muốn cầu cảnh giới tốt đẹp vượt lên trên cảnh giới chư Thiên, nếu là người trí thì nên xa lìa ngũ dục, lần lần tìm đến cảnh giới tối thắng, như người đi bộ chân bước về trước, để đạt đến cảnh giới tối thắng, rồi phải vượt qua cảnh giới tối thắng ấy.
Nếu các người lấy việc khổ thân cho là đắc pháp, thì pháp khổ thân này là phi pháp. Nếu khổ thân để được thú vui trên Thiên giới, do thực hiện pháp này sẽ rơi vào phi pháp. Nhưng mọi hành động của thân này là do tâm điều khiển, cho nên trước phải điều phục tâm chẳng nên làm khổ thân.
Rồi Ngài nói kệ:
Khi thân động là do tâm chuyển
Trước điều tâm nên chớ khổ thân.
Thân vô tri dường như cây đá
Tâm làm chủ cớ sao thân khổ?
Bồ-tát nói tiếp:
-Theo như pháp tu khổ hạnh các vị nói vừa rồi, do nhịn ăn để được phước, thì các loài thú hoang lẽ ra được phước lớn; lại như kẻ bần cùng đời trước trồng ít thiện căn, nên ngày nay mắc quả báo nghèo nàn, tài sản thiếu hụt; cũng như thế gian có kẻ không công đức, thường cầu nước công đức nơi tất cả các thần kỳ trên quả đất này dùng để tắm rửa thân thể, nhằm mong cầu mọi sự đều được thành tựu như sở nguyện. Hoàn toàn không có việc như vậy!
Khi ấy các Tiên nhân khổ hạnh thưa Bồ-tát:
-Bạch Nhân giả trí tuệ sáng suốt, Ngài ở nơi đây nhận thấy những tai họa gì?
Bồ-tát đáp:
-Ngày nay các vị tu theo pháp khổ hạnh như vậy, đời sau các vị sẽ bị đọa vào cõi khổ.
Các vị Tiên khổ hạnh lại cùng nhau vấn nạn Bồ-tát:
-Nơi này có pháp tu hành như vậy, tại sao Ngài biết được tu khổ hạnh như thế này ngày mai lại bị đọa vào cõi khổ?
Bồ-tát đáp:
-Các vị tu các pháp khổ hạnh như vậy, không phải là giáo pháp cứu cánh, nên sẽ rơi vào chỗ không phải là không sợ hãi.
Các vị Tiên khổ hạnh lại bạch Bồ-tát:
-Nhân giả là bậc Đại đức, xin Nhân giả chớ nói lời như vậy! Chúng tôi ngày nay ở nơi đây, trên con đường hành đạo của chúng tôi có công đức lớn, không có gì đáng sợ hãi, nếu người nào y vào con đường tu hành này, sau khi xả bỏ thân hình thô xấu này, sẽ được báo thân tốt đẹp tuyệt vời.
Bồ-tát nói:
-Tuy sau khi xả bỏ thân thô xấu này sẽ được báo thân tốt đẹp, nhưng chưa phải là pháp ra khỏi luân hồi. Do ngày nay tu pháp làm khổ thân, đời sau sẽ được báo thân. Nhưng báo thân đời sau này cũng chưa khỏi khổ. Lý do tại sao? Tuy có tu nhiều pháp khổ hạnh, để mong cầu lạc thú, mà trái lại cũng chẳng hết khổ.
Các vị Tiên khổ hạnh chấp lý bạch Bồ-tát:
-Thưa Nhân giả, chẳng phải như vậy. Chẳng phải đời này do tu khổ hạnh đời sau lại bị khổ. Do những pháp khổ thân này của chúng tôi, nên đời sau quyết định sẽ được khoái lạc.
Bồ-tát lại bảo:
-Các vị nói như vậy, cũng chỉ là lời nói của kẻ vô trí. Vì cớ sao? Ví như có người muốn cầu lợi lạc mà không biết trong việc cầu lợi lạc này lại có điều bất lợi. Do vì biết bất lợi mà vẫn muốn cầu lợi nơi đó, đây chẳng phải là người trí.
Bấy giờ, có một vị Bà-la-môn ở trong đại chúng cao giọng xướng lên:
-Hy hữu thay! Hy hữu thay! Vị Vương tử này là bậc trí tuệ chân thật. Ví như có người được đồ ăn uống cao lương mỹ vị, mà đồ ăn này pha lẫn độc dược, thử hỏi ai muôn ăn. Việc tu khổ hạnh như đây, đời sau tuy được khoái lạc mà chưa thoát khỏi pháp hữu vi sinh lão bệnh tử, thì pháp khổ hạnh này đâu chẳng phải cầu trở lại đường sinh tử?
Bồ-tát lại nói:
-Tất cả khổ thế gian, ghét nhất là tử thần cướp mạng sống, mà lại cầu sinh đời sau, đây là điều đại ngu si.
Vị Tiên khổ hạnh tán thán:
-Hay thay Vương tử! E rằng Ngài chẳng quán sát chín chắn đi sâu vào môn khổ hạnh này. Trong quá khứ có vô lượng Đại đức đồng tu pháp khổ hạnh này, ở nơi đây cũng có vô lượng trăm ngàn vạn ức vị vua tu Tiên... đồng tu pháp khổ hạnh này, đồng cầu lạc thú ở đời vị lai.
Bồ-tát lại nói:
-Như lời ông nói hôm nay, trải qua ngàn vạn năm, ít thấy ai ngu si hơn. Ôi thôi vọng ngữ! Các Đại đức ở nơi đây do tu khổ hạnh, tâm so sánh cảnh khổ vui, nên cầu đời sau hưởng phước lạc, ở đời vị lai thọ sinh trong cảnh giới luân hồi, không bao giờ lấy làm thỏa mãn, ở trong phiền não làm những việc không nên làm. Luân hồi trong đó. Do vì ngày nay ở trong thế gian này cầu mong đời sau hưởng lạc thú, ngược lại bị nhiều khổ sở.
Tiên nhân khổ hạnh lại nói:
-Bạch Nhân giả Vương tử, quốc chủ nước này ở thành Mị-di-la, nhà vua trước khi tổ chức hội Vô già sát hại súc sinh không phải ít để cúng tế chư Thiên, cầu đời sau thọ hưởng lạc thú.
Bồ-tát lại nói:
-Phàm do sát sinh mà gọi là đắc pháp. Việc đó có thể gọi là pháp hạnh hay sao?
Tiên nhân khổ hạnh lại bạch:
-Pháp tế tự chư Thiên của chúng tôi từ trước đến nay được truyền thừa như vậy.
Bồ-tát nói:
-Có kẻ làm đau khổ người khác mà cho là đắc pháp. Ví như có người lấy đất trét lên thân, rồi lại dùng đất để lau đất trên thân, thử hỏi thân có hết đất hay không? Hoặc có người lấy máu thoa lên thân rồi lại lấy máu rửa máu trên thân, làm sao rửa sạch máu trên thân được! Như có người thực hành phi pháp, mong sẽ được đắc pháp. Không có việc như vậy.
Các vị Tiên khổ hạnh đáp:
-Thật có việc như vậy.
Bồ-tát hỏi:
-Vì lý do gì?
Các vị Tiên khổ hạnh đáp:
-Căn cứ vào luận Vi-đà. Tiên nhân đời xưa có nói rõ điều này.
Bồ-tát lại hỏi:
-Luận Vi-đà chư Tiên nói nghĩa ấy ra sao?
Các vị Tiên khổ hạnh đáp:
-Trong luận có nói: “Nếu có người cúng tế chư Thiên thì gọi là đắc pháp.”
Bồ-tát lại nói:
-Ta lại hỏi ông, theo pháp thế gian gần đây của các ông, nếu có người giết dê cúng tế trời đất, gọi là đúng như pháp. Lý do gì các ông không giết cha mẹ thân tộc để cúng tế trời đất. Do vậy Ta biết rằng giết dê cúng tế trời không có công đức. Ông thực hành các điều phi pháp, chỉ là ý muốn của các ông như vậy mà thôi.
Bấy giờ Bồ-tát đưa mắt nhìn trông thấy một rừng cây, cách chỗ Ngài ngồi chẳng bao xa, đó chính là rừng tử thi. Bồ-tát thấy rồi liền bảo các vị Tiên khổ hạnh:
-Các Tôn giả hãy nhìn xem cảnh trí mảnh đất khu rừng kia sẽ thuộc loại khổ hạnh nào, mà hiện giờ trong rừng hoặc có tử thi bị chim ăn; hoặc có tử thi thành đống xương trắng; hoặc có tử thi hiện nay đang hỏa táng thành một đống xương; hoặc có tử thi treo trên cây; hoặc có tử thi bị quyến thuộc sát hại, rồi trang nghiêm chỗ ngồi, y theo lễ nghi mai táng để người đời sau lấy làm hổ thẹn; hoặc có tử thi được quyến thuộc quây quần bên nhau đưa đến bãi tha ma trong rừng, bỏ đó rồi trở về nhà.
Các vị Tiên khổ hạnh lại đáp:
-Thưa Nhân giả Vương tử, đúng vậy, mảnh đất khu rừng tử thi kia là mảnh đất công đức bố thí thân bình đẳng, cùng chung cho bốn đẳng cấp trong xã hội không phân biệt một ai, nên gọi là cánh đồng hoang. Còn mảnh đất khu rừng này của chúng tôi, hễ người nào bố thí thân xác mà không lấy làm đau khổ với sở nguyện cầu đời sau được tốt đẹp, sau khi chết họ liền sinh lên trời hưởng thú vui; hoặc có hành giả gieo mình xuống vực thẳm; hoặc đốt thân, hoặc thí thân mạng, tất cả đều được sinh lên trời.
Bồ-tát lại nói:
-Nếu đúng như vậy, hành giả tu khổ hạnh cầu đời sau giàu có. Ôi thôi quá si mê! Ôi thôi, ở trong vô thường cầu đời sau phú quý tức cầu đời sau nhiều oán thù! Ôi thôi, đại khổ lại mưu cầu đại khổ! Họ là những người ngu si, là người vô trí, là người nhảy vào đống lửa, là kẻ nạp mạng vào miệng mãng xà.
Với tài hùng biện của Bồ-tát như vậy, Ngài đối với các vị Tiên khổ hạnh dùng lời vi diệu nói về đường lối giải thoát. Câu chuyện đến đây trời đã hoàng hôn, Bồ-tát trở về chỗ nghỉ của cấc Tiên nhân.
Sáng hôm sau Bồ-tát lại du hành đến các nơi khác, các Tiên nhân theo thứ lớp cất bước theo sau.
Bồ-tát đi chẳng bao lâu, Ngài thấy chư Tiên tiếp tục đuổi theo, thấy vậy Ngài liền an tọa dưới một tàng cây, chư Tiên hoặc đứng hoặc ngồi bao quanh Bồ-tát.
Lúc ấy trong đại chúng Tiên khổ hạnh có một Tiên nhân thuộc hàng Trưởng lão, đến trước Bồ-tát sinh tâm hy hữu mà bạch:
-Thưa Nhân giả Vương tử, kể từ khi Ngài đến khu rừng này, chỗ ở của chúng tôi được trang nghiêm, e Nhân giả đi rồi quang cảnh này liền trở thành cánh đồng hoang vắng. Vì lý do đó, xin Nhân giả chớ bỏ chúng tôi ra đi. Vì sao? Lại nữa hễ ai muốn sinh lên Thiên giới nên ở nơi mảnh đất công đức này mà tu khổ hạnh. Do vậy Nhân giả chẳng nên bỏ khu rừng nhiệm mầu này, là chỗ Thánh nhân đời trước tu hành thanh tịnh mà đi nơi khác!
Rồi Tiên nhân nói kệ:
Ngài đến đây rừng tôi rực rỡ
Nay vắng Ngài bỗng thành hoang dã
Vì cớ ấy ta chẳng xa nhau
Như ham sống hình hài chớ hủy.
Nói kệ rồi vị Tiên lại bạch:
-Thưa Nhân giả Vương tử, nay ở đây Ngài chỉ thấy có người thô bỉ hèn hạ vô ân nghĩa thôi sao? Hoặc Ngài thấy có người bị rơi vào đường hạnh tạp nhiễm; hoặc Ngài thấy có người sống đời bất tịnh hạnh. Nếu không như vậy tại sao Nhân giả không thích ở lại đây với chúng tôi? Chư Tiên chúng tôi muốn cùng Ngài kết nghĩa thiện hữu tri thức, tùy thuận vâng lời Ngài chỉ dạy thi hành không dám chống trái, muốn cùng Nhân giả mưu cầu đạt được cảnh giới thù thắng tuyệt vời. Giả sử người đang gặp vận xấu sống chung với Nhân giả vẫn đạt được điều tốt đẹp, huống gì là các Tiên nhân chúng tôi.
Bồ-tát được vị Tiên thượng thủ xin cùng Ngài cầu pháp giải thoát. Bồ-tát hiểu được ý họ, liền nói lời thệ nguyện bổn tâm của mình, đồng thời tán thán các Tiên nhân khổ hạnh. Ngài nói:
-Này các Nhân giả chư Tiên, ngày nay các Ngài đã chứng được biện tài vô ngại, từ trước đến nay đem thân tu tập pháp hạnh như vậy, nên tâm được thanh tịnh, đối với người chưa từng quen biết mà sinh tâm niệm ân cần kính trọng, nay sắp chia tay như xa cách người thân yêu nên rất bùi ngùi. Tình người tuy là vậy, nhưng pháp mưu cầu của chư Nhân giả là quả báo sinh lên Thiên giới. Còn Ta thì chẳng phải vậy. Ta nay chí cầu giải thoát, ý chẳng muốn cầu hữu ngã, nguyện Ta quyết định như vậy. Tâm Ta đã quán sát cảnh tượng của các vị rồi, đối với chỗ ở của các vị Ta chẳng ham muốn, một đàng muốn tái sinh trở lại, một đàng muốn giải thoát tam giới, hai vấn đề hết sức mâu thuẫn. Nhưng Ta cũng chẳng phải chẳng thích chỗ ở này, lại cũng không ganh tị người khác, cũng chẳng phải thấy lỗi của người khác mà bỏ ra đi. Nhưng các vị đều sống trong giáo pháp các vị, tuân hành lời chỉ dạy của bậc Thánh hiền Tiên nhân đời trước, các Ngài đều đã đắc pháp của bậc Đại Tiên.
Bấy giờ các Tiên nhân thấy chí cầu giải thoát tối thượng của Bồ-tát, lại càng sinh tâm ân cần ái kính tôn trọng.
Khi ấy, trong đại chúng Tiên nhân có một vị Tiên Phạm chí, tu hạnh luôn luôn nằm trong tro, hay thân nằm sát bên tử thi, lấy giẻ rách kết làm y phục, tai xanh, mắt vàng, mũi cao, thân trắng, tay cầm bình nước, nghe Bồ-tát nói như vậy, liền hướng đến trước mặt Bồ-tát, tâm rất hoan hỷ dùng lời tán dương:
-Lời nói của Nhân giả hết sức vi diệu trình bày bản nguyện tối thượng của mình. Ngài nay đang độ thiếu niên, chưa thọ ngũ dục mà thấy được các tai vạ ngũ dục nên không khát vọng. Còn có kẻ muốn sinh lên trời thì họ đâu có biết được hoạn nạn sau khi sinh lên trời. Kẻ nào quán sát như vậy mà mong cầu giải thoát thì chẳng bao lâu sẽ được toại nguyện. Nếu Nhân giả quán sát được như vậy, quyết định cầu mong giải thoát tam giới, Ngài nên mau mau ra khỏi nơi đây, đến xứ Nhật xuyên tạng là chỗ ở của một vị Tiên nhân tên là A-la-la, vị Tiên nhân này nhất định đã chứng được Chánh trí thanh tịnh nhãn. Nhân giả có thể học hỏi nơi vị này, sẽ nghe được con đường phương tiện chí chân. Nhân giả nghe được con đường phương tiện rồi, theo ý tôi nhận thấy trí tuệ Nhân giả nhất định sẽ hơn vị ấy. Như trí tuệ cùng tất cả tướng mạo sắc thân cửa Nhân giả ngày nay, quyết định sẽ vượt qua các trí đến bờ giải thoát. Hơn tất cả Tiên nhân đời trước, vì những điều họ chưa từng chứng biết, nay đây Ngài đều chứng biết.
Bồ-tát bảo vị Tiên Phạm chí:
-Tôi nguyện làm y như lời Nhân giả chỉ bảo.
Rồi Bồ-tát chia tay những Tiên nhân khổ hạnh đã tôn trọng cung kính ân cần mời Ngài ở lại, ra đi về hướng Tiên nhân A-la-la.
Có kệ nói:
Thái tử Thích-ca dòng tôn quý
Đem lời khéo an ủi chư Tiên
Quyết chí hướng về A-la-la
Chư Tiên khổ hạnh về bổn xứ. Phẩm 25: SỨ GIẢ CỦA NHÀ VUA ĐI TÌM THÁI TỬ
(Phần 1)
Thưở ấy, Quốc sư Bà-la-môn và một đại thần vâng lệnh Đại vương Tịnh Phạn, họ buồn bã tủi khóc rơi lệ, liền bố trí xe ngựa nghiêm chỉnh hoàn bị, với tư cách thừa thế lực oai đức của Đại vương, khởi hành từ thành Ca-tỳ-la, ra khỏi thành tìm dấu tích đuổi theo Bồ-tát, chẳng bao lâu đã đến khu vực Tiên nhân Bạt-già-bà.
Tiên nhân Bạt-già-bà xa xa trông thấy đoàn sứ giả nhà vua lần lần tiến gần lại, Tiên nhân liền đứng dậy bước ra đón tiếp và nói:
-Hân hạnh thay Nhân giả đến đây! Không biết lý do gì quý ngài bỗng nhiên đến khu rừng này? Xin quý ngài vui lòng cho biết, xin mời quý ngài dừng chân giây lát, tạm ngồi trên tấm thảm cỏ này giải khát, rồi tôi sẽ thết đãi đủ thứ quả ngon nước ngọt tươi mát, các ngài mặc tình thọ dụng.
Hai sứ giả liền đảnh lễ dưới chân vị Tiên Bạt-già-bà, đảnh lế rồi lui về ngồi một bên. An tọa xong, Tiên Bạt-già-bà vấn an sức khỏe hai sứ giả nhà vua.
Khi ấy đại thần cắt ngang lời nói của Tiên Bạt-già-bà rồi nói: -Thưa Đại Tiên tôn sư, chúng tôi được Đại vương Tịnh Phạn dòng Cam Giá sai đến đây, tôi là đại thần của nhà vua, còn vị kia là Đại Bà-la-môn Tôn sư của nhà vua. Nhà vua dòng Cam Giá có một Thái tử quý danh là Tất-đạt-đa. Do Thái tử sợ cảnh sinh, già, bệnh, chết, nên bỏ vương cung vào núi chí cầu giải thoát, nghe đồn rằng Thái tử đã đến xứ này. Đó là lý do chúng tôi đến đây.
Tiên Bạt-già-bà nghe hai sứ giả nói như vậy, liền đáp:
-Vị Trượng phu Tối thượng đầy đủ công đức to lớn ấy đã từng đến đây. Sau khi Ngài đến đây hỏi pháp tu tập của tôi, tôi thật sự y theo giáo pháp trình bày cho Ngài nghe. Ngài nghe xong liền nói: “Đây tuy là giáo pháp vượt lên trên thế gian, nhưng sau này vẫn trở lại trong sinh tử, chẳng phải phương pháp rốt ráo. Ngài chê giáo pháp của tôi, bỏ đi nơi khác để cầu đạo thoát ly sinh tử. Nay Ngài đang hướng về chỗ ở của Tiên A-la-la.
Rồi Tiên nhân nói kệ:
Tối thượng Trượng phu công đức lớn
Đến ta nghe pháp cho chẳng thật
Chí cầu Niết-bàn quả tối thượng
Bỏ ta hướng đến chỗ A-la.
Hai sứ giả đại thần và Quốc sư đại Bà-la-môn, sau khi nghe Tiên Bạt-già-bà nói, do họ dốc lòng ân cần kính trọng đối với Đại vương Tịnh Phạn, nên không biết mỏi mệt, không chút trễ nãi, không kịp ăn quả ngọt uống nước ngon của Tiên nhân thết đãi, họ y theo lời nói của Bạt-già-bà cùng nhau vội vã ra đi, tìm về hướng Bồ-tát, lần lần chẳng mấy chốc họ đã tìm ra khu rừng Bồ-tát đang ở. Từ xa hai sứ giả trông thấy Bồ-tát đang ngồi trên thảm cỏ dưới cội cây trong khu rừng, Ngài đã cởi bỏ tất cẩ đồ trang sức quý báu: bảo châu, anh lạc... mà tự thân phóng ra hào quang chiếu sáng rực rỡ tỏa khắp cánh rừng, trông thật trang nghiêm, ví như mặt trời xuất hiện giữa đám mây, chiếu sáng cả trời đất. Sứ giả thấy quang cảnh như vậy, liền bước xuống xe, đi bộ chậm rãi hướng về phía Bồ-tát, đến nơi đảnh lễ dưới chân Ngài, rồi đồng xướng lên:
-Cúi xin Thánh tử, Ngài luôn luôn được an lành. Rồi họ đứng nép một bên về phía trước Bồ-tát. Bồ-tát hỏi thăm hai vị sứ giả, Ngài tùy theo mỗi việc khó nhọc đã trải qua mà tỏ lời an ủi cảm tạ. Sau khi hỏi thăm an ủi rồi, Bồ-tát cho phép hai sứ giả ngồi gần kề bên.
Hai sứ sứ giả an tọa xong, liền thưa Bồ-tát:
-Thưa Thái tử Đại trí, phụ vương Ngài là Đại vương Tịnh Phạn, : do quá yêu thương kính mến Thái tử, nên rất buồn rầu khổ não. VÌ sao như vậy? Vì ngày Bồ-tát bỏ vương cung xuất gia, Đại vương nghe tin ấy đang đứng bỗng nhiên ngã xỉu xuống đất, hồn xiêu phách lạc hoàn toàn bất tỉnh, quần thần dùng nước rưới lên mình Ngài hồi lâu mới tỉnh, sau khi hồi phục tinh thần Đại vương quá ư thương nhớ Thái tử, nước mắt tuôn trào ràn rụa cả mặt. Do tình trạng như vậy, ngày nay Đại vương ra lệnh hai chúng tôi đi tìm Thánh tử, cúi xin Thánh tử chánh tâm lắng nghe sắc lệnh của Đại vương ban ra thế này:
“Trẫm cũng biết rằng tâm Thánh tử ưa thích chánh pháp, cũng biết Thánh tử không thích vương cung, quyết định xuất gia cầu vô thượng đạo. Việc ấy tuy đúng, nhưng nay chẳng phải là lúc Thánh tử vào rừng. Trẫm thẤy Thái tử vào rừng không đúng lúc, do đó Trẫm hết sức ưu sầu đau khổ, toàn thân bị phiền muộn đốt cháy giống như lửa hồng phừng phực thiêu cả cánh rừng bát ngát. Nay Thái tử nên từ bỏ ý ấy đi, trở về sống nơi vương cung với Trẫm. Thái tử tạm thời xả bỏ tâm ái pháp, nhận lấy tấm lòng quý trọng của cha. Nếu được như vậy là pháp hạnh của Thái tử. Còn con không về gặp mặt cha, thì nỗi đau của cha lại càng thêm mãnh liệt. Ví như dòng nước đại hà chảy suốt quanh năm, tình cờ trong nhất thời hai bờ sông bị vỡ, làm cho dòng nước tự nhiên gián đoạn; lại như trận cuồng phong thổi tan đám mây lớn; ví như khí trời oi bức thiêu hủy đồng cỏ khô; ví như tháng trời đại hạn làm khô cạn các dòng sông; ví như trận mưa đá làm gãy đổ lúa mạ mùa xuân.
“Này đứa con yêu quý, tâm cha ngày nay cũng vậy! Do vì mơ tưởng thương nhớ đến con, tâm cha quá đau khổ như bị nước sôi, như lửa thiêu đốt làm ruột gan tan nát. Do vậy con phải hồi tâm trở lại vương cung; nhận lãnh ngôi vua trị vì thiên hạ. Còn nếu con muốn để lại đời sau lời bình phẩm, thì tùy ý con vào rừng cầu pháp.”
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.226.187.232 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.