Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Phật Bổn Hạnh Tập Kinh [佛本行集經] »» Bản Việt dịch quyển số 18 »»

Phật Bổn Hạnh Tập Kinh [佛本行集經] »» Bản Việt dịch quyển số 18

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.43 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.58 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Phật Bản Hạnh Tập

Kinh này có 60 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 |
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Phẩm 22: XUỐNG TÓC NHUỘM Y
(Phần 2)

Lúc bấy giờ tay trái Thái tử gỡ các viên ngọc ma-ni vô giá cõi trời nơi chiếc thiên quan đội trên đầu trao cho Xa-nặc và dặn:
-Này Xa-nặc, Ta nay trao cho ngươi ngọc ma-ni này, ngươi đem ngọc này về hoàng cung dâng lên Đại vương Tịnh Phạn thân phụ Ta, khi ngươi đến nơi lễ Đại vương vô lượng lạy, ngươi chắc hiểu ý Ta sắp dặn ngươi những gì, ngươi phải nghe lời Ta, ngươi nay đem ngọc này trở về, đến nơi phụ vương Ta tâu cho rõ ràng, khiến tất cả sầu khổ của Đại vương được tiêu trừ. Ngươi lại hết mình vì Ta tâu lên Đại vương như thế này: “Con nay không phải bị người đời khi dễ, mà bỗng nhiên xa lìa sự hầu hạ bên mình Đại vương, cũng chẳng phải có tâm sân hận, cũng chẳng phải đi tìm của cải, cũng chẳng phải do thiếu sự phong cấp bổng lộc, cũng chẳng phải muốn cầu sinh lên trời. Chỉ vì tất cả chúng sinh không ở trong con đường chân chánh, mà lại bị màn hắc ám vô minh làm mê hoặc, đi theo con đường tà vạy nên muốn làm ngọn đèn trí tuệ soi sáng ánh quang minh, muốn diệt trừ các pháp sinh tử, muốn đoạn các pháp hữu lậu vô thường vì thế mà xuất gia, xin Đại vương mở lòng đại từ đại bi thấy những nguyên nhân mà con muốn xuất gia là như vậy, phụ vương chẳng nên ưu sầu.”
Rồi Thái tử nói kệ:
Giả sử suốt đời chung ân ái
Có hội họp quyết phải xa lìa
Thấy cảnh vô thường trong nháy mắt
Do vậy con nay cầu giải thoát.
Thái tử đọc kệ rồi, nói tiếp:
-Ta nay vì muốn thoát khỏi cảnh ưu sầu khổ não cho nên xả tục xuất gia, do vậy ngươi phải trình bày lên Đại vương thân phụ Ta chẳng nên ưu sầu. Thế gian nếu có người lấy việc ưu sầu coi như sự-say đắm thú vui ngũ dục, thì những người như thế cần phải ưu sầu, vì sao? Ở đời phần nhiều cha mẹ sinh con như mong cầu tiền của, do đó mới nuôi dưỡng. Nhưng ở đời, người dửng giáo pháp báo hiếu cha mẹ thì khó có ai! Nếu ý phụ vương nghĩ: Ngày nay con ta xuất gia không đúng lúc. Cúi xin phụ vương không nên quan niệm như vậy, phàm cầu giáo pháp không quy định thời gian. Vì sao vậy? Vì người sống ở đời thọ mạng không đồng. Người trí biết vậy, nên xả tục xuất gia, cầu cảnh giới tối thắng. Ví như có người cùng với giặc thù tử thần sống chung một nhà mà tự khoe rằng ta sống lâu thì thật là vô lý.”
Này Xa-nặc, đây là lời nói quyết định phát xuât từ tâm Ta, ngươi về hoàng cung đến bên Đại vương Tịnh Phạn thân phụ Ta trình bày tất cả những lời nói này, khiến tâm Đại vương an ổn, khi ngươi trình bày phái hết sức khéo léo dùng đủ mọi cách an ủi phân giải đừng để Đại vương nhớ đến Ta.
Này Xa-nặc, tuy nhiên ta lại bảo ngươi: Nếu đến bên Đại vương Tịnh Phạn phụ thân ta, ngươi chỉ nói những việc trái nghịch sai lầm thiếu đạo đức của ta như: “Thái tử không biết ân nghĩa, không có tâm yêu mến... như vậy”, ông chớ nói những điều hiếu thuận của ta. Vì sao nói như vậy? Vì để Đại vương không còn tâm yêu mến ta nữa, tức xả bỏ tất cả nỗi nhớ nhung ưu sầu.
Xa-nặc nghe Thái tử nói những lời như vậy rồi, cả người đau khổ, nước mắt tuôn trào ràn rụa mặc mày, chắp tay hướng về Thái tử thưa:
-Bạch Đại thánh Thái tử, những lời ngài dạy vừa rồi đối với Đại vương và thân quyến của Thái tử sẽ sinh tâm hết sức ưu sầu. Ý tôi không vui, nỡ nào thấy cảnh tâm tình đoạn tuyệt, giống như voi già sa trong đầm bùn lầy không thể nào tự ra khỏi được. Nghe nói như vậy ai lại không rơi lệ. Xa-nặc lại đem tâm chân thành thưa vđi Thái tử:
-Những người khác nghe nói còn bùi ngùi cảm động, huống nữa Xa-nặc này, từ nhỏ đến giờ thường sống bên nhau, đồng sinh một ngày, cùng lớn lên với tâm ái kính, thương mến nhau không thôi.
Rồi Xa-năc nói kệ:
Giả sử có gan đồng dạ sắt
Nghe lời thề biệt ly như vậy
Ai lại không chua xót đau lòng
Huống tôi yêu mến đồng ngày sinh.
Xa-nặc nói kệ rồi, lại bạch Thái tử:
-Tôi dắt ngựa chúa cho Thái tử cỡi là do sức thần thông của chư Thiên, khiến tâm tôi dắt ngựa đến, chẳng phải tự ý của tôi, tôi làm sao ngăn cản được sự xuất gia của Thái tử. Tôi là kẻ nô bộc đồng ngày sinh với Thái tử và con ngựa chúa này cũng vậy không khác, chưa từng xa Thái tử dù trong chốc lát, mà nay bảo tôi một mình trở về hoàng cung, nhất định không có việc như vậy. Thái tử chẳng cùng chúng tôi trở về hoàng cung, mà chỉ bảo tôi và ngựa Kiền-trắc trở về, lại còn bảo tôi đem những lời ái biệt ly buồn thảm này thưa với Đại vương thân phụ ngài. Ngày nay Thái tử không đoàn tụ gia đình mà trái lời phụ vương, tuổi đã về già, tự ý xuất gia, việc làm của Thái tử như vậy là phải hay trái? Lại không có một pháp tốt đẹp cao thượng nào có thể vượt hơn việc Thái tử hiếu thuận cha mẹ, là đấng đã sinh ra mình. Thái tử cũng không nên xa lìa di mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề, người đã từng cho Thái tử bú mớm, người ta sẽ căn cứ vào đó mà luận, thì Thái tử trở thành kẻ vô ân bội nghĩa, không nhớ công ân dưỡng dục ban đầu. Còn nàng Da-du-đà-la chánh phi của Thái tử là người đàn bà trinh tiết đầy đủ đức hạnh, mà ngài không chung sống lại bỏ đi, tạo cảnh biệt ly. Tuy nhiên ngày nay Thái tử xa lìa tất cả thân tộc quyến thuộc dòng họ Thích, còn tôi đây là nô bộc đồng sinh một ngày với Thánh tử, ngài cũng không cho hầu hạ kề bên mà lại đuổi đi. Thưa Thái tử, hễ ngài đi đến đâu, kẻ nô bộc này nguyện theo hầu đến đó không bao giờ xa lìa. Bạch Đại thánh Thái tử, do đó, hôm nay trong tâm tôi, không nỡ đem lửa đỏ ưu sầu đốt lây tâm tình ân nghĩa, đơn thân độc mã trở về hoàng thành để Thái tử một mình ở lại nơi rừng hoang vắng vẻ này. Dầu cho tôi rời nơi đây, khi trở về hoàng thành, Thái tử có biết Đại vương Tịnh Phạn sẽ quở trách tôi điều gì chăng?
Lại nữa, Thái tử không về triều, khi tôi về một mình, Thái tử có biết có bao nhiêu bạn hữu tri thức và tất cả hoàng hậu, cung phi, thể nữ trong cung hỏi tôi điều gì chăng? Mà Thái tử còn sai tôi về triều nói những lời thế này: “Ngươi nay đem những lời xấu ác hủy nhục ta đến nói với hoàng tộc, khiến quyến thuộc đâm ra chê trách oán ghét Ta, mà không còn nhớ nghĩ đến Ta nữa.” Thưa Đại thánh Thái tử, kẻ nô bộc này sao dám vọng ngữ, nói lời hủy nhục Thánh tử như vậy, tâm tôi đâu không tự biết xấu hổ. Tâm ý và miệng lưỡi tôi, nếu vì Thánh tử nói lời xấu ác, dù tôi có vọng ngữ nói xấu Thánh tử, thì thử hỏi lúc đó ai tin lời nói của tôi. Thưa Thánh tử, chẳng khác nào có người nói xấu hủy nhục Nguyệt Thiên tử, nếu như có người nghe Thánh tử ngày nay tâm thường tu tập hạnh từ bi mà lại bảo tôi nói lời bất thiện, nghe những lời nói như vậy, họ có thể tin không? Thánh tử đã tu hạnh đại từ bi, thường đem lời ái ngữ an ủi chúng sinh, nay Thái tử rời bỏ hoàng tộc, việc này e chẳng lành. Do vậy, tốt hơn Thái tử nên hồi tâm trở về hoàng cung thọ hưởng cảnh an vui.
Lúc ấy Thái tử nghe những lời Ưu sầu khổ não của Xa-nặc nói như vậy, rồi lại bảo Xa-nặc:
-Ngươi nay cần phải bỏ tâm khổ não, chớ nên ưu sầu, vì sao? Tất cả chúng sinh có sinh tất phải có già, ắt phải biệt ly. Này Xa-nặc, tất cả chúng sinh đều có tâm phiền não ái nhiễm, vấn đề ở trong thai và vấn đề nuôi dưỡng cũng đều hư vọng có hợp ắt có biệt ly, những người ấy chẳng phải là Ta, Ta chẳng phải là những người ấy.
Rồi Thái tử nối kệ:
Ví như bầy chim nơi đại thọ
Đều từ bốn phương kéo về ngủ
Sáng dậy tung bay khắp mọi phương
Chúng sinh ly biệt có khác gì.
Cũng như giữa hạ mây mù phủ
Nổi lên mấy chốc rồi tan biến
Chúng sinh ly biệt có khác gì
Đoàn tụ một thời rồi ly tán.
Đồng nghiệp nên sinh đến chốn này
Nay đây mỗi người về bổn tánh
Chớ nói ta người có khác nhau
Đi, ở, đây, kia đều tình chấp.
Tất cả đến đi không nhất định
Tùy theo nghiệp lực của chúng sinh
Phân biệt mình, người do ý thức
Giống như cây cối, lá, cành, thân
Hình sắc mỗi loại đều khác biệt
Nguyên tắc xưa nay không thay đổi
Huống luật vô thường của chúng sinh.
Ví như cây cỏ sinh hoa quả
Đến lúc chín muồi thì rơi rụng
Mạng người dài ngắn cũng như vậy
Sốnq lâu, mạng yểu chết hoàn không.
Tất cả Tiên nhân đời quá khứ
Hằng dạy vô thường lý như vậy
Giả sử sống lâu tám vạn kiếp
Đến lúc vô thường bại hoại tới
Cái chết chắc chắn không nghi ngờ.
Như người các phương đều tự đến
Đồng muốn uống nước một dòng sông
Hoặc ở trên thuyền đến bờ kia
Khi cập bến rồi người mỗi nẻo
Cha mẹ sinh con cũng như vậy
Cùng các quyến thuộc và bằng hữu
Thuở nhỏ tuy đồng sống một nơi
Lớn lên mấy chốc đều xa cách.
Tuy đồng nghiệp quả sống một nhà
Thọ báo khổ vui chẳng giống nhau
Đến khi vô thường nó thôi thúc
Tất cả thân sơ đều vĩnh biệt.
Thái tử nói kệ này rồi, bảo Xa-nặc:
-Do đó, ngươi nay chớ nên đem tâm buồn rầu, quyết định phải trở về. Vì sao? Ngươi nay chỉ vì thương mến Ta không nỡ xa lìa, nên ngươi có thể về triều rồi trở lại tìm Ta. Nếu ngươi khi về đến thành Ca-tỳ-la, thấy hoàng tộc buồn rầu vì Ta, ngươi nên bảo họ: “Này các ngài quyến thuộc trong dòng họ Thích, đối với Thái tử nên cắt bỏ tâm thương nhớ. Vì sao? Vì tôi biết Thái tử có lời thề quả quyết.”
Khi ấy Thái tử trao bài kệ quả quyết cho Xa-nặc:
Giả sử ta nay thân máu thịt
Cùng với lóng, đốt, da, gân mạch
Nghiền nát tất cả không còn chi
Hoặc lại thân mạng không bảo tồn
Ta vẫn không rời trọng trách ấy
Vượt qua biến khổ đến tận nguồn
Nếu chưa giải thoát ta tu mãi
Điều này hiện thực ta mới về.
Xa-nặc nghe lời này rồi, liền đem thân quỳ rạp, tứ chi sát đất, hai tay ôm lấy hai bàn chân Thái tử mà nói:
-Lành thay Thái tử, tôi nay xin hoan hỷ, xin Ngài chớ nói lời thề đau khổ thông thiết như vậy. Thưa Đại thánh Thái tử, tôi có sức mạnh gì, có thần lực oai đức gì có thể khiến Thánh tử trở về nội cung? Nhưng một mình tôi từ đây trở về hoàng cung, chắc quyến thuộc của Thánh tử sẽ đánh đập tôi, hoặc Đại vương Tịnh Phạn, phụ vương của Thánh tử và Di mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề chắc chắn sẽ hỏi tôi: "Ngươi nay đem ném đứa con có giọng nói Phạm thiên nơi xứ nào rồi về đây?"
Lúc ấy Thái tử bảo Xa-nặc:
-Này Xa-nặc, ngươi chớ nói lời như vậy! Chớ nói lời như vậy! Cha mẹ và quyến thuộc của Ta thấy ngươi từ đây trở về một mình hoàn toàn không trách ngươi, vì sao Ta biết như vậy? Vì tất cả thân quyến ta đều thương mến ngươi.
Này Xa-nặc, đứng dậy nhanh lên! Đứng dậy nhanh lên! Những gì ngươi nói từ trước đến giờ, giống như thế này: “Ví như ở đời có người đem lời nói, ý kiến được người ta ưa thích đến nói với họ, thì người này sẽ được ban thưởng.” Ngươi nhất định mau mau trở về hoàng cung, phụ vương Ta thấy ngươi trở về một mình, tinh thần Ngài sẽ tỉnh táo. Nhưng phụ vương Ta thấy Ta bỏ triều đình, nghe nói Ta xuất gia, tâm ngài hết sức đau khổ, phụ vương và tất cả thân quyến của ta đều kêu gào, buồn rầu nghẹn ngào khóc ấm ức, tất cả dân chúng trong thành cũng vì Ta mà sinh khổ não. Tất cả mọi người đang đau khổ khi thấy ngươi trở về, tâm họ vui mừng không ít.
Xa-nặc từ dưới đất đứng dậy, chắp tay lệ nhỏ thành dòng, cất tiếng khóc vang bạch Thái tử:
-Do vậy mà nay tôi muốn đưa Thánh tử trở về hoàng cung, chớ để dòng họ Đại vương tuyệt tự.
Sau khi Xa-nặc từ dưới đất đứng dậy rồi, thì ngựa chúa Kiền-trắc quỳ hai gối trước, đưa lưỡi liếm hai bàn chân Thái tử, đôi mắt rưng rưng lệ trào.
Xa-nặc bạch Thái tử:
-Thưa Đại thánh Thái tử, con ngựa này tuy mang thân súc sinh, còn có lòng thương mến rơi lệ huống nữa là thân quyến của Thánh tử sẽ biết đau khổ dường nào! Cúi xin Thánh tử nhìn thẳng vào con ngựa chúa Kiền-trắc này, nay nó thấy Thái tử không về cung nên hai gối trước nó quỳ xuống, há miệng đưa lưỡi liếm bàn chân Thánh tử, do vì tâm buồn thương nên hai mắt lệ rơi.
Thái tử dùng bàn tay phải màu vàng với những ngón tay màn lưới, mặt trong có những đường chỉ hình bánh xe chữ vạn ngàn căm, đầy đủ công đức trang nghiêm, mềm mại như tàu là chuối non, vuốt ve trên đầu ngựa chúa Kiền-trắc và nói:
-Này Kiền-trắc, nay ngươi đã làm tròn bổn phận, đã gánh vác trách nhiệm nặng nề đưa Ta đến đây. Từ nay trở về sau ngươi trở về triều tự do sinh sống, nay là lần cuối cùng Ta cỡi trên lưng ngươi trải qua dặm đường dài, việc nhờ ngươi chở Ta nay đã hoàn tất. Này Kiền-trắc, ngươi chớ nên sầu não, chớ nên buồn khóc, việc làm của ngươi hôm nay sẽ giúp ngươi trong tương lai được quả báo lớn. Ta nay muốn cầu quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, sau khi chứng đạo quả rồi, sẽ đem pháp cam lộ phân phát cho ngươi.
Rồi Thái tử nói kệ:
Tay hữu Thái tử như màn lưới
Bánh xe chữ vạn hiện ngàn căm
Sắc vàng thanh tịnh tay mềm mại
Vuốt ve đầu chúa ngựa Kiền-trắc
Giống như hai người cùng nói chuyện:
Này ngựa Kiền-trắc đồng ngày sinh
Chớ quá buồn khóc sinh áo não
Bổn phận của ngươi nay đã mãn.
Nếu Ta chứng được pháp cam lộ
Công ngươi chuyên chở Ta thế ấy
Báo đáp ân ngươi hẳn không quên
Sẽ dạy cho ngươi pháp vi diệu.
Bấy giờ Xa-nặc bạch Thái tử:
-Thưa Đại thánh Thái tử, ngày nay ngài ở địa vị một Đại vương, có đầy đủ tất cả ngọc nữ quý báu hầu hạ nơi cung điện và nơi đây tuy đủ thú vui ngũ dục thật tuyệt vời, trong thế gian không ai sánh bằng. Thái tử đã đạt được, tại sao Ngài xả bỏ lạc thú tuyệt vời này, tâm Ngài ưa thích thứ gì mà ở nơi hoang vắng đầy trăm ngàn cầm thú, là nơi có nhiều giặc cướp khủng bố, đi đứng một mình, xa lìa các thứ an vui?
Thái tử bảo:
-Này kẻ hiền Xa-nặc, những điều ngươi nói lý tuy đúng như vậy. Ngươi nay phải lắng nghe Ta, Ta nay sẽ vì ngươi mà giải thích. Ngũ dục thế gian rốt cuộc vô thường, chẳng phải là pháp cứu cánh, không làm cho tâm an ổn, vừa được liền mất nhanh như dòng nước chảy chẳng tạm dừng, như sương trên cỏ chẳng bao lâu liền tan, như nắm tay không phỉnh con nít, như lõi cây chuối không có chân thật, như áng mây mùa thu hiện liền tan, như ánh điện chớp vừa lóe liền mất, như bọt nước nổi thường không được dừng yên, như sống nắng lừa kẻ khát nước.
Rồi Ngài nói kệ:
Các thú vui ngũ dục
Cũng như dao thái thịt
Như mật dính lưỡi dao
Như mượn của người khác
Như khóc người mới chết
Như mộng thấy khoái lạc
Thức rồi tìm không thấy.
Như róc thịt tội nhân
Như trái cây chín muồi
Mấy chốc sẽ rơi rụng
Như người ác đánh đập
Giết hại không từ tâm
Như cắt từng miếng thịt
Sẽ chịu nhiều đau khổ.
Như cầm cây đuốc lớn
Bất cẩn bị đốt thân
Sắc đẹp cõi nhân thiên
Trường cửu thọ ái rồi
Tâm không biết nhàm chán
Được rồi lại mong cầu.
Như người nống khát nước
Uống nhằm phải nước mặn
Cầu các thứ ngũ dục
Chẳng nhàm lìa cũng vậy.
Như vậy người trí tuệ
Muốn lìa các ngũ dục
Như tránh đầu rắn độc
Muốn cầu mạng trường thọ
Như xa lìa độc dược
Cũng như đống lửa lớn
Nếu có kẻ trí tuệ
Nên phải tránh xa nó.
Sinh tử trong các cõi
Tất cả không bền vững
Luôn chuyển biến không dừng
Thế pháp cũng như vậy
Thọ mạng không nhất định
Chắn chắn gặp tử thần
Suy nghĩ như vậy rồi
Chẳng trụ nơi thế gian.
Thái tử nói kệ rồi bảo Xa-nặc:
-Này Xa-nặc, những thú vui ngũ dục có những tai họa như vậy. Này Xa-nặc, vương vị cũng vậy. Do những loạn động tai họa đau khổ như thế, Ta thấy các thứ đó đáng sợ nên quyết định sống nơi rừng núi hoang vu này, cùng ở chung với loài phi cầm tẩu thú, với những bọn giặc cướp khủng bố, đi đứng một mình xa lìa dục lạc, ý Ta thích sống nơi đây, điều này không phải sở nguyện của người. Này Xa-nặc, ngươi nghe Ta nói những lời như vậy rồi, chớ nên trái lại đại sự của ta. Này Xa-nặc, Ta ở trong pháp hạnh như vậy, sẽ khai mở con mắt pháp, ông nên tùy hỷ không được cản trở Ta.
Xa-nặc bạch Thái tử:
-Thưa Đại thánh Thái tử, nếu Ngài đã quyết tâm như vậy, tôi không dám trái lệnh của Thánh tử, sẽ y theo lời dạy của Ngài trở về triều đình.
Thái tử ca ngợi Xa-nặc:
-Hay thay, hay thay! Xa-nặc rất tốt. Ngươi nay thuận theo ý của Ta sẽ được nhiều lợi ích, ông làm được điều lành.
Lúc ấy Thái tử cởi tất cả chuỗi anh lạc trên thân, miệng nói lời thệ nguyện rộng lớn: “Hôm nay đây là đồ trang sức tại gia cuối cùng trên thân Ta. Hôm nay đây là đồ trang sức cuối cùng trên thân Ta.” Cởi ra cầm nơi tay trao cho Xa-nặc, trao rồi căn dặn:
-Này Xa-nặc, ngươi đem chuỗi anh lạc này về trao lại cho quyến thuộc của Ta.
Xa-nặc nhận lấy những chuỗi anh lạc rồi lại thưa Thái tử:
-Bạch Thánh tử, khi tôi trở về hoàng cung đem những chuỗi anh lạc này trao cho quyến thuộc của Ngài, nếu họ lại hỏi tôi: “Này Xa-nặc, hôm nay vì cớ gì ông đem Thái tử của chúng ta tống ra nước ngoài, rồi bỏ đó trở về một mình? Này Xa-nặc, Thái tử Tất-đạt-đa có nhắn chúng ta những lời gì không?” Quyến thuộc của Ngài nếu hỏi tôi những lời như vậy, thưa Thái tử tôi sẽ trả lời thế nào?
Thái tử lại nói:
-Này Xa-nặc, khi ngươi về đến hoàng cung nên thay ta đảnh lễ phụ vương Tịnh Phạn và di mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề của Ta, ngươi chuyển lời hỏi thăm cửa Ta đến các vị kỳ đức trong hoàng tộc. Này Xa-nặc, ngươi nên thay Ta thưa với Phụ vương: “Ngày nay Thái tử hết sức biết ân Đại vương, nhưng Thái tử vì cầu đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác do đó nên tạm biệt Đại vương.”
Ngươi lại đặc biệt thay Ta thưa cùng Quốc đại phu nhân di mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề: “Quốc đại phu nhân không nên vì Thái tử mà quá sầu khổ, Thánh tử nhất định sẽ thành tựu điều lợi ích lớn, rồi sẽ trở về yết kiến lệnh bà, cùng nhau vui vẻ.”
Ngươi lại thay Ta vì tất cả thể nữ trong cung, tất cả đồng tử thiếu niên thân tộc và cùng tất cả quyến thuộc trong hoàng gia chuyển lời thế này: “Ngày nay Thái tử muốn phá màn vô minh hắc ám, sẽ chứng ánh sáng trí tuệ, sau khi Thái tử chứng được trí tuệ sáng suốt rồi, Ngài sẽ trở về thành Ca-tỳ-la.”
Khi ấy Thái tử ở bên Xa-nặc, xách vỏ đao làm bằng ngọc Ma-ni được cẩn bằng bảy báu, tay phải rút thanh đao ra khỏi vỏ, còn tay trái nắm lấy búi tóc xanh biếc màu hoa sen xanh, tay phải cầm thanh đao tự cắt lấy, tay tả cầm búi tóc ném lên hư không.
Trời Đế Thích thấy việc ít có, trong tâm hoan hỷ hớt lấy búi tóc không cho rơi xuống đất, dùng chiếc áo trời tuyệt đẹp đựng lấy búi tóc, rồi chư Thiên đem các thứ quý giá cõi trời cúng dường búi tóc này.
Cùng lúc ấy đại chúng chư Thiên cõi Tịnh cư ném một tràng hoa Tu-mạn-na cách Thái tử chẳng gần mà cũng chẳng xa, tràng hoa này rơi xuống đất thành một thợ cạo tóc, cầm dao cạo đứng cách Thái tử chẳng bao xa.
Thái tử thấy người thợ cạo này và hỏi:
-Này người thợ cạo, ông có thể cạo sạch tóc cho Ta hay không?
Người thợ cạo tóc đáp:
-Thưa Thái tử tôi có thể làm được việc này.
Thái tử nói:
-Nếu ông làm được như vậy, thì nay đúng lúc phải cạo.
Lúc đó vị Hóa nhân cạo tóc, tay cầm con dao bén cạo mớ tóc màu xanh biếc trên đảnh nhục kế, đang khi cạo tóc vua trời Đế Thích cho là việc hy hữu, bèn lấy chiếc Thiên y hứng lấy những sợi tóc vừa cạo không cho rơi xuống đất, thâu hết những sợi tóc vừa cạo ra rồi trở về cõi trời Đao-lợi làm lễ cúng dường. Từ đây chư Tiên nhân đặt thành ngày lễ cúng dường búi tóc Bồ-tát, lễ này đến ngày nay vẫn còn.
Thái tử cởi hết tất cả chuỗi anh lạc trên thân và chiếc thiên quan, cạo bỏ râu tóc rồi, Thái tử lại thấy tự thân còn mặc chiếc thiên y, lại nghĩ chiếc áo này không phải sắc phục của người xuất gia. Người xuất gia ở trong rừng núi, biết có ai có chiếc ca-sa hoại sắc đúng như pháp của người xuất gia cho Ta để Ta ở trong rừng núi mặc đúng như pháp.
Khi ấy chư Thiên Tịnh cư biết tâm niệm của Thái tử, liền hóa hiện làm người thợ săn mặc chiếc ca-sa hoại sắc, tay cầm cung tên lần lần hướng đến trước mặt Thái tử, cách chẳng bao xa bỗng nhiên dừng lại.
Thái tử thấy người thợ săn mặc chiếc ca-sa tay cầm cung tên, liền nói:
-Nhân giả ở núi rừng, người có thể cho Ta chiếc ca-sa của ngươi được không? Nếu người đồng ý Ta sẽ trả lại chiếc thiên y Ca- thi-ca của Ta cho người, chiếc áo này giá trị đến trăm ngàn ức lượng vàng, lại được xông các thứ danh hương chiên-đàn... Người dùng chiếc ca-sa này làm gì? Người có thể lấy chiếc áo Ca-thi-ca quý giá này.
Rồi Ngài nói kệ:
Chiếc áo giải thoát Thánh nhân này
Người cầm cung tên không nên mặc
Người nên hoan hỷ trao cho Ta
Đổi lấy Thiên y người chớ tiếc.
Người thợ săn thưa Bồ-tát:
-Hay thay Tôn giả, tôi nay cho Ngài chiếc áo này thật không lẫn tiếc.
Rồi hóa nhân trao cho Bồ-tát chiếc áo ca-sa và nhận chiếc Ca-thi-ca giá trị trăm ngàn lượng vàng lại được xông các loại hương chiên-đàn nơi Bồ-tát.
Bồ-tát tâm rất vui mừng nhận chiếc ca-sa thầm nghĩ mình hết sức may mắn, liền cởi chiếc áo Ca-thi-ca trên thân trao cho người thợ săn.
Vị hóa nhân do trời Tịnh cư hiện nhận lãnh chiếc áo Ca-thi-ca nơi Bồ-tát, rồi dùng thần thông từ dưới đất bay lên hư không, trong thời gian một niệm trở về cõi Phạm thiên. Vì muốn cúng dường chiếc ca-sa nhiệm mầu này, nên chư Thiên ở trước Bồ-tát thị hiện thần thông phi hành trong hư không. Bồ-tát thấy việc hết sức đặc biệt hy hữu như vậy, tâm rất hoan hỷ, nên đối với chiếc ca-sa hoại sắc lại càng sinh tâm cung kính quý trọng bội phần.
Bồ-tát đã cạo bỏ râu tóc, thân đắp chiếc ca-sa hoại sắc, hình dung hoàn toàn thay đổi, nghi dung nghiêm chỉnh, phát lời đại thệ nguyện: "Ta nay mới thật là chân xuất gia.” Rồi Bồ-tát bảo Xa-nặc trở về, Xa-nặc ra đi nước mắt tuôn trào ướt cả mặt mày. Sau khi Xa-nặc khuất bóng, chỉ còn lại một mình, Bồ-tát thân đắp ca-sa hoại sắc, ung dung tản bộ đến chỗ Tiên nhân Bạt-già-bà.
Xa-nặc cúi thân đảnh lễ dưới hai chân Bồ-tát, nhiễu quanh ba vòng rồi trở về hoàng cung. Xa-nặc đã thấy ý dứt khoát của Bồ-tát không chịu trở về triều đình, lại thêm thân đắp ca-sa, cạo bỏ râu tóc, đầu không đội thiên quan, thân không mặc thiên y quý giá Ca-thi-ca và không còn trang điểm bảo châu anh lạc. Tất cả những thứ như vậy đều không. Xa-nặc thấy như vậy hai tay bứt tóc, miệng than trời trách đất, kêu khóc thất thanh, té nhào xuống đất, hồn xiêu phách lạc, chết giấc hồi lâu rồi mới tỉnh, tỉnh rồi đứng dậy xem kỹ chỗ đất đứng, thấy Bồ-tát bỏ đi, lại càng cất tiếng khóc áo não, hai tay choàng lấy cổ ngựa Kiền-trắc, buồn rầu ấm ức nghẹn ngào than thở khóc vang giây lâu mới dứt. Rồi xét thấy tâm ý Bồ-tát dứt khoát không về, không còn hy vọng, nên lượm anh lạc và y phục, dắt ngựa chúa trở về hoàng thành. Thân Xa-nặc tuy trở về hoàng thành mà tâm người thật không xa lìa Thái tử, nên trên con đường trở về hoàng cung, hoặc có lúc suy nghĩ, hoặc có lúc cất tiếng khóc, hoặc có lúc ngất xỉu té nhào xuống đất, hoặc có lúc đứng yên không tiến bước, hoặc có lúc ngồi yên thương nhớ chẳng vui. Tâm Xa-nặc ôm lấy nỗi buồn áo não, lại thể hiện những trạng thái như vậy, lần hồi về đến thành Ca-tỳ-la.
Con ngựa chúa đi sau Xa-nặc thường ngoảnh đầu nhìn về hướng Bồ-tát cất tiếng hí như kêu Bồ-tát, nước mắt tuôn ướt cả mặt. Trước khi ngựa chúa này ra đi, đầy đủ khí lực vui đùa chạy nhảy, từ khi thấy Bồ-tát cạo bỏ râu tóc, xả tục xuất gia, tâm sinh ưu sầu khổ sở, luôn luôn buồn rầu áo não, thân hình gầy ốm, khí lực suy giảm, dầu cho bây giờ ngựa Kiền-trắc có dùng chuỗi anh lạc trang điểm cũng không thấy có oai thần thế lực, vì tâm buồn rầu xa cách Bồ-tát, thường ngoảnh đầu nhìn lại, đôi mắt lệ trào ướt cả mặt mày, cất tiếng buồn thảm hí vang trên đường, buồn đến nỗi không ăn cỏ uống nước, do đó nên thể lực suy dần, thân hình ốm yếu không thể đi nhanh được, đôi mắt lúc nào cũng đầy ngấn lệ. Khi Bồ-tát cỡi ngựa Kiền-trắc vượt thành đến xứ Di-ni-ca chỉ trong thời gian nửa đêm, còn nay do vì buồn khổ bức xúc, thân hình ốm yếu nên thời gian trở vể mãn tám ngày mới đến thành Ca-tỳ-la.
Có kệ nói:
Bồ-tát ra đi chỉ nửa đêm
Xa-nặc biệt ly dẫn Kiền-trắc
Vì buồn bức xúc mất oai thần
Về đến hoàng cung mất tám ngày.
Phẩm 23: XA-NẶC VÀ NGỰA TRỞ VỀ CUNG
(Phần 1)

Xa-nặc dẫn ngựa Kiền-trắc từ biệt Thái tử trở về, khi đến thành Ca-tỳ-la, mới bước vào thành trông giống như đi trong căn nhà hoang vắng, bao nhiêu hoa viên, suỐi ao, khe rãnh, sông ngòi, vườn cầm thú... ở trong ngoài bốn mặt thành Ca-tỳ-la, vì Thái tử xả tục xuất gia nên ở đây mất hết sức sống, sông hồ khô cạn, cảnh vật điêu tàn.
Tất cả dân chúng lớn nhỏ trong thành Ca-tỳ-la, từ xa trông thấy Xa-nặc dắt ngựa Kiền-trắc trở về hoàng cung mà không thấy Thái tử đâu cả. Do không thấy Thái tử nên cùng nhau thứ lớp theo sau Xa-nặc và ngựa Kiền-trắc đồng hỏi Xa-nặc:
-Thái tử Tất-đạt-đa nay ở đâu?
Lúc đó Xa-nặc nước mắt tuôn trào ướt cả mặt mày, nghẹn ngào không nói nên lời. Đám người thấy vậy kêu la buồn khóc cùng theo bên Xa-nặc và ngựa Kiền-trắc tâm sinh nghi ngờ, vừa đi vừa hỏi:
-Vương tử ngày nay ở xứ nào? Nếu còn ở trong nước thì chúng ta rất vui mừng. Nay tại sao ông bỏ Thái tử về đây một mình?
Xa-nặc vừa đi vừa trả lời:
-Tôi thật không dám bỏ Thánh tử, mà Thánh tử lại trốn bỏ cung điện của mình, cởi bỏ sắc phục thánh triều, ra lệnh đuổi tôi và ngựa Kiền-trắc phải trở về, còn một mình ngài ở lại trong núi sông hạnh xuất gia.
Tất cả mọi người nghe nói như vậy, cho là việc hết sức đặc biệt ít có ở đời, họ cùng nhau ca ngợi việc làm chưa từng có. Mọi người đối diện nhau cùng nói: ‘Thái tử Tất-đạt-đa làm những việc khó làm.” Tất cả mọi người trong thành tuy miệng ca ngợi như vậy mà hai dòng nước mắt vẫn tuôn trào. Lại mỗi người tự trách thân mình: “Ôi! Ngày nay ta sao không thể cùng nhau theo Thái tử xuất gia, ta đến xem đấng thầy cõi trời người sinh hoạt đi đứng cách nào, ta nay thà đến đó, sống theo việc làm của ngài, chớ nên ở nơi đây một ngày xa cách Thái tử mà sống. Vì sao? Vì ngày nay thành này không có Thái tử nên không có oai thần và thế lực. Thành này do không có Thái tử, cho nên vắng lặng trống không so với cánh đồng hoang vu không khác. Chỗ ở rừng rú kia do có sức oai thần và thế lực của ngài, tuy là cảnh đầm ao núi rừng mà lại như xóm làng không khác.”
Có kệ nói:
Dân chúng trong thành nghe nói thế
Ca ngợi việc rất ít có thay
Thành này đã trở nên đồng vắng
Nơi có Thái tử như quốc thành.
Bấy giờ ngựa chúa Kiền-trắc hí vang, tất cả dân chúng ở tại nhà của mình nghe tiếng ngựa Kiền-trắc hí, tất cả dân chúng và bao nhiêu thể nữ ở trong hai cung đều suy nghĩ thế này: “Hẳn Thái tử trở về nội thành”, nên dân chúng và thể nữ, hoặc có người mở cửa sổ, hoặc có người vén rèm cửa lớn, tâm rất hồi hộp vui mừng, đưa mắt nhìn xa mong thấy được Thái tử. Dân chúng và thể nữ chỉ thấy ngựa chúa Kiền-trắc và Xa-nặc biệt ly Thái tử trở về một mình, thấy vậy mọi người đóng cửa vào trong phòng kêu khóc thảm thiết.
Thuở ấy Đại vương Tịnh Phạn vì thương nhớ Thái tử khổ não bức xúc thân tâm, suy nghĩ tìm cách nào để gặp được Thái tử, nên vào trai đường giữ giới thân tâm thanh tịnh tu hành khổ hạnh, ưu sầu khổ não, ngày đêm trong tâm cầu khẩn chư Thiên, chư Thần, tìm đủ phương tiện nhân duyên cầu mong gặp được Thái tử để khuây khỏa nỗi lòng.
Khi đó Xa-nặc khổ não ưu sầu buồn khóc lệ nhỏ như mưa, tay dắt ngựa Kiền-trắc, tay bưng mũ ngọc vô giá cùng các chuỗi anh lạc trang sức trên mình Thái tử bước vào trong cung Tịnh Phạn, giống như kẻ cận vệ Thái tử ở ngoài chiến trường về báo tin Thái tử bị sát hại. Xa-nặc đem chuỗi anh lạc trở về vương cung giống như vậy. Người nô bộc Xa-nặc ly biệt Thái tử, đem ngựa cùng y phục ngọc ngà quý giá về, nước mắt như mưa bước vào cung điện Đại vương cũng lại như vậy.
Khi Xa-nặc bước vào trong cung, con ngựa Kiền-trắc ở ngoài cửa cung bốn chân giậm trên đất miệng hí vang. Những người hầu hạ nơi nằm ngồi của Thái tử tưởng Thái tử trở về, nên muốn vào trong cung để chiêm ngưỡng Thái tử nhưng không thấy Thái tử đâu cả, buồn khóc nước mắt như suối, có kẻ ở chỗ đông người mà nói những điều khổ não.
Những loài chim ở trong cung của vua Tịnh Phạn như Khổng tước, Anh vũ, Sáo, Mạng mạng, Câu-sí-la... những chim này nghe tiếng hí của ngựa Kiền-trắc, cũng cho rằng Thái tử trở về hoàng cung, chúng rất vui mừng cất tiếng hót hòa dịu thánh thót.
Tất cả bầy ngựa của Đại vương ở trong chuồng, khi nghe tiếng hí của con Kiền-trắc vang lên như vậy, cũng cho rằng Thái tử trở về hoàng cung, tất cả đều vui mừng hí vang.
Thể nữ trong cung Đại vương nhiều đến trăm ngàn, như Ma-ha Ba-xà-ba-đề... Lại số thể nữ trong cung Thái tử lên đến sáu vạn người, như Đại phi Da-du-đà-la... họ đều nhớ nghĩ Thái tử hết sức ưu sầu, nước mắt ướt cả mặt mày, không còn nghĩ đến dung nhan, thân thể không tắm rửa dơ bẩn, không trang điểm y phục, cởi bỏ tất cả chuỗi anh lạc đẹp đẽ, buồn rầu áo não tâm trí chẳng an, hoặc có kẻ khóc người than, hoặc có người đang ngồi tưởng nhớ, bỗng nghe tiếng hí của con ngựa Kiền-trắc, cùng nhau nghĩ rằng: ‘Tiếng hí của ngựa Kiền-trắc to như vậy, quyết định Thái tử trở về, không còn nghi ngờ gì nữa.” Mọi người nghe tiếng ngựa Kiền-trắc, tâm rất hớn hở, do vì khát ngưỡng muốn trông thấy Thái tử nên Ma-ha Ba-xà-ba-đề, Da-du-đà-la... số thể nữ nhiều đến trăm ngàn, đều từ nơi phòng mình hoặc ở trên lầu, hoặc trong cung điện, hoặc trong phòng, bỗng vội vã cùng nhau đứng dậy chạy đến nơi Xa-nặc và ngựa Kiền-trắc, nhưng thể nữ chỉ từ xa trông thấy Xa-nặc và ngựa Kiền-trắc ly biệt Thái tử trở về hoàng cung một mình. Thấy vậy, họ hai tay bứt lấy đầu cổ, miệng kêu khóc nước mắt đầy mặt, miệng ca ngợi những đức tính của Thái tử.
Có kệ nói:
Các hàng thể nữ tâm đau khổ
Khát ngưỡng trông mong Thái tử về
Bỗng chỉ thấy Xa-nặc, Kiền-trắc
Lệ nhỏ tràn đầy cất tiếng khóc
Không dùng anh lạc, y phục đẹp
Đầu tóc rối bù thân gầy ốm
Hai tay ôm đầu hết hy vọng
Kêu khóc không ngủ suốt canh thâu.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 60 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Hạ


Các bài tiểu luận về Phật giáo của Trần Trọng Kim


Học đạo trong đời


Kinh Phổ Môn

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.17.193 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập