Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác.
Kinh Đại Bát Niết-bàn
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi.
Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phẩm 14: MẶC THƯỜNG PHỤC ĐƯỢC VỢ
(Phần 2)
Sau khi Phật thành đạo, Tôn giả ưu-đà-di bạch Phật:
-Con chưa rõ, cúi xin Thế Tôn chỉ dạy, thuở trước khi ngài còn tại gia, ngài có nhân duyên gì với nàng con gái dòng họ Thích Cù-đà-di, khiến nàng ta bỏ năm trăm đồng tử khác chỉ chọn lấy một mình ngài làm chồng với nỗi lòng hân hoan như vậy?
Đức Phật bảo Ưu-đà-di:
-Này Tôn giả ưu-đà-di, ông phải lắng nghe, chẳng phải một đời này nàng Cù-đà-di không ưa thích các đồng tử mà chỉ ưa thích ta, cho đến trong đời quá khứ cũng vậy.
Tôn giả ưu-đà-di liền bạch Phật:
-Cúi xin Thế Tôn vì con nói việc này, con rất muốn nghe.
Lúc ấy, Đức Thế Tôn bảo ưu-đà-di:
-Ta nhớ thuở quá khứ dưới chân núi Tuyết sơn, có vô lượng vô biên các đàn thú, cùng nhau quây quần đi kiếm mồi, trong bầy thú này có một con cọp cái, thân hình cân đối ít có con nào khác sánh bằng, khoác lên mình một bộ lông óng ánh tuyệt đẹp, trong bầy thú không có con nào sánh lại. Hổ cái ở trong vô số loài thú muôn tìm một con đực kết nghĩa bạn đời. Các thú đực biết vậy đều nói: Người gọi thì ta đến, người gọi thì ta đến. Lại có các con thú khác cùng nhau thảo luận: Các người phải chờ đợi không được tranh giành, để xem thử con hổ cái này chọn ai làm chồng, người đó sẽ là vua của chúng ta.
Lúc bấy giờ trong bầy thú có một con trâu chúa, hướng đến trước mặt hổ cái nói kệ cầu hôn:
Người đời đều lấy phẩn của ta,
Trát tô lên đất cho sạch sẽ.
Hiền thục đoan trang vì cớ ấy,
Cần phải lấy ta làm phu quân.
Hổ cái nói kệ trả lời:
Vai cổ của người thật cao lớn
Chỉ giỏi kéo xe và cày ruộng.
Thân hình xấu xí không biết phận.
Bỗng dưng lại muốn làm chồng ta.
Tiếp theo lại có một đại bạch tượng đến trước hổ cái nói kệ cầu hôn:
Bậc đại tượng vương nơi núi Tuyết
Sức ta chiến đấu thắng mọi loài.
Thế lực oai hùng to như vậy,
Nay nàng nào ngại kết hôn nhân.
Hổ cái nói kệ đáp:
Ngươi nếu thấy nghe sư tử chúa
Kinh hồn rớt mật bôn ba chạy,
Tung phân vãi tiểu cút một hơi
Tư cách nào đâu tác phu chủ.
Lúc ấy, trong đàn thú có một con sư tử chúa, hướng đến trước mặt hổ cái nói kệ cầu hôn:
Người nay quán sát dáng mạo ta,
Phần trước nở nang thân sau thon,
Sống đời ngang dọc tại sơn lâm,
Lại hay bảo vệ nòi giống khác.
Chúa tể các loài chính là ta,
Không có một ai dám địch lại,
Hễ ai thấy mặt và nghe tiếng,
Thảy đều bỏ chạy chẳng dám nhìn.
Ta nay dũng mãnh sức như thế,
Oai thần vĩ đại khó nghĩ bàn,
Như vậy thục nữ nên phải biết,
Nàng nay có thể làm vợ ta.
Hổ cái đối trước sư tử chúa nói kệ trả lời:
Hết sức dũng mãnh thật oai thần,
Thân thể hình hài đều đoan chánh,
Như vậy ta nay chọn được chồng,
Hết lòng tôn thờ và quý trọng.
Con sư tử chúa trong các loài thú thuở ấy, là thân ta ngày hôm nay; hổ cái lúc ấy, nay là nàng Cù-đà-di; còn bầy thú kia nay là năm trăm đồng tử. Lúc ấy hổ cái ghét các thú khác không ưa thích, nghe sư tử nói kệ liền xin làm vợ; đến ngày nay cũng vậy, nàng Cù-đà-di bỏ năm trăm đồng tử dòng họ Thích vì không ưa thích họ, chỉ nhận lấy ta làm chồng.
Bấy giờ Đại vương Tịnh Phạn vì Thái tử chia thể nữ làm ba hạng để hầu hạ trong khi Thái tử an nghỉ:
Hàng cung nữ thứ nhất, gồm các thể nữ hầu hạ Thái tử lúc đầu hôm.
Hàng cung nữ thứ hai, gồm các thể nữ cung phụng Thái tử lúc nửa đêm.
Hàng cung nữ thứ ba, gồm các thể nữ hầu hạ Thái tử lúc cuối đêm.
Hàng cung nữ thứ nhất, có tất cả hai vạn thể nữ đứng hầu hạ chung quanh, mà nàng Da-du là người đứng đầu.
Hàng cung nữ thứ hai, người đứng đầu là Ma-nô-đà-la (nhà Tùy dịch là Ỷ Trì, các Sư khác lại nóiễ' Phi Ý Trì này chỉ nghe tên, trong hiện tại cũng như quá khứ không thấy các sự tích).
Hàng cung nữ thứ ba, nàng Cù-đà-di là người đứng đầu. Tổng cộng số thể nữ hầu hạ Thái tử là sáu vạn người. (Có Sư khác lại nói, tất cả số thể nữ hầu hạ Thái tử gồm có mười vạn người, chia làm ba cung. Trong đó hai vạn thể nữ thuộc giai cấp Sát-đế-lợi dòng họ Thích, tám vạn còn lại đều gồm con gái các dòng họ khác).
Đại vương Tịnh Phạn nhớ lại lời tiên đoán của Tiên nhân A-tư-đà, nên ở nội cung lại lập thêm một cung điện đặc biệt hết sức nguy nga, cao vút vượt lên trên các cung khác, tựa hồ như đám mây lơ lửng trong đêm trăng thu, được cấu trúc bằng các loại đá quý quá sức tưởng tượng. Lan can, lối đi đều hết sức bằng phẳng ngay ngắn không nghiêng lệch. Vì sao? Vì nhà vua sợ Thái tử dạo chơi mọi nơi, thấy điều bất như ý xảy ra. Cung điện thích hợp mọi thời tiết, để Thái tử ở trong đó vui chơi thọ hưởng khoái lạc.
Đại vương lại ra lệnh các thể nữ trong cung phải tạo đủ âm thanh xuất sắc, mỗi loại nhạc cụ phải đến hàng ngàn cái. Số nhạc cụ trong cung gồm có: Một ngàn đàn không hầu, một ngàn đàn tranh, một ngàn đàn cầm năm dây, một ngàn tiểu cổ, một ngàn đàn trúc, một ngàn trương cầm, một ngàn đàn tỳ bà, một ngàn trống cơm, một ngàn trống lớn, một ngàn ống địch, một ngàn ống sênh, một ngàn chụp chõa, một ngàn ống tiêu, một ngàn kèn loa, một ngàn ống sáo, một ngàn tù và.
Tất cả nhạc khí như vậy, mỗi loại phát ra một ngàn âm thanh khác nhau, hòa hợp với một ngàn giọng hát cùng với một ngàn điệu múa khác nhau. Ngày đêm trong cung điện, tiếng ca hát hòa lẫn âm nhạc cùng điệu múa luôn luôn tiếp tục không bao giờ dứt, giống như từ đám mây lớn phát ra âm điệu trầm bổng du dương.
Như vậy, Thái tử ở giữa trăm ngàn thế nữ tuyệt thế giai nhân luôn luôn hầu hạ kề bên, với sự hầu hạ cung phụng, cung cấp đủ mọi thứ, mặc tình thọ hưởng khoái lạc. Tất cả thế nữ dùng đủ thứ chuỗi anh lạc trang sức trên thân, lại dùng các vòng xuyến bằng vàng bạc bảy báu, đeo nơi cổ tay để tạo ra những âm thanh vi diệu, giống như vua trời Đế Thích vui chơi với ngọc nữ chư Thiên. Cùng nhau ca múa vui đùa, duyên dáng thùy mị, giọng nói ngọt ngào, cùng nói cùng cười, choàng nhau ca hát, đưa mắt tỏ tình, hoặc nghiêng mình liếc nhìn bốn phía, hoặc ngoảnh cổ nhìn lại sau lưng, khéo tô son kẻ mặt, uyển chuyển trông thật kiều diễm, phục sức toàn hàng the lụa đủ năm màu sặc sỡ. Bốn bên Thái tử đều là tuyệt thế giai nhân, có sức hấp dẫn quyến rũ vô cùng, làm cho Thái tử thích thú vui chơi, chẳng cần phải viễn du thưởng ngoạn cảnh vật bên ngoài, giống như trời Đế Thích vui đùa với ngọc nữ chư Thiên. Đúng như vậy! Như vậy! Thái tử ở trong lòng mỹ nữ thọ hưởng ngũ dục, thậm chí trong số thế nữ có những nàng rất rành tâm lý trong thú vui ngũ dục, đã làm cho Thái tử mải mê vui đùa, không còn thì giờ nghĩ đến việc du ngoạn ngoài thành.
Đại vương muốn tăng thêm phước đức cho Thái tử, thành lập pháp tu khổ hạnh, bài trừ tất cả ác pháp tà kiến, làm tất cả việc lành, như bố thí của cải, tu các pháp khổ hạnh, tạo đủ các phước nghiệp, để đem các thiện căn này hồi hướng cho Thái tử được tăng trưởng công đức, nguyện Thái tử đừng xuất gia.
Do vậy có kệ nói:
Đại vương tăng phước cho Thái tử,
Bởi lời tiên đoán A-tư-đà.
Điều phục khổ hạnh bỏ điều tà,
Thường cùng trí nhân ngồi suy nghĩ.
Như vậy, Thái tử ở trong cung Phụ vương mặc tình vui chơi thọ hưởng khoái lạc. Chỉ riêng một mình Thái tử hưởng đủ năm thứ dục lạc, thời gian dần dà trôi qua đã mười năm chưa từng ra khỏi thành.
Thuở ấy về phương Nam có một quốc gia tên là Ma-già-đà, Đại vương cai trị nước này thuộc họ Thiên-liên-ni tên Tần-bà-sa-la, trong tâm luôn luôn lo sợ giặc thù xâm chiếm, nên thường nhóm họp quần thần cùng nhau thảo luận, Đại vương tuyên bố:
-Này chư quần thần, khi các khanh ra vào đi về, nên thường quan sát trong ngoài cảnh giới quôc gia, chớ để một kẻ nào đến chiến thắng ta, nếu họ chiến thắng, e họ đoạt mất vương vị.
Liền khi đó quần thần phái hai người đi tuần canh biên phòng quốc gia. Khi hai người này nhận sắc lệnh nhà vua, liền đi quan sát trải qua từ trong nước cho đến địa đầu biên giới các lân bang, sự tuần hành đã gần giáp vòng, lúc ấy hai quan tuần biên giới nghe có người nói:
-Từ đây hướng về phương Bắc có một dãy núi hùng vĩ, thế núi cao vút tên là Tuyết sơn, dưới chân núi có một dòng họ Thích-ca là một chủng tộc hùng mạnh, rất nhiều quyến thuộc giàu có cao sang đầy đủ oai thế, cao quý nhất trong thiên hạ, vừa sinh được một Đồng tử, khi sinh ra xuất hiện nhiều điềm lành, hình dung tuấn tú khôi ngô, đầy đủ ba mươi hai tướng đại Trượng phu và tám mươi vẻ đẹp. Ngày sinh ra Đồng tử có nhiều quốc sư Bà-la-môn đến xem tướng, họ tiên đoán: “Đồng tử này có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp phân minh rõ ràng, ngày nay nếu Đồng tử ở tại gia sẽ làm Chuyển luân thánh vương, thống trị bốn châu thiên hạ, đem mười pháp lành giáo hóa dân chúng, vô số bảy báu, không dùng thế lực quân sự mà các nước quy phục; còn nếu xuất gia sẽ thành Phật đầy đủ mười hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác... Rồi Ngài sẽ thuyết diệu pháp phạm hạnh thanh tịnh cứu độ chúng sinh.”
Sau khi hai quan tuần hành đi giáp vòng rồi trở về triều, đến trước Đại vương Tần-bà-sa-la tâu đầy đủ mọi việc từ đầu... đến thuyết diệu pháp phạm hạnh thanh tịnh cứu độ chúng sinh, như đã nói ở trên. Do vậy hai vị ấy xin Đại vương, trên từ vua quan, dưới cho đến ấu niên phải mau mau khởi binh tiêu diệt Đồng tử, để dứt hậu hoạn đến chiếm vương vị của Đại vương.
Vua Tần-bà-sa-la nước Ma-già-đà nghe lời tâu như vậy rồi, liền bảo hai sứ giả:
-Hai khanh chớ nói lời như vậy, vì sao? Nếu đúng như lời hai khanh nói, dầu cho Đồng tử kia nhất định làm Chuyển luân thánh vương, đem chánh pháp cai trị giáo hóa dân chúng, ta chừng ấy tùy tùng tuân phục kính thờ, nương oai thần của ngài ta hưởng cảnh an vui, an ổn cai trị dạy dân; nếu Đồng tử xuất gia sẽ thành Phật, ngài đem lòng từ bi thương xót cứu độ chúng sinh, chừng ấy chúng ta thọ giáo pháp làm đệ tử Thanh văn, Nay ta xét hai nhân duyên quả báo phước đức, không nên khởi tâm hưng binh sát hại Đồng tử.
Bấy giờ, Đại vương Tịnh Phạn, đối với cung điện của Thái tử, cho xây dựng thêm thành lũy chung quanh chỉ chừa một cửa, mang tên là thành Dã thú, cánh cửa thành được đặt một chốt máy, khi mở hay đóng cửa, phải dùng đến năm trăm người cùng nhau hợp lực mới mở hay đóng cửa được, tiếng động đóng mở cửa vang dội nửa do tuần. Lớp thứ hai của cung điện cũng chỉ có một cửa và cũng có chốt máy để mở hay đóng, khi mở đóng phải cần đến ba trăm người, tiếng mở đóng cửa vang dội một Câu-lô-xá. Cho đến tọa điện của Thái tử ở trong cùng của cung điện cũng chỉ có một cửa và cũng đặt chốt máy, khi mở đóng cần đến hai trăm người, ở thế gian không có cửa nào sánh bằng, tiếng đóng mở cửa vang dội đến nửa Câu-lô-xá.
Bên trong, bên ngoài ba cửa đều có rất nhiều tráng sĩ, thân mặc áo giáp dũng mãnh tinh nhuệ, tay cầm nhiều loại binh khí khác nhau, như: Cung tên, búa, mác, trường kiếm, chĩa ba, côn sắt, thiết luân, đấu luân, dáo, xà mâu... đứng phòng vệ cẩn mật, trông thật oai hùng. Vì nhà vua sợ Thái tử xa lìa thê thiếp, vượt thành xuất gia, trốn vào trong rừng núi tu hành. Phẩm 15: TIẾNG KÊU GỌI LÌA BỎ NĂM DỤC TRÊN HƯ KHÔNG
Bấy giờ, trên hư không có một Thiên tử tên Tác Bình, thấy Thái tử đã trải qua mười năm trong cung thọ hưởng thú vui ngũ dục, nên suy nghĩ: ‘Bồ-tát Hộ Minh đã buông thả nhiều năm trong cung điện, thọ hưởng thú vui ngũ dục, nhất định tham đắm ngũ dục, tâm tình phóng dật sa ngã hoang mê, thời gian một trăm năm mau chóng, nó chẳng đợi người, Bồ-tát Hộ Minh nay phải tỉnh giác, sớm xa lìa ngũ dục, xuất gia tầm đạo, nay ta trước chẳng chỉ các cảnh giới phải nhàm chán xa lìa, thì chắc chắn Thái tử đam mê, chưa chịu tỉnh ngộ phát tâm Bồ-đề. Ta nay phải tán trợ công đức xuất gia, để ngài thành tựu quả Bồ-đề, nên nửa đêm Thiên tử Tác Bình nói kệ:
Mình bị trói muốn mở trói người,
Như kẻ mù dẫn đám tối mắt.
Mình khỏi trói mới mở trói người,
Như kẻ sáng mắt mới dẫn đường.
Hay thay Tôn giả nay tráng kiện,
Mau phải xuất gia nguyện viên thành.
Đem lại lợi ích cõi trời, người,
Hành giả nếu chẳng lìa ngũ dục,
Lục trần chìm đắm cảnh khó qua,
Chỉ có xuất thế thành đại trí,
Mới hay lìa bỏ ngũ dục này,
Do vậy nhân giả nay nên tránh,
Phiền não chúng sinh nhiều đau khổ,
Nhân giả nên làm đại lương y,
Ban nhiều thần dược phép nhiệm mầu.
Mau đến Niết-bàn bờ giải thoát,
Bóng tối vô minh cảnh tối tăm,
Lưới tà quấn chặt lấy chúng sinh
Mau thắp ngọn đèn đại trí tuệ,
Sớm giúp tỏ mắt được trời người.
Thiên tử Tác Bình ở trên hư không nói kệ này rồi, do oai thần nhân duyên khuyến phát, cảm thông đến sức phước đức thiện căn đời trước của Thái tử, khiến cho tất cả tiếng ca hát và âm nhạc của thể nữ trong cung chẳng thuận với thú vui ngũ dục, lại phát ra Âm thanh tín giải vi diệu diễn tả cảnh Niết-bàn, tự nhiên phổ ra lời kệ:
Pháp thế gian vô thường
Thí như mây phát chớp.
Tôn giả nay đúng lúc,
Nên bỏ tục xuất gia.
Tất cả pháp vô thường,
Như đồ ngói bình chén,
Như đồ mượn của người,
Như đất khô đem đắp,
Chẳng bao lâu lại sập,
Như vách bùn mùa hạ,
Như cát hai bờ sông,
Duyên sinh chẳng mấy chốc,
Như lửa của ngọn đèn,
Sinh ra rồi lại diệt.
Như gió chẳng tạm dừng,
Vùn vụt chẳng đứng yên.
Luôn luôn không chân thật,
Ví như lõi cây chuối.
Huyễn thuật dối mắt người,
Tay không phỉnh con nít.
Tất cả pháp sinh ra,
Đều do nhân duyên hiện,
Mỗi pháp do nhân duyên,
Kẻ ngu không hiểu biết.
Ví như người se dầy,
Tay, cây làm nhân duyên.
Như hạt nẩy mầm non,
Bỏ hạt mầm chẳng có,
Lìa nhân duyên chẳng thành,
Chẳng thường chẳng vô thường.
Các pháp do si sinh,
Pháp chẳng trụ vô mình.
Vô minh chẳng phải pháp,
Xưa nay tánh vắng lặng,
Pháp sinh diệt vô thể,
Như ấn in thành dấu.
Chẳng pháp chẳng lìa pháp
Các hành cũng như vậy.
Như mắt chẳng lìa cảnh,
Nhờ mắt cảnh sinh thức,
Ba thứ chẳng lìa nhau,
Ba thứ cũng chẳng thật.
Pháp tịnh, pháp bất tịnh,
Do thức phân biệt sinh.
Phân biệt điên đảo thành,
Tất cả do thức hiện.
Nếu có người trí tuệ,
Tìm kiếm gốc sinh thức,
Biết nó không trụ xứ,
Biết ngã như huyễn mộng,
Hai củi cọ ra lửa,
Nhân thứ ba là tay,
Nếu không ba nhân này,
Thì không thể có lửa.
Nếu người trí suy tìm,
Lửa cũng không xứ sở.
Tìm lửa khắp mọi nơi,
Chẳng thấy nơi xuất hiện.
Tất cả ấm, giới, nhập,
Do nghiệp tham, si sinh
Chúng sinh nhân hòa hợp,
Chân như không chúng sinh.
Nhân yết hầu, môi, lưỡi
Mà phát ra tiêng nói
Tiếng không phải yết hầu
Cũng không lìa duyên ấy.
Do các duyên hòa hợp
Phát tiếng theo ý muốn
Tiếng không ở tại ý
Cũng không có hình sắc
Chỗ sinh và chỗ diệt
Người trí tìm chẳng được,
Sở quán đều vắng lặng
Tiếng nói như âm vang.
Nhân gỗ, nhân các dây
Trí người, ba duyên hợp,
Đàn không hầu phát tiếng
Ba chỗ tìm không thấy.
Nếu người có trí tuệ
Tìm chỗ có tiếng đàn
Tìm khắp các phương hướng
Không thấy chỗ của tiếng.
Do nhân và các duyên
Các pháp sinh như vậy.
Người thông hiểu đúng đắn
Nên quán Không như thế.
Ấm, nhập và các giới
Trong ngoài đều vắng lặng
Tìm Ngã khắp mọi nơi
Như hư không vô hình.
Tướng các pháp cũng vậy
Ngài nơi Phật Định Quang
Xưa kia đã chứng biết
Nay vì trời người dạy
Vì phân biệt điên đảo
Bị lửa dục thiêu đốt,
Nên nổi mây từ bi
Tuôn mưa pháp cam lộ.
Nhớ xưa trải ức kiếp,
Bố thí và trì giới,
Ngài đắc đạo Vô thượng
Thánh tài ban thế gian
Ngài nhớ đời quá khứ
Thánh tài cho kẻ nghèo
Vì dùng Thánh tài nhiếp
Điều Ngự không tham tiếc
Ngài xưa trì tịnh giới,
Dù nghèo, không trộm cắp
Nguyện mở cửa cam lộ,
Vì chúng sinh thuyết pháp.
Nhớ lại hạnh thuở xưa
Nên đóng cửa địa ngục,
Khéo mở đường giải thoát,
Tâm nguyện thành giới hạnh.
Quá khứ tu nhẫn nhục
Nghe tiếng người mắng chửi,
Vì lập hạnh nhẫn nhục
Quán các pháp đều không.
Vì nhớ lại hạnh xưa
Thế gian sân hận nhiều
Dạy trụ hạnh nhẫn nhục
Đừng bỏ nguyện lực ấy.
Ngài xưa hành tinh tấn
Chứng đắc trí vô ngã
Ở trong biển phiền não
Đưa chúng đến bờ kia.
Nhớ chí nguyện thuở xưa
Nhổ bốn khổ cho người
Ra sức đại tinh tấn
Độ thoát các ách nạn.
Quá khứ tu tập thiền
Vì dứt các phiền não
Người chưa điều phục căn
Dạy cho họ điều phục
Ngài nghĩ lại quá khứ,
Thương người còn phiền não.
Các tuệ đều vắng lặng,
Điều phục căn loạn động.
Ngài xưa tu trí tuệ,
Nguyện phá bóng vô minh.
Thương kẻ bị vô minh,
Mở bày mắt chân thật.
Ngài nghĩ lại thuở xưa,
Phiền não phủ chúng sinh.
Chiêu ánh sáng thanh tịnh,
Trí tuệ ngài tối thắng.
Vì thương các chúng sinh,
Phương tiện dạy giải thoát.
Lửa sinh lão bịnh đốt ba cõi,
Đói khát bức xúc chưa từng nghỉ,
Ngài vì thế gian làm cầu lớn,
Đưa người về đến bờ giải thoát.
Chúng sinh lưu chuyển biển phiền não,
Ví như mọt nọ trong ống tre,
Ba cõi luân hồi tợ mây thu,
Qua lại lên xuống không thôi dứt,
Cũng như ảo thuật nơi sân khấu,
Giống dòng nước chảy ngoài khe núi,
Chúng sinh lão bịnh chẳng khác nào.
Hoặc sinh trời, người, ba đường ác,
Si dục các cõi chẳng tự do,
Lăn lóc năm đường không hay biết,
Ví như thợ gốm xoay vòng lửa,
Ngũ dục nơi nơi buộc lấy mình.
Ví như chìm trời sa vào lưới,
Như thú mắc bẫy người thợ săn.
Kẻ tham tiền của không biết đủ,
Như cá đớp mồi dính lưỡi câu,
Cạnh tranh phẫn nộ kết oán thù,
Tiêm nhiễm phiền não thọ các khổ.
Tai họa ngũ dục như dao bén,
Cũng như bình đẹp chứa độc dược,
Cần nên xa tránh như phẫn uế,
Tham lam luyến ái mất chánh tâm,
Nguyên nhân tiếp tục sinh các cõi,
Ái dục tăng trưởng chưa từng dứt.
Cảnh giới sáu trần phừng phực cháy,
Khác nào cỏ khô gặp đống lửa,
Chóng tình xa lìa sớm xuất gia.
Người trí quán sát cảnh ngũ dục,
Đáng sợ dường như hầm lửa lớn,
Cũng như khối thịt trên dao thớt.
Người chìm đầm lầy cũng như vậy,
Như lưỡi liếm mật trên dao bén,
Như đụng đầu rắn và giặc thù,
Thánh nhân quán dục cũng như vậy.
Như tên như mác như dao kiếm,
Như thịt trúng độc chẳng dám ăn,
Tất cả oán thù, dục trên hết,
Ngũ dục giống như trăng đáy nước,
Như bóng trong gương, vang hang núi,
Như cảnh sân khấu của huyễn sư,
Như trong cảnh mộng thấy vui buồn,
Kẻ trí thấy dục cũng như vậy.
Các pháp thế gian giả dối luôn,
Sợ sệt không thể được tự tại,
Thí như sóng nắng nào có thật,
Cũng giống bọt nước nổi trên sông.
Các việc như thế do phân biệt,
Người trí quán sát như vậy cả.
Phàm người đời đang tuổi thanh xuân,
Thể lực dồi dào ưa ngũ dục,
Đến lúc tuổi già râu tóc bạc,
Bị chúng phụ bạc như sông khô.
Giàu sang phú quý nhiều phóng dật,
Những người như thế đầy tham dục,
Về sau hết của khổ bần cùng.
Không được thản nhiên bỏ ngũ dục,
Như cây nặng trĩu quả cùng hoa,
Mọi người đua nhau đến tranh hái.
Người thích phung phí cũng như vậy,
Bị người đến lấy không chán nhàm.
Đến lúc tuổi già của hết sạch,
Khất cầu người khác chẳng ai cho,
Giàu sang sắc đẹp thân tráng kiện,
Người thích kết giao cùng chơi bời
Của hết đi xin người chẳng đoái,
Tuổi già lưng gù tay chống gậy.
Như cây bị ngã không ai thích,
Đáng sợ như vậy cảnh già nua,
Ngài mau xuất gia cầu Chánh giác,
Sau khi thành đạo vì người nói,
Già bịnh ốm gầy hại chúng sinh.
Như dây sắn bám quanh đại thọ,
Thân già sức yếu hết siêng năng,
Khô gầy bại hoại như cây mục,
Cảnh già đoạt mất vẻ đẹp xinh,
Nhan sắc tươi hồng hóa nhãn nheo,
Già biến hoa tươi thành hoa héo.
Dục lạc cướp vui khiến mất vui,
Già chiếm sức lực đưa đến chết,
Các bệnh hiện như nai sa hầm,
Ngài thấy thế gian trăm thứ bệnh,
Mau dùng phương tiện pháp giải thoát.
Giống như trời đông mưa bão tuyết,
Cây nhào cành gãy thân tả tơi,
Người đời già bịnh nhiều thứ hiện,
Các căn suy thoái cũng thế thôi,
Già đến khiến người kho lẫm hết,
Người đời sợ già hơn các khổ,
Mạng chung thần thức quỷ dẫn đi.
Như mặt trời lặn không còn thấy
Mạng chung làm người rời ân ái,
Khiến người ghét sợ chẳng muốn nhìn,
Chỉ muốn cùng người ân ái hiệp,
Bỗng như lá rụng vào dòng nước,
Chết đến khiến người không tự chủ.
Thần thức như cỏ bị nước trôi,
Thác sinh cõi khác không bạn hữu,
Theo nhân tác nghiệp thọ báo thân,
Quỷ bắt nuốt hồn vô lượng chúng.
Như cá Ma-kiệt nuốt tàu buôn,
Như chim cánh vàng nuốt rồng lớn,
Như lửa hồng đốt đầm cỏ khô,
Khổ não như vậy bức xúc người.
Đại sĩ thuở trước phát nguyên lớn,
Nhớ lại bản nguyện nay đã đến,
Nên phải xả dục kíp xuất gia.
Nhớ xưa tu bố thí,
Giới nhẫn và tinh tấn,
Thiền định cùng trí tuệ,
Vì người chẳng vì mình.
Đến kiếp này nguyện mãn,
Xuất gia gấp cứu người.
Ngài xưa thí của quý,
Vàng bạc và anh lạc,
Thường lập hội Vô già,
Tùy theo nhu cầu thế.
Xin con ngài cho con,
Muốn cháu ngài cho cháu,
Xin vợ ngài cho vợ,
Xin vua ngài nhường ngôi,
Xin của không trái ý.
Khi xưa ngài làm vua,
Tên là Đại Văn Đức.
Lại vua đầy phước đức,
Tên Ni-dân-đà-la.
Lại vua A-tư-đà,
Lại vua tên Sư Tử,
Tất cả hàng vua này,
Bố thí ngàn của quý.
Xưa lại có Đại vương,
Tên Thường Tư Chư Pháp
Lại vua đầy phước đức,
Tên là Chân Thật Hạnh,
Các vua tư duy pháp.
Thuở xưa có Đại vương,
Siêng năng tên Văn Nguyệt,
Lại sinh một vương tử,
Quý danh Phước Nghiệp Quang
Bao nhiêu ân đức lớn,
Cho đến biết ân nghĩa.
Ngài xưa làm Đại vương,
Quý danh Nguyệt sắc Tiên
Lại tên Kiện Mãnh Tướng,
Rồi tên Thật Tăng Trưởng,
Lại tên cầu Thiện Ngôn,
Rồi tên Hữu Thiện Ý,
Lại tên Điều Phục Căn,
Tất cả vua như vậy,
Đức hạnh rất tinh tấn,
Xưa nay ngài thực hiện,
Ngài xưa làm Đại vương,
Quý danh là Nguyệt Quang.
Kế đến tên Thắng Hạnh
Rồi đến tên Liên Thổ,
Kế đến tên Phương Chủ
Rồi đến tên Kiện Thí,
Kế đến Ca-thi vương,
Rồi đến Bảo Kế vương.
Hàng Đại vương như vậy,
Tức ngài không ai khác.
Bao nhiêu của quý giá,
Đến xin đều tùy thuận.
Thuở nọ ngài thí của,
Nay xin ban pháp tài.
Ngài xưa ở quá khứ,
Gặp Phật như Hằng sa.
Chư Phật Thế Tôn đó
Ngài đã từng cúng dường
Vô lượng đồ cúng dường,
Hiến dâng không lẫn tiếc.
Chí cầu đạo không ngừng,
Mong chúng sinh giải thoát.
Nay chính thật đúng lúc,
Xuất gia chớ ở nhà.
Phật ngài gặp đầu tiên,
Tôn hiệu Bất Không Kiến.
Đem hoa Tỳ-xa-ca,
Hoan hỷ cúng dường Phật.
Quá khứ có Đức Phật,
Hiệu Tỳ-lô-giá-na,
Một đời vui chiêm bái.
Quá khứ có Đức Phật,
Danh hiệu Vi Diệu Âm,
Đem một A-lê-lặc,
Cúng dường Đức Thế Tôn.
Quá khứ có Đức Phật,
Danh hiệu Bạch Chiên-đàn,
Ngài đứng trước Đức Phật,
Lặng yên cúng cọng cỏ
Quá khứ có Đức Phật,
Danh hiệu là Liên Thố
Khi sắp vào đại thành,
Ngài rải nắm bột hương.
Kế Phật hiệu Pháp Chủ,
Khen Đức Phật thuyết pháp,
Nghe pháp ưa thảo luận.
Ngài khen vô lượng lời,
Tôn trọng thường cúng dường.
Kế đến gặp Đức Phật,
Tôn hiệu Phổ Thị Hiện,
Thấy Phật ngài ca ngợi.
Kế đến có Đức Phật,
Tôn hiệu Xí Thạnh Phần,
Do vì ngài hoan hỷ,
Chiêm ngưỡng thân Đức Phật,
Lại đem tràng hoa vàng,
Cúng dường Đức Phật này.
Nay nên nhớ lại Phật
Chớ để tâm lãng quên,
Kế đến có Đức Phật,
Tôn hiệu Quang Tướng Tràng,
Cầm một nắm đậu xanh.
Cúng dường Đức Phật này.
Quá khứ có Đức Phật,
Tôn hiệu là Trí Tràng
Ngài cầm hoa Thâu-ca
Hiến dâng cúng dường Phật.
Kế đến có Đức Phật,
Tôn hiệu Điều Phục Xa,
Ngài thấy Đức Phật rồi,
Đứng trước Phật khen ngợi.
Tiếp Phật hiệu Bảo Thắng.
Trước Phật thắp nhiều đèn
Cúng vô lượng diệu dược.
Phật hiệu Nhất Thế Thắng
Thường cúng chuỗi trân châu.
Kế gặp Phật Đại Hải,
Cúng dường các hoa sen.
Đến Phật Liên Hoa Tạng,
Cúng dường tàng lọng lớn.
Hầu hạ Phật Sư Tử,
Từng cúng tòa cỏ mềm.
Nơi Phật Sa La Vương,
Cúng dường các đồ dùng.
Đến trước Phật Phu Hoa,
Cúng dường sữa hảo hạng.
Nơi Phật Da-du-đà,
Cúng hoa Câu-đà-la.
Thấy Phật Thật Kiến rồi,
Hoan hỷ cúng ẩm thực.
Xưa Phật hiệu Trí Sơn,
Cúi thân lễ Đức Phật.
Có Phật hiệu Long Đức,
Dâng con mình cho Phật.
Phật Cao Phi Không Hành,
Thường cúng bột chiên-đàn.
Kế Phật hiệu Đế-sa,
Ngọc quý cùng hoa đỏ.
Từng cúng dường Phật này,
Gặp Phật Đại Trang Nghiêm.
Đem hoa hương Chiêm-bặc,
Cúng clường Đức Phật này.
Từng gặp Phật Quang Vương,
Đem ngọc quý cúng dường,
Xưa gặp Phật Thích-ca,
Đem nhiều hoa bạc tốt.
Cúng clường Đức Phật này,
Kế thấy tướng Đế Thích,
Thấy rồi ca ngợi khen.
Xưa Đức Phật tên là,
Quảng Đại Nhật Thiên Diện,
Cầm nhiều hoa tốt đẹp,
Cúng dường Thế Tôn này.
Kế tiếp lại có Phật,
Danh hiệu là Thắng Tôn,
Đem nhiều hoa bạc tốt,
Trang nghiêm trên thân Phật.
Thuở xưa có Như Lai,
Tôn hiệu là Long Thắng,
Thắp đèn cúng dường Phật.
Nơi Như Lai Phú-sa,
Từng cúng dường nỉ trắng,
Nơi Phật Dược Sư Vương,
Đem bảo cái cúng dường.
Phật hiệu Đại Mâu-ni,
Lại có tướng Sư Tử,
Thế Tôn công đức lớn,
Đem lưới ngọc cúng dường.
Có Phật hiệu Ca-diếp,
Cúng dường nhiều âm nhạc.
Xưa Phật hiệu Giải Thoát,
Cúng dường nhiều bột hương,
Phật Thế Tôn Bảo Tướng,
Cúng dường bằng hoa trời.
Chư Phật A-sô-bà,
Cung thỉnh ngồi kiệu voi.
Vua thế gian kính Phật,
Đem tràng hoa cúng dường,
Phật Thế Tôn Thi-khí,
Đem vương vị cúng dường.
Có Phật hiệu Nan Hàng,
Đem nhiều hoa cúng dường,
Nơi Phật Đại Nhiên Tôn,
Đem thân mình cúng dường.
Trước Phật Liên Hoa Thượng,
Cúng dường chuỗi anh lạc,
Trên mình Phật Pháp Tràng,
Rải các hương hoa tốt.
Nơi Thế Tôn Nhiên Đăng,
Cúng nấm hoa sen xanh.
Các Đức Phật như vậy,
Ngoài ra còn vô lượng,
Khó nói, khó nghĩ bàn,
Trong các kiếp quá khứ,
Ngài đã từng cúng dường,
Lại đem vô lượng thứ,
Đồ cúng dường tối diệu,
Cúng chư Phật quá khứ,
Không sinh tâm mỏi mệt.
Nay nghĩ cúng dường kia,
Suy tưởng Phật quá khứ,
Vì thương các chúng sinh,
Phát lòng từ giải thoát,
Tỉnh ngộ chớ mê đời.
Ngài ở trong quá khứ,
Nơi Đức Phật Nhiên Đăng,
Cúng dường Đức Phật rồi.
Sớm chứng Vô thượng sinh,
Và chứng năm thần thông,
Lại chứng Thuận pháp nhẫn.
Rồi Tôn giả sau đó,
Cúng nhiều Phật hơn trước.
Vô số a-tăng-kỳ,
Các kiếp số như vậỵ,
Các kiếp đó qua rồi,
Chư Phật cũng diệt độ.
Số thân Ngài thuở xưa,
Thọ trong các kiếp ấy,
Dòng họ và tên tuổi,
Tất cả đều diệt hết.
Các pháp biến chẳng thường,
Tướng thế gian thay đổi,
Mau bỏ cảnh giả dối,
Nên mau sớm vượt thành.
Sinh lão bệnh tử theo,
Nạn ấy thật đáng sợ.
Cũng như kiếp lửa đến,
Đốt cháy sạch thế gian,
Lửa vô thường cũng vậy,
Đốt sạch tất cả kiếp.
Các khổ não như thế,
Làm sao được tạm dừng,
Nên quán các chúng sinh,
Chìm trong tối phiền não,
Ngu si không mắt tuệ,
Không thể tự biết được,
Phát tâm đại tinh tấn,
Công đức được viên mãn,
Vì tất cả chúng sinh,
Nên xuất gia kẻo trễ.
Khi ấy, tất cả thể nữ trong cung ca hát trổi nhạc, trong các tiếng ca nhạc này lại diễn các pháp âm, muốn cho Thái tử nhàm chán dục lạc thế gian, tâm sinh giác ngộ. Phẩm 16: THÁI TỬ DẠO CHƠI GẶP NGƯỜI GIÀ
Thiên tử Tác Bình muôn Thái tử ra khỏi thành hướng đến hoa lâm viên, để mục kích việc tốt xấu mà phát tâm nhàm chán thế gian, lần lần khuyến khích rời bỏ cung điện. Bấy giờ các thể nữ trong cung ca múa xướng hát, lần lần sinh mỏi mệt, muốn ca ngợi quang cảnh hấp dẫn nơi Lâm viên, nên họ xướng lên:
-Thánh tử lắng nghe, quang cảnh hoa lâm viên rất hấp dẫn, nào là mặt đất phủ bằng một lớp cỏ non xanh tươi mềm mại, cây cối cành lá rậm rạp, hoa quả sum suê tươi tốt khoe sắc, lôi cuốn du khách; lại đủ cắc loại chim quý ca hát líu lo âm thanh vi diệu, nào là: Hồng nhạn, khổng tước, anh võ, chim sáo, câu-si-la, uyên ương...
Thái tử nghe tiếng ca hát như vậy, ý muốn du ngoạn nên bảo người đánh xe:
-Nay khanh nên mau mau chuẩn bị xe cộ, trang hoàng thật đẹp đẽ trang nghiêm, ta nay muốn đến thắng cảnh Hoa lâm viên thưởng ngoạn mảnh đất an lành.
Người đánh xe nghe lời ấy rồi, liền tâu Thái tử:
-Hạ thần xin tuân giáo lệnh không dám trái ý.
Rồi vội vã đến yết kiến Đại vương Tịnh Phạn:
-Xin Đại vương biết cho, Thái tử ngày hôm nay muốn đến thắng cảnh Hoa lâm viên thưởng ngoạn mảnh đất an lành.
Đại vương Tịnh Phạn liền ban sắc lệnh, tất cả mọi nơi trong thành Ca-tỳ-la rưới nước quét dọn sạch sẽ, tẩy trừ các thứ phẫn uế, sỏi sạn ngói đá, những nơi gồ ghề hầm hố phải san bằng, rồi dùng nước thơm rưới lên không cho nổi bụi, tiếp dùng hồ thơm tô lên mặt đường, sau đó dùng các loại hoa rải khắp trên các đường, mọi nơi đều xông các danh hương vi diệu, ngã tư đầu đường khắp mọi nơi đều đặt những bình nước cắm đầy các thứ hoa, nơi nơi trưng bày các cây chuối, giữa các cây chuôi treo các phan lọng, đầy đủ các màu sắc sặc sỡ, lại dùng các tràng phan bằng nhung lụa cùng các vật quý giá treo trên những cây chuôi tăng thêm vẻ trang nghiêm, lại dùng các chuỗi anh lạc trân châu cũng treo nơi mỗi cây, và dùng lưới bảy báu mỗi mắt lưới có những chiếc chuông rung phát ra âm thanh vi diệu; hoặc dùng bảy báu làm hình mặt trời mặt trăng và hình chư Thiên được gắn thêm các chuỗi anh lạc, xen vào các mành lưới; lại treo đuôi trâu trắng và các loài thú khác.
Theo sắc lệnh nhà vua đã ban ra, tất cả nội thành Ca-tỳ-la dọn dẹp các thứ không đẹp mắt, trưng bày các thứ quý giá tốt đẹp, trang hoàng thành phố hết sức tráng lệ như thành Càn-thát-bà. Nội thành trang hoàng xong rồi nhà vua lại ra lệnh chỉnh trang viên lâm, dọn dẹp các thứ ô uế... Cho đến treo các chuông rung bằng chất liệu quý, như trang hoàng nội thành nói ở trên. Trong lâm viên có những cây mang tên nam nhi thì dùng các chuỗi anh lạc nam nhi để trang hoàng; cây mang tên nữ nhi thì dùng chuỗi anh lạc loại phụ nữ để trang sức. Lại cho người đánh trống rung chuộng loan báo khắp nội thành: Ngày nay Thái tử sắp ngự giá, nên tất cả những người già bệnh hay thây chết, các người đui điếc hay câm ngọng, sáu căn không đầy đủ, nói chung tất cả những điều không tốt đẹp, không vừa ý, tuyệt đối không được xuất hiện ngoài đường, chớ để khi Thái tử đi qua trông thấy.
Bấy giờ, người đánh xe trang hoàng xe ngựa, đâu đó đều được chu toàn, rồi đến tâu Thái tử:
-Nay tất cả xa-giá đều được chu toàn, chính là lúc khởi hành, xin Thái tử ngự giá xuất thành đến thắng cảnh hoa viên thưởng ngoạn mảnh đất an lành.
Thái tử từ tòa đứng dậy, ung dung tiến đến tay xe bước lên bảo xa, với tư cách oai thần của một Đại vương, thế lực hùng hậu trông thật oai vệ, phát xuất từ cửa thành phía Đông, hướng về phía thắng cảnh Hoa lâm viên để thưởng ngoạn mảnh đất phước lạc.
Lúc ấy Thiên tử Tác Bình ở trước Thái tử trên đường tiến về hoa viên, biến thành một ông già rách rưới, lưng còng, đầu gục xuống phía trước, răng rụng miệng móm, tóc trắng như tuyết, hình dung tiều tụy, da dẻ sần sùi đen sạm, da bọc lấy xương không còn một chút thịt, dưới cổ da dùn thòng xuống như yếm con bò, thân thể khô gầy chỉ nhờ vào sức cây gậy, hơi thở khó khăn, thở ra thành tiếng, nên lúc nào cũng nghe tiếng khò khè trong cổ họng như tiếng kéo cưa, tay chân run rẩy, tuy nhờ cây gậy làm điểm tựa nhưng vẫn nghiêng qua ngã lại, đi đứng chẳng vững, tướng mạo quá già nua như vậy, lụm cụm xiên qua ngả lại, đi đồng chiều trước mặt Thái tử.
Thái tử thấy ông già thân thể run rẩy, các tướng suy yếu có dấu hiệu không tốt, đi lòm khòm một cách khó khăn trước mặt... như trên đã nói... Thái tử thấy vậy liền hỏi quan ngự giá: Người này là người gì mà da bọc lấy xương, nhăn nheo đen đủi, cặp mắt đỏ ngầu, mũi dãi loang lổ hết sức xấu xí? Tại sao người này xấu tệ không giống một ai? Lại thêm đôi mắt sụp vào, răng rụng, miệng móm, so với mọi người hết sức kỳ lạ, không có cái gì có thể coi được.. Liền nói kệ hỏi người đánh xe:
Người đánh xe giỏi nay nghe rõ:
Kẻ trước mặt ta là người gì?
Thân hình không thẳng đầu hói tóc
Sinh đã vậy, hay già mới có.
Bấy giờ Thiên tử Tác Bình dùng thần lực khiến người đánh xe trả lời:
-Bạch Thái tử Đại Thánh, theo thế gian, người như thế gọi là già.
Thái tử lại hỏi:
-Trong thế gian, như thế nào là già?
Người đánh xe liền tâu:
-Thưa Thái tử, phàm gọi là già thì người ấy bị sức bức xúc của tình cảnh người lớn tuổi, cơ thể bị suy thoái, các giác quan lần lần bị hư hoại, không còn cảm giác hiểu biết như lúc trẻ, khí lực bạc nhược, thân thể tiều tụy; là lúc con người bước sang giai đoạn khổ sở, bị thân tộc xua đuổi, không biết lấy gì sinh sống, cũng không biết nương tựa vào đâu, vả lại những người nầy chẳng sống được bao lâu, mai chiều thâm nặng sẽ kết liễu. Vì tất cả những lý do như vậy nên gọi là già nua.
Rồi người đánh xe vì Thái tử mà nói kệ:
Cảnh già thật là đại khổ não,
Cướp đoạt sắc đẹp và thú vui,
Giác quan suy thoái tâm lú lẫn,
Thân thể sinh hoạt không chủ động.
Thái tử nghe bài kệ này, liền hỏi người đánh xe:
-Cảnh già này là chỉ theo quy luật riêng của một người nào khiến như vậy, hay tất cả tướng thế gian đều như vậy?
Người đánh xe trả lời:
-Thưa Thái tử phải biết, cảnh già này không phải quy luật riêng cho một người nào mà tất cả chúng sinh trong thế gian đều phải chịu.
Thái tử lại hỏi:
-Thân ta ngày nay, rồi cũng sẽ chịu quy luật già này chăng?
Người đánh xe đáp:
-Thưa Thái tử, đúng như vậy, như vậy. Sang hèn tuy khác nhau, nhưng cái gì đã sinh ra, đều không thoát khỏi quy luật này, ngay thân chúng ta ngày nay vẫn đầy đủ tướng trạng già nua, nhưng chưa hiện ra mà thôi.
Thái tử lại hỏi người đánh xe:
-Nếu thân này của ta không tách khỏi quy luật già, chưa vượt qua tướng suy thoái xâu xí ấy, ta nay chẳng cần đến Hoa lâm viên ngao du thưởng ngoạn, hãy lập tức hồi giá trở về nội cung, ta sẽ tư duy xem nên dùng phương pháp gì để thoát khỏi cảnh khổ này.
Người đánh xe đáp:
-Theo lời Thái tử dạy, hạ thần không dám trái lời.
Liền đánh xe quay về nội cung. Thái tử trở về nội cung, ngồi trên bổn tọa chánh niệm tư duy: “Ta cũng sẽ già, chưa vượt qua được quy luật ấy, tại sao ta buông lung phóng dật”.
Lúc Đại vương hỏi người đánh xe:
-Ngươi hầu Thái tử ra đi từ nội cung cho đến Hoa lâm viên, dạo chơi quan sát phong cảnh, Thái tử có được đẹp mắt vừa lòng, vui vẻ hay không?
Người đánh xe quỳ gối đáp:
-Tâu Đại vương, xin ngài biết cho, Thái tử ra đi du ngoạn mới đến giữa đường, ra lệnh dừng xe hồi giá, chưa đến Hoa lâm viên.
Đại vương lại hỏi:
-Tại sao Thái tử giữa đường trở về, không đến viên lâm?
Quan ngự giá đáp:
-Tâu Đại vương, xin ngài biết cho, Thái tử muốn đến hoa viên thưởng ngoạn vui chơi, nhưng mới đến giữa đường bỗng thấy một ông già nơi vệ đường, tay chống gậy, thân người run rẩy, té xuống ngồi dậy, không thể đi đứng vững vàng. Thái tử thấy người già này rồi, liền ra lệnh hồi giá trở về nội cung, ngài ngồi kiết già chánh niệm tư duy.
Đại vương Tịnh Phạn thầm nghĩ: “ít có thay! ít có thay! Hình tướng ông già như vậy. Lời thọ ký Tiên nhân A-tư-đà quyết định chân thật, e Thái tử nhất định xuất gia, ta nay nên vì Thái tử tăng thêm thú vui ngũ dục, nếu Thái tử gần gũi nhiều ngũ dục, thỏa mãn tâm mắt, tham đắm hoang mê, không xả tục xuất gia, thì đúng với tâm ta.” Liền khi ấy Đại vương vì Thái tử Tất-đạt-đa tăng thêm các thú vui ngũ dục cho thật nhiều, để tâm Thái tử say đắm không còn nghĩ đến chuyện xuất gia.
Có kệ nói:
Trong cung thọ hưởng nhiều dục lạc,
Xuất thành dạo chơi gặp người già,
Hồi giá về cung tâm lo nghĩ,
Than ôi ta chưa thoát cảnh già
Đại vương nghe qua lời ngự giá,
Tâm lo Thái tử bỏ vương triều,
Tăng thêm ngũ dục cùng thể nữ,
Khiến mê ân ái nối nghiệp vua.
Thuở ấy, Thái tử ở trong cung, đầy đủ năm thứ ngũ dục, mặc tình thọ hưởng thú vui, không còn nghi vấn cảnh già mà chỉ riêng mình Ngài là quý trọng hơn cả.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.116.14.12 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.