Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phẩm 17: VUA TỊNH PHẠN THẤY ĐIỀM MỘNG
Bấy giờ Thiên tử Tác Bình muốn cho Thái tử phát tâm xuất gia nên một đêm nọ dùng thần lực làm cho Đại vương Tịnh Phạn thấy bảy điềm chiêm bao.
Khi ấy Đại vương Tịnh Phạn đang ngon giấc trên long sàng, mộng thấy các điềm chiêm bao:
-Điềm chiêm bao thứ nhất: Thấy một chiếc lọng lớn của trời Đế Thích, chung quanh chiếc lọng này có vô số người nâng đỡ, ra đi từ cửa Đông thành Ca-tỳ-la.
-Điềm chiêm bao thứ hai: Thấy Thái tử ngự giá trên chiếc xe mười con voi lớn, ra đi từ cửa Nam thành Ca-tỳ-la.
-Điềm chiêm bao thứ ba: Thấy Thái tử ngồi nghiêm chỉnh trên xe tứ mã, ra đi từ cửa Tây thành Ca-tỳ-la.
-Điềm chiêm bao thứ tư: Thấy một bánh xe, được trang hoàng bằng các ngọc quý, ra đi từ cửa Bắc thành Ca-tỳ-la.
-Điềm chiêm bao thứ năm: Thấy Thái tử đứng nơi ngã tư đại lộ trong thành Ca-tỳ-la, tay cầm dùi đánh chiếc tróng lớn.
-Điềm chiêm bao thứ sáu: Thấy Thái tử ngồi trên tầng lầu cao ở trung tâm thành Ca-tỳ-la, rải các vật quý giá xuống bốn mặt lầu, lúc ấy có vô số dân chúng đến lấy mang về.
-Điềm chiêm bao thứ bảy: Thấy có sáu người cách ngoài thành chẳng bao xa cất tiếng, kêu khóc rơi lệ, hai tay bứt lấy đầu tóc lăn lộn trên đất.
Trong cơn mộng, khi Đại vương thấy các điềm như vậy, tâm rất đỗi bàng hoàng lo sợ, lông tóc dựng ngược lấy làm quái dị, cả người run rẩy, giật mình thức dậy liền gọi các đại thần đang ở trong cung đến bảo:
-Này các khanh, đêm nay ta đương ngon giấc bỗng thấy các việc hết sức kinh sợ. Rồi nhà vua theo thứ tự kể bảy điềm chiêm bao như đã nói ở trên. Đại vương còn dặn: Các khanh phải nhớ rõ các điềm chiêm bao này, đừng để quên mất, sáng sớm khi ta lâm triều, ở giữa bá quan văn võ, các khanh sẽ kể lại cho ta nghe.
Các đại thần nghe điềm chiêm bao và lời căn dặn của Đại vương rồi liền tâu:
-Tâu Đại vương, chúng thần vâng lời Đại vương cố gắng ghi nhớ, thật chẳng dám quên.
Sáng sớm khi Đại vương lâm triều ở giữa bá quan văn võ, các đại thần đem việc chiêm bao của vua tâu lại một cách chi tiết cho nhà vua biết.
Vua Tịnh Phạn nghe đại thần tâu rồi liền triệu tập các Bà-la-môn giỏi bàn mộng trong nước đến bảo:
-Các khanh là những bậc đại trí, có thể biết được điềm chiêm bao của ta, như những gì ta kể vừa rồi, các khanh xem thử hậu quả như thế nào?
Các vị Bà-la-môn thông thái ấy, vâng lệnh nhà vua, mỗi vị đều suy nghĩ, nhưng vẫn không tìm được lời giải đáp. Họ mới tâu nhà vua:
-Xin Đại vương biết cho, chúng thần từ xưa chưa từng được nghe nói đến các điềm chiêm bao như thế. Nay được nghe qua, tâm ý mờ mịt, không biết các điềm chiêm bao này có hậu quả như thế nào.
Đại vương Tịnh Phạn nghe các tướng sư Bà-la-môn nói như vậy tâm lại lo sầu, sinh ra ý nghĩ:
-Hoặc Thái tử không còn làm Chuyển luân thánh vương sao, đâu có lẽ đã được làm Chuyển luân thánh vương rồi lại mất ngôi sao! Tâm ta hết sức lo âu, không biết ai giải mối nghi này cho ta!
Bấy giờ Thiên tử Tác Bình từ cung điện cõi trời Tịnh cư, xa trông thấy Đại vương Tịnh Phạn ưu sầu chẳng vui, liền ẩn thân nơi Thiên cung, đến thành Ca-tỳ-la hóa làm một vị Phạm chí Bà-la-môn, đầu búi tóc với chiếc mão bằng các loại hoa kết thành, thân hình đoan chánh trẻ trung, khoác trên mình bộ y phục da nai màu đen, dáng vẻ người thông minh trí tuệ, đứng ngoài cửa cung vua Tịnh Phạn xướng lên thế này:
-Ta biết rõ điềm chiêm bao của vua Tịnh Phạn một cách chắc chắn, không nghi ngờ.
Người gác cửa thành nghe Bà-la-môn nói như vậy vội vã chạy vào nơi bệ rồng, quỳ mọp tâu Đại vương:
-Tâu Thánh thượng phải biết, hiện giờ có một vị Bà-la-môn ở ngoài ngọ môn xướng lên thế này: “Ta biết rõ các điềm chiêm bao của vua Tịnh Phạn.”
Đại vương liền cho mời vị Bà-la-môn này đưa thẳng vào nội cung, nhà vua niềm nở hỏi:
-Này Đại Bà-la-môn, ngài có trí tuệ sáng suốt, hãy biết cho ta là vào lúc nửa đêm hôm qua, ta thấy bảy điềm chiêm bao: “Điềm chiêm bao thứ nhất thấy có vô lượng vô biên dân chúng vây quanh tả hữu đỡ lấy chiếc lọng lớn của trời Đế Thích ra đi từ cửa Đông thành Ca-tỳ-la... cho đến điềm chiêm bao thứ bảy thấy sáu người cách ngoài thành chẳng bao xa cất tiếng khóc vang, tay bứt đầu tóc.” Nay ta lo sợ tâm ý bàng hoàng, không biết điềm mộng như vậy tốt xấu lẽ nào, ngài có thể vì ta bàn giải từng chi tiết một. Nhà vua nói như vậy rồi đứng yên chờ nghe vị Bà-la-môn giải thích.
Thiên tử Tác Bình tâu Đại vương:
-Xin Đại vương lắng nghe lời giải về những điềm chiêm bao mà ngài mơ thấy.
-Điềm chiêm bao thứ nhất, ngài thấy vô lượng vô biên chúng sinh cùng nhau vây quanh, đỡ lấy chiếc lọng lớn của trời Đế Thích ra đi từ cửa Đông thành Ca-tỳ-la: Đây là Thái tử Tất-đạt-đa của Đại vương được vô lượng trăm ngàn chư Thiên hầu hạ chung quanh. Nghĩa là Thái tử sẽ bỏ cung điện này, vượt thành xuất gia. Đây là hiện tượng tốt đối với điềm chiêm bao nói trên.
-Điềm chiêm bao thứ hai: Đại vương lại thấy Thái tử ngự giá trên chiếc xe mười hương tượng ra đi từ cửa Nam thành Ca-tỳ-la. Nghĩa là sau khi Thái tử xuất gia rồi, chứng được Nhất thiết trí cho đến mười lực. Đây là hiện tượng tốt đối với điềm chiêm bao nói trên.
-Điềm chiêm bao thứ ba: Đại vương lại thấy Thái tử ngồi xe tứ mã, ra đi từ cửa Tây thành Ca-tỳ-la. Nghĩa là Thái tử sau khi xuất gia, chứng Nhất thiết trí đầy đủ bốn pháp vô úy. Đây là hiện tượng tốt đối với điềm chiêm bao nói trên.
-Điềm chiêm bao thứ tư: Đại vương lại thấy một bánh xe được trang hoàng bằng các ngọc quý, ra đi từ cửa Bắc thành Ca-tỳ-la. Nghĩa là sau khi xuất gia, Thái tử chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác rồi sau đó ở ba cõi nhân thiên ngài chuyển pháp luân vi diệu. Đây là hiện tượng tốt đối với điềm chiêm bao nói trên.
-Điềm chiêm bao thứ năm: Đại vương lại thấy Thái tử ở ngã tư đại lộ trong thành Ca-tỳ-la, tay cầm dùi đánh chiếc trống lớn. Nghĩa là Thái tử sau khi xuất gia rồi chứng đạo quả Bồ-đề, đang khi ngài chuyển Pháp luân, hàng chư Thiên cất tiếng ca ngợi, âm thanh vang tới Phạm thiên rồi truyền âm thanh này vang khắp cõi sắc đều biết. Đây là hiện tượng tốt đối với điềm chiêm bao ấy.
-Điềm chiêm bao thứ sáu: Đại vương lại thấy Thái tử ngồi trên lầu ở trung tâm thành Ca-tỳ-la rải các vật quý xuống khắp bốn phía lầu. Nghĩa là Thái tử sau khi chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đối với tám bộ chúng: chư Thiên, dân chúng... Ngài ban ra các giáo pháp vi diệu như vậy. Các pháp đó là bốn Niệm xứ, bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác chi, tám Chánh đạo... Đây là hiện tượng tốt đối với điềm chiêm bao.
-Điềm chiêm bao thứ bảy: Đại vương lại thấy có sáu người cách ngoài thành chẳng bao xa miệng cất tiếng khóc vang, tay bứt lấy đầu tóc. Nghĩa là Thái tử xuất gia rồi, chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đương khi Ngài chứng quả Bồ-đề thì hàng lục sư ngoại đạo sinh ưu não. Lục sư đó là: Phú-lan-na Ca-diếp, Ma-bà-ca-la Cù-xa-tử, A-kỳ-na-chỉ-xa Cam-bà-la, Ba-la-phù-đa Ca-tra-da-na, San-xà-di-ty-da-tư-trí-chỉ-tử và Ni-càn-đà-nhã-để-tử. Đây là hiện tượng tốt đối với điềm chiêm bao nói trên Thiên tử Tác Bình hiện hình Bà-la-môn vì Đại vương giải thích giấc mộng rồi lại tâu:
-Đại vương nên sinh tâm hoan hỷ, chớ nên âu sầu, lo sợ, chẳng vui. Vì sao? Đây là giấc mộng tốt, đưa đến hậu quả an lành, phải lấy làm hân hạnh, chớ nên lo nghĩ. Thiên tử nói lời an ủi rồi liền biến mất.
Đại vương Tịnh Phạn nghe lời bàn mộng của Tướng sư Bà-la-môn nói giấc mộng này được quả báo an lành như vậy, lại vì Thái tử tăng thêm phương tiện ngũ dục khiến cho Thái tử say đắm hoang mê với kỳ vọng là Thái tử không xuất gia. Lúc đó Thái tử ở trong cung mặc tình thọ hưởng mọi thú vui. Phẩm 18: DỌC ĐƯỜNG THẤY NGƯỜI BỆNH
Bấy giờ Thiên tử Tác Bình lại suy nghĩ về Bồ-tát Hộ Minh, vị Đại sĩ này ở trong cung buông lung phóng dật say đắm ngũ dục đã trôi qua thời gian khá lâu, thế gian vô thường, tuổi trẻ không dừng, Bồ-tát Hộ Minh nên phải sớm rời bỏ nội cung xuất gia, ta nay có thể vì ngài tạo phương tiện khuyến thỉnh để khiến ngài tỉnh ngộ sớm xa lìa ngũ dục. Tác Bình suy nghĩ như vậy rồi, do vì thần lực của Thiên tử mà cũng do nhân duyên phước đức đời trước của Bồ-tát nên Thái tử đang ngồi trong cung điện bỗng nhiên khởi ý muốn ra khỏi thành đến lâm viên thưởng ngoạn.
Thái tử liền gọi người đánh xe đến bảo:
-Này người đánh xe tài giỏi, khanh nên mau mau trang hoàng xe ngựa tốt đẹp, nay ta muốn xuất hành đến hoa viên ngắm cảnh dạo chơi.
Người đánh xe tâu:
-Y theo lệnh của Thái tử, hạ thần không dám trái ý.
Người đánh xe nhận lệnh của Thái tử rồi liền đến tâu Đại vương Tịnh Phạn:
-Xin Đại vương biết cho, nay Thái tử muốn rời thành hướng về thắng cảnh Hoa lâm viên để thưởng ngoạn mảnh đất an lành.
Đại vương liền ra lệnh tất cả dân chúng trong thành dọn dẹp mọi cỏ rác, sạn sỏi, gai góc, cây khô mục, gò nổng, phẩn uế, những nơi hôi thối đều được làm bằng phẳng, rưới nước quét dọn sạch sẽ, rồi trang hoàng thành Ca-tỳ-la hết sức tốt đẹp; cho đến những cây cối trong hoa viên mang tên phụ nữ hay nam nhi đều lấy chuỗi anh lạc của mỗi giới trang sức trên đó. Trên đường Thái tử đi qua không được xuất hiện các người già bệnh, đừng để Thái tử trông thấy sinh tâm chán nán.
Người đánh xe trang hoàng xe ngựa xong rồi đến tâu Thái tử:
-Xa giá hạ thần đã chuẩn bị hoàn tất, cúi xin Thái tử tùy ý ra đi.
Lúc ấy Thái tử ngồi trên bảo xa với tư cách một Đại vương, oai đức thần lực trông thật tôn nghiêm, ra đi từ cửa Nam thành Ca-tỳ-la, từ từ hướng về hoa viên để dạo xem phong cảnh.
Bấy giờ Thiên tử Tác Bình ở phía trước, trên con đường Thái tử đang đi qua, hóa làm một người bệnh, hình thể chỉ còn da bọc xương hết sức đau khổ, bụng trướng to, nước từ đó rỉ ra, thân hình tiều tụy, tay chân như ống sậy không còn khí sắc, nước da vàng vọt nhăn nheo, hơi thở hôi thối, mạng sống chỉ còn trong giây lát, nằm rên rỉ trăn trở lăn lộn trên phân dãi hết sức đau đớn, muốn ngồi dậy nhưng không đủ sức, nhép miệng nói thì thào:
-Cúi xin đỡ giùm tôi ngồi dậy.
Thái tử thấy người bệnh từ lúc đầu...cho đến câu đỡ giùm tôi ngồi dậy, liền hỏi người đánh xe:
-Này người đánh xe tài giỏi, đây là người gì? Bụng rất to như cái chõ lớn, khi thở thì cả người rung động, tay chân như ống sậy, thân thể tiều tụy, nước da vàng vọt nhăn nheo không còn khí sắc, ngồi dậy phải nhờ người khác nâng đỡ?
Rồi Thái tử cất tiếng thở dài:
-Ôi chao, buồn thương não ruột, không nỡ thấy nghe.
Thiên tử Tác Bình dùng thần lực khiến người đánh xe trả lời:
-Xin Thánh tử lắng nghe, kẻ này gọi là người bệnh.
Thái tử lại hỏi:
-Tại sao người này gọi là người bệnh?
Người đánh xe đáp:
-Tâu Thánh tử, thân thể người này không được an ổn khỏe mạnh, mất hết oai đức, ốm gầy khổ sở, khổng còn sức lực, giờ chết sắp đến nơi, cha mẹ đã qua đời, tứ cố vô thân, không nơi cậy nhờ, do vì không chỗ nương tựa người này chẳng bao lâu mạng chung, muốn sống hết sức khó khăn. Nếu không có ai chăm sóc mà mong có ngày lành bệnh, nhất định không có việc ấy xảy ra, chỉ chờ chết mà thôi. Thưa Thánh tử, vì những lý do đó, gọi là người bệnh.
Có kệ thế này:
Thái tử hỏi người đánh xe rằng Tại sao người này chịu khổ ấy Người đánh xe tâu lên Thái tử Tứ đại bất hòa bệnh phất sinh.
Thái tử lại hỏi:
-Chỉ riêng người này chịu quy luật ấy hay là tất cả chúng sinh trong thế gian đều phải chịu quy luật bệnh này?
Người đánh xe đáp:
-Quy luật bệnh này không dành riêng cho một người nào mà tất cả các loại chúng sinh đều không thoát khỏi.
Thái tử lại nói:
-Ta cũng chưa thoát khỏi quy luật này, rồi ta mắc bệnh giống như người này không khác, ôi thôi đáng sợ!
Thái tử liền bảo người đánh xe:
-Nếu thân này của ta không thoát khỏi quy luật bệnh, đủ thứ các bệnh không thể vượt qua được, nay cần gì phải đến viên lâm dạo chơi thọ hưởng vui thú, nên hồi giá trở về nội cung, ta sẽ tư duy về quy luật này.
Người đánh xe vâng lệnh Thái tử đánh xe quay về nội cung, Thái tử về đến nơi tĩnh tọa tư duy: “Ta sẽ bệnh, các bệnh chưa hiện khởi, tại sao ta buông lung.”
Đại vương Tịnh Phạn hỏi người đánh xe:
-Thái tử dạo chơi nơi hoa viên có được vui vẻ không?
Người đánh xe đáp:
Đại vương phải biết, Thái tử muốn rời hoàng thành hướng về hoa viên, ngắm quang cảnh hồ ao..., nhưng giữa đường gặp một người bệnh... cho đến miệng nói đỡ giùm tôi dậy. Thái tử thấy vậy liền ra lệnh đánh xe trở về, hiện giờ ngài đang tịnh tọa trong cung chuyên tâm quán tưởng.
Đại vương nghe lời nói như vậy rồi trong tâm nghĩ đến lời dự đoán của Tiên nhân A-tư-đà quyết định chân thật. Đại vương lại nghĩ: “Không lẽ ta để Thái tử xả tục xuất gia, nay ta sẽ vì Thái tử tăng thêm thú vui ngũ dục khiến cho Thái tử say đắm ngũ dục nhiều hơn mà chẳng xả tục xuất gia.” Nghĩ rồi Đại vương liền tăng thêm thú vui ngũ dục cho Thái tử gấp bội phần. Có bài kệ:
Thái tử ở lâu trong cung cấm
Muốn đến viên lâm hưởng thú vui
Trên đường gặp bệnh nhân tiều tụy
Nên sinh tâm ly dục trở về
Ngồi yên suy tư gốc lão bệnh
Ta nay chưa thoát có vui gì
Sắc thanh hương vị cùng các xúc
Rất tuyệt vời ngài chưa bỏ được
Thuở xưa ngài tu hành thiện nghiệp
Nay hưởng phước vui sướng ai bằng.
Như vậy thuở ấy Thái tử ở trong cung tuần tự thọ hưởng đủ thú vui của ngũ dục. Phẩm 19: TRÊN ĐƯỜNG GẶP THÂY CHẾT
Thuở ấy, Thiên tử Tác Bình một hôm nọ phát sinh ý nghĩ: “Bồ-tát Hộ Minh đang ở trong cung thọ hưởng vui thú tuyệt đỉnh, nay đến lúc Bồ-tát phải xuất gia, ta sẽ vì Bồ-tát cố tâm khuyến thỉnh làm cho Thái tử xa lìa thu vui ngũ dục, xả tục xuất gia.” Thiên tử Tác Bình muốn Bồ-tát Hộ Minh sinh ý rời nội cung ra khỏi thành hướng về lâm viên thưởng ngoạn tham quan phong cảnh tuyệt đẹp.
Lúc ấy Thái tử bảo người đánh xe:
-Này người đánh xe tài giỏi, khanh nên trang hoàng bảo xa tứ mã, ta nay muốn ra khỏi thành đến lâm viên dạo chơi.
Người đánh xe nhận lệnh Thái tử liền đến tâu Đại vương:
-Xin Đại vương biết cho, nay Thái tử muốn rời khỏi cung thành đến lâm viên thưởng ngoạn quang cảnh.
Đại vương Tịnh Phạn liền ra lệnh trang hoàng thành Ca-tỳ-la, tất cả đường lớn nhỏ đều dọn dẹp. Gai góc, sỏi sạn gạch đá, cây mục, mô đất, phẩn uế đều được quét dọn sạch sẽ, bằng phẳng cho đến trong hoa viên các cây mang tên nữ nhi hay nam nhi lại dùng chuỗi anh lạc theo mỗi loại mà trang sức lên đó, rồi cho người rung linh đánh trống tuyên bố:
-Kẻ già yếu, người bệnh tật không được xuất hiện trên con đường Thái tử đi qua khiến cho Thái tử trông thấy sinh tâm chán nản.
Người đánh xe trang hoàng xe ngựa hết sức chu toàn tốt đẹp, rồi đến tâu Thái tử:
-Xin Thái tử nghe cho, hạ thần nay đã trang hoàng xa giá xong rồi, cúi xin Thái tử tùy thời xuất hành.
Thái tử ngồi trên xe đầy đủ oai đức thần lực, ra đi từ cửa Tây thành Ca-tỳ-la hướng về hoa viên để thưởng ngoạn.
Khi đó, Thiên tử Tác Bình ở phía trước Thái tử hóa thành một tử thi nằm trên giường được nhiều người khiêng đi, lại dùng áo bằng số nhiều màu tuyệt đẹp căng làm tấm màn nhỏ đắp trên mình tử thi, lại có vô số bà con nội ngoại quây quần hai bên trước sau kêu khóc, hoặc có kẻ bứt tóc, có người đấm ngực hoặc có kẻ vỗ đầu hay khoanh tay hoặc có kẻ hai tay hốt đất bùn bôi trên đầu trên mặt hoặc có kẻ thốt ra những lời buồn bã nghẹn ngào, nước mắt tuôn như mưa, kêu gào khóc lóc không thành lời. Thái tử thấy cảnh như vậy sinh lòng sầu thảm, hỏi người đánh xe:
-Kẻ nằm trên giường này là người gì vậy? Lại dùng hoa trang hoàng chung quanh... cho đến nhiều y phục bằng vải gai đầy màu sắc, làm tấm màn nhỏ đắp trên mình, được người ta khiêng đi, chung quanh lại có vô số người khóc than thảm thiết?
Lời kệ:
Thái tử trẻ đẹp thân tuấn tú
Hỏi người đánh xe đây là ai.
Nằm yên trên giường bốn người khiêng
Thân quyến chung quanh kêu gào khóc?
Lúc đó Thiên tử Tác Bình dùng thần lực khiến người đánh xe trả lời:
-Bẩm Đại thánh Thái tử, đây gọi là thây chết.
Thái tử lại hỏi:
-Thây chết nghĩa là gì?
Người đánh xe đáp:
-Tâu Đại thánh Thái tử, người này bỏ mạng sống nơi thế gian, không còn oai đức, nay đồng với cây đá, không có cảm giác như tường vách không hơn kém, vĩnh biệt thân tộc bạn bè, chỉ có thần thức đi đầu thai cõi khác, từ nay về sau không còn thấy cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc. Kẻ sống người chết, cảnh giới hoàn toàn khác nhau như vậy, không bao giờ gặp lại cho nên gọi là thấy chết.
Người đánh xe đến trước Thái tử nói kệ:
Giác quan tâm thức mất tác dụng,
Thi thể vô tri như cây đá,
Thân quyến vây quanh đều khóc than,
Ân ái từ đây hằng vĩnh biệt.
Thái tử lại hỏi người đánh xe:
-Này kẻ đánh xe tài giỏi, ta cũng phải chịu quy luật chết này chăng? Quy luật chết này, ta đã vượt khỏi hay chưa?
Người đánh xe Đáp:
-Tâu Đại thánh Thái tử, thân thể Thái tử tuy tôn quý nhưng đối với quy luật chết này cũng chưa thoát khỏi, tất cả những ai ở trong thế gian, hoặc là trời hay loài người, có bao nhiêu thân tộc quyến thuộc bạn bè, mỗi người đều chịu cảnh biệt ly như vậy, người kia không thấy người này, người này cũng không thấy người kia. Rồi nói kệ:
Tất cả chúng sinh mãn nghiệp này,
Thiên, nhân, quý, tiện đều bình đẳng,
Thế gian thiện ác tuy có khác,
Đến khi tắt thở lại như nhau.
Thái tử nghe lời trình bày như vậy rồi bảo người đánh xe:
-Nếu thân này của ta cũng phải chịu quy luật chết chóc quy luật cái chết ta chưa vượt qua, rồi đây ta sẽ không thấy chư Thiên và quyến thuộc và chư Thiên quyến thuộc cũng không thấy ta, vậy cần gì phải đến lâm viên dạo chơi thưởng ngoạn, mau mau hồi giá trở về nội cung để ta quán tưởng.
Người đánh xe vâng theo lệnh Thái tử liền quay xe trở về nội cung. Thái tử về đến nội cung, an tọa tư duy: “Thân ta nhất định rồi sẽ chết, chưa có năng lực vượt qua khỏi quy luật sự chết.” Ngài chú tâm yên lặng tư duy như vậy, biết quả báo thế gian rốt cuộc quy về vô thường vậy mà khi Thái tử sắp bước vào trong cung, có một tướng sư vô trí ngu si đứng bên ngoài cửa cung Đại vương, xem kỹ hình dung tướng mạo Thái tử từ đầu đến chân, thấy có tướng trượng phu rồi to tiếng xướng lên: “Này mọi người! Tất cả phải biết, từ ngày nay trở đi đến nội ngày thứ bảy, Thái tử sẽ được đầy đủ bảy thứ quý báu tự nhiên xuất hiện.”
Đại vương Tịnh Phạn hỏi người đánh xe:
-Này tên đánh xe tài giỏi, ngày nay khanh đưa Thái tử đến lâm viên, Thái tử có vừa ý, vui vẻ không?
Người đánh xe quỳ xuống cung kính thưa:
-Xin Đại vương phải biết, ngày nay Thái tử ra đi chưa đến lâm viên.
Đại vương Tịnh Phạn lại hỏi:
-Vì cớ gì Thái tử không đến lâm viên?
Người đánh xe tâu:
-Xin Đại vương nghe cho, Thái tử ra khỏi cung, trên con đường đến viên lâm, thấy một thây chết nằm trên giường có bốn người khiêng... cho đến quyến thuộc vây quanh kêu khóc. Thái tử thấy vậy liền ra lệnh hồi giá trở về nội cung, ngài ngồi tư duy không được vui vẻ.
Đại vương Tịnh Phạn nghe lời trình bày như vậy, trong tâm lo lắng, liên tưởng đến lời dự đoán của Tiên nhân A-tư-đà nhất định chân thật. Ta không lẽ để Thái tử bỏ ta xuất gia. Ngày nay ta sẽ tăng thêm thú vui ngũ dục cho Thái tử, khiến Thái tử say đắm không nghĩ đến chuyện xuất gia. Nghĩ rồi, lúc ấy nhà vua liền vì Thái tử tăng thêm y phục tốt đẹp và đầy đủ cấc thú vui ngũ dục.
Có bài kệ nói:
Biển công đức tu vô lượng kiếp.
Thái tử vì thấy kẻ mạng chung,
Tâm, rất buồn ôm lòng áo não,
Về nội cung tư duy cái chết,
Nơi thành này cung điện tuyệt vời,
Thái tử đẹp tuổi đầy nhựa sống,
Vui ngũ dục đắc ý lắm thay,
Như Đế Thích vui chơi thượng uyển.
Trải qua ngày tháng, Thái tử vẫn ỏ trong cung, vui chơi, thọ hưởng mọi thứ vui thích. Phẩm 20: DA-DU-ĐÀ-LA THẤY ĐlỀM MỘNG
(Phần 1)
Thiên tử Tác Bình thấy Thái tử xuất thành đến lâm viên, giữa đường gặp tử thi sinh tâm chán nản ngũ dục thế gian, trở về nội cung tĩnh tọa tư duy. Qua sáu ngày sau, Thiên tử Tác Bình lại nghĩ và nói: “Bồ-tát Hộ Minh, vị Đại sĩ nay vì say đắm ngũ dục, tâm sinh phóng dật chẳng chịu xa lìa, ta nay sẽ vì Thái tử tạo nhân duyên khuyến thỉnh.” Suy nghĩ như vậy rồi, lúc ấy Thiên tử Tác Bình lại tạo điều kiện khiến Thái tử xuất gia, cảm động đến nhân duyên đời trước của Thái tử khiến Thái tử tự nhiên có ý muốn đến lâm viên du ngọan. Thái tử gọi người đánh xe vào bảo:
-Người đánh xe tài giỏi, khanh mau mau sửa sang xe giá nghiêm chỉnh, nay ta muốn đến hoa viên thưởng ngoạn.
Người đánh xe nhận lệnh, liền đến tâu Đại vương Tịnh Phạn:
-Xin Đại vương biết cho, hôm nay Thái tử muốn đến viên lâm dạo chơi thưởng ngoạn.
Đại vương Tịnh Phạn liền ban sắc lệnh dân chúng nội thành Ca-tỳ-la dọn dẹp sạch sẽ và trang hoàng nghiêm chỉnh như bao lần trước không khác, cho đến rung chuông loan báo nội thành: Trên con đường Thái tử đi qua tuyệt đối không được xuất hiện các hạng người: già, bệnh, chết, tàn tật... khiến cho Thái tử thấy được sinh tâm chán nản thế gian.
Người đánh xe nhận lệnh, trang hoàng xe ngựa tốt đẹp, đến trước Thái tử tâu:
-Thưa Thái tử đã đến giờ xuất hành.
Thái tử liền ngồi trên xe, oai đức thế lực trông thật tôn nghiêm, ra đi từ cửa Bắc thành Ca-tỳ-la mà thẳng đến lâm viên.
Lúc ấy, Thiên tử Tác Bình dùng sức thần thông, cách trước xe Thái tử chẳng bao xa, biến thành một vị Sa-môn cạo bỏ râu tóc, thân đắp chiếc ca-sa đại y để hở vai bên phải, tay phải chống tích trượng, tay trái bưng bình bát đi ven lề đường.
Thái tử thấy rồi liền hỏi người đánh xe:
-Đây là người gì mà cung cách đàng hoàng, dung nghi tề chỉnh, ung dung tản bộ ở phía trước ta, mắt đăm đăm nhìn phía trước một tầm, không liếc ngó hai bên, chú tâm mà đi, không giống như bao nhiêu lữ hành khác, đầu cạo nhẵn không để râu tóc, sắc phục toàn một màu đỏ thẫm nhuộm bằng vỏ cây, không giống màu áo trắng thế tục, bát màu da cam giống như bằng đá xông khói.
Thiên tử Tác Bình dùng thần thông khiến người đánh xe đáp:
-Tâu Đại thánh Thái tử, người này gọi là kẻ xuất gia.
Thái tử lại hỏi:
-Sao gọi là kẻ xuất gia? Họ làm việc gì?
Người đánh xe đáp:
-Tâu Đại thánh Thái tử, người này thường làm các việc lành, bỏ các việc ác, đem tâm bình đẳng đối xử với mọi người, thích làm việc bố thí, khéo điều phục các căn, có tài hàng phục tự thân, đem lại sự an lạc cho mọi người, thường đối với tất cả chúng sinh phát tâm đại Từ bi không bao giờ làm cho một chúng sinh nào sợ sệt phiền não, hoàn toàn không sát hại chúng sinh, lại hay phát tâm giúp đỡ. Tâu Thái tử, do vì những việc như vậy, gọi là người xuất gia.
Thái tử lại hỏi:
-Này người đánh xe tài giỏi, do vì cớ gì khiến người này có thiện tâm làm các việc như vậy? Các việc đó, từ việc làm lành...cho đến hoàn toàn không sát hại tánh mạng chúng sinh. Vậy ngươi hãy đánh xe đến bên người xuất gia kia.
Người đánh xe vâng lệnh đáp:
-Tâu Thái tử, hạ thần sẽ tuân lệnh.
Người đánh xe liền cho xe hướng về người xuất gia.
Khi Thái tử đến bên người xuất gia, người liền thưa hỏi:
-Thưa Tôn giả Đại sĩ, ngài là người gì?
Lúc ấy, Thiên tử Tác Bình dùng thần lực khiến người xuất gia cạo bỏ râu tóc kia đáp:
-Tâu Thái tử, ngày nay người ta gọi tôi là kẻ xuất gia.
Thái tử lại hỏi:
-Thưa nhân giả, tại sao lại gọi là người xuất gia?
Người xuất gia đáp:
-Tâu Thái tử, tôi thây tất cả sự việc trong thế gian hết thảy đều vô thường, quan sát như vậy rồi tôi bỏ tất cả sự nghiệp ở đời, xa lìa thân tộc, chi cầu mong giải thoát nên xả tục xuất gia. Rồi tôi lại nghĩ: “Ta phải dùng phương tiện gì để có thể cứu vớt chúng sinh? Đối với thế gian ta phải sống biết đủ, làm các việc lành...cho đến hoàn toàn không sát hại sinh mạng tất cả chúng sinh.” Thưa Thái tử, vì những lý do đó, gọi là người xuất gia.
Thái tử lại nói:
-Thưa nhân giả, việc làm của ngài hết sức tốt đẹp vì ngài quán sát biết được tất cả sự việc thế gian là vô thường, biết như vậy rồi ngài lại đem lòng lành ban bố sự an lạc cho tất cả chúng sinh... cho đến không sinh tâm sát hại mà lại đem sự sống, bố thí sự an ổn cho chúng sinh.
Rồi nói kệ:
Quán biết thế gian pháp vô thường
Muốn cầu vô thượng đạo Niết-bàn
Oán thân bình đẳng tâm quán sát
Chẳng tạo thế pháp dục, tham, sân
Ở dưới gốc cây trong rừng núi
Hoặc nơi gò mả đất hoang vu
Các pháp hữu vi đều xa lánh
Sống đời khất thực quán chân như.
Thái tử vì kính pháp nên từ trên xe bước xuống đi bộ hướng đến người xuất gia đầu mặt đảnh lễ sất đất rồi đi quanh ba vòng; sau đó Thái tử lên xe ra lệnh người đánh xe hồi giá về cung.
Khi ấy, trong cung có một thể nữ tên là Lộc Nữ từ xa trông thấy Thái tử vào cung, do tâm ái dục nàng cất tiếng nói kệ:
Đại vương Tịnh Phạn hưởng thú vui
Ma-ha-ba-xà rất toại ý
Trong cung thể nữ thật tuyệt vời
Người nào sẽ được gần Thái tử.
Thái tử nghe bài kệ này khắp thân run sợ, lệ nhỏ như mưa, trong tâm chỉ ưa mến cảnh Niết-bàn, các căn thanh tịnh hướng về Niết-bàn mà nói thế này:
-Ta cần phải đeo đuổi cảnh giới Niết-bàn, ta nay cần phải chứng Niết-bàn, ta nay cần phải đi đến Niết-bàn và ta nay cần phải trụ vào Niết-bàn.
Một hôm, Đại vương Tịnh Phạn cùng bá quan văn võ tề tựu chung quanh nơi cung điện, Thái tử bỗng nhiên bước đến đứng bên cạnh Đại vương, chắp tay cúi đầu nói:
-Con nay muốn xuất gia, cúi xin Đại vương cho phép con được toại ý để cầu quả Niết-bàn. Phụ vương phải biết, tất cả chúng sinh rồi sẽ biệt ly.
Khi Đại vương Tịnh Phạn nghe Thái tử tâu như vậy, cả người run rẩy, tay chân rã rời, giống như cây bị voi lớn lay gốc, mắt đầy ngấn lệ, nghẹn ngào bảo Thái tử:
-Thái tử con yêu dấu của ta nên bỏ ý định ấy đi, nay chưa phải là lúc con xuất gia, ta cũng trải qua thời thiếu niên khi các căn buông lung theo thú vui, ta không tu các pháp hạnh cũng chưa từng thọ các khổ thế gian, lại ta không tu các khổ hạnh mà cũng chưa từng thấy các ái dục xấu xa. Con khởi ý như vậy, con thật rất khó có thể chịu đựng được. Này Đồng tử, con đang độ thanh xuân, tâm ý chưa ổn định, chưa hàng phục các căn mà muốn ở nơi vắng vẻ hẻo lánh, khi đó con không thể chịu nỗi khổ hạnh. Này Đồng tử, con nên đợi khi ta tuổi già, chừng đó nếu ta muốn xuất gia tu hành khổ hạnh, ta sẽ truyền ngôi và trao quốc gia lại cho con mà vào thâm sơn vắng vẻ tu hành khổ hạnh. Này Đồng tử, con không nên trái lời của ta, không thuận ý của cha mà xuất gia tu khổ hạnh, hiện tại ở đời con mang tiếng bất hiếu vì trái lời dạy bảo của kẻ bề trên. Do vậy con nên đem tâm tinh tấn này ở trong cung chớ vội xuất gia, an tâm ở lại nhà thực hiện các pháp thế tục. Này Đồng tử, phàm làm người thế gian, trước phải thọ hưởng thú vui ngũ dục, rồi sau đó mới nghĩ đến việc phát tâm xuất gia.
Thái tử đáp:
-Tâu phụ vương, ngày nay cha không nên ngăn cản chí xuất gia của con. Vì sao? Nếu ngày nay có người đang ở trong căn nhà bốc cháy ngùn ngụt, muốn chạy ra khỏi nhà thoát nạn, lúc đó người này rất dũng mãnh, không có một thế lực nào có thể ngăn cản được. Tâu phụ vương, cái gì có sinh thì có diệt, cái gì có hợp thì có tan. Nếu như có người biết tất cả pháp thế gian đều bị biệt ly mà không bỏ pháp biệt ly đó thì người này không phải là kẻ được lợi ích lớn. Lại như người đời có sự việc còn dở dang, giờ chết sắp đến mà không vội vã làm cho hoàn tất, thì đây không phải là người có trí tuệ sáng suốt.
Rồi Thái tử vì phụ vương mà nói kệ:
Nếu thấy tất cả đều vô thường
Các pháp hữu vi đều tiêu diệt
Đành lìa thân thuộc bỏ thế gian
Giờ chết đến, sự nghiệp phải thành.
Đại vương Tịnh Phạn lại ân cần nói với Thái tử:
-Này Đồng tử, con yêu dấu của ta, nhất định không được bỏ ta đi xuất gia.
Các đại thần cũng theo sự hiểu biết của mình qua các kinh điển đời xưa để lại đều can gián Thái tử:
-Kính bẩm Thái tử, lẽ nào ngài không nghe trong luận Vi-đà có nói từ kiếp ban sơ cho đến nay, các hàng vua chúa thuở xưa niên thiếu, mỗi vị tự cai trị nước của mình, giáo hóa dân chúng, khi đến tuổi già có con cháu chánh thống nối nhau. Các vua đem vương vị trao cho Thái tử, nhiên hậu mới vào trong núi tu hành các pháp hạnh. Vì lý do đó, ngày nay Thái tử không được riêng mình làm trái phép tắc của Tiên vương.
Đại vương nghe các đại thần nói như vậy nước mắt nhỏ như mưa, hai mắt không chớp, đăm đăm theo dõi sắc mặt Thái tử.
Lúc ấy, Thái tử sinh tâm lưỡng lự ưu sầu, gương mặt không được vui, trở về nội cung. Thái tử về đến cung điện, tất cả các thể nữ ở xa trông thấy hết thảy đều vui mừng liền rời chỗ ngồi hoặc có nàng chắp tay bái chào, hoặc có nàng tỏ vẻ duyên dáng, hoặc có nàng ca múa, hoặc có nàng đến hầu hạ. Thấy Thái tử ngồi rồi, chúng bị lửa ái dục thôi thúc nổi lên phừng phực nên vây quanh Thái tử cùng nhau cười cợt vui đùa, oai đức của Thái tử sáng ngời, các tướng tốt thể hiện rõ ràng, cùng nhau vui vẻ thọ hưởng dục lạc giống như ở cung trời Tự tại.
Lúc ấy các tướng tốt và vẻ đẹp của Thái tử đồng xuất hiện, luôn luôn tươi đẹp, ngày đêm Thái tử dạo chơi, thể nữ lại thấy các tướng tốt của Thái tử xuất hiện tốt đẹp như vậy trong tâm sinh ra ý tưởng đây là điều chưa từng có, phải chăng ngài là Nguyệt Thiên tử giáng xuống trần gian. Thể nữ thấy tướng mạo Thái tử tốt đẹp như vậy lại càng sinh tâm tham đắm nên có nàng liếc mắt đưa tình, hoặc có nàng nhìn không nháy mắt, hoặc có nàng xít xoa, hoặc có nàng vẫy tay gọi. Do vì thần lực của Thái tử, khiến tâm dục ngài không nổi lên, lại không cười giỡn.
Khi Thái tử rời phụ vương trở về nội cung, Đại vương Tịnh Phạn lập tức gọi người đánh xe vào hỏi:
-Này người đánh xe tài giỏi! Thái tử có đến lâm viên không?
Người đánh xe đáp:
-Bạch Đại vương xin ngài biết cho, Thái tử ý muốn đến trong viên lâm nhưng giữa đường thấy một người tóc râu đều cạo, thân đắp chiếc y nhuộm màu hoại sắc, tay bưng bình bát. Thái tử thấy người này rồi liền ra lệnh hồi giá, ngài về trong cung an tọa tư duy.
Đại vương nghe như vậy liền suy nghĩ: “Lời dự đoán của tiên A-tư-đà quả không sai, e rằng Thái tử xả tục xuất gia, ta nay phải tăng thêm thú vui ngũ dục khiến Thái tử say đắm, không nghĩ đến việc xuất gia.” Nghĩ rồi Đại vương liền ra lệnh tăng thêm thú vui ngũ dục, ra lệnh thể nữ trong cung làm cho tâm Thái tử thọ khoái lạc, mà không còn nghĩ đến việc xuất gia.
Liền lặp lại với bài kệ:
Giữa đường Thái tử gặp Sa-môn
Thân đắp y sồng nhuộm vỏ cây
Hoan hỷ chí cầu Vô thượng đạo
Thâm tâm chỉ thích hạnh xuất gia.
Thấy sinh già bệnh khổ vô cùng
Sa-môn trì bình đi khất thực
Nhàm chán thế giới ba độc lìa
Ái mộ vô vi cầu giải thoát.
Sinh lão bệnh tử các khổ đau
Thái tử muốn lìa các khổ đó
Trên đường gặp được bậc xuất gia
Chí chân vừa gặp lòng hớn hở.
Muốn bỏ tham sân các não phiền
Ta nên xuống tóc nhập sơn lâm
Thái tử chí cầu chân thật pháp
Gặp được Sa-môn rất vui mừng.
Ngồi xe tứ mã khéo điều hành
Muốn ra ba cõi, nhân ngắm cảnh
Giữa đường gặp kẻ mặc y sồng
Chí hướng bồ đề nay được thỏa.
Bấy giờ Đại vương lại vì Thái tử bày ra nhiều thứ ngũ dục, bao nhiêu những gì đã có, mỗi thứ đều được gia tăng, mặt thành bao quanh cung điện cũ của Thái tử đều được canh giữ nghiêm ngặt. Đặc biệt hơn nữa Đại vương cho xây thêm thành lũy cao lớn, chung quanh cung điện Thái tử cho đào hào thật sâu, trên đầu tường thành an trí lưới bảy báu, giữa các mắt lưới treo chuông rung, các cửa trong cung điện được tăng thêm phần canh giữ, sớm chiều mở cửa tiếng động vang dội đến khắp bốn cửa thành bên ngoài. Bố trí vô số binh xa tượng mã và quân lính mặc áo giáp, sát cánh bên nhau, họ đều được tổ chức theo đội ngũ chỉnh tề chặt chẽ.
Lại bên ngoài cung điện, nơi cửa thành trong ngoài bố trí trăm ngàn tráng sĩ hình dung đẹp đẽ oai hùng, rất dũng cảm, tất cả đều có khả năng đánh tan quân thù, thân mặc chiến bào, tay cầm chĩa ba, côn, trường kiếm, giáo mác, cung tên..., tất cả những thứ binh khí như vậy là để canh giữ Thái tử; lại tăng thêm sắc lệnh cho hàng thể nữ nội cung, ngày đêm ca nhạc múa hát, không được gián đoạn để phô bày tất cả thú vui. Các thể nữ có tài làm mê hoặc luôn luôn kề cận bên Thái tử, dùng ái dục ràng buộc, khiến Thái tử say đắm không nghĩ đến việc xả tục xuất gia.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.138.116.228 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.