Giảng rộng
Cứ y theo ý nghĩa của chữ “bằng hữu” vẫn thường dùng, thì một nhóm bạn cùng chơi với ta sẽ gọi là “bằng”, nếu chỉ một người bạn thì gọi là “hữu”, [cũng có thể xem là tương đương với cách nói “bạn bè” trong tiếng thuần Việt.] Tuy nhiên, ở đây không cần thiết phải gượng ép phân tích, nói chung hết thảy những ai cùng ta chung lý tưởng phụng sự, hoặc cùng chung công việc, hoặc cùng chung lớp học v.v... đều có thể xem là bạn.
Nói “giữ lòng tin cậy” cũng hàm nghĩa đối xử với nhau tương kính, không có sự khinh khi, chứ không chỉ hạn hẹp trong ý nghĩa giữ đúng lời đã hứa. Cho nên, lo việc giúp bạn mà không tận tâm hết sức, ấy là không giữ lòng tin cậy. Vay mượn của bạn không hoàn trả đủ, ấy cũng là không giữ lòng tin cậy. Trước mặt bạn ngợi khen xưng tán, lúc vắng mặt thì chê bai phỉ báng, ấy là không giữ lòng tin cậy. Gặp lúc bạn nguy cấp không cùng chia sẻ giúp đỡ, ấy cũng là không giữ lòng tin cậy. Thấy bạn có lỗi lầm sai trái mà không chỉ ra để khuyên bạn cải hối, ấy là không giữ lòng tin cậy... Tránh được tất cả những điều “không tin cậy” như trên, đó chính là giữ được lòng tin cậy với bạn bè.
Trưng dẫn sự tích
Vượt ngàn dặm để giữ lời hứa
Thời Tam quốc, nước Ngô có người tên Trác Thứ. Nhân lúc từ Kiến Khang sắp về Hội Kê, đến từ biệt Thái phó là Gia Cát Khác. Thái phó hỏi khi nào trở lại, Trác Thứ nói đến ngày ấy tháng ấy... ... sẽ trở lại.
Đúng ngày hẹn, Thái phó bày tiệc đãi khách. Quan khách đều đến đủ nhưng vẫn chưa đãi ăn uống, có ý muốn đợi Trác Thứ. Mọi người đều nói: “Đường từ Kiến Khang đến Hội Kê, đi về cả ngàn dặm, lại thêm sông hồ cách trở gian nan, chắc gì ông ấy trở lại kịp?” Bỗng nhiên thấy Trác Thứ đột ngột xuất hiện, tất cả mọi người trong tiệc đều kinh ngạc.
Lời bàn
Đây chỉ là một trong các khía cạnh của việc giữ lòng tin cậy. Tuy nhiên, vượt đường xa ngàn dặm mà không để sai lời đã hẹn, đủ biết người xưa giữ tín như thế nào.
Giữ lời hứa hóa độ bạn
Thời Đông Hán, ở Lạc Dương có vị cao tăng là An Thế Cao, vốn là thái tử của quốc vương nước An Tức, từ thuở nhỏ đã nổi tiếng là người chí hiếu. Ngài thông minh trí tuệ hơn người, đọc hiểu thấu suốt sách vở trong thiên hạ, thông thiên văn, hiểu rành y học, có khả năng thông hiểu được ý nghĩa trong âm thanh của các loài chim thú...
Ngài An Thế Cao tự kể lại rằng, trong đời trước ngài cũng xuất gia học đạo, có người bạn đồng tu tính tình nóng nảy sân hận, can ngăn nhiều lần nhưng không thay đổi. Ngài có lời hứa đến đời này sẽ hóa độ cho người ấy.
Khoảng cuối đời Hán Linh Đế, ngài quyết định đến Giang Nam hoằng hóa, cũng là để hóa độ cho người bạn đời trước. Ngài đi đến một cái miếu ở hồ Cung Đình, nổi tiếng rất linh thiêng, khách buôn vãng lai đến đó cầu khấn đều có thể biết trước được hướng gió thuận hay nghịch, vì thế nên người cầu đảo cúng tế ở đây không lúc nào ngớt. Khi ngài An Thế Cao còn chưa đến, người giữ miếu nghe tiếng thần giữa hư không bảo rằng: “Trên thuyền sắp đến kia có một vị cao tăng, nên thỉnh vào miếu.”
Người giữ miếu theo lời mách bảo của thần, đón thuyền mời ngài An Thế Cao vào miếu. Cùng đi trên thuyền có hơn 30 người cũng đều đi theo. Khi vào miếu liền nghe tiếng thần nói rằng: “Tôi ngày trước ở đất nước khác, cùng với thầy học đạo, nay tôi làm thần ở miếu này. Trong phạm vi ngàn dặm quanh đây đều do tôi cai quản. Nhờ đời trước tu hạnh bố thí nên đời này được hưởng phước rất lớn, nhưng do tâm nhiều sân hận nên phải đọa trong cảnh giới quỷ thần. Mạng tôi nay sắp dứt, chỉ còn trong sớm tối. Do những người vì tôi cúng tế cầu đảo thường giết hại sinh linh rất nhiều nên tôi sợ rằng sau khi chết không khỏi đọa vào địa ngục, xin thầy từ bi cứu độ. Tôi có được ngàn cây vải lụa cùng nhiều đồ vật quý báu ở đây, xin thầy vì tôi dùng những thứ ấy lo việc phụng sự Phật pháp.”
Ngài An Thế Cao bảo thần hiện thân gặp mặt, thần nói: “Thân hình tôi cực kỳ xấu xí, nếu hiện ra nhất định sẽ làm hại mọi người ở đây vì kinh sợ.”
Ngài Thế Cao nói: “Không sao, mọi người đã biết, sẽ không lấy làm sợ hãi đâu.”
Thần liền từ phía sau điện thờ hiện thân, đưa phần đầu ra, thật là một con mãng xà cực lớn, không biết được phần thân với đuôi dài đến mức nào. Mãng xà bò đến sát bên gối của ngài An Thế Cao. Ngài hướng về phía mãng xà tụng chú nhiều lần, rồi dặn dò dạy bảo nhiều điều. Mãng xà lắng nghe rồi rơi lệ như mưa, thân hình sau đó dần dần biến mất.
Ngài An Thế Cao nhận lấy vải lụa và những vật quý của thần miếu đã gửi gắm rồi từ biệt ra đi, mang những thứ ấy vì thần miếu mà xây dựng ngôi chùa Đông Tự, hồi hướng phước báo cho thần miếu trong cảnh giới tái sinh.
Chẳng bao lâu sau, ngày nọ bỗng thấy có một thiếu niên đến quỳ gối lễ tạ trước mặt ngài Thế Cao, sau đó biến mất. Ngài Thế Cao bảo người chung quanh rằng: “Đó là thần miếu hôm trước, nay đã thoát được hình thể xấu xí rồi.”
Sau đó có người nhìn thấy trong một cái đầm rộng lớn nổi lên xác con mãng xà cực lớn, thân dài nhiều dặm. Chỗ ấy nay chính là Xà thôn thuộc quận Tầm Dương.
Lời bàn
Những quỷ thần trên cạn dưới nước, nói chung nếu thọ hưởng những vật thực do người đời sát hại sinh linh mà dâng cúng, đều không khỏi đọa vào địa ngục. Người thế tục không biết điều này, mỗi khi gặp phải tật bệnh liền bói toán cầu thần, buông thả làm việc giết hại sinh linh, càng gây hại thêm cho người bệnh, khiến tội nghiệt chất chồng tội nghiệt, từ khổ càng thêm khổ. Hạng quỷ thần này chính thật chỉ là những quỷ quái yêu tinh, nếu nhờ đến bọn họ ban phước, bảo vệ hay giúp tăng thêm tuổi thọ, rốt cùng đều là chuyện không thể được.
Vào khoảng trước đời Đường, Đông Nhạc Thánh Đế cũng từng vô tình thọ hưởng tế vật sát sinh, liền phải gấp rút khẩn cầu thiền sư Nguyên Khuê truyền giới, huống chi là vị thần miếu này.
Chuyện này cũng chỉ nói lên một khía cạnh của việc giữ lòng tin cậy, nhưng có thể giữ được lời hứa từ kiếp trước, đủ thấy các vị cao tăng thời xưa xem trọng việc giữ chữ tín đến như thế nào.