Giảng rộng
Loài rồng có bốn tính độc làm chết người. Có khi do bị cắn mà chết; có khi do chạm phải mà chết; cũng có khi do nhìn thấy mà chết; hoặc có khi do nghe âm thanh của chúng phát ra mà chết. Loài rắn cũng có bốn tính độc tương tự như thế. Con rắn mà Thúc Ngao nhìn thấy đó ắt là thuộc loại có thể khiến người ta nhìn thấy mà chết.
Cứ theo lời của người nước Sở kể lại thì đến nay loài rắn hai đầu đó vẫn còn tồn tại. Rắn này có thân hình màu vàng, dài chừng một thước, khi di chuyển có thể bò tới hoặc bò lui đều được, rất giống với loài giun đất. Thoạt nhìn thấy nó cũng không có hại, hẳn nay đã là một loài khác đi rồi, bởi muôn loài đều theo thời gian mà biến hóa. Chẳng hạn như các loài cầm thú vào thời thượng cổ đều nói được tiếng người nhưng ngày nay chẳng có loài nào biết nói. Trong tâm thức hàm chứa những sự ác độc thì đa phần sẽ biến hiện ra thành các loài rắn, rết, bò cạp... Người có tâm từ bi lân mẫn, ắt không thể bị các loại độc làm hại. Nếu không được vậy, ắt là khi bên ngoài có điều độc hại, ta cũng dùng sự độc hại để đáp lại, đó là một con rắn bên ngoài lại thêm một con rắn trong tâm. Ta đã không có khả năng cảm hóa rắn độc, lẽ nào lại để cho bản thân mình bị rắn độc đồng hóa, trở thành độc hại như rắn?
Rắn độc là con vật hại người, vì thế mà Thúc Ngao chôn rắn đi để tránh cho người khác không nhìn thấy. Ví như theo đó mà suy rộng ra, thì hết thảy những gì làm hại người khác đều có thể xem như rắn độc. Khi chúng ta làm được những việc trừ tàn diệt bạo, ấy chính là chôn đi những con rắn độc biết đi bằng hai chân. Cố gắng sửa đổi những sai lầm đã phạm trong quá khứ, tu tập hướng đến những việc hiền thiện trong tương lai, đó chính là chôn đi con rắn độc trong tự tâm mình.
Kể từ câu “Vu Công xử án” cho đến câu này trong chính văn, Đế Quân lược nêu lên những trường hợp làm việc thiện được hưởng phước báo để chỉ dạy cho người đời. Một người làm thiện được hưởng phước báo, thì tất cả mọi người làm thiện cũng đều sẽ được hưởng phước báo. Cũng giống như nếm thử một quả trên cây thấy ngọt thì biết tất cả những quả trên cây ấy đều ngọt, đâu cần phải nếm thử tất cả quả trên mỗi cành cây?
Trưng dẫn sự tích
Tùy phương tiện phạm giới sát
Vào thời đức Phật Nhiên Đăng, có 500 thương nhân ra biển tìm châu báu. Cùng đi với họ lại có một kẻ xấu ác, rất giỏi võ nghệ, xưa nay vẫn thường làm những việc trộm cướp. Tên này có ý muốn giết 500 thương nhân để một mình lấy hết số châu báu đã có được trên thuyền. Nhưng 500 thương nhân này đều là những vị Bồ Tát đã phát tâm Bồ-đề không còn thối chuyển, nếu giết các vị thì tội ác sẽ cực kỳ lớn lao đến mức không thể đo lường, do đó mà phải đọa vào địa ngục rất lâu.
Bấy giờ, trên thuyền có người hoa tiêu dẫn đường tên là Đại Bi, đoán biết được ý niệm của kẻ xấu ác kia, liền tự nghĩ rằng: “Nếu giết kẻ xấu ác này, ắt ta phải chịu quả báo đọa vào đường dữ. Nhưng nếu ta không giết ông ấy, ắt 500 người hiền lương này đều sẽ bị hại, mà tự thân ông ta rồi cũng sẽ đời đời bị đọa trong địa ngục. Bằng như ta nói rõ việc này ra với mọi người, ắt sẽ khiến cho cả 500 thương nhân đều khởi lên tâm sân hận xấu ác, do đó rồi cũng sẽ phải thọ quả báo khổ não.” Suy tính như vậy rồi liền sinh tâm thương xót tất cả, quyết định tự mình nhận lấy tội lỗi để cứu vớt nhiều người. Liền đâm chết kẻ xấu ác kia.
Đức Phật Thích-ca kể chuyện này xong, dạy rằng: “Người hoa tiêu tên Đại Bi đó, chính là tiền thân của ta; 500 thương nhân ngày ấy, chính là 500 vị Bồ Tát trong Hiền kiếp này.”
Lời bàn
Việc này gọi là tùy theo cơ duyên mà phải phạm vào việc giết hại, nhưng điều quan trọng nhất là trước hết đã khởi lên tâm niệm thà tự mình nhận lấy tội lỗi để có thể cứu vớt người khác, thì sau đó mới có thể tùy phương tiện mà hành xử theo phương thức quan trọng này. Ngược lại, nếu như khởi tâm tham muốn công đức, lại muốn tránh không phải chịu quả báo tội lỗi, thì tâm niệm như thế vốn đã là không thể chấp nhận, làm sao còn có được phước báo?
Giết rắn phải đền mạng
Ở quê tôi, trước đây có một người làm quan Lễ bộ Thượng thư tên Cố Tích Trù, sống tại Ôn châu, bị viên phó tướng là Hạ Quân Nghiêu giết hại. Không lâu sau, người ấy giáng cơ nơi nhà của một gia nhân là Trương Điều Đỉnh, nói rằng: “Trong đời trước ta có lỡ tay giết chết một con rắn. Con rắn ấy nay chính là Hạ Quân Nghiêu, vào ngày 16 tháng 6 vừa qua đã hại chết ta ở giữa dòng sông. Việc nhân quả đời trước nay phải gánh chịu, hãy nói với 2 con ta đừng nghĩ đến việc báo thù.”
Họ Trương khi ấy chưa hề nghe tin Cố Tích Trù đã chết, nên lập tức cho người đến Ôn châu tìm hiểu tin tức. Khi ấy có Ngô Quốc Kiệt là người huyện Thái Thương, đang ở tại Ôn châu, có mời Cố Tích Trù đến dự tiệc trên thuyền ở giữa sông. Sáng sớm nghe tin Cố Tích Trù đã bị hại chết, liền sai rất nhiều ngư dân lặn xuống dò tìm thi thể, nhưng không tìm được. Đêm ấy nằm mộng thấy Cố Tích Trù đứng thẳng trong nước mà nói rằng: “Ta ngày trước là một vị tăng ở núi Thiên Đài, có đánh chết một con rắn, nay phải đền mạng. Ông có ý tốt với ta, vì trong đời trước vốn từng là môn đồ của ta. Nay ông chỉ cần cho người đến tìm bên ngoài dòng nước xoáy ở chỗ này, chỗ này... thì sẽ tìm được.” Ngô Quốc Kiệt y theo lời chỉ dẫn trong mộng, quả nhiên tìm được xác, liền đưa linh cữu về Côn Sơn mai táng.
Lời bàn
Cố Tích Trù ngày trước là một vị tăng ở núi Thiên Đài, nay tái sinh làm quan đến chức Lễ Bộ Thượng thư, tất nhiên văn chương tiết tháo, đức hạnh nghĩa khí đều phải trác tuyệt hơn người, đáng để lưu truyền hậu thế. Như thế mà còn khó tránh được quả báo của việc giết rắn ngày trước, huống chi những kẻ tầm thường, so ra còn kém xa họ Cố đến muôn vạn lần? Người đời khởi tâm xấu ác giết rắn, chớ nên đem chuyện Thúc Ngao ra mà biện hộ cho việc làm của mình.