Giảng rộng
Ở đây không nói đến hành vi hay lời nói, chỉ nhấn mạnh vào việc “cân đo”. Đó là vì hành vi hay lời nói đều có ý chủ quan. Đã có ý chủ quan, ắt có ý muốn lợi riêng về mình. Chẳng bằng dựa vào sự “cân đo” vốn chẳng có ý riêng, luôn khách quan, công bằng.
Nói công bằng, có nghĩa là vật nhẹ cho kết quả nhẹ, vật nặng cho kết quả nặng, không hề phân biệt đó là đang cân để bán ra hay cân để mua vào. Vua Thuấn khi tuần du bốn phương, ấn định việc đong lường các nơi đều phải như nhau. Chu Văn vương vừa lên ngôi, trước tiên đã lo việc thẩm sát chuẩn mực cân đo xem có thích hợp đúng đắn hay không. Nếu không trước hết đề xuất lấy sự công bằng làm trọng, làm sao tránh khỏi trong lúc cân đo người ta lại không tùy ý tăng giảm làm sai lệch kết quả? Trong việc đong lường, ắt phải tương đồng các đơn vị như thăng, hộc...; trong việc đo đạc, ắt phải tương đồng về thước, tấc...; nói đến sự lệch lạc nặng hay nhẹ, non hay già, đó là nói chung về tất cả những kết quả cân đong đo đếm, như nhiều hay ít, lớn hay nhỏ, dài hay ngắn, tinh hay thô...
Việc cân đo phải công bằng, không có nghĩa là mỗi khi cân đo đều phải yêu sách, đòi hỏi sự công bằng, mà nên biết giữ sự công bằng tự trong thâm tâm, lúc nào cũng phải xem trọng sự công bằng, lấy đó làm khuôn thước. Được như vậy rồi thì tâm địa trở nên khoan dung rộng lớn, tự nhiên mỗi lúc cần phải cân đo, dù không lưu tâm cũng vẫn giữ đúng mực công bằng.
Trưng dẫn sự tích
Khiển trách không chịu tỉnh ngộ
Đế Quân kể rằng: Người dân vùng Thục quận (Tứ Xuyên) khéo tùy cơ ứng biến, giỏi việc mưu lợi cho riêng mình. Có người tên Lê Vĩnh Chánh, nhà ở phía ngoài Đông Thành, vốn là thợ đóng xe. Vĩnh Chánh chê việc đóng xe nặng nề mà làm ra rồi bán rất chậm, bèn đổi nghề làm các dụng cụ đo lường như đấu, hộc... sau lại làm cả cân với quả cân. Được một năm, có người khách đến đặt hàng dặn phải làm cái đấu cho sâu hơn, quả cân nặng hơn, rồi trả thêm cho nhiều tiền hơn. Ông ta có khả năng làm ra được những quả cân non hoặc già, những cái đấu hơi nhỏ hơn hoặc lớn hơn, rất tinh vi khó biết. Tay nghề của ông ta càng cao thì lại càng có nhiều người sử dụng các dụng cụ do ông làm ra, rộng rãi khắp nơi, tội lỗi ác nghiệt ngày càng nặng nề hơn. Ta đã sai thần địa phương là Đoàn Ngạn hiện ra trong giấc mộng trách phạt, dùng roi đánh Lê Vĩnh Chánh, nhưng ông ta tỉnh ra vẫn không hối cải. Ta liền phạt ông ta phải mù hai mắt. Năm đó Vĩnh Chánh chưa được 40 tuổi, vợ bỏ đi theo người khác, 2 đứa con sinh ra cũng mù lòa, chịu đủ mọi điều khổ não. Nhưng ông ta bỏ nghề thì chẳng biết làm gì để sống, nên vẫn cố dùng tay thay mắt, ước chừng rộng hẹp, dài ngắn, lại tiếp tục làm theo yêu cầu của khách hàng. Năm ngón ở bàn tay trái của Vĩnh Chánh từ sáng sớm đã chịu đau đớn, đến chiều gần như không thể cử động được nữa, máu mủ thường chảy ra, hết sức khổ sở. Dần dần, các khớp ngón tay rơi rụng, ông ta không còn cầm nắm bằng tay được nữa, phải đi ăn xin ngoài chợ.
Vĩnh Chánh tự nói ra tội lỗi của mình với mọi người, đến 3 năm sau thì chết, hai đứa con cũng nối tiếp nhau chết vì đói. Do đó mà số người sử dụng những dụng cụ đo lường sai lệch do Vĩnh Chánh làm ra không còn nhiều nữa.
Lời bàn
Đời nhà Thanh, vùng Thiệu Hưng thuộc tỉnh Triết Giang có người đến Tô Châu thuê nhà ở. Người này có nghề khéo nấu bạc đúc thành các loại đồ chứa. Trong lúc nhận làm cho khách, ông ta lén lấy bớt đi số lượng bạc của khách. Năm Bính Tý niên hiệu Khang Hy, vào ngày mồng 3 tháng 7, đang trong lúc đúc đồ chứa, bỗng nhiên có người dở miếng ngói trên mái nhà ông ta trống ra. Ông lấy tay che lại, bỗng có tiếng sét đánh xuống, làm đứt hẳn một nửa cánh tay. Tuy chưa đến nỗi chết, nhưng thân thể khi ấy không còn khả năng nhấc được vật gì lên nữa. Cho nên, đối với các loại đồ dùng mà có sự gian lận, ắt không khỏi có sự liên quan đến tạo vật.
Chịu phạt làm thân trâu
Vào đời Đường, ở huyện Vạn Niên thuộc Ung châu có người họ Nguyên, cưới vợ họ Tạ. Hai vợ chồng có đứa con gái gả cho Lai A Chiếu là dân ở Long thôn. Niên hiệu Vĩnh Huy năm cuối đời Đường Cao Tông, Tạ thị qua đời. Đến tháng 8 năm đầu niên hiệu Long Sóc, bà hiện về báo mộng cho đứa con gái, nói rằng: “Mẹ lúc còn sống dùng đấu nhỏ hơn để đong rượu bán, gian lận tiền của người khác quá nhiều, nay đang phải chịu tội, làm con trâu ở nhà một người dưới chân núi Bắc Sơn, gần đây lại bị bán về nhà Hạ Hầu Sư ở gần chùa Pháp Giới để cày ruộng, khổ cực vô cùng. Mong con có thể mang tiền đến đó chuộc mẹ ra.” Đứa con gái thức dậy, đem việc ấy mà khóc kể với chồng.
Tháng giêng năm sau, tình cờ gặp một vị ni sư ở chùa Pháp Giới đến Long thôn, hỏi ra mới biết tường tận mọi việc. Hai vợ chồng liền chuẩn bị tiền bạc tìm đến nhà kia để chuộc trâu. Trâu nhìn thấy người con gái thì khóc. Cô ta mua được trâu về, tận tâm nuôi dưỡng. Vương phi và thị nữ của Vương Hầu ở kinh thành nghe biết chuyện này, liền cho gọi người con gái của Tạ thị, bảo dắt trâu đến cho Vương phi xem, rồi ban cho tiền bạc, vải lụa.
Lời bàn
Dùng đấu nhỏ hơn để đong cho người là thói gian lận thường gặp ở dân phố chợ, ắt phải chịu sự trừng phạt đến như thế. Cho nên những kẻ gian lận của người để thủ lợi, ỷ thế cưỡng bức mua lấy vật dụng của người, nói chung đều không tránh khỏi sự nguy hiểm.
Nối nghiệp nhà tốt đẹp
Đời Minh, ở Dương Châu có nhà giàu có, mở một cửa hàng ở phía nam. Đến lúc sắp chết, gọi con đến trao cho một cái cân mà nói: “Đây là vật đã giúp ta dựng nên gia nghiệp.” Đứa con hỏi vì sao, ông đáp: “Đòn cân này làm bằng gỗ mun, bên trong có giấu thủy ngân. Khi cân bán ra thì trước đã nghiêng cho thủy ngân chạy về đầu cân, người ta thấy tưởng rằng vật đã đủ nặng, không biết rằng thật ra còn nhẹ. Khi cân mua vào thì trước đã nghiêng cho thủy ngân chạy về đuôi cân, người ta thấy tưởng rằng vật cân còn nhẹ, nhưng không biết rằng thật ra đã nặng. Ta nhờ đó mà giàu có.” Đứa con nghe như vậy thì trong lòng kinh sợ nhưng không dám nói ra.
Người cha chết rồi, đứa con lập tức mang cái cân ấy ra thiêu hủy. Khi đốt thấy trong đám khói bay lên có vật gì hình giống như rồng, như rắn. Chẳng bao lâu sau, có 2 người con trai đều chết cả. Khi ấy liền than thở rằng đạo trời thật không công bằng, nhân quả đảo điên trái ngược. Một hôm, nằm mộng thấy mình đi đến một nơi, có quan phủ ngồi trên án đường, dạy rằng: “Cha của ngươi vốn số mạng giàu có, thật chẳng cần phải dùng đến cái cân gian lận. Nhưng vì ông ta có tâm bất chính, chẳng giữ lẽ công bằng, nên Ngọc Đế có lệnh sai hai vì tinh tú là Phá tinh với Háo tinh xuống trần, đầu thai vào nhà để hủy hoại gia nghiệp nhà ngươi. Sau khi gia nghiệp đã suy sụp rồi, ắt phải chịu thêm hỏa hoạn. Nay xét thấy ngươi có thể sửa được lỗi lầm của cha ngày trước, buôn bán giữ được lẽ công bằng, nên Ngọc Đế đặc biệt cho triệu hồi Phá tinh với Háo tinh về, sắp tới sẽ cho ngươi được có con ngoan hiền, ngày sau được vẻ vang vinh hiển. Ngươi nên cố sức làm điều thiện, chớ nên oán thán lẽ trời.”
Người kia tỉnh dậy hiểu ra mọi sự, từ đó càng kiên trì làm thêm rất nhiều việc thiện. Sau quả nhiên ông sinh được hai người con, đều đỗ tiến sĩ.
Lời bàn
Theo đúng lý thì những chuyện tốt xấu, lành dữ xảy ra với người đời đều có nguyên nhân tiềm ẩn, chỉ là người phàm mắt thịt không có khả năng thấy biết mà thôi. Nhưng luật nhân quả báo ứng, dù một mảy may cũng không sai lệch.
Xưa ở Cô Tô (Tô Châu) có người họ Doãn sống bằng nghề viết đơn kiện, xúi giục người khác kiện tụng lẫn nhau. Trong nhà lúc nào cũng có nhiều người đến nhờ viết giúp, đông như họp chợ. Sau người ấy sinh được một đứa con, dung mạo hết sức tuấn tú, thông minh tuyệt trần. Nhân đó, họ Doãn tự hối hận lỗi lầm của mình, bỏ không làm việc viết đơn từ cáo trạng nữa.
Chẳng bao lâu, đứa con trai hốt nhiên bị mù cả 2 mắt. Họ Doãn đau buồn uất hận lắm, trở lại viết đơn kiện như trước. Chưa được một năm thì 2 mắt của đứa con trai sáng ra. Do đó mà họ Doãn cho rằng đạo trời chẳng công bằng, từ đó tuyệt đối không tin lẽ nhân quả, họa phước gì nữa cả.
Đứa con trai họ Doãn tên Minh Đình, vào năm Kỷ Sửu niên hiệu Thuận Trị thì đỗ tiến sĩ. Nhưng rồi chưa được mấy năm, nhân lúc đi nhận chức quan, giữa đường gặp quân phiến loạn, cả nhà đều bị giết, không sống sót một ai.