Giảng rộng
Anh em trong một nhà, tuy hình hài có khác biệt, nhưng nếu xét theo tình thương của cha mẹ thì không khác gì nhau. Cho nên, anh em có chuyện bất hòa, chia cách, ắt không khỏi làm cho cha mẹ đau buồn, khổ tâm. Nếu anh em biết tương trợ giúp đỡ, thương yêu lẫn nhau, đó gọi là thuận theo đạo, vốn cũng là một yếu tố nằm trong đạo hiếu. Nguyên văn chỉ nói “em phải kính anh”, không nói đến “anh phải thương yêu em”, ấy chỉ là vì cách nói giản lược, thật ra vẫn hàm ý trong đó.
Anh em tình thân như chân với tay, nhưng xưa nay thường bị chia cách, tình nghĩa tổn thương, phần nhiều là khi có thêm người vợ. Người phụ nữ hiền thục đức hạnh tuy vẫn có, nhưng những người hẹp hòi kém đức cũng không phải ít. Những người ấy thường chỉ thấy biết việc nhỏ nhen mà không hiểu thấu ý nghĩa lớn lao, chỉ biết thu vén điều lợi về mình mà không biết đến người khác, do đó mà sự tranh chấp, xung đột rất dễ xảy ra. Lại thêm khuynh hướng thường gặp ở người đàn ông là rất dễ tin theo lời vợ. Anh em dù có trăm tiếng ngàn lời hết sức giải bày, thường cũng không bằng một vài lời tỉ tê bên tai của vợ. Ấy thế nên có nhiều người tính tình cứng rắn nóng nảy, mà trước mặt vợ thì mềm mỏng yếu ớt; có nhiều người mạnh mẽ cương cường, mà trước mặt vợ thì nhút nhát sợ sệt; có nhiều người hết sức sáng suốt khôn ngoan, mà trước mặt vợ thì hóa ra hôn ám mê muội; có nhiều người hết sức sang cả tôn quý, mà trước mặt vợ bỗng hóa thành người sai vặt; có nhiều người hết sức quyết đoán tự tin, nhưng trước mặt vợ bỗng trở thành do dự, trù trừ; có nhiều người hết sức keo kiệt bủn xỉn, mà trước mặt vợ bỗng trở nên hào phóng rộng rãi; có nhiều người hết sức cao ngạo bướng bỉnh, mà trước mặt vợ bỗng trở thành ngoan ngoãn khuất phục; có nhiều người hết sức công minh chính trực, mà trước mặt vợ bỗng trở nên tà vạy, dua nịnh.
Cho nên, có những người dẫu vẫn biết tôn trọng việc nước đạo nhà, nhưng không thể hết lòng giữ theo trung, hiếu. Ấy là vì trong chốn khuê phòng có kẻ ngày đêm tỉ tê to nhỏ những chuyện khác hơn, cứ dần dần nghe mãi mà thành bị khuất phục. Thật đáng thương thay! Tình anh em trong cõi đời có năm sự ô trược xấu ác này, biết làm sao để nhà nhà đều có được những người con dâu hiền thảo đức hạnh, giúp cho anh em đều biết hòa thuận thương yêu đối xử tốt đẹp, không oán thù xung đột với nhau.
Trưng dẫn sự tích
Cung kính chuyển giao tài sản
Đời nhà Minh có người tên Triệu Ngạn Tiêu, sau khi cha mẹ mất rồi, cùng với người anh là Triệu Ngạn Vân làm ăn sinh sống với nhau đến 12 năm. Sau đó, Ngạn Vân thường ăn chơi lười nhác, bỏ phế cơ nghiệp, Ngạn Tiêu liền xin với anh phân chia gia sản để mỗi người tự lập.
Vừa qua được 5 năm, gia sản của Ngạn Vân đã hết sạch. Một hôm, Ngạn Tiêu bày tiệc rượu mời anh đến chơi rồi nói: “Em trước đây vốn không có ý muốn phân chia gia sản, chỉ vì anh không biết tự kiềm chế lo việc làm ăn, nên em vì thương anh mà buộc phải phân chia ra để tự mình có thể giữ gìn được phân nửa sản nghiệp cha mẹ để lại, dẫu có bề gì cũng còn có thể tạm duy trì sự sống cho anh em mình. Nay mời anh quay trở lại nhà, xin giao quyền làm chủ gia đình này cho anh.”
Ngạn Vân nói rồi đem chứng từ phân chia gia sản ngày trước ra đốt sạch, lấy chìa khóa nhà kho giao hết cho anh, lại hỏi tất cả các khoản nợ nần hiện nay của anh rồi thay anh thanh toán hết. Ngạn Vân hết sức xấu hổ, nhận lời em rồi từ đó nỗ lực hối cải, chí thú lo việc làm ăn, không còn ham chơi như ngày trước.
Năm sau, cả hai cha con Triệu Ngạn Tiêu cùng lúc thi đỗ Tiến sĩ.
Lời bàn
Khi chạm đến vấn đề phân chia tài sản, anh em trong một nhà thường rất dễ trở nên chia cách, ly tán. Khi còn sống dựa vào cha mẹ, nhờ cậy qua lại mọi việc rồi cũng qua; đến lúc thực sự phân chia tài sản riêng tư, mới thường nảy sinh chuyện tranh chấp, giành giật lẫn nhau.
Lành thay, sách Công quá cách (功過格) có câu rằng: “Phận làm con trong khi nuôi dưỡng cha mẹ, hoặc lo việc tang ma, nên nghĩ tưởng rằng cha mẹ chỉ sinh ra được mỗi một mình ta; đến lúc phân chia gia sản, nên nghĩ tưởng rằng cha mẹ sinh ra anh em đông đúc, chẳng riêng gì mình ta.”
Đến như quán xét việc làm của Triệu Ngạn Tiêu, nào thấy ông ta có nghĩ tưởng gì đến việc tranh giành tài sản đâu?
Tình cảm chí thành cảm hóa được người
Đời nhà Minh, tại Quy An thuộc vùng Triết Giang có người tên Nghiêm Phụng, tánh tình hiếu thuận, luôn thương yêu đối xử tốt với anh em bằng hữu, người đời thường tôn xưng là Khê Đình Tiên sinh. Một hôm cùng với người bạn đồng hương là Thí Dực đi thuyền dạo chơi. Thí Dực than phiền với ông rằng người anh phân chia tài sản cho mình chẳng công bằng. Nghiêm Phụng nghe rồi buồn bã nói: “Tôi có người anh sức khỏe yếu kém, đó là điều làm tôi khổ tâm nhất. Giá như anh tôi mà được mạnh mẽ như anh của ông, dẫu có đoạt hết ruộng đất tài sản, tôi cũng không buồn.” Nói dứt lời, nước mắt tuôn tràn không dứt. Thí Dực nghe vậy hết sức cảm động, nhân đó trong lòng có chút tỉnh ngộ.
Nguyên Thí Dực có người anh là Thí Tương Chi. Cả hai đều là bậc nhân sĩ trí thức vùng Tri Châu, chỉ do việc phân chia tài sản ruộng đất mà anh em hóa ra hiềm khích với nhau đã nhiều năm rồi. Kể từ sau lần đó, anh em nhà họ Thí quay lại làm hòa, nhường nhịn lẫn nhau, suốt đời không một lời nào phân cách nữa.
Lời bàn
Khê Đình Tiên sinh khi từ quan về quê, có người anh rất nghèo khổ lại già yếu, liền đón về nhà mình nuôi dưỡng. Mỗi khi có dịp đãi khách tại nhà, đều cung kính mời anh ngồi trên, còn bản thân mình cầm đũa đứng hầu phía sau anh. Một hôm nhân bước tới trước gắp chút thức ăn, anh cho là vô lễ, giận tát vào mặt, ông vui vẻ đón chịu, suốt bữa tiệc ấy lại tỏ ra vẻ vô cùng hứng khởi, hân hoan. Tan tiệc, ông cung kính đưa anh vào phòng nghỉ. Hôm sau, trời chưa sáng đã đến bên giường anh đứng chờ vấn an. Chẳng bao lâu sau người anh mất. Ông than khóc, chu toàn việc tống táng theo đúng lễ nghi.
Qua việc tiên sinh đối với anh tận tình như thế, có thể biết rằng những lời tiên sinh đã nói với Thí Dực thảy đều là xuất phát từ nội tâm chân thật.