Giảng rộng
Sự nguy nan có rất nhiều hình thức, nhưng nói đại lược không ra ngoài bảy việc: một là nạn nước lụt, hai là nạn lửa cháy, ba là bị tù ngục oan uổng, bốn là nạn trộm cướp, năm là nạn chiến tranh binh lửa, sáu là nạn mất mùa đói thiếu, bảy là nạn dịch bệnh truyền nhiễm.
Gặp người bị nạn nước lụt, lửa cháy, có thể tìm cách bảo toàn tính mạng cho người, đó gọi là cứu. Gặp người bị tù ngục oan uổng, có thể tìm cách giúp người minh oan gọi là cứu. Gặp người bị nạn trộm cướp, binh lửa chiến sự, có thể tìm cách giúp người an ổn thoát ra gọi là cứu. Gặp người đói rét vì mùa màng thất bát, có thể giúp cho cơm ăn áo mặc gọi là cứu. Gặp người mắc phải dịch bệnh, có thể dùng thuốc men điều trị gọi là cứu.
Hết thảy những sự cứu giúp ấy đều phải phát xuất từ tấm lòng chân thành, thấy người bị nạn cũng tưởng như chính mình đang bị nạn, nên dốc hết tâm lực, trí tuệ để tìm đủ mọi phương cách mà cứu giúp, sao cho người ấy được hoàn toàn thoát nạn mới thôi.
Khi người gặp nạn rồi mới đến cứu, đó là sự cứu giúp có thể nhìn thấy được, như Khổng tử nói: “Người có nạn, phải đặt mình vào trường hợp của người mà giúp.” Lại có một phương pháp khác, khiến cho người tự nhiên không gặp sự nguy nan. Cứu giúp theo cách này công đức lớn hơn bội phần, như Khổng tử nói: “Khiến cho người không gặp phải nguy nan.”
Như vậy là thế nào? Đó là vì, người gặp phải hoạn nạn, thảy đều do nghiệp đời trước tạo ra. Đời này không gieo nhân xấu, đời sau tự nhiên không gặp quả xấu. Nếu có thể khuyên người không phạm vào các nghiệp giết hại, trộm cắp, tà dâm, gian dối, đó chính là cứu được rất nhiều sự nguy nan cho người. Vì thế, cứu người khi sự nguy nan đã xảy ra thì việc cứu giúp đó là có giới hạn, mà cứu người từ lúc sự nguy nan chưa xảy ra thì sự cứu giúp đó mới là vô cùng tận.
Cứu người khi đã gặp nạn, đó là việc thiện của người bình thường; cứu người bằng cách khuyên dạy khiến cho không bao giờ phải gặp nạn khổ, đó là phẩm hạnh của hàng Bồ Tát. Cả hai việc ấy đều có thể cùng lúc thực hiện, không hề trái nghịch nhau.
Trưng dẫn sự tích
Làm rõ án oan kỳ lạ
Đế Quân kể rằng: Có người tên Hà Chí Thanh sống dưới chân núi Quy Sơn, sinh được hai con trai, đặt tên con trưởng là Hà Vô Phương, con thứ là Hà Lương Năng.
Con trưởng lớn lên lấy vợ là con gái Hầu Phủ. Qua một năm, Hầu Phủ có bệnh, người con gái ấy xin được về thăm, lúc về cùng đi với chồng. Trong lòng bối rối nên khi đi để quên cái vòng ngọc hồi môn. Lúc sực nhớ ra, còn đang phân vân chưa biết làm sao thì Hà Lương Năng đã mang vòng ngọc đuổi theo trao cho, lại nói: “Mẹ cũng đang có bệnh, mong anh sớm trở về.” Hà Vô Phương nghe vậy thì dặn dò em mình hãy bảo vệ chị dâu trên đường về thăm nhà, còn tự mình gấp rút quay lại thăm bệnh mẹ.
Đi được một đoạn, chị dâu ái ngại nên bảo em chồng rằng: “Nhà chị cũng chẳng bao xa, không dám phiền chú nhọc sức đi theo.” Vì thế, Lương Năng liền quay về nhà.
Đêm đó, nhà họ Hầu chờ mãi không thấy con gái về. Sáng ra theo đường mà tìm, thấy một thi thể con gái nằm chết, bị chặt mất đầu. Hầu Phủ đau lòng quá mà qua đời. Nhà họ Hầu nghi ngờ rằng Lương Năng giữa đường muốn cưỡng bức chị dâu, do nàng không thuận theo nên giết đi, liền đưa đơn kiện lên quan phủ. Lương Năng bị tra tấn bức cung không chịu đựng nổi, cuối cùng đành phải nhận tội oan, chịu xử tội chết.
Bấy giờ, thần núi Quy Sơn là Ngải Mẫn mang nổi oan đó báo lên, ta liền xem xét sự việc. Hóa ra trong đêm ấy có tên cướp hung bạo là Ngưu Tư, cùng vợ là Mao thị có chuyện cãi vã, trong lúc nóng giận lỡ tay giết chết vợ. Khi ấy, tình cờ lại gặp con gái nhà họ Hầu đang đi một mình trên đường, liền bắt về cưỡng bức, lại lấy quần áo của nàng tráo đổi với xác chết của Mao thị. Mao thị với Hầu thị tuổi tác cũng suýt soát gần nhau nên thân hình giống nhau. Ngưu Tư liền chặt đầu Mao thị giấu đi, mang xác vứt ra bên đường, rồi bắt Hầu thị mang về nhà mình, chẳng ai nhận biết được chuyện ấy cả.
Ta liền truy tìm hồn phách của Mao thị, khiến cho tạm nhập vào thân xác của Ngưu Tư, lại mượn chính miệng của Ngưu Tư để nói ra những chuyện đã xảy đến cho nàng. Quan phủ nghe qua thấu rõ sự thật, truyền mang Ngưu Tư ra chém tại chợ. Con gái họ Hầu được trả về nhà, mối oan của Hà Lương Năng được sáng tỏ.
Lời bàn
Người phàm mắt thịt chỉ có thể nhìn thấy hình dạng bên ngoài của con người, nhưng quỷ thần có thể nhìn thấu cả tâm can. Vì thế nên pháp luật của dương gian có thể oan sai, còn sự khiển trách trong chỗ vô hình thì không thể nào chạy thoát.
Trừ bạo loạn, cứu người hiền
Đế Quân kể rằng: Ở làng Bắc Quách có một phú ông tên Trí Toàn Lễ. Nhân tiết Trọng Xuân làm lễ tế tự, sau đó thì cả nhà lớn nhỏ đều uống đến say mềm. Có tên cướp hung bạo là Vương Tài dẫn theo đồng đảng đến cướp nhà họ Trí, trói chặt cả thảy nam nữ là 9 người, lại thêm tỳ thiếp 7 người nữa. Chỉ có người vợ Toàn Lễ với 2 cô con gái là Thuấn Anh, Thuấn Hoa còn chưa bị trói. Hai cô gái ôm mẹ mà khóc. Vương Tài muốn hãm hiếp, cô em liền lớn tiếng mắng rằng: “Bọn giặc đói chúng mày dám cướp nhà tao, thần minh họ Trương đã biết rõ tội bọn bay rồi.”
Nói vừa dứt lời thì vị thần tư mệnh trong nhà cùng với tổ tiên dòng họ Trí đã cùng nhau đến cấp báo lên ta. Ta lập tức phái công tào dẫn trăm âm binh đi giải cứu. Ngay khi đó, Toàn Lễ với tất cả mọi người trong nhà đều bỗng dưng thấy dây trói tự mở, liền cùng nhau xông ra bắt hết bọn cướp trói lại. Quan phủ nghe chuyện mang quân đến, liền bắt toàn bộ bọn chúng về trị tội.
Lời bàn
Vương Tài sở dĩ dám đến cướp là vì nhân lúc tất cả người nhà đều say khướt, không sức chống cự. Mà cả nhà Toàn Lễ đều say khướt, là do trước đó ham vui uống quá chén. Ví như chủ nhà biết giữ sự tỉnh táo không rối loạn, ắt kẻ lớn người nhỏ trong nhà cũng đều duy trì được sự cảnh giác, đâu để phải chuốc lấy tai họa từ bên ngoài?
Đáng sợ lắm thay! Người làm chủ trong gia đình không thể không luôn giữ sự tỉnh giác! Nếu người không có trí tuệ chân chánh, hiểu biết đúng đắn, ắt sẽ bị sáu tên giặc chuyên cướp công đức là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý dẫn theo bọn đồng đảng là hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, sự xúc chạm và các ý tưởng, tự cướp lấy hết những của báu trong nhà mình, nào phải chỉ riêng Toàn Lễ bị cướp mà thôi đâu!