Giảng rộng
Trong văn trước, từ chỗ “chưa từng bạo ngược với dân” đến đây là 5 câu, đều nói những việc mà Đế Quân đã làm, tích tụ âm đức, nhưng thật ra không thể nào kể hết được, nên dùng hai chữ “rộng làm” là để nói khái quát hết thảy.
Nguyên bản dùng chữ “âm chất” (陰騭), nguyên có xuất xứ từ thiên Hồng Phạm (洪范) trong sách Thượng Thư (尚書). Căn cứ theo chú thích của Sái Trầm (蔡沈) đời Tống thì đó là những việc đã “mặc định” (默定), nghĩa là trong chỗ u mặc âm thầm, con người không thấy không biết, nhưng đã có sự âm thầm định đoạt quyết định sự việc phải như thế. Tuy nhiên, hiểu theo nghĩa ấy thì không thích hợp với câu văn ở đây, mà nên hiểu theo nghĩa là “âm đức” (阴德) mới đúng.
Nguyên bản dùng chữ “thương khung” (蒼穹), nghĩa là “cao xanh”, để chỉ trời cao. Chữ “thương” (蒼) nói về màu sắc, chữ “khung” (穹) nói về sự cao rộng. Nếu nói theo màu sắc, như cung điện mà chư thiên ở, thì hợp với chữ “thương”, vì trong kinh nói là có màu lấp lánh như ngọc lưu ly xanh. Nếu nói theo hình thể đo lường cao rộng, thì hợp với chữ “khung”, vì như tầng trời Đao-lợi quả thật cách mặt đất chúng ta đến 84.000 do-tuần.
Trưng dẫn sự tích
Làm vị quan tốt ở Thanh Hà
Đế Quân kể rằng: Ta từ sau khi lìa bỏ đường ác, sinh ra tại nước Triệu làm con trai Trương Vũ, được đặt tên là Trương Huân, sau trưởng thành làm huyện lệnh Thanh Hà.
Ta từ lúc làm quan luôn giữ tâm sáng suốt, khoan hậu nhân từ, không nỡ xem thường kẻ dưới. Đối với thuộc cấp như bạn hữu, đối với dân chúng như người thân trong gia đình. Thuộc cấp có điều sai trái lầm lạc, ta giúp sửa đổi cho chính đáng; đối với người lười nhác giải đãi thì dùng lời khích lệ, khuyên bảo; đối với người thô lỗ cộc cằn thì nhẫn nại dạy dỗ, khiến cho cải hối; đối với kẻ quỷ quyệt xảo trá thì tra xét tường tận, làm rõ tất cả; đối với kẻ so đo hơn thiệt chuyện bổng lộc thì đem đạo nghĩa ra dạy dỗ; đối với kẻ tranh biện chê bai chuyện lễ nghĩa pháp chế thì đem lẽ tình cảm mà hiểu dụ; đối với kẻ giặc loạn trộm cướp, ta liền làm rõ mà bắt phải bồi hoàn tiền bạc đúng mực; đối với kẻ gây thương tổn cho người khác, ta bắt phải nhận lỗi và bồi thường thiệt hại; đối với kẻ lần đầu phạm lỗi có thể khoan dung, ta khuyên răn rồi tha thứ; đối với kẻ phạm tội không xuất phát từ bản tâm có thể dung thứ, ta cũng tha bổng; cạn hết lời lẽ, dốc hết sức lực mà dạy dỗ răn nhắc mọi người noi theo đạo lý, phép tắc. Nếu như xảy ra sơ xuất trong việc xử án kết tội, có người vì thế chê bai là dung túng kẻ xấu, ta đều chấp nhận lắng nghe.
Ta giữ chức huyện lệnh trong 5 năm, mưa thuận gió hòa, dịch bệnh không phát sinh, dân chúng mỗi khi cúng tế trời đất đều xưng tán ngợi khen ta.
Lời bàn
Đời nhà Hán có nhiều vị quan tốt, nhưng liệu có ai được từ hòa, thương yêu chia sẻ nỗi khổ của dân, đau xót với nỗi đau của dân như Đế Quân chăng? Khảo cứu trong thư tịch ghi chép về quan lại, chỉ thấy có Trương Vũ là ông quan tà vạy hư hỏng, không thấy nói đến người con là Trương Huân làm quan đức độ, vậy thư tịch ghi chép liệu có nên tin tưởng hoàn toàn được chăng?
Đại tiên núi Tuyết Sơn
Đế Quân kể rằng: Ta vào đời Chu U Vương, do thẳng thắn can gián mà bị bắt tội chết, hồn phách không có chỗ về, lẩn quất nơi cung điện than khóc trong 3 ngày. Vua nghe tiếng khóc cho là yêu quái, lệnh cho quan Đình thị cứ nghe theo tiếng kêu khóc mà bắn tên. Ta khi ấy mới bỏ nước của U Vương mà đi, một lòng hướng về phương tây.
Ta đi qua Mân sơn, Nga Mi sơn, rồi rời xa đất Thục, bay vượt qua nhiều ngọn núi cao vút, xa trông về hướng tây thấy có một đỉnh núi, vừa cao vừa rộng ước đến hơn trăm dặm, tuyết phủ giá lạnh, thật không phải cảnh nơi trần thế. Sơn thần là Bạch Huy nói với ta: “Núi ấy tên là Tuyết Sơn. Xưa đức Đa Bảo Như Lai tu hành ở đó, qua 8 năm thì thành đạo, sao ông không lưu lại nơi núi ấy?”
Ta nghe theo lời sơn thần, ở lại núi ấy. Không lâu sau Ngọc Đế có chỉ ban xuống phong ta làm Tuyết Sơn Đại tiên.
Lời bàn
Đế Quân chấp chưởng việc khoa bảng của nhân gian, ngang hàng với chư tiên, đều nhờ những việc làm phúc thiện thật sự thấu tận lòng trời, chỉ riêng một việc này khác biệt.
Những người được Ngọc Đế ban phong, đều phải nghe theo mệnh trời. Trời đã có thể ban cho vinh hiển, thì cũng có thể bắt phải bần tiện. Chỉ riêng bậc tu hành xuất thế, hoặc được vãng sinh về Tây phương Tịnh độ, hoặc tạm tái sinh nơi các cõi trời Tứ thiền thuộc Sắc giới, mới có thể tự do tự tại, không phải nghe theo mệnh lệnh từ Ngọc Đế.