Chúng ta không có quyền tận hưởng hạnh phúc mà không tạo ra nó, cũng giống như không thể tiêu pha mà không làm ra tiền bạc. (We have no more right to consume happiness without producing it than to consume wealth without producing it. )George Bernard Shaw
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Sự hiểu biết là chưa đủ, chúng ta cần phải biết ứng dụng. Sự nhiệt tình là chưa đủ, chúng ta cần phải bắt tay vào việc. (Knowing is not enough; we must apply. Willing is not enough; we must do.)Johann Wolfgang von Goethe
Nếu bạn muốn những gì tốt đẹp nhất từ cuộc đời, hãy cống hiến cho đời những gì tốt đẹp nhất. (If you want the best the world has to offer, offer the world your best.)Neale Donald Walsch
Có những người không nói ra phù hợp với những gì họ nghĩ và không làm theo như những gì họ nói. Vì thế, họ khiến cho người khác phải nói những lời không nên nói và phải làm những điều không nên làm với họ. (There are people who don't say according to what they thought and don't do according to what they say. Beccause of that, they make others have to say what should not be said and do what should not be done to them.)Rộng Mở Tâm Hồn
Chúng ta không làm gì được với quá khứ, và cũng không có khả năng nắm chắc tương lai, nhưng chúng ta có trọn quyền hành động trong hiện tại.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Khi ý thức được rằng giá trị của cuộc sống nằm ở chỗ là chúng ta đang sống, ta sẽ thấy tất cả những điều khác đều trở nên nhỏ nhặt, vụn vặt không đáng kể.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Thượng »» Do đó mà ta có lời dạy người »»

An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Thượng
»» Do đó mà ta có lời dạy người

Donate

(Lượt xem: 5.831)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       


An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Thượng - Do đó mà ta có lời dạy người

Font chữ:


Giảng rộng

Hai chữ “do đó” nếu xét theo ý nghĩa trước đó là do “chưa từng bạo ngược với dân...” thì chữ “dạy” sẽ mang ý nghĩa ngăn ngừa điều ác, làm nền tảng chuẩn bị cho câu “hết thảy việc ác quyết không làm” ở gần cuối bài. Lại nếu xét theo ý nghĩa của 6 câu kể từ “cứu người khi nguy nan”, thì chữ “dạy” sẽ mang ý nghĩa khuyến khích điều lành, làm nền tảng chuẩn bị cho câu “hết thảy việc lành xin vâng theo”.

Đế Quân sở dĩ thương mà dạy dỗ nhắc lại nhiều lần như thế, vì hy vọng rằng chúng ta đều là những con người có thể cải hối. Nhưng liệu chúng ta quả thật không có gì phải hổ thẹn với lòng chăng? Mạnh tử nói: “Không có lòng trắc ẩn thì không phải là người. Không có tâm hổ thẹn ghét bỏ điều ác, khiêm cung nhường nhịn, cũng không phải là người.” Theo đó mà nói thì làm người quả thật khó!

Muôn vật đều gồm đủ, con người thật đáng tôn trọng! Có thể xưng đế xưng vương, con người cao quý thay! Sinh ra không vật mang theo, chết đi vẫn hoàn tay trắng, con người cùng khổ thay! Món ngon vật lạ qua miệng rồi đều thành phẩn dơ hôi thối, con người nhơ nhớp thấp hèn thay! Ai cũng từng ở trong bào thai rồi từ đó sinh ra, con người kém cỏi thay! Ăn nuốt hết thảy muôn loài trên cạn dưới nước, con người tàn nhẫn thay! Bên ngoài trang sức lụa là xinh đẹp, trong lòng ẩn giấu tên độc gươm sắc, con người xảo trá thay! Gia đình thân quyến ràng buộc sai sử, con người thật như nô dịch! Chỉ hướng vào thân thể hạn hẹp này mà nhận đó là nhà, con người nhỏ bé thay! Dưới ánh mặt trời thì rỡ ràng nhân nghĩa, đêm tối ám muội thì việc xấu xa nào cũng không từ, con người thật đáng hổ thẹn thay! Sống ngày nay không chắc chắn được ngày mai, con người thật mong manh thay! Thở ra không hẹn thở vào, con người thật yếu đuối thay!

Luận A-tỳ-đàm nói: “Chữ ‘người’ có 8 nghĩa.” Kinh Lâu Thán Chánh Pháp dạy rằng: “Người trong cõi Diêm-phù-đề nhiều chủng loại khác biệt nhau, cả thảy có 6.400 chủng loại.” Thế thì chữ “người” đó nào phải dễ nhận hiểu đâu?

Các thuyết về con người

Con người từ cảnh trời Quang Âm đến

Kinh Khởi thế nhân bản dạy rằng: “Vào thuở ban đầu của kiếp này, tất cả con người đều từ cảnh trời Quang Âm giáng xuống, có thể bay lượn trên không trung, không từ bụng mẹ sinh ra. Từ khi biết dùng lúa gạo làm thức ăn, con người mới bắt đầu có gân cốt xương tủy... phân chia thành hình thể nam nữ khác nhau, từ đó mà khởi sinh ái dục.”

Lời bàn

Giống loài con người từ một cảnh trời thuộc cõi Sắc mà ra, nên khi tạo tác các hình tượng thiên thần đều phỏng theo như hình người.

Con người từ bốn đại mà sinh ra

Vạn vật ở thế gian bất quá không ra ngoài bốn đại là địa, thủy, hỏa, phong, nên con người là do khí chất của bốn đại ấy mà thành hình. Xương thịt là từ địa đại; các chất dịch như nước mắt, nước mũi, đàm dãi... là từ thủy đại; hơi ấm là hỏa đại; mọi sự vận động là từ phong đại.

Lời bàn

Luận theo Ngũ hành thì có thêm hai yếu tố là kim (kim loại) và mộc (cây gỗ) mà không đề cập đến phong đại. Riêng địa đại có thể hiểu là bao gồm cả kim và mộc, nhưng thiếu phong đại thì không thể có sự vận động. Ví như có dùng ngũ tạng phối với ngũ hành, thì ngoài ngũ tạng còn có thân xác, hóa ra có vẻ như tương phản, thiếu căn cứ thuyết phục. Vì thế, thuyết ngũ hành đã bị thuyết tứ đại đánh đổ.

Con người là một trong bốn cách sinh ra thuộc sáu đường

Bốn cách sinh ra bao gồm: thai sinh (sinh ra từ bào thai), noãn sinh (sinh ra từ trứng), thấp sinh (sinh ra từ môi trường ẩm ướt) và hóa sinh (sinh ra từ sự biến hóa). Con người thuộc về loại thai sinh.

Sáu đường bao gồm các cảnh giới: trời, người, a-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh. Cảnh giới con người được xếp thứ hai trong số đó.

Lời bàn

Con người vốn không hề có sự quyết định trước chắc chắn sẽ thuộc loại thai sinh, mà là do nghiệp duyên thúc đẩy vào loài thai sinh, lại cũng không hề có sự quyết định trước chắc chắn sẽ sinh ra làm người, mà là do nghiệp duyên thúc đẩy mới sinh làm người. Dù mang tên họ thế này thế khác, chẳng qua chỉ là tạm thời trong cõi thế; dù cung trời hay địa ngục, chẳng qua cũng chỉ là chốn nương thân trong một kiếp phù du ngắn ngủi như chớp mắt mà thôi.

Con người có mười thời kỳ

Sách Pháp uyển châu lâm nói rằng: “Con người có mười thời kỳ. Thứ nhất là thời kỳ hình thành màng tế bào, thứ hai là thời kỳ hình thành tế bào dạng bọc, thứ ba là thời kỳ hình thành dạng khối nhỏ, thứ tư là thời kỳ hình thành khối thịt tròn, thứ năm là thời kỳ hình thành tay chân, thứ sáu là thời kỳ hài nhi, thứ bảy là thời kỳ thơ ấu, thứ tám là thời kỳ niên thiếu, thứ chín là thời kỳ thanh niên cường tráng, thứ mười là thời kỳ già yếu.”

Lời bàn

Năm thời kỳ trước là nói các giai đoạn còn ở trong bào thai, năm thời kỳ sau là nói giai đoạn từ sau khi ra khỏi bào thai.

Hình dạng mặt người giống như hình dạng cõi đất

Kinh Khởi thế nhân bản nói rằng: “Cõi Nam Diêm-phù-đề rộng 7.000 do-tuần, hướng bắc mở rộng, hướng nam hẹp lại. Vì thế, khuôn mặt con người ở cõi ấy cũng có hình thể tương tự như hình dạng cõi đất.”

Lời bàn

Địa hình châu Bắc-câu-lô có hình vuông nên khuôn mặt người ở cõi ấy cũng vuông vắn. Châu Đông Thắng Thần có địa hình tròn, nên khuôn mặt người ở cõi ấy cũng tròn trịa. Châu Tây Ngưu Hóa có địa hình như nửa mặt trăng, nên khuôn mặt người ở cõi ấy cũng phát triển to lớn ở phần trên não mà bên dưới nhỏ hẹp lại. Do đó suy rộng ra, như chim đậu trên cây, lông cánh hình giống cây; thú đi trên cỏ, lông trên thân giống như cỏ.

Người có sáu căn, sáu trần, sáu thức

Sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý; sáu trần là hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, sự xúc chạm và các pháp. Khi mắt thấy hình sắc, tai nghe âm thanh, căn và trần đối nhau mà khởi sinh thức từ đó.

Lời bàn

Cùng là sáu căn đó, khi kẻ phàm phu sử dụng thì khởi sinh thành sáu tình, sáu nhập, sáu cảm thọ, sáu ái nhiễm, ấy là sáu tên giặc; nhưng với hàng Bồ Tát thì đó là sáu thần thông. Như vậy có thể hiểu được việc chư thiên thấy nước là lưu ly, còn ngạ quỷ thấy nước là máu mủ, vốn cũng cùng một lẽ như vậy mà thôi.

Làm người nên học giáo pháp Mười hai nhân duyên

Kinh Pháp Hoa dạy rằng: “Vô minh duyên nơi hành, hành duyên nơi thức, thức duyên nơi danh sắc, danh sắc duyên nơi sáu nhập, sáu nhập duyên nơi xúc, xúc duyên nơi thọ, thọ duyên nơi ái, ái duyên nơi thủ, thủ duyên nơi hữu, hữu duyên nơi sinh, sinh duyên nơi già chết, khổ não, buồn đau. Vô minh diệt ắt hành phải diệt, hành diệt ắt thức phải diệt, thức diệt ắt danh sắc phải diệt, danh sắc diệt ắt sáu nhập phải diệt, sáu nhập diệt ắt xúc phải diệt, xúc diệt ắt thọ phải diệt, thọ diệt ắt ái phải diệt, ái diệt ắt thủ phải diệt, thủ diệt ắt hữu phải diệt, hữu diệt ắt sinh phải diệt, sinh diệt ắt già chết, khổ não, buồn đau phải diệt.”

Lời bàn

Chỉ biết rằng thân này do mẹ sinh ra mà không biết cha cũng góp phần, ấy là trẻ con. Chỉ biết rằng thân này do cha mẹ trời đất sinh ra, mà không biết còn do nghiệp duyên đời trước, ấy là kẻ dung tục tầm thường.

Tôi hết sức phản đối thuyết “trời sinh thánh nhân”. Nếu quả trời có thể sinh được thánh nhân, ắt phải thường sinh thánh nhân. Như trời đã sinh vua Nghiêu, vua Thuấn, tại sao lại còn sinh vua Kiệt, vua Trụ? Nếu trời không ngăn được việc vua Kiệt, vua Trụ sinh ra, thì cũng không thể quyết định việc vua Nghiêu, vua Thuấn ra đời. Thế thì làm sao nói rằng trời có thể sinh ra người?

Có những kẻ cưới thêm thê thiếp, cầu khẩn nhiều nơi mà vẫn không có con; lại có những kẻ chưa kịp cưới xin, quan hệ bừa bãi, trong lòng chỉ sợ mang thai, nhưng rồi vẫn cứ mang thai; xem đó thì biết việc sinh con không chỉ là riêng do cha mẹ mà thành.

Tuổi thọ con người xưa nay có khác biệt

Trong Kinh nói rằng: “Vào thời tăng kiếp, khởi đầu tuổi thọ trung bình của con người được 10 năm, sau đó cứ trải qua 100 năm thì tuổi thọ lại tăng thêm được 1 năm; cứ như vậy tăng mãi cho đến khi tuổi thọ con người đạt đến 84.000 năm thì dừng. Từ đó về sau cứ trải qua 100 năm thì tuổi thọ lại giảm đi 1 năm, cứ như vậy giảm mãi cho đến khi tuổi thọ chỉ còn 10 năm là thấp nhất. Khi tuổi thọ trung bình của con người là 10 năm, lại bắt đầu tăng dần như trước. Sự biến đổi tăng giảm này cũng giống như trong năm có những lúc ngày dài đêm ngắn, lại có những lúc ngày ngắn đêm dài, cứ như vậy mà tuần hoàn mãi mãi không dứt.”

Lời bàn

Đức Thích-ca Như Lai ra đời vào lúc tuổi thọ trung bình của con người là 100 năm, nên vào đời vua Thành Khang rất nhiều người sống thọ đến gần trăm tuổi, như Vũ Vương thọ 93 tuổi, Văn Vương thọ đến 97 tuổi. Thời Đường Ngu trước Văn Vương hơn ngàn năm, nên tuổi thọ tăng hơn 10 năm, vua Vũ thọ 106 tuổi, vua Thuấn thọ 110 tuổi, vua Nghiêu thọ đến 117 tuổi. Đế Khốc trị vì đến 70 năm, như vậy có thể đoán là tuổi thọ cũng rất cao. Chuyên Húc trị vì đến 78 năm, so với Đế Khốc còn cao hơn. Thiếu Hạo trị vì 84 năm, so với Chuyên Húc lại cao hơn nữa. Hoàng Đế trị vì 100 năm, so với Thiếu Hạo là tuổi thọ phải cao hơn. Viêm Đế ở ngôi đến 140 năm, so với Hoàng Đế lại càng cao hơn nhiều. Từ đó suy ra trước thời Phục Hy có kỷ Nhân Đề, kỷ Tuần Phỉ, kỷ Tự Mệnh v.v... trở ngược đến thời Nhân Hoàng trị dân, chẳng biết đã mấy mươi vạn năm qua, nên anh em Nhân Hoàng có 9 người, cộng chung cả triều đại truyền đến 45.600 năm. Trở ngược đến thời Địa Hoàng rồi Thiên Hoàng, cũng không biết là bao nhiêu vạn năm, nên cả 2 vị ấy đều có tuổi thọ đến 18.000 năm.

Những điều trên đều được truyền lại trong sử sách, có thể khảo chứng rõ ràng. Các nhà Nho đời sau thấy nói về tuổi thọ ngày xưa đến mấy vạn năm cho là hoang đường, liền hết sức nỗ lực chỉnh sửa, loại bỏ đi những điều như thế, quả thật là kiến thức quá hẹp hòi. Những người viết sử thời xưa ghi chép truyền lại các điều ấy không phải là vô căn cứ. Khổng tử sinh vào thời nhà Chu suy vi, vẫn có thể thấy được những chỗ thiếu sót của người chép sử, huống chi các vị sử thần từ thời Đường Ngu về trước, lẽ nào lại dối trá ghi chép những điều vô nghĩa vào chánh sử hay sao?

Than ôi, mắt không nhìn thấy con gấu to, lại cho đó là con ba ba có 3 chân, ấy thật không phải vật quái lạ, mà do kiến thức của người chưa đầy đủ. Từ thời Chu Chiêu Vương đến nay lại đã trải qua 3.000 năm nữa, tuổi thọ trung bình của con người giảm thêm 30 năm, vì thế hiện nay xét thấy những người có tuổi thọ cao cũng đều ở mức trên dưới 70 tuổi. Đọc qua nhiều sách vở, mới thấy những lời trong kinh Phật là đúng thật.

Hàn Xương Lê trong bài “Phật cốt biểu” nói rằng: “Đời thượng cổ không có Phật mà người ta sống thọ, đời sau có Phật mà người ta yểu mạng hơn.” Nói như vậy là đâu biết rằng hiện nay đang thời giảm kiếp? Vào thời tuổi thọ con người đến 80.000 năm thì 500 tuổi mới tính chuyện dựng vợ gả chồng. Thời đầu nhà Chu, 30 tuổi mới lập gia đình. Hiện nay, chưa quá tuổi 15 đã tơ tưởng chuyện ái tình, miệng còn hôi sữa đã nói ra toàn những lời tục tĩu!

Thân người xưa nay có khác biệt

Trong thời giảm kiếp, cứ trải qua 100 năm thì thân thể lại ngắn đi 1 tấc, qua 1.000 năm ắt ngắn đi 1 thước. Vào thời đức Thích-ca Như Lai ra đời, thân người cao trung bình 8 thước. Đến nay đã trải qua hơn 2.000 năm, thân người ngắn đi 2 thước, nên hiện nay chiều cao trung bình chỉ vào khoảng trên dưới 6 thước. Nói chung, khi tuổi thọ trung bình tăng lên ắt thân người cũng theo đó mà cao lớn hơn, khi tuổi thọ trung bình giảm, ắt thân người cũng theo đó mà thấp bé hơn. Cho đến sau thời kỳ phát sinh thiên tai dịch bệnh, tuổi thọ con người càng gần mức thấp nhất, thân người lại càng thấp bé hơn, chỉ khoảng hai gang tay, hoặc ba gang tay, có thể dùng những loại lúa đề, lúa bại mà cho là lương thực tốt nhất; để tóc dài che thân, xem đó là y phục đẹp nhất; những dụng cụ dùng thường ngày đều chế tác theo hình dạng của binh khí như đao kiếm, côn trượng...

Lời bàn

Có người khai quật ngôi mộ cổ trước thời Tùy Đường, tìm thấy bộ xương người rất lớn, so với bộ xương của người đời nay dài hơn đến 2 thước. Tôi có khảo cứu trong sách “Thiên nhân cảm thông ký”, thấy viết rằng: “Di chỉ nền kinh đô nước Thục trước đây, nằm trên núi Thanh Thành, hiện nay là đất Thành Đô, xưa kia vốn là một vùng biển cả.”

Xưa vào thời đức Phật Ca-diếp, có người đi theo dòng sông Tây Nhĩ, khi thuyền ngang qua vùng này bỗng thấy trên bờ có một con thỏ, liền giương cung bắn, không biết rằng thỏ ấy vốn là thần biển hóa thành. Thần biển nổi giận, liền quật tung chiếc thuyền ấy lên, lật úp xuống, khiến cho đất cát lấp cạn khúc sông ấy mà thành đất bằng. Đến triều Tấn, có vị tăng thấy vùng đất ấy có nhiều kẻ nứt, liền theo vết nứt mà đào xuống tìm được nhiều bộ xương người cùng với đáy thuyền. Những bộ xương người đều dài đến hơn 3 trượng. Đó là vì vào thời đức Phật Ca-diếp thì tuổi thọ trung bình của con người đến 20.000 năm.

Tôi cũng có đọc sách “Khổng lý ký”, thấy có đoạn viết: “Đôi dép của Khổng tử, theo đơn vị đo lường hiện nay dài một thước ba tấc.” Như vậy có thể thấy, bàn chân của Khổng tử hoàn toàn không giống như bàn chân của người hiện nay. Tôi lại đọc thấy trong sách “Chu lễ” nói rằng “cán rìu dài 3 thước, bề ngang 3 tấc”, như vậy cho thấy cánh tay của người thời đó không giống với cánh tay của người thời nay. Cho đến y phục, dụng cụ, chén bát... của con người cách nay trăm năm, chắc chắn cũng đều to lớn hơn so với hiện nay. Há chẳng phải là do thân người dần dần nhỏ đi nên vật dụng cũng theo đó mà nhỏ hơn đó sao?

Phước báo của con người xưa nay có khác biệt

Con người quan trọng nhất là đức hạnh, nhờ đó mới có phước báo. Sau khi tuổi thọ trung bình giảm dần thì hết thảy mọi điều khác đều sút giảm, đức hạnh cũng theo đó mà suy giảm, phước báo mất dần đi. Có thể kể sơ lược ra đây như là bảy món báu sẽ mất dần; ngũ cốc thu hoạch dần dần ít hơn; chuyện ăn mặc ngày càng khó kiếm đủ hơn; hình thể dung nhan ngày càng xấu xí hơn; năng khiếu bẩm sinh ngày càng hôn ám, ngu muội hơn; tinh thần dần suy nhược hơn; phong tục ngày càng cao ngạo hơn; thân quyến ngày càng ít hòa thuận nhau hơn; thuế khóa, sai dịch ngày càng nặng nề, khắc nghiệt hơn; các tai nạn như lửa cháy, nước lụt, trộm cướp ngày càng hoành hành mạnh mẽ hơn; pháp Phật dần dần bị suy tàn; người hiền ngày càng suy tổn; các nhà Nho chân chính ngày càng hiếm thấy; những kẻ báng bổ Phật pháp ngày càng phát triển mạnh; những người giàu có ngày càng keo kiệt, bủn xỉn hơn...

Lời bàn

Sách vở ngôn từ của thế tục hẳn có những lúc không đúng thật, nhưng những gì được trích ra từ Kinh điển thì mỗi chữ mỗi câu luôn được chứng minh đúng đắn. Xét như vào thời Tam đại, người người đều sử dụng vàng ngọc để trao đổi tính toán, số lượng rất nhiều, chưa từng sử dụng toàn bạc nén. Cho đến triều Hán về sau mới bắt đầu dùng bạc làm tiền tệ. Nhưng lúc đó các nước nhỏ cũng vẫn còn sở hữu được các loại trân bảo quý giá như ngọc dạ quang, châu chiếu thừa, không đến nỗi quá hiếm thấy như ngày nay. Ngày nay phải sử dụng loại bạc phẩm chất kém, lại thường cho đồng đỏ vào bên trong, ấy là vì bạc trắng tốt không đủ dùng nên phải dùng thêm đồng thay bạc. Như thế chẳng phải đúng là bảy món báu mất dần đi đó sao?

Một trăm mẫu ruộng vào đời nhà Chu chỉ tương đương với 22 mẫu thời nay. Số lượng thu nhập từ 22 mẫu đó có thể nuôi ăn được 9 người. Sức ăn của mỗi người thời xưa lên đến một đấu gạo, số lượng mỗi người ăn hết trong một năm ước chừng hơn 70 thạch của ngày nay, 9 người phải mất hơn 600 thạch, tính ra mỗi mẫu ruộng có thể thu hoạch được khoảng hơn 30 thạch. Ngày tôi còn nhỏ được biết ở quê tôi mỗi mẫu ruộng chỉ thu hoạch được khoảng 3 hay 4 thạch. Kể từ năm Quý Hợi đời Khang Hy trở về sau, mỗi mẫu ruộng trước đây thu hoạch được 3 thạch đều sút giảm, không còn thu hoạch được đến số ấy. Như thế chẳng phải đúng là ngũ cốc thu hoạch dần dần ít hơn đó sao?

Vào thời cổ, nước nào không tích chứa nhu yếu đủ dùng được đến 10 năm thì gọi là “không sung túc”, không đủ dùng được đến 6 năm thì gọi là ở mức “nguy cấp”. Như vào thời hưng thịnh của hai triều Hán Đường, so ra cũng chỉ là “không sung túc”. Còn như hiện nay, chỉ cầu mong cho được đến mức “nguy cấp” của xưa kia mà còn không thể được! Như thế chẳng phải đúng là chuyện ăn mặc ngày càng khó kiếm đủ hơn đó sao?

Vào thời cổ, các bậc vua chúa công hầu cao quý vẫn thường hạ mình tìm đến giao du với các bậc ẩn sĩ nơi thâm sơn cùng cốc; hàng khanh tướng được người tôn kính vẫn chịu khó nhọc đi bộ mà không ngồi xe. Hiện nay thì khác, người vừa mới phụng mệnh làm quan đã lập tức lên mặt khinh miệt những kẻ tri giao bằng hữu, còn bọn sai nha tiểu tốt cũng ngang nhiên ngồi xe che lọng. Như thế chẳng phải đúng là phong tục ngày càng cao ngạo hơn đó sao?

Vào thời cổ, các bậc cao tăng khi đến gặp vua, vua không dám gọi thẳng bằng tên, mà khi ban chiếu thư cũng tôn kính gọi là thầy. Đường Thái Tông soạn bài tựa “Tam tạng Thánh giáo tự”, hết lòng bày tỏ sự khâm phục, tôn sùng Phật giáo. Khi Pháp sư Huyền Trang thị tịch, Đường Cao Tông hay tin liền nói với các quan hầu cận rằng: “Trẫm đã mất đi một báu vật của quốc gia.” Liền ngưng việc triều chính trong 5 ngày. Niên hiệu Cảnh Long năm thứ 2 đời Đường Trung Tông, vua sắc cho Cao An sai Thôi Tư Lượng lo việc nghênh tiếp Đại sư Tăng-già đến kinh đô, nhà vua cùng với trăm quan đều cúi đầu tự xưng là đệ tử. Niên hiệu Hiển Khánh năm thứ nhất đời vua Đường Cao Tông, vua ban sắc chỉ rằng, tất cả tăng ni trong nước nếu có vi phạm vào pháp luật, phải áp dụng theo giới luật nhà Phật mà xử trị, không được xử giống như dân thường. Vào triều Tống Chân Tông, vua ban chiếu lệnh cho dân trong nước phải tránh không được gọi tên húy của thiền sư Chí Công, phải xưng là Bảo Công.

Đời Tống, các vua Thái Tổ, Thái Tông, Chân Tông, Nhân Tông, Cao Tông, Hiếu Tông thảy đều ủng hộ phát triển mạnh mẽ Phật pháp, có lúc các vua thân hành lễ bái nơi chùa chiền, có khi lại cung thỉnh chư tăng vào hoàng cung thuyết pháp, đều là những việc làm hưng thạnh Phật pháp. Ngày nay những kẻ trí thức thường cao ngạo bướng bỉnh, đa số khi gặp tượng Phật không lễ bái, gặp bậc cao tăng cũng không kính lễ. Như thế chẳng phải đúng là pháp Phật dần dần bị suy tàn đó sao?

Khổng tử, Nhan Hồi xây dựng sự nghiệp giáo hóa chỉ quý trọng việc tự thân thực hành, không xem trọng việc nói nhiều; nhấn mạnh ở việc tự sửa đổi hoàn thiện bản thân, xem nhẹ việc chỉ trích người khác. Mạnh tử phản bác Dương Chu, Mặc Địch, đó là chuyện vạn bất đắc dĩ, cũng ví như các vị thuốc đại hoàng, ba đậu, thầy thuốc giỏi chỉ thỉnh thoảng mới dùng đến một lần, không thể mỗi ngày đều dùng. Ngày nay, những kẻ thư sinh còn chưa đỗ đạt, góp nhặt được năm ba câu nghị luận phỉ báng Phật pháp đã tự xem mình như Trình, Chu tái thế. Lại có những đám trẻ con miệng còn hôi sữa, chỉ quen thói khoa trương khoác lác lại tự ý chủ trương lập ra học phái này nọ. Như thế chẳng phải đúng là các nhà Nho chân chính ngày càng hiếm thấy đó sao?

Nay chỉ nêu lên mấy việc như thế, còn những điều khác đều có thể so sánh suy luận để thấy rõ.

Người chết có sáu điều nghiệm biết được

Nếu muốn biết một người sau khi chết sinh về đâu, chỉ cần quan sát vùng hơi ấm cuối cùng trên thân thể lúc lâm chung.

Nếu phần dưới thân thể lạnh dần trước, hơi ấm dồn lên đỉnh đầu, ắt là người đó đã chứng đắc quả vị, quyết định thoát khỏi sinh tử.

Nếu hơi ấm dồn lại nơi khoảng giữa hai chân mày, người ấy ắt sẽ tái sinh lên cõi trời.

Nếu hơi ấm dồn lại nơi khoảng vùng bên trên trái tim, người ấy sẽ tái sinh cõi người.

Nếu phần trên thân thể lạnh dần trước, hơi ấm dồn về nơi vùng bụng, người đó ắt sinh vào cảnh giới ngạ quỷ.

Nếu hơi ấm dồn lại nơi hai đầu gối, ắt phải sinh làm súc sinh.

Nếu hơi ấm dồn lại dưới hai lòng bàn chân, ắt phải sinh vào địa ngục.

Luận về đời trước

Người sinh ra ở đời, hoặc từ các cõi trời sinh đến, hoặc từ trong cõi người tái sinh, hoặc từ các loài vật khác, hoặc từ các cảnh giới a-tu-la, ngạ quỷ, địa ngục mà tái sinh. Chỉ cần quan sát tướng mạo, thân hình, cung cách nói năng động tịnh thì có thể biết rõ được. Chỉ sợ rườm rà nên không nêu rõ chi tiết ở đây.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 46 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Phật pháp ứng dụng


Chớ quên mình là nước


Nghệ thuật chết


Gọi nắng xuân về

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.15.3.17 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (141 lượt xem) - Hoa Kỳ (6 lượt xem) - ... ...