Trong việc xây dựng, lớn thì như thành quách, cung điện, dinh thự, nhỏ thì như mái tranh giậu trúc, chỉ riêng việc vận chuyển ngói gạch, vật liệu cũng đã gây họa lớn cho biết bao côn trùng kiến, dế... Xin đừng giết hại để khao đãi nhân công, khiến loài vật phải tan đàn xẻ nghé. Kẻ mê muội nghe qua lời này ắt phải sinh nghi, người có trí lo tu sửa vun bồi đức tốt.
- Việc tu sửa cung điện, đền đài, nhà cửa cho đến hết thảy những công trình xây dựng trong dân gian, nên chọn làm vào mùa đông, là lúc trăm loại côn trùng đều diệt mất.
- Hết thảy cầu đường, tự viện v.v... nếu không liên quan đến Tam bảo, lợi ích cho đời sống của người dân thì không nên khởi công xây dựng, tu sửa.
- Mỗi khi khởi công xây dựng thường có lệ dâng rượu cúng thổ thần, tốt nhất chỉ nên dùng rau quả.
- Khai mở hoặc nạo vét tu sửa kênh rạch sông ngòi, theo lệ thường phải tát cạn nước ở nơi thi công. Người phụ trách trước đó nên có sự chuẩn bị, yết bảng cấm rõ ràng, tránh tình trạng dân cư quanh vùng thừa dịp nước cạn đến bắt cá tôm.
- Trong lớp bùn dưới sông có rất nhiều loài vật sinh sống như ốc, trai, sò, hến... Nếu lớp bùn ấy bị đưa ra khỏi nước sông, tất cả đều phải chết. Vì thế, nếu phải tu sửa, đắp đê ven sông, nên chọn một nơi chuyên biệt lấy đất [thay vì vét bùn dưới sông để đắp]. Nếu không thể làm được như thế, thì nên chú ý trong lúc thi công có nhìn thấy con vật nào liền tìm cách cứu vớt.
- Tu sửa xây dựng phần mộ, phía trước nên chôn một tảng đá vuông lớn làm chỗ để đốt lụa giấy, nếu ngày sau quanh đó mọc đầy cỏ khô, có thể đốt giấy ở giữa tảng đá, cẩn thận không gây cháy lan. Nếu ở gần nhà dân, khi đốt giấy trước quan tài còn quàn tạm, càng phải hết sức thận trọng.
- Các loại thuyền bè bằng gỗ, bằng tre, khi dùng lâu dưới nước nhất định sẽ có các loại ốc bám vào bên dưới. Vì thế, trước khi có việc phải đưa lên cạn, cần chú ý gỡ sạch chúng ra thả xuống sông.
- Khi đập phá tường rào cũ, hoặc đốn cây lớn, nếu thấy các loài rắn, rết, bọ cạp... bò ra, nên lưu ý dặn dò những người làm công hãy thả cho chúng đi.
- Tháo dở nhà cũ, bên trong những kèo, cột, đòn tay v.v... thường có những chỗ gỗ mục, nhiều loại trùng, mối, mọt... sinh sống trong đó, không nên dùng ngay làm củi đốt. Đối với giậu tre, rào trúc... cũng tương tự như vậy.
- Khi tôi vôi bằng cách cho vôi sống vào nước, nên chọn chỗ đất sạch, không có trùng bọ. Nên sử dụng nước lấy từ dòng chảy, không nên dùng nước trong các ao, vũng tù đọng, vì nước tù đọng thường có nhiều loại thủy trùng sinh sống trong đó.
- Khi dùng bùn đắp vách, trong bùn thường có nhiều trùng nhỏ sinh sống. Thay vì vậy, nên chọn chỗ đất sạch, đào [bỏ lớp đất mặt, lấy sâu] xuống khoảng 6 tấc thì không có trùng, có thể dùng đất ấy nhồi thành bùn để sử dụng. Không được chọn những nơi gần ngòi rãnh, giếng nước đang sử dụng.
- Chung quanh các khoảng sân rộng nên khai nhiều mương rãnh thoát nước để không có nước đọng, không sinh ra các giống thủy trùng.
- Gạch, ngói, gỗ, đá dùng trong xây dựng, nếu chất chứa ở nơi ẩm thấp sẽ có nhiều côn trùng nhỏ chui rúc vào sống. Khi sử dụng đến cần có phương tiện khéo léo để bảo vệ chúng.
- Khi đắp bếp nấu ăn, nên dùng ba phần vôi khoáng, bảy phần bùn cát, trộn đều rồi đắp nền bên dưới, đặt bếp phía trên, như vậy thì về sau loài kiến sẽ không bò lên bếp.
- Bếp cũ dùng lâu năm thường có kiến chui rúc bên trong. Khi tu sửa, đắp bếp mới, trước đó một ngày nên đập vỡ bếp cũ, để cho kiến bò đi hết rồi hãy khởi công đắp bếp mới.
- Đòn tay bằng tre dưới mái tranh, ở những chỗ cong xuống vào mùa mưa thường đọng nước, nhân đó dễ sinh thủy trùng, nên dùng các đoạn tre thẳng chẻ ra tháp vào những nơi đó để hạn chế.
- Những nơi gần bờ sông không được làm nhà vệ sinh, vì sợ những loài trùng nhỏ trong sông nếu theo nước vào sẽ chết trong phẩn uế.
- Đối với việc ăn uống của nhân công khi xây dựng, tất nhiên rất khó để giảm bớt rượu thịt, nhưng nên dùng cá, thịt mua số nhiều ở chợ về ướp muối để dùng dần, [tránh được việc trực tiếp giết hại].