Hỏi: Những loài vật bị giết mổ cắt xẻ [như gà, lợn...] vốn sinh ra đã rơi vào tình thế ấy, khó lòng tránh được bị giết hại. Ví như tôi không giết chúng, chắc chắn cũng có người khác giết. Vậy thì việc tôi không giết chúng liệu có ích gì?
Đáp: Tội nặng của những con vật ấy [từng gây ra trong đời trước, nay] thật khó tránh khỏi bị giết hại, nhưng tội của ta [ngày nay sắp tạo ra] lẽ nào lại không thể tránh được sao? Nếu do chỗ [tội nặng] không thể tránh được [của những con vật ấy] mà giết hại chúng, thì ta với chúng đều cùng chịu tội nặng không thể tránh. Nên biết rằng, chính vì đời trước những con vật ấy cũng từng bám chấp vào quan điểm “không thể tránh được” [mà ra tay giết hại vật mạng], cho nên hôm nay mới phải chịu tội không thể tránh được như thế. Vì sao hiện nay vẫn còn có chỗ tránh được [là đừng phạm vào tội giết hại chúng] lại không chịu sớm suy xét để tự tránh đi?
Hỏi: Các loài vật bị giết hại trong đời, đa phần đều vì [có tội trong đời trước nên ngày nay phải] đền trả, vậy ta giết chúng nào có tội gì?
Đáp: Phạm tội giết hại phải sinh làm loài vật, bị giết hại để đền trả tội cũ, lẽ ấy là đương nhiên. Nhưng người ra tay giết hại vật mạng lại có hai trường hợp cần phân biệt là do nợ cũ mà giết và không do nợ cũ mà giết.
Do nợ cũ mà giết, là khi con vật bị giết trong đời trước từng giết hại ta, nay nghiệp quả chín mùi, oan gia gặp nhau, phải chịu chết dưới tay ta để trả nợ là đúng lý.
Không do nợ cũ mà giết, là khi đời trước có người khác từng bị con vật ấy giết hại, nay tuy nghiệp báo đến phải chịu đền mạng, nhưng không phải đền trả cho ta.
Người đời trong một bữa tiệc, thịt cá ê hề, trên một bàn ăn, trăm ngàn vật mạng, làm sao có thể chỉ toàn rơi vào trường hợp do nợ cũ mà giết? Cho nên phải biết, nếu nói con vật bị giết là trả nợ cho ta thì đó là trường hợp hết sức hy hữu, ngàn lần chỉ có một hai, mà rơi vào trường hợp tự mình vay nợ oan nghiệt để phải đền trả trong đời sau thì hầu như luôn luôn gặp phải. Nói đến chỗ này thì quả thật là hết sức đáng sợ!
Hỏi: Không do nợ cũ mà giết, tất nhiên đời sau phải chịu quả báo. Nhưng nếu do nợ cũ mà giết, ấy là kẻ giết qua, người giết lại, xem như nghiệp giết hại được chấm dứt, sao có thể nói là tai hại?
Đáp: Ông không thấy như trường hợp hai người đánh nhau sao? Kẻ đánh qua, người đánh lại, rồi chân tay tiếp tục thay nhau đấm đá qua lại như mưa. Có bao giờ thấy bên này đánh qua, bên kia đánh lại một cái rồi chấm dứt, đôi bên cùng buông tay bình thản nhìn nhau được chăng? [Bởi sự oán cừu tiếp nối không thôi như thế nên] Bồ Tát đối với nhân duyên trong đời vị lai thấy biết rõ ràng, dù gặp kẻ oán cừu cũng không báo oán.
Hỏi: Đức Phật nói: “Trong các loài vật, đa phần có thể là cha mẹ, quyến thuộc nhiều đời trước của ta.” Lấy gì chứng minh lời nói ấy mà nỡ nhẫn tâm cho rằng ông bà cha mẹ nhiều đời của chúng ta nay là súc vật?
Đáp: Tất cả chúng sinh từ vô số kiếp đến nay không ngừng lưu chuyển trong sáu đường. Chỉ lấy một kiếp mà luận thôi, con số [cha mẹ quyến thuộc] đã là không thể tính đếm, [huống chi đã trải qua vô số kiếp,] làm sao có thể nói rằng tất cả những chúng sinh nhìn thấy hiện nay lại không liên quan gì đến ta? Ông cho rằng nghĩ như thế là nhẫn tâm, nhưng nếu như vì không biết mà giết hại [cha mẹ, quyến thuộc đời trước], hoặc thấy họ bị giết mà không ra tay cứu giúp, như vậy không phải nhẫn tâm sao? Đó thật là [đúng như lời Mạnh tử nói:] “Đã không thể để tang [cho cha mẹ] ba năm, lại xét nét tìm hiểu phép để tang ba tháng, năm tháng.”
Hỏi: Cha mẹ quyến thuộc đời trước đã nhiều như thế, ắt con số đọa vào loài vật cũng không ít. Chỉ có điều là, nếu đã là cha mẹ quyến thuộc của ta trong đời trước thì nhất định là có duyên cùng ta, nên cho dù có đọa làm súc vật cũng chưa hẳn đã phải chết dưới tay ta.
Đáp: Ông có biết là trong số người làm cha mẹ quyến thuộc của ta nhiều đời, cũng có cả những người do oan gia nghiệp báo mà đến với ta? Ta nhận ân huệ của một người, đó là người ấy đền trả nợ cũ cho ta. Người khác nhận ân huệ của ta, đó là ta đền trả nợ cũ cho người ấy. Ví như những người thân thiết cốt nhục, quả thật do duyên lành mà đến với nhau, thì do thương yêu quá sâu nặng cũng không khỏi có sự dạy dỗ trách mắng quá mức. Trách mắng mãi không thôi ắt sinh lòng giận dỗi, giận dỗi mãi không thôi ắt sinh hiềm khích giữa đôi bên. Đời này có chút hiềm khích nhỏ nhặt với nhau, ắt gieo nhân để đời tiếp theo kết thành oán cừu. Đã kết thành oán cừu, ắt lại gieo nhân để đời tiếp theo nữa sẽ giết hại, ăn nuốt lẫn nhau. Trong cái vòng xoay đó thì mạnh hiếp yếu, lớn nuốt nhỏ, không điều gì không làm.
Nên biết rằng, cội gốc của oán cừu chính là từ nơi thân quyến. Con người nếu không có người thân ắt không có kẻ oán, không có kẻ oán ắt cũng chẳng có người thân. Kẻ oán người thân vốn là đối đãi nhau mà có, thành ra căn bản của luân hồi. Đức Như Lai dạy chúng ta đối với kẻ oán người thân bình đẳng như nhau, quả thật là một lời dạy hết sức tinh tế nhiệm mầu, có thể mang đến lợi lạc cho khắp muôn loài.
Hỏi: Nhìn thấy người khác giết hại vật mạng, tuy có phát khởi tâm nguyện cứu giúp nhưng không đủ sức làm thì sao?
Đáp: [Nếu không cứu được, có thể] lặng lẽ trì chú trong tâm, hoặc xưng niệm danh hiệu chư Phật, Bồ Tát, hoặc thay con vật ấy mà phát tâm sám hối, phát tâm cầu xuất thế, ắt con vật bị giết ấy sẽ tự nhiên được phần lợi ích.