Lời khuyên nên đọc sách này
Lòng nhân đứng đầu trong ngũ thường, đức từ là trước hết trong muôn đức. Lớn lao tha y chỗ luận thuyết của Tam giáo, tuy dùng lời khác biệt nhưng cùng nói lên một lẽ: “Con người ai ai cũng yêu tiếc mạng sống, muôn vật loài nào cũng mong muốn được sinh tồn.”
Con gà thấy người làm bếp đến bắt thì hốt hoảng bay đậu lên cao để trốn tránh, con lợn nghe đồ tể ngã giá mua xong thì hai dòng nước mắt tuôn trào như suối. Cái chết sắp đến chúng đều biết rõ, chỉ vì miệng không thể nói ra lời. Bỗng dưng phải chịu nỗi thống khổ vì đao thớt băm vằm, ruột đứt từng đoạn khi mạng sống còn chưa dứt hẳn, dao sắc ngàn lượt cắt xẻ, nước sôi đun nấu trăm lần. Đem thân xác muôn loài cho vào cảnh dầu sôi lửa bỏng, lại lấy đó làm món ngon vật lạ trên bàn ăn của mình. Việc làm như thế nếu bảo là vô tội thì liệu có còn gì phải e sợ trời cao? Xưa nay những kẻ giết hại đều phải chịu xoay vòng báo ứng không sai.
Từ khi tôi vừa mới trưởng thành, mắt nhìn thấy [những cảnh giết hại] sinh lòng thương xót vô cùng, liền thu thập sắp xếp những truyện tích xưa [khuyên răn việc giết hại], đến nay đã được một số rất nhiều. Tôi đã lập lời thề cứu khổ Ba đường, nuôi chí nguyện ngày thêm kiên cố, [nên mới viết những truyện này ra để lưu hành khuyên người]. Khi đặt bút xuống lòng càng thêm thương cảm, mỗi chữ viết ra mỗi nghẹn ngào. [Lúc viết xong] muốn khắc bản in, nhưng phận nghèo không đủ sức mà việc quyên góp cũng không được dễ dàng, nên đành trì trệ mãi ba, bốn năm qua, nay mới in xong để lưu hành.
Xin có lời kính khuyên các bậc hiền giả thông đạt, nên lưu tâm đọc qua sách này.
Nghe lời thần khuyên được sống
Mạnh Triệu Tường là người đất Giao Hà, vào năm Nhâm Tý thuộc niên hiệu Vạn Lịch thứ 40, tham dự khoa thi Hương trúng tuyển. Bỗng mắc bệnh đau lá lách, nằm mộng thấy đi đến âm phủ, gặp Diêm vương bảo: “Ông có phước lộc lớn, tuổi thọ lâu dài, chỉ vì giết hại sinh mạng quá nhiều thành tội, nay sẽ trừ vào phước thọ của ông. Nếu kể từ nay ông biết giữ giới không giết hại nữa mà làm việc phóng sinh, lại đem những lời nghe thấy trong giấc mộng này kể lại để khuyên người [làm lành] thì có thể chuộc được tội ấy.”
Mạnh Triệu Tường vâng dạ hứa sẽ làm như vậy, nhưng tỉnh dậy rồi quên, không làm gì cả. Một đêm nọ lại mộng thấy như trước, trong lòng hết sức kinh sợ. Khi ấy vừa gặp lúc dự khoa thi Hội không đỗ, liền gấp rút quay về quê nhà thực hiện ngay những lời đã hứa. Ngay đêm hôm đó, căn nhà Mạnh Triệu Tường ngụ [ở kinh thành] bị gãy cây đòn dông chính, cái giường ông từng nằm trước đây bị đè nát ra như bụi.
Mạnh Triệu Tường nhân đó liền viết lại sự việc này, khắc in thành sách Mộng giác thiên (夢覺篇) để khuyên người đời làm lành lánh dữ. Về sau, ông thi đỗ tiến sĩ, làm quan đến bậc khanh lý.
LỜI BÀN
Người đời hết thảy đều quen theo nếp cũ, do dự rụt rè mà ngập chìm trong lầm lỗi suốt cả một đời. Ông Mạnh Triệu Tường khi ấy nếu có chút mảy may do dự rụt rè, ắt đã phải nát thân cùng giường chiếu rồi, làm sao còn được hưởng phước về sau? Cho nên, sách Mộng giác thiên do ông kể lại chuyện đời mình quả đúng là có thể giúp cho người khác bừng tỉnh mộng.
Diêm chúa vâng làm theo việc thiện
Trịnh Khuê người ở Tiền Đường, có lần bị bệnh, nằm mộng thấy vị cử nhân đã chết là Lục Dung Thành đến thăm, người theo hầu hạ còn nghiêm trang hơn cả lúc còn sống. Trịnh Khuê liền hỏi xem hiện đang làm chức vụ gì, Lục Dung Thành đáp: “Đang làm chức Quán Chánh ở âm phủ.” Nhân đó liền lấy ra hai quyển sách đưa tặng Trịnh Khuê. Quyển thứ nhất là Hiếu nghĩa đồ, quyển thứ hai là Phóng sinh lục.
Trịnh Khuê hỏi: “Quyển Phóng sinh lục này do Đại sư Liên Trì viết ra, ông ở dưới âm phủ làm sao có được?” Lục Dung Thành đáp: “Diêm chúa mỗi khi gặp những lời hay đẹp, những việc tốt lành ở chốn thế gian đều lệnh cho ghi chép lại, rồi ban bố lưu hành, vâng làm theo đó, chỉ sợ người ta không chịu tin nhận thôi. Nếu ông có thể vâng làm theo thì bệnh sẽ khỏi.”
Trịnh Khuê tỉnh mộng liền đi tìm hai quyển sách ấy về đọc kỹ. Từ đó kiên trì giữ giới không giết hại vật mạng, quả nhiên được khỏi bệnh.
LỜI BÀN
Luận về đạo lý ở đời chỉ có hai con đường, một là nhân từ, hai là bất nhân. Giữ giới không giết hại vật mạng, đó là nhân từ. Viết sách khuyên người giữ giới không giết hại, đó là cùng người khác truyền rộng đức nhân từ. Chỉ riêng mình giữ giới làm lành thì đức nhân ấy còn nhỏ hẹp, cùng với nhiều người khác giữ giới làm lành thì đức nhân ấy thật lớn lao.
Đại sư Liên Trì là hàng lân phụng kiệt xuất của Nho gia, nhưng xem việc khoa bảng công danh như chiếc giày rách. Ngài lìa bỏ thế tục mà xuất gia, trở thành bậc duy trì giềng mối Phật pháp, cho nên cầu mưa thì nhanh chóng có mưa, vào núi rừng thì cọp dữ ẩn mình tránh xa. Thế nên biết rằng, một quyển Phóng sinh lục răn dạy việc giữ giới không giết hại, cho đến trời đất cũng không làm khác, huống chi là người, huống chi là quỷ thần?
Ngăn trở điều thiện phải chịu tội chết
Trình Tự Xương là người Mật Châu, thấy dân ở trấn Giao Tây rất thích ăn thịt, giết hại nhiều vật mạng, nên một đêm nọ thắp hương lễ bái khấn với Bắc đẩu Tinh quân rằng: “Trình Tự Xương tôi xin phát tâm vì tất cả chúng sinh cũng như cha mẹ trong bảy đời đã qua mà khắc bản ấn tống sách ‘Giới sát đồ thuyết’ [răn người bỏ việc giết hại]. Hôm nay khẩn cầu Tinh quân giáng hạ, giúp tôi nương theo sức thần mà thực hiện việc lưu hành sách này cho được thuận lợi.”
Trong xóm có một bà họ Hoa là vợ ông Bành Cảnh, khi nhận được sách ấy liền xé nát, ném vào chỗ nhơ nhớp. Hôm sau, bà họ Hoa mua cá về sắp làm thịt, con cá bỗng quẫy vọt lên đâm mù mắt bà, máu chảy ra hóa thành trùng độc, rúc rỉa khắp thân thể.
Chuyện ấy truyền ra khắp nơi, quan Giám Trấn là Quách Hướng bỗng nhìn thấy một vị thần hiện ra nói rằng: “Ta là Bắc đẩu Tinh quân, quán sát thấy ở vùng này có người phát tâm lành là Trình Tự Xương, bỏ tiền ra khắc in sách ‘Giới sát đồ thuyết’ để ấn tống. Bà họ Hoa đem sách ấy ném vào chỗ nhơ nhớp, tội rất nặng, ắt phải chịu chết. Đối với những ai [đọc sách ấy rồi mà] không chịu hối cải cũng phải chịu tội, đợi ta xuống đây lần sau sẽ trừng trị tất cả.”
LỜI BÀN
Người đời sinh vào thời đạo đức suy mạt, nghiệp ác ngày càng nhiều thêm, căn lành ngày càng ít ỏi, nên khi thấy người khác làm một việc thiện, nói một lời lành, liệu có mấy người không ngăn trở, quấy nhiễu? Chẳng hạn như khi thấy người khác giữ giới không giết hại, ắt sẽ nói rằng “Ấy là làm chuyện viển vông vô ích”, rằng “Ấy là kẻ không có phúc [được hưởng món ngon]”... Hoặc khi thấy người khác làm việc phóng sinh, ắt sẽ nói rằng “Thả ra thì cũng đã chắc gì chúng được sống”, rằng “Thả ra rồi chẳng bao lâu cũng bị người khác bắt lại thôi”... Thậm chí có kẻ còn cười cợt chê bai, phỉ báng cho rằng không có nhân quả. Hoặc ở giữa chốn đông người bài bác chỉ trích những chỗ còn nghi hoặc chưa rõ của người làm việc thiện; hoặc viện dẫn, bới móc những chỗ sai sót khiếm khuyết của người ấy mà cho là ngu si. [Những việc như thế] khiến cho người mới phát tâm làm việc thiện không khỏi phải cảm thấy lung lạc trong lòng, thối chuyển tâm thiện còn non yếu rồi không làm việc thiện nữa.
Ôi, những kẻ tâm địa xấu ác như thế, chư thiên nhìn thấy đều nổi giận, xem họ như loài ác quỷ cưu-bàn-đồ, sau khi chết sẽ phải đọa lạc thế nào hẳn đã quá rõ không cần phải nói.
Vì thế, xin khuyên những ai có tâm lành, mỗi khi gặp kẻ ngăn trở việc thiện, ví như họ có hết lời phỉ báng, cũng xin lẳng lặng mà nghe, đừng để tâm sân hận; [nếu gặp người có thể khuyên bảo cảm hóa thì chân thành] khuyên bảo cảm hóa, đừng nên dùng lời lẽ cao ngạo khinh người; [đối với những người không thể khuyên bảo cảm hóa thì] nên khởi tâm thương xót tội nghiệp, đừng sinh lòng ghét bỏ xa lánh. Xem như câu chuyện [báo ứng] của bà họ Hoa, chẳng phải đáng sợ lắm sao?