Hỏi: Giết hại vật mạng đương nhiên là có tội nặng, còn như việc ăn thịt dường như không có tội, nhưng kinh Phật dạy rằng người ăn thịt ắt phải chịu quả báo xấu ác, thế thì luật pháp ở cõi âm ty có phải là quá mức khắc nghiệt chăng?
Đáp: Không chỉ là ở cõi âm ty, mà luật pháp ở cõi dương gian này cũng giống như thế mà thôi. Người giết hại vật mạng cũng ví như kẻ cướp, còn người ăn thịt cũng giống như kẻ tòng phạm chứa chấp tang vật, che giấu tội phạm, tội lỗi có khác nhau là mấy?
Đức Thế Tôn từng nói với Bồ Tát Đại Tuệ rằng: “Có vô số lý do để chúng sinh không nên ăn thịt. Hết thảy chúng sinh [luân chuyển trong chốn luân hồi] nên thường thay đổi qua lại làm cha mẹ, quyến thuộc của nhau. Chúng sinh nếu nghĩ tưởng đến cha mẹ thân quyến của mình thì không nên ăn thịt. Máu thịt vốn là nhơ nhớp không sạch, vì thế không nên ăn thịt. Người ăn thịt luôn bị chư thiên cõi trời chán ghét xa lánh, [không được sự hộ trì giúp đỡ,] vì thế không nên ăn thịt. Ăn thịt làm cho hơi thở hôi hám, vì thế không nên ăn thịt. Người ăn thịt trong giấc ngủ thường bị nhiều ác mộng, vì thế không nên ăn thịt. Người ăn thịt khi đi vào chốn rừng núi, các loài hổ báo có thể ngửi mùi [tìm đến hại mạng], vì thế không nên ăn thịt. Nếu nói rằng ta cho phép [các đệ tử] ăn thịt, thật không thể có chuyện đó.”
Hỏi: Việc ăn mặc hưởng thụ đời này đều do kết quả việc làm từ đời trước, nên người tạo nhiều phước đức ắt sẽ được hưởng thụ nhiều. Xem thế thì biết những người ăn chay [không hưởng thụ được bao nhiêu,] ắt là phước đức rất mỏng manh ít ỏi?
Đáp: [Đối với các món rượu thịt mà nói], được thụ hưởng ấy là người có lộc, nhưng không hưởng thụ mới chính là phước lớn. Nên người ăn chay giữ giới không giết hại, phải thấy rằng phước đức của họ rất sâu dày. Nếu như cho rằng được ăn vào miệng gọi là có phước, thì như con gà ăn con rết, chim khách mổ nuốt giun đất, [lúc nào cũng sẵn có món ăn,] so ra con người thật kém phước hơn những con vật ấy hay sao?
Hỏi: Nay tin những lời ông nói, ắt phải khuyên người ăn chay thôi. Nhưng xin hỏi Khổng tử xưa kia có ăn chay hay không?
Đáp: Khổng tử thật có ăn chay. Kinh Thư nói: “Khi ăn chay nhất định phải dùng thức ăn thanh khiết khác với bình thường.” Khổng tử rất thận trọng trong việc giữ gìn trai giới. Sách Lễ Ký có nói: “Trai giới thành tựu từ trong nội tâm, biểu hiện ra thành hình thức bên ngoài.” Như vậy, sách vở Nho gia nói về điều này rất rõ ràng, có thể tự khảo chứng. [Khổng tử còn nói rằng] người giữ gìn trai giới thanh tịnh thì sau đó mới có thể giao cảm với thần minh, còn người ăn thịt thì tâm trí mê muội hôn ám, có thể thấy rõ.
Người đời nay hết thảy mọi việc làm đều hoàn toàn không được như Khổng tử, nhưng khi không muốn ăn chay thì viện dẫn rằng Khổng tử không ăn chay, lẽ nào lại muốn dùng việc ăn thịt để bước vào cửa thánh được sao?
Hỏi: Bậc Nho gia ứng xử ở đời tất yếu phải đặt chí hướng của mình nơi lý tưởng cao xa rộng lớn, nếu chỉ cố chấp vào việc không uống rượu ăn thịt, thì có khác biệt gì so với hạng phàm ngu nam nữ ở đời?
Đáp: Hạng nam nữ phàm ngu ở đời, trong mười người ắt khó tìm được một vài người biết ăn chay giữ giới, mà những kẻ ăn thịt thì dẫy đầy khắp chốn, làm sao có thể nói rằng chỉ những người ăn chay mới là phàm ngu, còn những kẻ ăn thịt không phải phàm ngu chăng? Xin thử hỏi từ xưa đến nay, trong số những kẻ đại gian đại ác, có thấy người nào ăn chay hay chăng? Quả thật không có. Vậy lại xin hỏi, trong số những kẻ cầm dao giết mổ, cho đến những phường vô lại đó đây nơi phố chợ, có thấy người nào ăn chay hay chăng? Quả thật cũng không. Như thế thì nhân phẩm của người ăn chay là như thế nào, tưởng cũng đã thấy được quá rõ rồi.
Hỏi: Ăn chay giữ giới là hiền thiện, nay tôi đã rõ, nhưng người ăn chay hình dung thường tiều tụy khô héo, như vậy biết làm sao?
Đáp: Thân chân thật mới là quan trọng, còn thân xác giả tạm này không cần xem nặng.
Hỏi: Năm món gia vị cay nồng cũng là từ đất sinh ra, vì sao cũng kiêng cử không ăn?
Đáp: Đó là vì mùi vị hôi hám, cay nồng, có thể làm chướng ngại việc tu đạo Bồ-đề. Người ăn các món ấy thì chư thiên cõi trời ghét bỏ lánh xa. Lại nữa, các món ấy nếu ăn chín thì kích thích tăng thêm sự dâm dục, nếu ăn sống thì làm tăng thêm sự sân hận nóng nảy. Người ăn các món ấy thì tà ma, ngạ quỷ ngửi mùi thường kéo đến, thè lưỡi liếm môi người ấy. Vì những lý do ấy mà không nên ăn.
Hỏi: Có người nói rằng, tuy tôi không ăn chay, vẫn còn hơn những người ăn chay mà phá giới. Lại có người khác nói ngược lại rằng, tôi tuy ăn chay mà phá giới, vẫn còn hơn những người hoàn toàn không ăn chay. Xin phân biệt sự hơn kém thế nào trong những trường hợp ấy?
Đáp: Việc ấy cũng tương tự như trên con đường công danh quan tước. Người không ăn chay ví như kẻ chưa từng được nhận quan tước. Người ăn chay rồi phá giới, cũng giống như kẻ nhận được quan tước rồi sau đó bị truất phế. Nếu vừa ăn chay đã phá giới, cũng giống như kẻ vừa được bổ nhiệm chức quan đã bị cách chức đuổi về ngay, còn ăn chay lâu rồi mới phá giới, cũng giống như người nắm quyền hạn đã lâu, nay bị tước bỏ phải quay về vườn ruộng.
Hỏi: Chúng tôi cũng rất muốn ăn chay, chỉ có điều món ngon vị ngọt bày ra trước mắt thật khó kiềm chế, vậy biết phải làm sao?
Đáp: Nên dùng phép quán “năm điều bất tịnh” thì nhất định có thể tự chế được. Những gì là năm điều?
Thứ nhất là quán xét chủng loại bất tịnh. Các món cá thịt đều là máu thịt của chúng sinh nên không hề sạch sẽ, thảy đều nhơ nhớp bất tịnh.
Thứ hai là quán xét những món mà súc vật ăn vào đều bất tịnh. Món ăn của các loài dê, lợn... không gì khác hơn là cám, bã rượu, đồ nhơ nhớp. Vậy thì máu thịt của chúng làm sao có thể không nhơ nhớp?
Thứ ba là quán xét chỗ ở của chúng thật bất tịnh. Những con vật ấy ở trong chuồng trại hôi hám, đại tiểu tiện cùng chung một chỗ, thật vô cùng nhơ nhớp, bất tịnh.
Thứ tư là quán xét trong ruột gan của chúng bất tịnh. Bên trong thân thể chúng chỉ cần nhìn kỹ sẽ thấy toàn những thứ ô uế bất tịnh như máu mủ, phẩn dơ, nước tiểu, đờm dãi...
Thứ năm là quán xét sự bất tịnh sau khi chết của những con vật ấy. Vì sau khi chúng bị giết chết đi rồi thì thân xác bắt đầu phân rã thối nát, so với xác người chết cũng không có gì khác, thật là nhơ nhớp bất tịnh.
Quán xét năm điều bất tịnh như thế thì không còn thấy tham muốn những món thịt cá nữa, mà sẽ thấy việc ăn chay thanh khiết là nên làm.