Đức Phật dạy rằng: “Trong lòng luôn nghĩ đến từ bi nhân hậu, tu tập pháp lành, đó là tạo nhân ngày sau được sinh vào hai cõi trời, người, được hưởng phước đức. Trong lòng luôn nghĩ đến việc giết hại vật mạng để ăn thịt, đó là tạo nhân ngày sau phải đọa vào những cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.”
Những người làm nghề săn bắn, từ sáng đến tối, nhìn thấy chim thì nghĩ chuyện bắn chim, nhìn thấy thú thì nghĩ chuyện bắt thú, không thể tìm được một ý niệm nào trong tâm tưởng họ không liên quan đến việc giết hại. Vì thế nên oán cừu nối nhau không dứt, cứ dần dần sa đọa, trầm luân đến muôn kiếp, không có lúc thoát ra. Những kẻ thường giết hại, xem mạng sống muôn loài như cỏ rác, sao không suy ngẫm điều này?
Lòng thương con của chim cảm động người
Tướng Đặng Chi mang quân đi đánh Phù Lăng, một hôm nhìn thấy chim mẹ đang mớm mồi cho chim con, giương cung bắn nhưng không trúng. Chim mẹ bị bắn trượt nhưng vì có những chim con ở đó nên không nỡ bay trốn đi, vẫn đứng nguyên nơi ấy. Đặng Chi bắn lần nữa, chim bị trúng tên, vẫn mang mũi tên trên thân mà tiếp tục mớm cho con ăn, lại ngậm mồi nhả bên cạnh, kêu chiêm chiếp gọi chim con tự lấy mồi ăn, cuối cùng mới kêu lên một tiếng bi thương rồi chết. Mấy chú chim con cũng kêu tiếng bi thương không ngừng.
Đặng Chi hết sức hối hận, tự nói: “Ta làm trái với bản tính muôn loài, ắt sắp phải chết rồi!” Quả nhiên, không bao lâu sau ông bị Chung Hội hại chết.
LỜI BÀN
Trong cuộc đời không gì bi thảm hơn là lúc người mẹ trẻ mắc bệnh nguy kịch sắp mất, gọi các con còn thơ ấu đến bên giường bệnh nắm tay vĩnh biệt, lưu luyến dặn dò, một lời nói ra ruột gan quặn thắt trăm lần, quyến luyến không rời, phút chốc lệ tuôn như mưa đổ, trong lòng đã lo có người tùy tiện ngược đãi con mình, lại còn sợ dì ghẻ mai sau hành hạ, nhìn thấy trước tình trạng côi cút của các con nên hồn phách khi ấy hết sức đau đớn bi thương, nghe tiếng kêu khóc của con trẻ mà ruột gan mình như bị xé nát.
Sự bi thảm cùng cực như thế trong kiếp người, thật ra đều do nghiệp ác từ đời trước chiêu cảm mà thành, vì thế nên lúc ấy đành phải chịu đựng mà không có cách gì thoát được.
Săn bắt thú chịu quả báo trong nồi nước sôi
Lưu Ma Nhi ở Phần Châu, cả nhà làm nghề săn bắt thú. Một hôm, ông cùng với đứa con trai là Lưu Sư Bảo bỗng kế tiếp nhau lăn ra chết. Phía bắc nhà ông có người hàng xóm là Kỳ Lũng Uy, bị bệnh chết rồi tự nhiên sống lại. Nhân đó kể với mọi người rằng lúc ở dưới âm ty có nhìn thấy hai cha con Lưu Ma Nhi bị nấu trong chảo nước sôi, da thịt rã dần đến hết sạch, chỉ còn nhìn thấy xương. Sau đó rất lâu, thân xác mới trở lại như cũ. Lũng Uy hỏi nguyên nhân, liền có người đáp rằng: “Trước đây thích đốt lửa [để xua đuổi] mà bắt thú, nên nay phải chịu tội như vậy.”
LỜI BÀN
Kinh Phật dạy rằng: “Trong cảnh giới địa ngục, mỗi một ngày đêm có vạn lần chết đi sống lại. Mỗi khi [thọ hình đến mức] chết đi liền có cơn gió thổi qua làm sống lại, tiếp tục phải chịu đựng hình phạt khổ sở ấy. Nếu nghiệp báo chưa hết thì dù kéo dài cho đến lúc đất đai sông núi đều hư hoại, hình phạt ấy cũng chưa từng được dừng nghỉ trong giây lát.”
Cho nên, kinh Địa Tạng có nói rằng: “Khi thế giới này hư hoại, [người thọ nghiệp báo] chuyển sinh sang thế giới khác; khi thế giới ấy hư hoại, lại chuyển sinh sang thế giới thuộc phương khác; khi các thế giới thuộc phương ấy đều hư hoại, lại lần lượt chuyển sinh sang phương khác nữa, đợi cho đến sau khi thế giới này hình thành xong thì sinh trở lại đây [tiếp tục thọ nghiệp].”
Than ôi, không nghĩ đến thì thôi, nếu suy xét kỹ thật đáng sợ biết bao!
Người với nai cùng chết
Ở Lư Lăng có người tên Ngô Đường, rất giỏi săn bắn, khi đi săn thường dắt theo đứa con trai nhỏ. Một hôm, gặp nai mẹ dẫn theo nai con, Ngô Đường bắn một phát trúng nai con ngã xuống chết. Nai mẹ kêu lên tiếng bi thương rồi chạy đi. Ngô Đường liền nấp vào trong lùm cỏ rậm, rình thấy nai mẹ quay lại thè lưỡi liếm xác con, liền giương cung bắn chết luôn nai mẹ.
Thoáng chốc bỗng thấy có một con nai nữa, liền bắn ngay, hóa ra mũi tên trúng vào con trai mình. Ngô Đường ôm con khóc rống lên, chợt nghe giữa không trung có tiếng nói: “Ngô Đường! Nai kia cũng thương con có khác gì ngươi?”
Ngô Đường đang lúc hết sức kinh hãi, bỗng thấy xuất hiện một con cọp vồ lấy đứa trẻ, cắn đứt một cánh tay, khiến nó chết ngay lúc ấy.
LỜI BÀN
Có người hỏi: “Trị tội người không nên liên lụy đến con cái, Ngô Đường tất nhiên độc ác, nhưng con trai còn nhỏ của ông ta nào có tội gì? Oán ghét người cha mà giết đứa con, lưới pháp âm ty liệu có khắc nghiệt quá chăng?”
Đó là không biết rằng, người làm thiện ắt sẽ sinh vào nhà làm thiện để cùng hưởng phúc, người làm ác ắt phải sinh vào nhà làm ác để cùng chịu tội. Đứa con trai Ngô Đường chắc chắn đời trước đã từng làm nhiều việc ác, phải chịu quả báo bị cọp vồ mà chết, thế nên mới sinh vào nhà Ngô Đường để chịu tai họa ấy. Như vậy là để cho thiên hạ biết mà kiêng sợ, để người cha biết được sự trừng phạt là như thế. Nhân duyên hội tụ thành những điều như vậy, đều là do nghiệp lực không thể nghĩ bàn chiêu cảm mà thành.
Đức Phật có nói: “Khi thời gian một kiếp sắp hết, tuổi thọ trung bình của con người chỉ còn được 10 tuổi, chúng sinh gặp nhau, tất cả đều sinh tâm ác độc giết hại lẫn nhau, không chút từ tâm thương xót, cũng giống như người thợ săn ở chốn núi rừng, khi nhìn thấy muôn loài cầm thú chỉ khởi tâm ác độc muốn giết hại mà thôi, không chút thương xót. Vì thế, khi kiếp này sắp hết, trong vòng bảy ngày cuối cùng, cỏ cây đất đá đều hóa thành đao trượng, [chúng sinh nhân đó] tàn hại lẫn nhau, cho nên sau khi chết đi rồi tất cả đều đọa vào các đường ác.”
Xin khuyên hết thảy người đời, khi nhìn thấy đồng loại nên khởi sinh tâm từ bi cứu độ, khi nhìn thấy muôn loài chúng sinh, cũng nên khởi sinh tâm từ bi cứu độ. Dù sinh ra ở đâu cũng phát khởi tâm nguyện Bồ-đề. Được như thế thì dù có tội chướng [đã tạo trước đây] cũng sẽ tức thời tiêu tan như băng tuyết dưới ánh mặt trời.