Người làm con thực hành hiếu hạnh, phụng dưỡng cha mẹ cũng có nhiều phương cách khác biệt nhau, [có thể phân chia thành thứ bậc].
Có thể toàn tâm toàn ý phụng dưỡng cha mẹ theo bậc hạ, gọi là tiểu hiếu. Có thể toàn tâm toàn ý phụng dưỡng cha mẹ theo bậc thứ, gọi là trung hiếu. Có thể toàn tâm toàn ý phụng dưỡng cha mẹ theo bậc thượng, gọi là đại hiếu. Chỉ riêng những ai có thể toàn tâm toàn ý phụng dưỡng cha mẹ theo bậc tối thượng mới được gọi là bậc đại hiếu trong hàng đại hiếu.
Như vậy có nghĩa là thế nào? Phụng dưỡng cha mẹ theo bậc hạ, đó là nói chỉ phụng dưỡng cha mẹ đầy đủ cơm ăn áo mặc, miếng ngon vật lạ, không để cha mẹ phải có bất cứ điều chi than phiền. Đó cũng là điều mà người thế gian không dễ làm được, gọi là tiểu hiếu.
Phụng dưỡng cha mẹ theo bậc thứ, đó là nói [ngoài việc phụng dưỡng đầy đủ cơm ăn áo mặc] còn quan tâm đến chí hướng của cha mẹ. Những gì cha mẹ yêu thích, mình cũng yêu thích, những gì cha mẹ kính trọng, mình cũng kính trọng, khiến cho cha mẹ luôn được vui lòng. Như thế gọi là trung hiếu.
Phụng dưỡng cha mẹ theo bậc thượng, đó là nói [ngoài những việc như trên, còn] dẫn dắt, khuyến khích cha mẹ bước vào đường đạo, thấy cha mẹ làm thiện thì tán thành, thấy cha mẹ làm lỗi thì can ngăn, khiến cho lời nói việc làm của cha mẹ đều hợp theo Chánh đạo. Như thế gọi là đại hiếu.
Còn như việc phụng dưỡng cha mẹ theo bậc tối thượng, đó là [sau khi đã làm được như trên lại còn] tiến thêm một bước nữa, thường luôn nghĩ nhớ đến công ơn cha mẹ lớn lao như trời đất, mà tuổi thọ của cha mẹ ngày một suy giảm, biết phải dùng phương pháp nào để có thể báo đáp? Dùng phương pháp nào để có thể kéo dài thêm tuổi thọ của cha mẹ? Dùng phương pháp nào để có thể giúp cha mẹ thoát được ra khỏi vòng luân hồi sinh tử? Dùng phương pháp nào để có thể giúp cha mẹ tiêu trừ hết thảy tội lỗi, nghiệp chướng? Dùng phương pháp nào để có thể giúp cha mẹ [tu hành tăng tiến, ngộ đạo chứng quả] được dự vào dòng thánh, rốt ráo thành Phật?
[Thường luôn suy ngẫm những điều ấy thật kỹ lưỡng, cũng giống] như khi tai kiếp binh đao khởi lên, liền cõng cha mẹ đi trốn, [trong lòng phải thường suy ngẫm: Ta] trốn vào núi sâu, liệu bọn giặc cướp có đến được không? Trốn ra biển rộng, liệu bọn giặc cướp có đến được không? Trốn nơi đồng rộng hoang vu, liệu bọn giặc cướp có đến được không? Suy đi nghĩ lại thật chín chắn như thế, ắt sẽ có thể đưa cha mẹ đến một nơi an ổn mọi bề. Được như vậy gọi là phụng dưỡng cha mẹ theo bậc tối thượng, theo cách không gì hơn được nữa, cũng gọi là phụng dưỡng cha mẹ theo cách siêu việt ra khỏi hết thảy các pháp thế gian. Như vậy chẳng phải là bậc đại hiếu trong hàng đại hiếu đó sao?
[Thường suy ngẫm như trên ắt sẽ thấy rằng,] nếu giết hại loài vật để nuôi dưỡng cha mẹ, sẽ khiến cho những con vật bị giết ôm lòng oán hận trong nhiều đời, cha mẹ phải tái sinh nhiều kiếp để đền trả món nợ giết hại. Như thế còn hơn cả việc dùng thịt có độc dâng cha mẹ đỡ đói, dùng rượu có độc để mong cha mẹ hết khát, thật hết sức trái lẽ, sao có thể sai lầm gọi đó là hiếu?
Có người hỏi: “Kẻ sĩ thành tựu công danh, làm rạng danh dòng họ, sáng đức tổ tiên, có thể xem là hiếu chăng?” Đáp rằng: “Việc thành tựu công danh tất nhiên là nên theo đuổi. Nếu biết dựa vào đó để làm thiện giúp người, ắt sẽ làm cho cha mẹ được vui mừng vinh dự, nhưng nếu dựa vào đó để làm chuyện xấu ác, chẳng phải đã ngược lại làm nhục cha mẹ rồi sao? Cha mẹ của Tần Cối, Nghiêm Tung đều có con trai làm quan đến hàng Tể tướng đầu triều, nhưng ví như họ sinh vào đời nay, ắt không khỏi bị người đời căm giận ghét bỏ.”
Cho nên phải biết rằng, người con hiếu muốn làm cho cha mẹ được vinh dự thì không gì hơn làm thiện tích đức. Việc thành tựu công danh chỉ nên xem là việc thứ yếu.
Đền trả nghiệp ác
Huyện Gia Hưng [thuộc tỉnh Chiết Giang] có một bà lão sống nhờ vào đứa con trai làm nghề bắt cua. Mỗi ngày anh ta đều bắt cua, dùng dây cỏ buộc lại rồi mang đi bán, lấy tiền ấy mua gạo, củi... các thứ về nuôi dưỡng mẹ.
Một hôm, bà lão có bệnh, bỗng lấy những sợi dây cỏ dài nuốt dần vào bụng. Nuốt hết vào rồi lại nắm lấy từng sợi, từng sợi lôi trở ra. Lôi ra hết lại nuốt trở vào, rồi lại lôi trở ra, cứ vậy mà làm mãi, khiến cho máu từ trong ruột cứ trào ra ngoài miệng. Bà lão lại nói: “Tôi nhận sự nuôi dưỡng bằng đồng tiền tạo ra bởi nghiệp ác của con trai, nên nay phải chịu quả báo như thế này. Nếu không như thế này, ngược lại e rằng còn phải chịu thống khổ nhiều hơn.”
Người đến xem rất đông, trải qua suốt nhiều ngày như vậy rồi bà lão mới chết.
LỜI BÀN
Thuở xưa, khi đức Thế Tôn đang ở thành Vương Xá, nhìn thấy một con cá lớn có nhiều đầu, mỗi đầu đều khác biệt nhau, bị mắc vào trong lưới. Đức Thế Tôn thấy vậy liền nhập Tam-muội, khởi tâm từ rồi cất tiếng gọi cá. Cá lập tức lên tiếng đáp. Đức Thế Tôn hỏi nó: “Mẹ của ngươi hiện giờ ở đâu?” Cá đáp: “Mẹ của con hiện đọa làm con trùng trong hố xí.” Đức Phật liền dạy các tỳ-kheo rằng: “Con cá lớn ấy vào thời đức Phật Ca-diếp vốn là một vị tỳ-kheo tinh thông Tam tạng kinh điển. Do tạo nghiệp ác khẩu nên phải chịu quả báo dị dạng, một thân có nhiều đầu. Người mẹ của tỳ-kheo ấy nhận sự nuôi dưỡng của ông ta, do nghiệp duyên ấy nên nay phải làm con trùng trong hố xí.”
Quán xét việc ấy ắt phải thấy rằng, việc dùng đồng tiền tạo ra bởi nghiệp xấu ác để nuôi dưỡng cha mẹ đã không phải việc người con hiếu nên làm, huống chi lại quen theo thói tục mà giết hại vật mạng dâng lên cha mẹ?
Nghiệp đời trước còn lại
Vào đời nhà Thanh có ông Cố Thuận Chi quê ở huyện Thường Thục, là người ăn chay trường, ngụ cư ở huyện Vô Tích. Ngày mồng một tháng hai năm Canh Tuất thuộc niên hiệu Khang Hy, ông nhắm mắt ngủ mê đến bảy ngày sau mới tỉnh lại, kể với người chung quanh rằng:
“Tôi mơ thấy một vị đạo nhân đến hẹn tôi đi nghe kinh. Tôi cùng ông ấy đến một chỗ nọ, thấy ở pháp đường phía trước giảng kinh Kim Cang, pháp đường phía sau giảng kinh Báo Ân. Buổi giảng kết thúc lại nghe có lời dạy rằng: ‘Người ăn chay phải kiên trì giữ tâm niệm Phật; người ăn mặn thì cốt yếu là phải giữ giới không giết hại. Làm được như vậy, một là có thể cầu siêu thoát cho cha mẹ nhiều đời, hai là có thể tiêu trừ được tội lỗi nghiệp chướng của bản thân mình.’
“Sau đó giây lát, bỗng nhìn thấy mẹ tôi đang khóc lóc ở trong một cái hồ chứa đầy máu, có những con ốc và giun đất vây quanh đầy khắp thân thể bà. Vị đạo nhân bảo tôi: ‘Người mẹ kiếp này của ông đã được siêu thoát rồi, ông nhìn thấy đó là người mẹ trong kiếp trước, vì lúc còn sống bà thích ăn thịt vịt nên bây giờ phải bị các con vật ấy vây kín quanh thân. Ông nên trì chú Vãng sinh để cầu cho bà ấy siêu thoát.’ Sau đó thì tỉnh dậy.”
LỜI BÀN
Người đời gọi là hiếu, bất quá chỉ [là lo cho cha mẹ] trong một đời hiện tại. Người tận hiếu theo pháp Phật thì rộng làm lợi ích [cho cha mẹ trong cả] nhiều đời, vì thế nên gọi là [hiếu hạnh] lớn lao.