Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Mỗi cơn giận luôn có một nguyên nhân, nhưng rất hiếm khi đó là nguyên nhân chính đáng. (Anger is never without a reason, but seldom with a good one.)Benjamin Franklin
Hầu hết mọi người đều cho rằng sự thông minh tạo nên một nhà khoa học lớn. Nhưng họ đã lầm, chính nhân cách mới làm nên điều đó. (Most people say that it is the intellect which makes a great scientist. They are wrong: it is character.)Albert Einstein
Đừng làm cho người khác những gì mà bạn sẽ tức giận nếu họ làm với bạn. (Do not do to others what angers you if done to you by others. )Socrates
Nếu quyết tâm đạt đến thành công đủ mạnh, thất bại sẽ không bao giờ đánh gục được tôi. (Failure will never overtake me if my determination to succeed is strong enough.)Og Mandino
Cuộc sống ở thế giới này trở thành nguy hiểm không phải vì những kẻ xấu ác, mà bởi những con người vô cảm không làm bất cứ điều gì trước cái ác. (The world is a dangerous place to live; not because of the people who are evil, but because of the people who don't do anything about it.)Albert Einstein
Cuộc đời là một tiến trình học hỏi từ lúc ta sinh ra cho đến chết đi. (The whole of life, from the moment you are born to the moment you die, is a process of learning. )Jiddu Krishnamurti
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Chưa từng có ai trở nên nghèo khó vì cho đi những gì mình có. (No-one has ever become poor by giving.)Anne Frank
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Nghệ thuật sống - Pháp thiền do Thiền sư S. N. Goenka giảng dạy »» Chương 5. Tu tập giới hạnh »»

Nghệ thuật sống - Pháp thiền do Thiền sư S. N. Goenka giảng dạy
»» Chương 5. Tu tập giới hạnh

Donate

(Lượt xem: 8.592)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Nghệ thuật sống - Pháp thiền do Thiền sư S. N. Goenka giảng dạy - Chương 5. Tu tập giới hạnh

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

Hoặc nghe giọng đọc Thanh Cúc dưới đây:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Để thoát khổ, chúng ta phải diệt trừ nguyên nhân gây ra khổ: tham, sân và si (thèm muốn, chán ghét, vô minh). Để đạt được điều này, Đức Phật đã khám phá, đã thực hành và đã dạy một con đường thực tiễn để đạt được mục đích này. Ngài gọi con đường này là Bát Thánh Đạo.

Có lần, được thỉnh cầu giải thích giáo huấn này bằng ngôn từ giản dị dễ hiểu, Ngài nói:

“Không làm các việc ác,
Thành tựu mọi điều lành,
Giữ tâm ý thanh tịnh,
Chính lời chư Phật dạy.”

Sự trình bày này rất rõ ràng, và mọi người đều đồng ý chúng ta nên tránh những hành động gây hại và thực hành những hành động có ích lợi. Nhưng làm sao định nghĩa được thế nào là lợi hay hại, thế nào là thiện hay bất thiện? Khi cố gắng phân biệt như vậy, chúng ta dựa vào các quan điểm, niềm tin truyền thống, những sở thích và định kiến của mình, kết quả là chúng ta luôn đưa ra những định nghĩa hạn hẹp, có tính cách tông phái, có thể chấp nhận được với một số người nhưng không được những người khác chấp nhận. Thay vì những diễn giải hạn hẹp như thế, Đức Phật đưa ra một định nghĩa phổ quát về thiện và bất thiện hoặc tốt lành và tội lỗi. Bất cứ hành động nào gây hại, làm xáo trộn sự bình an và hòa hợp của người khác đều là xấu xa, tội lỗi. Và bất cứ hành động nào giúp đỡ người khác, góp phần trong việc tạo dựng sự bình an và hòa hợp của họ thì đều là tốt đẹp, thiện lành. Hơn nữa, tâm chỉ thực sự thanh tịnh nhờ vào sự trải nghiệm trực tiếp thực tại của chính mình và nỗ lực một cách có hệ thống để loại trừ những điều kiện gây ra khổ đau chứ không phải bằng cách thực hành những nghi thức tôn giáo hay rèn luyện tri thức.

Bát Chánh Đạo có thể chia ra làm ba giai đoạn rèn luyện gồm: giới (sila), định (samadhi), tuệ (panna). Giới là thực hành giới hạnh, tránh tất cả những hành động bất thiện bằng việc làm cũng như lời nói. Định là rèn luyện sự chú tâm, phát triển khả năng điều khiển và kiểm soát một cách có ý thức những tiến trình của tâm. Tuệ là trí tuệ, là sự phát triển tuệ giác thanh tịnh về tự tánh.

Giá trị của sự giữ giới

Bất cứ người nào muốn thực hành giáo pháp (Dhamma) đều phải bắt đầu bằng sự giữ giới (sila). Đây là bước đầu tiên, nếu không giữ giới thì không thể nào tiến bộ được. Chúng ta phải tránh mọi hành vi và lời nói làm thương tổn đến người khác. Đây là điều dễ hiểu: xã hội đòi hỏi hành vi như vậy để tránh xáo trộn. Thật ra, chúng ta tránh những hành vi như vậy không chỉ vì chúng làm tổn thương người khác, mà còn vì chúng làm tổn hại đến chính ta. Chúng ta không thể phạm vào một điều bất thiện - như chửi rủa, giết người, trộm cắp, hiếp dâm - mà không tạo ra tâm trạng bồn chồn, tham muốn, chán ghét mạnh mẽ. Giây phút tham muốn hay chán ghét này mang lại khổ đau ngay bây giờ và càng nhiều đau khổ hơn trong tương lai.

Đức Phật nói:

Bị thiêu đốt bây giờ, bị thiêu đốt về sau
Người làm ác chịu khổ đau gấp đôi...
Hạnh phúc bây giờ, hạnh phúc về sau
Người có đức hạnh hưởng hạnh phúc gấp đôi.

Chúng ta không cần đợi đến sau khi chết mới trải nghiệm được thiên đàng hay địa ngục; chúng ta có thể trải nghiệm những điều ấy ngay trong đời này, và ngay bên trong bản thân ta. Khi chúng ta làm những điều xấu xa, chúng ta phải chịu lửa hỏa ngục của sự tham lam và sân hận. Khi chúng ta làm điều tốt lành, chúng ta được hưởng thiên đàng của sự bình an nội tâm. Vì vậy tránh những việc làm và lời nói bất thiện không chỉ vì lợi ích cho người khác mà còn là lợi lạc cho chính mình, tránh gây hại cho chính mình.

Còn một lý do nữa để giữ giới. Chúng ta muốn khảo sát tự thân để có tuệ giác sâu xa về thực tại của chính mình. Muốn làm được như vậy đòi hỏi một tâm thanh tịnh. Chúng ta không thể nào nhìn rõ đáy ao khi nước bị khuấy động. Muốn nội quán cần một tâm an tĩnh, không dao động. Khi chúng ta làm điều bất thiện, tâm ta bị dao động. Chỉ khi nào ta tránh được những hành động bất thiện bằng việc làm và lời nói thì tâm mới có cơ hội trở nên an bình đủ để thực hiện việc nội quán.

Còn một lý do khác nữa giải thích vì sao giữ giới lại tối quan trọng. Người thực hành Dhamma là luyện tập để đạt được mục đích tối thượng của sự giải thoát khỏi mọi đau khổ. Trong khi làm công việc này, người ấy không thể phạm vào những hành động làm gia tăng các thói quen mà người đó muốn loại bỏ. Bất cứ hành động nào làm tổn hại người khác đều là do tham, sân, si (thèm muốn, chán ghét, vô minh) đi kèm theo gây ra. Thực hiện những hành động đó là thụt lùi hai bước cho mỗi bước tiến trên đường, làm trở ngại cho bất kỳ sự tiến triển nào hướng đến mục tiêu.

Như vậy, giới không những cần thiết cho sự tốt lành của xã hội, mà còn cho sự tốt lành của mỗi người trong xã hội, và không chỉ vì lợi ích trần tục, mà còn cho sự tiến bộ của người đó trên con đường Dhamma.

Ba phần của Bát Thánh Đạo thuộc về sự thực hành giới hạnh (sila) là: lời nói chân chánh (chánh ngữ), hành động chân chánh (chánh nghiệp), nghề nghiệp chân chánh (chánh mạng).

Lời nói chân chánh (chánh ngữ)

Lời nói phải trong sạch và thiện lành. Thanh tịnh đạt được nhờ xóa bỏ bất tịnh, và chúng ta phải hiểu thế nào là lời nói bất tịnh. Đó là: nói dối, nói thêm bớt ngoài sự thật; bịa chuyện làm chia rẽ bạn bè; nói xấu sau lưng, hay vu oan; ác khẩu làm người khác bực bội, không có lợi ích gì; nói chuyện tầm phào, vô nghĩa, mất thì giờ của mình và của người khác. Tránh được tất cả những lời nói bất tịnh như trên là nói lời chân chánh.

Đây không chỉ là một khái niệm thụ động. Đức Phật giải thích: “Người thực hành lời nói chân chánh, nói thật và luôn luôn trung thực, đáng tin cậy, thẳng thắn với người khác. Người đó hòa giải những tranh cãi và khuyến khích đoàn kết. Người đó hân hoan trong sự hòa hợp, tìm kiếm sự hòa hợp, vui hưởng và tạo ra sự hòa hợp bằng lời nói. Lời nói của người đó nhẹ nhàng, dễ nghe, hiền từ, làm ấm lòng người, lễ độ, dễ chịu và làm vui lòng nhiều người. Người đó nói đúng lúc, đúng sự thật, phù hợp với những gì hữu ích, thuận theo Dhamma và thuận theo Giới hạnh. Lời người đó đáng ghi nhớ, đúng lúc, đúng lẽ, khéo chọn, và xây dựng.”

Hành động chân chánh (chánh nghiệp)

Hành động cũng phải thanh tịnh. Cũng như lời nói, chúng ta phải hiểu những hành động nào là bất tịnh để có thể tránh. Đó là: giết hại sinh vật, trộm cắp, tà dâm, chẳng hạn như hãm hiếp hay ngoại tình, và uống rượu hoặc dùng chất gây say làm mất lý trí, không còn biết mình làm gì hay nói gì. Tránh bốn hành động trên là hành động chân chánh.

Đây cũng không phải là một khái niệm thụ động. Diễn tả một người có hành động chân chánh, Đức Phật nói: “Buông bỏ gươm giáo và gậy gộc, người này cẩn thận không làm hại ai, đầy lòng nhân từ, tìm sự tốt đẹp của mọi chúng sinh. Không còn giấu giếm, người ấy sống như một người thanh tịnh.”

Giới luật

Đối với người bình thường sống đời thế tục, để thực hành lời nói chân chánh và hành động chân chánh là giữ Năm giới:

1. Tránh giết hại bất cứ sinh vật nào;

2. Tránh trộm cắp;

3. Tránh tà dâm;

4. Tránh nói dối;

5. Tránh say nghiện.

Năm giới trên là căn bản tối thiểu cần cho đức hạnh. Người nào muốn thực hành Dhamma đều phải giữ theo.

Tuy nhiên, trong cuộc sống đôi khi cũng có những lúc có cơ hội tạm thời để ta tạm thời buông bỏ việc đời sang một bên - có thể trong vài ba ngày, hoặc chỉ trong một ngày - để thanh lọc tâm, để tu tập hướng đến giải thoát. Một giai đoạn như thế là lúc để thực hành Dhamma nghiêm chỉnh, và vì vậy ta phải thận trọng trong hành động hơn là những lúc bình thường. Điều quan trọng là tránh những hành động có thể làm xao lãng hay ảnh hưởng đến công việc tự thanh lọc. Bởi vậy, lúc đó ta phải giữ tám giới. Những giới này bao gồm năm giới căn bản trên với một thay đổi: thay vì chỉ tránh tà dâm, ta phải tránh hẳn mọi hoạt động tình dục, và thêm vào ba giới nữa là (1) tránh ăn không đúng giờ (nghĩa là không được ăn sau giữa trưa); (2) tránh những trò giải trí bằng khoái cảm (như nghe, xem ca múa nhạc kịch...) và tránh trang điểm; (3) tránh ngủ trên giường cao rộng xa hoa.

Yêu cầu từ bỏ hoạt động tình dục và các giới bổ sung là để trợ giúp thêm cho sự an tĩnh và tỉnh giác, cần thiết cho công việc nội quán, và giúp cho tâm khỏi bị quấy rối bởi những xáo động bên ngoài. Tám giới này chỉ cần giữ trong thời gian chuyên chú thực tập Dhamma mà thôi. Khi thời gian này chấm dứt, một người cư sĩ có thể quay lại giữ Năm giới như là kim chỉ nam cho đức hạnh của mình.

Cuối cùng, có Mười giới dành cho một người tu sống đời thoát ly gia đình, như một vị tăng hay một vị ni. Mười giới này gồm tám giới vừa nói ở trên, với giới thứ bảy chia thành hai giới và thêm một giới nữa là: tránh không nhận tiền bạc. Những người tu ẩn dật buộc phải sống nhờ hoàn toàn vào sự cúng dường của người khác để có thể dành trọn thời gian vào việc thanh lọc tâm, mang lại lợi ích cho chính mình và cho mọi người.

Giới luật, dù là năm giới, tám giới hay mười giới, không phải là những khuôn mẫu trống rỗng do truyền thống quy định. Chúng là những “bước bổ sung cho sự tập luyện” theo đúng nghĩa, là phương tiện rất thực tiễn để giúp cho hành động và lời nói của chúng ta không gây tổn hại đến người khác cũng như chính bản thân mình.

Nghề nghiệp chân chánh (chánh mạng)

Mỗi người đều phải tự nuôi sống bản thân bằng một phương thức thích hợp. Có hai tiêu chuẩn cho nghề nghiệp chân chánh. Thứ nhất, nghề đó không phạm vào Năm giới, vì nếu như vậy rõ ràng sẽ làm hại đến người khác. Hơn nữa, ta cũng không được làm bất kỳ điều gì khuyến khích người khác phạm vào Năm giới, vì như vậy cũng gây hại. Nghề nghiệp của ta cũng không được gây tổn thương cho người khác, dù trực tiếp hay gián tiếp. Vì vậy nghề nghiệp nào đòi hỏi sự giết chóc người hay súc vật hiển nhiên không phải nghề nghiệp chân chánh. Ngay cả việc giết hại do người khác làm và ta chỉ buôn bán các phần của con vật đã bị giết như da, thịt, xương, vân vân, thì đó cũng không phải là nghề nghiệp chân chánh, vì phụ thuộc vào hành động sai quấy của người khác. Bán rượu hay ma túy có thể được nhiều lãi, và mặc dầu ta không dùng, nhưng hành động bán đó là khuyến khích người khác dùng độc dược, như vậy có hại cho họ. Mở một sòng bạc có thể rất có lãi, nhưng những người đến đánh bạc đều tự làm hại họ. Bán chất độc hay khí giới - súng ống, bom đạn, hỏa tiễn - là việc buôn bán phát đạt, nhưng làm hại sự bình an và hòa hợp của bao nhiêu người. Tất cả những nghề nêu trên đều không phải nghề nghiệp chân chánh.

Ngay cả những công việc có thể không thật sự làm hại người khác, nhưng nếu làm với ý định hại người, thì cũng không phải là nghề nghiệp chân chánh. Bác sĩ hy vọng có bệnh dịch, người buôn hy vọng có nạn đói đều không phải thực hành nghề nghiệp chân chánh.

Mỗi người là một thành viên của xã hội. Chúng ta mỗi người phục vụ xã hội bằng công việc chúng ta làm, phục vụ người khác bằng những cách khác nhau. Để đổi lại, chúng ta nhận thù lao để sinh sống. Ngay cả các nhà sư hay những người tu ẩn dật cũng phải làm việc đúng đắn để được cúng dường: nỗ lực thanh lọc tâm để ích lợi cho mình và cho người khác. Nếu họ lạm dụng người khác bằng cách lừa dối, thực hiện những trò quỷ thuật hay dối trá xưng mình đã chứng thánh, đó đều là không thực hành nghề nghiệp chân chánh.

Những thù lao ta nhận được do công việc ta làm là để nuôi sống bản thân và gia đình. Nếu còn dư thừa, ít nhất một phần trong số đó nên được trả lại cho xã hội bằng cách giúp đỡ người khác. Nếu chúng ta làm với ý định lợi ích cho xã hội và để nuôi sống bản thân, giúp đỡ người khác, thì công việc chúng ta làm là nghề nghiệp chân chánh.

Thực hành Giới hạnh trong khóa thiền Vipassana

Lời nói chân chánh, hành động chân chánh, nghề nghiệp chân chánh phải được thực hành vì chúng có ý nghĩa đối với chúng ta và người khác. Khóa thiền Vipassana cho chúng ta cơ hội áp dụng mọi khía cạnh của Giới hạnh (sila). Đây là thời gian dành riêng cho sự thực hành Dhamma một cách chuyên chú, và vì vậy, mọi người tham dự đều phải giữ Tám giới. Tuy nhiên có ngoại lệ cho những người mới tham dự lần đầu, hay cho những người có bệnh: họ được phép ăn một bữa ăn nhẹ vào buổi chiều. Vì lý do này, những người đó chỉ chính thức giữ Năm giới, mặc dầu trong mọi khía cạnh khác họ thực sự giữ theo Tám giới.

Ngoài việc giữ giới, tất cả những người tham dự khóa thiền còn phải nguyện giữ im lặng cho đến ngày cuối cùng của khóa học. Họ có thể nói với các thiền sư phụ tá hay những người điều hành khóa học, nhưng không được nói với các thiền sinh khác. Do vậy những sự phân tâm được giảm đến mức tối thiểu. Mọi người có thể sống và hành thiền gần sát nhau mà vẫn không làm phiền lẫn nhau. Trong bầu không khí yên tĩnh và bình an này, mỗi người có thể thực hiện nội quán.

Để đổi lại sự tu tập nội quán, các thiền sinh được ăn, ở miễn phí. Mọi chi phí đều do người khác hiến tặng. Vì vậy trong khóa học, các thiền sinh sống gần giống như những người tu hành ẩn dật, sống nhờ vào sự hiến tặng của người khác. Bằng cách thực hành thiền hết sức mình để được ích lợi cho bản thân và cho người khác, thiền sinh đã thực hành nghề nghiệp chân chánh trong khi tham dự một khóa thiền Vipassana.

Giữ giới là một phần trên con đường Dhamma. Không giữ giới thì không có tiến bộ, vì tâm quá dao động không thể quan sát được thực tại bên trong. Có người nói rằng sự phát triển tâm linh vẫn có thể thực hiện được mà không cần phải giữ giới. Nhưng người đó dù có thể làm gì đi nữa, cũng không phải là những người tuân theo lời dạy của Đức Phật. Không giữ giới cũng vẫn có thể thể nghiệm được vài trạng thái cực lạc, nhưng coi đó là thành quả tâm linh là một sự sai lầm. Lẽ dĩ nhiên, không giữ giới (sila) thì người ta không bao giờ có thể giải thoát tâm khỏi khổ đau và thể nghiệm được sự thật tối hậu.

Vấn đáp

Câu hỏi: Có phải thực hành hành động chân chánh cũng là một loại bám chấp không?

Thiền sư S. N. Goenka: Không. Chỉ cần làm hết sức mình, và hiểu rằng kết quả ngoài sự kiểm soát của mình. Bạn hãy làm việc của mình, còn kết quả thì phó mặc cho tự nhiên, cho Dhamma: “Nguyện cho mọi việc hoàn tất.”

Như vậy nghĩa là sẵn sàng chấp nhận mắc lỗi?

Nếu bạn mắc phải lỗi lầm và nhận lỗi, rồi cố gắng để không tái phạm. Nhưng rồi bạn lại thất bại, bạn có thể mỉm cười và cố gắng tìm một cách khác. Nếu bạn có thể mỉm cười trước sự thất bại, bạn không bám chấp. Nhưng nếu thất bại làm bạn chán nản và thành công làm bạn mừng quýnh, chắc chắn đó là bạn đang bám chấp.

Như vậy, hành động chân chánh chỉ cho sự cố gắng của mình chứ không phải cho kết quả?

Không phải kết quả. Kết quả tự nhiên là tốt nếu hành động tốt. Dhamma lo liệu việc đó. Chúng ta không có quyền lựa chọn kết quả, nhưng chúng ta có thể chọn lựa hành động của chúng ta. Hãy cứ làm hết sức mình.

Vô ý làm hại người khác có phải là một hành động sai quấy không?

Không. Phải có ý định làm hại một người nào đó, và phải thành công trong sự gây ra tai hại, thì hành động sai quấy mới được thực hiện. Giới hạnh (sila) không nên vận dụng đến mức cực đoan, vừa không thực tế vừa không ích lợi. Mặt khác, cũng nguy hiểm không kém nếu như bạn quá bất cẩn trong hành động đến nỗi cứ tiếp tục làm hại người khác rồi tự bào chữa rằng mình không cố ý làm hại. Dhamma dạy chúng ta phải luôn có ý thức tỉnh giác.

Thế nào là sự khác biệt giữa hoạt động tình dục đúng đắn và tà dâm. Đây có phải là vấn đề của sự chủ ý không?

Không. Tình dục có một chỗ đứng thích hợp trong đời sống gia đình. Chúng ta không nên cố dồn nén nó, vì bắt buộc một cuộc sống kiêng tình dục chỉ gây ra căng thẳng, tạo thêm nhiều vấn đề, nhiều khó khăn. Nhưng nếu bạn buông thả theo sự đòi hỏi của tình dục và chấp nhận làm tình với bất cứ người nào khi thể xác đòi hỏi, thì chẳng bao giờ bạn có thể thoát khỏi đam mê. Hãy tránh hai cực đoan này vì chúng nguy hiểm như nhau. Dhamma đưa ra con đường trung dung, một sự thực hành lành mạnh về tình dục mà vẫn cho phép phát triển về tâm linh. Đó là sự liên hệ tình dục giữa một người nam và người nữ đã kết hợp với nhau. Và nếu người phối ngẫu của bạn cũng là một thiền sinh Vipassana thì khi sự đam mê nổi dậy, cả hai hãy quan sát nó. Đây không phải là sự dồn nén, cũng không phải buông thả. Bằng cách quan sát bạn có thể thoát khỏi đam mê một cách dễ dàng. Đôi khi hai người vẫn có quan hệ tình dục, nhưng dần dần họ cùng tiến triển đến một giai đoạn mà quan hệ tình dục chẳng có ý nghĩa gì. Đây là giai đoạn thực sự không tình dục một cách tự nhiên, ngay cả một ý tưởng đam mê cũng không khởi sinh trong lòng. Sự không tình dục này tạo một niềm vui vượt xa hơn bất kỳ sự thỏa mãn tình dục nào. Ta luôn luôn cảm thấy cực kỳ thỏa mãn, cực kỳ hòa hợp. Chúng ta nhất thiết phải học cách trải nghiệm hạnh phúc chân thật này.

Ở phương Tây, nhiều người cho rằng quan hệ tình dục có thỏa thuận giữa hai người trưởng thành bất kỳ là điều chấp nhận được.

Quan điểm này cách xa Dhamma (Giáo pháp) nhiều lắm. Một người nào đó có liên hệ tình dục với một người, rồi một người khác, và một người khác nữa thì sự thèm muốn gia tăng gấp bội, và đồng thời làm tăng sự đau khổ. Bạn nhất thiết chỉ nên kết hợp với một người thôi hoặc sống không tình dục.

Còn đối với sự dùng các loại thuốc để trải nghiệm một vài loại cảm giác, hoặc những thực tại khác thì sao?

Có vài thiền sinh nói với tôi rằng khi dùng loại thuốc tâm thần, họ đã có những kinh nghiệm tương tự như trong khi hành thiền. Dù chuyện này có thật hay không, thì khi phải dùng thuốc để có một kinh nghiệm là hình thức lệ thuộc vào một yếu tố bên ngoài. Nhưng Dhamma dạy bạn làm chủ chính mình để có thể trải nghiệm thực tại theo ý muốn vào bất cứ lúc nào. Còn một điều khác biệt quan trọng nữa là việc dùng thuốc làm nhiều người mất quân bình tâm trí và có hại cho chính họ, còn khi trải nghiệm sự thật bằng cách thực hành Dhamma thì thiền sinh trở nên quân bình hơn, không có hại cho mình hay người khác.

Giới thứ năm là tránh chất gây say nghiện hay tránh bị say nghiện? Nói cho cùng, nếu uống vừa phải, không say, thì dường như không có hại gì. Hay chỉ cần uống một ly ruợu là phạm giới?

Dù chỉ uống một chút, nhưng về lâu về dài, bạn sẽ thèm ruợu. Bạn không ý thức được, nhưng bạn đã bước một bước đầu tiên vào con đường nghiện ngập, chắc chắn làm hại bạn và hại người khác. Mỗi người nghiện đều khởi đầu bằng chỉ một ly. Tại sao lại bước một bước vào con đường đau khổ? Nếu bạn hành thiền nghiêm chỉnh và một ngày nào đó bạn quên hay vì giao tế mà bạn phải uống một ly, bạn sẽ thấy hôm đó bạn thiền kém hẳn đi. Dhamma không thể đi chung với sự dùng chất gây say nghiện. Nếu bạn thật sự muốn phát triển trong Dhamma, bạn phải tránh hết mọi sự say nghiện. Đây là kinh nghiệm của hàng ngàn người hành thiền.

Những người phương Tây đặc biệt cần phải hiểu hai giới liên quan đến việc tránh tà dâm và dùng chất gây say nghiện.

Nhưng ở đây người ta thường nói: “Nếu cảm thấy tốt thì ắt phải đúng.”

Đó là vì họ không nhìn thấy thực tại. Khi bạn hành động vì chán ghét, tự nhiên bạn cảm thấy bất an. Và khi bạn hành động vì thèm muốn, tuy bề ngoài bạn cảm thấy thoải mái, nhưng trong thâm tâm bạn thấy dao động. Bạn cảm thấy tốt đẹp vì vô minh. Khi bạn nhận ra rằng những hành động như vậy đã gây hại cho bạn như thế nào thì tự nhiên bạn sẽ dừng ngay những hành động đó.

Ăn thịt có phải là phạm giới không?

Không, trừ phi bạn giết con vật đó. Nếu thịt mang đến cho bạn và bạn thấy thích như bạn ăn các món ăn khác thì bạn không phạm giới nào cả. Tuy nhiên, ăn thịt là gián tiếp khuyến khích người khác phạm giới sát sinh. Và ở một mức độ tế nhị hơn, bạn ăn thịt là bạn tự hại mình. Từng giây, từng phút con vật phát sinh thèm muốn, chán ghét, nhưng nó không có khả năng quan sát chính nó, thanh lọc tâm nó.

Vì vậy mỗi thớ thịt của nó đều tẩm đầy thèm muốn và chán ghét. Đó là những gì bạn tiếp nhận vào mỗi khi bạn ăn thịt. Thiền giả muốn loại bỏ thèm muốn và chán ghét vì vậy việc kiêng ăn thịt hẳn là rất hữu ích.

Có phải vì vậy mà trong khóa thiền chỉ ăn chay?

Phải, vì như vậy tốt cho thiền Vipassana.

Thầy có khuyên nên ăn chay trong đời sống hằng ngày không?

Nếu ăn được cũng hữu ích.

Đối với người hành thiền, kiếm tiền như thế nào thì có thể chấp nhận được?

Nếu bạn thực hành Dhamma, dù bạn không kiếm ra tiền bạn vẫn hạnh phúc. Nhưng nếu bạn kiếm ra tiền và không thực hành Dhamma thì bạn sẽ khổ. Dhama quan trọng hơn. Sống ở đời, bạn phải tự nuôi sống bản thân. Bạn phải làm việc vất vả và lương thiện để kiếm tiền, chẳng có gì là sai quấy trong chuyện đó. Nhưng phải làm với Dhamma.

Nếu công việc mình làm có thể gây ra ảnh hưởng không tốt, hay nếu những gì mình làm có thể bị dùng một cách không tốt, thì có phải là nghề nghiệp sai trái không?

Đó còn tùy thuộc vào ý định của bạn. Nếu bạn chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền cho thật nhiều, và nghĩ: “Mặc kệ người khác bị hại, ta không cần, miễn ta có tiền là được rồi”, thì đó là một sinh kế sai lầm. Nhưng nếu bạn có ý định phục vụ nhưng dù vậy vẫn có người bị hại, đó không phải trách nhiệm của bạn.

Hãng tôi sản xuất một loại máy dùng để thu thập những dữ kiện về sự nổ của nguyên tử. Tôi được chỉ định làm việc với máy này, nhưng tôi cảm thấy có vẻ không đúng.

Nếu là thứ chỉ được dùng để làm hại người khác, thì chắc chắn là bạn không nên dính dấp vào. Nhưng nếu nó có thể được dùng cho cả mục đích tốt lẫn xấu thì bạn không có trách nhiệm gì đối với sự sử dụng của người khác. Bạn làm với ý định người ta phải dùng cho mục đích tốt. Không có gì sai quấy trong việc đó cả.

Thiền sư nghĩ gì về chủ nghĩa hòa bình?

Nếu bạn hiểu “chủ nghĩa hòa bình” có nghĩa là không làm gì trước sự xâm lược thì tất nhiên là sai lầm. Dhamma dạy bạn hành động một cách tích cực và phải thực tế.

Còn về cách phản kháng bất bạo động của Mahatma Ghandhi hay của Martin Luther King thì sao?

Còn phải tùy thuộc vào tình huống. Nếu kẻ gây hấn không hiểu ngôn ngữ nào ngoài võ lực, chúng ta phải dùng sức mạnh thể lực, nhưng luôn giữ tâm quân bình. Nếu không, ta nên cách phản kháng bất bạo động, nhưng không phải vì sợ, mà là một hành động can đảm có đức hạnh. Đây là đường lối của Dhamma, và đó là điều mà Thánh Gandhi dạy người ta làm. Nó đòi hỏi sự can đảm dám tay không đương đầu với những kẻ gây hấn có võ trang. Để làm như vậy, ta phải sẵn sàng chấp nhận cái chết. Cái chết sẽ đến không sớm thì muộn, người ta có thể chết trong sự sợ hãi hay trong can trường. Một cái chết đúng Pháp không thể là trong sự sợ hãi. Thánh Gandhi thường nói với những người theo ông khi họ đối diện với sự đối lập mãnh liệt: “Hãy để bị thương ở trước ngực, chứ không phải ở sau lưng.” Ngài đã thành công vì đã có Dhamma trong người.

Chính Thiền sư nói rằng người ta có những sự trải nghiệm tuyệt vời về thiền mà không cần giữ giới. Như vậy, quá nhấn mạnh về giới hạnh có phải là quá giáo điều và thiếu linh hoạt không?

Tôi đã thấy trường hợp một số thiền sinh không cho việc giữ giới là quan trọng, nên đã không thể tiến bộ được trên con đường. Trong nhiều năm, những người đó có thể đến dự những khóa thiền, và có được những kinh nghiệm tốt đẹp về thiền, nhưng trong đời sống hằng ngày họ đã không có gì thay đổi. Họ vẫn bị dao động và khổ sở vì họ chỉ chơi đùa với Vipassana, như họ đã từng đùa với nhiều trò chơi khác.

Những người đó là những kẻ thua cuộc. Người nào thực sự muốn dùng Dhamma để thay đổi đời họ cho tốt đẹp hơn thì phải giữ sila càng cẩn thận càng tốt.

TOA THUỐC CỦA BÁC SĨ

Một người bị bệnh và đi khám bác sĩ. Bác sĩ khám xong và ghi cho ông một toa thuốc. Người này rất tin tưởng vào vị bác sĩ. Ông về nhà, vào phòng dùng để cầu nguyện và bày bức hình rất đẹp của bác sĩ lên. Đoạn ông ngồi xuống và kính lạy bức hình. Ông vái ba vái và dâng hương hoa. Sau đó ông lấy đơn thuốc ra và cung kính tụng: “Hai viên buổi sáng, hai viên buổi trưa, hai viên buổi tối!” Suốt ngày, suốt cuộc đời ông liên tiếp tụng toa thuốc này vì ông tin tưởng mãnh liệt nơi vị bác sĩ, nhưng toa thuốc đã không giúp gì được cho ông.

Rồi muốn hiểu rõ hơn về toa thuốc, ông đến gặp bác sĩ và hỏi: “Tại sao bác sĩ kê thuốc này cho tôi? Nó sẽ giúp tôi như thế nào?” Là người thông minh vị bác sĩ giảng: “Trông đây, ông bị bệnh này, đây là nguyên nhân sâu xa của bệnh; nếu ông dùng thuốc mà tôi kê toa thì căn nguyên của bệnh sẽ hết. Khi nguyên nhân bị diệt trừ thì tự nhiên khỏi bệnh.” Người này nghĩ: “A, thật là kỳ diệu! Bác sĩ của tôi thật tài giỏi! Đơn thuốc của ông thật hữu ích.” Ông về nhà và bắt đầu tranh cãi với hàng xóm, quyến thuộc: “Bác sĩ của tôi là vị bác sĩ giỏi nhất! Các bác sĩ khác đều vô dụng.” Nhưng ông đã được gì trong sự tranh cãi ấy? Có thể ông còn tiếp tục tranh cãi suốt đời, nhưng sự kiện này chả giúp gì cho ông. Chỉ khi nào ông uống thuốc thì ông mới hết bệnh và hết đau khổ. Chỉ lúc đó thuốc mới giúp ích cho ông.

Mỗi một bậc giác ngộ đều giống như vị bác sĩ. Vì lòng trắc ẩn, ngài đưa ra “toa thuốc” chỉ bày cho mọi người phương cách để thoát khỏi đau khổ. Nếu người ta phát triển lòng tin mù quáng vào bậc giác ngộ đó, họ sẽ biến toa thuốc thành “kinh điển” và bắt đầu tranh cãi với các giáo phái khác, cho rằng chỉ có giáo lý mà vị giáo chủ của mình giảng dạy mới cao cả hơn hết. Nhưng chẳng ai quan tâm đến thực hành giáo huấn, uống thuốc để chữa bệnh.

Lòng tin vào bác sĩ chỉ hữu ích khi nó khuyến khích bệnh nhân làm theo lời khuyên của bác sĩ. Việc hiểu được tác dụng của thuốc cũng chỉ có ích khi nó khuyến khích bệnh nhân dùng thuốc. Nhưng nếu không thực sự uống thuốc thì không thể chữa khỏi bệnh được. Bạn phải tự mình uống thuốc.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 14 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.116.8.14 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (273 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (4 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...