Chúc mừng sinh nhật quả là điều vui, nhưng nên nghĩ đến việc ngày hôm nay con đàn cháu đống đông vui, cùng nâng chén chúc mừng tuổi thọ, thì năm xưa cũng chính ngày này cha mẹ sinh ta ra, phải chịu bao gian khó nhọc nhằn!
Người đời nay đến ngày mừng thọ, chỉ biết giết hại vật mạng, mở tiệc chiêu đãi thân quyến bạn bè, mà đối với công ơn sinh dưỡng như trời bể của cha mẹ thì hầu như không hề nhớ đến, như vậy thật là quái lạ!
Than ôi, một lần sinh con, cha mẹ phải hao tổn biết bao khí lực tinh thần, khiến cha mẹ phải chịu thêm vô số khổ não ưu phiền, cho đến ngày ta tuổi cao tác lớn thì lại tạo nghiệp giết hại sinh linh vật mạng, liên lụy đến cha mẹ, làm sao có thể an ổn trong lòng?
Xưa kia, vua Đường Thái Tông lúc đang ở ngôi vua tôn quý mà đến sinh nhật còn không dám lấy làm vui, huống chi là người khác?
Dám khuyên những người con hiếu, mỗi khi đến sinh nhật của mình, nên bùi ngùi suy tưởng rằng: “Ngày hôm nay thật chẳng có gì để ta buông thả mừng vui! Vì chính vào ngày này năm xưa, để sinh ra được đứa con bất tiếu là ta mà cha mẹ phải bao phen nguy khốn, đối mặt với sống chết. Ngày hôm nay thật chẳng có gì để ta phóng túng mừng vui! Chính vào ngày này năm xưa mẹ ta phải bắt đầu một chuỗi dài những ngày khổ nhọc, đêm ngày bồng bế, bảo bọc cho ta, bên ướt mẹ nằm bên ráo con lăn, trải qua nhiều năm không hề có được giấc ngủ yên, [vậy có gì là vui?]
Ngày hôm nay thật chẳng có gì để ta phóng túng mừng vui! Vì hiện nay ta vợ con đầy đủ, an ổn thọ hưởng sản nghiệp gia tài [mẹ cha để lại], nhưng chẳng biết cha mẹ [quá cố] nay thác sinh chốn nào, sướng khổ ra sao, [vậy có gì là vui?]
Ví như ngày nay ta rộng làm các việc phước thiện, hồi hướng công đức cho cha mẹ ở cõi âm, chỉ sợ cũng không còn kịp nữa, [huống chi lại] nỡ lòng nào trong ngày tưởng niệm những gian khó nhọc nhằn của cha mẹ lại tụ tập cùng nhau giết hại vật mạng, ăn uống say sưa, hát ca nhộn nhịp được sao?”
Tặng kinh cho người mừng thọ
Huyện Côn Sơn có vị Thái phu nhân họ Hứa, là mẹ của quan Hàn lâm Từ Tích Dư. Bà thường ngày ăn chay, ưa thích làm việc thiện, tụng kinh lễ Phật không hề biếng trễ.
Mùa đông năm Đinh Sửu thuộc niên hiệu Sùng Trinh là dịp mừng thọ 60 tuổi của Thái phu nhân. Vào ngày sinh nhật, Thái phu nhân chỉ làm việc phước thiện, cúng dường trai tăng, lại đem tất cả những lễ vật mừng thọ của thân hữu dùng vào việc in ấn kinh Pháp Hoa. Đối với tất cả những người đến chúc thọ, Thái phu nhân cho chiêu đãi tiệc chay, lại đem số kinh đã in ấn ra tặng cho mỗi người một bộ.
Những người hiểu biết thấy việc làm như vậy, ai ai cũng đều ngưỡng mộ. Thái phu nhân về sau được khỏe mạnh sống lâu, con cháu thảy đều phát đạt hưng thịnh.
LỜI BÀN
Những người khác vào ngày mừng thọ đều dùng rượu thịt chiêu đãi quan khách, [giết hại nhiều vật mạng nên] ngược lại tạo nhân xấu ác làm rút ngắn tuổi thọ. Người mẹ của họ Từ biết dùng hương vị Chánh pháp để đáp lại tấm lòng những người chúc thọ, ấy là đã gieo trồng hạt giống để được quả sống lâu. Xét như vậy thì bên nào được bên nào mất, điều gì nên bỏ điều gì nên theo, mong rằng người đọc sách có thể lắng lòng trong lúc đêm khuya thanh vắng mà suy ngẫm kỹ.
Dùng việc phước thiện đãi khách
Huyện Côn Sơn có người tên Trương Băng Am, tên húy là Lập Liêm, thi đỗ khoa thi năm Bính Tý thuộc niên hiệu Sùng Trinh. Ông là người đã nhiều đời tu tập phước đức, cung kính phụng thờ Tam bảo, hơn nữa lại còn chuyên tâm nghiên cứu học hỏi Giáo pháp, thường hướng về Thiền tông.
Vào mùa thu năm Kỷ Mùi thuộc nên hiệu Khang Hy là dịp mừng thọ tròn 60 tuổi của ông, người mang lễ vật mừng thọ nối tiếp nhau kéo đến. Trương Băng Am mang tất cả những lễ vật nhận được dùng vào việc in ấn phẩm Phổ Môn [trong kinh Pháp Hoa] và chú Đại Bi, số lượng rất nhiều. Trong việc chiêu đãi đáp tạ những người đến chúc mừng, ông cũng học theo việc làm tốt đẹp của Hứa Thái phu nhân, hoàn toàn đãi chay không giết hại bất cứ con vật nào.
LỜI BÀN
Bạn bè, thân quyến mang lễ vật đến mừng thọ, mọi người đều cho là việc làm tốt đẹp nhưng không biết rằng như thế thật vô lý. Nếu là người tu thiện tích đức, tự nhiên được hưởng thọ mạng dài lâu, nên việc sống thọ chỉ là chuyện đương nhiên đã biết, đâu cần phải tỏ ra vẻ ngạc nhiên xưng tụng chúc mừng? Từ thời Đường, Ngu trở về trước, người ta ai ai cũng sống đến trăm mấy mươi tuổi còn chưa nói đến chuyện chúc mừng. Về sau, phước đức của con người ngày càng kém cỏi, tuổi thọ giảm dần, nên việc mừng thọ ngày càng tổ chức sớm hơn. Than ôi! Đến lúc ba tai kiếp sắp xảy ra, tuổi thọ con người ngắn ngủi chính là điềm báo, không thể không rõ biết. Việc làm của tiên sinh [Trương Băng Am] có thể nói là vượt xa hẳn những kẻ tầm thường.
Không mở tiệc mừng, dùng tiền giúp
người nghèo
Viên Ngọ Quỳ, tên húy là Tư, người Vũ Lâm, đến ngụ cư ở huyện Côn Sơn. Ông thường ưa thích làm việc thiện không biết chán mệt.
Vào đầu mùa hạ năm Kỷ Mão thuộc niên hiệu Khang Hy, ông vừa được 50 tuổi. Những thân hữu từng giao du với ông rủ nhau góp tiền tổ chức tiệc rượu mừng, ông cố từ chối nhưng không được. Ông liền mời tất cả đến chùa Cảnh Đức, nhận hết các khoản mừng thọ rồi phân phát cho những người nghèo khổ, cùng những người cô độc, tàn tật... Ông lại tự bỏ tiền ra đóng góp một phần vào Hội từ thiện và tổ chức [tiệc chay tại chùa] để đáp tạ tấm lòng của tất cả thân hữu.
LỜI BÀN
Trái cây già chín, ắt đợi ngày rơi rụng; cây gỗ đã lớn, ắt phải đợi ngày đốn dùng. Cho nên, người có trí tuệ thì từ khi bước qua tuổi trung niên phải thường tỉnh giác, đang sống trong nhà nên quán tưởng như đó là quán trọ, đối với thân quyến họ hàng nên quán tưởng như những người bè bạn, mỗi ngày trôi qua nên quán tưởng mình như con cá nằm trong vũng nước cạn, đang khô kiệt dần, [mạng sống chẳng còn được bao lâu]. Nếu như đã đến lúc mắt mờ răng rụng, tóc bạc lưng còm mà vẫn còn phóng túng buông thả làm việc giết hại sinh mạng, si mê không chịu tỉnh ngộ thì quả thật là người ngu si kém cỏi!