Vua nước Ca Thi bản tính nhân từ, trị nước công minh, được nhân dân tôn
kính. Vua kết hôn với hoàng hậu không lâu thì sinh được một hoàng tử rất
kháu khỉnh, vua vui mừng đặt tên con là Na Nhất Thiên. Hai năm sau, khi
hoàng tử Na Nhất Thiên đã biết đi, hoàng hậu lại sinh được một hoàng tử
thứ hai, đặt tên là hoàng tử Nguyệt.
Hai hoàng tử dễ thương này từ từ lớn lên dưới sự chăm sóc của mẫu hậu,
nhưng đương lúc đáng lẽ phải tận hưởng một tuổi thơ vàng son nhất, thì
hoàng hậu bất hạnh qua đời.
Chồng mất vợ, con mất mẹ, nỗi đau buồn của ba cha con không làm sao tả
cho hết được. Nhưng người chết không sống lại bao giờ, nội cung lại
không có người cai quản, nên vua buộc lòng phải kết hôn với một người
đàn bà khác.
Chẳng bao lâu sau, tân hoàng hậu lại hạ sinh một hoàng tử nữa, đặt tên
là hoàng tử Nhật. Nhà vua rất đẹp lòng, nói với hoàng hậu rằng:
– Ái khanh! Nhân đứa bé này ra đời, ta ban cho nàng một điều ước.
– Đa tạ bệ hạ! Để chờ tương lai thiếp sẽ nói lên điều ước ấy.
Đương lúc ấy hoàng hậu không biết phải xin vua điều gì, nên câu chuyện
đình hoãn lại ở đây.
Ba chàng hoàng tử theo thời gian mà lớn lên và thành người. Một hôm,
hoàng hậu bỗng nhiên đưa ra yêu cầu của mình:
– Bệ hạ! Ngày xưa bệ hạ muốn ban cho thiếp một điều ước, nay con của
chúng ta đã lớn khôn rồi, xin bệ hạ hãy truyền ngôi báu cho hoàng tử
Nhật.
– Như thế làm sao được?
Nhà vua kinh ngạc trả lời. Hai hoàng tử lớn của ta bản tính tốt lành,
thông minh, tài giỏi, lại đều là huynh trưởng của hoàng tử Nhật,
làm sao ta lại có thể truyền ngôi cho con út được?
Tuy vua từ chối lời yêu cầu của hoàng hậu, nhưng bà cứ tiếp tục nài nỉ
mãi không thôi, nên vua bỗng sợ rằng nếu nguyện ước của bà không được
thỏa mãn, bà sẽ hạ độc thủ giết hại hai đứa con của mình. Ông bèn bảo
hai hoàng tử hãy tạm thời rời xa hoàng cung, và bí mật dặn dò rằng:
– Ngày hoàng tử Nhật ra đời, ta có nói sẽ ban cho hoàng hậu một
điều ước, nay hoàng hậu yêu cầu ta sau này phải truyền ngôi báu cho
hoàng tử Nhật nhưng ta đã từ chối. Lòng dạ đàn bà vốn nham hiểm,
có thể hoàng hậu sẽ sinh ác ý với hai con, nên ta muốn hai con hãy tạm
thời trốn trong rừng sâu, đợi ta băng hà rồi hãy trở về lên ngôi báu và
nắm quyền chấp chính.
Hoàng tử Na Nhất Thiên không hề sợ chết, nhưng muốn cho phụ vương được
an lòng nên chỉ còn biết cùng hoàng tử Nguyệt buồn bã từ giã cha
già, rời khỏi hoàng cung. Nhà vua ứa lệ hôn lên đầu hai đứa con trưởng,
không làm gì khác hơn được là nhìn chúng nó đi xa.
Hai hoàng tử vừa rời khỏi cung điện thì chạm mặt hoàng tử Nhật. Biết hai
anh sắp ra khỏi thành, hoàng tử Nhật nhất định đòi đi theo. Thế là
ba chàng hoàng tử cùng nhau hướng về phía dãy Hy Mã Lạp Sơn mà đi.
Đến chân núi, sau một vài ngày vượt núi băng sông, cả ba đều mệt mỏi,
ngồi xuống một gốc cây bên đường mà nghỉ ngơi. Hoàng tử Nhật nói
với Na Nhất Thiên rằng:
– Tiểu đệ mệt quá, muốn uống chút nước!
– Được, đệ hãy đi mau rồi về mau, huynh chờ đệ ở đây.
Được anh cho phép, hoàng tử Nhật ba chân bốn cẳng chạy mau tới bờ sông.
Đứng trước dòng nước sông trong vắt, hoàng tử Nhật cầm lòng không đậu,
không suy nghĩ gì thêm, bèn nhảy xuống sông tắm. Bỗng nhiên từ dưới nước
nổi lên một con thủy quái, tóm lấy hoàng tử Nhật mà nói rằng:
– Nhà ngươi dám nhảy xuống sông này bơi lội, ngươi có biết đây là chỗ
nào không? Trừ người nào biết được lý trời, ngoài ra không ai được xuống
đây tắm cả.
Thì ra dòng sông này dưới quyền cai quản của con thủy quái, phàm người
nào xuống nước tắm, nếu không phải là thánh nhân thông hiểu lý trời, thì
đều bị thủy quái ăn thịt. Nay hoàng tử Nhật bị hỏi như thế thì cứng
miệng không trả lời được, bèn nói bừa:
– Lý trời là mặt trời, mặt trăng!
Vì không hiểu lý trời nên hoàng tử Nhật bị thủy quái bắt lại, nhốt trong
động của mình.
Lúc ấy, hoàng tử Na Nhất Thiên đang ngồi nghỉ dưới gốc cây, thấy hoàng
tử Nhật đi lâu quá không về, trong lòng bất an nên bảo hoàng tử
Nguyệt đi tìm. Kết quả là hoàng tử Nguyệt cũng xuống sông tắm và cũng bị
thủy quái bắt về động.
Mặt trời đã khuất sau núi, hoàng tử Na Nhất Thiên cảm thấy bồn chồn lo
lắng nên tự mình đi tìm hai em. Đến bờ sông, chỉ thấy quần áo, đồ vật
của hai em mà người thì không thấy đâu. Một lúc sau trên mặt nước có
tiếng xào xạc, thủy quái nổi lên mời hoàng tử Na Nhất Thiên xuống tắm.
Nhưng đại hoàng tử mãi lo nghĩ đến sự an nguy của hai em nên không có
lòng dạ nào bơi lội. Chàng liền hỏi thủy quái:
– Ông có thấy hai em của tôi đâu không?
Thủy quái đáp:
– Có chứ! Hai cậu ấy không hiểu lý trời nên bị ta bắt nhốt lại rồi. Ta
đợi tối nay sẽ ăn thịt hai cậu ấy.
– Sao lại muốn ăn thịt chúng nó! Xin ông hãy thả chúng nó ra, nếu muốn
ăn thịt thì hãy ăn thịt tôi đây!
Hoàng tử Na Nhất Thiên van cầu thủy quái. Thủy quái nói:
– Xưa nay, bất cứ ai không hiểu lý trời mà xuống nước tắm đều bị ta ăn
thịt. Nếu hôm nay cậu có thể trả lời được, ta sẽ trả cho cậu một trong
hai người em.
– Được, xin ông cứ hỏi.
Thủy quái ngửa mặt lên trời, lớn tiếng hỏi:
– Cậu có biết lý trời là gì không?
Hoàng tử đọc kệ đáp:
Có đủ tâm tàm quý,
Chỉ sống đời thanh bạch,
Chỗ thế gian tịch tĩnh,
Chính là lý trời vậy.
Khi đại hoàng tử nói xong bốn câu kệ này, thủy quái tỏ vẻ rất vui mừng
khen ngợi rằng:
– Đại hiền nhân! Cậu vừa nói lên diệu pháp khiến cho tâm tôi hoan hỉ và
thanh tịnh. Nay tôi sẽ trả cho cậu một trong hai người em, cậu chọn
người nào?
Hoàng tử Na Nhất Thiên trả lời ngay không chút do dự:
– Xin trả lại em út của tôi là hoàng tử Nhật!
Thủy quái ngạc nhiên hỏi:
– Lạ chưa! Cậu thông hiểu lý trời mà sao không chịu thực hành? Cậu bỏ
đứa lớn mà chọn đứa nhỏ, như vậy là hoàn toàn không biết kính trọng
người lớn tuổi.
Nhưng lời nói của thủy quái không hề làm cho đại hoàng tử nao núng,
chàng khoan thai trả lời:
– Thủy quái, đừng nói như thế! Tôi đã vì ấu đệ mà phải bỏ hoàng cung.
Mẫu hậu yêu cầu phụ vương truyền ngôi cho ấu đệ, nhưng phụ vương đã từ
chối. Vì muốn bảo toàn mạng sống nên chúng tôi đã phải rời hoàng cung,
nhưng ấu đệ nhất định đòi đi theo. Nếu hôm nay để cho ông ăn thịt ấu đệ,
đến khi trở về tôi phải giải thích việc này thế nào? Hơn nữa, theo lý
thì người ta chỉ kính trọng người lớn tuổi trong những trường hợp xét về
kinh nghiệm sống, còn khi cần bảo vệ mạng sống thì tất nhiên phải ưu
tiên cho người ít tuổi hơn, vì thời gian được sống đã qua của họ ngắn
hơn. Vì thế tôi muốn ông trả em út cho tôi trước.
Lời nói của đại hoàng tử làm cho thủy quái vô cùng cảm động và thán
phục, vì hợp tình hợp lý. Thấy hoàng tử nhân từ, đức độ như thế, hắn bèn
đem cả hai tù nhân của mình trả lại cho đại hoàng tử. Ba anh em liền vội
vã trở về cung điện, đem mọi việc trình lên vua cha.
Hoàng hậu biết được chuyện này, không những thái độ hoàn toàn đổi khác,
trở lại thương yêu bảo bọc cả ba anh em, mà từ đó cũng không bao giờ còn
nhắc tới việc truyền ngôi cho hoàng tử Nhật nữa.
Vài năm sau, đức vua băng hà, hoàng tử Na Nhất Thiên lên ngôi báu, nhưng
chàng không hề thấy mình đang ở ngôi vị vinh dự của một ông vua. Chàng
phong hai em làm đại tướng quân nắm giữ binh quyền, và cả ba cùng nhau
hợp sức để trị quốc, đem lại an lạc cho muôn dân.
Đại hoàng tử Na Nhất Thiên thuở ấy chính là người đã chứng được quả Phật
vô thượng sau này. Hoàng tử Nhật nay là tôn giả A Nan, và hoàng tử
Nguyệt chính là tôn giả Xá-lợi-phất.
Sinh tử vô thường, người nào nhìn rõ ngọn nguồn của việc sinh tử như
hoàng tử Na Nhất Thiên, sinh không thấy là đáng vui mà tử cũng không
thấy là đáng buồn, đó mới là người siêu thoát được khổ, không, vô
thường.