Người khôn ngoan chỉ nói khi có điều cần nói, kẻ ngu ngốc thì nói ra vì họ buộc phải nói. (Wise men speak because they have something to say; fools because they have to say something. )Plato
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Khi gặp phải thảm họa trong đời sống, ta có thể phản ứng theo hai cách. Hoặc là thất vọng và rơi vào thói xấu tự hủy hoại mình, hoặc vận dụng thách thức đó để tìm ra sức mạnh nội tại của mình. Nhờ vào những lời Phật dạy, tôi đã có thể chọn theo cách thứ hai. (When we meet real tragedy in life, we can react in two ways - either by losing hope and falling into self-destructive habits, or by using the challenge to find our inner strength. Thanks to the teachings of Buddha, I have been able to take this second way.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Sự ngu ngốc có nghĩa là luôn lặp lại những việc làm như cũ nhưng lại chờ đợi những kết quả khác hơn. (Insanity: doing the same thing over and over again and expecting different results.)Albert Einstein
Người vấp ngã mà không cố đứng lên thì chỉ có thể chờ đợi một kết quả duy nhất là bị giẫm đạp.Sưu tầm
Sự hiểu biết là chưa đủ, chúng ta cần phải biết ứng dụng. Sự nhiệt tình là chưa đủ, chúng ta cần phải bắt tay vào việc. (Knowing is not enough; we must apply. Willing is not enough; we must do.)Johann Wolfgang von Goethe
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Tôi biết ơn những người đã từ chối giúp đỡ tôi, vì nhờ có họ mà tôi đã tự mình làm được. (I am thankful for all of those who said NO to me. Its because of them I’m doing it myself. )Albert Einstein
Hãy nhớ rằng hạnh phúc nhất không phải là những người có được nhiều hơn, mà chính là những người cho đi nhiều hơn. (Remember that the happiest people are not those getting more, but those giving more.)H. Jackson Brown, Jr.

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Truyện cổ Phật giáo »» 50. Hối lỗi thoát khổ »»

Truyện cổ Phật giáo
»» 50. Hối lỗi thoát khổ

Donate

(Lượt xem: 7.134)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Truyện cổ Phật giáo - 50. Hối lỗi thoát khổ

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc
Lúc đức Phật còn tại thế thường hay có nhiều vị vua chúa, đại thần đến thỉnh mời Ngài cho họ được cúng dường. Đó là vì Thế Tôn từ bi, muốn cho chúng sinh nào cũng có thể gieo trồng phúc điền.

Một hôm, đức Phật nhận lời mời của long vương A Nậu Đạt, đưa 500 vị đệ tử đến long cung cho long vương được dịp cúng dường.

Long cung của A Nậu Đạt thật là huy hoàng tráng lệ, ngay trước cung điện có một cái ao nước cũng gọi tên là ao A Nậu Đạt. Nước ao thanh tịnh trong mát, không khác gì nước tám công đức trong ao thất bảo của thế giới Cực Lạc phương tây. Người nào có nhân duyên uống được một giọt nước ao này liền có thể biết được mọi sự việc đã xảy ra trong nhiều kiếp trước của mình, và cũng có thể chứng nhập vào cảnh giới của thánh nhân.

Các vị tỳ-kheo đông đảo cùng đi thọ cúng với Như Lai hôm ấy, tuy ai cũng đã chứng được quả vị, nhưng không phải ai cũng có túc mệnh thông. Thế nên khi họ đến long cung A Nậu Đạt, uống nước ao nơi ấy rồi thì tất cả đều có khả năng biết được sự việc kiếp trước của mình.

Thọ cúng dường xong, đức Phật đứng bên bờ ao A Nậu Đạt bảo 500 vị đệ tử mỗi người hãy kể lại chuyện kiếp xưa của mình. Lúc ấy có một vị tôn giả tên gọi là La Bi Đề đứng dậy kể rằng:

– Bạch Thế Tôn! Một trong những đời trước của con ở cõi Ta Bà này, gặp lúc đức Như Lai Câu Lưu Tôn ứng hóa ở thế gian, vì tất cả chúng sinh mà tuyên thuyết đủ các pháp vi diệu. Không lâu sau, đức Như Lai Câu Lưu Tôn nhập Niết-bàn, người con Phật nào cũng vô cùng buồn thương. Rất nhiều người cư sĩ tại gia muốn báo đáp ân sâu của Như Lai liền phát tâm xây cất một ngôi bảo tháp 7 tầng với một ngôi chùa lớn để thờ phụng thánh tượng của Như Lai và cũng để cho rất đông các vị tỳ-kheo xuất gia có nơi trú ngụ. Do đó, mỗi ngày các vị cư sĩ phát đại tâm ấy đều hội họp nhau chuyên chú vào kế hoạch xây cất công trình vĩ đại này.

Lúc ấy con sống trong một thôn làng gần đó, thấy họ nhiệt liệt thành tâm trong việc xây chùa lập tháp như thế, thì trong tâm khởi lên một niệm vô minh phiền não, đã không tán thán công đức của họ mà còn ganh tị với họ nữa. Niệm ác trong tâm đã manh nha thì miệng không ngừng nói những lời ác độc, mắng họ ngu si, hủy báng công đức của họ. Vì lẽ đó nghiệp tội đã định, khổ báo đã hình thành.

Không lâu sau con qua đời, đọa xuống địa ngục, bị ngọn lửa phiền não đốt cháy cả thân thể. Con kêu khóc, cầu cứu nhưng chẳng ai thương hại, chẳng ai giải cứu cho con. Nỗi đau đớn lúc ấy thật tưởng chừng như không sao chịu nổi! Có lẽ vì sự đau đớn quá khốc liệt như thế nên con đột nhiên sinh khởi tâm tàm quý, hối hận. Nhờ một niệm thiện tâm hối cải ấy nên các khổ báo bi thảm của địa ngục đã kết thúc mau lẹ.

Tuy bỏ được cái khổ địa ngục, nhưng con phải sinh ra làm một người thấp lùn, xấu xí, ai thấy cũng ghét bỏ, xa lánh, thậm chí còn không tiếc lời chửi rủa. Con phải mang thân xấu xí như thế qua mấy kiếp mới xả bỏ được.

Rồi trong một kiếp sau đó, may mắn gặp lúc đức Như Lai Ca Diếp ra đời, nhưng tuy con đã thoát được thân người xấu xí khó coi, lại phải sinh làm thân quạ. Trong các loài chim thì quạ là giống chim thường bị người ta ghét bỏ nhất, vì tiếng kêu của nó rất khó nghe, lại còn có rất nhiều người mê tín cho rằng chỗ nào có quạ tới thì chỗ ấy sẽ có chuyện không lành xảy ra. Vì thế, hễ thấy con là người ta phỉ nhổ, rủa mắng, bay đi tới đâu con cũng bị đối xử tàn nhẫn như thế.

Tuy vậy, nhờ lúc đang chịu khổ báo trong địa ngục con đã có căn lành phát khởi một niệm hối cải, biết được lỗi lầm của mình trong quá khứ, nên mỗi ngày con đều ngừng lại ở con đường có Như Lai đi qua, bay lượn ở giữa các lùm cây, từ xa ngóng nhìn Như Lai và chúng đệ tử rất đông của Ngài. Ngài du hành hóa độ ở chỗ nào trong vườn Ba La Nại cũng có con bay theo ở phía sau nghe Phật pháp, và còn hướng dẫn cho các loài chim khác lễ bái Như Lai nữa. Với sự tinh cần đó, con nguyện cầu Như Lai từ bi cho phép con sám hối.

Không lâu sau, nương nhờ sức từ bi của Như Lai, con thoát được thân quạ, lại sinh vào loài người. Trong kiếp này con không đọa lạc nữa vì đã gặp được bậc Tôn sư Chính giác Vô thượng là đức Phật Thích-ca Mâu-ni, xuất gia học đạo, chứng quả A-la-hán.

Tôn giả La Bi Đề kể xong câu chuyện đời trước của ngài, tất cả các vị tỳ-kheo có mặt trong pháp hội đều vô cùng hoan hỉ vì đã được nghe một bài học sâu xa về nhân quả.

“Chớ thấy việc ác nhỏ mà làm, đừng thấy điều thiện nhỏ mà bỏ qua.” Người Phật tử phải luôn giữ gìn miệng lưỡi, giữ gìn tâm ý, không để rơi vào điều ác. Một lời nói thiện, một niệm tâm thiện đều có công đức không thể nghĩ bàn. Câu chuyện kiếp xưa của Tôn giả La Bi Đề thật xứng đáng là một bài học cho tất cả mọi người suy gẫm.


51. Tỳ-kheo ni Bạch Tịnh

Khi đức Phật tại thành Xá Vệ, có lúc trong tăng đoàn loan truyền một sự việc quái lạ, có liên quan tới sư cô Bạch Tịnh.
Lúc bấy giờ sư cô Bạch Tịnh là con gái độc nhất của một vị trưởng giả giàu có. Cha mẹ cô đều là đệ tử tại gia của đức Phật. Sư cô Bạch Tịnh sinh ra trong một gia đình Phật tử thuần thành, nên lớn lên cô ngỏ ý muốn xuất gia. Cha mẹ cô nghĩ rằng giữ cô lại trong nhà không bằng để cho cô được nuôi nấng trong Phật pháp, nên gởi cô vào tăng đoàn của đức Phật.
Sư cô Bạch Tịnh gia nhập tăng đoàn không lâu thì chứng quả A La Hán. Điều này dĩ nhiên đã làm cho mọi người vô cùng kinh ngạc, nhưng điều làm cho họ lạ lùng hơn nữa là tấm tăng bào trên người cô.
Tấm tăng bào này luôn luôn như mới tinh khôi, không bao giờ cần giặt giũ. Bất kể là trời lạnh hay nóng, tấm áo đều sẽ tự động điều hòa để thích hợp với nhiệt độ trong người cô. Nhờ những điều tiện lợi như thế mà Sư cô Bạch Tịnh có thêm thì giờ dành cho việc tu học. Ai ai cũng hâm mộ cô, không biết cô đã trồng phúc đức gì và từ đời nào mà bây giờ được như thế.
Nghe nói cô đã có tấm áo ấy ngay từ lúc ra đời, song ban đầu không phải dưới dạng một tăng bào, chỉ từ khi cô xuống tóc trở thành đệ tử đức Phật thì chiếc áo diễm lệ thời trang thiếu nữ mới biến thành tấm tăng bào của một tỳ kheo ni.
Mọi người trong tăng đoàn xôn xao bàn tán về vấn đề này, kẻ đoán thế này người đoán thế nọ, tôn giả A Nan biết rằng chiếc tăng bào kỳ lạ kia không thể nào không có nhân duyên, nên mới thỉnh cầu đức Phật thuyết giảng cho mọi người hiểu.
Một hôm, vào thời thuyết Pháp thường lệ, đức Phật kể cho đại chúng nghe một câu chuyện như sau:
Ngày xưa, có một cặp vợ chồng vô cùng nghèo nàn, trong nhà chỉ còn một tấm vải độc nhất để che thân, ngoài ra không có bất cứ một vật gì khác, vì họ đã phải cầm, phải bán tất cả mọi thứ trong nhà để ăn rồi. Hai người chỉ còn có một tấm vải ấy thôi, nên tấm vải đối với họ quan trọng hơn tất cả mọi thứ trên đời. Trong hai người, người nào cần phải ra ngoài xin thức ăn mang về thì mới quấn tấm vải này, người kia dành phải tạm thời ẩn thân dưới một đống rơm trong góc nhà. Nghèo đến nỗi không có một lấy bộ quần áo, thật là nghèo đến nước cùng rồi!
Một hôm, có một vị tỳ kheo đến trước cửa nhà của hai vợ chồng nghèo này. Vị tỳ kheo không phải chỉ đến hóa duyên mà thôi, thầy còn đến để khuyến khích họ đi nghe thuyết pháp. Thầy là đệ tử của Phật Tỳ Bà Thi, và chính lúc đó Phật Tỳ Bà Thi đang đi ngang qua vùng ấy thuyết pháp độ sinh, nên các vị đệ tử của Ngài chia nhau đi mọi nơi để khuyến khích dân chúng đến nghe.
Người vợ nghèo kia tên là Đàn Ni Già, vốn là người đàn bà hiền hậu, có trí huệ, hiểu đạo lý. Bà thành tâm cảm tạ hảo ý của vị tỳ kheo, nhưng hai vợ chồng chỉ có một tấm vải che thân, thật là không được lịch sự, đến trước mặt đức Phật nghe pháp thật là bất tiện, nên bà cứ ngần ngừ không biết phải trả lời như thế nào.
- Dường như bà có điều chi khó xử?
Vị tỳ kheo nhìn thần sắc của người đàn bà mà hỏi một cách hiền từ.
- Dạ... dạ thưa không!
Người đàn bà vội vàng trả lời.
- Bà đừng khách sáo, có chi khó xử thì cứ nói, biết đâu tôi có thể giúp bà được?
Vị tỳ kheo chân thành đề nghị. Lúc ấy người đàn bà rất cảm động, nên mới ngượng ngùng kể cho vị tỳ kheo nghe về gia cảnh của mình, và còn tự đặt câu hỏi không biết tại sao mình lại nghèo tới mức ấy?
Vị tỳ kheo nghe xong rất thương cảm, an ủi bà rằng:
- Đừng có tự ti tự oán trách cảnh nghèo của mình, việc gì xảy đến với mình cũng có liên quan tới nhân quả. Nếu kiếp này mình nghèo hèn thì chắc chắn chỉ vì kiếp trước mình bủn xỉn không chịu bố thí cúng dường. Giàu sang hay nghèo hèn, quý phái hay bần tiện, ai ai cũng phải biết bố thí, biết giúp đỡ người khác thì mới khỏi rơi vào đường cùng nghèo khổ. Bây gìờ bà không nên chậm trễ nữa, cần phải nhớ kỹ đạo lý này.
Nghe vị tỳ kheo nói xong, người đàn bà nghĩ một lúc xong xin thầy đợi một chút, rồi chạy vào nhà trong. Vào đến nhà trong, bà bèn đem những lời thuyết pháp của vị tỳ kheo nói cho ông chồng đang trốn trong đống rơm nghe, và còn hăng hái nói rằng:
- Từ giờ trở đi chúng ta phải thực hành bố thí để kiếp tới không còn gặp cảnh nghèo cùng như thế này nữa.
Người chồng nghe xong, nhìn phải nhìn trái, xong quay lại nhìn vợ đưa hai tay ra cười buồn.
- Sao? Ông không bằng lòng à? Chúng mình nghèo tới mức này mà còn không chịu trồng chút thiện nhân, không lẽ...
- Ôi ! Sao bà lại trẻ con như thế. Không phải là tôi không có thiện tâm, nhưng chúng mình không có gì hết thì lấy gì bố thí đây?
- Chúng ta còn tấm vải này! Hãy đem nó ra cúng dường cho vị tỳ kheo kia!
Người vợ vừa nói vừa chỉ tấm vải trên người. Người chồng há hốc miệng không nói được lời nào, trong lòng những tưởng vợ mình có dành dụm hay giấu giếm được chút tiền riêng, nào ngờ bà lại nghĩ đến chuyện đem tấm vải trên thân ra bố thí, làm sao có thể như thế được? Ông trả lời:
- Cả hai chúng ta chỉ có tấm vải này thôi, có nó chúng ta mới có thể ra ngoài xin thức ăn về đỡ dạ, mất nó đi, chúng ta chỉ còn có nước ngồi chờ chết đói, không lẽ bà không hiểu điều ấy hay sao?
- Tôi hiểu rất rõ. Chết thì không người nào không chết, đã có sinh thì phải có chết. Dẫu không đem tấm vải này ra cúng dường, chúng ta cũng sẽ có ngày chết như mọi người thôi. Còn nếu đem nó ra cúng dường, kiếp tới mới hy vọng có cuộc sống khá hơn. Nếu không cúng dường thì kiếp sau... tôi không dám nghĩ rồi sẽ như thế nào!
Người chồng suy nghĩ, thấy vợ nói không phải là không có lý nên không ngăn cản nữa, để cho vợ tùy ý xử sự. Người đàn bà trở ra ngoài đóng cửa lại, vị tỳ kheo đang tự hỏi không biết chuyện gì xảy ra, bỗng thấy cánh cửa hé mở, một tấm vải rơi ra ngoài và giọng người đàn bà nói vọng ra:
- Bạch thánh nhân! Xin ngài tha thứ cho con không lấy hai tay mà dâng tấm vải này lên cho ngài, trong nhà chỉ còn có nó để hai vợ chồng chia nhau mà che thân, nay chúng con đem nó ra cúng dường cho ngài, xin ngài từ bi nhận lấy!
Vị tỳ kheo đưa tay tiếp lấy tấm vải, đứng thật lâu trước cửa nhà không rời, im lặng chú nguyện cho họ.
Về đến tinh xá, vị tỳ kheo đem tấm vải vải cũ kỹ đến nỗi đã ngả sang màu vàng ấy dâng lên cho đức Phật Tỳ Bà Thi. Tại pháp hội, có rất nhiều vị đệ tử tại gia của đức Phật thấy thế rất lấy làm bất bình. Mọi người nghĩ rằng một đấng chí tôn vô thượng như đức Phật không nên xúc chạm đến một vật bẩn thỉu đến dường ấy, ai đó thật không biết điều mới dám cúng dường cho Thế Tôn một tấm vải nhìn không được mắt như thế!
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni kể câu chuyện ấy đến đây thì ngừng lại, đưa mắt quan sát chư vị đệ tử ở dưới tòa, như thể đang hỏi họ rằng: “Các vị có đồng ý rằng không nên cúng dường Như Lai một vật như thế hay không?”
Nhưng một lúc sau, Ngài tiếp tục kể:
- Bố thí hay cúng dường, giá trị không nằm ở chỗ vật cúng tốt hay xấu, nhiều hay ít. Lúc ấy, có rất nhiều vị quốc vương đại thần, đệ tử tại gia của đức Phật Tỳ Bà Thi đang ngồi dưới tòa Như Lai, họ thường tổ chức những buổi đàn trai thịnh soạn linh đình, dùng vàng bạc châu báu cúng dường Tam Bảo, nhưng đức Phật Tỳ Bà Thi lại tán thán người đàn bà nọ trước mặt họ, bảo rằng công đức của bà thù thắng nhất, quý hơn tất cả những gì mà họ đã từng cúng dường từ trước tới nay. Tại sao như vậy? Vì ý nghĩa chân chính của việc bố thí hay cúng dường là phải làm với tâm chí thành khẩn thiết, lúc ấy vật bố thí tuy nhỏ bé nhưng phúc báo của người cúng lại cao như núi, thí như một hạt thóc, nếu hết lòng chăm sóc thì sau một vài lần gieo giống trồng trọt, có thể gặt được cả một núi gạo trắng! Trái lại, một người vô cùng giàu có, có khả năng ném cả vạn đồng tiền vàng ra cửa sổ, thì dẫu lấy số tiền ấy xây cả một tòa tinh xá mà không có lòng thành khẩn, thì công đức cũng sẽ không dược bao nhiêu!
Các vị đệ tử đại thần từ xưa đến nay vốn rất tự cao tự đại, nay nghe lời dạy của đức Phật Tỳ Bà Thi bèn cảm thấy hổ thẹn, mỗi người tự động cởi những bộ áo hoa lệ trên thân, sai người chất lên xe và đi rước vợ chồng nhà nghèo kia đến nghe Phật thuyết pháp. Bà Đàn Ni Già chính là tiền thân của sư cô Bạch Tịnh, nhân đã từng cúng dường với tâm chí thành thanh tịnh nên đời đời kiếp kiếp sinh ra trong cảnh giàu sang phú quý, và còn có được một bộ quần áo bất khả tư nghì như thế tùy thân. Nhìn theo nhãn quang của Phật giáo thì điều này chẳng có gì là quái lạ. Lại nữa, cô chứng đắc quả A La Hán mau lẹ là vì xưa kia đã từng đến chỗ của đức Phật Tỳ Bà Thi học đạo tích lũy trí huệ cho đời sau vậy.
Khi thực hành bố thí hay cúng dường, chúng ta rất có thể làm với tâm chấp trước và tham cầu mà không hề tự biết, nên chúng ta phải thường tự chiếu soi tâm mình để sửa đổi kịp thời, phòng khi có lỡ đi sai đường.
Cúng dường vô điều kiện, không khởi tâm phân biệt, mong cầu, mới là cúng dường bố thí đúng theo Phật pháp.
Sau khi đọc chuyện này, chúng ta hãy tự quán xét mình xem đã từng bố thí hay cúng dường với tâm thanh tịnh không mong cầu hay chưa?

52. Như thị ngã văn

Vào năm ứng thân của đức Phật được 80 tuổi, Ngài đưa A Nan đi hành hóa tới tháp Già Bà La, ở đấy có rất nhiều vị tỳ-kheo vân tập. Đức Phật nói với đại chúng rằng:
- Này chư tỳ-kheo! Hôm nay ta gặp các ông nơi đây là điều rất tốt. Từ khi ta thành đạo và chứng được chính giác, đã thương tưởng bảo hộ các tỳ-kheo và đệ tử, giáo hóa đại chúng, ban phúc cho mọi người, đem sự an vui bố thí cho kẻ khác, dùng từ bi mà đối đãi tất cả chúng sinh. Ta thuyết pháp độ sinh, chưa hề nề hà gian lao hay nghĩ đến sự nghỉ ngơi.
Điều ta muốn nói thì đã nói xong với các ông rồi. Ta không hề nghĩ các ông thuộc về ta, chúng sinh thuộc về ta, cho ta toàn quyền sai khiến. Ta chỉ là một người giữa các ông, thường cùng các ông ở chung một chỗ. Điều ta muốn thuyết giảng đã thuyết giảng xong, Như Lai không hề giữ lại điều bí mật nào, không áp bức ai và cũng không muốn ai phải phục tùng.
Ứng thân của ta nay đã già, như một cái xe cũ thì phải hư, cứ sửa sang, bảo trì mãi cũng không phải là một biện pháp lâu dài được. Trong ba tháng nữa, ta sẽ y theo pháp tính mà nhập Niết-bàn giữa hai gốc cây Ta La ở thành Câu Thi Na Ca La, được sự an ổn vô thượng. Nhưng ta sẽ luôn luôn gia hộ cho các ông và cho những chúng sinh đời vị lai biết tin tưởng vào giáo pháp của ta.
Tin đức Phật nhập Niết-bàn vừa mới ban ra, đệ tử của Ngài ai cũng kinh hoàng. Trong tâm của họ, trong khoảnh khắc mặt trời và mặt trăng đều như tắt lịm, trời đất quay cuồng. Đức Phật lại nói tiếp:
- Các ông không nên đau buồn, vạn vật trong trời đất, hễ có sinh ra thì tất nhiên phải có tướng vô thường. Định luật này, bất kỳ là ai cũng không thoát được. Ta chẳng đã nói điều này cho các ông nghe rồi sao? Những gì mình yêu thương đều phải có lúc mất mát, có tụ họp thì phải có xa lìa, thân thể của người đời do tâm và vật chất tụ lại mà thành thì tất nhiên là vô thường, không thể tự do như người ta thường tưởng. Thân xác thịt không thể vĩnh viễn tồn tại, ta chẳng đã thường xuyên nhắc nhở các ông điều này đó sao?
Muốn ứng thân của Phật ở mãi trên thế gian là đi ngược lại với quy tắc tự nhiên của pháp tính. Ta là người đã thị hiện chân lý của vũ trụ, thì đương nhiên là không thể đi ngược lại với pháp tính.
Nếu các ông muốn ta ở lại mãi trên thế gian là các ông không y theo giáo pháp của ta đã giảng dạy mà tu hành, vậy thì cho dầu ta có sống thêm ngàn vạn năm nữa phỏng có ích lợi gì?
Nếu các ông có thể y theo giáo pháp của ta mà tu hành thì chẳng khác nào ta vẫn sống vĩnh viễn trong tâm các ông. Pháp thân huệ mệnh của ta biến hiện khắp tất cả mọi nơi, luôn ở cùng một chỗ với các ông và với chúng sinh đời vị lai.
Các ông hãy giữ lòng tin kiên cố, quy y nơi pháp, y pháp mà tu hành, không nên quy y nơi gì khác.
Các ông tu học thánh đạo không biếng trễ, giải thoát phiền não, trụ tâm không loạn, thì các ông đúng là đệ tử chân chính của ta.
Đức Phật nói xong lại đi qua vườn Xà Đầu ở thành Ba Bà, ở đấy nhận sự cúng dường của ông thợ vàng tên là Thuần Đà. Ông này cúng dường Chiên Đàn nhung, là một loại nấm rất khó tiêu hóa. Đức Phật dùng xong trong người không khoẻ, nhưng Ngài vẫn từ bi giải đáp cho Thuần Đà biết thế nào là sự khác biệt giữa bốn loại sa-môn, khiến ông này vô cùng cảm động.
Đức Phật nói có bốn loại sa-môn: một là sa-môn hành đạo thù thắng, hai là sa-môn khéo thuyết nghĩa của đạo, ba là sa-môn dựa vào đạo mà sinh sống và bốn là sa-môn làm ô uế đạo. Cùng là sa-môn mà có chân có ngụy, có thiện có ác, không nên thấy một vị sa-môn không hiền không thiện rồi hủy báng toàn thể các vị sa-môn.
Giống như trong một thửa ruộng lúa mạ tốt, bên trong có thể xen tạp vài ngọn cỏ dại. Là người cư sĩ tại gia tin Phật, nên thường gần gũi thiện tri thức, nhưng không nên phê bình sa-môn. Người cư sĩ tại gia, tốt hơn hết là không nên để ý tới chuyện tốt xấu thiện ác của sa-môn.
Sau đó, đức Phật thị hiện tướng bệnh ở thôn Trúc Phương, nhưng Ngài vẫn không chịu nghỉ ngơi, vẫn tiếp tục lên đường hành hóa. Một hôm, từ nhan của Ngài bỗng chiếu ra ánh sáng huy hoàng, viên mãn hơn, thanh tịnh hơn, trang nghiêm hơn bình thường, ánh sáng ấy chói lọi như mặt trăng mặt trời, sâu rộng vô biên như biển lớn. Ngài A Nan liền thưa hỏi đức Phật:
- Bạch Thế Tôn, từ trước tới nay con đi theo làm thị giả của Phật, đây là lần thứ nhất con thấy từ nhan của Thế Tôn sáng chói hơn những ngày trước, ánh sáng vô lượng ấy như muốn chiếu thấu cùng khắp cả tam thiên đại thiên thế giới.
Đức Phật đáp:
- Đúng thế! Quang sắc của Phật có hai lần đặc biệt không giống bình thường, lần thứ nhất là lúc mới thành Phật đạo, chứng đắc vô thượng chính giác, lần thứ hai là lúc sắp nhập Niết-bàn.
A Nan nghe nói vừa mừng vừa cảm thấy buồn thương. Đức Phật gieo rắc chủng tử của chân lý trên đường đi của Ngài, và có rất nhiều người đi theo sau chân Ngài. Họ đi theo sau một đức Phật vừa già nua vừa bệnh hoạn, nên dường như ai cũng rơi lệ. Sự thật, nếu trên thế giới này có một người thật sự mạnh khoẻ và huệ mệnh vĩnh viễn không có già bệnh, thì người ấy chính là bậc cứu thế, là bậc đại thánh, là đức Phật vậy.
Trên đường đi theo đức Phật, A Nan lo sợ thưa rằng:
- Thế Tôn nhập Niết-bàn rồi thì nghi thức an táng chúng con phải làm như thế nào?
Đức Phật an nhiên đáp:
- Những người đã quy y sẽ đến giúp ông, ông đừng lo, hãy an tâm mà lo lấy việc của mình. Tuy nhiên ta cũng có thể chỉ bày cho ông một vài nghi thức để dựa theo đó. Mọi người ai cũng mong muốn được biết, và cũng để tránh điều tranh luận giữa đám đông người, ta nói cho các ông nghe cũng tốt. Thế thì ta dạy cho các ông nghi thức mai táng của Chuyển Luân Thánh Vương vậy!
- Nghi thức mai táng của Chuyển Luân Thánh Vương là thế nào?
A Nan xúc cảm vừa khóc vừa hỏi.
Đức Phật nhẹ nhàng trả lời:
- Trước hết lấy nước thơm tắm rửa người, xong dùng vải mới sạch bao người lại. Bên trên dùng 500 tấm thảm bông bao thêm, đặt vào trong một cỗ áo quan bằng vàng, bên trong áo quan có phết dầu hương. Sau đó mới đem cỗ áo quan đặt vào một chiếc quan tài bằng sắt, xung quanh quan tài rải hương chiên đàn trên một vòng tròn rộng, bên trên thì chất hương thơm, bốn phía đặt hoa tươi...
Đức Phật nói đến đây, trầm ngâm một lúc rồi lại nói:
- Phật có thể tự dùng lửa tam muội mà trà tỳ, các ông thu thập xá-lợi và lập tháp ở ngã tư đường để người qua lại biết mà nhớ nghĩ và tin tưởng.
Đức Phật không hề muốn ai xây tháp cho chính mình, chỉ vì chúng sinh nên mới để lại di ngôn như trên.
Không lâu sau, đức Phật tiến vào thành Câu Thi Na Ca La, dặn dò A Nan rằng:
- Ông hãy vì ta mà đến giữa hai gốc cây Sa La sắp đặt một chỗ nằm, đầu quay về hướng bắc, mặt nhìn về hướng tây. Những năm sắp tới, giáo pháp của ta có thể hướng về phía bắc mà hoằng truyền, và tương lai sẽ thịnh hành ở phương tây. Đêm nay ta sẽ nhập Niết-bàn.
A Nan và đại chúng nghe thế, ai cũng khóc than không sao ngăn được. Sau đó mọi người bàn tính với nhau, nếu chỉ khóc lóc thì chẳng có ích lợi gì, điều cần kíp là phải thỉnh cầu đức Phật chỉ bày làm cách nào để Chính pháp được giữ gìn lâu dài trong thế gian. Bàn tính với nhau xong, họ cử A Nan thỉnh giáo đức Phật:
- Bạch Thế Tôn, chúng con không cách nào mà không buồn thương cho được, nhưng chúng con có bốn vấn đề cuối cùng xin thỉnh Thế Tôn chỉ bày:
Thứ nhất, lúc Thế Tôn còn tại thế, Ngài là thầy cho chúng con nương dựa. Thế Tôn Niết-bàn rồi, chúng con biết nương dựa vào người thầy nào đây?
Thứ hai, lúc Thế Tôn còn tại thế, chúng con an trụ vào Phật. Thế Tôn Niết-bàn rồi, chúng con biết an trụ vào đâu?
Thứ ba, lúc Thế Tôn còn tại thế thì người hung ác đã có Thế Tôn điều phục. Thế Tôn Niết-bàn rồi, làm sao điều phục người hung ác đây?
Thứ tư, lúc Thế Tôn còn tại thế, ngôn giáo của Phật nói ai cũng dễ tin dễ hiểu. Thế Tôn Niết-bàn rồi, kinh điển kết tập làm sao cho người ta tin tưởng?
Đức Phật trả lời một cách từ bi, vui vẻ:
- A Nan, ông được đại chúng đề cử đến hỏi ta bốn vấn đề này, thật là vô cùng quan trọng. Các ông không nên bi lụy như thế, giả như Xá-lợi-phất hay Mục-kiền-liên mà còn sống, chắc chắn họ sẽ không cư xử như các ông đâu! Đại Ca-diếp hiện giờ còn trên đường về, ông ấy sẽ không về kịp trước giờ ta Niết-bàn. Các ông phải nhận biết pháp tính, nếu Phật dùng ứng thân ở tại thế gian, thì đây là tướng vô thường cuối cùng, phải nhập Niết-bàn. Các ông y theo pháp mà hành trì thì không khác gì Phật thường còn ở thế gian vậy.
Nay ta sẽ trả lời bốn vấn đề của các ông hỏi, các ông hãy nhớ kỹ lấy:
Thứ nhất, các ông hỏi ta Niết-bàn rồi thì ai là thầy cho các ông nương: hãy nương vào Ba La Đề Mộc Xoa.
Thứ hai, các ông hỏi ta Niết-bàn rồi thì nên an trụ vào đâu: hãy an trụ vào Tứ niệm xứ.
Thứ ba, các ông hỏi ta Niết-bàn rồi thì làm sao điều phục người hung ác: nên im lặng tách xa họ ra.
Thứ tư, các ông hỏi ta Niết-bàn rồi thì làm sao cho người ta tin vào kinh điển: Phải đặt bốn chữ “như thị ngã văn” ở ngay đầu tất cả mọi bộ kinh.
A Nan, các ông nên thường xuyên nhớ nghĩ đến chỗ Phật sinh ra, chỗ Phật giác ngộ, chỗ Phật thuyết pháp và chỗ Phật Niết-bàn. Điều cần thiết là thân phải từ, miệng phải từ và ý phải từ, chuyện khác không cần quan tâm đến. Hôm nay không nên bi lụy, hãy mau vì ta mà đến giữa hai gốc cây Sa La mà sắp đặt chỗ nằm.
Đây là nguyên do vì sao ở đầu tất cả kinh điển đều có bốn chữ  “như thị ngã văn”.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 97 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tổng quan kinh Đại Bát Niết-bàn


Công đức phóng sinh


Chuyển họa thành phúc


Truyền thuyết về Bồ Tát Quán Thế Âm

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.221.175.172 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...