Hầu hết các tôn giáo đều nói có một đấng tối cao như Thượng đế (với nhiều tên khác nhau như đức Chúa trời, Allah, Brahma) sáng tạo ra thế giới và sinh ra loài người, trong khi đó đạo Phật nói vô ngã và không chấp nhận có một đấng tạo hóa nào tạo ra con người. Đây là một điều khó hiểu và khó chấp nhận đối với đa số quần chúng.
Trong ngôn ngữ hằng ngày, mọi người đều phải dùng chữ ta (tôi, mình) để xưng hô với nhau. Bây giờ nói vô ngã, tức là không có tôi, nghe rất vô lý. Những sách Phật giáo khi nói về Vô ngã vẫn thường nhấn mạnh là chúng ta phải nhận rõ năm uẩn vô ngã, không có gì là ta, là của ta; chúng ta, hay ta, phải tu hành thế này thế nọ, nói gì cũng cần phải có một chủ từ, vậy chủ từ “chúng ta, hay ta” là ai? Nói chúng ta vô ngã tức là chúng ta không có ta? Vậy nghĩa là sao? Tu hành để đạt được vô ngã có ích gì? Bây giờ tôi đang có đây, có vợ con nhà cửa, tài sản, danh vọng, nay bảo tôi tu vô ngã để cái tôi biến mất tiêu, và cả những thứ của tôi cũng mất luôn. Ai ngu dại gì mà tu như vậy? Tôi tu là cốt để được cái gì chứ? Như được chư Phật gia hộ cho tôi, cho vợ con tôi, cha mẹ tôi được mạnh khỏe, sống lâu, giàu sang, hạnh phúc, v.v... và v.v...
Những người không biết giáo lý đạo Phật, khi nghe nói về vô ngã, tức là không có cái Ta thì họ liền phản đối, đây là điều đương nhiên, nhưng ngay cả trong giới Phật tử cũng rất nhiều người không hiểu vô ngã. Họ thắc mắc nếu vô ngã, không có Ta thì ai tu, ai chứng? Ai thành Phật? Ai nhập Niết bàn? Ai giải thoát? Muốn hiểu một điều gì, nhất là giáo lý vô ngã thì phải chịu khó học và tu tập. Nhưng nếu chưa hiểu vô ngã mà biết thọ trì ngũ giới, tu nhân tích đức, ăn chay làm lành để đời sau hưởng phước cũng tốt lắm rồi, đây gọi là Nhân thừa Phật giáo. Hoặc tu thập thiện để kiếp sau tái sinh lên cảnh trời sống lâu sung sướng, đây gọi là Thiên thừa Phật giáo. Nhưng bắt đầu từ Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ tát thừa thì bắt buộc phải hiểu vô ngã và dẹp trừ cái ngã.
Vô ngã là gì?
Trước khi hiểu thế nào là vô ngã thì cần phải hiểu thế nào gọi là ngã. Ngã (hay cái Ta) theo tư tưởng Ấn Độ thời đức Phật có nghĩa là chủ tể (hay linh hồn). Chủ có nghĩa là có quyền định đoạt, tự do tự tại. Ví như vua là chủ trong nước, có uy quyền tuyệt đối nên vua rất tự tại, muốn ra lệnh gì cũng được, muốn chém ai thì chém, muốn bắt ai thì bắt, muốn đi đâu thì đi (tự do), muốn ở đâu thì ở (tự tại), hoàn toàn theo ý của mình. Tể có nghĩa là sắp đặt, xét đoán, sai sử, điều hành. Ví như Tể tướng là vị quan lớn nhất trong triều, trông nom, sắp xếp mọi việc phụ tá với vua cai trị toàn dân. Ngã là chủ tể tức là ngã có quyền sắp đặt, điều khiển và tự do tự tại. Đa số mọi người đều có cảm tưởng mình là chủ của thân tâm. Muốn đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, suy nghĩ gì cũng được, cho nên tin chắc rằng trong thân tâm này có một ông chủ, hay cái Ta (Ngã).
Vô ngã (anatta) nghĩa đen là “không có ta”, nghĩa bóng có nhiều nghĩa, theo Đại thừa vô ngã có nghĩa là “vô tự tánh”; theo Nguyên thủy vô ngã có nghĩa là “không phải là ta, không phải là của ta”. Muốn định nghĩa chính xác, chúng ta cần trở về kinh điển Nguyên thủy, đó là các kinh Nikaya, trong Trung Bộ kinh (Majjhima Nikaya) có khoảng 11 kinh nói về vô ngã, đó là các kinh:
1. Pháp môn căn bản, kinh số 1
2. Đoạn giảm, kinh số 8
3. Ví dụ con rắn, kinh số 22
4. Tiểu kinh Saccaka, kinh số 35
5. Nhất dạ hiền giả, kinh số 131
6. Giới phân biệt, kinh số 141
7. Giáo giới Cấp Cô Độc, kinh số 143
8. Giáo giới Channa, kinh số 144
9. Giáo giới Nandaka, kinh số 146
10. Giáo giới La Hầu La, kinh số 147
11. Kinh Sáu Sáu, kinh số 148
Tiếp theo, trong Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta Nikaya), Tập III, Thiên uẩn, chương I, Tương ưng uẩn, có 183 kinh ngắn, đại ý đều nói về vô ngã, và lập đi lập lại hàng trăm lần những đoạn như sau:
“Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô thường. Cái gì vô thường là khổ. Cái gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã, cần phải như thật quán với chánh trí tuệ là: “Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi”. Do như thật quán với chánh trí tuệ như vậy, tâm ly tham, được giải thoát, không có chấp thủ các lậu hoặc”.
Ba danh từ “vô thường, khổ, vô ngã”, được lập đi lập lại không biết mấy ngàn lần trong năm bộ kinh Nikaya của Phật giáo Nguyên thủy, vì vậy nó được xem là Tam pháp ấn (Ti-lakkhana), tức là ba con ấn đánh dấu toàn bộ giáo lý Phật Pháp. Sau này có những người cho Tam pháp ấn là “không, vô tướng, vô tác”, hoặc “vô thường, vô ngã, Niết bàn”, và có người nói đến Tứ pháp ấn là “vô thường, khổ, không, vô ngã”, hoặc “vô thường, vô ngã, không, Niết bàn”, đó là những quan niệm cá nhân, không có gì trở ngại, bởi vì Phật Pháp chỉ có một vị giải thoát, nếu nương theo một lời dạy của Phật mà tu hành giải thoát thì đó cũng có thể được xem là pháp ấn.
Sau khi thành đạo dưới gốc cây bồ đề, đức Phật đi tìm năm anh em Kiều Trần Như là những bạn đồng tu trước kia và thuyết cho họ bài pháp đầu tiên, đó là kinh Chuyển Pháp Luân (Dhamma-cakkappavattana) nói về Tứ diệu đế. Nghe xong tôn giả Kiều Trần Như liền chứng quả Tu- đà-hoàn và sau đó bốn vị kia cũng lần lượt chứng quả, “vĩnh ly trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh, dĩ kiến đạo tích”. Trước kia họ không biết nguyên nhân nào sinh ra khổ, họ tu hoài, tu đủ kiểu khổ hạnh mà vẫn chưa thoát khổ, nay nhờ hiểu rõ Tứ đế nên mọi tà kiến tiêu tan, xa lìa mọi trần cấu (vĩnh ly trần cấu), đạt được con mắt pháp thanh tịnh (đắc pháp nhãn tịnh), và thấy được dấu đạo (dĩ kiến đạo tích). Tu-đà-hoàn là quả “Kiến đạo”, quả thánh thứ nhất trong bốn quả thánh Thanh văn. Nhưng thấy đạo mới chỉ là thấy đúng thôi, còn bao nhiêu lậu hoặc, phiền não, tập khí sâu dày từ nhiều kiếp chưa trừ được, nên phải trải qua giai đoạn “Tu đạo” mới trừ được. Ví như người leo núi, bắt đầu thấy được ngọn núi và con đường dẫn lên đỉnh núi, nhưng bản thân vẫn còn ở dưới chân núi. Tuy còn ở dưới chân núi nhưng biết rõ là nếu tiếp tục đi trên con đường này thì sẽ tới đỉnh núi. Kiến đạo là mới thấy đường đi, sau đó phải Tu đạo, dứt trừ phiền não, ô nhiễm mới đạt được các quả vị Tư-đà-hàm, A-na-hàm, và A-la- hán là quả thánh cao nhất ví như đỉnh núi.
Sau khi năm vị tỳ kheo đã kiến đạo, đức Phật dạy tiếp cho họ bài pháp thứ nhì là kinh Vô ngã tướng, nói về lý Vô ngã để dứt trừ ngã chấp là căn bản của vô minh phiền não, đưa họ tiến xa hơn và chứng quả A-la-hán, giải thoát khỏi sinh tử luân hồi.
Dưới đây tôi xin trích dịch bài kinh Vô Ngã Tướng (Anattalakkhana sutta) để bạn đọc thấy rõ đức Phật định nghĩa thế nào là vô ngã. Kinh này còn có tên là Kinh Năm Vị, thuộc Tương Ưng Bộ Kinh, tập III, Thiên Uẩn, Chương I, Phẩm Tham Luyến, đoạn VII.
KINH VÔ NGÃ TƯỚNG
Tôi được nghe như vầy: Một thuở nọ, đức Thế Tôn đang ngụ tại vườn Nai, ở Isipatana gần Bénarès. Lúc bấy giờ Thế Tôn nói với năm vị Tỳ kheo:
Này các thầy, sắc là vô ngã (không phải là ta). Nếu sắc là ngã thì sắc sẽ không gây đau khổ (bệnh tật) và đối với thân thể ta có thể ra lệnh: “Thân tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi”. Thế nhưng, bởi vì sắc thân là vô ngã, nên nó không tránh khỏi bệnh tật và không ai có thể ra lệnh: “Thân tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi”.
Này các thầy, thọ không phải là ta. Nếu thọ là ta thì thọ sẽ không gây đau khổ phiền não và đối với thọ ta có thể ra lệnh: “Thọ của tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi”. Thế nhưng, bởi vì thọ không phải là ta, nên nó không tránh khỏi đau khổ phiền não và không ai có thể ra lệnh cho thọ: “Thọ của tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi”.
Này các thầy, tưởng không phải là ta. Nếu tưởng là ta thì tưởng sẽ không gây đau khổ phiền não và đối với tưởng ta có thể ra lệnh: “Tưởng của tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi”. Thế nhưng, bởi vì tưởng không phải là ta, nên nó không tránh khỏi khổ đau phiền não và không ai có thể ra lệnh cho tưởng: “Tưởng của tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi”.
Này các thầy, hành không phải là ta. Nếu hành là ta thì hành sẽ không gây đau khổ phiền não và đối với hành ta có thể ra lệnh: “Hành của tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi”. Thế nhưng, bởi vì hành không phải là ta, nên nó không tránh khỏi khổ đau phiền não và không ai có thể ra lệnh cho hành: “Hành của tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi”.
Này các thầy, thức không phải là ta. Nếu thức là ta thì thức sẽ không gây đau khổ phiền não và đối với thức ta có thể ra lệnh: “Thức của tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi”. Thế nhưng, bởi vì thức không phải là ta, nên nó không tránh khỏi khổ đau phiền não và không ai có thể ra lệnh cho thức: “Thức của tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi”.
Này các Tỳ kheo, các thầy nghĩ sao? Sắc là thường hay vô thường?
- Sắc là vô thường, bạch Thế Tôn.
- Cái gì vô thường là khổ hay sướng?
- Là khổ, bạch Thế Tôn.
- Như vậy, đối với cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi nói: “Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta”?
- Thưa không, bạch Thế Tôn.
Các thầy nghĩ sao? Thọ là thường hay vô thường?
- Thọ là vô thường, bạch Thế Tôn.
- Cái gì vô thường là khổ hay sướng?
- Là khổ, bạch Thế Tôn.
- Như vậy, đối với cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi nói: “Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta”?
- Thưa không, bạch Thế Tôn.
Các thầy nghĩ sao? Tưởng là thường hay vô thường?
- Tưởng là vô thường, bạch Thế Tôn.
- Cái gì vô thường là khổ hay sướng?
- Là khổ, bạch Thế Tôn.
- Như vậy, đối với cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi nói: “Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta”?
- Thưa không, bạch Thế Tôn.
Các thầy nghĩ sao? Hành là thường hay vô thường?
- Hành là vô thường, bạch Thế Tôn.
- Cái gì vô thường là khổ hay sướng?
- Là khổ, bạch Thế Tôn.
- Như vậy, đối với cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi nói: “Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta”?
- Thưa không, bạch Thế Tôn.
Các thầy nghĩ sao? Thức là thường hay vô thường?
- Thức là vô thường, bạch Thế Tôn.
- Cái gì vô thường là khổ hay sướng?
- Là khổ, bạch Thế Tôn.
- Như vậy, đối với cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi nói: “Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta”?
- Thưa không, bạch Thế Tôn.
Này các thầy, như thế thì tất cả những gì thuộc sắc thân quá khứ, vị lai hay hiện tại, ở trong hay ở ngoài, thô hay tế, xấu hay tốt, xa hay gần, tất cả những gì là sắc thân cần phải được nhận định theo chánh trí huệ, đúng như thật: “Cái này không phải của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta”.
Cũng thế, tất cả những gì thuộc thọ, tưởng, hành và thức quá khứ, vị lai hay hiện tại, ở trong hay ở ngoài, thô hay tế, xấu hay tốt, xa hay gần, tất cả những gì là thọ, tưởng, hành, thức, cần phải được nhận định theo chánh trí huệ, đúng như thật: “Cái này không phải của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta”.
Khi nhận định sự vật như thế, này các thầy, người đa văn thánh đệ tử xa lìa và nhàm chán sắc thân, xa lìa và nhàm chán thọ, tưởng, hành và thức. Do nhàm lìa nên vị ấy không còn ham muốn. Do hết ham muốn nên được giải thoát. Khi được giải thoát, trí huệ khởi lên: “Đây là sự giải thoát” và vị ấy biết rõ: “Tái sinh chấm dứt, phạm hạnh đã thành, điều cần làm đã làm, không còn trở lại trạng thái này nữa”.
Khi Đức Thế Tôn nói xong, năm vị Tỳ kheo đều hoan hỷ tin nhận lời Thế Tôn. Trong lúc đang nghe giảng, tâm của năm vị được giải thoát khỏi lậu hoặc và chấp thủ.
Sau này trong lúc tôn giả Assaji, một trong năm vị tỳ kheo nhóm Kiều Trần Như, đang đi khất thực, với phong thái trang nghiêm giải thoát, tôn giả đã thu hút ngài Xá Lợi Phất đến hỏi đạo. Tôn giả Assaji đọc lại một bài kệ tóm tắt về lý duyên sinh:
“Ye dhamma hetuppabhava,
tesam hetum tathagato aha.
Te sanja yo nirodho,
evam vadi maha samano[1].”
“Các pháp do nhân duyên sanh.
Nhân ấy Như Lai đã chỉ rõ,
và dạy phương pháp để chấm dứt,
đó là giáo pháp của bậc Đại Sa môn”.
Nghe qua bài kệ này, ngài Xá Lợi Phất liền chứng quả Tu-đà-hoàn. Khi về ngài kể lại cho bạn thân là Mục Kiền Liên nghe và Mục Kiền Liên cũng chứng quả Tu-đà- hoàn. Sau đó hai người tìm đến quy-y với đức Phật xin làm đệ tử. Phật dạy cho mỗi người một đề mục. Ngài Mục Kiền Liên tu tập một tuần sau chứng quả A-la-hán. Ngài Xá Lợi Phất tu tập hai tuần sau chứng quả A-la-hán.
Thế nào là A-la-hán? Đó là người đã hoàn toàn diệt trừ ngã chấp, diệt trừ lậu hoặc phiền não. Do không còn ngã chấp, không còn phiền não nên không tạo nghiệp dẫn đến tái sinh trong sinh tử luân hồi.
Tứ diệu đế, vô ngã, duyên sinh là những giáo lý căn bản, nền tảng của đạo Phật. Nhờ những giáo lý này mà không biết bao nhiêu đệ tử của Phật đã chứng quả giải thoát, trở thành những thánh tăng, tăng bảo, xứng đáng là ruộng phước cho trời người cúng dường.
Lý vô ngã mà đức Phật giảng dạy trong các thời pháp sau này, có lúc nói rộng, lúc nói ngắn, có lúc tóm tắt, diễn dịch bằng cách này hay cách khác cũng đều bắt nguồn từ kinh Vô Ngã Tướng này.
Phân tích kinh Vô Ngã Tướng
Trong bài kinh này chúng ta thấy đại chúng lúc đó chỉ có năm vị tỳ kheo, đó là năm anh em Kiều Trần Như sau khi nghe xong bài pháp đầu tiên liền xin xuất gia với Phật và trở thành năm đệ tử đầu tiên, vì thế đây là một bài kinh cổ xưa nhất cùng với kinh Chuyển Pháp Luân.
Vào đầu bài kinh, đức Phật gọi năm thầy tỳ kheo đến và giảng ngay vào đề, ngài nói năm uẩn là vô ngã. Sắc là vô ngã, thọ, tưởng, hành, thức là vô ngã. Ở đây cần nói rộng thêm vài điều để bạn đọc dễ hiểu. Tại sao Phật lại nói về năm uẩn vô ngã mà không nói cái gì khác là vô ngã? Tại sao không nói cái bàn, cái ghế, cái xe, cái nhà là vô ngã? Chúng ta cần hỏi lại là ai khổ? Con người đau khổ hay cái bàn, cái ghế đau khổ? Nên nhớ là bài kinh này được nói tiếp sau bài kinh Chuyển Pháp Luân, thuyết về lý Tứ đế (khổ, tập, diệt, đạo). Đức Phật thuyết pháp vì thương chúng sinh, muốn diệt trừ sự đau khổ cho chúng sinh, cho nên đối tượng của buổi thuyết pháp là con người chứ không phải đồ vật hay các pháp. Bản thân con người không tự biết mình là ai, là gì? Đa số tưởng mình là cái thân, một số thông minh hiểu biết hơn thì cho mình là thân và tâm. Nhưng đức Phật nhìn xa hơn, ngài thấy con người chỉ là một tổng hợp của năm uẩn, và năm uẩn này vô ngã.
Năm uẩn
Năm uẩn (panca-khandha) là sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn. Uẩn (khandha) có nghĩa là một khối hay một nhóm cùng loại, cùng tính chất.
Sắc uẩn (rupa-kkhandha): là những gì có hình sắc như tóc, da, móng, xương, thịt, mắt, tai, mũi, chân, tay, v.v... được gom lại một nhóm gọi là sắc uẩn. Nói cho dễ hiểu sắc chính là thân thể vật chất con người.
Thọ uẩn (vedana-kkhandha): là những cảm thọ hay cảm giác như nóng, lạnh, đói, khát, đau nhức, sung sướng, khổ, vui, v.v... được gom lại một nhóm gọi là thọ uẩn.
Tưởng uẩn (sanna-kkhandha): là những tri giác của sáu giác quan như thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ mó, biết, được gom lại thành tưởng uẩn. Tưởng còn có nghĩa là tưởng tượng, suy tưởng, nhớ tưởng.
Hành uẩn (sankhara-kkhandha): Hành có nghĩa là đi, làm, hoạt động, trôi chảy. Những sự hoạt động của tâm ý như tư duy, suy nghĩ, tính toán, lo âu, v.v... được gom lại thành hành uẩn.
Thức uẩn (vinnana-kkhandha): là những sự nhận thức, phân biệt, hiểu biết được gom lại thành thức uẩn.
Chấp năm uẩn là ngã
Khi năm uẩn này kết hợp lại với nhau thì gọi là con người (puggala, person). Bất cứ người nào cũng đều là một hợp thể của năm uẩn, không hơn không kém. Nhưng vì không biết tự mình chỉ là hợp thể của năm uẩn mà lại tưởng mình là ông này, bà kia, tên này, chức nọ, v.v... nên mới bắt đầu sinh chuyện, lầm tưởng năm uẩn là ngã, là Ta rồi khư khư bám vào đó. Năm uẩn chỉ là năm uẩn, sắc chỉ là sắc, thọ chỉ là thọ, tưởng chỉ là tưởng, hành chỉ là hành, thức chỉ là thức, thế thôi. Nhưng vì không biết (vô minh) nên đối với sắc (form) thì cho sắc là Ta, Ta có thân hình cao, thấp, đẹp, xấu, v.v... Mũi tẹt chỉ là mũi tẹt, nhưng vì chấp cái mũi là Ta nên thấy nó xấu, cần phải đi sửa mũi cao lên. Mắt một mí chỉ là mắt một mí, nhưng vì chấp mắt là Ta nên cần phải đi cắt thành hai mí cho Ta đẹp hơn. Da nhăn chỉ là da nhăn, nhưng vì chấp da là Ta, là của Ta nên phải đi căng da và đánh phấn thoa son cho Ta trẻ lại. Thân lùn, thấp nhỏ chỉ là thân lùn, thấp nhỏ, nhưng vì chấp thân là Ta nên phải đi giày cao gót cho Ta cao hơn một chút.
Không biết cảm thọ (sensations, feelings) chỉ là cảm thọ, mà lại chấp cảm thọ là Ta. Khi có cảm giác dễ chịu, sung sướng thì cho là Ta sướng, nên luôn luôn đi tìm khoái lạc qua sáu giác quan. Mắt thích nhìn sắc đẹp, tai thích nghe lời tâng bốc nịnh hót, mũi thích ngửi mùi nước hoa, dầu thơm, lưỡi thích nếm những món ngon vật lạ, thân thích sự êm ái, nhục dục, ý thức luôn luôn suy nghĩ về cái Ta và những thứ của Ta. Sáu căn luôn hướng ra ngoài, chạy tìm sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) để có cảm giác sung sướng, vì cho rằng Ta sung sướng. Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần mà không vừa ý thì sinh ra cảm giác đau khổ, và cho là Ta đau khổ.
Không biết tưởng chỉ là tưởng (tri giác, perception), mà lại chấp tưởng là Ta. Nên mắt thấy sắc thì cho là Ta thấy, tai nghe tiếng thì cho là Ta nghe, mũi ngửi mùi thì cho là Ta ngửi, lưởi nếm vị thì cho là Ta nếm vị, thân xúc chạm thì cho là Ta xúc chạm, ý tưởng tượng thì cho là Ta tưởng tượng, v.v...
Không biết hành chỉ là những tâm tư, suy nghĩ, tính toán (mental formation), mà lại chấp chúng là Ta. Khi có những suy nghĩ tốt khởi lên thì tự cho rằng Ta là người tốt. Khi có những ý nghĩ xấu khởi lên thì cho Ta là người xấu. Khi lo âu, tính toán khởi lên thì cho Ta là người lo âu, tính toán.
Không biết thức (consciousness) chỉ là sự phân biệt, nhận thức, mà lại chấp thức là Ta. Khi thức phân biệt cái này xấu, cái kia tốt thì cho Ta là người thông minh, biết phân biệt phải trái. Khi cho Ta là người thông minh, biết đúng thì đương nhiên phải xem những người khác là ngu si, biết sai.
Do chấp năm uẩn là Ta cho nên sinh ra tham ái, yêu mến năm uẩn của Ta. Yêu thân hình của Ta, ưa thích những cảm giác khoái lạc của Ta. Thế giới văn minh hiện đại dồn hết sự thông minh ra để chế tạo những sản phẩm thị trường nhằm cung cấp cảm giác khoái lạc cho con người: phim ảnh, xi nê cho sướng con mắt, đủ loại nhạc kích động cho sướng lỗ tai, đủ mùi nước hoa cho sướng lỗ mũi, đủ loại món ăn cầu kỳ cho sướng cái miệng, đủ loại quần áo, máy móc tiện nghi cho sướng cái thân. Ưa thích những tư tưởng, quan niệm của Ta, nếu ai cùng làn sóng tư tưởng với Ta thì ta ưa thích, ngược lại thì ta chán ghét người đó, từ đó sinh ra nhiều đảng phái tranh chấp với nhau. Do chấp năm uẩn là Ta (ngã, I), là của Ta (ngã sở, mine), là cái Ta của ta (tự ngã, myself) nên sinh ra Ái (tanha). Do yêu thích, ái luyến năm uẩn nên sinh ra Thủ (upadana) tức là nắm giữ, bám víu, những gì liên quan đến năm uẩn. Thí dụ như làm đủ mọi cách cho thân sắc mình đẹp hơn, sống lâu hơn; đi tìm khoái lạc hoặc muốn kéo dài khoái lạc; tranh đấu bảo vệ tư tưởng, quan niệm của mình. Do Thủ nên tạo nghiệp, trong lúc bảo thủ, nắm giữ, bám víu vào năm uẩn, con người trở nên ích kỷ, tham lam làm hại kẻ khác. Tạo nghiệp tức là có nghiệp nhân và phải lãnh chịu nghiệp quả, đó gọi là Hữu (bhava), nghĩa đen là có, có nghiệp. Do có nghiệp nên phải Sinh (jati) trở lại. Vì có sinh ra nên phải Già và Chết (jara-marana).
Ái, thủ, hữu, sinh, lão tử là năm nhân duyên trong thập nhị nhân duyên. Ở đây chúng ta chưa cần phải nói đến cả mười hai nhân duyên, chỉ cần nói đến Ái, Thủ, và Hữu. Vì ba cái này là nguyên nhân hiện tại làm con người đau khổ, tạo nghiệp luân hồi. Muốn chấm dứt luân hồi, đức Phật dạy phải đoạn trừ gốc rễ, đó là sự chấp ngã. Sự chấp ngã của chúng sinh không là gì khác ngoài sự bám chặt vào năm uẩn cho đó là Ngã (Ta), cho rằng trong năm uẩn có một chủ tể, một ông chủ, hay một linh hồn. Bình thường nếu không có vấn đề gì như bệnh hoạn, tai nạn thì ai nấy đều tưởng mình là chủ của năm uẩn. Thí dụ như ngồi lâu mỏi mệt muốn đứng dậy thì ta đứng lên không có gì khó khăn, như vậy là ta tự tại đối với thân thể. Ta có thể đi, đứng, nằm ngồi hay làm việc theo ý mình nên ta cảm thấy mình là chủ của thân. Khi thân bị đau ốm thì ta đi bác sĩ hay nhà thương. Như vậy ta cũng thấy mình có chút quyền hành đối với cảm thọ. Đối với tưởng, ta muốn nghĩ, tưởng nhớ tới ai thì ta nhớ không ai cấm cản, cho nên ta cũng thấy mình là chủ của tưởng. Đối với hành, ta muốn suy nghĩ, tính toán kiểu nào cũng được, rất là dễ dàng, cho nên ta cho mình là chủ của hành. Đối với thức, ta muốn hiểu biết, phân biệt phải trái ra sao thì ra, ai chịu thì chịu, không chịu thì thôi, nên ta cũng thấy mình là chủ của thức. Tất cả chúng sinh đều tưởng mình (Ta) là chủ của năm uẩn, vì Ta muốn sai khiến năm uẩn theo kiểu nào cũng được, nó đều làm theo ý của Ta. Vì thế chúng sinh tin chắc Ta (ngã) là chủ của năm uẩn, năm uẩn là Ta, là của Ta.
Năm uẩn không phải là Ta mà lại chấp là Ta, đó là Vô minh (avijja), không sáng suốt, không biết sự thật. Do vô minh, không biết nên mới nhận lầm và chấp năm uẩn là ngã. Vô minh cũng chính là nguồn gốc của đau khổ, nhưng nó là nguyên nhân quá khứ.
Giáo lý vô ngã và mười hai nhân duyên là hai giáo lý nòng cốt của đạo Phật. Đức Phật thành đạo cũng do quán chiếu mười hai nhân duyên. Lý mười hai nhân duyên bổ sung và đi đôi với lý vô ngã, vì thật ra hai lý này chỉ là một. Con người do duyên sinh nên vô ngã. Con người vô ngã vì do duyên sinh. Lý duyên sinh cho thấy con người không có ngã, mà chỉ là một chuỗi dài mười hai nhân duyên trôi chảy bất tận.
Tóm lại con người vô minh không biết mình chỉ là năm uẩn kết hợp lại. Mỗi khi năm uẩn hoạt động thì lầm chấp đó là Ta, là tôi, là mình. Chấp sắc là Ta, Ta là sắc. Chấp thọ là Ta, Ta là thọ, v.v...
Vô ngã, vô chủ
Này các thầy, sắc là vô ngã (không phải là ta). Nếu sắc là ngã thì sắc sẽ không gây đau khổ (bệnh tật) và đối với thân thể ta có thể ra lệnh: “Thân tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi”. Thế nhưng, bởi vì sắc thân là vô ngã, nên nó không tránh khỏi bệnh tật và không ai có thể ra lệnh: “Thân tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi”.
Trong kinh Vô Ngã Tướng, đức Phật tuyên bố một điều hoàn toàn trái ngược với lòng tin của tất cả chúng sinh, đó là ngũ uẩn vô ngã, năm uẩn không phải là Ta. Vì sao vậy? Vì nếu sắc là Ta thì Ta có thể ra lệnh cho sắc chứ, vì Ta (ngã) có nghĩa là chủ tể kia mà. Nhưng trên thực tế, cái thân nó có xin phép Ta cho nó bị bệnh không? Hay là nó muốn bệnh khi nào thì bệnh, muốn đau lúc nào thì đau. Khi nó bệnh, Ta có thể ra lệnh cho nó hết bệnh được không? Khi nó đau răng, nhức đầu, Ta có thể ra lệnh bảo nó ngưng ngay sự đau răng, nhức đầu được không? Khi thân thể già yếu, sắp chết, Ta có thể ra lệnh cho nó trẻ lại và đừng chết được không? Lỡ khi nó bị ung thư, viêm gan, ho lao, sida (aids) nó có xin phép Ta không? Ban đêm Ta mệt cần ngủ mà nó cứ thức làm Ta phải đi uống thuốc ngủ, nếu Ta thật sự là chủ thì nó phải nghe lời Ta mà ngủ ngay chứ?
Bởi vì sắc (thân) không phải là ngã (Ta), nên Ta không thể ra lệnh cho sắc phải như thế này hay thế kia theo ý Ta được. Do sắc không phải là Ta, nên sắc vô chủ. Không ai thật sự là chủ của sắc cả. Sắc thân được sinh ra, lớn lên, già đi theo thời gian, bệnh hoạn và chết đi theo luật vô thường, thành, trụ, hoại, không. Vì thế sắc là vô ngã, vô chủ.
“Này các thầy, thọ không phải là ta. Nếu thọ là ta thì thọ sẽ không gây đau khổ phiền não và đối với thọ ta có thể ra lệnh: “Thọ của tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi”.
Ở đời ai cũng muốn sung sướng, khoái lạc, nhưng không ai tránh khỏi khổ đau. Nếu Ta là chủ của cảm thọ thì Ta có thể ra lệnh cho nó phải luôn luôn sung sướng, không được có những cảm thọ khổ, như đau, nhức, buồn, lo, sợ, ghen, tức, tủi, nhục, v.v... Nhưng thực tế Ta có ra lệnh cho cảm thọ như vậy được không? Khi bị bệnh nan y như ung thư, đau nhức hành hạ, lúc đó ta còn là chủ của cảm thọ được không? Chẳng cần nói chi đến các bệnh ung thư, chỉ cần ăn bậy đau bụng cũng làm cho ta khổ sở vô cùng. Những lúc như vậy, hãy nhìn lại xem Ta còn là chủ của thọ uẩn hay không? Không ai thật sự là chủ của cảm thọ cả. Khi đủ phước đức, gặp thuận duyên, may mắn, có cơm ăn, áo mặc, tiện nghi, tiền bạc thì thọ lạc phát sinh. Khi hết phước, tai họa quả báo xấu xảy đến thì thọ khổ phát sinh. Có nhiều lúc ta tưởng như mình làm chủ được cảm thọ như khi nhức đầu lấy Aspirine hay Tylenol ra uống thì liền hết nhức. Nhưng đó chỉ là nhân duyên, nhờ có phước mới có tiền mua thuốc, thuốc uống vào cho ra những phản ứng hóa học và sinh lý làm thay đổi cảm thọ. Nếu ta thật sự là chủ của cảm thọ thì đâu cần phải nhờ tới thuốc men làm chi, chỉ cần ra lệnh cho nó hết đau là xong. Ngay cả những khi có tiền bạc đầy đủ, nếu gặp quả báo xấu như bị ung thư thì tiền bạc cũng không cứu sống được ta. Vì thế cảm thọ là vô ngã, vô chủ.
“Này các thầy, tưởng không phải là ta. Nếu tưởng là ta thì tưởng sẽ không gây đau khổ phiền não và đối với tưởng ta có thể ra lệnh: “Tưởng của tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi”.
Chữ tưởng có nhiều nghĩa. Tưởng có nghĩa là tưởng tượng, suy tưởng, hồi tưởng và tri giác. Dù theo nghĩa nào đi nữa nó vẫn là vô chủ. Thí dụ đi đường gặp một cô gái đẹp, ta đứng lại làm quen. Tối về nhà, lên giường ngủ, hình ảnh của cô gái cứ hiện ra trong tâm không cho ta ngủ. Dù cố gắng xua đuổi cách mấy nó cũng không đi. Mắt nhìn thấy cô gái là nhãn tưởng, đầu óc lúc nào cũng nhớ tới cô là ý tưởng, hay hồi tưởng. Khi hình ảnh của cô đã in vào đầu rồi thì nó đâu có đứng yên một chỗ, nó bắt ta phải tưởng tiếp, tức là tưởng tượng sẽ ăn nói với cô ra sao, rủ cô đi chơi đâu, biết đâu sau này mình sẽ cưới cô ta, v.v... Ta tưởng mình là chủ của cái tưởng, nhưng thật ra cái tưởng nó tưởng lấy một mình dù ta có muốn hay không. Một thí dụ khác, ban ngày làm việc trong sở ta gây sự, cãi nhau với một đồng nghiệp. Tối về nhà, trong đầu ta hiện ra những hình ảnh trong sở, ta thấy mình cứ tiếp tục cãi qua cãi lại hoài với người kia. Từ giờ ăn cho tới đi ngủ mà nó (cái tưởng) cứ tiếp tục không ngừng. Như vậy ta đâu có làm chủ được cái tưởng, đâu có thể ra lệnh cho nó ngưng hay phải như thế này, như thế kia. Bây giờ nói tới trường hợp tưởng là tri giác (tức sự thâu nhận của sáu giác quan), thí dụ vào buổi trưa, trời nắng chói, mắt của ta chịu không nổi ánh sáng phải nhăn mày nhíu mắt lại mới không bị chói. Khi mắt thấy sắc thì sinh ra cái thấy, đó gọi là nhãn tưởng. Nhưng nhãn tưởng ở đây đang bị chói, không thấy rõ. Nếu ta thực sự là chủ của tưởng, của tri giác thì ta hãy ra lệnh cho cái thấy đừng bị chói. Một thí dụ khác, khi đi tham dự những khóa tu học, vì không đủ phòng ốc nên ta phải ngủ chung phòng với năm, sáu người. Và rủi thay trong số đó có hai ba người ngáy to quá. Tai nghe được tiếng ngáy, đó là nhĩ tưởng, nhưng nhĩ tưởng này làm ta không ngủ được. Nếu ta thực sự là chủ của (nhĩ) tưởng thì ta hãy ra lệnh cho cái nghe đừng nghe thấy tiếng ngáy nữa. Nhưng khổ thay cái nghe (nhĩ tưởng) nó vẫn tiếp tục nghe tiếng ngáy dù ta có muốn hay không. Như vậy thì tưởng là vô ngã, không phải là ta, và không ai là chủ của nó được.
“Này các thầy, hành không phải là ta. Nếu hành là ta thì hành sẽ không gây đau khổ phiền não và đối với hành ta có thể ra lệnh: “Hành của tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi”.
Hành là sự hoạt động của tâm thức, là sự suy nghĩ, tính toán, lo âu, là những ý niệm luân phiên nhau đến và đi. Hiện nay thời cuộc kinh tế xuống dốc, ta bị hãng sa thải, ở nhà còn vợ và ba con nhỏ phải nuôi, tiền nhà, tiền xe chưa trả hết. Suốt ngày đầu óc ta cứ lo nghĩ lung tung, vừa buồn vì thất nghiệp, vừa bực vì phải đối phó với sự than phiền, mè nheo của vợ con. Lúc đó ta có thể ra lệnh cho sự suy nghĩ của ta phải vui vẻ, yêu đời, dễ thương được không? Hầu hết không ai có thể ra lệnh hay làm chủ được sự suy nghĩ của mình, trừ những người tu hành có công phu, định lực khá, biết làm chủ tâm ý. Khi thương ai thì hành luôn suy nghĩ tốt về người đó, dù ta bảo nó hãy nghĩ xấu đi, nó vẫn nghĩ tốt như thường. Nhưng khi ghét ai rồi thì dù ông trời hiện xuống bảo ta hãy nghĩ tốt về người đó, cái hành nó vẫn nghĩ xấu như thường. Ta không là chủ của hành, cho nên hành vô ngã, vô chủ.
“Này các thầy, thức không phải là ta. Nếu thức là ta thì thức sẽ không gây đau khổ phiền não và đối với thức ta có thể ra lệnh: “Thức của tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi”.
Thức là sự nhận thức, phân biệt, hiểu biết. Bình thường khi mọi việc hanh thông suông sẻ thì ta tưởng tất cả sự nhận thức, phân biệt, hiểu biết là ta, cho nên ta có thể làm chủ được nó. Nhưng khi gặp tai nạn, xui xẻo thì ta mới nhận ra không phải như vậy. Thí dụ những khi ta chơi hụi, hoặc cho vay bị quỵt thì sao? Ta có biết trước, và phân biệt được người kia là kẻ lường gạt, giựt hụi không? Cái thức, hay sự nhận thức, phân biệt của ta nó đâu có báo trước cho ta biết người kia là kẻ gian để ta đừng cho vay. Khi đi học hay đi thi, nếu ta là thức, là chủ của thức thì ta có thể ra lệnh cho cái thức phải hiểu ngay bài thi và làm đúng ngay chóc. Nhưng nếu ta không học bài, thiếu thông minh thì cái thức nó mù tịt không hiểu gì hết và ta vẫn thi rớt như thường. Do đó ta không thể ra lệnh, hay sai khiến cái thức của ta phải như thế này hay như thế kia theo ý ta. Như vậy cái thức vô ngã, vô chủ, không ai là chủ của nó cả.
Sau khi phân tích và chỉ rõ ngũ uẩn là vô ngã, không phải là ta, ta không phải là chủ của năm uẩn, đức Phật dạy tiếp về ba đặc tính của năm uẩn, đó là vô thường, khổ, vô ngã. Trong ba đặc tính này, vô thường và khổ tương đối dễ nhận ra, nhưng đa số mải mê chạy theo vật chất và hình tướng nên không để ý.
Đức Phật hỏi: - Này các tỳ kheo, các thầy nghĩ sao? Sắc là thường hay vô thường?
Chư tỳ kheo đáp: - Sắc là vô thường, bạch Thế Tôn.
Chư Tỳ kheo đáp như vậy bởi vì các thầy đã ngộ đạo, kiến đạo, thấy rõ sắc là vô thường. Nhưng chúng ta thì sao, có thấy sắc là vô thường không? Có thấy cái nhà của mình vô thường không? Có thấy cái xe Honda, Toyota, Lexus, Mercedes, BMW của mình là vô thường không? Có thấy cô vợ đẹp mới cưới là vô thường không? Có thấy cái nhẫn hột xoàn là vô thường không? Có thấy tài sản vài triệu đô la của mình là vô thường không? Chẳng cần nói chi đến những thứ sắc bên ngoài đó, hãy nói ngay tới cái thân sắc của ta đây, có ai thấy nó vô thường không? Hay là nghĩ nó sẽ sống ít nhất 70 hay 80 năm? Đa số chúng ta chẳng bao giờ nghĩ đến vô thường hết, chỉ khi nào trong gia đình có cha mẹ, anh em, vợ con bị tai nạn, bệnh tật, chết chóc thì lúc đó mới biết thế nào là vô thường. Loại vô thường này trong đạo gọi là “nhất kỳ vô thường”, tức là phải trải qua một thời gian dài mới thấy sự thay đổi. Phải chờ trên đầu xuất hiện vài ba sợi tóc bạc mới biết là mình bắt đầu già. Nhưng có nhiều người không chấp nhận điều đó, đi nhuộm tóc rồi tưởng là tóc mình đen hoài. Có một loại vô thường vi tế hơn, rất khó nhận ra, đó là “sát na vô thường”, tức sự thay đổi, biến chuyển trong từng sát na. Tất cả sự vật có hình tướng, nhìn bên ngoài có vẻ ù lì, đứng yên không thay đổi, nhưng thật ra chúng không ngừng biến đổi. Nếu có kính hiển vi, ta sẽ thấy các tế bào trong thân thể của ta luôn di động, sinh sôi nẩy nở và tiêu diệt trong từng giây phút. Vậy mà ta có hay biết gì đâu. Để rồi một ngày đẹp trời nào đó đi khám bác sĩ mới hay là mình có ung thư. Ung thư đâu phải một sớm một chiều mà có, nó đã âm ỉ thành hình từng sát na trong thân thể của ta từ lúc nào rồi. Không cần phải đợi đến 70 tuổi, tóc bạc, da nhăn, đi đứng không vững mới gọi là già. Thân sắc đang già trong từng giây phút. Hữu hình hữu hoại, những gì có hình tướng, sắc tướng đều vô thường, biến chuyển, và trải qua bốn giai đoạn “thành, trụ, hoại, không”, tức là thành hình, tạm yên một thời gian rồi tan hoại dần cho tới khi mất hẳn không còn hình tướng.
Đức Thế Tôn hỏi tiếp:
- Cái gì vô thường là khổ hay sướng?
- Là khổ, bạch Thế Tôn.
Chúng ta có thấy cái gì vô thường là khổ không?
Có người cho vô thường là khổ khi nào bị tai nạn, bệnh hoạn, chết chóc, còn khi khỏe mạnh, giàu sang, trúng số thì đâu có khổ. Có người nói “đời có khi khổ, có khi sướng, đâu phải khổ hoài. Nói đời là khổ thì bi quan quá”.
Ở đây cần nói rõ hơn về chữ khổ trong đạo Phật. Chữ khổ được dịch từ chữ dukkha. Nhưng dukkha còn bao hàm nhiều nghĩa khác như bất toại nguyện, bất như ý (khổ khổ), biến chuyển (hành khổ), hoại diệt (hoại khổ). Khi nói đến chữ khổ, đức Phật ám chỉ tới năm uẩn hay con người chứ không nói tới sự vật hay đồ vật, bởi vì con người là năm uẩn, trong đó có cảm thọ, vì có cảm thọ nên mới biết khổ hay sướng. Cảm thọ có ba loại: khổ thọ (khó chịu), lạc thọ (thoải mái), xả thọ (bình thường). Muốn nói rộng hơn thì có năm loại, tức là ba loại trên cộng thêm ưu (buồn) và hỷ (vui). Hai cảm thọ này thuộc về tâm. Tất cả cảm thọ này đều nằm trong dukkha, vì chúng biến chuyển và hoại diệt. Đi xa hơn một chút, hễ có cảm thọ là có khổ, dù thọ lạc đi nữa cũng không chạy khỏi khổ. Khổ thọ ví như viên thuốc độc, vừa bỏ vào miệng liền bị đau bụng ngay lập tức. Lạc thọ giống như viên thuốc độc bọc đường, bỏ vào miệng thấy ngọt tưởng là kẹo, nhai sung sướng. Khi lớp đường tan hết thuốc độc mới hiện ra và rồi cũng chết, chỉ có chết chậm hơn thôi. Khổ thọ còn được ví như miệng con rắn, đụng vào là nó cắn liền. Lạc thọ được ví như đuôi con rắn, đụng vào nó chưa cắn liền nhưng trước sau gì nó cũng quay lại cắn. Nhiều người rất ghét chữ khổ của đạo Phật, vì trong thâm tâm họ rất sợ khổ, sợ chết. Họ không thích nghe ai nhắc đến chữ khổ, già, bệnh, chết, làm như những chữ đó ghê tởm, mang điềm xúi quẩy. Đó chẳng qua là trốn tránh, không muốn thấy sự thật mà thôi.
Thi sĩ Đoàn Như Khuê có viết:
Bể khổ mênh mông sóng ngập đầu,
Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi
Thuyền ai ngược gió, ai xuôi gió,
Nhìn lại cùng trong bể khổ thôi.
Cảnh Ta Bà được ví như biển khổ, trong đó người xuôi gió thì tưởng là mình sướng, còn người ngược gió thì tưởng là mình khổ. Nhưng thật ra cả hai đều lênh đênh trên biển khổ mà không hay biết.
Những người thường gặp hoạn nạn, khổ đau, bất hạnh, khi nghe nói đời là bể khổ thì họ thấy thấm thía và chấp nhận ngay, không cần phải giải thích giông dài. Những người chưa nếm mùi đời, chưa bị bầm dập, trầy da tróc vẩy, khi nghe nói đời là bể khổ thì liền chống đối. Trong một băng giảng, Ni sư Trí Hải có kể một câu chuyện như sau:
“Ở ngoài Huế, trong một buổi giảng, có vị Hòa thượng nọ nói đời là bể khổ. Nghe tới đó, một anh thanh niên trẻ liền dơ tay lên phản đối: “Bạch thầy, con không thấy đời là khổ, vì con mới cưới được cô vợ đẹp. Cô ta rất thương yêu và lo lắng cho con. Con đi làm về là có cơm ngon, ăn xong vợ chồng hủ hỉ đi chơi, thật là vui vẻ hạnh phúc, không có gì là khổ”. Vị Hòa thượng kia không cãi lại mà chỉ nói: “Tôi cũng mong anh được mãi như thế”. Một năm sau, anh này trở lại thăm Hòa thượng, than khóc: “Bạch thầy, thầy nói đúng quá, đời là bể khổ”. Hòa thượng hỏi tại sao thì anh đáp: “Vợ con bỏ đi lấy Mỹ rồi”.
Chẳng cần phải chờ tới khi bị vợ bỏ mới gọi là khổ. Có anh nọ cưới được cô vợ đẹp, rất lấy làm sung sướng, hãnh diện. Nhưng cái sung sướng của anh chỉ kéo dài được vài ngày. Sau đó nó chuyển sang sợ hãi, lo âu, ghen tức. Anh lo sợ người khác dòm ngó, dụ dỗ vợ anh. Mỗi khi vợ anh đi đâu một mình thì ở nhà anh ta ngồi đứng không yên, trong lòng như lửa đốt. Khi vợ anh nói chuyện với ai hơi lâu một chút là anh khó chịu, ghen ngược, ghen xuôi, rất là khổ sở.
Vì vô thường cho nên cảm thọ nào cũng dẫn đến khổ đau. Đối với khổ thọ (như đau răng, nhức đầu, bệnh tật) thì không cần phải nói vì mọi người công nhận dễ dàng, đây gọi là khổ khổ. Nhưng đối với lạc thọ và xả thọ cũng khổ như thường. Khi có cảm thọ sung sướng thì ta muốn nó kéo dài, nhưng vì vô thường nên nó phải chấm dứt, cuộc vui nào mà chẳng tan. Khi chấm dứt nó liền nhường chỗ cho khổ thọ, đây là hoại khổ. Đối với xả thọ là cảm giác bình thường không vui không khổ, người đời thấy nó nhạt nhẽo, chán phèo nên phải đi tìm lạc thọ, tìm cảm giác mạnh trong thú vui, cờ bạc, rượu chè, đình đám, tiệc tùng, chơi bời, hút sách, hội hè, tình dục, ăn uống, v.v... Nhưng lạc thọ nào đến rồi cũng ra đi làm cho con người thèm khát mãi, không bao giờ thỏa mãn, đây gọi là hành khổ.
- Như vậy, đối với cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có lý chăng khi nói: “Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta” được chăng?
- Thưa không, bạch Thế Tôn.
Này các thầy, như thế thì tất cả những gì thuộc sắc thân quá khứ, vị lai hay hiện tại, ở trong hay ở ngoài, thô hay tế, xấu hay tốt, xa hay gần, tất cả những gì là sắc thân cần phải được nhận định theo chánh trí huệ, đúng như thật: “Cái này không phải của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta”.
Tới đây đức Phật định nghĩa thế nào là vô ngã. Lúc mới vào đầu bài kinh, ngài tuyên bố năm uẩn là vô ngã. Tiếp theo, ngài nêu ra từng uẩn một, từ sắc cho tới thọ, tưởng, hành, thức, để các tỳ kheo thấy rõ năm uẩn là vô thường, là khổ. Sau cùng ngài nói tất cả những gì là năm uẩn cần phải được nhận định đúng như thật: “Cái này không phải của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta”. Đó chính là định nghĩa của vô ngã.
Có lẽ danh từ “tự ngã của ta” sẽ làm cho vài người thắc mắc. Nếu chúng ta đổi ra chữ Hán thì sẽ dễ hiểu hơn: “Cái này không phải là ngã sở, cái này không phải là ngã, cái này không phải là tự ngã”. Ngã sở là của tôi, ngã là tôi, tự ngã có nghĩa là linh hồn của tôi, hay cái ngã của tôi. Tiếng Anh, cái ngã là self, cái ngã của tôi là my-self. Chấp ngã là một lớp chấp thứ nhất, chấp tự ngã là lớp chấp sâu hơn nữa. Cái ngã hiện hữu dựa trên năm uẩn, còn tự ngã là cái ngã tự có một mình không lệ thuộc vào cái gì khác, nó là cái Ta tuyệt đối (xem tiếp phần Hai loại Ta sắp tới).
Khi nhận định sự vật như thế, này các thầy, người đa văn thánh đệ tử xa lìa và nhàm chán sắc thân, xa lìa và nhàm chán thọ, tưởng, hành và thức. Do nhàm lìa nên vị ấy không còn ham muốn. Do hết ham muốn nên được giải thoát. Khi được giải thoát, trí huệ khởi lên: “Đây là sự giải thoát” và vị ấy biết rõ: “Tái sinh chấm dứt, phạm hạnh đã thành, điều cần làm đã làm, không còn trở lại trạng thái này nữa”.
Khi Đức Thế Tôn nói xong, năm vị Tỳ kheo đều hoan hỷ tin nhận lời Thế Tôn. Trong lúc đang nghe giảng, tâm của năm vị được giải thoát khỏi lậu hoặc và chấp thủ.
Nghe Phật dạy về vô ngã và hiểu lý vô ngã có đủ để giải thoát không? Chưa đủ! Muốn chứng quả A-la- hán phải trải qua bốn giai đoạn: văn, yểm, ly, thoát. Khi nghe (văn) và hiểu được lý vô ngã của Phật thì được gọi là đa văn thánh đệ tử, đây là giai đoạn kiến đạo. Còn không nghe, không hiểu được lý vô ngã của Phật thì gọi là vô văn phàm phu. Chúng ta hôm nay được đọc bài kinh Vô ngã tướng này xong có hết phiền não không? Có chứng đắc cái gì không? Nghe xong để đó thì cũng như không. Nghe xong rồi thì phải áp dụng và thực hành, tức là xa lìa nhàm chán đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Đó gọi là yểm, bắt đầu giai đoạn tu đạo. Do yểm (nhàm chán) nên không say đắm, không ham muốn đối với năm uẩn, gọi là ly (lìa tham). Do ly tham, không còn ham muốn nên được giải thoát, tới đây gọi là chứng đạo.
Ngã sở vô ngã
Chúng sinh ngộ nhận, lầm chấp năm uẩn là ngã (là Ta) nên tạo nghiệp khổ đau. Nhưng không những chấp năm uẩn là Ta mà lại còn chấp luôn những thứ khác bên ngoài năm uẩn như nhà cửa, xe cộ, vợ chồng, con cái, tài sản là sở hữu của Ta (ngã sở) cho nên vô minh chồng chất lên vô minh, khổ chồng chất lên khổ. Trong các kinh giảng cho hàng Tỳ kheo, đức Phật nhấn mạnh về năm uẩn mà không nói về những thứ khác, bởi vì tỳ kheo là người đã xả bỏ tất cả sở hữu, bên mình chỉ còn lại ba y và một bình bát. Gánh nặng cuối cùng của họ là năm uẩn. Nhưng đối với hàng phàm phu như chúng ta thì ngã sở rất quan trọng, suốt cuộc đời chỉ lo nghĩ đến ngã sở. Đối với năm uẩn, ta đã không thể ra lệnh cho nó phải theo ý ta thì nói chi đến những thứ khác. Ấy vậy mà đa số đều tưởng bở, tưởng những thứ đó là của ta, và ta có quyền sai khiến điều khiển chúng theo ý ta.
Hãy lấy thí dụ về nhà cửa. Nhà cửa là thứ quan trọng, rất cần thiết cho đời sống con người, có tiền mua nhà là xem như khá giả, còn không thì phải ở thuê, ở mướn. Cái nhà là vật tương đối vững chắc, khó sụp đổ và còn lên giá với thời gian. Khi mua được nhà thì ta xem mình là chủ căn nhà, có thể sửa chữa, trang trí nó theo ý muốn. Do đó nhà là của ta (ngã sở). Nhưng theo kinh Phật vừa nói, nếu cái gì thực sự là ta, là của ta thì ta có thể ra lệnh cho nó phải như thế này, hay như thế kia theo ý ta. Bình thường ít ai thấy được sự vô thường của cái nhà, vì nó tương đối sống lâu hơn tuổi thọ con người. Một căn nhà có thể đứng vững một, hai, ba trăm năm nếu không gặp thiên tai, hỏa hoạn. Ở xứ Mỹ là nước giàu có văn minh nhất thế giới hiện nay, khi mua được một căn nhà, người ta phải trả nợ từ 15 đến 30 năm mới xong và lúc đó mới thực sự là chủ căn nhà, nếu trả chưa xong mà thất nghiệp thì nhà băng (ngân hàng) sẽ đến lấy nhà như thường. Nếu nhà là thực sự của ta thì ta có thể ra lệnh cho nó phải ở với ta hoài hoài chứ? Ngay cả khi trả xong và “thực sự” làm chủ căn nhà, khi gặp thiên tai ta cũng mất nhà như thường. Thiên tai không ngoài bốn thứ, đất, nước, gió, lửa. Về đất thì ở miền Tây nước Mỹ, vùng California, nổi tiếng thường bị động đất, chỉ cần mặt đất xê dịch chút xíu là căn nhà “của ta” sụp đổ. Về nước thì miền Đông nam nước Mỹ, vùng Florida, năm nào cũng bị mưa bão, không nặng thì nhẹ, thiệt hại hàng tỷ đô la. Về gió thì miền Nam nước Mỹ, vùng Texas, Oklahoma, Arkansas, lâu lâu trời đất hứng lên làm vài đường cuồng phong, gió lốc (tornado) cuốn bay đi hàng trăm căn nhà, san bằng vài quận tỉnh. Về lửa thì may mắn là trời hãy còn khoan dung, chưa đổ mưa lửa xuống trần gian, nhưng những tàn thuốc lá vô tình vẫn gây ra hỏa hoạn. Năm nào cũng có những vụ cháy rừng khủng khiếp ở California, thiệt hại hàng triệu đô la. Ngoài ra nếu vô ý nấu nướng, để quên lửa trên bếp thì nhà “của ta” cũng tan theo mây khói. Ở xứ Mỹ sung sướng như vậy mà nhà cửa còn không phải là “của ta” thì nói chi đến những xứ nghèo khổ hơn như ở Á châu, Phi châu.
Thí dụ về xe cộ. Khi mua được một chiếc xe hơi nhãn hiệu đời mới, ta rất hãnh diện với bà con lối xóm vì ta có chiếc xe ngon lành. Xe này là của ta, ta là chủ của xe. Nhưng theo kinh, nếu xe thực sự là của ta thì ta có thể ra lệnh cho xe phải theo ý ta chứ. Đối với xe thì có ba điều bất trắc xảy ra: xe hư, tai nạn, và mất cắp. Dù là xe nổi tiếng cách mấy đi nữa, như Mercedes, BMW, Jaguar, Roll Royce, cũng vẫn hư như thường (tuy ít hư hơn xe rẻ tiền). Nếu ta là chủ của nó thì hãy ra lệnh cho nó đừng hư thử xem? Ở Âu Mỹ, lái xe trên xa lộ nếu sơ ý hay bất cẩn một chút là mất mạng như chơi, vì xe chạy rất nhanh, khi đụng thì xe nào cũng bẹp rúm như lò xo. Nếu ta là chủ thì hãy nói nó đừng bẹp để ta đừng bị thương hay chết. Nếu ta có tiền mua xe đẹp thì lại càng phải cẩn thận gấp mười lần người đi xe cũ. Phải gắn máy báo động (alarm) để khỏi bị ăn cắp. Nếu xe thực sự là của ta thì không ai có thể ăn cắp được nó. Ngày nào còn đủ nhân duyên, phước đức thì có xe, xe không hư, và không bị tai nạn, mất cắp. Nhưng khi xui (tức là hết phước) thì xe sẽ bị hư, gặp tai nạn hay mất cắp. Do đó ta không phải là chủ của xe, và xe không phải thực sự là của ta.
Thí dụ về vợ chồng. Khi thương yêu ai thì ta muốn chiếm hữu người đó, cưới người đó về làm của mình. Sau khi làm đám cưới và đeo nhẫn cho nhau, ta tưởng người kia trở thành của ta. Ban đầu tình mới, tình còn đậm đà nên hai bên chiều lòng nhau làm ta có cảm tưởng (hay ảo tưởng) rằng ta muốn gì thì người kia đều nghe theo. Nhưng với thời gian, tình phai dần (vì vô thường) nên ta nói mà người kia không thèm nghe, nhiều khi còn chống lại nữa. Đến lúc này thì ta điên tiết lên, tại sao hồi trước nghe lời ta răm rắp mà bây giờ dám cãi lại ta? Nhiều lúc còn hăm bỏ và ly dị ta nữa!!! Trong kinh nói, ngay cả đối với năm uẩn ta còn không thể kiểm soát ra lệnh cho nó phải như thế này hay thế kia thì làm sao ta lại có thể ra lệnh cho người khác phải theo ý ta? Mình nói mình chưa được mà lại muốn người khác nghe lời mình, đó có phải là vô minh không? Vì không hiểu vợ hay chồng chỉ là danh nghĩa, quy ước thế gian, ký giao kèo sống chung hòa hợp để xây dựng hạnh phúc chứ không phải là của ta, nên ta rất đau khổ khi người kia trái ý hoặc bỏ ta. Ngày nào hai bên còn thương yêu, hiểu biết, thông cảm lẫn nhau thì còn hạnh phúc. Nhưng ngày nào không còn thương yêu, hiểu biết, thông cảm thì người kia sẽ bỏ ta, dù ta có muốn hay không. Do đó vợ chồng không phải là ngã sở, không phải là của ta.
Thí dụ về con cái. Chúng ta có thể đồng ý vợ chồng không phải là của ta, vì người kia là người dưng nước lã, nhưng con cái là do ta sinh ra, lý nào lại không phải là của ta? Con cái đúng là do ta sinh ra, lúc còn nhỏ nó phải tùy thuộc vào ta (là bậc cha mẹ), nên ta nói gì, làm gì nó cũng (phải) nghe theo, cho nên ta có cảm tưởng chắc chắn nó là của ta. Nhưng khi lớn lên, nó bắt đầu nghĩ khác, làm khác. Ta muốn nó chăm học thì nó lại thích đi chơi. Ta muốn nó học bác sĩ, kỹ sư thì nó lại đòi học đàn, học múa. Ta muốn nó cưới con nhà đàng hoàng, lịch sự thì nó lại thích những đứa bụi đời. Càng lớn thì nó càng trái ý ta và muốn biệt lập, tự do. Nếu ta làm quá thì nó bỏ nhà đi luôn, nhiều khi còn từ cha mẹ nữa. Theo kinh, nếu con cái thực sự là của ta thì ta có thể ra lệnh cho nó phải như thế này hay như thế kia theo ý ta chứ? Ta không bao giờ có quyền ra lệnh cho ai khác cả, nếu có là chỉ vì họ yếu thế phải lệ thuộc ta, hoặc là ta dùng vũ lực uy hiếp, hăm dọa họ. Khi ta có đủ phước đức nhân duyên thì con cái ra đời để trả nợ, đền đáp công ơn của ta qua sự hiếu thảo, vâng lời. Nếu ta thiếu phước, vì đời trước không tu nhân tích đức làm lành, thì con cái ra đời để đòi nợ, oan gia trái chủ, bất hiếu, làm ta điêu đứng, khổ sở. Do đó con cái không phải là ngã sở, không phải là của ta.
Vô ngã và Tánh Không
Khi nói đến vô ngã tức là ám chỉ năm uẩn vô ngã theo định nghĩa của kinh Vô Ngã Tướng. Nhưng rất tiếc kinh này ít được biết đến trong giới Phật tử Đại thừa. Bù lại họ thường tụng Bát Nhã Tâm kinh và rất quen thuộc với tư tưởng “ngũ uẩn giai không”. Vậy thì ngũ uẩn giai không? Hay ngũ uẩn vô ngã? Giai không và vô ngã có gì khác nhau?
Ngũ uẩn giai không
Bát Nhã Tâm kinh mở đầu như sau:
“Quán Tự Tại Bồ tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách. Xá lợi tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc. Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị....” Dịch nghĩa là: Quán Tự Tại Bồ tát khi thực hành thâm sâu bát nhã ba la mật đa, soi thấy năm uẩn đều không nên vượt thoát mọi khổ nạn. Xá lợi tử, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc chính là không, không chính là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy...
Trong đoạn kinh trên, có hai phần quan trọng, đó là hành thâm bát nhã ba la mật đa và chiếu kiến ngũ uẩn giai không. Từ hai phần này người ta lại rút ngắn lại thành trí Bát nhã và Tánh Không? Rồi khi bàn về Tánh Không, người ta quên mất ngũ uẩn mà lại nói về những sự vật khác như cái bàn, cái ghế, nhà, xe, thế giới, pháp giới, vũ trụ, v.v... Những thứ đó thật ra cũng là không, nhưng nếu quên phần chính yếu là ngũ uẩn thì sự hiểu biết những cái không kia không giúp ích gì nhiều trong việc diệt trừ phiền não khổ đau.
Bây giờ chúng ta hãy bàn về chữ “không” của kinh Bát Nhã. Bình thường khi nghe nói “không” thì người ta tưởng là “không có”, bởi vì quá quen thuộc với khái niệm Có và Không (Hữu và Vô). Cái gì mắt thấy, tai nghe hay sờ mó được thì cho là Có. Còn cái gì không thấy, nghe, sờ mó được thì cho là Không có. Chữ “Không” theo nghĩa thế gian là không có mặt, không hiện hữu, không có hình tướng, thuộc về không gian, vật chất.
Chữ “không” của kinh Bát Nhã là thuộc về tánh, cho nên gọi là Tánh Không (sunyata). Tánh Không không có nghĩa là không có gì hết. Cái “không” này không thể thấy bằng mắt, nghe bằng tai, mà phải thấy bằng lý trí, bằng sự quán chiếu. Mọi sự vật đều có hình tướng, nhưng không có tự tánh độc lập, cho nên gọi là Tánh Không. Tánh Không không từ chối sự có (hiện hữu) của sự vật. Chúng do nhân duyên hợp lại với nhau thành hình này, tướng nọ làm chúng ta cảm tưởng là có, nhưng chúng không có một bản tánh độc lập, tự hữu.
Hòa thượng Thanh Từ thường giảng chữ “không” là không có thật. Thiền sư Nhất Hạnh dịch chữ “không” là không có tự tánh. “Không có thật” nghe có vẻ bình dân và dễ hiểu hơn “không có tự tánh”. Những người bình dân chất phác khi nghe nói về không thì họ bỏ luôn chữ “thật” và “tự tánh” phía sau, chỉ giữ lại chữ “không có” cho gọn, đối với họ “không” là không có gì hết (nothing). Hòa thượng Thanh Từ vẫn thường nhắc nhở “không” là không có thật, chứ không phải là “ngoan không” hay “không ngơ”.
Dưới đây chúng ta hãy xem Luận sư Long Thọ (Nagarjuna), sơ tổ phái Trung Quán Ấn Độ (Madhyamika), và cũng là tổ Thiền thứ 14, định nghĩa về chữ “không” trong Trung Quán luận (Madhyamaka- sastra), phẩm XXIV, kệ 18:
Chúng nhân duyên sinh pháp,
Ngã thuyết tức thị không,
Diệc vi thị giả danh
Diệc thị trung đạo nghĩa.
(Các pháp do duyên sinh,
Ta nói đó là không
Cũng gọi là giả danh,
Cũng là nghĩa trung đạo.)
Câu “Ta nói đó là không”, chữ Ta ám chỉ đức Phật, nhưng cũng có thể hiểu đó là Long Thọ, tác giả Trung Quán luận. Nhưng dù là Long Thọ nói thì cũng như Phật nói, vì ngài viết bộ Luận để hiển bày ý Phật.
Theo Luận sư Long Thọ chữ “không” đồng nghĩa với duyên sinh, giả danh, và trung đạo. Nhưng trong phái Trung Quán, “không” hay tánh Không đã trở thành một phương pháp biện chứng phủ định để phá ngã chấp và pháp chấp của Nhị thừa và ngoại đạo. Tánh Không không phải là một định nghĩa về thực tại, mặc dù trong đó như có hàm ngụ ý nghĩa bản tánh của Thực tại là Không. “Bản chất hiện hữu của thực tại là Không, “vô tự tính”, nghĩa là không có yếu tính quyết định. Đó là ý nghĩa phủ định trong tiền đề Không của Trung Quán”. Tánh Không này là một loại phủ định tuyệt đối, không chừa một khe hở nào cho khẳng định có thể chui ra. Bình thường khi nói “không phải là cái này” thì tức là cái kia, đây là phủ định cái trước để khẳng định cái sau. Nhưng Tánh Không cũng phủ định luôn cả cái sau. Hễ đưa ra cái nào là bị phủ định cái đó. Chỉ có phủ định mà không khẳng định, nói cách khác đó là một loại phủ định bỏ lửng. Bởi thế Tánh Không là một phương thức luận lý mâu thuẫn hóa nhằm đẩy ngôn ngữ đi đến tận cùng khả năng của nó. “Thực tại tuyệt đối không thể định nghĩa, mà điều cần thiết là phải nhận thấy rõ những uẩn khúc của ngôn ngữ và vai trò của nó”. “Đặc tính của ngôn ngữ là mô tả. Thất bại của nó là không mô tả nổi Tuyệt đối Niết bàn”. Nói là cái này hay cái kia đều là sai, là bị kẹt. Nó dồn hành giả tới đường cùng, không thể dùng ngôn ngữ hay ý thức được nữa, may ra từ đó hành giả có thể đạt tới Thực tại. Vì Thực tại vượt ngoài ngôn từ, bất khả thuyết. Nhưng nếu hành giả không hiểu điều đó mà lại lay hoay trong suy luận trí thức thì Tánh Không rất dễ trở thành Hư vô luận, cái gì cũng bác hết để rồi không đưa tới đâu, hoặc tới chủ nghĩa hư vô đoạn diệt.
Cùng một chữ “không” mà bao nhiêu trường phái Phật giáo đã định nghĩa khác nhau. Trong Đại Trí Độ luận, ngài Long Thọ nêu ra nhiều loại “không” như: Phân phá không, Quán không, Thập bát không, Tam muội không, Sở duyên không, Tự tánh không. Giáo lý Tánh Không của Long Thọ không phải dễ hiểu, vì muốn hiểu nó người ta cần phải hiểu luôn cả lý Bát bất Trung đạo mà Long Thọ đề xướng ra, cùng với Nhị đế (Tục đế và Chân đế), Không và Hữu, cũng như giáo lý của các trường phái khác như Hữu bộ (Sarvastivada), Kinh lượng bộ (Sautrantika) và Duy thức (Yogacara).
Ở đây chúng ta hạn chế chữ “không” vào hai định nghĩa thông thường được nhiều người biết đến là: không có thật và không có tự tánh để bàn luận về “ngũ uẩn giai không”. Dù là định nghĩa nào đi nữa, “không” vẫn là phủ định, nhưng phủ định tới một mức nào thôi, đủ để tu tâm sửa tánh.
1/ Theo nghĩa “không có thật”.
Ngũ uẩn giai không là năm uẩn không có thật. Khi nói không có thật, tức ngụ ý nói là có giả. Như vậy năm uẩn vẫn có mà có giả, không có thật. Có giả nghĩa là còn có hình tướng, mặc dù đó là huyễn tướng. Sắc là giả có nên bây giờ trẻ đẹp, mai mốt già nua. Chữ “không” ở đây phủ định sự “có thật”, nhưng vô tình khẳng định sự “có giả”. Nó không phủ định được tướng “có” của năm uẩn, bởi vì năm uẩn vẫn có mà có giả.
2/ Theo nghĩa “không có tự tánh”.
Ngũ uẩn giai không là năm uẩn không có tự tánh, vô tự tánh (nihsvabhava). Thế nào là có tự tánh? Một vật có tự tánh tức là nó tự có một mình, tự hiện hữu độc lập, không cần phải lệ thuộc hay nương vào cái khác để hiện hữu. Do tự có một mình nên nó không bao giờ tiêu diệt. Năm uẩn không có tự tánh, tức là năm uẩn không thể tự có (hiện hữu) một mình được. Sắc không thể tự có một mình được, vì nó là tổ hợp của nhiều thứ khác như tứ đại, hoặc 32 thứ trong cơ thể con người. Thọ, Tưởng và Hành không thể tự có một mình được, vì nó phát sinh do căn, trần, thức hợp lại. Thức phát sinh do sự tiếp xúc giữa căn và trần. Năm uẩn không có tự tánh bởi vì do duyên sinh, cái này có vì cái kia có. Năm uẩn chỉ là duyên sinh, không có tự tánh, chỉ là giả danh, một cái tên tạm gọi, nên không thể nắm bắt được. Thấy hình như có, nhưng tìm lại thì không thấy.
Ngoài kinh Vô Ngã Tướng dạy về ngũ uẩn vô ngã, đức Phật còn thuyết nhiều kinh khác dạy về cách quán chiếu tánh như huyễn và tánh không của ngũ uẩn. Thí dụ như Kinh Bọt Nước, trong Tương Ưng Bộ Kinh, tập III, Thiên Uẩn, Chương V, Phẩm Hoa, đoạn III. Trong kinh dạy quán năm uẩn như sau:
“Sắc ví với đống bọt,
Thọ ví bong bóng nước,
Tưởng ví ráng mặt trời,
Hành ví với cây chuối,
Thức ví với ảo thuật,
Đấng bà con mặt trời,
Đã thuyết giảng như vậy.”
Ví như trên sông chảy mang theo một đống bọt nước, nhìn xa thấy có hình thù giống như một người, nhưng lại gần bốc lên quan sát thì nó trống rỗng, không có gì ở trong. Sắc cần được quán chiếu như vậy, tức là sắc có hình tướng và người đời tưởng là có cái Ta ở bên trong, nhưng tìm kỹ lại thì sắc trống rỗng, không có cái Ta nào ở trong đó hết, chỉ toàn là da, thịt, xương, gân, máu, mủ, đờm, dãi, v.v...
Thọ ví như bong bóng nước. Bong bóng nước nhỏ hơn chùm bọt nước, nhưng cũng có hình dáng tròn tròn. Thấy có đó, nhưng đụng vào thì vỡ tan, không có thực chất, trống rỗng bên trong. Thọ cũng như vậy, mọi cảm thọ sướng, khổ, hiện ra như có, nhưng khi muốn nắm giữ nó thì nó tan biến mất.
Tưởng ví như ráng mặt trời. Vào buổi trưa mùa hạ, trời nóng làm hiện ra những làn sóng nắng trên mặt đất. Nhìn xa tưởng là có nước, nhưng lại gần tìm thì không có. Cũng thế, trong đầu chúng ta tưởng cái này, tưởng cái kia, nhưng chợt tỉnh tìm lại thì những thứ đó biến đâu mất.
Hành ví như cây chuối. Ví như có người đi vào rừng để tìm lõi cây, thấy một cụm cây chuối mọc thẳng, cao vút. Anh ta bèn chặt cây chuối đem về để tìm lõi cây. Nhưng lột từng bẹ chuối ra, từ ngoài cho đến trong, không tìm thấy một lõi cây nào. Hành cũng như vậy, chúng ta luôn luôn suy nghĩ, tính toán, lo âu việc này việc nọ, nhưng nếu quay trở vào trong tìm xem người suy nghĩ là ai thì không thấy.
Thức ví như ảo thuật. Ví như có nhà ảo thuật, dùng bùa chú làm hiện ra những con vật này, vật kia. Nhưng cuối màn, những con vật đó biến mất hết, không thể tìm thấy được. Tất cả những nhận thức, phân biệt khởi lên làm cho con người mê hoặc, tưởng lầm như có một cái Ta là tác giả, là chủ nhân đứng phía sau, nhưng nếu tìm kỹ lại thì không có ai cả.
Ngũ uẩn phối hợp với nhau hoạt động nhịp nhàng làm cho người đời tưởng lầm có một cái Ta ở bên trong điều khiển. Nhưng với trí tuệ quán chiếu sâu xa thì sẽ thấy chúng vô ngã và ảnh hiện như huyễn.
Tóm lại, dịch chữ “không” là không có thật hay không có tự tánh đều được cả. Bởi vì không có tự tánh, chỉ là giả danh, nên không thể nắm bắt được. Do không thể nắm bắt được nên không thật có. “Không” hay Tánh Không chỉ là phương tiện phá chấp, nhưng nếu tôi nổi sân lên khi thấy cái “không”của bạn không giống cái không của tôi thì “không” liền trở thành “có”, có phiền não chấp trước, và Tánh Không trở thành thuốc độc.
Bát Nhã và Tánh Không
Khi Bồ tát Quán Tự Tại thực hành thâm sâu Bát nhã ba la mật đa thì thấy được Tánh Không của năm uẩn. Bát nhã là một loại trí tuệ thấy được Tánh Không, cho nên gọi là Trí Bát nhã. Trí Bát nhã không phải là Tánh Không. Khi hiểu được thể tánh hay bản chất thực sự của các pháp không thật có thì gọi là thấy được Tánh Không. Nhưng cái thấy này không phải bằng mắt nên không thấy hoài được, phải vận dụng trí óc suy tư mới thấy, cho nên gọi là quán chiếu. Thường suy tư quán chiếu theo lời dạy của đức Phật (như trên) để thấy ngũ uẩn không có thật tánh, như đống bọt, bong bóng nước, sóng nắng, cây chuối, ảo thuật thì gọi là Trí Bát nhã.
Từ Vô Ngã đến Tánh Không
Theo quan niệm của Đại thừa, lúc mới bắt đầu thuyết pháp cho đệ tử, đức Phật chỉ dạy ngũ uẩn vô ngã, vì căn bệnh chính của chúng sinh là bệnh chấp ngã, chấp năm uẩn là ngã (Ta), cho cái ngã có thật. Sau khi các đệ tử tu tập chứng quả A-la-hán rồi, không còn chấp ngã nữa, nhưng còn cho năm uẩn là thật có nên Phật mới giảng ngũ uẩn giai không hay Tánh Không để phá sự chấp pháp. Các kinh A-Hàm (Agama) hay Nikaya của Tiểu thừa chỉ dạy về ngã không (atmasunyata), phải chờ đến thời Bát nhã, đức Phật mới dạy về pháp không (dharmasunyata). Trong Bát nhã tâm kinh, khởi đầu cũng nói về ngũ uẩn giai không, nhưng sau đó nói đến cái không của các pháp, không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch, không tăng, không giảm rồi tới cái không của năm uẩn, sáu căn, sáu trần, mười tám giới, mười hai nhân duyên, tứ đế. Do đó Tánh Không được xem là rộng lớn hơn Vô ngã. Chúng ta có thể tóm lược đại ý như sau:
- Ngũ uẩn vô ngã = ngã không > phá ngã chấp
- Ngũ uẩn giai không = pháp không > phá pháp chấp
Quan niệm của Đại thừa nghe cũng có lý, nhưng nếu đọc kỹ các kinh Nguyên thủy, chúng ta sẽ thấy sự việc không hẳn như vậy. Thí dụ trong kinh Bọt Nước (ở trên), đức Phật đã dạy quán năm uẩn không thật có, và trong kinh Pháp Cú (Dhammapada) ba bài kệ số 277, 278, 279 được tóm gọn lại thành một bài kệ “Tam pháp ấn” dưới đây:
Tất cả hành vô thường
Tất cả hành khổ đau
Tất cả pháp vô ngã
Với tuệ quán thấy vậy
Đau khổ được nhàm chán
Chính con đường thanh tịnh.
Chữ hành (sankhara) trong câu thứ nhất có nghĩa là các pháp hữu vi, do nhân duyên hợp thành nên vô thường. Chữ hành trong câu thứ hai ám chỉ ngũ uẩn. Chữ pháp (dhamma) trong câu thứ ba không phải là Phật pháp mà là tất cả sự vật gồm hữu vi và vô vi. Dù là nhân duyên hợp thành hay không do nhân duyên hợp thành, tất cả sự vật đều vô ngã. Chữ “vô ngã” ở đây cần được hiểu ra sao? Câu “chư pháp vô ngã” sẽ có ý nghĩa thâm sâu nếu dịch chữ ngã là tự ngã, hay tự tánh. Khi đó chư pháp vô ngã có nghĩa là các pháp không có tự ngã, không có tự tánh. Và như vậy thì vô ngã ở đây đương nhiên có nghĩa là tánh không. Chư pháp vô ngã = tánh không. Tánh Không của Đại thừa đã nằm sẵn trong giáo lý Nguyên Thủy.
Sự liên quan giữa vô ngã và tánh không có thể được tóm lược như sau:
Vô ngã = không phải là ta = ngã không.
Vô ngã = không có tự ngã = vô tự tánh = tánh không.
Vô ngã áp dụng vào ngũ uẩn = nhân vô ngã = ngã không
Vô ngã áp dụng vào các pháp = pháp vô ngã = pháp không
Dù dịch vô ngã theo kiểu nào đi nữa thì vô ngã vẫn là tánh không. Vì cả hai đều cùng một bản chất, đó là phủ định sự hiện hữu của ngã.
Có ngã hay không?
Như vừa thấy ở trên, vô ngã có thể dịch là không có ngã hoặc không phải là ngã, nhưng vô ngã luôn luôn đi sau một chủ từ, đó là ngũ uẩn vô ngã hay các pháp vô ngã. Trong các kinh Nikaya đức Phật lập đi lập lại những câu hỏi: “Sắc là thường hay vô thường? Cái gì vô thường là khổ hay sướng? Cái gì vô thường, khổ thì có lý chăng khi nói cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta?”. Rồi ngài dạy quán: “Cái này không phải của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta”. Nghi vấn được đặt ra là nếu cái này không phải là Ta, vậy thì Ta là cái gì? Trước khi nói cái này hay cái kia không phải là Ta thì phải xét xem cái Ta (ngã) có hay không đã? Sao không thấy đức Phật nói thẳng Ngã là gì, có hay không mà chỉ nói những thứ khác như sắc, thọ, tưởng, hành, thức không phải là Ngã?
“Người đời thường nghiêng về hai khuynh hướng nhận thức: một là có, hai là không. Đó là do vướng mắc vào cái tri giác sai lầm của mình. Vì vướng mắc vào tri giác sai lầm đó cho nên mới kẹt vào hoặc ý niệm có hoặc ý niệm không”. Nếu trả lời cái Ta (ngã) là có thì rơi vào chấp thường. Nếu trả lời cái Ta là không thì rơi vào chấp đoạn. Cách thuyết pháp của đức Phật không rơi vào nhị biên, nên ngài không bao giờ trả lời thẳng là có hay không. Ngài thường trả lời theo lý trung đạo nhân duyên: cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không. Do trả lời như vậy nên người nghe không thể bám víu, chấp thủ. Ngoài ra ngài cũng không trả lời thẳng là có hay không mà thường dùng phương tiện hỏi ngược lại để người hỏi tự chứng ngộ lấy. Chúng ta muốn có đáp số ngay lập tức, nhưng ngài lại bắt chúng ta phải tự làm bài và tìm ra đáp số.
Trong kinh Trung Đạo Nhân Duyên, Phật nói với Ca Chiên Diên (Kaccayana): “Phần lớn người đời đều bị kẹt vào chấp và thủ. Người không bị kẹt vào chấp và thủ thì không còn nắm giữ, kế đạt và vọng tưởng về cái ngã nữa”. Đức Phật không trả lời thẳng là Ngã (cái Ta) có hay không, nhưng qua lời kinh chúng ta vẫn có thể hiểu được là không có Ngã, cái Ta không có, nó chỉ là một vọng tưởng, một ý tưởng mê lầm.
Trong kinh Kaccayanagotta, đức Phật nói: “Này Kaccàyana, chấp thủ phương tiện và bị thiên kiến trói buộc, phần lớn thế giới này là vậy. Và ai với tâm không trú trước, không chấp thủ phương tiện ấy, không chấp thủ thiên chấp tùy miên ấy, không có chấp trước, không trú trước, vị ấy không có nghĩ: “Đây là tự ngã của tôi”. Như vậy có nghĩa là khi tâm chấp trước, bị thiên kiến trói buộc thì người đó khởi lên ý nghĩ về ngã, và liền cho đây là ngã của tôi (cái ta của tôi).
Trong kinh Người Bắt Rắn, có đoạn: “Vì có ý niệm về ta cho nên có ý niệm về của ta, nếu không có ý niệm về ta thì sẽ không có ý niệm về của ta. Ta và của ta đều là những ý niệm không thể nắm bắt được, không thể thiết lập được... Vì xét ra thì không có cái ta mà cũng không có cái của ta.... Tại vì cái ta đã không có mà cái của ta cũng không”. Ở đây nói rõ ngã và ngã sở chỉ là những ý niệm, vọng tưởng, không có thật.
Tóm lại vô ngã mang đủ cả hai nghĩa:
1. Không phải là ta, là của ta.
2. Không có ta. Chữ ta ở đây là cái ta, cái tôi.
Nghi vấn
1. Vô ngã theo nghĩa thứ nhất, tức không phải là ta, là của ta thì có thể chấp nhận được. Nhưng nghĩa thứ hai, vô ngã là không có ta, vậy tại sao mọi người lại thấy có ta?
- Vì tập khí vô minh, nghiệp chướng lâu đời nên chúng sinh thấy có Ta (ngã). Cái thấy của chúng sinh là một ảo giác, một ảo tưởng như năm thí dụ trong kinh Bọt Nước. Thí dụ như đi xem xi-nê, vào rạp tắt đèn tối om, khán giả không còn tự nhìn thấy mình nữa mà chỉ thấy người trên màn ảnh. Đến một lúc nào đó, bị lôi cuốn bởi phim hay nên khán giả bất giác quên mình, tưởng người trong phim là thật, khi thấy người trong phim bị đánh giết thì tự nhiên la hoảng lên, vô tình nhận người trong phim là mình, là ta. Màn ảnh và cuốn phim có nhưng không phải là ta.
2. Vậy thì người đang ngồi xem phim là ai?
- Người đang ngồi xem phim chỉ là năm uẩn, không phải là ta.
3. Không có ta, vậy tại sao trong các kinh vẫn thấy đức Phật và đệ tử dùng chữ ta khi xưng hô nói chuyện?
- Đây là điều tế nhị và quan trọng. Trường phái Trung quán Madhyamika Prasangika đã phân tách rõ hai loại ta: một cái ta tương đối và một cái ta tuyệt đối. Cái ta tương đối thì có vì nó là danh từ tạm đặt trên năm uẩn, nhưng cái ta tuyệt đối thì không có (xin xem tiếp phần sau).
4. Có người cho vô ngã chỉ là một khái niệm do Phật tạm thời đặt ra để phá sự chấp ngã của chúng sinh, chứ thật ra vẫn có ngã, vì trong kinh Đại Bát Niết Bàn, đức Phật nói về Thường, Lạc, Ngã, Tịnh?
- Trước hết, có cái gì không phải là khái niệm (concept)? Ngay cả những danh từ như Phật tánh, Niết bàn, Pháp thân, Bát nhã, Chân như, Tánh Không, v.v... cũng đều là khái niệm. Tất cả những gì được nhận thức, quan niệm, suy tư bởi ý thức đều là khái niệm. Có những khái niệm đưa con người vào si mê, lầm lạc, tạo nghiệp ác. Có những khái niệm đạo đức, thanh cao, đưa con người thăng hoa, giải thoát như: Bát nhã, Phật tánh, Niết bàn, vô thường, vô ngã, v.v... Tuy nhiên những danh từ trên không phải chỉ là khái niệm. Thí dụ về Niết bàn, nó là một khái niệm trừu tượng đối với chúng sinh chưa giác ngộ, nhưng đối với Phật và A-la-hán, nó chính là một thực tại. Thí dụ Hỏa tinh (Mars) là một khái niệm đối với dân quê miền thượng du, nhưng nó là một hành tinh có thật đối với các nhà bác học về thiên văn. Vô ngã đúng là một khái niệm đối với chúng sinh còn chấp ngã, nhưng đối với người có tu tập về Thiền Minh sát (Tứ Niệm Xứ) thì nó là một kinh nghiệm có thật, thấy rõ và cảm nhận được. Nếu bạn chấp nhận vô thường có thật thì vô ngã cũng có thật. Bởi vì vô thường và vô ngã là một. Vô thường là đứng trên phương diện thời gian, còn vô ngã là đứng trên phương diện không gian. Ngày nào trong tâm còn chấp ngã thì nhìn đâu cũng thấy có ngã, thấy Niết bàn là ngã, là chân ngã, chân tâm là chân ngã, chân như là chân ngã, pháp thân là chân ngã. Cái ngã rất khó tiêu diệt, vì nó khôn lanh vô cùng, biết len lỏi, ẩn mình và sống bám vào phía sau những lý luận Phật giáo.
Khi chứng được vô ngã rồi thì tất cả những danh từ, khái niệm vô ngã hay chân ngã đều trở thành vô nghĩa và dư thừa. Giáo lý của Phật nói ra đều là phương tiện như ngón tay chỉ mặt trăng. Khi thấy được mặt trăng thì ngón tay không cần thiết. Nhưng nếu không có ngón tay thì biết mặt trăng ở chỗ nào mà ngó?
Cái chấp lớn nhất của chúng sinh là chấp ngã. Vô ngã là giáo lý tốt nhất để trị bệnh này. Nếu không tu tập vô ngã mà lại cho đó là khái niệm rồi xem thường thì đến kiếp nào mới thoát khỏi tập khí chấp ngã?
Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, đức Phật có nói về Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Trước kia đức Phật không nói nhiều về Niết bàn, bởi vì đó là cảnh giới tự chứng, bất khả tư nghì, bất khả thuyết, vượt ngoài ngôn từ khái niệm của thế gian. Nhưng có nhiều người tưởng Niết bàn là hư vô đoạn diệt, nên bất đắc dĩ Phật phải dùng danh từ của thế gian mà diễn tả Niết bàn qua bốn đức tính Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Chúng sinh mê lầm chấp cái thân tứ đại là thường nên Phật dạy vô thường. Chấp thân tứ đại là vui nên Phật dạy về khổ. Chấp ngũ uẩn là ngã (ta) nên Phật dạy vô ngã. Chấp thân tứ đại là đẹp đẽ sạch sẽ nên Phật dạy bất tịnh. Còn Niết bàn (hay Pháp thân) thường hằng không sinh diệt (Thường), an vui không phiền não (Lạc), là Pháp thân viên mãn tự tại (Ngã) thanh tịnh không ô nhiễm (Tịnh). Bốn danh từ Thường, Lạc, Ngã, Tịnh là những khái niệm mà thế gian đã dùng cho ngũ uẩn và thân tứ đại. Vì vậy bốn danh từ này cũng chỉ là phương tiện. Chữ Ngã ở đây có nghĩa là Pháp thân chứ không phải cái Ta tầm thường ích kỷ. Nếu không biết như vậy mà cho vô ngã là phương tiện, và cho ngã của kinh Niết Bàn là chân ngã (cứu cánh) thì vẫn còn chấp ngón tay là mặt trăng.
Xưa kia các đệ tử của Phật phải tu chứng giải thoát, rồi sau 45 năm, trước khi nhập diệt, đức Phật mới dạy cho họ kinh Niết Bàn. Ngày nay chúng ta chưa tu tập gì hết mà được đọc kinh Niết Bàn nên cái ngã chưa diệt trừ liền chấp ngay Niết bàn là chân ngã.
5. Về Tánh Không, nếu các pháp là Không thì tại sao chúng sinh lại thấy là thật Có? Mắt thấy, tai nghe rõ ràng?
- Sự thấy các pháp thật có là do nghiệp của con người, cộng nghiệp khiến cho sáu căn thấy sáu trần là như vậy: chỉ thấy tổng tướng mà không thấy biệt tướng. Thí dụ đứng trước một thác nước, mắt người không thấy được từng giọt nước mà chỉ thấy một màn trắng xóa. Khi nhìn thấy nước, loài người thấy đó là nước uống, loài cá thấy là nhà ở, chư thiên thấy là lưu ly, ngạ quỷ thấy là máu mủ. Cùng là một vật, nhưng do cộng nghiệp và biệt nghiệp nên mỗi loài thấy khác nhau. Nếu các pháp có thật tánh thì loài nào nhìn vào cũng phải thấy cùng một thứ. Chúng sinh chấp những gì mắt thấy, tai nghe là có thật, nhưng đó là một sự lầm chấp. Thí dụ khác như có người cầm một cây đuốc rồi quay thật nhanh, mắt người thường sẽ thấy một vòng lửa, nhưng thật ra không có một vòng lửa nào hết mà chỉ có những đốm lửa di chuyển rất nhanh. Do lầm chấp nên mới sinh ra đau khổ. Muốn thấy, biết Tánh Không hay thật tánh của các pháp thì phải dùng trí tuệ quán chiếu mới thấy, không thể dùng mắt trần, mắt thịt mà thấy được.
Ngoài ra không nên lầm lẫn giữa “Không có” và Tánh Không. Điều này đã được giải thích ở trên. Các pháp vẫn có, vẫn hiện hữu, đó là sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Chữ “không” trong kinh Bát Nhã có nghĩa là không có tự tánh, hoặc không có thật. Thí dụ về cái ly: “Cái ly là không” khác với “không có cái ly”. Cái ly là không, nghĩa là cái ly có mặt, nhưng thể tánh của nó là không, hay không có tự tánh, chứ không phải là không có cái ly.
Ngoài ra chữ sắc trong kinh Bát Nhã cần được quán chiếu ngay nơi thân để giải trừ sự chấp ngã. Vì chữ sắc này là sắc uẩn, liên quan đến con người, chứ không phải đồ vật bên ngoài. Đọc tụng ngũ uẩn giai không, bàn luận về tánh Không có giúp cho ta bớt chấp ngã hay không?
Hai loại ta
Cho tới bây giờ, chắc bạn đọc đã để ý là từ đầu cuốn sách có những lúc tôi dùng chữ Ta (viết hoa), và có lúc dùng chữ ta (viết nhỏ). Đó là vì có dụng ý. Qua câu hỏi số ba ở trên, chúng ta sẽ nói rõ về hai loại ta. Điều này tôi đã viết trong sách Vô Ngã, ở đây xin nói lại.
Như đã định nghĩa ở phần trước, chữ Ta được dùng để chỉ cái ngã, hay bản ngã (ego), còn chữ ta được dùng để chỉ chúng ta, là con người, là chúng sinh, tiếng Anh là human, person, sentient beings. Chữ ta là một danh từ quy ước (convention) xưng hô của xã hội. Nhưng chúng ta ai nấy đều có một cái Ta (we all have an ego). Trong đời sống bình thường ta và cái Ta rất giống nhau, bởi vì cái Ta nó sai sử ta, điều khiển ta, khi cái Ta bị tổn thương thì ta cũng cảm thấy bị tổn thương. Thí dụ như tên tôi là Hùng. Hùng chỉ là một cái tên do cha mẹ đặt cho tôi khi mới sinh. Hùng trở thành cái tên của tôi (ngã sở), và Hùng cũng là tôi (ngã). Khi cho Hùng là tôi thì Hùng trở thành cái ngã (cái Ta), và lúc đó nếu có ai kêu tên Hùng ra chửi thì tôi nổi giận liền. Người ta chỉ chửi một cái tên, một cái danh, cái tên đó là chữ H + chữ Ù + chữ N + chữ G. Đúng ra thì mấy chữ này phải nổi giận chứ, nhưng nó không nổi giận mà tôi nổi giận. Bởi vì tôi không còn thấy Hùng là một cái tên nữa mà là cái ngã của tôi (tự ngã của tôi), cho nên ai xúc phạm đến tên Hùng tức là đụng đến tôi hay cái Ta của tôi.
Khi có năm uẩn hợp lại thành một con người (puggala, person) thì chúng sinh chấp vào đó cho là Ta, là ngã (atta, ego).
Sự chấp ngã này có bốn loại, (thí dụ với sắc):
1. Chấp sắc là Ta
2. Chấp sắc nằm trong Ta: tức sắc nhỏ, Ta lớn.
3. Chấp Ta nằm trong sắc: tức Ta nhỏ, sắc lớn.
4. Chấp Ta có sắc: tức Ta khác sắc và sắc thuộc ý Ta.
Trên đây là bốn điều lầm chấp về sắc uẩn. Đối với bốn uẩn còn lại cũng lầm chấp như trên, chỉ thay thế thọ, tưởng, hành, thức vào chữ sắc. Như thế là có 20 sự lầm chấp về năm uẩn; 20 sự lầm chấp này xảy ra trong cả ba thời gian: quá khứ, hiện tại, vị lai. Thí dụ chấp cái sắc (thân) hôm qua là Ta, cái sắc hôm nay cũng là Ta và cái sắc ngày mai cũng vẫn là Ta. Như vậy là có 60 (20 chấp x 3 thời) sự lầm chấp. Thêm vào hai lầm chấp nữa là chấp thường và chấp đoạn: cho cái Ta thường còn vĩnh cửu hoặc mất hẳn sau khi chết. Tổng cộng là 62 tà kiến, lầm chấp về Ngã.
Ngoài sự vô minh lầm chấp của ngũ uẩn, bên ngoài lại thêm ngôn ngữ bao vây. Sống ở đời phải có tiếp xúc, nói năng qua lại. Hễ nói năng thì phải xưng hô, phải có chủ từ, động từ, túc từ, v.v... Chủ từ thì có ngôi thứ nhất là tôi, thứ hai là anh, thứ ba là nó. Chủ từ số nhiều thì có chúng tôi, các anh, chúng nó. Mỗi khi mở miệng ai nấy đều nói tôi, tôi là, tôi có, tôi thế này, tôi thế kia. Suốt ngày nói tôi như vậy mà bảo là không có tôi (ta) thì ai tin được??? Giáo lý vô ngã của đạo Phật kể ra cũng ngược đời. Chính vì sự lủng củng và giới hạn của ngôn ngữ nên nhiều người không hiểu nổi vô ngã. Ngay cả những sách Phật giáo cũng không tránh khỏi sự mâu thuẫn ngôn ngữ khi nói: “ta trôi lăn trong sinh tử luân hồi bởi chấp ngũ uẩn là ta”, “vì vô minh, ta chấp danh sắc cho là ngã”, “ta chấp ngũ uẩn là Ta”, “ta phải diệt trừ vô minh và ái dục”, v.v... Nếu vô ngã, không có ta thì cái ta trôi lăn trong sinh tử luân hồi này là ai? Cái ta chấp danh sắc này là ai? Cái ta chấp ngũ uẩn này là ai? Cái ta nào phải diệt trừ vô minh, ái dục?
Trường phái Trung Quán phân tách rõ về hai loại ta: cái ta tương đối (le Je relatif) và cái Ta tuyệt đối (le Je absolu).
Thế nào là cái ta tương đối? Cái ta tương đối là một danh từ giả lập (tạm lập ra) để chỉ năm uẩn. Mỗi khi năm uẩn hợp lại thì gọi đó là ta (ngã), nó là một danh từ quy ước để xưng hô và chỉ định sự khác biệt giữa từng cá nhân trong cộng đồng. Thí dụ khi đi chợ, bạn nói: “Tôi đi chợ”. Cái tôi (ta) này thuộc loại giả lập, vì thực tế có một cái thân này đi chợ chứ không phải cái thân của người khác đi chợ, và cái ta được chỉ định trên cái thân này, liên quan và tùy thuộc vào thân.
Thế nào là cái Ta tuyệt đối? Cái Ta tuyệt đối là cái ta tự nó hiện hữu độc lập, tự tánh, không lệ thuộc vào năm uẩn, thường còn, bất biến, nó hiện hữu như là chủ của năm uẩn, điều khiển năm uẩn. Thí dụ như có ai chửi bạn, bạn sẽ cảm thấy khó chịu, tức tối: “Tại sao nó chửi Tôi?” Chính ngay lúc đó, nếu để ý, bạn sẽ thấy có một cái Tôi (Ta) hiện hữu rõ ràng độc lập không ăn nhằm gì đến thân hay tâm cả! Cái Tôi (Ta) đó bị chửi, bị tổn thương chứ không phải cái tâm hay thân bị chửi. Người ta đâu có chửi thân tôi, đâu có chửi tâm tôi, người ta chửi “Tôi” mà! Cái “Tôi” này chính là cái Ta tuyệt đối, có tự tánh độc lập. Chính cái Ta này được mọi người nhận lầm là ngã (hay tự ngã), cho nên tôi dùng chữ Ta để chỉ định nó. Cái Ta này thật ra không có (inexistant), nó chỉ là một ảo tưởng, một lầm chấp, chúng sinh vô minh nên lầm tưởng ta là Ta, cho cái ta (giả danh) là một cái Ta (tuyệt đối) thật có.
Theo Trung Quán, giáo lý vô ngã phủ định cái Ta tuyệt đối, chứ không phủ định cái ta tương đối.
“Thông thường, vì không để ý xem cái ta hiện hữu kiểu nào, có mấy loại, nên người ta chấp lẫn lộn cả hai loại. Trong hai cái ta thì cái Ta tuyệt đối, hiện hữu độc lập tự tánh là một tà kiến cần phải dẹp trừ, vì thực sự nó không bao giờ có. Còn cái ta giả lập tương đối, là một quy ước tục đế (samvrti), nó vô hại một khi đã thấu hiểu vô ngã. Các vị A-la-hán, Bồ tát, sau khi chứng ngộ vẫn tiếp tục dùng chữ ta (tôi) để xưng hô hay nói chuyện với người khác, nhưng trong tâm của các ngài không còn bám víu vào một cái Ta (ngã), không còn bóng dáng của một cái Ta hiện hữu độc lập. Cái ta giả lập (tương đối) tự nó không phải là một tà kiến, nhưng nếu không hiểu vô ngã thì mỗi lần dùng đến nó như nói: Tôi đi, tôi làm, tôi nói, tôi là, tôi có, v.v... chúng ta lại vô tình củng cố thêm sự chấp ngã sâu dày từ đời vô thỉ”.
Lợi ích của vô ngã
Giáo lý vô ngã là nền tảng, là căn bản của đạo Phật, cho nên dù tu theo Nam tông hay Bắc tông, Nguyên thủy hay Đại thừa, Thanh văn hay Bồ tát cũng cần phải học và tu tập vô ngã. Chúng ta hãy xét đến lợi ích của vô ngã trên hai phương diện: đời sống hằng ngày và trên đường đạo.
Trong đời sống hằng ngày, chúng ta đau khổ phiền não vì tham, sân, si, giận hờn, ưa ghét, buồn lo, v.v... tất cả những thứ phiền não đó có là vì chấp ngã mà ra. Vì khi tham thì ai tham? Tham cho ai, vì ai? Khi tham thì Ta tham chứ ai vào đây. Ta tham cho Ta, cho vợ con của Ta, cho gia đình của Ta, vì quyền lợi của Ta.
Khi sân thì ai sân? Tại sao sân? Khi sân thì Ta sân. Ta sân tại vì người khác làm trái ý Ta. Khi ưa thì ai ưa? Khi ghét thì ai ghét? Khi ưa thì Ta ưa, ưa những thứ làm cho Ta vừa lòng. Khi ghét thì Ta ghét, ghét những thứ làm cho Ta bực bội, khó chịu.
Khi có nội kết thì ai có? Tại sao có nội kết? Khi có nội kết thì Ta có. Có nội kết bởi vì người khác làm tổn thương Ta, danh dự của Ta, tình cảm của Ta.
Chấp ngã nhiều chừng nào thì khổ đau nhiều chừng đó. Ngược lại, tu tập vô ngã nhiều chừng nào thì bớt khổ nhiều chừng đó.
Do chấp ngã nên sinh ra đủ thứ phiền não liên quan đến ngã sở và ngã kiến. Ai đụng vào ngã sở như nhà cửa, vợ con, tài sản, quyền lợi của Ta thì Ta nổi sân lên, không sân được thì lo sợ mất. Người tu tập vô ngã không còn chấp tài sản là của Ta thì khi bị mất mát sẽ không đau khổ bằng người chấp ngã.
Do chấp ngã kiến, tức là cho ý kiến của Ta lúc nào cũng phải, cũng đúng, nên sinh ra cãi nhau, tranh chấp phải trái, hơn thua, lời qua tiếng lại, tệ nữa là tới đánh nhau, giết nhau. Người tu vô ngã trở nên khiêm cung, không ngã mạn, khoe khoang, nên được mọi người thương mến. Người tu vô ngã mới đầu chưa thuần thục còn bị đau khổ trước một lời nói ác độc. Khi tu khá hơn thì ngã chấp tiêu mòn, nếu bị chửi chỉ còn thấy khổ sơ sơ. Cuối cùng khi ngã chấp không còn thì mọi đau khổ đều tan biến.
Vì thế nên biết vô ngã chính là Niết bàn. Vì Niết bàn (Nirvana) có nghĩa là tịch diệt, là một trạng thái không còn bóng dáng khổ đau.
Kinh Pháp Cú (câu 81) có nói:
Như ngọn núi kiên cố
Không gió nào lay động
Cũng vậy, giữa khen chê
Người trí không dao động.
Người trí ở đây chính là người đã thấu rõ lý vô ngã.
Trên con đường tu đạo, vô ngã rất quan trọng và cần thiết, không thể bỏ qua được. Cũng vì không hiểu, không biết lý vô ngã nên nhiều người tu lâu mà càng xa đạo, càng chấp ngã, chấp danh, chấp tướng.
Tu vô ngã thì làm các việc phước thiện như bố thí, cúng dường sẽ không cần chùa hay thầy phải ghi tên mình vì hiểu không có một cái Ta bố thí mà chỉ có một sự bố thí. Đây gọi là Bố Thí Ba La Mật.
Tu vô ngã thì giữ giới trở thành tự nhiên, không còn cái Ta nào bị gò bó hay cấm đoán.
Tu vô ngã thì nhẫn nhục trở nên dễ dàng, vì không còn thấy có Ta bị chửi, bị nhục.
Tu vô ngã thì thiền định sáng suốt không bị vọng tưởng mê hoặc. Khi những ý niệm tốt xấu khởi lên trong tâm liền biết rõ: “Đó chỉ là những ý niệm hiện khởi”, ngoài ra không có một cái Ta nào tốt hay xấu.
Tu vô ngã tức là trí tuệ ba la mật. Trí tuệ ba la mật, còn gọi là bát nhã ba la mật, tức trí tuệ thấy chư pháp vô ngã.
Tu vô ngã tức là thực hành Kinh Kim Cang, xa lìa bốn tướng chấp: ngã, nhơn, chúng sinh, thọ giả.
Tu vô ngã để hành Bồ tát đạo, vì bồ tát thường cứu độ chúng sinh mà không thấy có Ta là người cứu độ, có chúng sinh là người được độ.
Nhờ vô ngã nên Bồ tát sẵn sàng xả thí thân mạng, ra vào sinh tử, chịu đựng khổ đau để cứu khổ chúng sinh.