Lời nói đầu
Nhiều người đến với đạo Phật để tìm cách giải trừ phiền não, khổ đau. Họ đọc tụng kinh chú, ăn chay, niệm Phật, làm công quả, cúng dường, bố thí, nhưng lại không biết diệt trừ bản ngã thì phiền não và khổ đau vẫn còn hiện hữu. Trải qua bao nhiêu năm trong đạo vẫn chấp vào cái Ta, kiêu căng, ngạo mạn, khoe khoang, chạy theo danh lợi; đến khi cái ngã bị trái ý, tổn thương thì giận dữ, sân si tạo khẩu nghiệp mắng chưởi, mạ nhục kẻ khác.
Nhiều Phật tử thường hỏi tôi có cách gì tu cho bớt tham, sân, si không? Chẳng lẽ họ không biết tụng kinh, niệm Phật, trì chú, ngồi thiền hay sao? Nhưng tụng kinh để sửa đổi tánh tình hay để cầu xin được phước? Niệm Phật để sinh về Cực Lạc hay để bớt lo âu, buồn giận? Trì chú để đạt được quyền năng, thần thông hay để diệt trừ tham lam, sân hận? Ngồi thiền để làm cái gì? Kiến tánh thành Phật chăng? Nhưng làm sao thành Phật được khi bản ngã không trừ?
Dù tu theo bất cứ pháp môn nào, Thiền, Tịnh, hay Mật mà còn chấp ngã, không biết dẹp trừ bản ngã, lúc nào cũng lo cho cái ngã của mình hơn kẻ khác thì phiền não không giảm mà nhiều khi còn tạo thêm nghiệp xấu.
Cách đây 15 năm (năm 1990), tôi có viết quyển “Vô Ngã”, trong đó chỉ đơn giản giới thiệu hai phương pháp tu tập vô ngã và không nói nhiều về lý thuyết. Sau một thời gian tham vấn, học đạo với nhiều truyền thống Phật giáo Nam tông, Bắc tông và Tây Tạng, tôi nhận thấy rằng pháp môn căn bản và quan trọng nhất của đạo Phật vẫn là Vô Ngã. Vì thế quyển “Tâm và Ta” ra đời để tiếp tục và bổ túc về phần giáo lý vô ngã. Trong khi viết tôi đã nương vào hai truyền thống Nguyên thủy và Đại thừa Phật giáo. Đối với tôi cả hai truyền thống đều có giá trị của nó, không có cái nào hay hơn hoặc đúng hơn, tất cả đều tùy trình độ và căn cơ của chúng sinh.
Mong rằng sách này sẽ đem lại cho bạn đọc nhiều lợi ích.
Tịnh Lâm Thất, đầu xuân 2005
Thích Trí Siêu
Chương 1: Ta
Chúng sinh đau khổ trôi lăn trong sinh tử luân hồi chỉ vì có cái Ta. Bởi vì nếu không có Ta thì ai sinh, ai tử? Ai già, bệnh, chết? Ai đau khổ? Ai sung sướng? Ai tham, sân, si? Vì có cái Ta nên mới sinh ra đủ thứ chuyện. Nào là phải lo cho Ta ăn, uống, ngủ nghỉ. Lo cho Ta sống yên vui, nhà cao cửa rộng, công ăn việc làm vững chắc. Khi có đầy đủ tiền bạc rồi thì lo kiếm cho Ta những thứ Ta ưa thích, ăn chơi hưởng thụ. Lo tìm cho Ta một người yêu, một mái ấm gia đình cho Ta. Giàu có dư giả hơn thì tìm cho Ta danh vọng, quyền thế, chức tước. Khi cái Ta đau ốm thì phải lo thuốc men cho Ta kẻo Ta chết. Cái Ta trong đạo Phật gọi là Ngã (atta), triết học gọi là bản ngã (ego), còn những cái của Ta gọi là Ngã sở (attano, mine), tức là sở hữu của Ta.
Sống ở đời ai cũng muốn sung sướng hạnh phúc nhưng sao trên trái đất này cứ có mãi chiến tranh, giết chóc, hận thù, khổ đau, lo âu, buồn giận? Ai cũng muốn có hạnh phúc nhưng chỉ tìm hạnh phúc cho cái ngã của mình (tự ngã) và quên đi hạnh phúc của những cái ngã khác. Ta chỉ muốn cái bụng của ta no, còn bụng của người khác đói thì ráng chịu. Ta muốn thân xác ta được ở nhà cao cửa rộng, còn thân người khác ngủ đầu đường xó chợ thì mặc kệ. Ta muốn quốc gia của ta giàu có hùng mạnh, còn quốc gia khác nghèo đói thì chuyện đó Ta không cần biết.
Cái Ta nào cũng lo cho tự ngã của nó nên mới sinh ra ích kỷ, dành giựt, đấu tranh, tham nhũng, hơn thua. Khi cái Ta được thắng lợi thì nó vui. Khi cái Ta bị thua thiệt, mất mát thì nó buồn, giận, thù, ghét. Có ai lỡ xúc phạm đến cái Ta thì ta nổi giận, bực tức. Có ai khen ngợi, nịnh hót, thuận ý cái Ta thì ta vui mừng, khoái chí. Có ai đụng đến những cái của Ta như vợ, con, tài sản của Ta thì ta tức giận, thù ghét. Khi những cái của Ta bị mất mát thì ta đau khổ, nên ta phải tìm mọi cách bảo vệ, giữ gìn chúng.
Ta là gì?
Có người cho Ta (tôi, mình) là Nguyễn văn A, Trần văn B, Lê thị C, v.v... Nhưng đó chỉ là những tên họ, danh tánh, do cha mẹ đặt ra để gọi.
Có người cho Ta là bác sĩ, tiến sĩ, kỹ sư, giáo sư, v.v... Nhưng bác sĩ, tiến sĩ, kỹ sư, giáo sư chỉ là những bằng cấp thế gian.
Có người cho Ta là tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng, tỉnh trưởng, quận trưởng, v.v... Nhưng đó chỉ là những chức vụ chính trị.
Có người cho Ta là tỷ phú, triệu phú, giám đốc, chủ hãng, hoặc nhân viên, cu li, v.v... Nhưng đó chỉ là những địa vị hay công việc trong xã hội.
Có người cho Ta là người thông minh, trí thức, đẹp trai, đẹp gái, hiền lành hoặc ngu dốt, xấu xí, lù khù, v.v... Nhưng đó chỉ là những đức tính hay năng khiếu của một con người.
Có người cho Ta là người dễ vui, dễ buồn, dễ giận, dễ lo, dễ thương, dễ ghét, rộng rãi, keo kiệt, bần tiện, v.v... Nhưng vui, buồn, giận, lo, thương, ghét, v.v... chỉ là những tình cảm hay tính tình của một con người.
Khi được hỏi Ta là ai? hoặc Ta là gì? đa số người đời đều đồng hóa cái Ta vào danh tánh, bằng cấp, chức vụ, địa vị, đức tính, hoặc tình cảm, nhưng những thứ đó không phải là Ta mà chỉ là những cái vỏ khoác bên ngoài. Vậy thì Ta là gì?
Tới đây chắc có bạn sẽ trả lời: “Ta là một con người”! Câu trả lời này ngắn ngọn, đơn giản và rất gần với thực tại. Bởi vì trước khi cho Ta là cái này hay cái nọ thì Ta phải là một con người trước đã. Có con người rồi sau đó mới có tên tuổi, buồn vui, thông minh, tỷ phú, tổng thống, bác sĩ, kỹ sư, v.v...
Ta là một con người. Con người gồm có hai phần: Thân và Tâm. Thân là phần vật chất có hình tướng. Tâm là phần vô hình có khả năng hiểu biết, suy nghĩ, nhớ tưởng, tính toán, lo âu, yêu ghét, và điều khiển thân thể đi đứng, nói năng, hành động, v.v... Sự liên hệ giữa thân và tâm cũng giống như máy và điện. Một cái máy mà không có điện thì máy đó vô dụng. Điện là một năng lực vô hình nhưng cần thiết để làm cho máy chạy. Thân thể con người cũng vậy, nếu không có tâm bên trong điều khiển thì nó sẽ trở thành một xác chết. Tâm cũng giống như điện, tuy vô hình nhưng rất cần thiết cho sự sống.
Để dễ hiểu, chúng ta có thể viết theo phương trình dưới đây:
Ta = con người
Con người = thân + tâm
=> Ta = thân + tâm.
Thông thường chúng ta có thể kết luận như vậy, cái Ta thành hình là do thân và tâm kết hợp lại với nhau. Nhưng trong đời sống hằng ngày, nhiều khi cái Ta xuất hiện độc lập như chỉ là thân hoặc chỉ là tâm mà thôi. Thí dụ sáng ngủ dậy soi gương, thấy mặt mình đẹp, bạn sẽ nói: “Hôm nay Ta (tôi, mình) đẹp”. Khi nói như vậy tức là cho Ta là cái mặt (thuộc thân thể). Hoặc khi bị người khác nói xấu mình, bạn cảm thấy tức giận và nói: “Tôi tức lắm”. Nói như vậy tức là cho Ta chính là tâm, bởi vì cái thân đâu có biết tức! Do đó chúng ta sẽ có tới ba phương trình sau:
1/ Ta = thân
2/ Ta = tâm
3/ Ta = thân + tâm
René Descartes, triết gia Pháp ở thế kỷ 17, đã nổi danh nhờ một câu nói: “Cogito ergo sum” (Je pense donc je suis) có nghĩa là: “Tôi suy nghĩ nên tôi hiện hữu”. Ý của Descartes muốn nói vì tôi (Ta) hiện hữu cho nên tôi mới suy nghĩ được. Nhờ suy nghĩ mà tôi biết là tôi có mặt (hiện hữu). Descartes chứng minh sự hiện hữu của cái Tôi (Ta) một cách đơn giản, do biết suy nghĩ mà cái Tôi (Ta) có mặt. Chắc có lẽ bạn đọc cũng nghĩ như Descartes và thấy đó là một sự đương nhiên, nhưng đó chính là một loại chấp Ta là tâm.
Nhưng nếu hỏi cái Ta (tôi) bắt đầu có từ lúc nào thì cách trả lời của Descartes vẫn chưa thỏa đáng. Vì khi nói “Tôi suy nghĩ” tức là đã chấp cái Tôi có mặt rồi. Cái Tôi có trước rồi sau đó cái Tôi mới suy nghĩ. Vậy cái gì ban đầu đã tạo ra cái Tôi (Ta)?
Khổ đau
Sống ở đời ai cũng muốn sung sướng hạnh phúc, không ai muốn khổ bao giờ. Nhưng khổ nỗi, ai nấy đều chấp cứng vào “cái Ta” và những cái “của Ta” nên sinh ra đủ loại phiền não khổ đau. Nhưng khổ là AI khổ? Cái bàn, cái ghế khổ chăng? Đất, nước, gió, lửa khổ chăng? Nhà cửa, xe cộ khổ chăng? Cái TA khổ chứ ai vào đây! Ta sinh, già, bệnh, chết. Ta phải sinh tử luân hồi. Ta phiền não. Vì có TA nên mới có khổ.
Khổ thân
Vì Ta là thân và Ta có thân nên phải làm ăn sinh sống, tranh dành bon chen với đời để nuôi cho thân sống còn. Đây gọi là “sinh khổ”.
Vì Ta là thân và Ta có thân nên phải chịu già yếu, thân thể hao mòn, trí óc lu mờ, nói trước quên sau, tóc bạc răng long, ăn uống khó khăn, đi đứng không vững, tự lo thân không xong, nhiều khi làm khổ con cháu và người thân. Đây gọi là “lão khổ”.
Làm ăn sinh sống, tuy phải cực nhọc, thức khuya dậy sớm, chân lấm tay bùn, đổ mồi hôi nước mắt, nhưng kiếm được chút tiền là có thể xoa dịu nỗi khổ. Thân xác già yếu tuy cũng khổ, nhưng chưa đến nỗi khiến Ta phải rên siết đau đớn như khi thân bị bệnh. Hành hạ xác thân làm cho nó khổ sở, không gì hơn là cái đau. Khi đau, bất luận là đau gì, từ đau lặt vặt như đau răng, nhức đầu, đau bụng, đến các bệnh nan y như hủi, lao, ung thư, sida (aids), v.v... đều làm cho Ta đau đớn, rên siết, khó chịu vô cùng. Thân là một ổ bệnh, không bệnh nặng thì bệnh nhẹ, bây giờ chưa bệnh thì mai mốt cũng bệnh. Bên trong thân có bao nhiêu tế bào, bao nhiêu tạng phủ là Ta có bấy nhiêu cơ hội để bị bệnh, không thể nào tránh khỏi. Ai nấy đều sợ bệnh ung thư, nhưng trong thân thể người nào cũng có tế bào ung thư nằm ẩn chờ cơ hội bộc phát. Trong xã hội nào cũng có những thành phần bất hảo, bất lương như du đãng, trộm cướp, băng đảng nhưng nhờ có cảnh sát, công an bắt nhốt trừng trị nên có vẻ tạm yên. Nhưng khi guồng máy cơ quan chính quyền tham nhũng, hối lộ, thì kẻ gian, trộm cắp nổi lên nhiều hơn. Trong cơ thể cũng vậy, khi hệ miễn nhiễm hay kháng thể yếu thì vi trùng, vi khuẩn thừa thế xâm nhập, các tế bào ung thư nổi loạn, sinh sôi nẩy nở bừa bãi và bệnh ung thư xuất hiện. Vì Ta là thân và Ta có thân nên Ta được diễm phúc thưởng thức mùi “bệnh khổ”.
Bản chất của thân là vô thường, biến đổi từng giây phút để đi tới tàn hoại. Suốt cuộc đời Ta làm đủ mọi thứ, đủ mọi cách để nuôi cho cái thân sống, nhưng cuối cùng nó cũng tan rã ngoài ý muốn của Ta. Thân còn sống thì Ta sống, dù sống khổ cũng ráng sống, dù già nua lụm cụm, đi đứng không vững nhưng sống thêm được năm nào hay năm đó, dù bệnh gần chết cũng cố gắng chữa trị vớt vát thêm ngày nào hay ngày đó. Dù phải sống khổ, sống già, sống bệnh cũng còn hơn là chết. Vì chết là mất tất cả những gì Ta có, Ta là. Mất hết tất cả như vậy thì kinh khủng quá! Ta sẽ ra sao? Chết rồi Ta còn hay là mất tiêu luôn? Ta sẽ lên thiên đàng hay xuống địa ngục? Đây là cái khổ của sự chết, “tử khổ”.
Bốn cái khổ trên đều là khổ của thân. Mà thân thật ra chỉ là tứ đại: đất, nước, gió, lửa hợp thành. Những chất cứng như xương, da, thịt, móng tay, v.v... thuộc về đất. Những chất lỏng như máu, mủ, đờm, dãi, nước tiểu, v.v... thuộc về nước. Những thứ lưu động như hơi thở thuộc về gió. Hơi ấm trong cơ thể thuộc về lửa. Khi bốn thứ này hợp lại thì gọi là sinh, xung khắc nhau thì gọi là bệnh, sắp sửa rời nhau thì gọi là già, tan rã thì gọi là chết. Việc tứ đại trải qua “thành, trụ, hoại, không” có ăn nhằm gì đến Ta? Bởi vì Ta là thân, thân là Ta, là của Ta, cho nên cái gì xảy ra cho thân tức là xảy ra cho Ta. Thân sinh, già, bệnh, chết cho nên Ta phải chịu chung số phận.
Khổ tâm
Ta không những là thân mà còn là tâm nữa, cho nên khi tâm khổ thì Ta cũng khổ. Những cái khổ của tâm hay của Ta đều bắt nguồn từ sự ưa và ghét, ưa ghét người và sự vật.
Khi cái Ta ưa, thích, yêu, thương người hay vật nào mà phải chia ly thì gọi là “ái biệt ly khổ”.
Khi cái Ta thù, ghét, tức, giận người nào mà cứ phải gặp mặt, tiếp xúc, gần gũi, sống chung thì gọi là “oán tắng hội khổ”.
Khi cái Ta mong cầu, khao khát, hy vọng một sự vật nào đó mà bị thất bại, không toại nguyện, nhiều khi tuyệt vọng đưa đến quyên sinh, tự tử, đây gọi là “cầu bất đắc khổ”.
Ở đời lắm điều oái ăm, những thứ mình thích thì khó được, được rồi thì khó giữ lâu. Còn những thứ mình ghét thì cứ phải gặp hoài. Ghét của nào trời trao của đó!
Ngoài ba cái khổ căn bản của tâm nêu trên, trong đạo Phật còn nói về một cái khổ tên là “ngũ uẩn thủ khổ”, đó là cái khổ căn bản do tâm vô minh ái nhiễm, bám víu vào năm uẩn.
Trên đây là tám cái khổ chính thường được liệt kê trong kinh sách. Ngoài ra trong đời sống hàng ngày ai nấy đều có những niềm đau nỗi khổ rất phổ thông, đó là “tình khổ”. Khổ vì tình, vì gia đình, vợ chồng, con cái, cha mẹ, anh em, bạn bè.
Con người là loài hữu tình (sattva) nên sống vì tình và khổ vì tình, tình nhiều chừng nào thì khổ chừng đó. Tất cả chúng ta ai nấy đều muốn thương và được thương. Đúng lý ra tình thương là cái gì đem lại hạnh phúc và khiến cuộc đời đáng sống, nhưng kẹt một điều là tình thương thế gian được xây dựng trên nền tảng của cái Ta (ngã). Và cái Ta chỉ biết thương những gì đem lại lợi ích cho nó, vì vậy tình thương của cái Ta chỉ là tình thương ích kỷ, ái ngã.
Khi thương ai thì Ta muốn chiếm hữu người đó và muốn họ phải chiều theo ý Ta. Nhân danh tình thương và tình yêu mà con người làm khổ nhau nhiều nhất trên đời.
Ta thương vợ vì vợ thương yêu, lo lắng, chăm sóc cho Ta. Đến khi vợ bắt đầu để ý đến chuyện gì khác, lơ là cơm nước, nhà cửa, quên săn sóc, chiều chuộng Ta thì Ta khó chịu, bực tức, cằn nhằn, gây gổ, v.v...
Cái Ta rất sợ cô đơn, cho nên ai nấy đều mơ có một mái ấm gia đình, vợ chồng con cái thương yêu nhau. Nhưng oái oăm thay, cái gọi là “mái ấm gia đình” lại thường là nơi oan gia hội tụ, gặp lại nhau để thanh toán nợ xưa. “Vô oan trái bất thành phu phụ”, không oan trái thì không thành vợ chồng. Trong vòng luân hồi bất tận, con người gặp lại nhau để vay nợ, trả nợ, nợ của cải, ân oán, tình cảm.
Một lần nọ, ngài Ca Chiên Diên đi khất thực, đến trước nhà một cô gái, thấy cô ta bồng trên tay một đứa bé và đang bóc thịt một con cá cho nó ăn. Xương cá vứt xuống đất thì con chó gần đó chạy lại ngửi và bị cô gái đá một cú đau điếng chạy mất. Ngài Ca Chiên Diên dùng thần thông nhìn xem nhân duyên tại sao thì thấy đứa bé trên tay cô kiếp trước là kẻ thù của gia đình cô, con cá mà cô lóc thịt cho con ăn chính là cha cô và con chó mà cô đá văng chính là mẹ của cô tái sinh. Thật không còn cảnh nào trớ trêu hơn! Thấy vậy ngài Ca Chiên Diên không khỏi thương xót ngậm ngùi cho chúng sinh, vì vô minh không thấy được nhân quả, ân oán xoay vần.
Ông Năm và ông Sáu ở cùng làng. Ông Năm là điền chủ giàu có trong vùng, còn ông Sáu là người làm thuê cho ông Năm. Ông Sáu đã nghèo mà lại thích cờ bạc cho nên tháng nào cũng thiếu hụt, phải mượn trước chủ hàng mấy tháng lương. Chẳng may trong làng có bệnh dịch nên cả hai ông cùng chết. Xuống âm phủ, bị Diêm vương lôi ra xét xử trước khi cho đi đầu thai. Vì ông Sáu thiếu nợ ông Năm, cho nên Diêm vương hỏi ông Năm có muốn đầu thai làm cha ông Sáu không, vì làm cha thì tha hồ la mắng xài xể con cái. Nhưng ông Năm không chịu. Diêm vương lại hỏi có muốn làm mẹ ông Sáu không, vì làm mẹ thì có quyền dạy dỗ bắt con cái phải nghe lời. Ở ngoài đời, người ta thường nói: “Bộ ông là cha tôi hay sao mà dám la tôi? Hoặc bà là má tôi hay sao mà dám lên mặt dạy đời?” Thế nhưng ông Năm cũng không chịu đầu thai làm mẹ ông Sáu. Diêm vương hỏi tiếp có muốn làm anh hay chị để có quyền đánh đập em út không? Ông Năm cũng không chịu. Cuối cùng Diêm vương hỏi vậy ông muốn đầu thai làm gì đối với ông Sáu? Ông Năm trả lời là muốn đầu thai làm con ông Sáu!!! Diêm vương hỏi lý do tại sao thì ông Năm đáp: Đầu thai làm con là sướng nhất, vì tha hồ đòi nợ, đòi nợ tự do công khai mà không ai biết. Lúc con còn nhỏ thì cha mẹ phải lo cho nó ăn uống đầy đủ, lỡ nó bị bệnh thì cha mẹ phải thức suốt đêm lo lắng, săn sóc mà không dám phiền hà. Khi con lớn lên thì phải lo cho nó ăn học, dù phải học trường tư tốn kém nhiều tiền cha mẹ cũng nai lưng ra đi làm kiếm cho đủ. Bao nhiêu công sức, tiền của, mua sắm, chi phí cho con, cha mẹ không bao giờ để ý tính toán mà ngược lại còn vui lòng. Làm con từ nhỏ đến lớn, nếu đòi nợ chưa đủ thì tôi sẽ ăn chơi phung phí, làm cho tài sản của cha mẹ tiêu hao. Khi nào đòi hết nợ thì tôi sẽ ra đi.
Câu chuyện ngụ ngôn trên cho ta thấy muốn đòi nợ khôn nhất thì phải đầu thai làm con, vì cha mẹ nào cũng vui lòng lo lắng (trả nợ) cho con. Chồng có thể bỏ vợ, vợ có thể bỏ chồng. Con có thể bỏ cha bỏ mẹ, nhưng cha mẹ không bao giờ bỏ con. Những người mà ta thương yêu lo lắng nhiều nhất lại thường là oan gia trá hình. Vì phải trá hình làm vợ chồng con cái thì mới đòi nợ được chứ! Nếu hiện nguyên hình là chủ nợ dữ dằn, hăm he đến gõ cửa đòi nợ thì người ta sẽ đóng cửa trốn hoặc bỏ chạy mất. Oan gia là người đến đòi nợ, nợ tình hay nợ tiền, vậy mà ta không biết lại đòi họ thương yêu chiều chuộng mình, đó là chuyện không tưởng, làm sao có thể được?
Hiểu thế nào là oan gia rồi thì phải làm sao đây? Ly dị chồng vợ và từ bỏ con cái hay sao? Có ai thiếu nợ mà quỵt được không? Có vay thì phải có trả, điều quan trọng là trả nợ một cách khôn khéo, tức là trả mà đừng vay thêm. Con người do vô minh nên trong lúc trả nợ cũ thì lại vay nợ mới, cứ vay trả, trả vay không bao giờ dứt. Muốn trả mà đừng vay thêm thì phải học đạo, khai mở trí huệ, biết đâu là nhân quả, đâu là điều thiện nên làm, đâu là nghiệp ác nên tránh. Nói cách khác, đó là cả một quá trình tu tập vì tu là chuyển nghiệp. (Chương VI sẽ đề cập đến những phương pháp tu tập).
Đặc tính của ngã
Khi cái ngã xuất hiện, nó mang theo những đặc tính như sau: tham dục, sân hận, si mê, kiêu mạn, ganh tị, v.v... những đặc tính này còn được gọi là phiền não.
Tham dục: Luôn ham muốn tìm thú vui xác thịt, chạy theo ngũ trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc) để thỏa mãn giác quan. Khi Ta thấy cái gì vừa ý như sắc đẹp, tiền tài, danh vọng, lợi dưỡng thì ưa thích, luyến ái, muốn chiếm hữu, đó gọi là “tham”. Lòng tham không có đáy, cho nên tham cho Ta chưa đủ, tham luôn cho bà con quyến thuộc của Ta. Cũng vì tham mà làm cho Ta ăn không ngon, ngủ không yên, đầu óc lúc nào cũng phải lo nghĩ, tính toán. Nhiều người đi tu rồi mà vẫn để lòng tham ngự trị dưới hình thức vi tế hơn, như thích có chùa đẹp, tượng lớn, nhiều đệ tử, thích nổi danh, ham địa vị chức sắc trong giáo hội. Tham có nhiều hình thái: ưa, thích, yêu, thương, ham, muốn, thèm, khát. Khởi đầu là ưa, rồi từ từ tới thích. Nếu đối tượng là người thì đưa tới yêu, thương. Nếu đối tượng là đồ vật thì ham, muốn. Khi ham, muốn nhiều thì trở thành thèm. Thèm quá thì thành khát, tức là không có thì không chịu được. Khát là cực điểm của tham.
Sân hận: Khi tham hoặc ham muốn cái gì mà không được như ý thì Ta tức tối, nổi giận, la hét, mắng chửi, đó gọi là “sân”. Khi lửa sân khởi lên quá mức thì Ta có thể ra tay đấm đá, hoặc dùng khí giới để sát hại kẻ đã làm trái ý Ta. Đánh người, giết người cho hả cơn giận, nhưng sau đó phải vào tù, hoặc bị xử tử. Ngay tại xứ giàu có nhất hiện nay là Hoa Kỳ vẫn còn màn xử tử tội nhân. Đó là chưa kể sau khi chết đọa xuống địa ngục bị quỷ sứ tra tấn hành hạ đau đớn gấp trăm ngàn lần. Bởi thế trong các phiền não, sân hận, nóng giận là tai hại nhất, vì có thể đưa đến tội ác như đánh người, giết người. Một niệm sân khởi lên có thể đốt cháy trăm ngàn rừng công đức (nhất niệm sân tâm khởi, thiêu bá vạn công đức chi lâm). Cùng họ với sân gồm có: bực, tức, giận, hờn, oán, ghét, thù. Khởi đầu của sân là bực. Bực mà không giải tỏa được thì sinh ra tức. Tức quá hóa giận. Giận là sự nổ bùng hay bùng cháy. Bùng cháy xong mà không hết hẳn còn âm ỉ thì gọi là hờn, hờn hoài không nguôi thì đâm ra ghét và oán. Oán lâu ngày thành thù. Thù là cực điểm của sân.
Si mê: Cái Ta loanh quanh suốt ngày chỉ sống với sự ưa ghét, ưa người này, ghét người kia, thích vật này, ghét việc nọ. Không biết đạo đức, nhân quả, không biết suy xét điều hay lẽ phải, chỉ thích chạy theo âm thanh, sắc tướng, mùi vị, cảm xúc. Mặc tình để cho tham lam, sân hận nắm đầu sai sử, đây gọi là “si” (u mê). Đến khi gặp người trí chỉ cho mình nhân quả, đạo lý, điều hay lẽ phải thì lại không nghe, đây gọi là đại si hay nhất xiển đề, tức là người không thể cứu độ được.
Ngã mạn: Lúc nào cũng thích so sánh mình với người khác rồi tự cho mình là hay, giỏi, tốt hơn kẻ khác, đó gọi là “mạn”. Ỷ mình có tiền của, giàu sang, bằng cấp, địa vị mà kiêu căng tự đắc, khinh chê kẻ nghèo, hỗn láo với người đức hạnh, chà đạp người dưới, lấn át người trên. Vì ngã mạn nên không nghe lời phải, không chịu học hỏi thêm, làm nhiều điều sai quấy, phước lành tổn giảm, tội lỗi càng tăng. Luận Đại Tỳ Bà Sa và Câu Xá nêu ra bảy loại mạn:
1) Mạn (mana): có tâm khinh thường đối với những người thua mình về học thức, địa vị, gia tài. Thực tế họ có thua mình thật, nhưng chỉ thua trên một khía cạnh nhỏ, nên không phải vì thế mà mình có quyền lên mặt khinh dễ họ.
2) Quá mạn (ati-mana): đối với người có học thức, tài sản, địa vị bằng mình thì lại cho là mình hơn người đó.
3) Mạn quá mạn (manati-mana): đối với người thực sự hơn mình mà mình cứ cho là mình hơn họ.
4) Ngã mạn (atma-mana): nhận lầm năm uẩn là ngã, dựa vào ngã mà khởi mạn. Cho tất cả mọi người không bằng mình. Cái gì của mình lúc nào cũng tốt đẹp hơn của người khác.
5) Tăng thượng mạn (adhimana): chưa chứng đạo mà tuyên bố là mình đã chứng. Có những người vi tế, ngoài miệng tuy không chính thức tuyên bố là mình chứng, nhưng nói úp nói mở khiến người khác lầm tưởng là mình đã chứng quả này quả nọ, đây cũng thuộc loại tăng thượng mạn.
6) Ti liệt mạn (unamana): đối với người, mình thua nhiều mà cho là thua ít, hoặc không thua gì hết.
7) Tà mạn (mithyamana): mình không có đức độ, từ bi, hiểu biết mà tưởng hay tự xưng là mình có đức độ, từ bi, hiểu biết, thí dụ như xưng mình là vô thượng sư, thánh sư, chân sư, đạo sư, giáo chủ, giáo thọ, v.v...
Tóm lại, mạn là luôn luôn so sánh, so đo xem mình hơn hay thua kẻ khác, nếu thấy mình thực sự hơn thì thích thú khoe khoang, nếu thua thì không nhận là mình thua mà cứ gân cổ lên nói mình bằng hoặc hơn. Thí dụ như ta xây được bốn ngôi chùa, so sánh với người khác, thấy họ chỉ có một hay hai ngôi chùa, rồi ta cảm thấy mình hay quá, tài giỏi quá, đó là ngã mạn. Thí dụ như thấy người khác viết được 50 cuốn sách, ta đây cũng ráng viết cho được 49 cuốn rồi tự cho rằng mình đâu có thua gì, đây cũng là ngã mạn mặc dù viết sách đạo. Những hình thức ngã mạn rất nhiều và vi tế, người tu cần phải đề cao cảnh giác. Nhiều người vào chùa đi tu còn mang theo cái ngã nên muốn được thầy thương yêu, ưu đãi, để ý tới mình. Nếu thầy chú ý và khen người khác thì Ta buồn. Thầy là người có bổn phận chỉ ra những tánh hư tật xấu cho ta sửa, nhưng cái Ta nó không thích người khác vạch ra những tánh xấu của nó. Đây là một việc mâu thuẫn, đi tu mà chỉ thích người khác khen tặng Ta là người đạo đức, từ bi, trí tuệ. Dĩ nhiên đi tu là nhằm hướng tới chân, thiện, mỹ, nhưng đó là bổn phận và công việc hàng ngày của người tu, giống như ăn uống, ngủ nghỉ, không cần phải ai khen ngợi hay để ý mới làm. Nếu cảm thấy cần được khen thì ai cần? Phải chăng cái ngã? Vì cái ngã rất cần được khen tặng và chú ý.
Ganh tị: Khi gặp người thua kém thì Ta khinh thường, nhưng khi gặp người thực sự tài giỏi, giàu sang hơn Ta, thì Ta ganh ghét, tức tối, tìm mọi cách nói xấu, chê bai, chỉ trích, mạ nhục, tạo nhiều khẩu nghiệp. Khi gặp việc gì dính líu đến tiền bạc, của cải, tài sản, thì Ta nghi ngờ hết mọi người, nghi anh em, bạn bè, thân quyến, v.v... sợ họ dành lợi của Ta rồi âm mưu bày ra nhiều thủ đoạn hại người.
Trong sự chấp ngã, bám víu vào cái Ta và của Ta thì sự bám víu vào cái thân là nặng nhất, thâm sâu nhất. Cái Ta ban đầu chỉ là một vọng niệm của tâm, nhưng khi thành hình rồi thì nó cần một nền tảng vật chất để dựa vào đó mà hiện hữu. Nền tảng này chính là cái thân. Bám víu vào thân cho đó là Ta, là của Ta rồi nâng niu, chăm sóc cho nó, đây gọi là “thân kiến”. Khi ăn thì tìm món ngon vật lạ cho Ta ăn như thịt chó, thịt mèo, óc khỉ, mật gấu, cháo rắn, rượu whisky, cognac, v.v... Cũng từ miếng ăn mà ngày nay trên thế giới sinh ra nhiều bệnh quái lạ như “bò điên” (Creutzfeldt-Jakob), “cúm gà” (SARS), v.v... Mặc thì kiếm quần áo tốt đẹp có hiệu nổi tiếng như Pierre Cardin, Yves St-Laurent, Lacoste, Christian Dior, v.v...cho Ta mặc. Ở thì phải xây nhà cao cửa lớn, sang trọng, quý phái cho Ta ở. Xe thì phải mua Mercedes, BMW, Lexus, Acura, Infinity, v.v... cho Ta đi. Đồ dùng thì phải mua sắm đủ thứ tiện nghi hiện đại cho Ta dùng. Vợ chồng nói thương yêu nhau, nhưng thật ra ai cũng thương thân mình trước hết. Sống chung với nhau mà chỉ chờ đợi, đòi hỏi người kia nâng niu, chiều chuộng, lo lắng, phụng sự cho cái thân của Ta. Khi người yêu lỡ quên hoặc không để ý lo cho “cái thân Ta” nữa thì Ta cảm thấy buồn bực, khó chịu. Như vậy có phải là Ta thương cái thân của Ta nhất trên đời không?
Bám vào cái thân cho là Ta, nhưng cái thân này đâu có sống hoài. Trước sau gì nó cũng phải chết và tan rã. Vậy sau khi chết số phận của Ta ra sao? Ta sẽ đi về đâu? Vì không biết luật nhân quả nên đa số đều rơi vào hai thành kiến cực đoan: chết rồi thì Ta mất hẳn, hoặc chết rồi thì Ta còn hoài. Đây gọi là “biên kiến”, tức là cái thấy nghiêng về một bên.
Trên đây là cái thấy về thân sau khi chết. Nhưng trong lúc sống thì sao? Cái Ta cũng biết suy nghĩ, bàn cãi, lý luận, có ý kiến này, ý kiến nọ. Khi gặp như vậy thì Ta luôn luôn cho ý kiến của mình là đúng hơn hết, còn ý kiến của người khác đều sai lầm. Nhiều khi ý kiến của Ta sai trật, cổ hủ, lỗi thời, vô lý, nhưng có ai chỉ bày thì Ta nổi giận, gân cổ lên cãi, nhất quyết cho mình đúng, đó gọi là “kiến thủ”.
Thời xưa có những đạo giết người để tế thần, dã man, mọi rợ. Nhưng ngày nay cũng có những đạo ở các xứ “văn minh” Âu Mỹ đưa ra những điều luật răn cấm rất là vô lý, bất nhân, ngu muội không đưa đến hạnh phúc giải thoát, vậy mà cũng có người tin theo. Có những đạo bắt người ta chỉ được kết hôn với người cùng đạo, hoặc lỡ bị bệnh vào nhà thương mổ thì chỉ được phép tiếp nhận máu của người cùng đạo, hoặc nữ đệ tử phải hiến thân cho giáo chủ, hoặc phải dụ dỗ nhiều người vào đạo thì mới được lên thiên đàng, hoặc phải cúng hết tài sản cho giáo chủ thì mới được ban ân điển, v.v... Tin theo những điều luật trên gọi là “giới cấm thủ kiến”, không làm cho cuộc đời sáng sủa mà trở thành đen tối, làm khổ mình và người chung quanh.
Vì vô minh, chấp ngã, chấp pháp, tham lam, ái dục nên Ta không tin đạo đức, không tin nhân quả, chấp thường, chấp đoạn, và chấp vào tất cả bốn quan niệm sai lầm ở trên thì gọi là “tà kiến”.
Ngoài 10 phiền não căn bản kể trên, cái ngã còn có những đặc tính khoe khoang, kiêu mạn, muốn hơn kẻ khác. Ngay cả đối với những người “tu” lâu năm, siêng tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, làm công quả, xây chùa lớn, làm Phật sự, v.v... cũng bị cái ngã lừa bịp và lấy hết công đức khi trong tâm nghĩ rằng:
- Ta là người tu khá vì Ta thuộc nhiều kinh, và tụng kinh hay nhất.
- Ta là người giữ giới trong sạch nhất, còn những người khác đều phá giới.
- Ta là người làm nhiều công quả trên chùa.
- Ta cúng dường nhiều, nên chùa và thầy phải biết ơn Ta, ghi danh Ta vào bảng công đức hay sổ vàng.
- Ta là người xây chùa lớn nhất vùng này.
- Chùa của Ta đẹp nhất, tượng Phật của Ta lớn nhất.
- Ta làm Phật sự nhiều, ai nấy đều biết danh tiếng của Ta.
- Thầy của Ta giỏi nhất, nổi tiếng nhất.
- Pháp môn của Ta hay nhất.
- Ta là một nhân vật quan trọng trong đạo, trong chùa. Lỡ ai vô ý xúc phạm quyền lợi, danh dự của Ta, xem thường Ta, chê bai thầy của Ta, pháp môn của Ta, trái ý Ta thì Ta nổi sân, si, ái, ố và ăn thua đủ.
- Ta ngồi thiền lâu hơn mọi người và không hề nhúc nhích cử động.
- Ta là người đặc biệt nên được thầy cô truyền riêng pháp môn bí mật.
- v.v..
Tóm lại, mỗi khi khoe khoang, tức giận, kiêu mạn, khinh người, thì nên biết đó là cái ngã đang hiển lộ 200%.
Nội kết
Phiền não (klesa) là một danh từ rất quen thuộc trong giới Phật tử. Ngoài ra còn có một danh từ khác đồng nghĩa với phiền não, đó là nội kết hay kiết sử (samyojana), nội là bên trong, kết là trói buộc, kiết sử là những thứ trói buộc và sai sử con người.
“Nội kết là những sự bất mãn, không như ý, lâu ngày không có chỗ thoát nên đúc kết lại bên trong. Khi ta giận một người nào mà không nói ra được, không trả đũa lại được, không tránh né được thì cái giận đó âm ỉ trong lòng biến thành nội kết.
Khi lỡ dại làm một điều gì sai quấy rồi ăn năn hối hận hoài không nguôi, bề ngoài làm bộ như không có chuyện gì nhưng bên trong niềm ân hận đó cứ theo ám ảnh làm ta không thể vui sống, đây là một nội kết, một mặc cảm tội lỗi.
Từ nhỏ đến lớn, lúc nào ta cũng sống bám víu vào một người nào đó, nếu không có ai xung quanh thì sợ hãi, bơ vơ lạc lõng, bởi thế nên ta phải lấy chồng như bao nhiêu người khác, dù bị chồng hành hạ, chửi mắng, hất hủi, đánh đập cũng không dám bỏ vì sợ sống một mình. Nỗi lo sợ bị bỏ rơi, phải sống một mình là một nội kết.”
Nói chung nội kết là những vết thương lòng hay niềm đau thầm kín làm cho người ta khổ sở không sống hạnh phúc trọn vẹn. Thiền sư Nhất Hạnh, người có nhiều uy tín trong việc truyền bá phương pháp thiền trị liệu tâm lý cho giới trí thức Âu Mỹ, có dạy những phương pháp giải tỏa nội kết rất hiện đại như “ôm cái giận vào lòng”, “gỡ bom”, “làm mới”, v.v... Bởi vì còn cái Ta cho nên lỡ ai xúc phạm thì nó nổi giận, và khi nó nổi giận rồi thì lúc đó cần phải có chánh niệm ôm nó vào lòng. Khi ôm cơn giận vào lòng thì nó không nổ liền, nhưng nếu không đủ trí tuệ quán chiếu để gỡ ngòi bom thì sau này gặp dịp nó sẽ nổ. Do đó mới cần đến phương pháp “gỡ bom” là chờ khi cơn giận nguôi ngoai thì hai bên (đối thủ) cần ngồi xuống nói chuyện trong ái ngữ để hòa giải. Sau khi hòa giải xong thì phải hứa sống hòa bình với nhau và “làm mới” lại mối tình bang giao. Đó là những phương pháp có hiệu quả nhưng chỉ trị liệu ngọn (thérapie symptomatique), đau đâu chữa đó, giống như nhức đầu thì uống Aspirine hay Tylenol sẽ hết nhức ngay. Mai mốt nhức nữa thì lại uống nữa. Nó không chữa trị tận gốc căn bệnh. Cái gốc hay căn nguyên sinh ra nội kết chính là cái ngã hay sự chấp ngã. Ngày nào còn chấp ngã thì còn nội kết. Muốn hóa giải tận gốc nội kết thì cần phải “ôm cái Ta vào lòng rồi bỏ nó vào thùng rác”.