Ngày xưa ở Ấn Độ có một quả núi tên là Trú Ám, trên núi, có những gốc cổ
thụ vươn lên tới trời, có kỳ hoa dị thảo, bóng người lại thưa thớt, thật
là một khung cảnh lý tưởng cho việc tu hành.
Từ xưa đã có rất nhiều vị tu đạo lên núi Trú Ám tịch tĩnh này để tu
luyện nên chẳng bao lâu núi đã trở thành một đạo tràng thánh thiện và
thanh khiết, được muôn người ngưỡng mộ tìm tới, nhất là người từ xa xôi
đến thiết trai cúng dường cầu phước thì lại dìu dập không ngớt lai vãng.
Một hôm có một vị trưởng giả chuẩn bị thật nhiều cao lương mỹ vị và đưa
người nhà lên núi để cúng dường chư tỳ-kheo. Trên đường, có một cô gái
ăn xin vừa tròn 18 tuổi trông thấy được, cô không khỏi nghĩ rằng: “Hôm
nay trưởng giả đem nhiều thức ăn như thế để cúng dường các sư phụ xuất
gia, nếu ta đi theo xin ăn, thế nào lại chẳng được một bữa cơm no nê
thỏa thích, mấy bữa nay đã không có gì vào bụng...”
Nghĩ thế xong, cô vui tươi tung tăng chạy lên núi. Nhưng khi cô lên đến
núi, thấy trưởng giả bày ra những thức ăn trân quý ngon lành thì cảm xúc
mà nghĩ rằng:
– Kiếp trước trưởng giả đã tu phúc nên kiếp này được quả báo giàu sang
phú quý, bây giờ lại có thiện tâm như thế, lập đàn trai cúng dường chư
tăng, tạo nhiều công đức, phúc báo kiếp sau chắc chắn sẽ còn to lớn hơn
kiếp này nhiều!
Còn ta sao mà đáng thương! Kiếp trước không biết tu phúc nên kiếp này
nghèo khổ, nếu bây giờ lại cũng không biết tu phúc, thì kiếp sau sẽ còn
nghèo khổ biết bao nhiêu! Mấy bữa trước bươi đống rác lượm được hai đồng
tiền, tại sao hôm nay lại không đem hai đồng ấy lên cúng dường cho các
sư phụ xuất gia? Mặc dù với hai đồng này ta có thể mua được hai cái bánh
để ăn, nhưng dẫu có đem cúng quý thầy chắc ta cũng không đến nỗi chết
đói!
Nghĩ xong, chờ các vị tỳ-kheo dùng bữa xong xuôi, với tâm cực kỳ cung
kính, cô hai tay nâng hai đồng tiền lên hiến dâng các ngài. Theo tục lệ
của núi ấy, khi có người đến cúng dường thì vị thầy tri khách sẽ ra chúc
phúc cho thí chủ. Nhưng hôm ấy, chính đại thượng tọa trụ trì đã thân
hành ra chúc phúc cho cô gái nghèo khổ nọ.
– Trong tâm cô bé này, có bao nhiêu bảo vật trên thế gian cô đều đã đem
ra cúng dường cho người xuất gia. Con bố thí là vì muốn tu phúc, nên nay
ta chúc con vĩnh viễn không còn nghèo khổ bần cùng nữa.
Cô gái nghèo nghe thượng tọa trụ trì chúc phúc như vậy, lòng cảm thấy
rất vui mừng và an ổn, chưa kể cô còn được đại chúng cho ăn một bữa cơm
no. Lúc ấy cô thật sự đạt được Pháp lạc vô thượng.
Ăn no rồi, cô rời khỏi núi không lâu thì ngồi xuống một gốc cây lớn nghỉ
ngơi. Lúc ấy, mặt trời từ từ hướng về phía tây mà bóng mát của cây ấy
không hề chuyển động, và bên trên còn có đám mây ngũ sắc che phủ cho cô
nữa, thật là một hiện tượng vô cùng lạ lùng!
Cũng chính ngay lúc ấy, vị vua của nước ấy nhân vì hoàng hậu mới qua đời
nên tâm tư buồn bã không nguôi, bèn xa giá đi dạo một vòng sơn thủy cho
khuây khoả. Trên đường, xe vua đi ngang gốc cây cô gái nghèo đang nghỉ
ngơi. Vua nhìn thấy cô gái đang ngủ dưới đám mây ngũ sắc, giật mình ngỡ
rằng là tiên nữ cõi trời, lẩm bẩm tự bảo:
– Thiếu nữ này là tiên hạ phàm, thân hình sao mà kiều diễm, khuôn mặt
sao mà tuyệt vời, lại có mây ngũ sắc che trên đầu, thật là kỳ lạ!
Thế rồi vua bèn hạ lệnh:
– Các ngươi hãy mời nàng ấy đến đây cho ta!
Cô gái nghèo giật mình thức giấc, ngơ ngác mở to đôi mắt, thấy quân binh
đông đảo vây quanh thì kinh hoàng la lên thất thanh:
– Ôi! Các ông là ai? Có chuyện gì vậy?
– Cô đừng sợ! Chúng tôi không có ý hại cô, chính đại vương muốn mời cô
đến gặp mặt đấy thôi!
Cô gái được đưa đến trước mặt vua rồi, nhà vua dịu dàng hỏi:
– Năm nay nàng được bao nhiêu tuổi rồi?
– Tôi vừa tròn mười tám tuổi.
– Nàng xinh đẹp và dễ thương quá, ta rất thích nàng. Ta muốn đưa nàng về
cung làm đệ nhất phu nhân, nàng có bằng lòng không?
Cô gái nghèo liếc nhìn nhà vua rồi e thẹn cúi đầu mỉm cười. Cô như người
ngủ mê, không dám tin mình lại may mắn dường ấy. Một cô gái nghèo ăn
xin, làm sao mà một bước trở nên một vị đệ nhất phu nhân của cả một
nước? Cô suy nghĩ như thế nên đờ đẫn cả người. Đức vua lại hỏi:
– Sao? Nàng không bằng lòng ư? Tại sao không nói một lời nào?
– Đại vương! Thiếp không biết mình đang mơ hay tỉnh.
– Nàng không mơ đâu, đây là sự thật.
Về tới hoàng cung, nhà vua lập tức triệu tập quần thần, giới thiệu cho
họ vị hoàng hậu mới.
Khi nàng được lên làm hoàng hậu rồi thì cơm no áo ấm, cuộc sống vô cùng
sung sướng. Nhưng trong tâm tư nàng không ngớt suy nghĩ:
– Nếu hôm nay ta được may mắn như thế này là nhờ lúc trước có cúng dường
hai đồng bạc. Như vậy quý sư phụ trên núi không phải là đại ân nhân của
ta sao?
Nghĩ thế, nàng bèn thưa với vua rằng:
– Đại vương! Thiếp vốn là một cô gái con nhà hạ tiện, nay được đại vương
đoái thương cho làm đệ nhất phu nhân, cố nhiên ân huệ ấy thiếp cảm tạ
không cùng. Nhưng thiếp cũng muốn cảm tạ các vị xuất gia trên núi đã
nhận hai đồng tiền của thiếp, thiếp muốn đem vài thứ lên cúng dường các
ngài để tỏ lòng biết ơn, chẳng hay đại vương thấy thế nào?
– Tốt lắm, nàng muốn gì thì cứ làm, tùy ý.
Hoàng hậu bèn cho chuẩn bị thật nhiều trân bảo và cao lương mỹ vị, phải
dùng tới mấy chiếc xe chở lên núi Trú Ám cúng dường.
Cúng dường xong, đến giờ chúc phúc, thì vị đại thượng tọa trụ trì ngày
nào, hôm nay không hề xuất hiện, lại cử vị thầy tri khách thay ngài ra
chúc phúc. Hoàng hậu thấy thế không khỏi lấy làm lạ:
– Xưa kia tôi chỉ cúng dường có hai đồng tiền mà thượng tọa trụ trì đích
thân ra chúc phúc cho tôi. Hôm nay tôi đem bao nhiêu là thức ăn và trân
bảo đến cúng dường, tại sao thượng tọa không ra chúc phúc cho tôi?
Tất cả mọi người ai cũng thắc mắc điều ấy. Thượng tọa trụ trì biết được
mối nghi vấn của đại chúng nên mới triệu tập mọi người lại mà dạy rằng:
– Xưa kia, cô ấy chỉ cúng có hai đồng tiền, vật cúng tuy ít ỏi nhưng cô
cúng dường với cả một tâm kính cẩn chân thành. Đó là điều cao quý cùng
tột. Nay cô đến với hàng mấy chiếc xe chở đầy cao lương mỹ vị và bảo vật
quý giá, nhưng cô lại cúng dường với tâm ngã mạn, tự kiêu. Phật pháp
không trọng vật chất mà chỉ trọng sự phát tâm, vì thế lần này ta không
đích thân ra chúc phúc cho cô. Quý vị hãy hiểu cho rõ việc cúng dường
trong Phật pháp.
Hoàng hậu và chúng tỳ-kheo nghe thượng tọa trụ trì nói như thế rồi, thì
lòng cảm thấy vừa tàm quý nhưng lại vừa rất vui mừng, lúc bấy giờ họ mới
hiểu rõ ràng thế nào là ý nghĩa chân chính của sự cúng dường hay bố thí.