Mỗi khi đức Phật Thích-ca đi tới nơi nào thuyết pháp thì luôn có rất
nhiều các vị đệ tử đi theo vây quanh Ngài.
Một hôm, đức Phật ở núi Linh Thứu và những tín đồ của Ngài cũng đến tụ
tập tại nơi ấy. Trong số đó có các vị tỳ-kheo, tỳ-kheo ni xuất gia, có
các vị ưu-bà-tắc, ưu-bà-di
[10] tại gia và còn có
các vị quốc vương, đại thần v.v... cũng đến xung quanh đức Phật, cung
kính cúng dường, nghe Ngài thuyết Pháp giảng Kinh.
Trong pháp hội thù thắng ấy có rất nhiều vị đệ tử trong lòng có điều
thắc mắc, họ muốn biết nhân duyên nào đã thúc đẩy đức Phật xuất gia học
đạo lúc ban đầu. Tuy họ muốn thỉnh xin đức Phật nói cho họ biết, nhưng
không ai dám mở miệng thưa hỏi.
Lúc ấy, tôn giả A Nan biết tâm niệm của mọi người nên từ tòa ngồi đứng
dậy, cung kính chắp tay vấn an đức Phật rồi mới thay mặt mọi người mà
thưa hỏi rằng:
– Bạch Thế Tôn, bậc cứu chủ của chúng con! Nay chúng con có một điểm
thắc mắc, đó là lúc Thế Tôn chưa xuất gia, hãy còn là một vị thái tử cao
quý, vì sao lại xả bỏ vương vị, xả bỏ những thứ hoa lệ phú quý của hoàng
cung mà đột nhiên vào núi tu hành, rồi sau sáu năm khổ hạnh ngồi dưới
cây Bồ Đề thành Đẳng Chính Giác, hiển hiện ứng hóa thân độ hóa chúng
sinh, làm thầy của Trời Người. Chúng con không biết lúc ban đầu do những
nhân duyên gì mà Thế Tôn đã phát tâm Đại Bồ Đề như thế, thẳng đến địa vị
Phật? Chúng con đây đều là đệ tử của Phật, đều phải phát tâm rộng lớn
như Phật, phải hướng theo con đường của Phật đã đi mà cất bước tiến lên
hầu thừa kế giáo pháp của Như Lai. Xin nguyện Thế Tôn từ bi tuyên thuyết
để khuyến khích tất cả chúng sinh.
Đức Phật khen ngợi A Nan:
– Hay thay! Hay thay! Điều mà ông hỏi hôm nay cũng là điều mà ta muốn
nói đến. Các ông hãy yên tĩnh lắng nghe.
Khi đức Phật nói như thế, tất cả Bồ Tát và thánh chúng đều yên tịnh
không một tiếng động, chú ý lắng nghe pháp âm của Phật.
Từ miệng đức Phật phóng ra một đạo hào quang ngũ sắc, ánh sáng chiếu rọi
khắp đại thiên thế giới, vỗ về thân tâm của mọi loài chúng sinh, khiến
cho họ có cảm giác mát mẻ, giải thoát.
Đức Phật đoan nghiêm ngồi trên tòa báu và nói:
– Từ vô lượng kiếp trong quá khứ về trước, trong thế giới Ta-bà này có
một vị Chuyển Luân Thánh Vương tên gọi là Đại Quang Minh. Vua là người
rất phúc đức và trí huệ, nhân từ và rộng lượng đối với người khác, thích
cứu giúp kẻ bần cùng, danh tiếng lẫy lừng truyền rộng khắp nơi.
Vua của nước láng giềng xưa nay vẫn giữ tình giao hảo với vua Đại Quang
Minh, hai người đối xử với nhau không khác gì hai anh em ruột thịt. Khi
nước này gặp lúc thiếu hụt lương thực hay vật dụng, vua Đại Quang Minh
thường cứu giúp cho họ bớt khổ trong những năm đói kém.
Cũng có lúc vua láng giềng đem sản phẩm của nước mình đến hiến tặng vua
Đại Quang Minh để báo đáp ơn cứu giúp.
Có một hôm, một số người vào núi săn được một con voi trắng, một con voi
rất đẹp đẽ đoan chính, thân nó đẹp không khác gì bạch ngọc, trên thế
gian thật là hiếm có. Vị vua nhỏ nọ muốn đem voi trắng cống hiến vua Đại
Quang Minh, nên thu thập một ít châu báu trang sức cho voi rồi sai người
đem voi qua nước láng giềng. Vua Quang Minh được voi trắng rất hoan hỉ,
bèn mời một người dạy voi rất giỏi tên là Tôn Nhược về cung, giao voi
trắng cho vị này nuôi nấng và dạy dỗ.
Voi trắng thông minh, đoán biết ý muốn của thầy, thầy chỉ bảo gì cũng
đều làm theo được, chẳng bao lâu sau nó đã hoàn toàn thuần thục. Tôn
Nhược bèn trang sức cho nó bằng rất nhiều ngọc quý, và dẫn nó đến trước
mặt vua Quang Minh thưa rằng:
– Đại vương! Voi đã thuần thục, xin vua hãy thử voi.
Vua nghe thế rất vui lòng, ra lệnh cho thị giả đánh trống vàng, triệu
tập các vị đại thần cũng những người có danh tiếng trong thành đến xem
voi biểu diễn. Ít lâu sau mọi người đều tụ tập ở ngoài thành, vua Quang
Minh cưỡi lưng voi trắng bước từng bước chậm chạp, trông chẳng khác nào
mặt trời vừa mới mọc, ánh sáng chói lọi, ai thấy cũng phải vui mừng tán
thán.
Đến một bãi săn, vua muốn bắt voi biểu diễn. Nhưng con voi trắng ôn hòa
kia lúc ấy bỗng trở nên hung bạo trăm phần như đang bước vào chiến
trường, điên cuồng vừa chạy vừa nhảy loạn xạ. Vua ngồi trên lưng voi
không có cách nào chế ngự nó được.
Nguyên do chỉ vì con voi trắng mà vua đang cưỡi là một con voi đực, nó
nghe tiếng kêu của một con voi cái ở núi bên cạnh nên dục niệm nổi lên,
khiến nó điên cuồng muốn chạy tìm voi cái.
Tôn Nhược ở phía sau thấy thế kêu to lên:
– Đại vương! Ngài hãy bám vào một nhánh cây để rời khỏi thân voi rồi
nhảy xuống đất, có thế mới an toàn thân mệnh được!
Lúc ấy voi đã chạy về phía rừng sâu, nhà vua bèn cấp tốc bám vào một
nhánh cây mà rời khỏi lưng voi. Vua thoát thân rồi, voi trắng chạy như
bay không quay đầu trở lại.
Vua Quang Minh từ thân cây trèo xuống ngồi bệt dưới đất, lúng ta lúng
túng không biết làm sao, áo mũ rơi rớt rách nát, toàn thân thương tích
máu chảy dầm dề, tức giận run cả người.
Không lâu sau Tôn Nhược chạy tới, thấy vua bèn khấu đầu trấn an rằng:
– Xin đại vương đừng phiền não, voi điên ngu si, có lẽ chỉ vì niệm dâm
dục phát lên mà nên cơ sự, không có cách nào chế ngự nó được. Chẳng bao
lâu niệm dâm của nó lắng xuống, nó sẽ chán cỏ dại nước dơ của núi rừng
mà trở về vương cung.
Nhà vua tức giận trả lời:
– Ta không muốn con voi đó nữa, suýt nữa nó đã làm cho ta mất mạng! Nhà
ngươi cũng hãy cút đi, từ nay về sau ta không còn muốn thấy ngươi dạy
voi nữa!
Cũng ngay tại lúc đó, các vị đại thần và dân chúng cũng vừa đến nơi, họ
tưởng rằng vua đã bị voi giết chết rồi vì trên đường đi có người thì
nhặt được mũ vua, có người thì nhặt được vương bào nên ai cũng kinh
hoàng khủng khiếp. Tìm mãi mới thấy được vua, người thì mau mau đem y áo
tới cho vua mặc, người thì dắt một thớt voi khác thuần thục hơn cho vua
ngồi lên an toàn rồi trở về hoàng cung. Người trong thành thấy vị vua
hiền đức của họ bị voi trắng làm cho nguy hại nên cũng bực tức đối với
Tôn Nhược.
Chẳng bao lâu, đúng như Tôn Nhược đã nói, voi trắng không quen sống nơi
núi rừng hoang dã, niệm dâm cũng đã lắng xuống, nó bèn trở về hoàng
cung. Tôn Nhược thấy voi về bèn báo cho vua biết nhưng vua từ chối không
tiếp, cho người ra trả lời rằng:
– Vua không cần voi trắng và cũng không cần đến người dạy voi nữa.
Tôn Nhược ba lần xin gặp, muốn tự mình cưỡi voi trắng và chứng tỏ cho
vua thấy voi đã thuần thục như thế nào. Cuối cùng vua đành phải chấp
thuận. Thế là họ trải chỗ ngồi tại một khoảng đất bằng phẳng, vua và tất
cả dân chúng đều đến xem.
Tôn Nhược đem voi trắng tới chỗ biểu diễn, bắt đầu sai khiến voi làm tất
cả những việc khó làm. Voi trắng nhất nhất vâng theo mệnh lệnh của Tôn
Nhược, chẳng khác nào một người làm xiếc điều khiển những con thú thuần
thục nhất của mình. Cuối cùng, Tôn Nhược còn ra lệnh cho voi trắng đến
trước mặt voi, quỳ mọp sát đất và gật đầu ba lần để tạ tội. Tất cả mọi
người đứng xem đều vỗ tay tán thưởng tài dạy voi của Tôn Nhược.
Vua rất hài lòng, liền hỏi Tôn Nhược:
– Khanh đã có tài dạy voi như thế, sao lúc trước lại để cho nó nổi cơn
điên bất trị như vậy?
Tôn Nhược tâu rằng:
– Tâu đại vương! Tôi tuy giỏi dạy voi, nhưng chỉ điều phục được thân voi
chứ không thể điều phục tâm của nó. Nếu lửa dục vọng cháy lên phừng phực
trong tâm nó thì tôi không có cách nào chế ngự được.
Vua Quang Minh lại hỏi:
– Vậy trên thế gian này có ai điều phục được cả thân lẫn tâm chăng?
– Thưa có. Các đức Như Lai Thế Tôn, Bậc Chánh đẳng giác có thể điều phục
được cả thân lẫn tâm của tất cả chúng sinh, nên trong mười Thánh hiệu
của chư Phật Như Lai có một hiệu là “Điều Ngự Trượng Phu”.
Vua Đại Quang Minh nghe được danh hiệu Phật, biết rằng chỉ có Phật Như
Lai mới có đầy đủ sức oai thần đó thì hết sức mừng rỡ, gạn hỏi thêm
rằng:
– Vị mà ông gọi là Như Lai đó, có những đức tính gì?
– Phàm là Như Lai Thế Tôn, có hai đức tính: một là trí huệ, hai là đại
bi. Đức Phật thường thực hành lục độ, có nghĩa là bố thí, trì giới, nhẫn
nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ, còn gọi là sáu pháp ba-la-mật, vì
cả phúc đức lẫn trí huệ đều đầy đủ nên được tôn xưng là Phật. Ngài vừa
có thể điều phục được chính mình mà còn điều phục được tất cả chúng
sinh.
Vua Đại Quang Minh nghe thế, vui mừng lập tức nhanh nhẹn trở về cung,
dùng nước thơm tắm gội, mặc y phục mới, lên lầu cao hướng về bốn phương
lễ bái, khởi đại bi tâm đối với tất cả chúng sinh, thắp hương thề nguyện
rằng:
– Nguyện tôi có bất cứ công đức nào trong quá khứ, hiện tại hay vị lai
cũng đều hồi hướng Phật đạo, thành tựu Phật đạo để điều phục tâm mình và
cũng để điều phục tất cả chúng sinh.
Nếu có một chúng sinh nào tạo tội trọng mà phải trải qua một kiếp trong
địa ngục A Tỳ, tôi sẽ vào ngay trong địa ngục để làm lợi ích cho chúng
sinh ấy, và không hề xả bỏ tâm Bồ Đề.
Lúc ông phát thề nguyện lớn như vậy, quả đất rúng động sáu cách, trong
không trung hoa trời rơi xuống dày đặc như mưa, vô lượng chư thiên tấu
nhạc trên không, âm thanh vi diệu ấy chính là để tán thán công đức của
vị Bồ Tát mới phát đại tâm.
Đức Phật nói xong về nhân duyên như trên rồi, lại nói tiếp:
– Con voi trắng thuở ấy nay chính là A-la-hán Nan Đà. Vị thầy dạy voi
nay là Đại Trí Xá-lợi-phất, và vua Đại Quang Minh chính là ta đây. Lúc
ấy, ta thấy việc điều phục thân voi nên muốn tìm cách điều phục tâm, do
đó mới phát tâm Đại Bồ-đề lúc ban sơ, tìm cầu Phật đạo.
Những người trong đại hội nghe Phật thuyết ai cũng đạt ngộ, người thì
đắc được bốn thánh vị, người thì phát tâm đạo rộng lớn, người thì phát
nguyện xuất gia, không ai là không hoan hỉ kính vâng theo lời Phật dạy.