Bảy trăm năm sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, tại nước Kế Tân ở miền Bắc
Ấn Độ có một long vương hung ác tên là A Lợi Na xuất hiện, thường nổi
gió to sóng lớn nhiễu hại dân chúng, gây ra những tai họa rung trời
chuyển đất. Lúc đó có hai ngàn vị A-la-hán phát tâm vận dụng tất cả thần
lực của mình để đuổi long vương A Lợi Na ra khỏi bờ cõi.
Một ngàn vị A-la-hán sử dụng thần lực cao nhất của mình làm cho đại địa
chấn động, năm trăm vị phóng ra những tia sáng cực kỳ mãnh liệt, năm
trăm vị còn lại thì nhập định, vận dụng thiền lực mạnh mẽ. Các vị này
hợp tác với một sức mạnh vĩ đại như thế nhưng vẫn không làm cho long
vương kia suy chuyển chút nào.
Trong lúc mọi người đang khổ não, có một vị tôn giả tên là Kỳ Dạ Đa xuất
hiện. Ngài tiến đến ven bờ hồ, búng ngón tay ba lần chỉ long vương mà
gọi to:
– Này con rồng kia! Ta truyền lệnh cho mi phải đi nơi khác ngay, không
được phép ở lại chốn này!
Long vương A Lợi Na nghe thế, không dám trì trệ, lập tức bay bổng đi
mất.
Hai ngàn vị A-la-hán đều không hiểu được tại sao lại có một sự kiện lạ
lùng như thế, làm sao lại có thể đuổi rồng đi một cách dễ dàng giản dị
đến dường ấy! Họ liền cử ra một số vị đến thưa hỏi tôn giả Kỳ Dạ Đa:
– Chúng tôi cũng chứng đắc một quả vị như ngài, cũng đoạn tận phiền não,
cũng giải thoát sinh tử không có gì sai khác, chúng ta nhất loạt bình
đẳng, thế mà chúng tôi cùng nhau hợp sức, dùng tận cùng năng lực mà
không sao làm cho con rồng nhúc nhích, còn tôn giả chỉ búng ngón tay ba
lần mà nó riu ríu ngoan ngoãn phục tòng rời khỏi đất này là vì lý do gì?
Tôn giả đáp:
– Từ khi tôi còn là phàm phu, luôn luôn nghiêm trì cấm giới, thân khẩu ý
không bao giờ dám tạo ác nghiệp nào, dùng tâm bình đẳng không phân biệt
để tu trì tất cả các pháp. Các vị không làm cho rồng lay chuyển là vì
công đức tích tập không đồng với tôi vậy.
Hàng phục long vương A Lợi Na rồi, tôn giả Kỳ Dạ Đa dẫn đoàn đệ tử tiếp
tục con đường vân du về phía bắc.
Con đường dài hun hút, có khi chạy ngang những miền đồng bằng rộng lớn,
có khi thì đi vòng qua những sườn núi chập chùng, hai bên đường có những
ngọn cây cao vút nghênh đón gió nam lay động cành lá. Tôn giả một mình
đi bộ dưới tàn cây bóng mát, bỗng nhiên dừng bước, ngước đầu nhìn lên
cành cây nơi có một con quạ đen đang đậu. Tôn giả nhìn kỹ nó rồi nhẹ mỉm
cười, gật gật đầu.
Các vị đệ tử đi theo sau mấy bước, thấy thế không khỏi ngạc nhiên, hỏi
ngài:
– Bạch Tôn giả, vì sao ngài lại mỉm cười với con quạ đen?
Tôn giả đáp:
– Đúng lúc đúng thời ta sẽ nói.
Đoàn người lại tiếp tục hướng về phía trước mà đi, tới một tòa thành
bằng đá. Vừa mới bước qua cổng thành, tôn giả bỗng biến sắc mặt, lộ vẻ
vô cùng buồn rầu. Mọi người đều lo lắng nhưng không ai dám hỏi.
Lúc ấy là giờ cơm trưa, họ vào thành khất thực. Dùng cơm xong họ ra khỏi
thành, tới cửa thành, tôn giả lại biến sắc mặt, buồn rầu như lúc mới
tiến vào cửa thành ban nãy. Các vị đệ tử không chờ được nữa, họ quỳ
xuống khẩn khoản hỏi:
– Bạch Tôn giả, thỉnh ngài giải nghi cho chúng con, tại sao ngài lại
cười với con quạ đen, và tại sao ngài lại hai lần biến sắc mặt tại nơi
này?
Tôn giả thở dài một tiếng, lộ vẻ âu sầu mà trả lời rằng:
– Chín mươi mốt kiếp trước, lúc Phật Tỳ Bà Thi nhập Niết-bàn rồi, ta
sinh làm con một vị trưởng giả. Khi ta nói ra chí nguyện xuất gia học
đạo, cha mẹ già ngăn lại rằng: “Khoan đã, con phải biết là trong đời
người, không có con nối dõi là tội bất hiếu lớn nhất. Con đi rồi, ai sẽ
là người nối dõi tông đường nhà ta đây? Con hãy cưới vợ trước đã rồi nói
chuyện sau.”
Ta bận bịu chuyện gia đình một thời gian, cưới vợ xong xuôi ta lại đem
chuyện xuất gia ra thưa với cha mẹ, nhưng cha mẹ lại nói: “Nếu con sinh
được một đứa con thì ta sẽ không ngăn cản con nữa.”
Không lâu sau, ta sinh được một đứa con trai. Khi đứa bé bập bẹ biết
nói, ta lại không chờ được nữa, xin với cha mẹ rằng:
– Bây giờ thì cha mẹ có thể để cho con thành đạt nguyện vọng xuất gia
của con rồi chứ?
Cha mẹ ta không nghĩ ra lý do nào để ngăn trở ta được, bèn lén xúi con
ta đến kêu khóc van nài như sau:
– Cha ơi, cha không thể đi, nếu không hãy mang mẹ con con đi theo, cha
không thể bỏ mẹ con con được, ôi...
Làm cha, nghe con khóc kể van xin như thế, ý chí xuất gia bị rung
chuyển, ta sinh lòng quyến luyến cốt nhục thân tình, nên vỗ về con mà
nói một cách thương yêu:
– Cha sẽ không đi đâu cả, cha sẽ ở mãi với con!
Nhân duyên này đã khiến ta phải tiếp tục lưu lạc trong đường sinh tử.
Hôm nay ta dùng thần thông nhìn lại họ hàng thân thích trong quá khứ,
thấy rằng lúc sống thì cùng nhau thương thương mến mến, nhưng một khi
chết rồi thì đường ai nấy đi, rất khó mà gặp lại nhau, tuy vẫn cùng luân
lạc trong lục đạo. Con quạ đen ban nãy trên ngọn cây chính là con trai
ta trong đời quá khứ, không ngờ nó lại đến nỗi này. Coi như còn có duyên
nên hơn mười kiếp qua rồi mà còn gặp mặt nhau.
Tôn giả nói tới đây thì ngừng lại, có vẻ như vô cùng xúc động.
– Và chuyện gì đã xảy ra ngoài tòa thành?
Một vị đệ tử xen vào hỏi.
– Ta biến sắc mặt ở ngoài cửa thành là vì ta thấy một đứa bé ngạ quỷ
thân thể yếu mòn, cầu cứu với ta rằng: “Thỉnh tôn giả vào thành nói với
mẹ con rằng con ở ngoài thành ngày ngày trông ngóng mẹ đi kiếm thức ăn,
đợi đã 70 năm rồi mà vẫn chưa về, con nay quá đói khát không chịu đựng
được nữa!”
Ta vào thành chuyển lời đứa con đến ngạ quỷ mẹ. Quỷ mẹ khóc lóc mà rằng:
“Thưa tôn giả, con cũng biết thế, đã vào thành 70 năm rồi, không lúc nào
là không lo nghĩ tới nó, nhưng con không còn cách nào cả. Lúc còn sống
không biết kết duyên lành với người khác, lại không gieo trồng phúc đức
nào, nên bây giờ xin ăn rất khó. Tuy chỉ kiếm được những món ăn bất tịnh
cấu uế như máu mủ, nước mắt nước dãi, phân và nước tiểu các thứ, nhưng
vì con mới sinh xong còn yếu ớt, nên hễ mới kiếm được vật chi là bị quỷ
bạn mạnh hơn cướp mất. Lần này khó khăn lăm con mới kiếm được thức ăn,
giấu giấu diếm diếm đến được cửa thành, thì bị bọn lính quỷ giữ cửa cản
lại không cho ra. Tôn giả! Xin ngài thương xót hai mẹ con chúng con,
giúp cho chúng con gặp lại nhau, chia nhau mấy món ăn bất tịnh này!”
Ta đem quỷ mẹ ra ngoài thành, nhìn thấy hai mẹ con mừng mừng tủi tủi
chia nhau thức ăn, lòng ta rất buồn, không ngăn được câu hỏi:
– Ngươi ở đây bao lâu rồi?
Quỷ mẹ đáp:
– Con không biết ở đây được bao lâu rồi, chỉ biết rằng toà thành trước
mắt đã được dựng lên rồi đổ xuống, đổ xuống rồi lại được dựng lên tổng
cộng là 7 lần rồi!
Ôi! Ta thở dài. Thời gian sung sướng thì luôn luôn ngắn ngủi, còn lúc
gặp khổ đau thì lâu dài vô cùng. Không ngờ thọ mệnh của ngạ quỷ lại lâu
dài đến dường ấy!
Tôn giả nói xong, các vị đệ tử đứng nghe ai nấy đều kinh hoàng, không
lạnh mà run. Ai cũng có thể làm một chuyện gì đó đưa đến một hậu quả ghê
rợn như vậy. Nếu không tinh cần tu hành, nếu không dùng Phật pháp làm
ngọn đèn soi dẫn lối, chỉ một lần sơ xuất là khổ hận thiên thu!
Đến đây đoàn người lại hướng về phía trước mà đi, bước đi vô cùng vững
chải. Mọi người cảm thấy phấn chấn, tinh thần sung mãn, họ quyết nhắm
hướng con đường ánh sáng phía trước mà đi tới!