Người ta khổ vì thương không phải cáchYêu sai duyên, và mến chẳng nhằm ngườiCó kho vàng nhưng tặng chẳng tùy nơiNgười ta khổ vì xin không phải chỗ. (Xuân Diệu)
Giá của một bát nướcPrakirti (cô thiếu nữ): Thưa Tôn giả, ngài cần gì ạ?
Ananda: Tôi xin cô bát nước.
Prakirti: Con là dân hạ tiện.
Ananda: Tôi chỉ cần nước uống thôi.
Prakirti: Con là dân hạ tiện. Không ai uống nước của con.
Ananda: Tôi chỉ xin nước uống cho hết khát thôi. Nước làm cho bất cứ ai đều hết khát cả, đâu có phân biệt đẳng cấp.
Prakirti: Con là con gái hạ tiện. Nước giếng thì trong, nhưng đối với người ở đẳng cấp trên, nước của con không sạch. Chẳng có ai ngoài đẳng cấp của con uống nước giếng này cả.
Ananda: Tôi có hề hỏi cô thuộc đẳng cấp nào đâu? Tôi chỉ xin nước uống.
Prakirti: Chẳng lẽ ngài không biết sao? Trong xứ này có hai đẳng cấp: trên và dưới. Con là người đẳng cấp dưới.
Ananda: Tôi đâu cần biết đẳng cấp của cô. Tôi chỉ cần nước uống.
Prakirti: Làm sao con dâng nước cho ngài được? Con là con gái hạ tiện. Những người ở trong lâu đài đàng kia kìa, những người ấy thuộc đẳng cấp trên. Còn những người như con, chúng con không có được cả quyền nhìn họ. Họ không giẫm chân lên bóng của chúng con. Khi chúng con đến gần, họ tránh. Nếu họ thấy chúng con, họ phải rửa mặt với nước hương hoa, vừa rửa vừa nói: “Ta vừa thấy dân hạ tiện.” Vậy thì làm sao con dâng nước cho ngài được? Làm sao con đến gần ngài để dâng nước? Nếu bóng con trải trên người ngài, ngài cũng sẽ trở thành dân hạ tiện.
Đó là đoạn đầu một mẩu đối thoại giữa nàng thôn nữ Prakirti (Ma Đăng Già) và Tôn giả A Nan. Câu tiếp theo Tôn giả An Nan còn nói tiếp với nàng Prakirti: “Tất cả mọi người mà tôi thấy đều có hai tay, hai chân, hai mắt, một miệng, một khuôn mặt, một mũi. Mặt trời đâu có mọc ở phương tây đối với người đẳng cấp dưới? Các người này có bao giờ cảm nhận hạnh phúc hay khổ đau khác ai đâu? Khi ăn, bụng họ cũng đầy. Họ khác chỗ nào?”
Tôn giả A Nan là một trong 10 đệ tử lớn của Phật, cũng là em chú bác ruột của Phật (thái tử Tất Đạt Đa). Người có tướng mạo rất đẹp và trang nghiêm, cung cách đài các, sang trọng vì gốc là người của hoàng gia, nói năng lại nhỏ nhẹ từ tốn. Một con người như thế mà lại đến nói chuyện cùng một con người ở giai cấp hạ tiện. Còn nàng thôn nữ kia? Dù biết phận của mình là hạ tiện nhưng trái tim đâu biết biên giới. Nàng thôn nữ say mê chàng thanh niên trong lớp áo sa môn ấy ngay. Nàng thẩn thờ đắm đuối nhìn người thanh niên ấy mãi cho đến khi Tôn giả đã đi khuất bóng.
Nàng mang nước về nhà với dáng điệu nửa mừng vui nửa ủ rũ. Cái khối sầu tương tư kia ghê gớm lắm, càng cố đè nén trong lòng thì nó càng nở ra và lớn dần, lớn dần. Nàng u sầu ủ rũ. Cả ngày hôm ấy nàng chẳng thiết ăn uống gì nữa, hồn vía như ở tận mây xanh. Nhà chỉ có hai mẹ con nên người mẹ biết ngay, gạn hỏi nàng mới thố lộ là nàng đã yêu say mê người sa môn ấy. Người ấy là thiên thần của đời con, thiếu chàng con không thể sống được, con sẽ chết mất mẹ ơi! Nàng nói như vậy với mẹ. Thương con (mẹ nào mà chẳng thương con), người mẹ đến cầu khẩn một người Bà La Môn có pháp thuật và xin thần chú Ca Tỳ La Phạm Thiên để làm mê hoặc vị sa môn. Hôm sau Tôn giả A Nan cũng như thường lệ, đi đến xóm nghèo ấy khất thực thì hai mẹ con đọc chú thuật khiến Tôn giả bị mê và đưa Thầy vào nhà, nhốt trong buồng kín toan thất thân với Thầy. Phật dùng Phật nhãn quán sát và biết được bèn nói thần chú Lăng Nghiêm, sai Tôn giả Văn Thù đến nhà hai người đàn bà ấy, tụng chú Lăng Nghiêm của Phật để phá thần chú “Ca Tỳ La Phạm Thiên” của Bà La Môn và cứu sư đệ về. May cho ngài An Nan chưa bị nàng hủy hoại nếp sống tịnh hạnh. Tại sao lại cử Ngài Văn Thù đi? Bởi vì Văn Thù là bậc Đại Trí trong hàng đệ tử của Phật. Chỉ có trí tuệ mới có thể phá được cái si mê lụy tình.
Không bỏ cuộc vì đã quá yêu thương A Nan, nàng Ma Đăng Già chạy đến gặp Phật và khẩn cầu Ngài cho nàng được lấy Tôn giả A Nan làm chồng. Phật biết khó cản được một con người đang độ si mê cuồng dại, nên đặt một điều kiện. Lúc này với Ma Đăng Già, mười điều kiện nàng cũng vâng, huống hồ Phật nói chỉ một. Điều kiện đó là: Nếu con muốn lấy A Nan thì phải về tinh xá ở tu trong vòng một năm. Nàng đồng ý ngay. Vì lẽ thứ nhất, đây là giải pháp cuối cùng. Nhưng mặt khác, lẽ thứ hai, nàng thầm nghĩ một năm tu rồi cũng sẽ qua, quan trọng là nàng được ở gần chàng, được có cơ hội nhìn thấy chàng trong các sinh hoạt ở tinh xá. Ai có ngờ đâu, như một mảnh ruộng quá khô cằn giờ mới được dòng nước mát lành tưới tẩm và dần dần hồi sinh trở lại, nàng đón nhận những trận mưa pháp của đức Thế Tôn, tinh chuyên tu tập và chẳng bao lâu đắc quả.
Câu chuyện tóm tắt là thế. Nhưng có rất nhiều chi tiết hấp dẫn không thể nói hết được.
Đọc chuyện này từ hồi còn nhỏ, tôi thấy thương Ngài A Nan hết sức. Bây giờ đọc lại bằng ngôn ngữ dễ hiểu của Giáo sư Cao Huy Thuần, dịch lại lời của Sư Weragoda Sarada Maha Thero; tôi lại thấy khâm phục nàng Prakirti (Ma Đăng Già).
Thời gian mấy mươi năm qua tôi đã từng chứng kiến vài trường hợp, có thầy đã bị nạn “Ma Đăng Già” như thế. Cũng có sư cô vướng phải pháp thuật của “Ga-Lăng Già” nữa, tuy số nữ thì ít hơn. Thật xui cho mấy Thầy, mấy cô ấy quá, nếu đức Phật còn tại thế thì đâu đến nỗi. Vả lại, các nàng Prakirti, các chàng “Ga-Lăng Già” thời nay cũng đâu dễ gì chứng quả như thời còn có Phật Thích Ca ở cõi Ta-bà nên cứ bám theo mãi. Thật rủi ro cho họ.
Tựu chung cũng từ một bát nước ấy mà sinh sự. Giả sử, hôm đó Tôn giả A Nan cũng đi khất thực như mọi ngày mà không khát nước thì đâu có chuyện gì xảy ra. Hoặc giả, nếu gặp người con gái không đa tình như Ma Đăng Già thì chỉ có vài mẩu đối thoại ngắn, rồi dâng nước, rồi uống nước là xong chuyện.
Phải chăng, cuộc đời này tuy là một tràng dài những hạnh phúc mà cũng chính là cả một chuỗi những rủi ro. Tôi xin gọi đó là những tai nạn (trong khi có người gọi là sự cố, nghe hơi lạ tai). Cũng có khi những rủi ro của người này lại là hạnh phúc của người kia. Con chim ngậm con giun bay trên cao, lỡ há mồm rớt xuống đất, có con vịt đứng sẵn đâu đó mổ ngay và nuốt trọn. Con chim xui mà con giun cũng xui. Hiểu sao cũng được.
Tôi còn nhớ câu chuyện của bác học Alexander Fleming (1881-1955) và một câu phát biểu để đời của ông. Ông là một ân nhân vĩ đại của nhân loại khi phát minh ra chất trụ sinh Peniciline, chữa trị hàng loạt căn bệnh hiểm nghèo, cứu được hàng bao nhiêu sinh mạng. Ở Hàn Lâm Viện Y Khoa Anh Quốc ông tuyên bố: “Sao người ta cứ gán cho tôi cái công phát minh ra chất Peniciline. Không ai phát minh ra được chất Peniciline, vì tạo hóa đã sinh ra nó từ thuở nào đến giờ, nhờ một loại mốc… Tôi chỉ có công làm cho mọi người chú ý tới chất đó, và đặt cho nó cái tên, thế thôi.”
Xin nhắc, ông Fleming tìm thấy chất này do hôm đó làm việc nhiều quá mệt mỏi và ông đã… lười biếng không chịu dọn dẹp, rửa sạch các dụng cụ, đồ chứa trong phòng thí nghiệm của ông. Mấy hôm sau ông quay lại thì ngay chỗ những đồ dơ dáy ấy lên nấm men của Penicilin. Cũng vậy, cái bát nước của nàng Prakirti, cũng có những điều kém may mắn (hay xui xẻo).
- Cô gái Ma Đăng Già đã xui quá nên hôm đó mới gặp Ngài An Nan. Thế gian ai cũng hiểu, mình yêu mê mệt người ta mà biết là không bao giờ lấy được người đó thì xui thật. Tình đơn phương!
- Tôn giả A Nan cũng xui xẻo quá. Thiếu gì đường đi khất thực sao lại lạc bước vào cái xóm yêu quỷ này. Rồi tại sao lại gặp cô gái đi gánh nước.Ví dụ gặp một bà già để xin nước thì đâu xảy ra chuyện gì.
- Đại chúng tu tập bên Phật, chắc hẳn là trong những ngày tháng mà Prakirti đi xuất gia phải chăm sóc người thiếu nữ bị bệnh tương tư. Rồi nghe Phật giảng đi giảng lại cái đề tài yêu là khổ (tôi đoán mò vậy).
- Tỷ Kheo Ni Da Du Đà La phải cáng đáng thêm nhiệm vụ ngày đêm theo dõi để dỗ dành người con gái thất tình Ma Đăng Già này.
Và có thể còn vài việc nữa, kể ra không hết. Nhưng cuối cùng thì họa lại biến thành phúc. Ai ngờ, chính nàng Ma Đăng Già đã đắc quả trước cả ngài A Nan Đà. Thấy lạ không? Đó là đặc điểm trong giáo lý Phật Đà. Ai tinh tấn tu hành thì người đó chứng quả. Tất nhiên còn có vài yếu tố khác vây quanh: nghiệp lực, nhân duyên đời trước, sự phát nguyện, công phu... Bởi thế tôi không hề thắc mắc – chỉ khâm phục – khi tụng bài kệ trước khi vào Kinh Lăng Nghiêm: “Nguyện kim đắc quả thành Bảo Vương...” (Xin chỉ ghi mấy câu phần dịch nghĩa của bài kệ tụng này.)
Nguyện nay đắc quả thành Bảo vương,Trở lại độ thoát chúng sanh nhiều như số cát sông Hằng.Nguyện đem thân tâm này phụng sự vô số cõi,Thế mới gọi là đền ơn chư Phật. Cúi xin Ðức Thế Tôn chứng minh cho con,Trong đời ác ngũ trược con nguyện vào trước,Nếu một chúng sanh chưa thành Phật,Quyết không nơi đó tự mình chứng Niết Bàn(…)
Thưa Tôn giả A Nan! Buổi sáng sớm, con đọc kệ, rồi con tụng Thần Chú. Có khi còn mơ ngủ, có khi tâm trí chạy đi đâu. Nhưng con luôn hiểu rằng, Tôn giả đang đứng đâu đó chờ, để cho con đi quá giang khúc sông về Bến Giác, như lời Ngài phát nguyện. Khi nghĩ vậy là con thấy yên lòng tụng tiếp, trước khi đi làm việc.
Tựu chung, những kẻ may mắn nhất là chính chúng ta. Chúng ta thừa hưởng một gia tài không phân biệt. Gia tài đó là: xóa đi, rửa sạch cuộc chiến phân biệt giai cấp vô lý trong con người. Đặc biệt là ở Ấn Độ thời ấy (và tiếc là vẫn còn vết tích đến cả thời nay) chỉ bằng mỗi bát nước ấy. Đức Phật thời ấy đã gặp phải bao nhiêu chống đối từ mọi phía khi Ngài thu nhận những con người trong giai cấp hạ tiện vào Tăng hay Ni chúng. Cái bát nước mà Mahatma Gandhi từng nói: “Các giai cấp xã hội là một vết nhơ nhục nhã trên trán của Ấn Độ.” Cũng chính nhờ cái bát nước này, Tiến sĩ Ambedkar (1891-1956) vào ngày 14 tháng 10 năm 1956 đã cùng 380.000 người của giai cấp hạ tiện “không được chạm tới” đã cùng nhau rửa sạch cho chính họ và cho bao nhiêu triệu người khác trong buổi lễ quy y Tam Bảo tập thể tại Ấn Độ.
Nhưng xin đừng quên, chỉ một bát nước thôi chưa đủ. Xin khoan, đừng nghe nói vậy rồi múc bát nước mà đi rửa giai cấp cho người Ấn, có khi mất mạng như chơi. Phải cần có thần lực chư Phật. Cần có câu thần chú này nữa. Thần chú ấy phải đọc mỗi ngày trong thời Công Phu Khuya.
Om! Anale Anale, Visada Visada, Bandha Bandha, Bandhani Bandhani, Vira Vajra-Pani Phat, Hum Bhrūm Phat Svāhā.Án, a na lệ, tỳ xá đề, bệ ra bạc xà ra đà rị, bàn đà bàn đà nể, bạt xà ra bàn ni phấn, hổ hồng, đô lô ung phấn, ta bà ha.Còn nếu như đọc thần chú mà vẫn không đủ mạnh thì chỉ còn có cách duy nhất quay về lo chuyện tự cứu mình trước, lửa đang cháy lớn! Khi công lực còn kém thì phải lo tự cứu mình trước, rồi mới cứu người được. Ai có thân người ấy lo, ai có bò người ấy giữ (tục ngữ).
Cũng xin nhấn mạnh: Thần chú này là để trừ ma, chứ không phải để cắt đứt những cuộc tình thơ mộng, những mối lương duyên cầm sắt trên đời. Người nào đang có ý định đi sắm cùng lúc hai, ba món quà cho ngày Valentine thì cần đọc ngay thần chú. Sắp nguy rồi! Thần chú này là để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Tôi nói vậy vì có hôm vô tình đọc Facebook thấy có mấy bạn trẻ khuyên nhau không nên tụng, thậm chí không nghe Kinh Lăng Nghiêm vì nghe thì sẽ bị… ế. Nói vậy là nói nhảm, là tà kiến.
●●●
Cái lửa lòng kia, khi đã bén thì sẽ bộc phát dữ dội, sức cháy mạnh hơn cả trận cháy rừng Brasilien hay California. Không tin cứ hỏi Tôn giả Prakirti (sau khi chứng A La Hán) hay Bồ Tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi thì biết. Dễ sợ lắm?
Ở đó mà cứ ngồi gật gù than thở:
Thôi thì thôi đừng ngại mưa mau… Mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông...