Chim Việt Cành Nam [ Mục lục ]
(Television Advertising In Market Economy - Analysis And Evaluation) CHƯƠNG MƯỜI QUÁ
TRÌNH VÀ KỸ THUẬT TRONG
|
Khi thực hiện
phim, chúng ta phải đi qua hai chặng đường : soạn thảo và
chế tác. Soạn thảo là giai đoạn nghiên cứu và chuẩn bị
mọi chi tiết trên giấy trắng mực đen trong khi chế tác liên
quan đến phim nhựa và ống kính. Như mọi công trình sáng
tạo, nếu muốn hoàn chỉnh và có giá trị, nó phải được
phối hợp bởi ba yếu tố hay 3T (Trí,Tâm,Thể) và nói như
kiểu Âu Mỹ, đó là 3H (Head, Heart, Hand) của những người
chế tác và sản xuất.
Chúng ta đều biết rằng việc thực hiện phim truyền hình là một công việc đòi hỏi khả năng sáng tạo. Sự sáng tạo có thể đi ra ngoài luận lý nhưng sự sáng tạo là kết quả của quá trình phân tích chín chắn như là cách nói của Albert Camus (Sự sáng tạo bắt đầu khi ta đã suy nghĩ cặn kẽ " La création commence où la pensée finit " ). Theo Philip Kotler (xem Leduc, sđd), sáng tạo không chỉ là tưởng tượng nhưng tưởng tượng có mục đích, hữu hiệu, với dạng thức cụ thể và khả năng truyền đạt rõ ràng. Alex Osborn của hãng quảng cáo BBDO (Batten, Barton, Dustine, Osborn) xem như quá trình sáng tạo phải gồm 3 chặn: phân tích mọi dữ kiện, khai triển và phối hợp các ý kiến để rồi tìm ra giải pháp sau cùng. I. SOẠN THẢO ĐỀ ÁN PHIM TRUYỀN HÌNH Trước khi bắt tay vào việc soạn thảo phim truyền hình, người thảo án (copywriter) phải có một số tri thức thỏa đáng về mặt hàng được đưa lên quảng cáo, về thị trường nơi người ta tung thương phẩm đó ra. Trong một hãng quảng cáo, những tin tức về thương phẩm đều nằm trong tay người phụ trách khách hàng (AE hay Account Executive). Muốn biết về nội dung mặt hàng, người thảo án phải thông qua anh ta hay có thể nghiên cứu trực tiếp qua tin tức báo chí nói về thương phẩm đó, xem như cơ sở của quảng cáo (copy platform). Từ tài liệu cơ bản này, ta có thể đúc kết những điểm chính yếu về thương phẩm trong một bản tóm lược (fact sheet) bao gồm những thông tin như sau : bối cảnh của việc chế tạo sản phẩm đó, nội dung, lợi ích của nó, người cạnh tranh trên cùng một loại hàng, mục đích dài hạn của sản phẩm, ưu điểm phải nhấn mạnh, điểm nào phải phô trương, những gì tế nhị cần thận trọng trong lúc trình bày. Để làm việc một cách hữu hiệu, người thảo án phim truyền hình có khi phải cất công đi thăm xưởng, hãng, nói chuyện với những người trách nhiệm để tìm hiểu, quen thân với mặt hàng hơn trong quá trình sản xuất của nó. Như thế, có khi lại khám phá ra những điểm độc đáo ăn tiền (selling points) của món hàng mà có khi chưa ai thấy ra trước anh ta. Điểm thứ hai mà người soạn thảo phải nằm lòng là mục đích của chiến dịch quảng cáo. Tùy theo mục đích, anh ta có thể đề nghị phương pháp quảng cáo (phim sống thu hình tại chỗ hay phim chuẩn bị sẵn, độ dài của phim (10 giây, 20 giây, 1 phút...), trình bày thương phẩm với hình dạng nguyên thủy của nó hay ảnh tượng hoá (visualize), phóng ảnh ở một địa phương hay trên mạng toàn quốc, chọn người rao phim (announcer) hay diễn viên đóng phim như thế nào...Nếu không phải là một quảng cáo ngắn (spot-anouncement) tung ra một cách độc lập mà là quảng cáo dài lồng khung trong một chương trình (program) thì phải thu xếp làm sao cho quảng cáo và những yếu tố của chương trình (không khí, diễn biến cốt truyện, phong cách) ăn khớp với nhau nếu không nói là tan loãng, hòa hợp vào nhau (integration).Có nhiều người còn thực hiện những thông báo quảng cáo mà trong đó nhân vật chính trong chương trình truyền hình thủ luôn vai diễn viên. Độ dài của thông báo quảng cáo và thời điểm để xen nó vào chương trình thường liên hệ với nhau. Đầu và cuối chương trình, ta có thể phóng quảng cáo ngắn, giữa phim quảng cáo dài hơn. Ví dụ một chương trình buổi tối dài 30 phút, ta có quyền sử dụng 3 phút quảng cáo (theo pháp luật ở một số nước tiên tiến). Như thế, ở đầu và cuối chương trình, có thể 2 quảng cáo, mỗi cái 30 giây, giữa chương trình có thể chen 2 phút quảng cáo ( hình thức 45 giây / 1 phút rưỡi / 45 giây cũng có thể chấp nhận). Nhiều khi các chủ quảng cáo, vì lý do kinh tế, có thể tiếp sức để quảng cáo một sản phẩm chính và một sản phẩm phụ. Trong trường hợp này, sau khi chương trình mới bước vào phần giới thiệu và chưa vào hẳn nội dung chính, người ta có thể đặt một quảng cáo "gác mũi" (cowcatcher) hay tiên phong. Sau khi chương trình vừa diễn xong, người ta có thể đặt một quảng cáo "quá giang" (hitchhike) hay hậu tập, hai thứ quảng cáo này ăn lan vào thời giờ của chương trình. Nếu quảng cáo nối tiếp một chương trình ăn khách, nó sẽ thừa hưởng được dư ba của chương trình đó. Tuy vậy, quảng cáo nằm giữa một chương trình vẫn thường có ảnh hưởng lớn hơn vì nó nương tựa được trên cơ sở của chương trình mà khán thính giả bắt đầu quen mắt. Một phim quảng cáo có thể được phóng ảnh trong vòng 13, 26 hay 52 tuần hay hơn nữa tùy theo dự chi của chủ quảng cáo. Có những thông báo chỉ được dự tính cho ra vài ba lần, có những thông báo khác được kéo lâu hơn xem mãi không chán. Những thông báo "sống lâu" (thông báo trường thọ) thường là những thông báo thực hiện dưới hình thức hoạt hình có âm nhạc (animated jingle). Nội dung của một thông báo quảng cáo thường bao gồm 5 yếu tố quan trọng sau đây 1) Hình ảnh (Sight) Hình ảnh là cơ sở của thông báo truyền hình, nó sẽ tăng thêm hiệu quả với sự trợ giúp của âm nhạc, hiệu ứng âm thanh, lời đối thoại và giải thích thích hợp. 2) Động tác (Action) Hình ảnh đơn thuần dễ gây nhàm chán, muốn hình ảnh vui mắt có thêm động tác. Kỹ thuật thâu hình của ống kính làm cho hình ảnh sinh động và mang nhiều ý nghĩa. 3) Độ tập trung (Concentration) Ý chính muốn nói phải được trình bày rõ ràng, đơn giản và nhấn mạnh để khán thính giả nắm được ngay. Hình ảnh đưa ra phải xoay quanh một chủ đề để khỏi bị tản mạn, chia trí khán thính giả. 4) Tính đồng nhất (Identification) Tên tuổi sản phẩm hay nhà sản xuất phải hiệp một với sản phẩm, được trình bày cách nào để khán thính giả ghi nhớ, phân biệt một cách ý thức hay vô thức (conscious and unconscious identification) và không nhầm lẫn với thương phẩm của nhà sản xuất khác. Hành động mua hàng mà người quảng cáo mong muốn chỉ có thể xảy ra nếu người khách nhớ đến nhãn hiệu. Tên tuổi (name) hay biểu tượng thị giác (visual device) như búp bê, hình tượng ... có thể giới thiệu thẳng món hàng 5) Tính chân thực (Sincerity) Thành thực là nguyên tắc cơ bản của thành công, dù hiện nay nhiều quảng cáo nói không đúng sự thật hoặc khoa trương quá lố ("nhất thế giới", "hay kinh khủng", "đẹp vô cùng" vv...) và là đối tượng của mọi sự phê phán. Hình thức của quảng cáo truyền hình có nhiều thể loại, từ chỗ chỉ cần một anh xướng ngôn viên ngồi bệt trước ống thu hình đến một kịch bản có tuồng tích hẳn hoi. Có khi quảng cáo dùng người thật, khi thì nhân vật tưởng tượng, khi thì dùng thương phẩm làm trung tâm điểm cho thông báo. Agnew và O'Brien kể ra 6 loại hình như sau: 1) Người phát ngôn viên giới thiệu( Presenter) Hình thức thông dụng và ít tốn kém nhất. Người giới thiệu thường là một người chào hàng (có khi) cầm thương phẩm trên tay, giải thích về nó trước máy thu hình. Nếu nói chuyện khéo léo, phương pháp này dễ dẫn đến thành công. Thường thường, lời nói chuyện phải giống như là câu chuyện giữa hai người, dễ gây thiện cảm , chứ không phải lối nói như diễn thuyết trước công chúng. Về mặt chi phí, lối quảng cáo này không cần dàn dựng phông cảnh gì chi lắm. Thế nhưng mặt khác, cử một người không ai muốn mời tới để nói dông dài chưa chắc là điều hoàn toàn thu hút nên lối quảng cáo với người phát ngôn thường phải được "pha" thêm tính chất thực diễn để bớt nhàm chán. 2) Tiến cử, làm chứng (Testimonial) Một người có tiếng tăm (tài tử điện ảnh, vận động viên có thành tích, học giả uyên bác ) đứng ra tiến cử thương phẩm. Một tuyển thủ lái xe đua quảng caó tính an toàn của một hiệu vỏ lốp xe hơi, một nữ diễn viên trẻ đẹp nói về mỹ phẩm, một nhà vô địch điền kinh làm chứng hiệu quả dinh dưỡng của thực phẩm ...là những ví dụ cụ thể về trường hợp này. Tuy nhiên, một người vô danh như một bà nội trợ nào đó cũng có thể giới thiệu về nồi niêu soong chảo hay các chất hoá học vệ sinh nhà cửa vì bà ta là người có thẩm quyền trong khu vực nhà bếp, "giang sơn" của bà ta. Hơn nữa, khi khách hàng là một nội trợ bình thường, bà ta có thể cảm thấy đồng điệu với người làm chứng, một người như thuộc "phe cánh" mình. 3) Thực diễn (Demonstration) Đây là một lối quảng cáo hiệu suất cao nhất bởi vì người xem quảng cáo nào cũng muốn tìm hiểu thương phẩm có thực sự tốt, có đắc dụng hay không. Thực diễn nhắm mục đích phô bày cái hay, cái tốt của mình trên thực tế ...cho nên phải chuẩn bị hết sức cẩn thận. Người ta có kể chuyện khôi hài về một ông Tổng Giám đốc hiệu xe hơi, trong lúc thực diễn về hệ thống đóng mở tự động cửa xe một hiệu mới, đã bị kẹt trong xe không ra được! Khi chọn lối thực diễn, phải dùng đúng người, đúng chỗ. Người thực diễn tinh thông về thương phẩm nhưng không cần phải là nhà chuyên môn, lối trình bày phải sống động và thành thực, không có kịch tính. Quảng cáo máy xay trái cây phải được lồng trong khung cảnh nhà bếp chứ không phải ngoài trời, quảng cáo xe hơi phải ở trên mặt đường chứ không phải ở công xưởng, đồng hồ báo thức trong phòng ngủ chứ không phải ở trong tiệm đồng hồ. Trong khi thực diễn, nên dùng phương pháp thực nghiệp đối chiếu với các mặt hàng đồng loại để nâng cao sức thuyết phục.Tuy nhiên, hình thức quảng cáo này khá tế nhị vì có thể gây tổn hại cho đối thủ. Chủ đề này sẽ được triển thêm trong chương 17, khi vấn đề pháp lý được đề cập đến. 4) Kích hoá (Dramatized) Giới thiệu thương phẩm dưới dạng giả tưởng, hình thức kịch hóa có hai phương pháp chính: phương pháp "giải quyết vấn đề" (trình bày tình huống trước và sau khi dùng thương phẩm) và phương pháp "thoả mãn nhu cầu". Phương pháp thứ nhất đưa ra cảnh một người nội trợ bực mình vì giặt đồ mà hãy còn vết ố, một thanh niên râu tóc bờm xờm. Thế rồi sau khi dùng thuốc giặt hay dao cạo râu nào đó, cả người nội trợ lẫn cậu thanh niên đã giải quyết được vấn đề bức xúc với họ một cách nhanh chóng. Phương pháp thứ hai không đá động gì đến vấn đề mà chỉ nhấn mạnh đến sự sung sướng thoả mãn. Giới thiệu một hiệu xe mới, Chevrolet tung ra khẩu hiệu "Hãy lái Chevrolot mà khám phá nước Mỹ" (See the USA in a Chevrolet), rồi họ trình bày danh lam thắng cảnh cả nước kèm theo tiếng nhạc của một biệt khúc tên là "Chevrolet Ca Khúc" (Chevrolet Song). Cùng một thể ấy, hãng xúp Campbell giới thiệu món hàng nổi tiếng của mình qua mẩu phim hoạt hoạ một đàn trẻ quây quần quanh bàn ăn thưởng thức món xúp một cách hoạt náo theo điệu nhạc. 5) Tài liệu (Documentary) Rời lĩnh vực giả tưởng, quảng cáo cũng có thể dùng phim tài liệu nói về hoạt động cụ thể của một xí nghiệp qua một cuộc thảo luận xoay quanh một đường lối kinh doanh, khung cảnh công xưởng hay sự liên hệ giữa nhân viên trong hãng với nhau. Thường thường, những giá trị được đề ra là giá trị có tính chất tinh thần ví dụ hãng chế biến thực phẩm trình bày cách gạn lọc thịt bò để cuối cùng cho ta thấy chỉ có miếng thịt ngon mới được giữ lại. Qua đó người ta đánh giá đươc chất lượng của mặt hàng qua quá trình vào bao, đóng hộp của hãng ấy. Cũng vậy, quảng cáo quyên góp tiền cho một mục đích gì có thể trình bày qua cách sử dụng tiền khác nhau để chứng tỏ ý nghĩa đúng đắn của việc lạc quyên. Song song với lối quảng cáo bằng chứng từ (testiomonial) như đã nói, lời quảng cáo phim tài liệu với "người thực việc thực" ( có tên tuổi, nghề nghiệp rõ ràng) cũng đạt được kết quả cao với điều kiện khéo léo thực hiện để tránh những ranh hậu quả đi ngược lại ý hướng của chủ quảng cáo (ví dụ ăn nói lắp ba lắp bắp) Hình thức này thường dùng tương đương những sản phẩm mới có tính cách phát minh chẳng hạn ( kiểu xe mới, tân dược, chế phẩm ngành dệt may). 6) Gợi nhớ, nhắc nhở (Reminder) Đây là kiểu quảng cáo giúp cho trí nhớ người xem về tên một thương phẩm hay tên hãng qua những khẩu hiệu ngăn ngắn, qua những bản đồ chỉ địa điểm hiệu buôn nằm ở đâu. Chỉ cần 10 giây đồng hồ, ta có thể thực hiện được quảng cáo cỡ này vì nó khá đơn giản, không đòi hỏi nhiều tính tiết. Để thực hiện nó, trước hết thông tin phải thật giản dị và chính xác, sau nữa là hình họa và âm thanh phải gắn bó chặt chẽ với nhau không để cho người xem có dấu hỏi trong đầu. Nếu cần phải chạy một giòng chữ con để kết hợp với hình ảnh, nhấn mạnh được những đặc điểm ăn tiền của sản phẩm M. Abe và nhóm Senden Kaigi (Nhật Bản) (1996) cũng dựa trên những thủ pháp biểu hiện để chia thương điệp truyền hình ra làm 13 loại hình như sau: 1) Thực chứng (Demonstration) Trình bày đặc tính của thương phẩm bằng một số hình ảnh và âm thanh. Ví dụ khi nói bóng điện Matsushita có nhiều khổ từ nhỏ đến lớn, hãng này trình bày hình ảnh cụ thể người bóc vỏ cam bên trong hiện ra một bóng đèn, bóc vỏ đậu Hoà lan lại hiện ra nhiều bóng đèn bé tí như hạt đậu. 2) Ảnh tượng (Image) Không qua hình ảnh cụ thể mà chỉ qua hình ảnh có thể gợi cho người xem một ấn tượng. Giới thiệu tính an toàn của xe mình, Mercedes đưa hình người mẹ nâng niu đứa con trong tay. 3) Người diễn xuất (Talent) Dùng nhân vật nổi tiếng để khơi gợi tình cảm tin cậy nơi người xem và thúc đẩy họ mô phỏng phương thức hành động. Trong nhiều năm Sapporo Beer đã mượn hình ảnh tài tử điện ảnh Mifune Toshiro, tượng trưng cho nam tính, để quảng cáo cho rượu bia của họ. 4) Tài liệu (Documentary) Trình bày quảng cáo như một phim tài liệu với diễn viên nghiệp dư hay là người thường ở ngoài đời. Một nhóm học sinh tiểu học đã quảng cáo cho nhà xuất bản Shogakkan (Tiểu Học Quán). 5) Trò cười (Gags) Loại quảng cáo này muốn đưa ra những sự kiện vô nghĩa hay ngược đời để gây thiện cảm nơi người xem.Trường dạy ngoại ngữ Nova trình bày một anh học trò lớn tuổi trên đường đi đến trường với những hành động kỳ cục như bước đi cứng nhắc như lính gác điện Buckingham và nói tiếng Anh với tất cả mọi người anh ta gặp dọc đường. 6) Mảnh đời (Slice Of Life) Lấy cảm hứng từ người thật việc thật ngoài đời để phim quảng cáo được sống động. Hãng nước tương Kikkoman đã ghi lại quang cảnh trong một nhà bếp gia đình thường dân. 7) Nhân vật phim hoạt họa (Characters) Để dễ nhớ và gây thiện cảm, người ta dùng thủ pháp hoạt họa với những nhân vật tưởng tượng như động vật được nhân cách hoá kiểu mấy chú gấu con của tiệm bánh Bunmeido, vịt Donald của Walt Disney. Máy in Xerox dùng ET trong phim của Steven Spielberg nói về một sứ giả tưởng tượng đền từ sao Hoả 8) Hiệu quả đặc biệt (Special Effect) Tạo ra những hình ảnh ly kỳ bằng hiệu ứng đặc biệt về hình ảnh hay âm thanh, Liên đoàn các nhà sản xuất Sữa tạo ra một bộ xương biết đi để nhấn mạnh đến vai trò của Calcium trong sữa đối với đời sống con người. 9) Nhạc quảng cáo (CM Song) Lối quảng cáo lồng tên hãng hay thương phẩm trong một khúc nhạc với làn điệu dễ nhớ hay lợi dụng một bản nhạc đã được mọi người ưa thích (hit) làm chủ đề cho món hàng của mình. Hãng Renown nổi tiếng với bài hát Yeh Yeh, liên kết bài hát với sản phẩm của mình (quần áo phụ nữ trẻ). 10) So sánh (Comparison) So sánh sản phẩm hãng mình với hãng khác. Nghiệp đoàn du lịch đảo Guam "đánh tiếng" với du khách Nhật nên đến đảo Guam chơi thay vì đi Hawai. Từ Tokyo đi Guam mất 3 tiếng rưỡi trong khi đi Hawai mất đến 8 tiếng đồng hồ. 11) Đề cao lợi ích công cộng (Public Utility) Với những lối trình bày khác nhau như góp ý, cảnh cáo, dạy dỗ...gây cho quần chúng ý thức về những vấn đề bảo vệ môi trường, nhân ái với đồng loại, bảo vệ sức khoẻ. Liên đoàn bảo hiểm Nhật Bản khuyến cáo phụ nữ nên thường xuyên đi chẩn bệnh để đề phòng ung thư vú. 12) Kết Hợp (Tie-Up) Ta đã thấy Renown kết hợp âm nhạc với sản phẩm nhưng còn có lối kết hợp hình ảnh với sản phẩm. Ultraman, nhân vật hoạt họa, được kết hợp với hãng khai thác dầu khí Idemitsu. 13) Bản sắc xí nghiệp (Corporate Identity) Bản sắc của xí nghiệp được thể hiện qua phù hiệu (Logo Mark) đã được nổi tiếng của hãng, ví như chữ X của Xerox, chữ R của Ricoh. Màu xám của Sony, màu đỏ của Honda, màu xanh của Kawasaki cũng là những yếu tố tăng sức mạnh,củng cố loại quảng cáo này. Từ lúc thảo án cho đến khi đi vào qui trình chế tácmột phim quảng cáo truyền hình, hãng quảng cáo thường thông qua 7 giai đoạn (nhưng có thể áp dụng nhu nhuyễn và lược bỏ những giai đoạn ít cần thiết): 1) Giai đoạn moi óc (Brainstorming) Là lúc người thảo án (writer)ghi lên giấy tất cả mọi ý tưởng liên quan xa gần với kế hoạch, không ngại thừa thải vì một ý tưởng xa xôi có thể nảy ra cảm hứng và đưa đến một ý tưởng gần gũi khác. 2) Giai đoạn hội nghị đánh giá (Evaluation) Giữa người chủ nhiệm chế tác và những người liên hệ về kỹ thuật và người chế tác ở đài truyền hình, để đánh giá về những gì sẽ đề ra trong thông báo và hoạch định dự chi quảng cáo. Từ những ý tưởng đã thành hình, gạn lọc để chỉ giữ lại vài ý tưởng chính cho phim sẽ làm. 3) Giai đoạn phác thảo ảnh tượng (Visualization) Lúc giữ lại vài ba ý tưởng chính cho phim và bắt đầu đi vào chi tiết cụ thể bằng cách dùng cốt truyện bằng một chuỗi hình vẽ cho mỗi ý được giữ lại. 4) Giai đoạn hội nghị hiệp ý (Agreement) Giữa hãng quảng cáo và đại diện khách hàng. Phía khách hàng phải hiện diện đông đủ để đóng góp ý kiến về chi tiết và cho chỉ thị sửa đổi nếu cần. Lúc này hãy còn vài ba ý nhưng có khi chỉ có một ý độc nhất được giữ lại. 5) Giai đoạn tái kiểm thảo (Re-examination) Từ kết quả của lần họp trước. Lần này phía khách xem xét cẩn thận hơn từng chi tiết của các ý nêu ra. 6) Giai đoạnđúc kết (Final Checking) Để ghi giữ lại một ý được dùng. Dĩ nhiên ý tưởng được giữ lại phải độc đáo, mạnh mẽ và lôi cuốn nghĩa là có nhiều khả năng thành công nhất. Trong lần họp này cả truyện phim (story board) lẫn băng ảnh (continuity of images) đều phải được hoàn tất. 7) Giai đoạn trình khách (Presentation) Lúc hãng quảng cáo đã có thể trình khách hàng kịch bản đầy đủ nhất để đem dựng thành phim. Đây là lúc cuối cùng chủ quảng cáo còn có thể thêm bớt. Ở giai đoạn này, mọi khoản chi phí cho phim từ phông cảnh, dụng cụ, diễn viên, âm thanh, ánh sáng vv...đều phải được ấn định rõ ràng và ghi chép trên giấy trắng mực đen. Giai đoạn thảo án chấm dứt ở đây và giai đoạn chế tác bắt đầu. |
II.
QUÁ TRÌNH VÀ KỸ THUẬT MINH HỌA BẰNG TRUYỆN (STORYBOARDS)
Trong việc thảo án, sự minh họa băng truyện là quá trình phải vượt qua. Người Mỹ gọi nó là Storyboards, gồm nhiều tấm bảng (Boards) trên đó gắn những hình ảnh minh họa mọi tình tiết, diễn tiến của truyện phim (Story) với lời thuyết minh chi li bằng văn tự. Người Nhật gọi nó là E-Konte (E trong tiếng Nhật có nghĩa là hình ảnh và Konte là lời viết tắt chữ Continuity. Tóm lại ta có thể hiểu nó như Một Chuỗi Hình Ảnh ( Continuity of Images). Việc xây dựng băng truyện bắt đầu bằng một sơ thảo (Rough Continuity) có thể là băng truyện chỉ bằng chữ viết hay hình ảnh. Công việc này do người Giám Đốc Thực Hiện (CD) hay Quản Đốc Phương Án ( PL) viết bằng bút chì, bằng này là cơ sở cho việc moi óc phóng bút (Brainstorming) của những nhân vật liên hệ đến việc soạn thảo. Bản sơ thảo gồm 5 hay 6 bức vẽ cho một đoạn phim 15 giây, 7 đến 10 bức cho 30 giây. Bên cạnh bức họa có phần phụ chú về âm thanh và phần thuyết minh viết ra dưới dạng đen trắng. Sau buổi họp với các nhân vật liên hệ, băng truyện đã có thể ra đời. Bởi vì băng truyện sẽ phải trình bày trước chủ quảng cáo, nó phải được chỉnh lý bằng hình màu, có chua nội dung các loại âm thanh (NA = Narration, Kể truyện; D = Dialogue, Đối thoại; SE = Sound Effect, Tác dụng âm thanh; AN = Announcement, Loan Báo; M = Music, Âm nhạc) bên cạnh. Với phương tiện kỹ thuật bây giờ, băng truyện có thể phác thảo bằng máy vi tính con hay bằng hình ảnh trên băng từ (Videotape). Điều này rất có ích vì trong lúc tiến hành thực hiện phim, ta bắt buộc sửa chữa nhiều lần sơ thảo để nó phù hợp với nhu cầu hơn.. Như thế có nghĩa là cái thời nhà đạo diễn có sẵn mỗi thứ trong đầu, nhớ đến đâu làm đến đấy, đã qua hẳn. Người làm phim bây giờ không thể nào xử sự tùy hứng được nữa mà phải ghi chép tỉ mỉ mọi việc cần làm. Việc dựng băng truyện đã bắt nguồn từ kỹ thuật làm phim hoạt họa (Animation). Ai cũng biết mỗi giây đồng hồ trong phim hoạt họa cần 24 bức ảnh để có một tốc độ tiêu chuẩn. Vì thế hãng Walt Disney nhấn mạnh là mỗi động tác (Action) cơ bản cần ít nhất 4 tấm ảnh. Tuy vậy, tùy theo những điểm trọng yếu hay không trong câu truyện, ta có thể tăng giảm số ảnh. Trong thời chiến tranh, người Mỹ đã sử dụng băng truyện để trình bày cho binh lính hiểu được dễ dàng những thao tác quân sự khó khăn. Sau đó, băng truyện đã phổ biến trong giới làm phim. Đối với giới quảng cáo, băng truyện không những giúp họ theo dõi quá trình dựng phim mà còn được sử dụng trong những cuộc nói chuyện, đàm phán với chủ quảng cáo, dùng như chứng cứ của công việc mình đã thực hiện. Sau đây, ta hãy xét qua ba điểm cần phải lưu ý lúc minh họa băng truyện: - Mục đích sử
dụng băng truyện (Use)
1) Mục đích sử dụng băng truyện Một tổ ảnh (4 bức) có ít nhất 4 công dụng. Thứ nhất nó biểu hiện cụ thể một phần câu truyện, bộc lộ ra những chỗ yếu kém của cốt truyện để kịp thời sửa chữa trước khi lấy quyết định. Nó là tư liệu cần thiết lúc ấn định chi phí và soạn thảo khế ước giữa chủ quảng cáo và hảng quảng cáo.Cuối cùng nó là mẫu mực mà người thực hiện việc chế tác phim quảng cáo phải tuân theo. Đưa hình ảnh để cụ thể hóa, ảnh tượng hóa (Visualization) phim quảng cáo sẽ làm là điều cần thiết vì băng truyện là điểm gặp gỡ của người chủ quảng cáo, hãng quảng cáo, người chế tác từ kỹ thuật đến mỹ thuật. Tuy nó hãy còn nhiều khiếm khuyết ví dụ chưa được mạch lạc, hay thiếu nhiều chi tiết, chưa đủ sinh động như một cuộn phim nhưng nếu không có nó, ta không thể tiến tới những giai đoạn sau. Lúc lấy quyết định về phương pháp (Policy Decisions) chẳng hạn , băng truyện là cơ sở để thảo luận. Ví dụ như việc quảng cáo bia uống bằng lon, bằng chai sẽ không hiệu nghiệm bằng cốc vì bia rót vào cốc sẽ gây tiếng động vui tai , màu vàng của bia và bọt bia trắng xóa sủi lên để quyến rũ người xem. Do đó, người ta có thể thay thế hình ảnh lon bia bằng cốc bia. Ngoài ra băng truyện giúp ấn định phí tổn và giá cả để đi đến khế ước ( Cost Estimates and Contracts), nhất là trong trường hợp đấu thầu giữa nhiều hãng quảng cáo.Thêm một cảnh có cầu thang, có tấm kính, trên thực tế đòi hỏi chi thêm số tiền không nhỏ cho việc trang trí, nhưng lại có thể vẽ ra hay xóa đi dễ dàng trên băng truyện mà không tốn xu nào. Băng truyện sẽ là chứng cứ về những chi tiết mà chủ quảng cáo đòi hỏi hãng quảng cáo và người làm phim thực hiện cho họ. Cuối cùng, băng truyện là chuẩn cứ để người làm phim theo đó mà làm (Shooting Script). Dĩ nhiên, qua thực tế, sẽ có nhiều bất ngờ và ý mới nảy ra. Người làm phim phải thử quay và chi chú những điểm khác biệt giữa thực hành và băng truyện, để xem lối trình bày nào có hiệu quả hơn cả. Nên nhớ là phim quảng cáo ngắn hơn phim thường nên nội dung mỗi giây đồng hồ của phim phải được ấn định chi ly và chính xác, chỉ cần đổi ra một hai giây là hiệu quả sẽ khác đi. Do đó, người minh họa băng truyện không chỉ là họa sĩ thuần tuý mà còn là người có kiến thức chuyên môn để hiểu được ngôn ngữ điện ảnh. 2) Kỹ thuật minh họa Ký thuật minh họa bao gồm hai diểm chính: biểu hiện và bài trí. Về kỹ thuật biểu hiện, họa sĩ phải luôn luôn tham khảo người thảo án trong quá trình sơ thảo các bức vẽ (Sketch), băng truyện sẽ thành hình dần dần với những thêm bớt của các nhân vật liên quan qua những lần gặp gỡ thảo luận. Truyện có thể được minh họa bằng bút chì, bút mực. phấn nước hay tổng hợp ba loại nói trên. Minh họa có thể thực hiện bằng ảnh (Photo) hay ảnh âm bản (Slide). Tranh vẽ bằng tay đi vào chi tiết nhiều hơn là ảnh chụp và tốn kém tiền công hơn nhưng rẽ hơn về tiền phông cảnh. Khi thực hiện băng ảnh, người diễn xuất và thương phẩm phải dùng người và vật thật. Người ta thường dùng lối chụp chớp nhoáng vật thể ở động tác nhanh (Stroboscopic Photography) để có cả một chuỗi ảnh liên tục về người diễn xuất trong nhiều tư thế khác nhau với mục đích làm cho băng truyện sống động hơn. Tổ hợp bốn bức ảnh thường thấy gồm bốn bức ảnh chụp ở cự ly khác nhau nhưng để có tính liên tục, vị trí của nhân vật phải luôn luôn đồng nhất cách chụp ở tầm xa gọi là LS (Long Shot), rồi đến MS (Medium Shot) nghĩa là lối chụp ở cự ly xa và cự ly trung bình. Gần hơn nữa là MCU (Medium Cross Up) và gần nhất là CU (Cross Up), lúc đó khuôn mặt nhân vật hiện ra ở một cận ảnh. Thời gian để máy ảnh tiến từ tầm xa đến tầm gần (Drive-in) được quy định khoảng 2 giây đồng hồ. Người làm phim có thể dời góc độ của máy thu hình (Camera Angle) nhưng trong một phim quảng cáo ngắn ngủi thì trừ phi có lý do đặc biệt mới nên cắt (Cut) như thế. Băng truyện là một cấu trúc có tính liên tục nghĩa là có tuồng tích hẳn hòi để người xem quảng cáo trong tương lai có thể hiểu được quảng cáo ấy trình bày về món hàng nào . Cho nên việc cần thiết hơn cả là trước khi lồng đối thoại hoặc giải thích vào, người làm băng truyện phải đọc băng truyện trơn để xem thứ chỉ riêng với hình ảnh, góc cạnh thu hình, ta có thể tìm thấy tính cách nhất quán của truyện phim không và có cần phải huy động tất cả các tổ 4 bức hình hay có thể tùy lúc mà giản lược thành hai bức nhờ hiệu năng của ống zoom. Đó là mục đích trong việc dàn dựng băng truyện (Composition and Arrangement). 3) Phương pháp đề xuất (Presentation Methods) Băng truyện có thể được trình bày trên mặt giấy (on paper) hoặc trên phim. Sử dụng mặt giấy, có thể cầm trên tay, đặt trên bàn xem từng ly từng tý được. Băng truyện có thể trình bày dưới dạng xếp kiểu đàn phong cầm (accordéon), trên một trang giấy với 4 bức ảnh đặt theo chiều dọc, mỗi trang 3 bức một như một quyển sách hoặc phương thức từ 8 đến 12 ảnh trình bày trên một tấm bìa lớn. Băng phim có nghĩa là thu hình trên máy 16mn với phần âm thanh đính kèm. Ngoài ra băng truyện có thể trình bày dưới dạng thức ảnh âm bản (slide) liên tục theo lối hoạt họa (animatic). |
III.
HAI HÌNH THỨC CƠ SỞ THỰC HIỆN PHIM QUẢNG CÁO (PRODUCTION BASIS)
1) Điểm khác nhau giữa quảng cáo sống và phim quảng cáo Phim quảng cáo có thể thực hiện dưới hình thức phim thu sẵn hoặc phim "sống". Loại thứ hai nói ở đây là hình thức quảng cáo trực tiếp vì yếu tố quảng cáo đã hòa tan trong chương trình truyền hình như một bộ phận không thể tách rời khỏi nó. Đó là trường hợp một buổi công diễn mà người trên sân khấu đứng ra nói tốt cho một mặt hàng nào đó.Tuy nhiên, dù là quảng cáo bằng phim thu sẵn hay quảng cáo "sống" truyền hình trực tiếp, khi quyết định phải chọn lựa hình thức nào, người làm quảng cáo phải chú ý đến những yếu tố sau đây: chi phí thực hiện, những ràng buộc trong việc thực hiện, khả năng thay đổi nội dung, sự uyển chuyển trong mục đích sử dụng phim, những sự kiện xảy ra bất chợt cũng như tính tức hứng của hai loại quảng cáo nói trên. Phải nhìn nhận như O'Brien và Agnew, từ sau 1958, loại phim quay sẵn chiếm một chỗ đứng quan trọng hơn loại quảng cáo "sống" rất nhiều. Về chi phí (Cost), quảng cáo sống có vẻ rẻ tiền vì không cần phải chuẩn bị phong cảnh, đồ đạc gì trước cả nhưng quảng cáo bằng phim. Nó lại còn rẻ hơn nếu dùng cùng diễn viên đó, kỹ thuật gia đó, phong cảnh đó, dụng cụ đó...ta có thể sản xuất hàng loạt 4, 5 phim một lúc với một ít thay đổi trong nội dung phim.Về những ràng buộc trong việc thực hiện phim (Production Values), ta thấy có những loại quảng cáo không thể dùng "sống" được như quảng cáo bằng hình ảnh đứng yên (stop motion) hoặc hoạt hình (animation). Hơn nữa, việc lựa chọn địa điểm, thời tiết, giờ giấc, cũng không thể làm được với loại phim sống. Quảng cáo sống không thế nào quay được cảnh tuyết rơi giữa mùa hạ, hoa nở giữa mùa đông hoặc đường phố nhộn nhịp ngựa xe được. Lúc trình diễn sống, diễn viên được cái tự nhiên nhưng trong phim quảng cáo, sự chỉ đạo của đạo diển rất cần thiết vì thời giờ quảng cáo ngắn ngủi không cho phép diễn viên nói tràng giang đại hải. Riêng về khả năng thay đổi nội dung (Changes) thì phim sống dễ thay đổi hơn trong khi phim dàn dựng sẵn phải tốn rất nhiều công lao tiền của. Diễn viên phim sống chỉ cần tập dượt mỗi đôi lần là đã thích ứng được với nội dung mới được đề ra.Về tính mềm dẻo trong việc sử dụng, phim thu sẵn đặt để bất cứ chỗ nào trong chương trình cũng được, co giãn từ 10 giây đến 1 phút đều được. chỉ cần cắt xén khéo léo cũng giữ được đầy đủ ý nghĩa. Phóng ảnh ở một đài cũng được, ở mạng cũng không sao. Ngoài ra, lợi điểm của phim so với quảng cáo sống là phim tránh được những sự cố xẩy ra bất ngờ (Mishaps). Có gì sai sót còn cắt xén được trong lúc diễn xuất sống thì xử lý khó khăn hơn. Cuối cùng, quảng cáo sống có lợi điểm mà phim thu sẵn không thể có được: hiệu quả của sự sống động, tức thời (Immediacy). Bất tiện là nếu sự cố gì xẩy ra thì khó trở tay hơn. 2) Điểm cộng thông giữa quảng cáo sống và phim quảng cáo Những điểm chung giữa hai hình thức quảng cáo nói trên là sự hiện diện của người nhờ rao mặt hàng, thương phẩm, khách hàng, máy phóng hình và máy thu hình, quá trình thực hiện. Nói chung, cần phân biệt hai yếu tố: yếu tố con người và yếu tố kỹ thuật. Những nhân vật có mặt trong cả hai quá trình thực hiện thương điệp là người đại diện cho chủ quảng cáo (Advertiser's Representative), người sản xuất (Producer), người chỉ huy diễn xuất (Director), diễn viên được phân vai (Casting) và những chuyên viên khác (Employees). IV. GIAI ĐOẠN CHUẨN BỊ CHẾ TÁC PHIM (PREPRODUCTION STAGE) 1) Tập hợp đội ngũ (The Creative Team) Trước khi đi hẳn vào chế tác, nhà sản xuất phải đứng ra kết hợp một đội ngũ chuyên viên với sự hội ý của Giám Đốc Thực Hiện (CD) và Quản Đốc phương án (CM Planner). Nhân vật then chốt nhất được tuyển chọn là nhà Đạo Diễn (Director) và thường thường, vì vai trò quá quan trọng với sự thành bại của cuốn phim của nhân vật này, chính chủ quảng cáo hay hãng quảng cáo phải đứng ra tuyển lựa lấy. Theo O' Guinn(2000), ở Mỹ, người ta phải trả lương một người Đạo Diễn giỏi từ USD 8000 đến USD 25000 mỗi ngày, và trong thực tế, nhiều đạo diễn phim truyện nổi tiếng cũng từng làm phim quảng cáo như Ridley Scott (làm cho Apple), John Frankeinheimer (AT&T), Woody Allen (Campari), Spike Lee (Levi's, Nike, the Gap, Barney's) và Federico Fellini (Coop Italia). Chúng ta còn thấy các đạo diễn tài danh Pháp như Jean-Jacques Annaud, Luc Besson kiếm sống bằng cách đó trong khi chờ đợi có người bỏ vốn cho họ thực hiện một phim truyện. Đạo diễn phải có tầm cỡ ăn khách với phim sắp được thực hiện. Người ta thường xét trên tiêu chuẩn những tác phẩm của người ấy trong quá khứ, sau đó là các tiêu chuẩn khác như thương phẩm cần quảng cáo, ngân khoản, thời gian thực hiện phim. Sau việc tuyển đạo diễn đến lượt việc tuyển lựa người quay phim. Sự tuyển lựa này cũng dựa trên những tiêu chuẩn như thành tích nghề nghiệp và chất lượng công việc của anh ta. Kiến thức kỹ thuật hiện đại của người quay phim cũng là một tiêu chuẩn tuyển chọn. Nhân vật thứ ba là chuyên viên ánh sáng. Sự ăn ý giữa người quay phim và người trách nhiệm ánh sáng là điều không thể thiếu sót. Sau đó là một loạt chuyên viên kỹ thuật (kỹ thuật thu hình, kỹ thuật hoạt họa bằng vi tính (Computer Graphics), kỹ thuật điều chỉnh chuyển động của hình ảnh (Motion Control) và mỹ thuật (trang điểm, y phục, đầu tóc, vóc dáng) như đã nói ở trên. 2) Dựng kịch bản phim (Script) Sau khi đã kết hợp đội ngũ, ta có thể bắt tay vào việc xây dựng kịch bản phim (Script) , dựa trên băng truyện (Storyboards). Lúc này, ta có thể thêm vào băng truyện những chi tiết liên quan đến kỹ thuật quay phim như hướng đặt máy thu hình (Camera Angle), phân đoạn (Sequence Cut), thời giờ, y trang, dụng cụ và hoàn tất những chi tiết về âm thanh. Nếu băng truyện là " CM dự định " thì kịch bản CM là một " CM khả thi"vì nó cụ thể và chi tiết hơn. Kịch bản CM là cơ sở cho việc nghiên cứu sở để quay phim, diễn viên cần tuyển chọn, phông cảnh cần phải thiết kế. Gần đây, các chủ quảng cáo càng ngày càng lưu ý cặn kẽ về tư liệu quay này. 3) Ấn định thời dụng biểu chế tác Creation of Production Timetable) Mục đích của CM là phóng ảnh hay phóng thanh (On Air) cho nên thời dụng biểu được tính ngược lại kể từ ngày dự định phóng ảnh và người Quản Lý Sản Xuất (PM hay Producer Manager) phải biết cách chia thời giờ một cách hợp lý cho mỗi giai đoạn thực hiện. Tuy nhiên trên thực tế, thời dụng biểu này thường bị điều chỉnh liên tục vì những sự cố bất ngờ nhưng lời hứa về ngày giờ phóng ảnh phải được tôn trọng và đó thường là điều khó khăn của nhà sản xuất. 4) Tính toán dự chi (Budget for Approximated Cost) Kịch bản phim, thời dụng biểu và bản dự chi là ba tư liệu cơ sở của người làm phim quảng cáo. Dĩ nhiên trước đó giữa chủ quảng cáo và hãng quảng cáo đã nhất trí về một ngân khoản tạm thời rồi nhưng đến giai đoạn này, mọi sự bắt buộc phải chính xác hơn. Cùng một kịch bản phim nhưng chi phí có thể thiên sai vạn biệt vì những lý do như tầm cở của diễn viên, ngoại cảnh quốc nội hay hải ngoại, y trang thuê hay tự may lấy, thu hình bằng phim hay băng từ... 5) Tuyển chọn tài từ, diễn viên (Assessment of Actors) Người diễn xuất có thể là một tài tử đã nổi tiếng (nếu thế, thường thường đã được chủ quảng cáo và hãng quảng cáo đồng ý từ trước giai đoạn này), người mẫu (Model) hay một người bình thường. Trong hai trường hợp sau này, diễn viên phải qua một cuộc tuyển lựa (Audition). Sau đây là những điểm chú ý trong một cuộc thử tài diễn viên, thường do chính người phụ trách chế tác chịu trách nhiệm: - Đã từng diễn xuất cho một hãng cạnh tranh nào chưa ? - Nếu đã diễn xuất thì đã thôi diễn từ lúc nào ? -Ấn tượng giữa người thật và phim ảnh về người đó khác nhau thế nào ? - Có thể thực hiện được đòi hỏi về kỹ thuật diễn xuất đặt ra hay không? - Có tai tiếng gì trong cuộc sống hay chưa? - Có tư cách pháp lý để làm việc hay không (hộ chiếu, thẻ cư trú, bằng lái xe...) Ngoài ra, trong khế ước với người diễn xuất, cần ghi ra rõ ràng những điểm sau đây để tránh mọi ngộ nhận: - Sẽ thu hình bằng phương tiện nào (phim, băng từ...) -Thời gian phóng ảnh trong bao nhiêu lâu? - Khu vực phóng ảnh, địa phương hay toàn quốc, quốc nội hay hải ngoại. - Phạm vi sản phẩm cạnh tranh (loại sản phẩm theo nghĩa hẹp hay nghĩa rộng, ví dụ giới hạn trong vòng bột giặt đồ hay tất cả sản phẩm vệ sinh trong nhà). -Thời gian thù lao (một tam cá nguyệt (Kurs =13 tuần lễ) hay nguyên năm. - Đối tượng thù lao là cá nhân hay hãng chuyên nghiệp nơi diễn viên trực thuộc. 6) Ấn định địa điểm để thực hiện phim (Studio &Outdoor Settings) Lúc trời xấu hay thời tiết lạnh lẽo, người ta thường sử dụng phim trường. Nếu là phim trường, phải biết diện tích, chiều cao, nói chung là quy mô của nó, khả năng thu hình (đặt được nhiều máy hay không), sử dụng nước, lửa được không, giao thông di chuyển có tiện lợi không, khả năng thiết bị phông cảnh đề co có tốt không. Phim trường nhiều lúc không trống vì nhiều người cần một lúc cho nên việc giử chổ trước cùng là điều quan trọng phải nghĩ tới. Có được địa điểm (Setting hay Location) ưng ý rồi mới nghĩ ra truyện phim thì gọi là đi lùng bài bản (Scenario Hunting) còn như có truyện phim (Scenario) rồi mới đi kiếm địa điểm quay phim thì gọi là lùng địa điểm (Location Hunting). Trước khi đi tìm, phải chuẩn bị tư liệu, điều tra để có đầy đủ thông tin về nơi mình muốn tìm đến.. Ngoài những thông tin cần thiết lúc sử dụng nội cảnh của phim trường. Những thông tin đặc biệt liên hệ đến ngoại cảnh là khí hậu, cự ly xa hay gần, giấy phép thu hình...Khi thu hình ngoài trời thì những chi tiết như lúc mặt trời mọc hay lặn, giờ thủy triều lên xuống, nguồn điện cho các loại máy móc vv...cũng phải được xem xét. Người trách nhiệm sản xuất (Product Manager) còn có nhiệm vụ kiếm chỗ trú, phương tiện di chuyển, cơm nước và vệ sinh tại chỗ cho đoàn. Cần có một người phối hợp điều hành (Coordinator) tại chỗ để nắm vững những thông tin có tính cách chuyên môn cũng như ngoài chuyên môn hơn. Để tiết kiệm chi phí, khi thu hình ở ngoại quốc, phái đoàn chỉ gồm những nhân vật chính yếu như đạo diễn, diễn viên, quay phim và trách nhiệm ánh sáng. Để thay thế những vai vắng mặt, người ta bắt chước dùng chuyên viên địa phương và việc tuyển lựa nhân sự có khả năng hết sức phức tạp nên cần có người phối hợp điều hành sở tại, nhất là phong tục tập quán mỗi nước một khác. 7) Thiết kế mỹ thuật (Art Design) Hai thiết kế mỹ thuật chính là thiết kế màn tuồng và thiết kế y trang. Thiết kế màn tuồng hay phông cảnh (Set Design) phải biết tính toán hình thể, màu sắc của dụng cụ từ nhỏ đến lớn, tạo được không khí (Mood) cần thiết, phải có kiến thức về thu hình để biết các góc cạnh đặt máy quay phim.Thiết kế này rất quan trọng, nhiều khi phải được chủ quảng cáo chuẩn y. Thứ đến là thiết kế y trang do người phụ trách vóc dáng (Stylist) chủ trì. Công việc này khó ở chổ quần áo phải ăn khớp với đầu tóc, trang điểm của người diễn xuất cũng như không khí của truyện phim. Y trang nhiều khi phải đặt làm nếu phim quảng cáo cần bộc lộ một tính chất độc đáo nào đó. Dĩ nhiên là đạo diễn, người quay phim và diễn viên cũng phải đuợc góp ý. Quần áo, nữ trang...phải thử trước (Fitting) để tránh những lủng củng có thể xẩy ra lúc thu hình. Cuối cùng, thiết kế mỹ thuật còn liên quan đến thương phẩm phải trình bày, quần áo cho búp bê trong các thương điệp sử dụng búp bê, cũng như quần áo dành cho các nhân vật tạo ra bằng hoạt hoạ bằng vi tính (CG). 8) Tuyển chọn âm nhạc(Assessment of Music Suppliers) Âm nhạc đuợc sử dụng có hai loại: âm nhạc đã có sẵn hoặc âm nhạc phải sáng tác. Nếu là âm nhạc đã có sẵn thì việc xin phép rất cần thiết (vì vấn đề tác quyền) và phải được sửa soạn mau mắn. Còn nếu là âm nhạc phải viết ra như nhạc chủ đề của quảng cáo (Commercial Song), nhạc biểu dương hình ảnh cũa hãng hay của thương phẩm (Image Song) hay nhạc độc đáo (Original Song), người làm quảng cáo phải tuyển chọn nhà soạn nhạc và ca hay nhạc sĩ trình tấu. Có lúc cần có phải mở cuộc tuyển lựa (Audition) nữa. Phim quảng cáo thường ngắn ngủi nên để có một hiệu quả mong đợi, người chọn nhạc phải rất nhạy cảm, biết bắt mạch người nghe. 9) Hợp ý nội bộ ( House Team Meeting) Giữa các nhân vật (CD, PL) của hãng quảng cáo và (PD,PM, DR, CO, LM,D) phải có một cuộc họp nội bộ các người trách nhiệm then chốt (Main Staff) . Họ phải trao đổi mọi ý kiến về phương hướng làm việc trong khâu diễn xuất và thu hình. Ít nhất bộ ba sản xuất (PD), thực hiện (CD) và quản đốc phương án (PL) phải thống nhất ý kiến sau buổi họp này.. Ngài ra, các tiểu tổ kỹ thuật và mỹ thuật cũng phải họp riêng, ngay cả những việc làm sau khi hoàn thành sản phẩm (hậu sản xuất = post production) cũng phải được đề cập tới vào lúc này. Sau khi các tiểu tổ đã họp riêng, truớc lúc quay phim, toàn thể nhân viên lại họp thêm lần nữa (All Staff Meeting) để nhất trí về tiến trình thu hình.Thường thường, phim quảng cáo đuợc làm trong những điều kiện bí mật nên nhân viên phải hứa chắc là không để lọt tin tức ra bên ngoài. 10) Hội ý với chủ quảng cáo (Advertiser Reviews and Approvals) Cuộc họp với chủ quảng cáo (PPM) là thời điểm hai bên (người cậy làm và người thực hiện) xét lại toàn dự án xem mọi chuẩn bị dã vạn toàn để có một bộ phim quảng cáo có chất lượng cao với chi phí hợp lý chưa. Cuộc họp này còn được gọi là PPM1 (Pre Production Meeting) với sự có mặt của đại diện chủ quảng cáo hay người của hãng quảng cáo, đặc biệt đảm đương công việc của chủ quảng cáo (AE hay Account Executive) và các nhân vật có trách nhiệm then chốt (Main Staff) trong việc thực hiện phim. Nội dung phải bàn đến sẽ xoay chung quanh mục đích quảng cáo, kế hoạch quảng cáo và cách thực hiện. Ngoài ra, sau khi đả sản xuất xong rồi, mọi người là họp mặt lần thứ hai hay PPM2 (Post Production Meeting) truớc khi tiến hành việc biên tập phim thực thụ bằng máy vi tính chuyên dụng (On-line Editing). Trong cuộc họp PPM2, với thủ pháp biên tập tạm thời (Off-line Editing) xem đi xem lại phim nhiều lần, các nhân vật liên hệ trao đổi ý kiến về việc cắt xén phim để khỏi mất thờì giờ lúc biên tập thực thụ. 11) Thiết định bảng phân cảnh (Shooting Script) Bảng phân cảnh do Quản Đốc Sản Xuất (Production Manager) viết ra là tư liệu không có không được vì nó có mọi thông tin giúp người đạo diễn an tâm thu hình, từ lúc tập hợp đến khi giải tán. Nó có đủ tin tức về phân chia giờ giấc, phân đoạn, phân vai với lời chú thích tường tận. 12) Chuẩn bị dụng cụ (Preparation of Tools) Dụng cụ phải sửa soạn trước tiên là thương phẩm phải quảng cáo nhưng thường thường nó không thể đem ra trình bày như thế mà phải trải qua tay những người chuyên môn để được thay hình đổi dạng sao cho hấp dẫn hơn. Ngoài thương phẩm, còn vô số thứ dụng cụ nhỏ nhất phải được chuẩn bị nhưng nên nhớ là không được đem vào phim trường những thương phẩm của các hãng cạnh tranh (ví dụ một chai Pepsi Cola đem đến cho nhân viên thu hình uống có khả năng vô tình hiện ra giữa phim quảng cáo Coca Cola). Chúng ta cũng đừng quên rằng việc hội ý với chủ quảng cáo tuy quan trọng nhưng ý kiến của khán giả lại có sức thuyết phục những người này hơn cả. Do đó, một cuộc điều tra sơ khởi (Pre-Test) ý kiến của một nhóm "khán giả mẫu" về thảo án phim (Script Board) hay băng truyện Video bằng phương pháp ví như ASI Test (Audience Studies Investigation) rất quý báu. Để thực hiện điều tra, người ta tụ tập một số khán giả ở nơi nào đó và chiếu cho họ xem nhiều "bản nháp" băng truyện khác nhau rồi qua những số liệu thu thập được, xem độ hứng thú, độ quan tâm của họ đối với mọi băng truyện, độ thuyết phục của mỗi băng truyện đối vớI họ như thế nào, ai là tài tử được hâm mộ, phương pháp diễn tả nào được ăn khách. Dĩ nhiên người làm băng truyện là các nghệ sĩ sáng tạo vốn không thích người ta chấm điểm mình bằng con số nhưng trong nghề, điều tra sơ khởi này thông dụng vì hết sức có ích. |