MỘT
CHÚT RIÊNG TƯ
Năm 1955, thuật
giả còn nhớ, ở một làng quê thuộc cao nguyên miền Trung
Việt Nam, có gánh xiếc rong bán cao đơn hoàn tán đi qua. Gánh
chỉ trang bị vỏn vẹn vài chiếc ghế đẩu, bộ trống kèn,
phèng la, chập choã, với chú khỉ trong bộ quần áo sặc sỡ
và cái giáo cùn. Một người trung niên khá lực lưỡng, tóc
húi cao, cất giọng khàn khàn rao các thứ thuốc bổ thận,
trừ lao, khu phong, ích khí.... Trong đám đông vây quanh anh ta,
một đứa trẻ chưa đầy mười tuổi, trố mắt thán phục
và chỉ ước mơ có ngày được đi theo đoàn xiếc để đánh
trống thổi kèn.
Đứa trẻ ấy không
ai khác hơn là kẻ viết quyển sách này, và người trung niên
hiện ra từ ký ức của thuật giả, thời ấy tự xưng là
..." lực sĩ " Hồ Hoàn Kiếm. Anh ta chính là " nhà quảng cáo
" thuật giả gặp lần đầu tiên trong đời. Vậy lời cảm
ơn đầu tiên khi hoàn thành quyển sách này, xin gửi đến
anh. Thuật giả thấy anh Kiếm lần cuối năm 1957 ở sân Vận
Động Thành Phố Đà Lạt, bên cạnh hồ Xuân Hương, lúc anh
xoay trần đùa với quả bóng giữa cái lạnh cao nguyên nhưng
câu rao dầu cù-là của anh đã ghi vào bộ óc non nớt, đến
nay vẫn còn vang vọng trong đầu:
Bà nào chồng
bỏ đi Tây
Xức vô một
cái chồng quay trở về
Bà nào chồng
bỏ chồng chê
Xức vô một
cái chồng mê tới già
Quảng cáo ngày
đó chỉ là trò phỉnh phờ lừa lọc vài kẻ ngây thơ, nay
thì có thể ngồi tù, nhưng đối với thuật giả lúc đó
là cả một cõi trời mơ mộng. Bao nhiêu năm qua, ngành quảng
cáo đã thay hình đổi dạng, ngày nay người ta còn gán cho
quảng cáo những sứ mệnh cao quí nữa là.
Viết quyển sách
về Quảng Cáo Truyền Hình, ngoài việc tự thỏa mãn một
cách gián tiếp giấc mơ đi theo đoàn xiếc của buổi thiếu
thời, thuật giả còn hy vọng gửi một chút kiến thức lý
luận và thực hành về ngành quảng cáo, một môn khoa học
kinh doanh, đến lớp người trẻ hôm nay. Xin hãy coi đây như
món quà nhỏ gửi về những công dân thế hệ mới, đầy
nhiệt tình, của đất nước Việt Nam thời kinh tế thị trường.
Tuy mang tham vọng
vận dụng đồng loạt kiến thức đa khoa (pluridisciplinary)
như khoa học tiếp thị, khoa học thông tin, kí hiệu học,
mỹ thuật, tâm lý học và xã hội học... để mổ xẻ đề
tài quảng cáo thương nghiệp, thuật giả chỉ đóng khung bài
viết của mình trong bối cảnh ba nước Mỹ, Pháp, Nhật. Dù
muốn dù không, Mỹ vẫn đi tiên phong trong ngành truyền thông
và quảng cáo, còn Pháp và Nhật là nơi thuật giả đã và
đang sinh sống; ngành quảng cáo ở hai nước này cũng phát
triển hàng đầu thế giới
Đặt bút viết
về chủ đề quảng cáo không những khó khăn mà còn tế nhị.
Khó khăn cả về thuật ngữ lẫn ngôn ngữ thông thường.
Thuật giả đã sống ở nước ngoài gần 40 năm, hương
âm dĩ cải. Tế nhị vì ý kiến, chủ trương của mình
là những gì nhìn từ vị trí bên ngoài. Dầu biết học vấn
hãy còn nhiều chổ chưa thấu đáo những chỉ sợ nỗi đường
xa, trời tối. Mong các bậc cao minh vui lòng nêu ra những
chổ khiếm khuyết, sai lầm, thuật giả rất hân hạnh.
Quyển sách này
trích một phân đoạn và khai triển thêm ở vài khía cạnh
đề tài nghiên cứu gần đây của thuật giả dưới sự chỉ
đạo của Giáo sư Francis Balle, nguyên Phó Liên Viện Trưởng
Đại Học Paris, nguyên thành viên Hội Đồng Tối Cao Thính
Thị (Conseil supérieur de l?audiovisuel) nhà nước Pháp. Xin nghiêng
mình cảm tạ người thầy uyên bác và nhân hậu, bạn đường
chung thủy của bao thế hệ sinh viên đến từ các quốc gia
trên thế giới, tụ họp dưới mái trường cũ thân yêu của
thuật giả, Học Viện Pháp Quốc Báo Chí (Institut Francais de
Presse) (1974-76) ở Paris..
Thuật giả không
quên lòng tốt của Đại Học Quốc Tế Josai (Tokyo) , nơi thuật
giả hiện làm việc, đã dành cho phương tiện sinh sống và
nghiên cứu tối ưu từ trên bảy năm nay.
Thuật giả thành
thực cảm ơn các đàn anh và trang lứa như Kỹ Sư Đinh Văn
Phước (Giám Đốc Điều Hành Công Ty Yamakyu Chain, Tokyo), Tiến
Sĩ Lê Thành Nghiệp ( Giáo Sư Khoa Trưởng Khoa Kinh Doanh Quốc
Tế, Viện Đại Học Quốc Tế Josai, Tokyo),Tiến Sĩ Vũ Ngọc
Thinh (Nghiên Cứu Sư Công Ty Fujitsu và Trung Tâm Khai Phát Vũ
Trụ Nhật Bản) đã chịu khó duyệt hộ bản thảo, góp nhiều
ý kiến thẳng thắn hoặc cho lời giới thiệu.
Quyển sách này
không thể ra đời nếu thiếu sự chi viện tinh thần của
công ty Dentsu, hãng quảng cáo lớn nhất thế giới, nơi thuật
giả thường xuyên đến tham khảo văn kiện và phim ảnh từ
mấy năm qua.
Thuật giả không
dám quên sự giúp đỡ tư liệu và những lời khuyến khích
của Tiến Sĩ Quản Phúc Cảnh (Nghiên Cứu Sư Trung Tâm Khoa
Học Quốc Gia Pháp, Giáo Sư Y Khoa Biệt Thỉnh Đại Học Hiroshima),
Tiến Sĩ Ngô Diệu Kế (Tổng Giám Đốc Công ty Vitech, Tokyo-TP
Hồ Chí Minh) và Tiến Sĩ Roddey Reid (Giáo Sư Phụ Tá Đại
Học California, phân hiệu San Diego). Những khi gặp khó khăn
và lúc thối chí ngã lòng, sự ân cần của quý vị đã nâng
đỡ thuật giả rất nhiều. Xin quí vị và quí bạn, những
người thuật giả được quen biết từ nhiều thập niên và
đã có những cống hiến nhất định cho xã hội, nhận nơi
đây tất cả lòng tri ân.
Thuật giả biết
ơn các tiền bối trong học giới đã cho phép sử dụng sách
vở của mình để minh chứng lập luận. Đối với những
ai đã không có phép, xin quí vị hiểu cho việc ấy nằm ngoài
ý muốn, nhất là thuật giả không hề nhắm mục đích thương
mại khi viết sách.
Thuật giả đa tạ
bà Hoàng Thị Tâm, Chủ Nhiệm Ban Bảo Trợ Sinh Viên trường
Đại Học Hùng Vương, đã vì tình bạn mà đở đầu phần
ấn loát. Thuật giả cũng thành thực cảm ơn phu quân chị
Tâm, Kỹ Sư Nguyễn Đình Long, Nguyên Giám Đốc Kỹ Thuật
Công Ty Dệt Thắng Lợi, người đàn anh từ những ngày thuật
giả lưu học Tokyo (1965-70), đã ảnh hưởng đến việc "chọn
nghiệp" của thuật giả. Anh Long đã có lần viết một bài
thơ với cái ý "phải nhón chân lên khỏi thân phận một thước
sáu mươi để nhìn thấy tương lai". Lời nói của anh khiến
thuật giả liên tưởng tới câu chuyện những em bé tiểu
học vì đọc sách nói đến cuộc đời của nhà côn trùng
học Fabre hay nhà cổ văn tự Champollion mà sau đã nghiên cứu
về sinh vật hay những nền văn minh đã mất. Mong sao sẽ có
những nhà quảng cáo hay kinh doanh tương lai của Việt Nam có
lần lướt qua vài trang sách này.
Mấy giòng cuối
trong lời cảm tạ của quyển sách đầu tay này dành cho song
thân thuật giả, nay đều khuất núi, những con người Việt
Nam hiền hòa, bình dị mà cuộc đời chẳng có mấy ngày vui.
Xin gửi theo đây chút tình trìu mến đến tiện nội Bạch
Tuyết và hai con Linh Lan, Quang Trân ở Paris, nguồn cổ vũ tinh
thần lớn lao của thuật giả trong những ngày sống xa nhà,
đơn độc mò mẫm đọc sách và gõ máy.
Gác
trọ nhìn ra vịnh Tokyo, mùa nắng 2003
Đào
Hữu Dũng
|