Giảng rộng
Chuyện của Tống Giao, nhiều người cho rằng chẳng qua chỉ một việc thiện nhỏ mà được báo ứng quá lớn lao nên sinh ra nghi ngờ. Thế nhưng, nghĩ như thế là thật chẳng biết rằng, đó mới chỉ là nêu việc trước mắt, thấy cứu đàn kiến thì nói cứu đàn kiến, thấy đỗ trạng nguyên thì nói đỗ trạng nguyên. Nếu luận việc này cho rốt ráo thì việc làm của Tống Giao đã cứu sống ít nhất là hàng vạn sinh linh, nên đời sau ắt phải có hàng vạn sinh linh cảm ơn cứu mạng mà ra sức báo đáp. Như thế thì chỉ riêng một việc đỗ trạng nguyên làm sao xứng tận được phước báo của việc làm ấy? Huống chi việc đỗ trạng nguyên bất quá cũng chỉ là một chút hư danh bên ngoài; ba tấc hơi vừa dứt, mạng sống không còn, liệu có còn trạng nguyên nữa chăng? Cho nên, nếu ai nói việc báo ứng như vậy là quá lớn lao, quả thật đã sai lầm.
Đặt cành trúc làm cầu cứu đàn kiến, ấy chính là cứu nạn lũ lụt. Nhưng mạng sống của loài kiến không chỉ riêng chết vì lũ lụt, nên việc cứu kiến cũng không chỉ giới hạn nơi việc đặt cành trúc làm cầu. Ví như có người giúp việc trong nhà mình muốn dùng nước sôi, lửa nóng để diệt tổ kiến, thì phương cách để cứu sống đàn kiến lúc ấy là phải dùng đạo lý giảng giải cho người nghe, lại cũng dùng thế lực của mình để ngăn cấm không cho làm.
Chó, mèo trong nhà cũng có thể giết hại loài kiến, khi có thức ăn như thịt, cá... rơi vãi trên mặt đất làm cho kiến đánh hơi tụ tập bám vào rồi bị chó mèo ăn lẫn với thức ăn đó. Vì thế, để cứu loài kiến không bị giết hại thì sau mỗi bữa ăn nên quét dọn sạch sẽ thức ăn rơi vãi trên mặt đất, chôn lấp đi để không trở thành mồi nhử kiến.
Đốt vàng mã, giấy... các thứ cũng có thể làm chết loài kiến, phần lớn là vì đốt vào sáng sớm không nhìn thấy rõ. Để cứu loài kiến không bị chết vì cách này, nên quét sạch mặt đất trước khi đốt, rải nhiều tro nguội lên trước làm nền rồi mới đốt bên trên nền tro ấy.
Khi uống trà có thể làm chết loài kiến, phần lớn là do đổ nước thừa lên mặt đất. Để cứu loài kiến không bị chết vì cách này, nên dùng bồn, chậu để chứa nước thừa mà không đổ lên mặt đất.
Gần bếp nấu ăn cũng thường có nhiều tổ kiến, vì chúng ngửi thấy mùi thức ăn mà tụ tập đến rồi làm hang ổ. Để cứu loài kiến không bị chết vì cách này, khi làm bếp nấu ăn nên dùng đá vôi lót kín mặt đất chung quanh...
Chỉ đơn cử một vài trường hợp, có thể từ đó suy rộng ra việc bảo vệ sinh mạng cho hết thảy các loài côn trùng, sâu kiến... cũng đều phải có lòng từ bi thương xót như thế.
Trưng dẫn sự tích
Cứu kiến được tăng tuổi thọ
Vào thời đức Phật còn tại thế, có một vị tỳ-kheo đã chứng đắc lục thần thông, quán sát thấy trong số đệ tử mình có một chú sa-di chỉ trong 7 ngày nữa ắt phải chết. Vì lòng từ bi, ngài liền bảo chú sa-di ấy về quê thăm cha mẹ, đến ngày thứ 8 hãy trở lại chùa. Đó là thầy muốn cho chú sa-di ấy được gặp cha mẹ trước khi chết cũng như được chết tại quê nhà. Không ngờ đúng ngày thứ 8 chú sa-di vẫn còn sống trở lại chùa.
Vị tỳ-kheo liền nhập định quán sát nguyên do, mới biết chú sa-di lúc đang trên đường về quê bỗng gặp một tổ kiến sắp bị nước dâng tràn vào, lập tức cởi áo cà-sa đắp chặn xung quanh để cứu, nhờ đó mà cả đàn kiến được thoát chết. Nhờ việc này mà chú sa-di chẳng những không chết yểu, về sau lại sống thọ đến 80 tuổi, chứng quả A-la-hán.
Lời bàn
Chuyện sống lâu hay yểu mạng của con người, có thể là yếu tố quyết định trước mà cũng có thể không định trước. Ví như Nhan Uyên, Bá Ngưu đều chết sớm, đó là những trường hợp mà thọ mạng đã quyết định do nghiệp quả. Văn Vương thọ trăm tuổi, Võ Vương sống đến chín mươi, những trường hợp ấy là nghiệp quả chưa định trước. Chư thiên cõi trời hiện năm dấu hiệu suy vi hoặc lớn hoặc nhỏ, cũng giống như vậy. Lại nói như trường hợp trong bốn cõi thiên hạ, phần lớn chúng sinh trong ba châu đều không có nghiệp quả quyết định, chỉ riêng ở châu Bắc Câu-lô là tất cả đều phải chịu nghiệp quả quyết định trước. Việc chú sa-di được tăng thêm tuổi thọ, tất nhiên là thuộc trường hợp nghiệp quả không quyết định trước.
Vua kiến trả ơn
Huyện Phú Dương thuộc đất Ngô có người tên Đổng Chiêu, một hôm đi thuyền qua sông Tiền Đường bỗng nhìn thấy dưới sông có con kiến bò trên một thân cây lau trôi giữa dòng nước, muốn vớt thân cây lau lên thuyền để cứu con kiến nhưng không làm được, liền dùng một sợi dây buộc vào cây để kéo đi theo thuyền, cuối cùng đưa được con kiến vào bờ.
Đêm đó, Đổng Chiêu nằm mộng thấy một người mặc áo đen đến gặp mình để tạ ơn, nói rằng: “Ta là vua kiến, do bất cẩn mà rơi xuống sông, hôm nay nhờ được ông cứu giúp. Sau này ông có lúc nguy cấp, xin hãy đến báo cho ta biết.”
Trải qua hơn mười năm sau, Đổng Chiêu bị người khác vu cáo là ăn trộm, bị bắt giam vào ngục. Chiêu nhớ lại lời vua kiến đã nói trước đây trong giấc mộng, trong lòng muốn báo tin nhưng chẳng biết cách nào. Có người biết chuyện liền bảo: “Sao ông không bắt lấy vài ba con kiến, đặt trong lòng bàn tay rồi nói chuyện này với chúng thử xem.” Đổng Chiêu làm theo lời, quả nhiên đêm ấy mộng thấy người mặc áo đen đến bảo: “Ông hãy gấp rút trốn đi, tìm đến núi Hàng Sơn của ta, có thể thoát được nạn này.”
Đổng Chiêu thức giấc, lập tức bỏ trốn. Quả nhiên trốn thoát được, rồi chẳng bao lâu sau có lệnh triều đình đại xá, nhờ đó được miễn tội.
Lời bàn
Một con rùa khi còn sống vốn chẳng tự biết được chuyện sống chết của chính mình. Thế mà sau khi chết thịt da hư hoại, chỉ để lại riêng cái mai rùa lại có khả năng dự đoán được những chuyện tốt xấu, lành dữ cho người đời. Bàn về lý lẽ của những chuyện như thế, dẫu đến thánh nhân cũng có chỗ vẫn còn chưa biết, huống chi như chuyện vua kiến trả ơn thì có gì đáng ngờ?