Sách này được phân làm ba quyển. Quyển thứ nhất sưu tầm các tích truyện xưa, nhằm khơi dậy tâm niệm răn ngừa sự dâm dục. Quyển thứ hai phân tích chi tiết lý lẽ, nhằm khai mở, trình bày rõ về phương pháp, cách thức để răn ngừa sự dâm dục. Quyển thứ ba gồm các phần hỏi đáp, nhằm củng cố vững chắc căn bản của sự răn ngừa dâm dục. Trình bày như thế là để đi dần từ cạn đến sâu, không thể đảo ngược.
Những chuyện nhân quả được dẫn ra trong sách này, cùng với những ý kiến luận bàn của người xưa, được trích ra từ sách nào đều có cước chú rõ ràng, để người đọc có thể khảo chứng. Nếu có tham khảo thêm các bản khác, ắt sẽ nêu ra những chỗ sai khác để làm căn cứ so sánh làm rõ.
Xưa nay những chuyện liên quan đến trinh tiết và dâm dục, phần nhiều dễ được mọi người truyền miệng khắp nơi, nếu xét thấy không có sự tích chứng cứ rõ ràng thì đều loại bỏ. Đối với những chuyện nhân quả rõ ràng trong hiện tại, chưa từng có ai ghi chép thì thu thập đưa thêm vào.
Người xưa ghi chép sự việc thường trình bày theo lối trường thiên, liên tục nối tiếp nhau không phân chương mục, khiến người đọc dễ chán. Trong sách này dựa theo mỗi sự việc mà đặt tiêu đề, dựa theo tiêu đề mà có lời khuyên bảo khuyến khích, mỗi chỗ đều rõ ràng, giúp người đọc dễ dàng phân biệt nhận hiểu.
Những sự tích đưa vào quyển thứ nhất có xuất xứ từ tác phẩm của rất nhiều tác giả khác nhau, nên nguyên bản vốn có nhiều sự khác biệt về cách trình bày, giọng văn... Nay khi đưa vào sách này đều chỉnh sửa thay đổi đôi chút để có sự nhất quán.
Những sách khuyên nhắc răn ngừa sự dâm dục thì người xưa trước tác cũng đã nhiều, nhưng đa phần chỉ dẫn sự tích xưa, lấy đó làm điều răn nhắc mà thôi. Còn như vì người thực sự muốn hạ thủ công phu mà trình bày phương pháp cụ thể chi ly, [vận dụng vào những trường hợp trong đời sống hằng ngày như trong sách này] ắt xưa nay chưa từng có.
Những văn chương khuyến thiện khuyên đời thực sự rất nhiều, thoạt nhìn qua như trường giang đại hải, thật rất đáng mừng. Nhưng khảo sát cho thật kỹ thì mới thấy gần như chỉ cần một vài câu đã tóm lược được hết ý tứ. Sách này cố gắng vượt qua hạn chế đó, nên trong phần “Phương pháp tu tập” (Quyển hai) cố gắng dùng lời đơn giản mà ý hàm súc, tuy chỉ nói là răn nhắc sự dâm dục nhưng cũng gồm đủ hết thảy những phương pháp ứng xử, tu tập ở đời. Mong rằng người xem đừng như cưỡi ngựa xem hoa, sẽ uổng phí đi sự dụng tâm khó nhọc của người biên soạn.
Nguồn gốc của dâm dục chính là nằm ở sự tham ái. Nếu tâm tham ái chưa đoạn trừ [thì dù có chế ngự được] cũng chỉ như cỏ chưa nhổ gốc, đến mùa xuân ắt lại mọc lên xanh tốt. Vì thế, trong quyển hai, ở phần quán bất tịnh và các phép quán khác đều chú ý đến việc đoạn trừ ngay từ lúc tâm tham dục còn chưa sinh khởi. Những ai thực sự ra sức thực hành mới có thể thấy được sự kỳ diệu của phương pháp này. Bằng như đem tâm hối hả mà đọc qua loa, cho rằng không có sự liên quan đến ý chỉ căn bản, ắt người soạn sách này cũng đành như Bá Nha xưa [lúc chưa gặp được Tử Kỳ, chỉ có thể] ôm đàn mà khóc.
Trong hai quyển đầu thì phương pháp răn ngừa dâm dục cũng đã đầy đủ, nhưng chỉ nêu lên rồi cho là đúng thật, ắt không thể không làm khởi sinh nghi vấn. Vì thế, trong quyển cuối nêu ra một trăm câu hỏi đáp, đề cập tổng quát đến hết thảy mọi vấn đề.
Vấn đề quan trọng thiết yếu nhất đối với người đời thật không gì hơn việc sống chết, bất kể là đạo Nho hay đạo Phật cũng đều quan tâm đến. Người đời nay cho rằng đây chỉ là vấn đề của đạo Phật, nên từ lâu thường né tránh không đề cập đến. Sách này nhắm đến việc làm lợi ích cho muôn người, nên đâu dám sợ sệt tránh né mà không đề cập? Vì thế, trong cả quyển hai và quyển ba, đối với những việc như nguyên nhân của sự sống chết cho đến các thuyết về u minh, đều tạm đem chỗ kiến thức hạn hẹp của soạn giả mà luận bàn, thuật lại.
Cả ba quyển trong sách này đều chia nhỏ thành nhiều mục, hết thảy đều có phân chia thứ tự rõ ràng, từ mục đầu cho đến mục cuối. Như thế không chỉ thuận tiện cho [độc giả trong] việc bổ sung, [ghi chú nội dung từng mục], mà còn có thể trích ra từng phân đoạn để ghi thành những tấm bảng nhỏ [treo nơi chỗ ngồi, nằm hoặc trên tường], nhằm nhắc nhở sự thực hành hằng ngày.
Viết sách lưu hành ở đời là điều hết sức khó khăn. Nếu dùng lời thô thiển ắt không hợp với hàng văn nhân trí thức, nhưng chuộng thanh nhã quá ắt không phù hợp với giới bình dân đại chúng. Đối với người kém trí thì dù nói hết sức rõ ràng họ cũng vẫn còn nghi ngại, nhưng với hạng trí thức thì dù chỉ nêu phần hết sức tinh túy cũng vẫn bị chê là thô lậu. Cho dù là những bậc thánh hiền tái thế, e cũng khó lòng thỏa mãn ý riêng của tất cả mọi người, huống chi hàng hậu học như chúng tôi? Những phần luận về răn ngừa sự dâm dục trong sách này, có những điều vì giúp bảo vệ hạnh phúc gia đình mà nêu ra, có những điều vì giúp giữ gìn sức khỏe khang kiện mà nêu ra, có những điều nhằm tạo phúc tiêu tai, có những điều nhằm tu tâm dưỡng tánh, lại cũng có những điều nhắm đến chỗ siêu việt tử sinh, vượt thoát ra ngoài Ba cõi. Cũng giống như các phương thuốc khác nhau được bày ra đủ cả, nhưng mỗi người phải tự biết bệnh mình, để chọn dùng những gì thích hợp.