Phép quán này thành tựu rồi liền thấy rõ được hình tướng của sáu đường sinh tử luân hồi. Đây là pháp môn phương tiện dùng trí tuệ phá trừ các duyên sai lầm.
Khi thần thức rời khỏi thân xác này, gọi là thân trung ấm. Một khi đã nhập vào bào thai [tái sinh] rồi thì thân trung ấm không còn nữa, cũng giống như cây đèn đặt trong nhà tối, khi đèn tắt thì bóng tối lại bao trùm. Trong sáu đường luân hồi có mười bảy tướng trạng [tái sinh] khác nhau, người có trí nên quán xét rõ biết.
1. Từ cõi người tái sinh về cõi trời: Kinh Chánh pháp niệm dạy rằng: “Nếu người chết tái sinh về cõi trời, ắt sẽ nhìn thấy những sợi tơ trắng mềm mại treo lơ lửng như sắp rơi xuống, lại nhìn thấy những cảnh như vườn, rừng, hoa cảnh, hồ nước, lại có người ca múa, cười đùa, tiếp đó ngửi thấy mùi hương thơm và nghe tiếng âm nhạc. Khi gia đình thân quyến kêu gào than khóc [vào lúc sắp chết], do có nghiệp lành nên tự nhiên không hề nghe thấy, nhờ đó không luyến tiếc nghĩ nhớ, lập tức được tái sinh về cõi trời.”
2. Từ cõi Diêm-phù-đề tái sinh về châu Uất-đan-việt: Khi ấy thân trung ấm sẽ nhìn thấy những sợi tơ mềm mại màu đỏ thắm, liền khởi tâm tham muốn, đưa tay nắm lấy. Những người thân chung quanh lúc ấy đều cho là người lâm chung đang nắm tay vào khoảng không. Tiếp theo sẽ nhìn thấy hồ nước có hoa sen xanh, trong đó có đầy các loài ngỗng, vịt, uyên ương, liền vào nơi ấy dạo chơi. Lại sau khi từ hồ sen đi ra liền nhìn thấy cha mẹ tương lai của mình đang cùng nhau giao hợp. Do sự điên đảo trong tâm tưởng nên nhìn thấy người cha mang thân ngỗng đực, mẹ mang thân ngỗng cái. Nếu sẽ sinh làm thân nam, tự thấy thân mình là ngỗng đực, rồi khởi tâm sân hận với cha, ái luyến với mẹ. Nếu sẽ sinh làm thân nữ, tự thấy thân mình là ngỗng cái, rồi khởi tâm ái luyến với cha, sân hận với mẹ.
3. Từ cõi Diêm-phù-đề tái sinh về châu Cù-da-ni: Khi ấy thân trung ấm sẽ nhìn thấy những sợi tơ vàng quấn quanh, nhà cửa đều hóa ra màu vàng ròng, tự thấy thân mình là con trâu, thấy người cha là trâu đực, người mẹ là trâu cái. Lại cũng khởi sinh tâm ái luyến và sân hận đối với cha mẹ tùy theo việc sinh làm thân nam hay thân nữ, giống như trường hợp trên.
4. Từ cõi Diêm-phù-đề tái sinh về châu Phất-bà-đề: Vào lúc lâm chung, người này sẽ thấy mọi thứ đều hóa ra màu xanh, có những sợi tơ màu xanh treo lơ lửng, vì sợ những sợi tơ xanh rơi mất, liền dùng tay nắm giữ lấy, lại thấy như trong lòng sợ sệt. Khi ấy nhìn thấy cha mẹ giao hợp như ngựa đực và ngựa cái, [tự thấy thân mình cũng là ngựa,] lại khởi tâm ái luyến và sân hận đối với cha mẹ tùy theo việc sinh làm thân nam hay thân nữ, giống như những trường hợp trên.
5. Từ châu Uất-đan-việt tái sinh về cõi trời, thuộc hạ phẩm: Khi lâm chung nhìn thấy hương hoa xinh đẹp mầu nhiệm, liền khởi tâm luyến ái, vướng mắc, muốn leo lên cây cao. Vừa nghĩ như vậy liền lập tức được bay lên cao, lên đến đỉnh núi Tu-di, rồi đến các cõi trời, có nhiều hoa quả xinh tươi đẹp đẽ.
6. Từ châu Uất-đan-việt tái sinh về cõi trời, thuộc trung phẩm: Khi lâm chung nhìn thấy hoa sen trong hồ nước, có bầy ong bay chung quanh, liền trèo lên hoa sen ấy rồi bay trên không trung mà đi.
7. Từ châu Uất-đan-việt tái sinh về cõi trời, thuộc thượng phẩm: Khi lâm chung nhìn thấy tòa cung điện uy nghi xinh đẹp, hết sức trang nghiêm thù thắng, liền đi lên rồi trở thành vị thiên tử trong cung điện ấy.
8. Từ châu Uất-đan-việt tái sinh về cõi trời, thuộc trường hợp khác: Khi lâm chung nhìn thấy những cảnh dạo chơi trong vườn, rừng xanh tốt, trong tâm không hề rối loạn hoặc ô nhiễm. Do tâm được thanh tịnh nên tự nhiên bay thẳng lên các cung điện cõi trời, nhìn thấy chư thiên nơi ấy, rồi bay giữa không trung mà đi.
9. Từ châu Cù-da-ni tái sinh về cõi trời: Khi lâm chung nhìn thấy hồ nước rất lớn, thần thức liền trôi giạt trong đó, cho đến tận bờ bên kia liền nhìn thấy các vị thiên nữ tiến gần đến rồi ôm lấy, liền được sinh lên cõi trời.
10. Từ châu Phất-bà-đề tái sinh về cõi trời: Khi lâm chung nhìn thấy cung điện nhà cửa nguy nga xinh đẹp, liền khởi tâm vui mừng. Từ bên ngoài cung điện lại gặp gỡ các vị thiên nhân, cùng các vị thiên nữ dạo chơi. Cũng giống như người ngủ say thức giấc, liền lập tức sinh về cõi trời.
11. Ngạ quỷ dứt nghiệp được tái sinh về cõi trời: Khi lâm chung không còn nghĩ đến chuyện đói khát, nhìn thấy thức ăn uống cũng chỉ lấy mắt nhìn [mà không ăn]. Chỉ nhìn như thế cũng đủ mừng vui, liền lập tức tái sinh về cõi trời.
12. Súc sinh dứt nghiệp được tái sinh về cõi trời: Khi lâm chung liền nhìn thấy ánh sáng rực rỡ, tâm si mê lập tức suy giảm, mờ nhạt đi, trí tuệ dần dần khai mở, vừa khởi tâm vui mừng liền được sinh về cõi trời.
13. Từ địa ngục dứt nghiệp được tái sinh về cõi trời: Khi ấy vừa bị ngục tốt nơi địa ngục đánh liền chết đi. Nếu là tội nhân bị ném vào nồi đồng chảo sắt, thì vừa ném vào liền chết ngay. Nếu là tội nhân bị chim sắt, ác thú ăn nuốt, thì vừa bị ăn liền chết ngay, không còn sống lại như trước. Khi ấy thần thức bỗng dưng nhìn thấy giữa không trung có những cảnh ca múa cười đùa, có gió thơm thổi đến chạm vào thân mình, liền lập tức sinh về cõi trời.
14. Người chết tái sinh làm người: Khi lâm chung liền nhìn thấy hòn núi đá rất lớn, sắp rơi đè lên mình, liền đưa tay chống đỡ, bỗng thấy núi đá hóa ra như dải lụa trắng, liền leo lên đó, đến nơi lại thấy hóa ra dải lụa đỏ, lần lượt lại nhìn thấy ánh sáng rực rỡ, bên trong ánh sáng có đôi nam nữ đang giao hợp. Nếu sinh làm thân nam, liền tự thấy mình đến giao hợp với người nữ, bị người nam cản trở, hoặc nếu sinh làm thân nữ, sẽ thấy ngược lại. Trong giây lát, thân trung ấm diệt mất, lập tức nhập vào bào thai.
15. Chư thiên được tái sinh trở lại cõi trời: Khi thọ mạng cõi trời đã hết, vị trời này vẫn không mất đi các tướng trang nghiêm, lại cũng không có vị trời nào khác đến chiếm lấy tòa ngồi. Nếu được tái sinh về các cõi trời cao hơn, liền nhìn thấy những tướng trạng khả ái thù thắng.
16. Chư thiên tái sinh về các cõi trời thấp hơn: Khi lâm chung vị trời này nhìn thấy những cảnh vườn, rừng, ao hồ đều không được [tốt đẹp] như trước, lại cảm thấy đói khát khổ não. Vào lúc khát nước mong muốn được uống, liền lập tức tái sinh vào cõi trời thấp hơn.
17. Từ châu Phất-bà-đề tái sinh về châu Cù-da-ni và ngược lại: Khi lâm chung nhìn thấy trong hang tối có tia chớp điện màu đỏ, lại thấy như có lá phướn từ trên cao rủ xuống, liền đưa tay đón lấy rồi lần theo lá phướn ấy mà đi vào trong hang, liền thọ thân trung ấm. Khi ấy, hoặc nhìn thấy hai con ngựa [giao hợp, nếu tái sinh về châu Phất-bà-đề], hoặc là hai con trâu, [nếu tái sinh về châu Cù-da-ni], tướng trạng cũng giống như đã nói [tại mục 3 và mục 4 ở trên].
Nếu tái sinh vào địa ngục, cũng có các tướng trạng phân biệt, mời xem trong kinh Quán Phật tam-muội, ở đây không thể trình bày hết được.
Quán xét tình dục ở các cõi trời
Phép quán này thành tựu rồi liền rõ biết nguyên do tạo thành phúc đức nặng nhẹ khác nhau nơi cõi trời. Đây là pháp môn phương tiện nhờ nhận biết sự giảm nhẹ tình dục ở các cõi trời mà tỉnh giác đối với sự tham muốn ái dục nơi cõi người.
Cõi Ta-bà này thật đáng kinh sợ biết bao! Không một chúng sinh nào không tham muốn sắc dục. Trên từ chư thiên các cõi trời, dưới cho đến các loài sâu bọ côn trùng, một khi đã có thân tướng hình trạng thì đều bị sóng nghiệp xô đẩy trôi giạt. Nhưng trong chỗ nặng nhẹ khác nhau của nghiệp lực, chẳng những cách biệt rất xa như trời vực, mà [còn thể hiện rõ] rằng phước đức càng cao dày thì dục tình càng suy giảm, mà nghiệp ác càng nặng nề thì dục tình cũng theo đó càng thêm bức bách.
Hãy xem một bầy chó đang lúc tụ tập tranh nhau hành dâm, có thể thấy rõ tham dục thật quá mạnh mẽ. Một con chó cái hôi tanh ghê tởm mà cả bầy chó đực đều biểu lộ sự tham ái ghê gớm. Con mạnh nhất tranh giành phủ được lên rồi, những con yếu vẫn chạy quanh thèm thuồng luyến tiếc. Khi thỏa mãn được lòng dục rồi lại dương dương tự đắc, thè lưỡi vẫy tai, hoàn toàn không biết gì đến sự hổ thẹn. Ví như gặp phải người tàn nhẫn vác gậy lớn quật thẳng vào xương sống, ắt là ngay sau phút ái ân say sưa, trong khoảnh khắc đã phải hồn xiêu phách lạc.
Chư thiên các cõi trời nhìn con người ở thế gian, cứ theo lý mà suy thì có thể hiểu được, [cũng sẽ cảm giác không khác gì chúng ta nhìn quang cảnh bầy chó như trên]. Dù vậy, rốt ráo siêu việt ra khỏi tất cả các tầng trời, thật chỉ có uy đức xuất thế lớn lao của Như Lai mà thôi.
1. Cõi trời Tứ vương và cõi trời Đao-lợi: Kinh Lâu thán chánh pháp nói rằng: “Chư thiên ở hai cõi trời Tứ vương và Đao-lợi, khi giao hợp thì hình thể nam nữ cũng gần gũi nhau giống như người thế gian, nhưng không có việc xuất tinh.”
2. Cõi trời Dạ-ma: Trên cõi trời Dạ-ma, [chư thiên nam nữ muốn thỏa lòng dục thì] lộ vẻ mừng vui ôm nhau, hoặc chỉ cần nắm tay nhau là đủ.
3. Cõi trời Đâu-suất: Trên cõi trời Đâu-suất, [chư thiên nam nữ muốn thỏa lòng dục] chỉ cần đùa cợt nói cười với nhau là đủ, không cần phải ôm nhau.
4. Cõi trời Hóa Lạc: Trên cõi trời Hóa Lạc, [chư thiên nam nữ muốn thỏa lòng dục] chỉ cần nhìn nhau là đủ, không cần đến việc nói cười.
5. Cõi trời Tha Hóa Tự Tại: Trên cõi trời Tha Hóa Tự Tại, [chư thiên nam nữ muốn thỏa lòng dục] chỉ cần nghe tiếng nói của nhau, hoặc ngửi mùi hương là đủ, không cần phải nhìn thấy nhau.