Vũ trụ rộng lớn mênh mang, hết thảy đều là sinh linh trong trời đất, [người người] đều là con dân trong nước. Nếu không may gặp phải những ngày binh lửa nhiễu nhương, vợ chồng chia lìa, mẹ con ly tán, khi ấy thì người có thể mở ra một con đường sống, cứu muôn dân khỏi phải nhanh chóng bị dồn vào chỗ chết trong đám loạn quân, duy nhất chỉ có bậc tướng soái mà thôi. Một khi gặp phải vị tướng quân không giữ nghiêm được quân kỷ, ắt [người dân phải chịu cảnh] bị hút kiệt máu xương, bị hủy hoại danh tiết, bị cướp mất sinh mạng... [Những hoàn cảnh bi đát thê lương ấy thật chẳng khác gì] tuyết trắng thêm sương, lửa hồng thêm củi.
Nay tôi thay mặt cho những người dân nghèo cùng khốn khó [từ nay cho đến] trăm ngàn năm sau, xin lễ bái khẩn cầu các bậc tướng soái [từ nay cho đến] trăm ngàn năm sau, xin [quý vị] đừng bao giờ tận sát dân trong thành quách, đừng cướp bóc nơi xóm làng, đừng đốt phá nhà dân, đừng chiếm đoạt cưỡng hiếp phụ nữ. Mỗi khi nhìn thấy cha mẹ người khác phải lâm vào cảnh hoảng hốt trốn chạy, nên hình dung đó như cha mẹ của chính mình đang lúc hoang mang không biết phải làm gì. Thấy vợ con người khác khốn khổ phiêu dạt, nên hình dung đó như chính vợ con mình lúc tình thân bịn rịn khó chia lìa.
Người xưa có nói: “Giàu sang phú quý, há phải do tài sản sở hữu trong nhà thôi sao?” Đang lúc nắm quyền thế trong tay, nếu không nỗ lực dùng phương tiện khéo léo cứu giúp người, thật chẳng khác gì kẻ vào được núi châu báu lại quay về với hai tay không. Làm bậc tướng soái, nếu như không nghĩ đến việc vì sinh linh tạo phước, vì muôn dân trong nước mưu sự bình an, chẳng phải là đã không nghĩ đến con cháu mai sau của chính mình đó sao? Nếu như có thể sớm tự hiểu ra được những điều này, quả thật phước báo ngày sau không thể đo lường được hết.
Hai vị tướng họ Tào
Tào Bân là tướng quân đời Tống, tính tình khiêm nhượng hiền hòa, chưa từng giết người vô tội. Lúc mới đánh được thành Toại Châu, các tướng dưới quyền đều muốn tận sát dân trong thành, ông cương quyết không đồng ý. Khi bắt được phụ nữ trong lúc đánh nhau, ông ra lệnh đưa hết về một nơi, bí mật sai người bảo vệ. Sau khi kết thúc đánh nhau, ông cho hỏi quê quán từng người để trả về. Đối với những người không có ai thân thích, ông lại chuẩn bị đủ lễ vật mà gả chồng cho.
Đến khi đánh thành Kim Lăng, trước hết ông đốt hương khấn nguyện rằng ngày hạ được thành ấy sẽ không giết bất cứ người nào cả.
Sau này các con của ông như Tào Vĩ, Tào Tông, Tào Xán đều nối nghiệp, nhận lãnh búa việt cờ mao, điều binh khiển tướng. Con út của ông là Tào Khí sau được truy phong đến tước [Ngô] vương và có người con gái là Thái hậu Quang Hiến, con cháu nhiều đời sau đều vinh hiển phát đạt không ai bằng.
Vào thời ấy lại có một vị tướng khác cũng họ Tào là Tào Hàn. Khi đánh thành Giang Châu, bị kháng cự lâu ngày không hạ được nên ông nổi giận, hạ lệnh tận sát dân chúng trong thành, lại buông thả cho quân sĩ tha hồ cướp bóc hãm hiếp. Sau khi ông chết chưa được ba mươi năm thì gia đình ông suy vi tan nát, con cháu có người trôi dạt đến vùng ven biển, phải đi ăn xin mà sống.
Lời bàn
[Một vị tướng quân có thể] tự mình không tham lam làm việc sai trái, tất nhiên là rất tốt, nhưng làm sao có thể sánh bằng việc nghiêm cấm quân sĩ của mình không cướp bóc? Như việc Tào Bân [bắt giữ tất cả phụ nữ rồi] bí mật sai người bảo vệ, nhất định là vì ông sợ có sự xâm hại từ các tướng lãnh của ông, quyết không phải do ông [có ý xấu định] bắt lấy [làm của mình] rồi sau đó [đổi ý mà] thả ra, huống chi ông lại còn tự mình lo việc gả chồng cho họ. Tào Bân có thể xem là mẫu mực muôn đời của những vị tướng soái có lòng nhân từ.
Người họ Chi
Huyện Gia Thiện có một nho sinh họ Chi, vào mùa xuân năm Kỷ Dậu thuộc niên hiệu Khang Hy, một hôm bỗng nói với người bạn họ Cố rằng: “Sao tôi bỗng nhiên thấy tinh thần hoang mang hoảng hốt, dường như có oan hồn báo oán đang đi theo tôi.”
Tiếp đó họ Chi liền ngã bệnh. Vì thế, người bạn họ Cố liền thỉnh một vị tăng là Pháp sư Tây Liên đến thưa hỏi. Lúc ấy họ Chi bỗng phát ra tiếng nói từ trong bụng như tiếng hồn ma, nói rằng: “Tôi trước đây vốn là một viên phó tướng hồi đầu triều Minh, họ Hồng tên Thù. [Tên họ Chi này khi ấy là] chủ tướng của tôi, họ Diêu, thấy người vợ họ Giang của tôi xinh đẹp liền khởi tâm tham muốn. Nhân khi ấy có một nơi kia làm phản, liền sai tôi đi chinh phạt [nhưng cố ý chỉ] giao cho bảy trăm tên lính già yếu. [Do quân binh yếu ớt], tôi không đủ sức dẹp loạn, phải bỏ mạng cùng cả đám quân sĩ ấy. Họ Diêu liền chiếm lấy vợ tôi, nhưng nàng [không thuận nên] treo cổ tự vẫn. Tôi ôm mối thù sâu nặng đó quyết đi theo báo oán. Nhưng họ Diêu thuở ấy đến tuổi già xuất gia tu hành, đời sau đó sinh ra thành một vị cao tăng, đời tiếp theo lại làm một vị đại học sĩ trong Hàn lâm viện, đời thứ ba lại làm một vị tăng giới hạnh, đời thứ tư sinh làm người hết sức giàu có, ưa thích bố thí, nên không một đời nào tôi có thể báo oán được cả. Nay là đời thứ năm, kẻ oan gia này của tôi lẽ ra đã được thi đỗ liên tiếp cả hai khoa thi, nhưng vì vào năm ấy trổ tài văn chương hý lộng, hại chết bốn người thương gia buôn trà, bị trời cao tước lộc, không cho thi đỗ nữa. Vì thế hôm nay tôi đến đây báo oán.”
Pháp sư Tây Liên nghe lời hồn ma kể rõ ngọn ngành, liền khuyên bảo [nên buông bỏ oán cừu,] hứa sẽ vì hồn ma mà tụng kinh lễ sám. Hồn ma liền chấp nhận. Người nhà thỉnh Pháp sư Tây Liên tụng kinh lễ sám, hóa giải oán cừu. Quả nhiên, không bao lâu họ Chi khỏi bệnh.
Sau đó một thời gian, họ Chi lại phát ra tiếng nói trong bụng như hồn ma. Pháp sư Tây Liên liền quở trách. Hồn ma nói: “Tôi nương nhờ Phật lực đã được siêu sinh, quyết không trở lại. Nay đến đòi mạng ông Chi chính là bốn người thương gia buôn trà bị ông ấy hại chết trước đây, thật không phải tôi. Vì sợ thầy trách tôi không giữ lời hứa nên mới đặc biệt trở lại đây nói rõ.” Nói xong liền đi mất. Chỉ trong chốc lát, họ Chi phát bệnh, chưa được hai ngày thì qua đời.
Lời bàn
Kinh Phật dạy rằng: “Dù có trải qua trăm ngàn kiếp, những nghiệp đã tạo ra đều không tự nhiên tiêu mất. Khi có đủ nhân duyên gặp nhau thì những quả báo của việc mình làm đều phải tự mình nhận lấy.” Việc đền trả một món nợ đã vay trước đây hai, ba trăm năm, so [với thời gian trăm ngàn kiếp] cũng không phải là quá xa xôi.