Hỏi: Nếu đã lỡ tạo nghiệp dâm dục, nên đối trước bàn thờ Phật mà sám hối, hay nên dựa vào tự tâm mình mà sám hối?
Đáp: Tâm tức là Phật, Phật tức là tâm. Việc đối trước bàn thờ Phật mà sám hối không hề ngăn ngại việc dựa vào tự tâm sám hối; dựa vào tự tâm sám hối cũng không ngăn ngại việc sám hối trước bàn thờ Phật. [Đâu nhất thiết phải chọn một trong hai?]
Hỏi: Những nghiệp dâm dục tạo ra trong đời này, tất nhiên cần sám hối để tiêu trừ. Nhưng với những nghiệp dâm dục đã tạo ra trong quá khứ [đời trước], mịt mờ không nhớ biết được thì cần gì phải sám hối?
Đáp: Tất cả chúng ta từ vô lượng kiếp đã qua cho đến hôm nay, bất kể là thọ thân bằng cách nào trong bốn cách sinh, bất kể là thác sinh vào đâu trong sáu nẻo, mỗi mỗi đều đã trải qua vô số lần sinh ra như thế; đối với các tội ác nặng nề nghiêm trọng, mỗi loại đều đã tạo tác vô số lần. Nếu chỉ sám hối tội lỗi đời này mà không nghĩ đến quá khứ, chẳng phải là diệt cỏ mà để lại gốc đó sao?
Hỏi: Đối với việc nhân quả thiện ác báo ứng, cha con cũng không thể chịu thay cho nhau. Nay sám hối tội lỗi của chính mình e còn chưa hết, lại vì tất cả chúng sinh mà sám hối, chẳng phải là nói quá lắm sao?
Đáp: Chỉ cầu lợi ích cho mình mà không nghĩ đến lợi ích cho người khác, đó là quan điểm của kẻ phàm phu. Tự mình chưa được giải thoát đã lo nghĩ đến việc cứu độ người khác, đó là tâm lượng Bồ Tát. Vua Vũ [lo nghĩ đến trong thiên hạ] có người chìm đắm như chính mình bị chìm đắm, có người đói khổ như chính mình bị đói khổ. Khổng tử [từng nói ra chí nguyện của ngài là] mong cho khắp thiên hạ người già đều được sống yên vui, người trẻ tuổi nuôi dưỡng được hoài bão. Phạm Trọng Yêm [trong Nhạc Dương Lâu Ký có viết rằng:] “Khi cần lo nghĩ thì lo trước thiên hạ, khi được vui sướng thì vui sau thiên hạ.”
Hỏi: Như vậy, dâm dục đúng là cội nguồn của sinh tử, không thể không dứt trừ. Tuy nhiên, pháp môn xuất thế là chuẩn bị cho đời sau, vậy đợi đến tuổi già hãy lo việc tu hành hẳn cũng chưa muộn.
Đáp: Việc đời nói chung, lo sớm thì nên chuyện, để muộn thì hỏng việc. Nếu đợi tuổi già mới bắt đầu tu tập, thật chẳng khác nào khi đói mới đi cày ruộng, lúc khát mới lo đào giếng. Huống chi người sống được cho đến tuổi già, trước mắt nhìn thấy cũng không nhiều. Người trong thiên hạ ai ai cũng bon chen bận rộn cho đến tận lúc tuổi già sức yếu, liệu được mấy người có thể sớm buông xả việc đời mà lo chuyện tu tập trước lúc chết?
Hỏi: Chúng sinh trong đời mạt pháp, thật nghèo khổ túng thiếu vô cùng, trong khi các cõi Phật thì lầu gác cung điện thảy đều bằng bảy món báu xinh đẹp trang nghiêm. Vì sao lại có sự khác biệt bất đồng quá mức như vậy? Huống chi, đức Phật luôn xem tất cả chúng sinh đều bình đẳng như con một của ngài, sao chẳng phân chia ơn huệ trong khắp mười phương, để tất cả chúng sinh đều cùng được thụ hưởng sự vui thú?
Đáp: Khổ vui khác biệt một trời một vực, đó là quả trong hiện tại, nhưng tạo ra quả hiện tại đó lại chính là do nhân quá khứ. Trong nhân quá khứ đó, hết thảy chúng sinh đều tạo nghiệp giết hại, chỉ riêng Bồ Tát tu tập từ bi; hết thảy chúng sinh đều đam mê sắc dục, chỉ riêng Bồ Tát tu tập hạnh thanh tịnh; hết thảy chúng sinh đều tham lam keo lận, chỉ riêng Bồ Tát ưa thích bố thí. Việc làm thiện, ác đã khác xa nhau một trời một vực, không ai có thể làm thay cho nhau, thì quả báo khác biệt một trời một vực, cũng không ai có thể gánh chịu thay nhau. Ví như hai mắt vua Thuấn đều sáng, so ra để nhìn rõ thì có thừa, [cha vua Thuấn là] Cổ Tẩu bị mù, dù chỉ một mắt cũng thiếu. Vua Thuấn tuy là người đại hiếu, liệu có thể lấy bớt một mắt mà chia sẻ cho cha hay chăng?
Hỏi: Nhà tranh vách đất đơn sơ, đó là thể hiện tấm lòng yêu dân của Nghiêu, Thuấn; xây dựng cung vàng điện ngọc, chính là sự xa xỉ ác độc của Kiệt, Trụ. Đức Phật đã xem ba cõi như lao ngục, cần gì phải dùng đến bảy báu để trang nghiêm cõi nước?
Đáp: Một đàng là hút máu muôn dân để dựng xây xa xỉ, một đàng là quả lành của phúc đức ba đời. Đem hai điều ấy mà so với nhau, thật không thể xem như nhau được.
Hỏi: Cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh, tất nhiên vượt trội muôn lần so với thế gian, nhưng cứ theo mô tả trong kinh, e rằng có sự thái quá. Nếu nhất nhất tin theo, chẳng phải là hoang đường lắm sao?
Đáp: Những gì người ta tin theo, bất quá chỉ là [trong phạm vi] mắt nhìn thấy, tâm suy tưởng. Những nơi mắt nhìn không thấu đã vội cho là hoang đường, huống chi những điều tâm suy tưởng không đến? Ví như con giun đất, chỉ biết ăn bùn trong phạm vi một thước đất, đã lấy đó làm vui, đâu biết đến có rồng xanh nhào lộn ngoài biển lớn, vẫy vùng đạp trên sóng nước? Lại như con bọ hung chỉ biết được niềm vui loanh quanh trong đống phẩn uế, đâu biết đến cánh chim bằng tung bay cao xa ngoài vạn dặm, cưỡi mây lướt gió?