Cùng là con người với nhau, có kẻ làm việc bằng tâm trí, có kẻ làm việc bằng sức lực tay chân; có người được giàu sang vinh hiển tôn quý, có kẻ phải nghèo hèn đói khổ khốn cùng, lẽ nào lại do đạo trời không công bằng hay sao?
Đó chẳng qua do chính mỗi người tự chuốc lấy mà thôi. Kinh Thi nói rằng: “Vĩnh viễn [làm điều gì cũng] hợp với mệnh trời, biết tự [sửa mình] cầu được nhiều phúc lành.” Kinh Dịch nói: “Nhà làm nhiều việc thiện ắt có thừa niềm vui.” Những người đời nay được giàu sang phú quý, nói chung đều là nhờ đời trước đã từng tu tạo phúc đức. Con cháu được hưởng vinh hoa, đều là nhờ cha ông có nhiều ân trạch để lại.
Những việc như thế vốn là lẽ đương nhiên. Chỉ có điều là trong khi được hưởng phúc, nếu lại tiếp tục tu tạo phúc đức, ắt sẽ như người làm ruộng, mỗi năm đều được thu hoạch thì mỗi năm cũng đều gieo trồng. Bằng như cậy vào quyền thế hiện nay mà hống hách, buông thả phóng túng theo những chuyện trăng hoa sắc dục, đó chẳng phải là [như Mạnh tử nói,] được tước vị của người mà lại vất bỏ tước vị của trời đó sao?
Điều khó khăn ở đây là, gặp hoàn cảnh thuận lợi thì thường vui mừng, vui mừng ắt thường quên mất tâm thiện, không có tâm thiện thì tâm tham dâm sinh khởi. Nếu vào lúc ấy mà có thể hốt nhiên phản tỉnh, tâm địa sáng suốt, ắt sẽ bồi đắp được nền phúc sâu dày.
Hàn Ngụy công
Đời Tống, Hàn Kỳ được phong tước Ngụy công, lúc đang giữ chức Tể tướng có bỏ tiền mua một phụ nữ về làm thiếp. Người phụ nữ ấy họ Trương, hết sức xinh đẹp. Lúc viết giấy bán thân đã xong, cô Trương bật khóc. Hàn Kỳ gạn hỏi nguyên do, cô nói: “Tôi vốn là vợ của quan Cung chức lang tên Quách Thủ Nghĩa. Năm trước chồng tôi bị một kẻ thuộc hạ vu cáo, nên hôm nay mới rơi vào tình cảnh này.” Hàn Kỳ động lòng thương xót, bảo cô gái mang tiền bán thân quay về nhà, hẹn khi nào làm rõ sự việc sẽ quay lại.
Cô gái họ Trương về rồi, Hàn Kỳ xem xét lại vụ việc và giải được mối oan cho người chồng của cô, lại sắp sửa điều anh ta đến nhận lại quan chức. Cô họ Trương đúng theo lời hẹn liền quay lại, Hàn Kỳ không gặp mặt, chỉ sai người đến chuyển lời rằng: “Ta là Tể tướng đương triều, không thể lấy vợ người khác làm thiếp của mình. Số tiền bán thân lúc trước, cô có thể giữ lấy không cần trả lại.” Rồi ông trả lại giấy bán thân, còn giúp thêm hai mươi lượng bạc làm lộ phí đi đường, bảo cô ta hãy quay về đoàn tụ gia đình. Cô họ Trương cảm động rơi lệ, quỳ xuống lạy tạ từ xa rồi ra về.
Sau, Hàn Kỳ được phong đến tước Ngụy quận vương, tên thụy là Trung Hiến, con cháu nhiều đời vinh hiển không ai bằng.
Lời bàn
Thuở xưa, Tư Mã Ôn Công lúc chưa có con trai, vợ ông [vì muốn ông có con nối dõi nên] âm thầm mua một phụ nữ về cho ông làm thiếp, chọn lúc thích hợp đưa vào phòng đọc sách của ông. Ông phớt lờ như không nhìn thấy. Người thiếp muốn thử lòng ông, cố ý cầm lên một pho sách hỏi: “Đây là sách gì thế?” Ông giữ sắc mặt nghiêm trang, chắp tay cung kính trả lời: “Đó là sách Thượng thư.” Người thiếp [biết ông thực sự không quan tâm đến mình,] đành rụt rè lui ra.
Nhìn chung, một khi tâm ham muốn sắc dục đã lạnh nhạt đi thì người ta có thể tự chế được. Bản lĩnh của Hàn Kỳ [có thể làm được việc nghĩa khí cao thượng như thế], hoàn toàn đều nhờ ở chỗ ít ham muốn.
Tào Văn Trung công
Trong khoảng niên hiệu Tuyên Đức, Tào Nãi giữ chức Thái Hòa Điển Sứ. Nhân một lần truy bắt bọn cướp trong đêm, giải cứu được một cô gái đẹp bị chúng giam giữ nơi nhà trọ. Cô gái ấy có ý thân cận, muốn gần gũi ông. Tào Nãi nói: “Ta làm sao có thể xâm phạm đến con gái nhà lành trong trắng?” Liền lấy ra một mảnh giấy, ghi vào bốn chữ “Tào Nãi không thể” rồi đốt đi. Suốt đêm ấy ông không hề động tâm. Sáng ra, ông sai người tìm gọi gia đình cô gái ấy đến nhận con về.
Về sau, Tào Nãi tham gia Điện thí, đang làm bài bỗng có cơn gió thổi bay đến trước mặt ông một mảnh giấy, trên đó thấy ghi rõ bốn chữ: “Tào Nãi không thể”. Ngay lúc đó, ông bỗng thấy tinh thần sáng suốt, ý văn dồi dào tuôn tràn. Kỳ thi ấy ông đỗ Trạng nguyên.
Lời bàn
Người ta trước phải [biết kiềm chế đối với những việc] “không thể”, rồi sau mới có được những chỗ “có thể”. Trong hai chữ “không thể” đó, thật có sức mạnh vô cùng.
Vương Khắc Kính
Vương Khắc Kính làm quan Diêm vận sứ vùng Lưỡng Chiết. Vùng Ôn Châu cho áp giải tội phạm đến, trong số đó có một phụ nữ cũng bị áp giải chung. Vương Khắc Kính nổi giận quát: “Sao có thể áp giải phụ nữ cùng đi trên đường xa ngàn dặm, phải chung đụng với quân binh sai dịch hỗn tạp như thế này? Làm như vậy thật hết sức nhơ nhớp cho lễ giáo. Từ nay về sau không được bắt bớ phụ nữ nữa.”
Lời bàn
Trong chốn quan trường, mỗi khi bắt bớ can phạm vẫn thường giải người đi chung đụng với phụ nữ, việc ấy thật không còn gì tổn hại đạo đức hơn nữa, bởi vì lòng hổ thẹn của nữ giới thật gấp trăm lần so với nam nhân.
Chưa nói đến những sự quát mắng nhục mạ, bức bách có thể đẩy họ đến chỗ xem thường cả mạng sống, chỉ cần dùng lời nhẹ nhàng tra vấn mà thôi, nhưng một khi bị bắt đến trước cửa quan, ắt họ đã sớm hồn xiêu phách lạc, xem đó như một vết nhơ suốt đời không sao rửa sạch.
Than ôi, vợ của quan chức so với vợ dân thường, bất quá chỉ có sự sang hèn khác nhau đôi chút. Hãy hình dung như vợ ta đang phải quỳ dưới công đường, rồi quan phủ hống hách bước đến, trăm ngàn con mắt đều đổ dồn vào, thử hỏi trong tình cảnh ấy thì cảm xúc của họ sẽ ra sao?
Nếu biết suy xét ứng xử được như Vương Khắc Kính, ắt con cháu đời sau có thể nhờ phúc trạch mà vô cùng vinh hiển.
Cố Đề khống
Có người họ Cố làm quan Đề khống ở huyện Thái Thương (tỉnh Giang Tô), mỗi khi lo việc đưa đón quan chức các nơi đến phủ, đều tạm ngụ ở nhà một người bán bánh họ Giang nơi ngoại thành. Về sau, ông Giang bị vu cáo là có dính líu đến bọn trộm, bị bắt vào ngục. Ông Cố vì ông Giang mà biện bạch, làm rõ được sự oan tình. Ông Giang nhân đó hết sức cảm kích, liền mang đứa con gái mười bảy tuổi đến nhà ông Cố, bảo lo coi sóc mọi việc nhà, [có ý cho làm thiếp của ông Cố]. Ông Cố không nhận, biện lễ vật theo đúng nghi lễ đưa cô gái trở về nhà ông Giang. Ông Giang lại cố ép, đến ba lần như vậy, [ông Cố vẫn từ chối].
Về sau, nhà ông Giang ngày càng sa sút túng quẫn, đến nỗi phải bán cô con gái này cho một thương gia. Lại nhiều năm sau đó, ông Cố hết hạn kỳ làm việc ở Thái Thương, được điều về kinh thành, đến làm việc dưới quyền quan Thị lang họ Hàn.
Một hôm, quan Thị lang có việc đi vắng, ông Cố lúc ấy tình cờ đang ngồi trước cửa phủ thì nghe có phu nhân quan Thị lang đến, ông vội quỳ mọp xuống giữa sân trước, không dám ngẩng lên nhìn. Phu nhân vừa trông thấy ông liền nói: “Xin mau đứng dậy, ngài chẳng phải là quan Đề khống họ Cố ở huyện Thái Thương ngày xưa đó sao? Tôi chính là con gái nhà họ Giang đây. [Khi xưa tôi bị bán cho một thương gia,] nhờ ông ấy thương yêu xem tôi như con gái, gả cho quan Thị lang làm vợ lẽ, chẳng bao lâu lại được thành vợ chính. Giàu sang phú quý của tôi hôm nay, đều là nhờ ơn ngài cứu giúp ngày trước. Tôi vẫn thường ân hận không biết làm sao báo đáp ơn sâu của ngài, thật may mắn thay hôm nay được gặp lại ngài ở đây. Tôi sẽ đem việc này thưa với chồng tôi.”
Quan Thị lang trở về phủ, phu nhân liền đem hết ngọn ngành chuyện xưa kể lại. Thị lang khen: “Quả là một người có đức nhân.” Liền mang việc ấy trình lên Hoàng đế Hiếu Tông, vua cũng hết lời ngợi khen, lập tức truyền lệnh tra xét các bộ xem nơi nào còn thiếu quan chức. Tìm được chức quan Chủ sự ở Hình bộ đang khuyết, liền phong cho ông Cố.
Lời bàn
Làm ơn không mong được báo đáp, đó là lòng nhân của Cố Đề khống. Chịu ơn người phải lo nghĩ đến việc báo đáp, đó là tình nghĩa của Giang phu nhân. Tiến cử người hiền cho đất nước, đó là lòng trung của Hàn Thị lang. Được người hiền tài thì dùng ngay không câu nệ quy cách, đó là sự [sáng suốt] quyết đoán của bậc thiên tử.
Nha dịch họ Lưu
Vào năm Nhâm Thìn thuộc niên hiệu Thuận Trị, có người họ Lưu làm nha dịch ở Giang Trữ, đi Giang Bắc bắt người. Sau khi bắt giam vào ngục, chiếu theo lệ nếu có hơn mười lượng bạc thì có thể chuộc phạm nhân ra. Một người tù nói với họ Lưu: “Tôi có đứa con gái, nhờ ông báo tin về nhà tôi, bán nó đi lấy tiền chuộc tôi về.” Họ Lưu nhận lời, liền sang bên kia sông tìm gặp vợ người ấy chuyển lời về việc bán con. Người vợ bán đứa con gái được hai mươi lượng bạc, đưa hết cho họ Lưu.
Họ Lưu nhận tiền rồi chiếm lấy làm của mình, [không nói gì đến việc chuộc người.] Người tù kia biết chuyện, uất ức quá mà chết. Mười ngày sau, họ Lưu bỗng ngã bệnh, tự nói ra rằng: “Người tù kia đến Đông Nhạc tố cáo tôi, lưỡi tôi sắp bị móc sắt lôi ra rồi!” Chốc lát sau, bỗng thè lưỡi dài đến mấy tấc, mắt mũi tai miệng... đều ứa máu ra mà chết.
Lời bàn
Người làm việc nơi cửa công đúng ra càng phải tu tạo phước đức. Những ai giống như họ Lưu, nhất định rồi sẽ phải gặp nhau trong ba đường ác.