Tiên sinh An Sĩ biên soạn sách này, từ những lý lẽ, sự kiện cho đến văn chương ý nghĩa đều trọn vẹn, chu đáo. Tuy nhiên, có 5 sự việc đáng lưu ý là:
1. Hóa thân sau cùng của Đế Quân
2. Vu Công giữ việc xử án
3. Đậu thị giúp đỡ muôn người
4. Tống Giao cứu kiến
5. Thúc Ngao chôn xác rắn
Tiên sinh khi khảo xét các chuyện này, hoặc vì có những chuyện chưa từng được chính thức ghi chép, hoặc vì có những chuyện thấy đã đăng tải đầy đủ nơi các sách khác, người đời sau đều rõ biết, nên lược bỏ đi.
Thế nhưng, như vậy thì người chưa từng đọc qua nhiều sách vở hẳn không thể biết được những chuyện này. Đây quả thật là một điều hết sức đáng tiếc cho đời sau. Vì vậy, nay căn cứ vào các bản chú thích, dẫn chứng của bài văn Âm chất để ghi chép thêm vào bản in lần này các chuyện nói trên, khiến cho sự thật được rõ ràng.
Nhưng cũng chỉ là y theo nguyên văn mà chép lại, không sửa đổi gì cả.
Thích Ấn Quang kính ghi
Hóa thân sau cùng của Đế Quân
Đế Quân sinh vào đời nhà Tấn, họ Trương, tên Á, tổ tiên vốn người đất Việt, sau dời về đất Thục, sống ở Tử Đồng (Tứ Xuyên). Ngài lớn lên tuấn tú nho nhã, tánh tình phóng khoáng, độ lượng, văn chương diễm tuyệt, sáng rõ mà khoáng đãng, trở thành bậc thầy nơi đất Thục. Cảm khái trước thời cuộc bất ổn lúc bấy giờ, ngài lên đường chu du phương xa. Về sau, những môn nhân đã từng theo học liền cùng nhau lập đền thờ ngài, đề tên là Văn Xương Quân.
Vào đời nhà Đường, hai vị vua là Đường Huyền Tông và Đường Hy Tông nhân khi tránh giặc loạn chạy vào đất Thục, đều được ngài hiển linh bảo vệ, giúp đỡ. Giặc yên, vua xuống chiếu phong ngài là Tấn vương. Người đời sau tôn xưng là Đế, đều là do nơi lòng tôn kính đối với ngài.
Vu Công xử án, xây cổng lớn đợi xe bốn ngựa
Vu Công sinh vào thời nhà Hán, người quận Đông Hải, giữ chức quan coi việc xử án trong huyện. Quận Đông Hải có người thiếu phụ góa chồng hết sức hiếu thảo, quyết lòng ở vậy thủ tiết thờ chồng, nuôi dưỡng mẹ chồng vô cùng chu đáo. Mẹ chồng thương, sợ mình làm cản trở việc tái giá của con dâu, liền treo cổ tự vẫn. Đứa con gái bà lại vu cáo rằng cô con dâu đã bức tử mẹ chồng. Người góa phụ kia không sao tự mình biện bạch.
Vu Công biết là án oan, cố sức bảo vệ, nhưng quan thái thú khi ấy chẳng nghe lời. Người góa phụ bị xử tội chết. Liền sau đó quận Đông Hải bị hạn hán suốt 3 năm.
Nhân khi có quan thái thú mới đến thay, Vu Công mang vụ án oan trình lên. Quan thái thú nhờ ông đến trước mộ người góa phụ hiếu thảo bị oan mà cúng tế. Ngay sau đó trời đổ mưa lớn.
Vu Công làm việc, mỗi khi đưa ra nhận định, phán đoán quyết án đều được người dân kính phục nghe theo. Cổng lớn nhà ông bị đổ, các vị phụ lão hương thân cùng kéo đến bàn việc xây lại. Vu Công nói: “Nên làm cổng sao cho xe bốn ngựa sau này có thể đi qua được. Ta giữ việc xử án, tích chứa nhiều âm đức, chưa từng quyết xử oan uổng, con cháu sau này ắt phải hưng thịnh.”
Sau con trai ông có công lớn với nước nhà, quả nhiên làm đến chức Thừa tướng, được phong tước Bình Tây Hầu, con cháu đời đời được nối truyền giữ chức Ngự sử Đại phu.
Họ Đậu giúp đỡ muôn người,
một cội sinh năm cành quế
Thời Ngũ đại, Đậu Vũ Quân người Yên Sơn, đã hơn 30 tuổi mà chưa có con. Một hôm nằm mộng thấy ông nội đã mất hiện về dạy rằng: “Con chẳng những là không có con, mà còn yểu mạng nữa. Nên sớm lo tu dưỡng phước đức, cầu chuyển mệnh trời.”
Đậu Vũ Quân do chuyện ấy mà nỗ lực làm nhiều việc thiện. Có người giúp việc trong nhà lấy trộm của ông hai trăm ngàn đồng tiền, chuyện vỡ lở, liền tự viết giấy bán đứa con gái nhỏ để bồi hoàn. Giấy viết rằng: “Tôi bán đứa con gái này vĩnh viễn để bồi thường vào khoản tiền thiếu nợ.” Về sau, người này lại trốn đi mất. Đậu Vũ Quân thương xót, liền đốt giấy nợ, nhận đứa con gái ấy làm con nuôi, lớn lên lại lo chu đáo việc chọn nơi gả chồng. Những người thân thích nội ngoại, nhà ai có tang mà nghèo túng không thể lo liệu, ông đều xuất tiền giúp việc mai táng; nhà ai có con gái không đủ tiền lo việc cưới gả, ông cũng xuất tiền giúp cho.
Ông tính toán thu nhập trong mỗi năm, giữ lại vừa đủ chi dùng, còn bao nhiêu đều mang ra giúp đỡ người khác. Sinh hoạt trong gia đình lại hết sức cần kiệm, không vàng ngọc trang sức, không thê thiếp nàng hầu. Ông lập một thư viện ở góc phía nam trong nhà, sưu tập được đến hơn ngàn quyển sách, rồi mời thầy đến mở lớp dạy học cho những học trò mồ côi hoặc nghèo khó ở khắp nơi, cung cấp đầy đủ mọi nhu cầu ăn học. Rất nhiều người nhờ ông giúp đỡ như thế mà về sau được hiển đạt.
Chẳng bao lâu sau, ông liên tiếp sinh được 5 người con trai, tất cả đều thông minh tuấn tú. Sau đó, ông lại nằm mộng thấy ông nội hiện về nói: “Từ nhiều năm nay, con làm được những việc công đức lớn lao lắm. Tên con nay đã được ghi trên sổ thiên tào, con sẽ sống thêm được 3 kỷ nữa. Năm đứa con rồi đây đều sẽ được vinh hiển. Con nên cố gắng làm việc thiện nhiều hơn, không được lười nhác, thối thất tâm lành xưa nay.”
Về sau, con trưởng của ông là Đậu Nghi làm đến chức Lễ Bộ Thượng Thư. Con thứ là Đậu Nghiễm làm đến Lễ Bộ Thị Lang. Con thứ ba là Đậu Khản làm quan Tả Bổ Quyết. Con thứ tư là Đậu Xưng làm Tả Gián Nghị Đại phu, được tham gia những việc chính sự quan trọng. Con thứ năm là Đậu Hy làm quan Khởi Cư Lang. Tám người cháu sau đó cũng đều được vinh hiển phú quý.
Ông thọ đến 82 tuổi, một hôm không bệnh, trong lúc đang cùng thân quyến trò chuyện cười nói, bỗng an nhiên mà đi.
Bậc danh sĩ thời ấy là Phùng Đạo có bài thơ tặng ông như sau:
燕山竇十郎,
敎子有義方。
靈椿一株老,
丹桂五枝芳。
Yên Sơn Đậu Thập lang,
Giáo tử hữu nghĩa phương.
Linh xuân nhất chu lão,
Đan quế ngũ chi phương.
Tạm dịch:
Yên Sơn có Đậu Vũ Quân,
Dạy con theo đạo nghĩa nhân chí tình,
Cha lành một cội uy linh,
Sinh con hiển hách năm cành quế thơm.
Tống Giao cứu kiến, trúng tuyển trạng nguyên
Đời nhà Tống, có hai anh em là Tống Giao, Tống Kỳ. Một hôm đang cùng ngồi đọc sách, có vị tăng nhìn thấy, xem tướng mạo rồi nói: “Người em sẽ chiếm bảng khôi nguyên, người anh cũng sẽ đỗ cao.”
Mùa xuân năm sau, vị tăng ấy gặp lại, vui mừng nói với người anh là Tống Giao rằng: “Con hẳn đã từng cứu sống được trăm vạn sinh mạng!” Tống Giao bật cười nói: “Con là học trò nghèo khổ, có sức đâu làm được việc như thế!”
Vị tăng nói: “Không nhất thiết phải là việc cứu người, dẫu muôn loài trùng bọ có sự sống đều kể là sinh mạng.”
Tống Giao nói: “Có một tổ kiến bị mưa lớn tràn ngập, con lấy cành trúc làm cầu cứu sống đàn kiến. Có lẽ là việc ấy chăng?”
Vị tăng nói: “Quả đúng vậy rồi. Do chuyện này mà năm nay em con tuy vẫn chiếm khôi nguyên, nhưng cuối cùng rồi con không thể kém nó.”
Đến kỳ công bố kết quả thi, quả nhiên Tống Kỳ đỗ trạng nguyên. Triều đình lập biểu chương trình lên Thái hậu. Thái hậu xem qua, cho rằng em không thể đặt trên anh, liền phóng bút sửa bài Tống Giao thành đệ nhất, còn Tống Kỳ thì từ đệ nhất (一) thêm vào một nét thành đệ thập (十).
Khi ấy mới biết lời vị tăng đã nói quả nhiên không sai.
Thúc Ngao chôn rắn, sau làm tể tướng
Tôn Thúc Ngao người nước Sở, thuở thiếu thời thường đi chơi đó đây. Một hôm nhìn thấy con rắn có hai đầu, liền giết đi rồi đem chôn. Về nhà lo buồn bỏ ăn. Người mẹ gạn hỏi sự việc, Thúc Ngao khóc mà nói rằng: “Con nghe người ta nói rằng ai nhìn thấy rắn hai đầu ắt phải chết. Hôm nay con đã nhìn thấy, sợ rằng phải chết mà bỏ mẹ.”
Người mẹ hỏi: “Hiện giờ con rắn ấy ở đâu?”
Thúc Ngao đáp: “Con sợ có người khác nhìn thấy nó mang hại nên đã giết mang chôn đi rồi.”
Người mẹ nói: “Đừng lo, mẹ nghe nói rằng người làm việc tích âm đức ắt được báo ứng tốt đẹp. Con ngày sau ắt sẽ được hưng vượng nơi đất Sở này.”
Quả nhiên, về sau Tôn Thúc Ngao làm Lệnh Doãn, giữ quyền chính nước Sở.