Chim chóc tuy là loài vật nhỏ nhoi, nhưng khi chim trống đi xa, chim mái cũng kêu lên những tiếng buồn thương, khi chim mẹ không về, chim con cũng biết chiêm chiếp kêu ran đợi mớm mồi. [Những tình cảm ấy] so với con người thật không khác biệt. Ví như rơi vào cảnh đôi bạn chia lìa, mẹ con ly tán, ắt phải kêu tiếng bi thương, bỏ ăn mất ngủ, sầu thảm không nơi nương tựa. Cho nên có câu rằng: “Chia rẽ trống mái trong loài vật, phải chịu quả báo vợ chồng ly tán; giết hại con cái của loài vật, phải chịu quả báo con cháu mình chết yểu.” Nhân quả rõ ràng không hề sai dối.
Ba con chim én nhớ ơn
Vào đời nhà Tống, ở Nghiêm Châu có người phụ nữ tên Vương Á Tam, một hôm nhìn thấy con mèo vồ chết chim én mẹ, liền mang cơm đến nuôi ba con chim én con trong tổ. Đến khi chim lớn bay đi mất.
Mùa đông năm ấy, Vương Á Tam qua đời. Tiếp đến mùa xuân năm sau, có ba con chim én bay về lượn mãi quanh nhà. Người mẹ của Vương Á Tam liền nói: “Có phải chim én tìm Á Tam chăng? Á Tam đã chết, chôn ở sau vườn.” Ba con chim én liền bay vào vườn, kêu tiếng đau thương rồi nằm chết cả trên mộ Vương Á Tam.
LỜI BÀN
Con người liệu có ai biết nhớ ơn xưa, tình sâu nghĩa nặng được như ba con chim én này chăng? Xem qua chuyện này rồi thật buồn đau mà hổ thẹn.
Chim khách chọn huyệt táng
Huyện Vũ Tấn có Cù Công là người nhân hậu, đức độ sâu dày. Một hôm, ông nhìn thấy con chim khách mang trên mình một mũi tên, cất tiếng kêu bi thương đau đớn. Ông thương xót liền nói: “Nếu mày muốn tao giúp nhổ tên ra thì mau đáp xuống đây.” Chim khách quả nhiên bay đáp xuống trước mặt ông. Cù Công nhổ mũi tên ra, nuôi dưỡng chim trong mấy ngày [cho bình phục] rồi thả bay đi.
Về sau, khi Cù Công muốn cải táng cha mẹ, đã tìm được chỗ đất tốt nhưng không biết chọn huyệt nơi nào. Khi ấy bỗng nhiên có một bầy chim khách tụ tập đến. Một con chim khách bay đến ngậm chéo áo Cù Công rồi bay lại một chỗ đất trong phần mộ, liên tiếp ba lần như vậy. Cù Công liền nói: “Nếu nơi ấy đúng là huyệt tốt, mày hãy kêu lên ba tiếng.” Chim khách lập tức y lời kêu lên ba tiếng. Cù Công cho mời thầy địa lý đến xem xét lại, quả nhiên chỗ đất ấy rất thích hợp, liền cho đào huyệt táng vào.
Về sau, hai con ông là Cù Sĩ Đạt và Cù Sĩ Tuyển dự thi Hương đều đỗ, con cháu về sau ngày càng hưng thịnh.
LỜI BÀN
Huyệt táng tốt xấu đều do nơi tâm mình mà ra. Tổ tiên hung bạo mà tự tâm mình không biết tích đức tu nhân, chỉ hướng ra bên ngoài mang linh cữu đi tìm chỗ đất táng cho tốt đẹp, đó chỉ là kẻ ngu muội mà thôi.
Lưới bắt chim bị mắc bệnh lạ
Ở Bà Dương có người thợ nhuộm họ Đổng, ưa thích việc lưới bắt chim. Bắt được rồi dùng que trúc xiên qua đầu chim, đặt trên lửa rơm thui chín, xong làm sạch lông rồi đem bán. Số chim đã bị ông giết hại như thế thật nhiều không đếm xuể.
Về sau họ Đổng bỗng nhiên mắc một chứng bệnh kỳ lạ, da dẻ toàn thân hóa thành thô ráp như vỏ cây, ngứa ngáy lạ lùng không sao chịu nổi, phải dùng rơm khô đốt lên hơ nóng cả người. Sau đó ông lại mắc chứng đau đầu, phải nhờ người dùng que trúc đánh vào đầu mới chịu được. Họ Đổng bị hành hạ đau đớn như vậy đến ba năm rồi mới chết.
LỜI BÀN
Dùng que trúc mà đánh vào đầu, dùng lửa rơm mà hơ toàn thân, đều là những chuyện khổ sở đau đớn, vì sao họ Đổng lại muốn được chịu đựng những điều như vậy?
Ấy là vì bản tính con người vốn hiền thiện. Lưới bắt chim chóc để giết hại, đó là làm những việc người ta không nên làm, do đó phải chịu quả báo dùng que trúc đánh vào đầu, đốt lửa rơm hơ nóng toàn thân, đều là muốn những việc người khác không hề muốn.
Cả bầy chim mổ xé thân xác
Vào cuối triều Minh, ở Vũ Tấn có người tên Cố Mưu, từng bắt chim chóc nhiều vô số. Về sau ông ta mắc bệnh nằm liệt trên giường, tự nói với người nhà rằng: “Hôm nay có chim đến mổ vào tay tôi.” Rồi lại nói: “Có chim đến mổ vào chân tôi.” Mỗi ngày lại thay đổi nơi bị chim mổ, cho đến lúc [cảm thấy] toàn thân bị chim mổ nát. Khi ấy đã ngã bệnh được bốn mươi chín ngày, lại nói với người nhà: “Hôm nay có chim đến mổ mắt tôi.” Nói xong liền chết. Người nhà đến nhìn, quả nhiên trong mắt không còn đồng tử.
LỜI BÀN
Người nuôi nhốt chim chóc trong lồng, tuy không lấy mạng chúng, cũng không tránh khỏi tạo nhân giam cầm trong lao ngục, phải nên kiêng sợ chớ phạm vào.
Đạn sắt xuyên vào bụng
Huyện Côn Sơn có người tên Cung Phúc, dùng súng bắn chim rất giỏi. Vào mùa hạ năm Nhâm Dần thuộc niên hiệu Thuận Trị, một hôm ông cầm que lửa soi vào chỗ thuốc súng, tàn lửa bay ra rơi vào thuốc súng bốc cháy dữ dội, râu tóc ông đều cháy sạch, lại bị một viên đạn sắt xuyên qua ngực vào tận trong bụng, chết một cách hết sức thê thảm.
LỜI BÀN
Hạng người này chắc chắn sẽ phải đọa vào địa ngục thiết hoàn. [Sau khi ra khỏi địa ngục,] nếu sinh làm người ắt phải chịu một trong ba loại quả báo. Một là chết vì lửa cháy, hai là chết vì súng đạn và ba là vì sợ hãi, phát cuồng mà chết.
Đức Phật Thích-ca trong vô số kiếp trước đây đã từng có lần làm vị Thiên vương cõi trời Đao-lợi, đánh nhau với loài a-tu-la. Khi ngài định dẫn binh quay về, bỗng nhìn thấy một con chim kim sí làm tổ trên cây đại thụ, liền suy nghĩ: “Nếu quân ta đi ngang đó, trứng chim kim sí ắt bị phá hoại mất.” Liền ra lệnh cho người đánh xe quay trở lại không về nữa. Quân a-tu-la thấy Đế Thích bất ngờ quay xe lại thì kinh hãi lui về. Nhờ một ý nghĩ nhân từ mà lần đó Đế Thích được chiến thắng.
Đến như vua trời Đế Thích còn không nỡ làm hại chỉ một quả trứng chim, huống chi những kẻ phàm phu phước bạc đức mỏng lại có thể xem thường mạng sống chúng sinh như cỏ rác được sao?