Sắc đẹp là thứ mà người thế gian luôn mong muốn, khoa cử thành đạt công danh lại cũng là điều người thế gian mong muốn. Nếu cả hai điều này đều muốn cùng đạt được, thì có khác chi người lưng đeo vạn đồng tiền còn muốn cưỡi hạc Dương Châu? Tuy nhiên, trong thế gian này thì điều làm mê hoặc lòng người nhất không gì hơn sắc dục, mà tương khắc với công danh sự nghiệp như nước với lửa, cũng không gì hơn [sự đam mê] sắc dục. Từ xưa đến nay những người tài ba lấy tri thức làm sự nghiệp từng bị con sông lớn ái dục cuốn trôi nhận chìm, thật không thể kể hết. Nếu là những kẻ được chăng hay chớ, bình thường không chú tâm gì đến sự nghiệp công danh khoa bảng thì như thế cũng được, chẳng nói làm gì. Nhưng với những người tàn đêm tuyết lạnh, chong đèn một bóng dồi mài kinh sử; cha mẹ ơn sâu, mỗi khi nhìn bóng trăng lạnh thì tinh thần đau xót [thương con khó nhọc]; vợ hiền nghĩa nặng, những lúc nghe tiếng gà gáy sớm lại rơi lệ [thương chồng vất vả]. Thế rồi chỉ trong một sớm quan phục không được nhận, bảng vàng chẳng thấy tên, vợ con bao ngày luống công mong đợi, ân đức cha mẹ sâu dày đành chưa báo đáp, thử hỏi xem trong tình cảnh ấy sẽ cảm thấy thế nào?
Nên có lời thơ rằng:
Làm trai muốn thỏa chí công danh,
Má thắm môi hồng đừng vướng bận.
Lâm Mậu Tiên
Lâm Mậu Tiên là người Tín Châu, [học hành chăm chỉ], hằng ngày đóng cửa đọc sách. Sau khi thi Hương đỗ cử nhân, hàng xóm có một nhà rất giàu, người vợ chê ông chồng thất học, ngưỡng mộ tài danh của Lâm Mậu Tiên, chủ động tìm dịp sang nhà, muốn dan díu với ông. Lâm Mậu Tiên nói: “Nam nữ có sự phân biệt, [cô làm như thế] lễ giáo không cho phép. Quỷ thần trong trời đất đầy khắp quanh đây, sao cô có thể làm vấy bẩn [sự trong sạch] tôi.” Người phụ nữ kia xấu hổ ra về.
Kỳ thi sau đó, Lâm Mậu Tiên đỗ tiến sĩ. Ông có ba người con, về sau cũng đều đỗ tiến sĩ.
Lời bàn
Ngay từ đoạn mở đầu, sách Trung dung đã nói đến [người quân tử luôn] “thận trọng răn ngừa” và “lo lắng sợ sệt”. Khi bàn luận đến kẻ tiểu nhân thì nói “không có chỗ nào kiêng sợ cả”. Qua đó có thể thấy, trong việc tu sửa bản thân thì quan trọng nhất chỉ có hai điều là biết “cung kính” và “sợ sệt”.
[Lâm Mậu Tiên nói rằng:] “Nam nữ có sự phân biệt, lễ giáo không cho phép”, đó là biết cung kính; lại nói: “Quỷ thần trong trời đất đầy khắp quanh đây”, đó là biết sợ sệt. Như thế có thể biết rằng sự tu dưỡng từ lâu của ông thật đã hết sức thâm hậu.
La Văn Nghị Công
La Luân khi trên đường dự kỳ thi Hội, thuyền dừng lại nghỉ ở bến Cô Tô, đêm ấy mộng thấy Phạm Văn Chính Công đến chào hỏi, rồi nói rằng: “Danh hiệu trạng nguyên năm tới đã thuộc về ông rồi.” Họ La khiêm nhường không dám nhận, Phạm Văn Chính Công liền nói: “Sự việc vào năm ấy, nơi lầu ấy, đã thấu đến lòng trời.”
Họ La [khi tỉnh dậy] nhân câu nói đó liền nhớ lại năm xưa nơi lầu ấy quả thật đã từng cự tuyệt với một cô gái muốn cùng ông dan díu. Vì thế nên ông tin rằng giấc mộng này chẳng phải hư vọng. Đến kỳ thi Đình [năm sau] quả nhiên ông đỗ trạng nguyên.
Lời bàn
Ở những nơi khuất tất không ai nhìn thấy, con mắt theo dõi của quỷ thần vẫn sáng như điện. Cho nên, người quân tử luôn phải thận trọng ngay cả những khi ở một mình không ai biết đến.
Dương Hy Trọng
Dương Hy Trọng quê ở Thành Đô, khi còn chưa đỗ đạt, xa quê lo việc học hành đèn sách. Có một cô gái xinh đẹp theo gạ gẫm muốn gần gũi ông, Hy Trọng không chấp nhận.
Đêm ấy, vợ ông ở quê nhà nằm mộng thấy một vị thần đến nói: “Chồng cô ở nơi đất khách quê người có thể giữ gìn tiết tháo đức độ, rồi đây sẽ được vượt trội nhất trong hàng sĩ tử.”
Người vợ tỉnh dậy hoang mang không hiểu gì cả. Đến cuối năm Hy Trọng về quê, lúc ấy bà mới biết được sự việc. Sang năm sau Dương Hy Trọng dự kỳ thi Hương, quả nhiên đỗ đầu trong toàn vùng Tứ Xuyên.
Lời bàn
Kinh Ưu-điền vương dạy rằng: “[Đam mê] nữ sắc là điều xấu ác nhất, rất khó tạo thành nhân duyên [tốt đẹp]. Một khi đã bị sợi dây ân ái buộc vào, ắt sẽ lôi kéo người ta đi vào tội lỗi.”
Được như Dương Hy Trọng, có thể nói là bị lôi kéo mà không hề lay động.
Người họ Tào
Có người họ Tào quê ở Tùng Giang, trên đường về Nam đô dự thi ở trọ trong một nhà nọ. Trong nhà có một phụ nữ [vừa gặp ông thì nảy sinh tư tình, muốn cùng ông] dan díu. Họ Tào vội vã lánh ra khỏi nhà, [tìm ngụ nơi khác], trên đường bỗng gặp [một toán quan quân] đèn đuốc sáng rực, có kẻ quát người đi đường tránh ra nhường đường. Đoàn người ấy cùng nhau kéo vào một ngôi miếu cổ. Họ Tào liền đến gần miếu, ý muốn lắng nghe xem bên trong nói gì, liền nghe thấy tiếng hô tên những người sẽ đỗ khoa này. Hô đến tên người đỗ thứ sáu, có tiếng một viên chức bẩm lên rằng: “Người này đức hạnh suy tổn, đã gạch tên rồi, giờ sẽ thay ai vào?” Có tiếng thần đáp: “Họ Tào không chịu dâm ô với bà chủ nhà trọ, đức hạnh tốt lắm, nên ghi tên vào.”
Đến khi công bố kết quả thi, quả nhiên họ Tào đỗ thứ sáu.
Lời bàn
Những kẻ háo sắc, nếu có phụ nữ tìm đến với họ ắt không chỉ là điềm báo tai họa. Những người đức độ, nếu có phụ nữ muốn lôi kéo chuyện mây mưa, [nhất định thế nào cũng cự tuyệt, nên] đó chính là điềm lành được hưởng phúc. Cho nên nói rằng, phúc hay họa đều do chính mình tự cầu mà có.
Lưu Nghiêu Cử
Lưu Nghiêu Cử là người ở Long Thư, thuê một chiếc thuyền đi lên tỉnh thành dự kỳ thi Hương. Trên đường đi đùa cợt trêu chọc người con gái của chủ thuyền, nên ông này lưu tâm đề phòng rất kỹ.
Đến khi Nghiêu Cử đã vào dự thi, chủ thuyền thấy trường thi cửa đóng then cài nhiều lớp, canh phòng hết sức nghiêm mật, nên cho rằng chẳng có gì phải lo nữa, liền vào trong phố chợ chơi một thời gian rất lâu. Không ngờ đề thi thuộc phạm vi Nghiêu Cử đã học kỹ nên anh ta làm xong và trở về thuyền rất sớm, liền [nhân cơ hội ấy] tư thông với đứa con gái chủ thuyền.
Khi ấy, ở quê nhà cha mẹ Lưu Nghiêu Cử đều nằm mộng thấy một người áo vàng mang bảng danh sách đến, báo tin Lưu Nghiêu Cử đỗ đầu. Họ vội vã chạy đến bên định xem bảng, bỗng có một người giật bảng lại, nói: “Họ Lưu gần đây làm điều gian dối, đã bị tước bỏ tư cách dự thi.” Hai người tỉnh dậy kể lại giấc mộng giống nhau, do đó đều sinh lòng lo lắng.
Không bao lâu đến lúc chấm quyển thi, Lưu Nghiêu Cử vì phạm quy nên bị tước bỏ tư cách thi, các quan chấm thi đều tiếc cho văn chương của ông.
Lúc về nhà, cha mẹ Lưu Nghiêu Cử đem chuyện trong mộng kể lại và cật vấn, Nghiêu Cử lặng thinh không dám nói lời nào.
Kỳ thi sau, Nghiêu Cử cuối cùng cũng đỗ được cử nhân, nhưng vĩnh viễn không đỗ được tiến sĩ.
Lời bàn
Ham vui chốc lát trên thuyền mà vĩnh viễn không được thi đỗ tiến sĩ, thật không còn gì ngu xuẩn hơn!
Người nho sinh ở Phụng Dương
Huyện Phụng Dương có nho sinh nọ, nhà có một cái hồ nhỏ trồng sen nhưng đã nhiều năm không nở hoa. Vào năm Kỷ Dậu thuộc niên hiệu Khang Hy, nho sinh này sắp đi đến Cú Khúc để tham dự kỳ thi lục di thì trong hồ bỗng nhiên trổ lên một cành sen tuyệt đẹp. Cha mẹ anh ta thấy vậy hết sức vui mừng, cho rằng đó là điềm báo tốt lành cho kỳ thi Hương sắp tới, liền quyết định sáng sớm hôm sau bày tiệc rượu ven bờ hồ để thưởng ngoạn.
Đêm hôm đó, vợ chồng nho sinh này đang cùng nhau vui vẻ, trong nhà có đứa tỳ nữ đi ngang qua, nho sinh buông lời đùa cợt trêu ghẹo, người vợ cũng không ngăn cản gì, cuối cùng đêm ấy anh liền cùng đứa tỳ nữ dan díu.
Sáng hôm sau ra xem thì cành hoa sen đã bị bẻ mất rồi. Cha mẹ nho sinh hết sức kinh sợ, tra hỏi mới biết chính là đứa tỳ nữ kia đã bẻ cành sen, hai người hết sức buồn rầu vì việc ấy.
Ngay đêm hôm đó, người nho sinh nằm mộng thấy mình được đến bái kiến Đế Quân, thấy tên mình đã ghi trên bảng những người thi đỗ, bỗng Đế Quân bước đến gạch xóa đi. Anh ta liền khóc lóc quỳ lạy hết lời cầu xin, van xin đến lần thứ ba thì bị đuổi ra.
Tỉnh dậy, nho sinh này tự biết đó là điềm chẳng lành, lên đường đi thi mà trong lòng hết sức buồn bực không vui. Thông thường, kỳ thi lục di ở phủ tuyển lấy ba người, mà về Cú Khúc dự thi năm ấy cũng chỉ có ba người, nhưng duy nhất chỉ có nho sinh này bị đánh rớt. Anh ta dự thi tiếp tục ba lần, cho đến lần cuối cùng kết quả vẫn như vậy, đành gạt lệ quay về.
Lời bàn
Giá như người vợ của nho sinh kia cứng rắn ngăn cản, ắt người chồng sẽ giận ghét, nhưng biết đâu nhờ vậy mà trong chốn u minh vẫn bảo toàn được công danh khoa cử cho chồng. Thuở xưa, người mẹ của Thúc Hướng vì nghe lời con can gián, muốn tránh tiếng xấu ghen hờn nhưng rồi lại khiến cho họ Dương Thiệt gặp nạn. Cho nên, chuyện ghen hờn của người vợ, đâu thể một lời mà nói hết?
Hai nho sinh ở Trực Lệ
Vào triều Minh, có một nho sinh về dự thi ở Nam kinh, phòng trọ nằm đối diện với nhà của một viên võ quan chỉ huy. Viên chỉ huy này có một người con gái, thường lén nhìn sang thấy nho sinh ấy rồi đem lòng yêu mến. Khi anh ta vừa thi xong, cô gái sai một tỳ nữ sang ngỏ ý, hẹn đêm hôm ấy sẽ gặp nhau. Nho sinh ấy sợ tổn hại âm đức, liền từ chối.
Có một người bạn ở trọ cùng phòng với anh ta, vốn là người dễ duôi phóng túng, biết chuyện này liền giả dạng bạn mình, đêm ấy tìm đến chỗ hẹn với cô gái kia. Trời tối, con tỳ nữ không phân biệt được, liền đưa anh ta vào trong nhà gặp cô chủ, hai người cùng ăn nằm với nhau. Tình cờ quên đóng cửa, sáng sớm người cha đã về, bước vào nhìn thấy liền nổi trận lôi đình, vung kiếm chém chết cả hai rồi đến tự thú với quan phủ.
Hôm sau yết bảng, anh nho sinh kia được đỗ đầu.
Lời bàn
Một người tên đề lên đầu bảng, một người danh liệt xuống thành quỷ oan hồn. So hai người ấy, sự sướng khổ, vinh nhục thật cách xa nhau một trời một vực. Ý niệm khác nhau ẩn khuất khó thấy, nhưng chỉ trong sớm chiều đã phải nhận lấy quả báo tương ứng, thật đáng sợ thay!
Hai anh em ở Nam Xương
ỞNam Xương có hai anh em sinh đôi, giống nhau như đúc, từ hình dạng cho đến giọng nói, nên ngay cả cha mẹ họ cũng khó phân biệt, phải dùng y phục khác biệt để nhận biết. Lớn lên lại cưới vợ cùng lúc, vào trường học cũng cùng lúc, cho đến những chuyện nên hư được mất của hai người, hầu như cũng đều tương tự như nhau.
Đến ngày hai người đi dự thi, lại cùng ở trọ chung một nhà. Có cô gái ở gần nhà ấy có ý trêu chọc người anh, anh ta liền cự tuyệt, lại răn nhắc người em phải đề phòng. Người em giả vờ vâng dạ, nhưng lại lén lút giả danh người anh đến gặp cô gái kia, lại có lời ước hẹn sau khi thi đỗ sẽ đến cưới.
Đến khi yết bảng, người anh đỗ, người em rớt. Cô gái kia không phân biệt được hai người, tưởng rằng người thi đỗ là người đã dan díu với mình nên trong lòng hết sức mừng vui, còn lo tiền đưa cho anh ta làm lộ phí đi đường về quê.
Mùa xuân năm sau, người anh lại thi đỗ tiếp tiến sĩ. Cô gái kia nghe tin mừng rỡ, lo chuẩn bị hành trang đợi người ấy đến cưới. Trông đợi hoài chẳng thấy tin tức gì, cuối cùng ôm hận mà chết.
Về sau, người anh được sống thọ, con cháu đều vinh hiển. Còn người em đã chết sớm lại không con nối dõi.
Lời bàn
Tướng mạng tốt xấu của con người đều do tâm thức trong đời trước tạo thành. Đời trước làm lành, ắt khi vào thai tự nhiên có đủ tướng tốt, lúc sinh ra đời cũng nhằm giờ tốt. Đời trước nếu làm ác, ắt kết quả đời này ngược lại. Chuyện tướng mạng tốt xấu vì thế không thể bác bỏ được. Tuy nhiên, tướng mạng tốt xấu khi đã sinh ra rồi thì cố định, nhưng tâm người lại không cố định. Cho nên những điều tai họa hay phước lành đều do tâm tạo ra chứ không do tướng mạng tạo ra. Chuyện tướng mạng tốt xấu vì thế không thể xem là tuyệt đối. Cứ xét như việc của hai anh em ở Nam Xương [tướng mạng giống nhau mà kết quả cuộc đời khác nhau] thì có thể hiểu ra được lẽ này.